Theo như ghi chép trong quyển Cullavagga Kh. XI (Tiểu Phẩm XI) của Luật Tạng, Ngài Đại Ca-diếp (Maha Kassapa) đã nhìn thấy những xu hướng không lành mạnh trong Tăng Đoàn Tỷ-kheo ngay sau khi Đức Phật Bát-Niết-bàn, và Ngài đã quyết định triệu tập một Hội Đồng để kết tập lại Kinh và Luật (Giáo Pháp và Giới Luật) nhằm ngăn ngừa và bảo vệ chánh pháp của Đức Phật không bị dính nhiễm bởi những giáo pháp và giới luật sai lệch (dị giáo hay tà pháp). Sự kiện lịch sử này được tổ chức ở Rajagaha (hay Raigir, Vương Xá) 03 tháng sau ngày Bát-Niết-bàn của Đức Phật. Năm trăm vị A-la-hán hàng đầu đã tham dự Hội Đồng Kết Tập Thứ Nhất này, kéo dài hơn 07 tháng bên ngoài những hang động Sattapanni trên đỉnh đồi Vebhara ở Rajagaha (Vương Xá).

Ngài Đại Ca-diếp làm chủ trì hội nghị. Ngài Upali được đề cử để đọc tụng Luật Tạng. Ngài bắt đầu nói bằng câu: “Tena Samayena …” – “Thời nọ…”, “Lúc bấy giờ…”

Mặc dù Ngài Ānanda lúc đó vẫn chưa là một A-la-hán trước khi triệu tập hội nghị, nhưng Ngài vẫn được chọn làm người tụng đọc Kinh Tạng, bởi vì nhờ vào tâm thanh tịnh của Ngài và kiến thức của Ngài về Kinh Điển mà chính Ngài đã đích thân nghe trực tiếp từ Đức Phật trong suốt thời gian Ngài làm thị giả hầu cạnh Đức Phật. Vì Ngài đã được kỳ vọng thực hiện vai trò chính của một hội đồng toàn những bậc A-la-hán, Ngài Ānanda đã nỗ lực hết mình để thiền định, và đã chứng được thánh quả A-la-hán trong tư thế đang nghiêng mình để nằm xuống sàng, hai chân giơ lên trên mặt đất, để nghỉ ngơi sau một đêm dài công phu thiền định trước khi Hội Đồng Kết Tập khai mạc ngay sáng hôm sau. Trong Luật Tạng có chép lại rằng, Ngài Ānanda là người duy nhất chứng thánh quả A-la-hán trong một tư thế không phải là những tư thế bình thường như đang nằm, đang ngồi, đang đứng, hay đang đi. Trong lần Kết Tập Kinh Điển Thứ Nhất này thì Ngài Ānanda trước tiên luôn nói ra thông tin rõ ràng về nơi (kinh được nói ở đâu) và đối tượng (kinh được nói cho ai nghe), và câu bắt đầu quen thuộc là: “Evam me sutam …” (“Tôi nghe như vầy …”).

(I) Vi Diệu Pháp Tạng Có Được Tụng Đọc Tại Kỳ Kết Tập Kinh Điển Thứ Nhất Này Không?

Về Rổ Kinh thứ ba này của Ba Rổ Kinh Tipitaka (Tam Tạng Kinh) thì có những bất đồng giữa các trường phái. Theo như học giả Warder, phiên bản Ba Rổ Kinh của Trưởng Lão Bộ và Đại Chúng Bộ đã không đề cập gì đến việc tụng đọc Vi Diệu Pháp (Abhidhmma), nhưng bên trong phái Sarvastavada (Nhất Thiết Hữu Bộ) và trường phái Dhammagupta (Pháp Cúc-đa?) thì cho rằng chính Ngài Ānanda đã đọc tụng Vi Diệu Pháp.

Một số nghiên cứu khác cũng cho rằng chỉ có những phần Đại Cương hay Toát Yếu, tức những Mẫu Đề Tổng Quát (Matika) của Vi Diệu Pháp đã được tụng đọc.

Không thể nghi ngờ về việc tụng đọc những Mẫu Đề Tổng Quát (Matika) bởi vì Kinh Điển Pali đã ghi chép rõ là Đức Phật đã thuyết giảng Vi Diệu Pháp cho mẹ của Phật (là Hoàng Hậu Māyā đã qua đời sau khi sinh Thái Tử Siddatha được 07 ngày) ở cõi trời Tavatimsa (Đao-Lợi), và Phật cũng giảng dạy nó cho Ngài Xá-lợi-phất (Sāriputta) sau mỗi lần Phật quay lại trái đất để ăn uống (thọ trai) mỗi ngày.

Dường như là, Vi Diệu Pháp Tạng mà chúng ta biết đến ngày hôm nay chỉ đơn giản bao gồm những Mẫu Đề Tổng Quát (Matika) do Đức Phật tạo ra nhằm sắp xếp và hướng dẫn một cách có hệ thống cho những đệ tử của mình, và sau này nó được soạn thảo một cách tỉ mỉ, công phu để trở thành trọn bộ đầy đủ của Vi Diệu Pháp.

Bởi vì cả hai trường phái đầu tiên Theravada (Trưởng Lão Bộ) và Mahasanghika (Đại Chúng Bộ) đều đồng ý về vấn đề này, cho nên truyền thống kinh điển đã được xác lập và công nhận rằng: “Chỉ có hai ‘rỗ’ kinh là Kinh Tạng và Luật Tạng đã được tụng đọc tại kỳ Kết Tập Kinh Điển Thứ Nhất, cộng với phần những Mẫu Đề (Matika) của Vi Diệu Pháp đã được Ngài Ānanda tụng đọc như là một phần của Kinh Tạng (Sutta-pitaka).”

Bàn về những nghi ngờ về nguồn gốc thực hư của Vi Diệu Pháp Tạng (Abhidhamma Pitaka), chúng ta có thể coi kỹ lại và thấy rõ rằng: trong Kinh Tạng (Sutta Pitaka) cũng có chứa rất nhiều Vi Diệu Pháp nguyên chất. Đó là Kinh Tạng cũng có chứa những kinh và những đoạn lời-kinh giảng dạy về những chân lý tột cùng (paramattha), giảng giải về Vô-Ngã (anatta) hoặc về những tư duy thâm diệu, ví dụ như: khi bàn về những vấn đề thuộc Năm Uẩn (khandha), các Giới (dhatu: yếu-tố, thành tố), các Xứ (ayatana: môi trường của những đối-tượng giác quan và tâm linh…) …v.v.

Về vấn đề Ngài Xá-Lợi-Phất đã hoàn toàn quán triệt và nắm vững và có năng lực triển khai đầy đủ Vi Diệu Pháp Tạng sau này, thì trong Đức Phật đã mô tả trong Kinh “Lý Duyên Khởi” (SN 12:32, chương Nhân-Duyên (Nidana)) về Ngài ấy như vầy:

“Này Tỷ-kheo, thầy Xá-lợi-phất đã thâm nhập thấu suốt những yếu-tố đó của Giáo Pháp (những pháp giới đó, dhammadhātu) bằng một sự thâm nhập thấu suốt mà nhờ đó, nếu ta có hỏi thầy ấy về vấn đề đó bằng những câu chữ khác nhau và bằng những phương pháp khác nhau suốt bảy ngày và đêm, thì suốt bảy ngày và đêm đó thầy ấy vẫn có thể trả lời được cho ta bằng những câu chữ khác nhau và bằng những phương pháp khác nhau.”

Còn trong quyển Atthasalini (Chú Giải Bộ Pháp Tụ) [The Expositor1 bản dịch từ tác phẩm này của Ngài Buddhaghosa (Phật Âm)] thì có ghi chép rằng:

“Như vậy việc giao phó phương pháp luận (naya) cho người Đại Đệ Tử thứ nhất (tức Ngài Xá-Lợi-Phất -ND) vốn đã được phú với một kiến thức về phân tích, cứ như là việc Đức Phật đứng bên mé bờ biển và đưa bàn tay mở ra để chỉ cho người thấy được biển cả vậy. Đối với vị trưởng lão (tức là Ngài Xá-Lợi-Phất) thì giáo pháp được giảng dạy bởi Đức Thế Tôn trở nên rất rõ ràng”.

Cho nên sau đó, Ngài Xá-Lợi-Phất đã giảng lại cho giáo pháp này (Vi Diệu Pháp) cho 500 vị Đệ Tử được chọn lọc, mà những người này sau này có thể ghi nhớ lại trong trí nhớ của họ.

Theo quyển “Chú Giải Bộ Pháp Tụ” nói trên, trật tự nguyên văn của Vi Diệu Pháp là do chính Ngài Xá-Lợi-Phất lập ra bằng những số thứ tự để về sau dễ dàng học tập, nghiên cứu, và giảng dạy giáo pháp. Sau đó, Vi Diệu Pháp được ghi nhớ và truyền miệng bởi những trưởng lão nổi tiếng như: từ Xá-Lợi-Phất (Sāriputta), Bhaddaji, Sobhita, Piyapala, Piyadassi, Kosiyaputta, Siggava, Sandeha, Moggaliputta Tissa, Visudatta, Dhammiya, Dasaka, Sonaka, Revata và những trưởng lão khác, cho đến tận thời kỳ Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Ba.

Lý do vì sao có quá nhiều bậc thầy tham gia vào Vi Diệu Pháp? Bởi vì Vi Diệu Pháp rất thâm sâu, vi diệu, và đòi hỏi phải có nhiều sư thầy khác nhau chia nhau ra ghi nhớ từng tập từng quyển khác nhau. Sau đó, Vi Diệu Pháp được truyền thừa bởi một chuỗi liên tục những người học trò. Ở Ấn Độ luôn có truyền thống truyền thừa bởi một chuỗi liên tục, không ngắt quãng, của những thế hệ những người thầy. Khi Phật Giáo được truyền bá vào Tích Lan, 05 Trưởng lão là Mahinda, Iddhiya, Uttiya, Bhaddanama và Sambalada đã mang Vi Diệu Pháp từ Ấn Độ sang, và từ đó, Vi Diệu Pháp đã lại được truyền tụng liên tục cho đến lần Kết Tập Kinh Điển Thứ Tư được tổ chức cũng ở đất nước này, và đó là lần đầu tiên nó đã chép bằng chữ viết lên lá Bối.

(II) Những Hình Phạt Dành Cho Ngài Ānanda

Sau khi đọc tụng, trùng tuyên giáo Pháp và giáo Luật (Dhamma & Vinaya), các Tỷ-kheo đã quyết định 05 hình phạt dành cho Ngài Ānanda. Ngài Ānanda đã giải thích tất cả những tình huống của mọi sự việc đã xảy ra, và Ngài nói rằng, về phần bản thân mình, Ngài không thấy mình có tội lỗi gì. Tuy nhiên, Ngài ý thức được rằng những việc đó là những việc không đúng với mong đợi của Tăng Đoàn (Sangha). Những tình huống xảy ra khiến Ngài Ānanda bị quyết định xử lý bằng 05 hình phạt đó là:

  • (1) Ngài Ānanda đã không hỏi Đức Phật là trong Giới-Luật thì những điều nhỏ hay không quan trọng nào có thể bỏ đi được sau khi Đức Phật đi xa, bởi vì lúc đó Ngài không hề nghĩ và không nhớ đến việc hỏi Đức Phật như vậy. Bởi vì Hội Đồng Kết Tập không thể nào thống nhất được những điều nào của giới-luật là những điều nhỏ nhất và không quan trọng, cho nên Ngài Đại Ca-diếp (Maha Kassapa) cuối cùng quyết định rằng không bất kỳ điều nào của Giới Luật được thay đổi cũng như không có điều luật mới nào được đưa vào. Không có lý do chính đáng nào để quyết định việc bỏ bớt những điều nhỏ nào hay đưa vào những điều luật mới nào, Ngài Đại Ca-diếp đã nói một điều: “Nếu chúng ta thay đổi giới-luật, thì người ta sẽ nói rằng những đệ tử của Ngài Cồ-Đàm (Gotama) đã thay đổi giới luật ngay cả trước khi ngọn lửa trên thế gian thiêu xác Ngài ấy vẫn còn chưa tắt.”
  • (2) Ngài Ānanda, trong khi may vá lại y cũ của Đức Phật, đã giẫm chân lên y này, nhưng điều đó là do vô ý, không có nghĩa là bất kính với Đức Phật, nên Ngài không thấy mình có lỗi trong chuyện này.
  • (3) Ngài Ānanda đã để thi thể của Đức Phật được đảnh lễ trước bởi một người phụ nữ, và sau đó thi thể của Phật đã bị ướt dơ bởi nước mắt người phụ nữ này rơi xuống, chỉ bởi vì Ngài không muốn bắt họ chờ đợi quá lâu để được vào viếng thi thể Đức Phật.
  • (4) Ngài Ānanda đã không thỉnh cầu Đức Phật kéo dài thêm kiếp sống của Phật ở thế gian, bởi vì lúc đó tâm trí của Ngài Ānanda bị ám bởi Ma Vương (Mara).
  • (5) Ngài Ānanda đã thỉnh cầu Đức Phật để nhận các phụ nữ vào Tăng Đoàn làm chạnh lòng bi-mẫn của Đức Phật đối với bà Mahapajapati Gotami (Cồ-đàm-di), là người dì ruột đồng thời cũng là mẹ kế và là dì mẫu nuôi dưỡng Thái Tử Siddhatta hồi còn nhỏ trong cung điện trước khi Người thành Phật.

Để hiểu thêm cho chi tiết lý do và hình phạt thứ 5 này, bạn đọc có thể đọc tham luận “Lược Sử Ni Đoàn” của tiến sĩ Dr. Chatsumarn Kabilsingh. (ND)

(III) Ấn Định Hình Phạt Nặng Hơn Dành Cho Ngài Channa

Mục tiếp theo là việc ấn định hình phạt nặng hơn là sự khai trừ hoàn toàn dành cho Ngài Channa mà Đức Phật đã có lời di huấn trước khi Bát-Niết-bàn. Vì Tỷ-kheo này vốn ngày xưa là người giữ ngựa cho Đức Phật khi Phật còn là Thái Tử Siddattha. Vị này rất ngang bướng, cao ngạo và xem thường bất cứ thành viên nào trong Tăng Đoàn, vì ỷ lại mình là người thân cận của Đức Phật.

Ngài Ānanda đã đi đến Tịnh Xá Ghosita (Ghositarama, tịnh xá được cúng dường bởi gia chủ Ghosita) ở Kosambī để thông báo cho Ngài Channa về Hình Phạt. Thầy Channa đã xấu hổ và gục ngã khi nghe quyết định Tăng Đoàn đã tẩy chay mình. Sau đó, thầy thật sự hốt hoảng, đau buồn và đầy hối hận, thầy lui về sống tu một mình và trở nên đầy quyết tâm tu sửa cho đến cuối cùng thì thầy cũng chứng thánh quả A-la-hán. Sau khi chứng thành A-la-hán, giống như điều Đức Phật đã kỳ vọng, thì hình phạt dành cho thầy cũng tự động không còn hiệu lực nữa.

(IV) Ngài Purana & Tám Điều Miễn Chấp Về Thức Ăn

Sau khi các Tỷ-kheo đã hoàn thành việc trùng tuyên kết tập Kinh Tạng & Luật Tạng, Ngài Purana thì đi lại, lảng vảng ở khu Đồi Nam (Dakkhinagiri) trong suốt kỳ họp tập kết. Ông đã đến Rajagaha (Vương Xá) với một đám đông các Tỷ-kheo. Khi Hội Đồng các Trưởng Lão hỏi ông rằng ông có đồng tình ủng hộ việc Trùng Tuyên giáo Pháp & giáo Luật, và ông sẽ học tụng những giáo kinh và luật vừa được Hội Đồng Kết Tập trùng tuyên hay không? Ngài Purana trả lời rằng, giáo Pháp (Kinh) và giáo Luật (Luật) ở đây hoàn toàn được trùng tuyên rất tốt đẹp bởi các Trưởng Lão, tuy nhiên bản thân ông thì ông còn nhớ thêm một số điều như ông đã nghe trực tiếp từ Đức Phật trước đây. Theo một bản dịch bởi Teitaro Suzuki2, Ngài Purana đã diễn đạt sự hài lòng của ông ta với những bước tiến hành của Hội Đồng Kết Tập, ngoại trừ việc ông ta đưa thêm vào 08 Điều, mà theo ông ghi nhớ là do chính Đức Phật cho phép. 08 điều đó là:

  • (1) Được giữ thức ăn trong nhà;
  • (2) Được nấu ăn trong nhà;
  • (3) Tự nấu ăn theo ý của mình;
  • (4) Tự nhận, lấy đồ ăn theo ý của mình;
  • (5) Nhận thức ăn cúng dường vào buổi sáng sớm sau khi thức dậy;
  • (6) Mang thức ăn về nhà theo ý muốn của thí chủ;
  • (7) Được ăn nhiều loại trái cây khác nhau;
  • (8) Được ăn những thứ được trồng trong ao, đìa.

“Nhà” ở đây có nghĩa là chỗ ở, thất, hay tịnh xá, hay tu viện nơi các Tỷ-kheo đó đang trú ngụ. (ND)

Ngài chỉ ra rằng những điều ‘miễn chấp’ này không trái với điều luật “cấm nhận thức ăn thừa”. Ngài Đại Ca-diếp giải thích rằng Ngài Purana đã đúng khi phát biểu như vậy, nhưng Đức Phật chỉ cho phép như vậy vào những lúc đồ ăn khan hiếm thiếu thốn mà thôi, đặc biệt khi các Tỷ-kheo không khất thực được đủ thức ăn sau một vòng đi khất thực. Và do vậy, khi hoàn cảnh khan hiếm thức ăn không còn nữa, Đức Phật lại yêu cầu họ phải tiết chế, không được lạm dụng vào Tám Điều Miễn Chấp đó. Tuy nhiên, Ngài Purana đã phản đối, ông cho rằng Đức Phật là một bậc đại trí về mọi mặt, không thể nào đề ra giới-luật theo kiểu cho phép làm những điều bị cấm hoặc cấm những điều đã được cho phép.

Đối với vấn đề này, Ngài Đại Ca-diếp bèn trả lời rằng: “Đó chính là lý do bởi vì Đức Phật là bậc toàn trí nên Phật mới có thể cho phép làm những điều mà thông thường bị cấm, và cấm những điều thông thường được cho phép, này Thầy Purana, bây giờ chúng ta hãy quyết định thế này: Bất luận điều gì Đức Phật đã không cấm, sẽ không bị cấm, và bất luận điều gì Đức Phật đã cấm, thì không được bỏ qua. Chúng ta hãy tự tu tập theo đúng như những giới-luật mà Đức Phật đã lập ra.”

Theo ghi chép của kinh sử thì không thấy Ngài Purana còn đưa ra phản đối nào nữa, sau khi Ngài Đại Ca-diếp đã giải thích sự việc trên như vậy.

Nhưng đến khi trường phái Mahisasaka (Hóa Địa Bộ) tuyên bố ly khai khỏi trường phái Trưởng Lão Bộ, thì họ đã đưa Tám Điều Miễn Chấp này trở lại vào Luật Tạng, và câu chuyện về Ngài Purana như trên đã bị hiểu lầm bởi một số học giả như là mầm mống gây chia rẽ, là nguyên nhân của cuộc ly khai của trường phái đó!

(V) Những Thành Tựu Của Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Nhất

Hội đồng Kết Tập Thứ Nhất còn được gọi là Hội Đồng Rajagaha (Vương Xá) đã được tổ chức 03 tháng sau ngày Bát-Niết-bàn của Đức Phật, dưới sự bảo trợ của Vua Ajatasattu (A-xà-thế) của xứ Magadha (Ma-kiệt-đà) vào năm thứ tám ông trị vì. Hội Đồng Tập Kết đạt được những kết quả sau:

  • (1) Kết tập Luật Tạng (Vinaya Pitaka) bởi Ngài Upali.
  • (2) Kết tập Kinh Tạng (Sutta Pitaka) bởi Ngài Ānanda.
  • (3) Kiểm điểm những việc làm sai của Ngài Ānanda.
  • (4) Ấn định Hình Phạt nặng dành cho Ngài Channa.

Sau khi biên tập lại giáo Pháp và giáo Luật để truyền tụng qua đường miệng, những bậc Tỷ-kheo cao niên (Trưởng Lão) đã xếp đặt một cách hệ thống, sao cho một số lượng Tỷ-kheo ở gần nhau trong một địa phương (hay xứ sở) được giao trách nhiệm mỗi nhóm ghi nhớ (bằng trí nhớ) một số phần nào đó của giáo Pháp và giáo Luật bằng tiếng Magadhi (Ma-kiệt-đà), và nếu kết hợp tất cả những phần được giao cho những nhóm trong một địa phương, thì Tăng Đoàn ở địa phương đó sẽ có khả năng cùng nhau đọc tụng lại tất cả giáo Pháp và giáo Luật (Kinh Tạng và Luật Tạng).

Điều này được xác thực trong Kinh Gopaka Moggallana (thuộc bộ kinh MN), trong đó Ngài Annada đã nói rằng sự hòa hợp của Tăng Đoàn chính là sự việc các Tỷ-kheo ở cùng một làng mạc hay địa phương sẽ tuân thủ nghi-luật và thực hiện việc họp mặt với nhau 02 tuần một lần để tụng đọc và kiểm điểm việc thực hành theo Luật Giới Bổn Tỷ-kheo (Patimokkha).

Trích Kinh “Gopaka Moggallana”, đoạn Ngài Ānanda đã nói cho Bà-la-môn Gopaka Moggallana như sau:

“Này Bà-la-môn, đã có điều lệ chỉ thị do Đức Thế Tôn lập ra: Luật Giới Bổn Tỷ-kheo đã lập thành nghi luật. Trong những ngày Bố-Tát (Uposatha) tất cả chúng tôi ở gần chung một thôn (làng, địa phương… -ND) đều hội họp với nhau tại một chỗ; sau khi họp mặt, chúng tôi mời từng người được chọn [để tụng đọc Luật Giới Bổn Tỷ-kheo – Patimokkha]. Nếu trong khi đọc tụng, một Tỷ-kheo nhớ lại mình có phạm tội hay phạm giới nào, thì chúng tôi bảo vị ấy tuân theo Giáo Pháp, như đúng lời dạy. Chúng tôi không phải lo xử sự với các phán quyết của các tôn giả (trưởng lão). Mà thật ra, chính Giáo Pháp xử sự chúng tôi”.

Trích "Giáo Trình Phật Học" của Chan Khoon San
Lê Kim Kha dịch Việt