1Theo quyển Đại Sử Tích Lan (Mahavamsa): Ngay sau khi Hội Đồng Kết Tập Lần Thứ Ba, nhiều phái đoàn tu sĩ được Ngài Moggaliputta Tissa (Mục-kiền-liên Tử-đế-tu), là vị A-la-hán Chủ tọa Hội Đồng, phái đi tới nhiều xứ sở khác nhau, tới cả những nước láng giềng của Ấn Độ, để truyền bá Giáo Pháp của Đức Phật. Hai trong số đó là hai Tỷ-kheo Ngài Sona và Ngài Uttara đã được cử đi đến xứ Suvannabhumi, tức là hai huyện lý Bago (Pegu) và Mawlamyine (tức là Moulmein ngày nay) ở tiểu bang của người Môn của nước Miến Điện (Myanmar), mục đích là thiết lập sự có-mặt của Phật Pháp (Buddha Sasana) ở nơi đây.

Họ đã cố gắng chuyển hóa những người dân ở vùng này theo đạo Phật, bằng cách bắt đầu thuyết giảng kinh Brahmajala Sutta (kinh Phạm Võng). Kể từ sau đó là một câu chuyện dài về lịch sử hình thành Phật giáo vô cùng kỳ diệu ở đất nước này. Rồi Phật Pháp đã được thiết lập một cách tốt đẹp và vững chắc ở Miến Điện suốt hơn hai ngàn năm qua!

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi chúng ta biết rằng Miến Điện đã và đang đứng ở vai trò hàng đầu trong việc bảo tồn, truyền bá và làm sống mãi Giáo Pháp của Đức Phật trong thời kỳ hiện đại, bằng cách đã đứng ra tổ chức 02 lần Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Phật Giáo suốt 02 thế kỷ qua.

(I) Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Năm

(Còn được gọi là Panca Sangiti, có nghĩa là “Hội Đồng Tăng Chúng Thứ Năm”). Theo lịch sử Phật Giáo Theravada nguyên thủy, Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Năm đã diễn ra ở thủ đô Mandalay, Miến Điện vào năm 1871, vào thời triều đại Vua Mindon.

Mục đích của Hội nghị Tôn giáo này là để đọc tụng, trùng tuyên lại tất cả giáo pháp của Đức Phật và xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ để xem có bị sai lỗi hay thay đổi hay từ ngữ nào bị bỏ sót hay không. Ba vị đại trưởng lão (Mahathera) là Jagarabhivamsa, Narindabhidhaja, và Mahathera Sumangalasami đã dẫn đầu và chủ trì một hội nghị được tham dự bởi 2.400 tăng sĩ. Việc tổ chức hội nghị tụng đọc lại Giáo Pháp (Dhamma Sangiti) được diễn ra 05 tháng liên tục. Sau khi Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển kết thúc, toàn bộ Tam Tạng Kinh Tipitaka đã được khắc vào 729 phiến đá cẩm thạch bằng tiếng Miến Điện để cho những thế hệ mai sau có thể đọc lại. Mỗi phiến đã có chu vi là: Chiều cao 1.86 m, bề rộng 1.07 m, và khoảng 0.13 m bề dày, và công trình kỷ niệm đồ sộ này được thực hiện bởi rất nhiều nghệ nhân điêu luyện. Sau khi hoàn thành, mỗi phiến đá cẩm thạch có chép kinh được đặt vào trong một mô hình ngôi chùa thu nhỏ tuyệt đẹp ở trong một khu đặc biệt nằm trong khuôn viên của Chùa Kuthodaw Pagoda của nhà Vua Mindon lỗi lạc.

Theo như ghi chép trong quyển Sách Kỷ Lục Guiness, 729 phiến đá cẩm thạch này được công nhận là dạng sách lớn nhất thế giới cho đến ngày hôm nay.

(II) Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Sáu

(Còn được gọi là Chattha Sangiti, có nghĩa là “Hội Đồng Tăng Chúng Thứ Sáu”). Hội Đồng Kết Tập Thứ Sáu được tổ chức vào năm 1954 đến 1956 dưới sự bảo trợ của chính phủ Miến Điện đứng đầu là Thủ Tướng U Nu. Hội nghị diễn ra tại Kaba Aye, thủ đô Yangon tại một đại sảnh đường mang tên Đại Hang Động (Maha Pasana Guha) được làm giống như Đại Hang Động Sattapanni ở thành Rajagaha (Vương Xá) là nơi tổ chức Hội Đồng Kết Tập Lần Thứ Nhất ở Ấn Độ.

Cũng giống như lần Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển trước kia, mục tiêu của hội nghị lần này cũng là xác thực lại và bảo tồn Giáo Pháp nguyên thủy, bao gồm Kinh Tạng và Luật Tạng (Dhamma & Vinaya).

Tổng cộng có 2.473 Tỷ-kheo của nước chủ nhà Miến Điện tham dự và 144 tăng sĩ đến từ 07 nước khác, bao gồm: Cambodia, Ấn Độ, Lào, Nepal, Sri Lanka, Thái Lan, và Việt Nam đã tham gia vào việc hội nghị Trùng Tuyên Kinh Điển.

Công việc chuẩn bị cho hội nghị đã được tiến hành liên tục trong 03 năm, từ 1951-1954. Trong thời gian 03 năm này, Tam Tạng Kinh Tipitaka và những tác phẩm luận giảng Phật Giáo khác đã được xem xét thông qua nhiều văn bản, nhiều ngôn ngữ và chữ viết khác nhau. Sau đó, được ghi chú, đánh dấu và đối chiếu một cách công phu, tốn nhiều trí lực và thời gian. Nhưng thực sự không hề phí hoài công sức và cũng thật đáng vui mừng là tất cả những ghi chép kinh điển và nội dung đã được xem xét và đối chiếu hầu hết đều là giống nhau, không có nhiều sai biệt.

Sau khi đã hoàn thành kết tập văn bản cuối cùng của Tam Tạng Kinh, các bên đều phê duyệt và thống nhất tất cả với nhau, và Hội Đồng Kết Tập đã chính thức khai mạc nghị sự vào ngày Trăng Tròn của tháng Năm, 1954. Toàn bộ văn bản của 40 quyển ghi chép Tam Tạng Kinh Pali đã được phê duyệt và chứng nhận là chính thống đó đã được 2,600 Tỷ-kheo tụng đọc và trùng tuyên liên tục trong 05 lần nghị sự của kỳ Kết Tập Kinh Điển lần thứ Sáu này kéo dài 02 năm từ năm 1954 đến năm 1956. Hòa thượng thiền sư Mahasi Sayadaw Bhadanta Sobhana (nay đã quá cố) đã chủ trì trong vai trò Người Chất-Vấn (Pucchaka). Trong khi đó, Hòa thượng thiền sư Mingun Sayadaw Bhadanta Vicittasarabhivamsa lỗi lạc (nay đã quá cố) thì chủ trì trong vai trò Người Trả-Lời (Vissajjhaka) – Ngài đã trả lời chính xác tất cả những câu hỏi về Tam Tạng Kinh Tipitaka từ trong trí-nhớ của mình!

Cuối cùng, sau khi Hội Động Kết Tập thứ Sáu chính thức phê duyệt và chứng thực toàn bộ văn bản kinh điển, toàn bộ những văn bản Tam Tạng Kinh Tipitaka cùng với những Luận Giảng đi kèm đã được chuẩn bị ra bản thảo để in ấn.

Thành tựu lớn của Hội Đồng Kết Tập lần thứ Sáu này có được là nhờ công sức và những nỗ lực không biết mệt mỏi của 2,600 Tăng sĩ và rất nhiều cư sĩ Phật tử khắp nơi đã đóng góp vào cho kỳ Kết Tập này. Trọng trách cao cả của tất cả đã mang đến sự thành công viên mãn vào ngày Trăng Tròn của tháng Năm, 1956, đúng 02 năm kể từ ngày chính thức khai mạc (tức gần 05 năm kể từ ngày bắt đầu những công việc trù bị từ năm 1951 như mới nói trên), và nhằm đúng vào ngày Kỷ Niệm 2.500 năm Bát-Niết-bàn của Đức Phật!

Phiên bản của Tam Tạng Kinh Tipitaka của Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển lần này được gọi là “Ấn Bản Hội Nghị Lần Thứ Sáu”2 và được công nhận là những Giáo Lý cổ xưa chính thống của Đức Phật. Đây là phiên bản chính quy nhất và có thẩm quyền nhất để đối chiếu trong giới Phật Giáo Nguyên Thủy ngày nay.

Sau khi được biên tập, hiệu đính, các phiên bản đã được kiểm duyệt và phê chuẩn qua nhiều lần, tất cả đều được đưa vào in ấn, bao gồm: 52 quyển gồm 40 bộ, tập, tổng cộng 8.026 trang. Vào cuối Hội Đồng Kết Tập lần này, tất cả những quốc gia tham dự đều có được Tam Tạng Kinh Pali được in bằng tiếng bản xứ của nước họ, ngoại trừ Ấn Độ.

Những Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Phật Giáo là những sự kiện mang tính quyết-định và thiết-yếu cho việc bảo tồn Chánh Pháp của Đức Phật cho thế hệ sau được biết đến và tu học. Mỗi hội đồng đều đã chứng thực Tam Tạng Kinh Pali bằng cách tụng đọc lại, thảo luận, và trùng tuyên trong một đại hội nghị bao gồm hàng trăm, có lúc nhiều ngàn Tỷ-kheo và những bậc A-la-hán uyên bác, và ở đó, những giáo lý sai lệch hay không đúng đã được loại trừ, và những điểm dị biệt đã được giải quyết.

Kết Luận

Tam Tạng Kinh Tipitaka bằng tiếng Pali nói chung được coi là kho tàng kinh điển cổ xưa nhất ghi lại tất cả những lời dạy của Đức Phật, có mặt trước cả những tạng Kinh bằng tiếng Phạn (cho dù những học giả tiếng Phạn vẫn phản đối điều này).

Theo nhà nghiên cứu Childers, phiên bản Tam Tạng Kinh Phật Giáo bằng tiếng Pali là phiên bản chính thống và nguyên thủy duy nhất. Khi Đức Phật đã đưa ra lời chỉ thị là các Tỷ-kheo phải học giáo giáo pháp của Phật bằng ngôn ngữ của mình “saka nirutti”, có nghĩa là tiếng Magadhi (Ma-Kiệt-Đà), là tiếng phổ thông được dùng chung trong những vùng miền đó vào thời Đức Phật. Điều này là phù hợp với phương pháp học “nghe-học-thuộc-nhớ” của truyền thống truyền miệng cổ xưa, rằng những học trò đều phải học giáo lý của người thầy bằng ngôn ngữ của người thầy dùng để giảng bài.

Trong truyền thống dạy học bằng phương pháp nói nghe, những lỗi sai sót và sai lệch thường xuyên xảy ra. Bằng cách áp dụng công cụ ngôn ngữ giảng dạy chung, thì những lỗi sai sót và sai lệch sẽ nhanh chóng được phát hiện và tu sửa cho đúng sau khi đọc lại, nói lại hay truyền tụng lại cho nhau nghe. Điều này thật sự đã diễn ra tại Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Nhất, đúng 03 tháng sau ngày Đức Phật lịch sử đã đi xa, nhằm mục đích nhanh chóng duy trì đúng Chánh Pháp của Đức Phật đã để lại.

Có rất nhiều tranh cãi bởi nhiều học giả xung quanh nguồn gốc của tiếng Pali, ngôn ngữ được dùng trong Kinh Điển Phật Giáo Nguyên Thủy. Tuy nhiên, đối với những người theo Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada, điều đó không phải là vấn đề hay đề tài cần phải bàn cãi. Theo Hòa thượng Sayadaw U Thittila: Kinh Tạng Pali chứa đựng đầy đủ mọi điều cần thiết để chỉ ra Con Đường dẫn đến mục đích rốt ráo tột cùng – đó là sự giải-thoát, sự chấm-dứt Khổ, Niết-bàn. Điều này chỉ biểu thị một ý nghĩa rằng, Kinh Tạng Pali là Những Lời Dạy Đích Thực của Đức Phật đã được gìn giữ, bảo tồn ở hình thức nguyên thủy và chính thống nhất trong Kinh Tạng bằng tiếng Pali.

Vì điều này, chúng ta đã nợ ơn thật nhiều đối với những tâm huyết thiêng liêng, những nỗ lực đáng ngưỡng phục và những trí nhớ phi thường của những tu sĩ, những Tỷ-kheo và Trưởng lão ngày xưa, những người đã gìn giữ, truyền thừa và làm sống mãi những Lời Dạy của Đức Phật kể từ sau ngày Bát-Niết-bàn của Phật cho đến tận hôm nay.

Trích "Giáo Trình Phật Học" của Chan Khoon San
Lê Kim Kha dịch Việt