Nằm một bên quốc lộ, cách thành phố Kandy của Sri Lanka khoảng 40Km là ngôi làng mang tên Matale. Mặc dù ngôi làng có thể không được nhiều khách du lịch biết đến, nhưng ngôi làng này rất nổi tiếng đối với những học giả Phật học và nhiều Phật tử, bởi vì ở đó, chúng ta có thể tìm thấy Viện Bảo Tàng & Thư Viện Phật Giáo Quốc Tế (International Buddhist Library & Museum) và Hang Động Aloka (Aloka Cave), di tích của nơi diễn ra Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Tư, nơi đây những Lời Dạy của Đức Phật lần đầu tiên đã được tụng đọc, trùng tuyên, kết tập và được viết xuống lá Bối (ola palm leaves: Lá cây thuộc họ cây cọ dừa).
Những du khách viếng thăm ngày nay có thể được chứng kiến quá trình phơi sấy khô lá Bối, vuốt thẳng ra và kỹ thuật viết bằng mực in lên trên lá Bối. Ở đó cũng có một tủ trưng bày, bên trong có nguyên một bộ Tam Tạng Kinh Pali Tipitaka được viết trên lá bối đang được bảo tồn.
Theo quyển sách Lịch Sử Tôn Giáo1 (Sasanavamsa) có ghi chép rằng: Đã có lần nạn chết đói đang bửa vây khắp đảo Sinhala (tức Ceylon, Tích Lan) và có rất nhiều Tỷ-kheo đã phải rời khỏi đảo (sang Ấn Độ), bởi vì các Ngài lo sợ rằng các Ngài không thể tiếp tục học thuộc ba tạng kinh Tipitaka trong lúc không có thức ăn, đói khát. Tuy nhiên, 60 Tỷ-kheo khác thì ở lại bên một vùng bờ biển, họ tiếp tục cùng nhau học ba tạng kinh, hằng ngày chỉ ăn rau, củ đào được xung quanh đó. Đến khi bị ngã quỵ do bị đói và kiệt sức, họ nằm xuống trên cát, mắt hướng về nhau và không thốt ra một lời nào. Họ nghĩ và học chữ viết trong tâm trí của họ. Bằng cách như vậy, họ đã giữ được ba tạng kinh Tipitaka cùng với những luận giảng trong đầu họ suốt 12 năm, nhằm duy trì Phật Pháp không bị suy mất. Cuối 12 năm, 700 Tỷ-kheo khác đã quay trở về từ Ấn Độ và cùng nhau học tụng Giáo Pháp cùng với 60 Tỷ-kheo đã ở lại vùng duyên hải đó. Lúc đó, tất cả họ cùng tụng đọc lại Tam Tạng Kinh và cũng đều giống nhau trùng khớp với nhau về Tam Tạng Kinh. Đó chính là cách mà ngày xưa các bậc Trưởng Lão (Thera) hay những Đại Trưởng Lão (Mahathera: những Tỷ-kheo trên 20 tuổi Hạ) đã hoàn thành trách nhiệm khó khăn trong việc thuộc, nhớ Tam Tạng Kinh bằng con đường truyền miệng.
Hẳn quý độc giả sẽ sẽ cảm thấy vô cùng xúc động với những nỗ lực đầy kiên trung và nhiệm mầu trong công cuộc truyền thừa Phật Pháp của những bậc sư thầy ngày xưa đó.
Lòng kiên trung hết mực và nhiệt huyết của những bậc Trưởng lão ngày xưa trong việc học tụng kinh điển để không được bỏ sót bất cứ một từ ngữ nào, có thể được minh họa bằng câu chuyện sau đây:
Sau khi đã học xong những lời dạy của Đức Phật từ người thầy là Trưởng lão Dhammarakkhita (Hộ Pháp) của xứ Yona ở Ấn Độ, Trưởng lão Tissa, con trai của một người điền chủ Punabbasu, đã rời khỏi Ấn Độ để quay trở lại Tích Lan (Ceylon). Trong khi gần đến bến thuyền để chuẩn bị lên thuyền về nhà, ông ta chợt thấy còn vài điều nghi vấn về trong một số câu tụng của Tam Tạng Kinh Tipitaka. Như vậy là ông quay trở lại đường cũ, quay lại chỗ người thầy ở Ấn Độ, cách đó khoảng 100 Yojana (1 yojana = 8 đến 13 dặm Anh, khoảng trên dưới 500km) để giải bày với người thầy. Điều này cho thấy rằng, mặc dù trách nhiệm phải học và nhớ Tam Tạng Kinh của những Tỷ-kheo Trưởng Lão đã là rất khó khăn, nhưng họ rất kiên trung và luôn luôn làm hết sức để không bị bỏ sót một từ ngữ nào. Và những điều gì họ chưa học thuộc chắc được, họ sẽ tiếp tục đọc nhớ bằng trí-nhớ cho đến khi nào họ không bị bỏ sót từ nào hay còn nghi vấn về một chỗ nào. Đó là cách mà Tam Tạng Kinh được truyền thừa bằng đường miệng, bằng những câu vè, dân ca, và được những thế hệ những bậc Trưởng lão và Tỷ-kheo tập họp lại, biên tập và kết tập thành công kể từ Hội Đồng Kết Tập Lần Thứ Nhất.
Việc Ghi Chép Tam Tạng Kinh Trên Lá Bối
Theo những ghi chép biên tập bởi nhà sư học giả dịch giả Bhikkhu Nanamoli2: Bốn tháng sau khi Vattagamimi Abhya trở thành vua của xứ Lanka, tức Tích Lan, Sri Lanka (104-88 trước CN), sau một thời gian, triều đại đã bị thất thế vào tay quân phiến loạn của Bà-la-môn Tissa, kéo theo là nạn chết đói, rồi đến sự xâm lăng của quân Tamil và nhà vua đã bị lưu đày. Những Tỷ-kheo từ Đại Tu Viện (Mahavihara) đã chủ trì hội nghị. Ý tưởng được đề xuất là:
“Trong tương lai, mọi người chỉ còn sự chánh-niệm, trí tuệ và sự chánh-định kém cõi, không thể ghi nhớ trong tâm trí (Tam Tạng Kinh) bằng con đường truyền miệng.”
cho nên Hội Đồng Kết Tập đã quyết định ghi chép Tam Tạng Kinh Tipitaka cùng với những luận-giảng dưới dạng sách để cho thời sau học được. Thời sau: đó là những lúc mà những vihara (tự viện, chùa chiền, Tịnh Xá, Tu Viện dành cho các tu sĩ Phật giáo) không còn đông đúc và việc bảo tồn Tam Tạng Kinh lúc đó bằng con đường truyền miệng với nhau là sẽ rất khó khăn! (Đây là sự tiên tri đúng đắn và chính xác).
Vào lúc bấy giờ, nghệ thuật chữ viết cũng đã phát triển khá sâu rộng, cho nên điều thiết thực và cần thiết nên làm là ghi chép toàn bộ Giáo Pháp của Đức Phật thành sách, để tránh tình trạng sau này chánh pháp bị biến mất, bị mai một hay bị tranh cãi, một khi không còn ai hay nhóm người nào có thể thuộc nhớ và đọc tụng lại chính xác toàn bộ ba tạng kinh đồ sộ như vậy.
Sự kiện mang tính lịch sử này diễn ra tại Chùa Hang Động Aloka Vihara, còn gọi là Tu Viện Alu (Aluvihara) thuộc vùng Matale, một nơi nằm trên đảo Tambapanni, nước Tích Lan (Ceylon), ngày nay vẫn còn địa danh này và quận lớn Matale ở Tích Lan. Hội Đồng Kết Tập này được coi như là Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Tư bởi trường phái Trưởng Lão Bộ (Phật Giáo Nguyên Thủy), mặc dù ở Ấn Độ lúc đó cũng diễn ra một Hội Đồng Kết Tập khác dưới sự bảo trợ của Vua Kanishka của xứ Kushan (Kasmir ngày nay)3 vào khoảng năm thứ 100 sau CN, hội đồng ở Kushan đó cũng được cho là Hội Đồng Kết Tập Phật Giáo lần thứ Tư.
Sau khi Hội đồng nghị sự diễn ra, tất cả những kinh điển, cùng với những luận giải (Atthakatha) đã được khắc bằng chữ viết trên lá Bối và tất cả những mẫu chữ viết đều được kiểm tra lại một cách cẩn thận đến chắc chắn về tính chất xác thật, chính xác của chúng. Đó là cách và quá trình mà Ba Tạng Kinh Pitaka đã được bảo tồn. Một cuộc viếng thăm đến khu Chùa Hang Động chắc chắn sẽ làm trỗi dậy trong chúng ta một niềm xúc động, lòng tri ơn sâu sắc đối với Tăng Đoàn vì công sức, trí tuệ và hoài bão lớn lao của các Ngài trong việc ấn chứng bằng cách ghi chép nguyên vẹn lại những Lời Dạy của Đức Phật trên những lá Bối cho thế hệ mai sau.
Cũng chính nhờ vào tầm nhìn xa rộng và những cố gắng kiên trung của những Tỷ-kheo và các bậc Trưởng Lão lỗi lạc như vậy, mà từ đó cho đến tận ngày nay, không có ai hay một tu sĩ hay một học giả nào dám “tự cho mình là giỏi giang hơn để có thể giả mạo, tự thêm bớt hay làm mai một Chánh Pháp đích thực”.
Thời gian này được dựa theo cách tính của Phật Giáo nguyên thủy Trưởng Lão bộ (Theravada), cho rằng Bát-Niết-bàn (Parinibbana) của Đức Phật là vào năm 543 trước CN. Những nguồn nghiên cứu của phương Tây thì cho rằng Bát-Niết-bàn của Đức Phật là vào năm 483 trước CN, tức là trễ 60 năm so với thời điểm theo cách tính của Phật Giáo Nguyên Thủy.
Trích "Giáo Trình Phật Học" của Chan Khoon San
Lê Kim Kha dịch Việt