Hội Đồng Kết Tập lần thứ Ba được tổ chức vào năm thứ 236 sau khi Đức Phật Bát-niết-Bàn, đó là vào thời Hoàng Đế Asoka (A-Dục Vương) trị vì.
Vị vua xứ Maurya đã trị vì từ Ấn Độ đến Kashmir, thung lũng sông Hằng, và đến tận vùng Madras ở phía Nam. Ông đã trở thành một Phật tử và đã làm hết trong khả năng của mình để giúp đỡ phát huy Phật giáo. Sự bảo hộ của hoàng gia này đã thu hút hàng ngàn những kẻ dị giáo, ngoại đạo giả dạng khoát y vàng để được hưởng nhiều quyền lợi vật chất. Mặc dù sống chung với những Tỷ-kheo, nhưng họ luôn thuyết giảng những giáo lý sai lạc và tạo ra nhiều phức tạp, rối rắm trong Tăng Đoàn. Vì số lượng của những kẻ dị giáo rất lớn và sự vô kỷ luật của họ, cho nên các Tỷ-kheo không thể nào tổ chức các lễ Uposatha (Lễ Bố-Tát, họp mặt, ôn tập và tụng đọc Giới Luật Tỷ-kheo Patimokkha) và cả lễ Pavarana (Lễ Tự Tứ) trong suốt 07 năm trời.
Khi vua Asoka phái một đại thần của mình đi để điều tra sự thật và giải quyết vấn đề này, thì vị quan chức ngu xuẩn này lại đi giết chết nhiều tu sĩ. Khi nghe được chuyện sai trái này, vua Asoka trở nên vô cùng hối hận và ám ảnh trong tâm rằng chính mình đã gây ra tội lỗi đó. Sau đó, Ngài Moggaliputta Tissa, một A-la-hán sống và ẩn dật ở một nơi trên Núi Ahoganga ở thượng lưu sông Hằng, đã cố giải tỏa cho nhà vua khỏi những ray rứt trong lương tâm của mình. Nhà vua đã thỉnh mời vị A-la-hán về tiếp đãi tại Chùa Asokarama trong 07 ngày và nhà Vua đã quỳ xuống để thỉnh cầu và nghe những lời dạy từ vị A-la-hán này. Tại đây, rất nhiều kẻ dị giáo đang lẫn lộn trong số Tỷ-kheo. Tất cả những Tỷ-kheo được chất vấn, kiểm tra về quan điểm giáo lý của mình và qua đó những kẻ dị giáo đã bị trục xuất ra khỏi Tăng Đoàn. Những Tỷ-kheo chính thống bắt đầu tổ chức lại các lễ Uposatha sau 07 năm đã không được thực hiện.
(I) Kết Tập Phiên Bản Cuối Cùng Của Tam Tạng Kinh (Tipitaka)
A-la-hán Moggaliputta Tissa (Mục-kiền-liên Tử-đế-tu) đã nhân cơ hội này tổ chức Hội Đồng Kết Tập Lần Ba để biên tập lại tất cả kinh điển chính thống. Một ngàn A-la-hán đã đến tham dự Hội Đồng được tổ chức tại Tu Viện Asokarama ở Pataliputra (kinh đô Hoa Thị Thành, là thành phố Patna ngày nay ở Ấn Độ) vào năm thứ 18 của triều đại trị vì của vua Asoka, lúc đó là năm thứ 236 sau Bát-Niết-bàn của Đức Phật.
Ngài Moggaliputta Tissa đã làm chủ trì hội nghị, ở đó nhiều tranh luận giáo lý khác nhau của nhiều bộ phái Phật giáo khác nhau đã đưa ra nghị sự, xem xét và bác bỏ, dẫn đến việc biên soạn nên Quyển “Kathavathu” (Những Điểm Dị Biệt), một trong 07 tập quyển “Vi Diệu Pháp Tạng”. Hội nghị dã kéo dài đến 09 tháng để nghe và tụng đọc lại toàn bộ Giáo Pháp và sau đó toàn bộ Tam Tạng Kinh Pali (Pali Tipitaka) đã được biên soạn và kết tập.
(II) Sự Truyền Bá của Phật Giáo ra ngoài Ấn Độ
Nhờ có được vị Vua Phật tử Asoka đang nắm quyền thống trị gần hết những xứ sở ở Ấn Độ bấy giờ làm người bảo trợ chính, thời gian đã chín muồi để tiến hành việc mở rộng Phật giáo.
Với tinh thần đó, A-la-hán Moggaliputta Tissa, vị trưởng lão lỗi lạc đứng đầu trong trường phái Theravada, đã quyết định biệt phái những A-la-hán đáng kính đi truyền bá Giáo Pháp của Đức Phật khắp Ấn Độ và mở rộng ra nước ngoài. Mỗi nhóm được dẫn đầu bởi một Trưởng Lão gồm có 05 Tỷ-kheo, mục tiêu là phát triển thêm số người được thụ giới vào Tăng Đoàn ở những vùng xa xôi. Tên của những bậc Trưởng Lão và 09 nơi họ được cử đến đã được ghi chép lại trong quyển Đại Sử Tích Lan Mahavamsa. Những bằng chứng khảo cổ học đã xác minh được tính chất lịch sử của những phái đoàn mang sứ mạng truyền giáo này.
Trong Bảo Tháp Stupa số 2 ở Sanchi, gần Bhopal, người ta đã tìm thấy được 2 hộp đựng những thánh tích từ thế kỷ thứ 1 và thứ 2 trước CN, có khắc tên của nhiều Tỷ-kheo và Trưởng Lão truyền giáo này. Nhờ vào những nỗ lực này, những Lời-Dạy của Đức Phật đã được truyền rộng ra theo 04 hướng khác nhau sau Kỳ Kết Tập Lần Thứ Ba này.
TÊN NGƯỜI TRUYỀN GIÁO | NƠI TRUYỀN GIÁO | |
---|---|---|
1 | TL Majjhantika | Kasmira & Gandhara (1a) |
2 | TL Mahadeva | Mahimsamandala (2a) |
3 | TL Rakkhita | Vanavasi (3a) |
4 | TL Yonaka Dhammarakkhita | Aparantaka (4a) |
5 | TL Maha Dhammarakkhita | Maharattha (5a) |
6 | TL Maha Rakkhita | Yonaka (6a) |
7 | TL Majjhima | Himavantapadesa (7a) |
8 | TL Sonaka và TL Uttara | Suvannabhumi (8a) |
9 | TL Mahinda, Itthiya, Uttiya, Sambala & Bhaddasala | Tambapannidipa (9a) |
- (1a) Gandhara bao gồm cả quận lí Peshawar & Rawalpindi của Pakistan. Kasmira chính là Kashmir ngày nay.
- (2a) Mahimsamandala thường được biết đến là vùng Mysore ngày nay.
- (3a) Vanavasi bao gồm cả những vùng duyên hải như Kerala và Malabar.
- (4a) Aparantaka hay còn gọi là ‘vùng viễn Tây’ bao gồm cả vùng rộng lớn Mumbai ngày nay (Bombay), vùng Gujarat, Kachchh và Sind ở phía Bắc Ấn Độ.
- (5a) Mararattha chính là Maharashtra ngày nay.
- (6a) Yonaka (tiếng Phạn là Yavana) cùng với Kamboja có nghĩa là khu vực của những Họ Tộc ngoại bang ở vùng biên giới phái Tây Bắc, nhưng cũng thuộc lãnh thổ của Đế Quốc Asoka.
- (7a) Himavantapadesa chính là xứ Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn).
- (8a) Suvannabhumi hay ‘vùng đất vàng’, gồm 2 huyện lỵ Bago (Pegu) và Mawlamyine (Moulmein) thuộc tiểu bang của người Môn ở Miến Điện, Myanmar (Burma).
- (9a) Tambapannidipa chính là đảo quốc Tích Lan (Sri Lanka).
(III) Những Thành Tựu Của Hội Đồng Kết Tập Thứ Ba
Hội Đồng Kết Tập lần thứ Ba bài trừ và loại bỏ tất cả những xu hướng giáo lý vốn được cho là không chính thống và nhất quán với niềm tin của đại đa số Trưởng Lão và đã biên tập kết thúc thành công Tạng Kinh Pali.
Tuy nhiên, thành công to lớn nhất đó là việc gửi đi những phái đoàn truyền giáo đến những xứ sở khác để truyền bá Phật Pháp, bởi vì trước kia, Phật Giáo chỉ được truyền bá trong phạm vi thu hẹp trong vài tiểu bang của miền Bắc Ấn Độ. Nhờ vào trí tuệ và tầm nhìn xa của A-la-hán Moggaliputta Tissa, sự bảo trợ của vị hoàng đế Phật tử anh minh là Vua Asoka, và công sức của những phái đoàn truyền giáo đầy tâm huyết mà Giáo Pháp của Đức Phật (Buddha-Sasana) đã được truyền bá ra khỏi biên giới của quê nhà.
Ngay bản thân vua Asoka cũng có 02 người con ruột là (hoàng tử) Tỷ-kheo Mahinda và (công chúa) Tỷ-kheo Ni Sangamitta cũng đã được phái đi trong sứ mạng này ở Tích Lan. Vì vậy, sau này khi Phật giáo bị biến mất ở Ấn Độ hơn 600 năm sau khi bị người Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ man rợ tàn sát vào thế kỷ 12 sau CN, ánh sáng Phật Pháp vẫn còn được chiếu sáng ở Tích Lan, Miến Điện, và những nước theo Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, là cái gốc mà Giáo Pháp của Đức Phật đã được thiết lập từ lúc đó.
Càng thêm kỳ lạ thay, một câu chuyện được chép trong Đại Sử Tích Lan (Mahavamsa) vào thể kỷ thứ 6 sau CN, kể tích rằng Ngài Moggaliputta Tissa1 là một vị trời Phạm Thiên (Brahma) trong kiếp trước. Từ thời Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển lần thứ Hai, những vị A-la-hán, sau khi thấy được những nguy cơ suy đồi trong tôn giáo trong tương lai, đã đến thỉnh cầu Ngài giúp đỡ. Trong lúc đó thời gian sống ở cõi Phạm Thiên của Ngài cũng đã sắp hết. Ngài đã đồng ý được sinh ra trong cõi người, để sau này ngăn chặn sự thoái lui, xuống dốc của Phật giáo. Những sự kiện lịch sử Phật giáo sau đó trong thời của Ngài có vẻ đã xác minh cho lời tiên tri của những A-la-hán từ thời Hội Đồng Kết Tập lần thứ Hai.
Ngày hôm nay chúng ta được chứng kiến những cảnh tượng mới là các tu sĩ khác ở những nước Phật giáo đã quay về lại Ấn Độ để làm sống lại Giáo Pháp của Đức Phật ngay trên quê hương khởi thủy của Giáo Pháp!
Trích "Giáo Trình Phật Học" của Chan Khoon San
Lê Kim Kha dịch Việt