Theo học giả Childers:1 tiếng Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) là một trong những tiếng bản xứ Prakrits hay Arya của thời đại Ấn Độ cổ. Ngôn ngữ Prakrits này được nói ở thế kỷ thứ 6 trước CN ở Magadha (Ma-Kiệt-Đà), gần tỉnh Bihar ngày nay, là một trong những trung tâm quan trọng nhất của nền văn minh Ấn Độ vào thời của Đức Phật. Tiếng Magadhi đã trở thành ngôn ngữ chết hơn 2000 năm. Từ ‘Pali’ trong tiếng Phạn có nghĩa là “đường thẳng, hàng, dãy” và Phật Giáo Nguyên Thủy dùng từ này để biểu thị ý nghĩa là những hàng, dãy hay hệ thống kinh sách đã tạo nên kho tàng Kinh Điển Phật Giáo. Vì vậy, chữ Kinh Điển Pali (TA: Pali Text), là đồng nghĩa chỉ “Kinh Điển Phật Giáo Nguyên Thủy”. Và Palibhasa có nghĩa là “ngôn ngữ của kinh điển đó, ngôn ngữ dùng trong kinh”, và dĩ nhiên nó đồng nghĩa với chữ: “ngôn ngữ Magadhi” (Ma-Kiệt-Đà) là tên ngôn-ngữ duy nhất được dùng trong kinh sách của Phật Giáo Nguyên Thủy, được xem là ngôn-ngữ thiêng liêng hay thánh-ngữ của Phật giáo.
Là một ngôn ngữ, tiếng Pali là nhất quán trong một ý nghĩa đó là: được bảo tồn hoàn toàn (để sử dụng) cho một chủ đề, đó là chỉ để ghi chép một chủ đề là ‘Giáo Pháp của Đức Phật’, chứ không phải là một ngôn ngữ được bảo tồn để sử dụng vào những mục đích giao tiếp hay ghi chép khác. Điều này có thể đã khiến nhiều học giả đã từng phán đoán rằng nó là một lingua franca, một dạng ngôn ngữ chung do các tu sĩ theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy chế ra, bởi vì nếu không thì cũng đâu còn cách nào để giải thích nghịch lý này?
Định nghĩa: “lingua franca” là ngôn ngữ của những người ở trong một khu vực nói nhiều ngôn ngữ khác nhau dùng để trao đổi với nhau; ngôn ngữ chung, tiếng phổ thông; (giống kiểu như tiếng phổ thông Mandarin tức Quan Thoại của Trung Quốc vậy). (ND)
Ngược lại, nó cho chúng ta thấy rõ một điều là những Trưởng Lão (Thera) đã thực sự ghi nhớ được tất cả kinh Pháp (Dhamma) và kinh Luật (Vinaya) bằng ngôn ngữ gốc của Đức Phật vốn sau đó đã trở thành một ngôn ngữ chết, như đã nói trên. Những Tỷ-kheo Trưởng Lão của Trưởng Lão Bộ được hiển danh là chính thống nhất, cho nên một điều hoàn toàn khó tin được là họ có thể dám chuyển đổi ngôn ngữ gốc mà Đức Phật đã dùng qua một ngôn ngữ khác, theo kiểu những giáo phái khác chuyển ngôn ngữ Phật đã dùng qua tiếng Phạn, vốn đã bị Đức Phật nghiêm cấm từ lúc Phật còn tại thế! Cách giải thích như vậy có vẻ có lý hơn, bởi vì nhờ vào lòng nhiệt tâm tôn giáo, sự cống hiến tận tụy và kỹ năng huyền thoại về trí nhớ của những Tỷ-kheo thời cổ xưa trong việc bảo tồn và lưu truyền những Giáo Pháp của Đức Phật thông qua con đường truyền miệng.
Tiếng Pali là ngôn ngữ ‘nói’, không có chữ viết đi theo, và trong những đất nước nó được dùng như ngôn ngữ thiêng hay thánh ngữ của cư dân mình, như: Tích Lan (Sri Lanka), Miến Điện (Myanmar) và Thái Lan, nó được viết theo bộ chữ viết riêng của mỗi nước.
Bước qua thời kỳ hiện đại, bảng chữ cái La-tinh (the Roman alphabets) đã được sử dụng rộng rãi (để ghi chép nhiều ngôn ngữ trên thế giới, như Việt Nam, Malay …), cho nên sự hữu ích này cũng được thấy rõ và người ta đã phiên chuyển sang cách viết tiếng Pali bằng mẫu tự La-tinh: dễ đọc, rõ ràng, dễ đánh máy. Từ đó, việc học và phổ biến Kinh Điển Pali được phát triển theo hướng này đến ngày hôm nay.
(a) Nguồn Gốc & Quê Hương Của Tiếng Pali
Đã có rất nhiều học giả ôm ấp nhiều giả thuyết khác nhau về quê hương của tiếng Pali. Những học giả Pali trước kia cho rằng tiếng Pali văn học chính là tiếng bản xứ Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) do Đức Phật dùng để thuyết pháp. Còn những học giả sau này thì có ý kiến dựa trên những cơ sở về triết học, họ cho rằng tiếng Pali có rất nhiều điểm tương đồng với thứ tiếng Paisaci, vốn trước kia là một phương ngữ của miền Tây, trong khi Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) là phương ngữ của miền Đông. Vì thế, tiếng Pali chắc chắn không phải là tiếng Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) mà Đức Phật dùng để giảng dạy. Nhưng thứ tiếng Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) mà những học giả biết được ngày nay là thứ tiếng được dùng để ghi những Chỉ Dụ Asoka (vua A-Dục) được khắc trên đá và những trụ đá, vua Asoka yêu cầu những quan thư lại của mình soạn thảo và cho khắc, vào thời đó đại đa số dân chúng không thể viết hay đọc chữ viết được, cũng giống như nghiên cứu của Salonmon cho thấy rằng vào thời Đức Phật cũng không hề có chữ viết. Mặt khác, tiếng địa phương được dùng bởi Đức Phật là tiếng bản xứ Magadhi (Ma-Kiệt-Đà)2 được hiểu và sử dụng bởi đa số dân chúng mà sau này các tu sĩ truyền dạy Giáo Pháp, và sau này chính là nó đã trở thành tiếng Pali của Kinh điển Phật giáo.
Một tham luận tốn nhiều công sức của nhà nghiên cứu Ấn Độ, học giả Law, kết luận rằng rất khó khăn để mà đi đến một kết luận về quê hương nguồn gốc của tiếng Pali một cách chính xác. Trong khi đó, nhà sư học giả Bhikkhu Bodhi3 thì vẫn đưa ra ý kiến rất uyên bác cho rằng tiếng Pali chính là một dạng ngôn ngữ lingua franca được tạo ra để được dùng bởi những tu sĩ Phật giáo ở miền bắc Ấn Độ chừng 200 năm sau Bát-Niết-bàn của Đức Phật và nó có thể không phải cùng một thứ tiếng đã được dùng bởi Đức Phật! Rõ ràng là đã có rất nhiều phỏng đoán và lý thuyết được rất nhiều học giả đưa ra mang tính cách rất hàn lâm, nhưng nhiều trong số giả thuyết đó mang những luận cứ là không phù hợp, không khớp với những truyền thống & hoạt động của Tăng Đoàn.
(b) Vai Trò Của Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Phật Giáo Trong Việc Bảo Tồn Ngôn Ngữ Pali
Khi bàn về vấn đề ngôn ngữ được dùng trong Tam Tạng Kinh Pali, hầu hết các học giả phương Tây đều tỏ ra nghi ngờ và không khẳng định vai trò của những Hội Đồng Phật Giáo trong những kỳ Kết Tập Kinh Điển trong việc khẳng định ngôn ngữ làm phương tiện truyền bá Phật pháp. Bởi vì việc công nhận và kết tập kinh điển dựa vào sự phê chuẩn của Hội Đồng Kết Tập, cho nên ngôn ngữ được dùng bởi hội đồng kết tập đóng vai trò chính trong việc truyền tụng Kinh Điển.
Tất cả trường phái Phật giáo đều đồng ý là ba kỳ Kết Tập, tức Hội Đồng Kết Tập là những sự kiện lịch sử, như vậy một câu hỏi thẳng thắn được đặt ra là: “Ngôn ngữ nào những vị A-la-hán từ miền Tây hay miền Đông đã dùng để đọc tụng những lời-dạy của Đức Phật trong những lần Kết Tập Thứ Nhất, Thứ Hai và Thứ Ba?”.
(1) Trong lần Kết Tập Thứ Nhất, không có gì nghi ngờ đó là tiếng Magadhi (Ma-kiệt-đà), bởi vì tất cả thành viên của hội đồng kết tập đều là những người vừa mới học giáo pháp từ chính Đức Phật lịch sử (cho nên không thể có sự chuyển đổi ngôn ngữ sau khi Phật mới mất).
(2) Trong lần Kết Tập Thứ Hai, những Tỷ-kheo từ miền Tây và miền Đông đều tập hợp lại để nghe tụng đọc tạng Kinh và tạng Luật ở Vesali (Tỳ-xá-ly). Tất cả 08 trưởng lão đã được chọn ra để nghị quyết vấn đề “10 Điểm” đều là những đệ tử trực tiếp của Ngài Ānanda và Ngài Anuraddha (A-nậu-lâu-đà) nổi tiếng. Còn vị trưởng lão tuổi nhất là Ngài Sabbakami là người đứng ở vai trò phân xử. Vì họ đã học giáo pháp từ hai vị Đại Đệ Tử nổi tiếng đó của Đức Phật, cho nên chắc hẳn họ đã tiếp tục dùng một ngôn ngữ Magadhi (Ma-kiệt-đà) để đọc tụng lại Giáo Pháp và Giới Luật ở kỳ Kết Tập Thứ Hai.
Tất cả những lý thuyết cố kết nối tiếng Pali với tiếng Ujjaini hay tiếng Paisaci; hay thậm chí cho tiếng Pali như là một ngôn ngữ mới do các tu sĩ Phật giáo tạo ra sau kỳ Kết Tập Kinh Điển Thứ Hai như là một ngôn ngữ trung gian (lingua franca, ngôn ngữ chung) đều tỏ ra thiếu sót và đã bỏ quên nhiều sự kiện lịch sử. Vì sao? Vì những lý giải sau đây:
(a) Thứ nhất, những Tỷ-kheo thuộc phái Trưởng Lão Bộ (Theravada), cũng chính là Thượng Tọa Bộ (Sthavarivada), đã đứng ra chủ trì những Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển được nổi tiếng là những người cực kỳ chính thống (hay còn gọi là những người “không thay đổi” và “bảo thủ” nhất) trong tất cả các trường phái trong việc thực thi những điều-luật trong Tăng đoàn, tu viện và luôn luôn bảo thủ Luật Tạng (Vinaya) theo đúng nghi luật và ngôn ngữ nguyên thủy liên tục trong vòng hai tuần lễ kết tập.
(b) Thứ hai, Ngài Moggaliputta Tissa (Mục Kiền Liên Tử Đế Tu), người tổ chức Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Ba ở Pataliputta (Hoa Thị Thành) cũng đã bảo lưu ngôn ngữ nguyên gốc theo truyền thống dòng dõi của mình là bậc thầy về Luật Tạng (hàng giáo thọ dạy Luật Tạng: Acaryaparampara). Vì vậy, khi vị A-la-hán Mahinda (con trai của Vua A-dục (Asoka)) và những thành viên khác của Tăng Đoàn được phái đi để truyền bá Giáo Pháp của Đức Phật qua Tích Lan, thì chắc chắn giáo đoàn truyền đạo này cũng sẽ truyền bá Giáo Pháp bằng ngôn ngữ của Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Thứ Ba để duy trì sự tương đồng và tính tiếp nối và tránh những diễn dịch sai lệch.
Dưới ánh sáng của những sự kiện lịch sử này, rất hy hữu và vô lý khi giả thuyết hay phỏng đoán rằng những Trưởng Lão ngày xưa lại muốn thay đổi ngôn ngữ của những lời-dạy của Đức Phật và muốn phát minh ra một ngôn ngữ mới với nhiều rủi ro diễn dịch sai lệch những giáo lý nhất quán của Đức Phật.
Trích "Giáo Trình Phật Học" của Chan Khoon San
Lê Kim Kha dịch Việt