Khoảng một thế kỷ sau khi Bát-Niết-bàn của Đức Phật, một số Tỷ-kheo thiếu tự trọng thuộc thị tộc Vajjī (Bạt-kỳ) ở thành phố Vesali (Tỳ-xá-ly) lại muốn được hưởng tự do trong 10 Điều, mà 10 điều đó có thể bị xét là 10 điều Vi Phạm Giới-Luật (Dasa Vatthuni). Ngài Yasa, con của Bà-la-môn Kakandaka, là một chuyên gia hay luật sư về Luật Tạng (Vinaya) đến từ Kosambī. Ngài đến ở tại giảng đường Kutagara của tịnh xá Mahavana (Đại Lâm) ở rừng Mahavana (Đại Lâm), và chứng kiến cảnh những Tỷ-kheo xin tiền từ những người tại gia, và Ngài đã hoàn toàn phản đối điều đó.
Sau khi những Phật tử cư sĩ cúng dường bằng tiền cho các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo đem về và cuối ngày chia đều số tiền cho nhau, và họ cũng chia đều một phần cho Ngài Yasa. Khi Ngài Yasa từ chối nhận tiền và quở trách những Tỷ-kheo phạm tội thì họ ra mặt phê bình, khiển trách ngược lại Ngài Yasa theo phép “Patisaraniya kamma” (Âm HV: phép Yết ma hạ ý), một cách “Hòa Giải” được ghi là “Phép Đình Chỉ” (Ukkhepaniya kamma), có hiệu lực trục xuất Ngài Yasa ra khỏi Tăng Đoàn.
(I) 10 Điều (Dasa Vatthuni) Các Tu Sĩ Vajjī (Bạt-Kỳ) Đòi Được Tự Do, Được Miễn Chấp
Trong quyển Cullavagga (Tiểu Phẩm) thuộc Luật Tạng đã ghi lại Mười Điều hay Mười Điều Miễn Chấp (Dasa Vatthuni) những Tỷ-kheo Vajjī (Bạt-kỳ) đòi được tự do thực hiện, và Ngài Yasa đã công bố lại như sau:
- (1) Sigilona kappa – Các Tỷ-kheo có thể mang muối theo trong một chiếc sừng. (Điều này trái với Điều Luật Pacittiya 38, cấm tồn trữ thức ăn).
- (2) Dvangula kappa – Các Tỷ-kheo được dùng bữa khi bóng đã xế quá hai ngón tay so với chính Ngọ mặt trời ở thiên đỉnh (đứng bóng). (Điều này trái với Điều Luật Pacittiya 37, cấm không được ăn sau buổi trưa (quá ngọ)).
- (3) Gamantara kappa – Được đi vào làng và dùng thêm một bữa ăn thứ hai trong cùng một ngày. (Điều này trái với Điều Luật Pacittiya 35, cấm ăn quá nhiều).
- (4) Avasa kappa - Thực hiện nghi thức Bố-tát (Uposatha) tại nhiều nơi trong một giáo khu (một làng, một địa phương). (Điều này trái với các giới luật ghi trong bộ Đại Phẩm (Mahavagga II, 8, 3): về sự cư trú trong một giáo khu (sima)).
- (5) Anumati kappa - Thực hiện quyết định nơi nghị sự mặc dù không có đủ tất cả tham dự, với giả định rằng những Tỷ-kheo vắng mặt cũng sẽ đồng ý. (Điều này trái với các giới luật ghi trong bộ Đại Phẩm (Mahavagga IX, 3, 5)).
- (6) Acinna kappa - Được phép làm theo thói quen tiền lệ do người thầy làm trước. (Điều này trái luật).
- (7) Amathita kappa - Được uống sữa (sữa đông, bánh sữa…) sau bữa ăn. (Điều này trái với Điều luật Pacittiya 35, cấm ăn quá nhiều).
- (8) Jalogi patum - Được uống nước dừa đã lên men, nhưng chưa chuyển thành rượu To-di (loại rượu mạnh để hòa với đường và nước nóng). (Điều này trái với Điều luật Pacittiya 51, cấm dùng các thức uống độc hại).
- (9) Adasakam nisidanam - Được dùng tọa cụ (tấm lót, gối để ngồi thiền) không đúng kích cỡ quy định, chỉ cần không có viền tua. (Điều này trái với Điều luật Pacittiya 89, cấm dùng tọa cụ có viền tua và quá khổ quy định).
- (10) Jatarupa rajatam - Được nhận vàng, bạc, tiền. (Điều này trái với Điều Luật Nissaggiya-pacittiya 18, cấm Tỷ-kheo tự mình nhận tiền hay vàng bạc, hoặc mình là nguyên nhân khiến người khác nhận tiền thay cho mình).
Sau khi nhóm Tỷ-kheo đã ra hình phạt đình chỉ (Ukkhepaniya kamma) trục xuất Ngài Yasa ra khỏi Tăng Đoàn, Ngài Yasa đã đi đến Kosambī và cử những người đưa tin đi đến gặp những Tỷ-kheo ở những xứ miền Tây ở Avanti và ở miền Nam để kêu gọi sự ủng hộ của họ trong việc ngăn chặn sự thoái hóa trong tôn giáo và bảo vệ giáo Luật (Vinaya). Sau đó, Ngài đi đến Đồi Ahoganga ở Thượng Lưu Sông Hằng để thỉnh giáo trưởng lão Sambhūta Sanavasi ở thành Mathura và rồi tháp tùng với 60 Tỷ-kheo từ Pava, miền Tây và 88 Tỷ-kheo từ Avanti và miền Nam. Trưởng lão Sambhūta Sanavasi khuyên họ đến thỉnh giáo trưởng lão Revata ở Soreyya (xứ Kanauj), một cao tăng rất nổi tiếng vì lòng kính đạo và sự uyên bác của ngài ấy. Cùng với trưởng lão Sambhūta Sanavasi, cả đoàn cùng nhau đi đến Soreyya để gặp trưởng lão Revata. Nhưng vị này đã nghe biết chuyện và cũng đang trên đường đi thành Vesali để gặp mọi người. Hai bên cuối cùng đã gặp nhau tại thành phố Sahajati. Ngài Yasa đã trình bày với trưởng lão và xin Ngài cho biết ý kiến về vấn đề 10 Điều đã nói trên. Trưởng lão Revata tuyên bố tất cả những điều đó đều là vi phạm giới-luật.
(II) 10 Điều (Của Các Tỷ-kheo Bạt-Kỳ) Đã Bị Tuyên Bố Là Trái Luật Tại Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Hai
Trong khi đó, các Tỷ-kheo xứ Vajjī (Bạt-Kỳ) cũng liên tục theo dõi đường đi nước bước của Ngài Yasa, họ cũng kéo đến thành Sahajati tặng quà cáp nhằm lấy lòng và tranh thủ sự ủng hộ của trưởng lão Revata, nhưng Ngài Revata từ chối, không chấp nhận. Họ cũng tìm cách xúi dục Uttara, đệ tử của Ngài Revata, nhưng cũng thất bại.
Khi Tăng Đoàn họp mặt cùng nhau để quyết định, giải quyết những vấn đề này, Ngài Revata đã đề nghị rằng vấn đề nên được giải quyết ở nơi mà những bất đồng đã bắt nguồn xảy ra. Vì thế, tất cả trưởng lão đều đi đến thành Vesali (Tỳ-xá-ly) để Tăng Đoàn hội nghị giải quyết vấn đề đang tranh cãi, nhưng không có kết quả gì ở đó, ngoài những cãi vã liên tục và thảo luận vô ích.
Sau đó thì tất cả đã đề nghị phải giải quyết vấn đề với một ủy ban trọng tài phân xử. Ngài Revata đã chọn 04 Tỷ-kheo của miền Đông và 04 Tỷ-kheo của miền Tây làm trọng tài. Các trọng tài ở miền Đông là: Các Ngài Sabbakami, Salha, Khujjasobhita, và Vasabhagamika. Những trọng tài từ miền Tây là: các Ngài Revata, Sambhūta Sanavasi, Yasa, và Sumana. Trong số 08 người trọng tài, thì 06 người là học trò của Ngài Ānanda – [Theo kinh điển, Ngài Ānanda sống thọ tới 120 tuổi, trong khi đó 02 người còn lại là Ngài Vasabhagamika và Ngài Sumana là đệ tử của Ngài Anuruddha (A-nậu-lâu-đà) lỗi lạc, và tương truyền thì Ngài A-nậu-lâu-đà cũng đã sống đến 150 tuổi.]
Khi các trọng tài chuẩn bị nghị sự, Ngài Sabbakami, một đại Trưởng lão A-la-hán thâm niên nhất (120 tuổi Hạ), đã tuyên xử rằng: “Tất cả 10 Điều của các Tỷ-kheo Bạt Kỳ (Vajjī) là trái luật, căn cứ vào Luật Tạng”. Việc phân xử cũng được tiến hành với tất cả Hội Đồng Tăng Già và phán quyết tương tự đã được thống nhất.
Theo ghi chú trong quyển Mahavamsa (Đại Sử Tích Lan) thì sau vụ phân xử ‘10 Điều’ này, Ngài Revata đã chọn ra 700 vị A-la-hán để chủ trì Hội Đồng Kết Tập Thứ Hai, với nỗ lực ngăn chặn những sự suy thoái trong Tăng Đoàn. Hội Đồng Kết Tập làm việc liên tục 08 tháng để tụng đọc, trùng tuyên tất cả giáo Pháp và giáo Luật (Dhamma & Vinaya) để bảo đảm chắc chắn là những Giáo Lý đích thực của Đức Phật được bảo tồn và truyền bá cho những thế hệ tương lai.
Hội Đồng Kết Tập Thứ Hai cũng còn được gọi tên là Yasatthera Sangiti, có nghĩa là: Lần Kết Tập hay Hội Đồng Tăng Già của Trưởng Lão Yasa, bởi vì vai trò chính được thực hiện bởi Ngài Yasa với đầy lòng nhiệt tâm tôn giáo để bảo vệ Luật Tạng (Vinaya). Kỳ Kết Tập này đã được tổ chức tại Valukarama, thành phố Vesali (Tỳ-xá-ly) một thế kỷ sau khi Đức Phật Bát-niết-bàn, lúc đó là thời của triều đại của Vua Kalasoka.
Trích "Giáo Trình Phật Học" của Chan Khoon San
Lê Kim Kha dịch Việt