Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosalā có mặt với hoàng hậu Mallikā trên lầu thượng của hoàng cung, rồi vua Pasenadi nước Kosalā nói với hoàng hậu Mallikā:
- Này Mallikā có ai khác thân ái với hoàng hậu hơn là tự ngã của Hoàng hậu?
- Thưa Ðại vương, không có khác thân ái với thiếp hơn là tự ngã của thiếp. Nhưng thưa Ðại vương, có ai khác thân ái với Ðại vương hơn là tự ngã của Ðại vương?
- Này Mallikā, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta.
Rồi vua Pasenadi nước Kosalā bước xuống lầu và đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bê. Ngồi xuống một bên, vua Pesenadi nước Kosalā bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con đi lên lầu thượng của hoàng cung với Hoàng hậu Mallikā và con nói với Hoàng hậu Mallikā: “Này Mallikā, có ai khác thân ái với Hoàng hậu hơn là tự ngã của Hoàng hậu?”
Khi được nói như vậy, bạch Thế Tôn, Hoàng hậu Mallikā trả lời với con: “Thưa Ðại vương, không có ai khác thân ai với Thiếp hơn là tự ngã của Thiếp. Nhưng thưa Ðại vương, có ai khác thân ái với Ðại vương hơn là tự ngã của Ðại vương?” Ðược nói vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời cho Hoàng hậu Mallikā: “Này Mallikā, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta”.
Rồi Thế Tôn, sau khi biết rõ ý nghĩa này trong lúc ấy liền nói lên bài kệ này:
1. Tâm ta đi cùng khắp,
Tất cả mọi phương trời,
Cũng không tìm thấy được,
Ai thân hơn tự ngã,
Tự ngã đối mọi người,
Quá thân ái như vậy,
Vậy ai yêu tự ngã,
Chớ hại tự ngã người.
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Jetavana, chỗ khu vườn ông Anāthapiṇḍika. Rồi Tôn giả Ānanda, vào buổi chiều, từ thiền định đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:
- “Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn. Thật hi hữu thay, bạch Thế Tôn. Thọ mạng ít thay, bạch Thế Tôn, là mẹ của Thế Tôn! Sau khi sanh Thế Tôn bảy ngày, mẹ Thế Tôn mệnh chung, được sanh ở cõi trời Ðâu-suất”.
- Chính là như vậy, này Ānanda! Thọ mạng ít thay là mẹ vị Bồ Tát. Sau khi sanh Thế Tôn bảy ngày, mẹ Thế Tôn mệnh chung, được sanh ở cõi trời Ðâu suất! Thọ mạng ít thay là các bà mẹ của các Bồ Tát. Sau khi sanh bảy ngày, các bà mẹ của Bồ-tát mệnh chung, và được sanh lên cõi trời Ðâu suất.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu rõ ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời kệ:
2. Tất cả hữu tình nào,
Sẽ có mặt ở đời,
Tất cả chúng sẽ đi,
Sau khi bỏ sắc thân,
Hiểu tất cả là vậy,
Bậc thiện sanh nhiệt tâm,
Sống đời sống Phạm hạnh.
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Rājagaha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, một người bị bệnh hủi tên là Suppabuddha, nghèo đói, ăn xin, khốn cùng. Lúc bấy giờ, Thế Tôn với đại chúng đoanh vây, đang ngồi thuyết pháp. Người hủi Suppabuddha thấy từ đàng xa đại chúng đang tụ hội, thấy vậy liền suy nghĩ: “Không nghi ngờ gì nữa, ở đấy, có thể có chia phần cái gì ăn được, loại cứng hay loại mềm. Vậy ta hãy đi đến đại chúng ấy, mong rằng ta sẽ được chút gì ăn được, loại cứng hay loại mềm”. Rồi người hủi Suppabuddha đi đến đại chúng ấy.
Người hủi Suppabuddha thấy Thế Tôn đang thuyết pháp cho đại chúng đang đoanh vây xung quanh, thấy vậy liền suy nghĩ: “Ở đây không có cái gì ăn được, loại cứng hay loại mềm để chia phần. Sa-môn Gotama này đang thuyết pháp cho hội chúng. Vậy ta hãy nghe pháp”. Tại đấy, người hủi ngồi xuống và nghĩ: “Ta sẽ nghe pháp”.
Rồi Thế Tôn, với tâm của mình duyên với tâm của toàn thể hội chúng tác ý rằng: “Ở đây, ai có thể hiểu được pháp”. Thế Tôn thấy người hủi Suppabuddha đang ngồi trong hội chúng, thấy vậy liền suy nghĩ: “Ở đây, người này có thể hiểu pháp”.
Vì người hủi Suppabuddha, Thế Tôn tuần tự thuyết pháp, tức là thuyết bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về thiên giới, thuyết về sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự ô nhiễm của các dục, sự lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết tâm của người hủi Suppabuddha đã sẵn sàng, đã nhu thuận không còn chướng ngại, được phấn khởi, được tín thành, liền thuyết pháp mà chư Phật đã chứng ngộ, tức là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo.
Cũng như tấm vải thuần bạch, được gội rửa các vết đen, sẽ rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy chính tại chỗ ngồi này, pháp nhãn xa trần ly cấu khởi lên trong tâm người hủi Suppabuddha: “Phàm cái gì được khởi lên, tất cả đều bị đoạn diệt”. Khi ấy người hủi Suppabuddha thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, chứng được tự tín, không y cứ nơi người khác đối với lời dạy của đức Bổn Sư, từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, người hủi Supabuddha bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mặt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích, Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỳ-kheo, mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
Rồi người hủi Suppabuddha được Thế Tôn với bài pháp thoại thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn chấn, làm cho hoan hỷ, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Rồi một con bò húc vào người hủi Suppabuddha và đoạt mạng sống. Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, người hủi tên Suppabuddha được Thế Tôn với bài pháp thoại thuyết giảng,, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ đã mạng chung. Sanh thú của vị ấy là gì? Tương lai của vị ấy thế nào?
- Này các Tỷ-kheo, Hiền trí là người hủi Suppabuddha, đã thực hành tùy pháp đúng pháp, không có làm phiền nhiễu Ta với những tranh luận về pháp. Người hủi Suppabuddha sau khi đoạn tận ba kiết sử, đã chứng được quả Dự Lưu, không còn bị thối đọa, chắc chắn đạt được Chánh giác.
Khi nghe nói vậy một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn do nhân gì, do duyên gì, người hủi Suppabuddha lại là người nghèo đói, là người ăn xin, là người khốn cùng?
- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, người hủi Suppabuddha là con một nhà triệu phú ở Rājagaha khi đi ngang qua một khu vườn, vị ấy thấy Đức Phật Ðộc giác Tagarasikhi đang đi vào thành khất thực. Thấy vậy, vị ấy suy nghĩ: “Ai là người hủi này lại đi dạo chơi” và vị ấy nhổ nước miếng và xoay lưng phía trái rồi bỏ đi. Do hành động này của vị ấy được thuần thục, nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm, vị ấy bị nấu trong địa ngục. Do sự thành thục thêm nữa của nghiệp ấy, chính tại Rājagaha này, vị ấy là một người nghèo đói, là người ăn xin, là người khốn cùng! Nay vị ấy do y cứ vào pháp luật được Như Lai thuyết giảng, vị ấy được lòng tin, vị ấy được giới, vị ấy được nghe pháp, vị ấy được từ bỏ, vị ấy được trí tuệ, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh thiện thú, thiên giới, đời này, được cộng trú với chư Thiên ở cõi Ba mươi ba. Tại đấy, vị ấy chói sáng hơn các chư Thiên khác về dung sắc và danh xưng.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
3. Như người có mắt nhìn,
Cố gắng tránh lồi lõm,
Cũng vậy kẻ trí tránh,
Ðiều ác giữa đời này.
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anāthapiṇḍika. Lúc bấy giờ, nhiều thiếu niên giữa Sāvatthi và Jetavana, đang hành hạ các con cá. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sāvatthi để khất thực. Thế Tôn thấy nhiều thiếu niên giữa Sāvatthi và Jetavana đang hành hạ các con cá, thấy vậy đi đến các thiếu niên ấy, sau khi đến nói với chúng:
- Này các Thiếu niên, các Em có sợ đau khổ không? Các Em không ưa thích khổ phải không?”
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn, chúng con sợ đau khổ. Chúng con không ưa thích khổ.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
4. Nếu con không ưa khổ,
Dầu bất cứ chỗ nào,
Chớ làm các nghiệp ác,
Trước mặt hay sau lưng
Nếu Con làm, sẽ làm,
Các nghiệp ác, bất thiện,
Con không giải thoát khổ,
Dầu nhảy vọt và chạy.
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Pubbārā, trong lầu mẹ của Migāra. Lúc bấy giờ Thế Tôn, vào ngày trai giới đang ngồi có chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Rồi Tôn giả Ānanda, sau khi đêm đã gần mãn, canh một sắp qua, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng dẫn đến Thế Tôn, và Bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh một đã sắp qua, chúng Tỷ-kheo ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giới bổn Pātimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
Khi được nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng. Lần thứ hai, Tôn giả Ānanda, khi đêm đã gần mãn, canh giữa đã sắp qua. Chúng Tỳ-kheo ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giới bổn Pātimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
Lần thứ hai, Thế Tôn giữ im lặng. Lần thứ ba, Tôn giả Ānanda, khi đêm đã gần mãn, canh cuối đã sắp qua, rạng đông đã ló dạng đêm đã nở nụ cười, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng dẫn đến rồi bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh cuối đã sắp qua, rạng đông đã ló dạng, đêm đã nở nụ cười, chúng Tỷ-kheo ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giới Pātimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
- Này Ānanda, hội chứng không thanh tịnh. Rồi Tôn giả Mahā-Moggallāna suy nghĩ: “Vì người nào mà Thế Tôn nói: ‘Này Ānanda, hội chúng này không thanh tịnh’?” Rồi Tôn giả Mahā-Moggallāna với tâm của mình tác ý đến tâm toàn thể chúng Tỷ-kheo. Tôn giả Mahā-Moggallāna thấy một người ác giới, theo ác pháp, không thanh tịnh, sở hành đáng nghi ngờ, hành động được che đậy, không phải Sa-môn tự xưng là Sa-môn, không theo Phạm hạnh tự xưng là Phạm hạnh, nội tâm hủ hóa, đầy ứ dục vọng, một đống rác ô uế đang ngồi giữa chúng Tỷ-kheo, thấy vậy từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến người ấy, sau khi đến nói với người ấy:
- Hiền giả hãy đứng dậy, Thế Tôn đã thấy Hiền giả. Hiền giả không được cộng trú với chúng Tỷ-kheo.
Người ấy giữ im lặng. Lần thứ hai, Tôn giả Moggallāna nói với người ấy:
- Hiền giã hãy đứng dậy. Thế Tôn đã thấy Hiền giả. Hiền giả không được cộng trú với chúng Tỷ-kheo.
Lần thứ hai, người ấy im lặng. Lần thứ ba, Tôn giả Mahā-Moggallāna. Lần thứ ba, Hiền giả ấy im lặng. Rồi Tôn giả Mahā-Moggallāna nắm tay người ấy, dắt tay khỏi ngoài cửa, gài then cửa lại, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Hiền giả ấy đã bị con đuổi ra rồi. Hội chúng nay thanh tịnh Bạch Thế Tôn. Thế Tôn hãy thuyết giảng giới bổn Pātimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
- Thật vi diệu thay, Moggallāna! Thật hy hữu thay, Moggallāna! Cho đến khi bị cầm tay, người ngu si mới đi ra.
Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, bắt đầu từ nay Ta sẽ không làm Uposastha nữa, Ta sẽ không tụng đọc giới bổn Pātimokkha nữa. Bắt đầu từ nay, các Thầy hãy làm Uposastha, các Thầy hãy tụng đọc giới bổn. Sự kiện không có được. Này các Tỷ-kheo, cơ hội không có được là Như Lai có thể làm Uposastha với hội chúng không thanh tịnh, có thể đọc giới bổn. Này các Tỷ-kheo, biển lớn có tám pháp vi diệu hy hữu này, do thấy chúng như vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn. Thế nào là tám?
Này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẩm. Này các Tỷ-kheo, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ nhất. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Này các Tỷ-kheo, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ hai. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng trên bờ hay vất lên đất liền. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ ba. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunā, sông Aciravatī, sông Mahī, các con sông ấy khi chảy đến biển liền bỏ tên họ cũ, trở thành biển lớn. Vì rằng phàm có con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunā, sông Aciravatī, sông Mahī, các con sông ấy khi chảy đến biển liền bỏ tên họ cũ, trở thành biển lớn. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ tư. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có giảm tăng. Này các Tỷ-kheo vì rằng, phàm có dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy mà biển lớn được thấy có giảm tăng. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ năm. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu, chưa từng có thứ sáu. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những châu báu này như trân châu, ma ni châu, lưu ly, xa-cừ, ngọc bích, san-hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những loại châu báu này như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ bảy. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn là trú xứ các loài sinh vật lớn. Tại đây có những sinh vật này như các con timi, timiṅgalā, timirapiṅgalā. Những loại A-tu-la, các loại Nāgā, các loại Gandhabbā. Trong biển lớn có các loại hữu tình dài một trăm do-tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do-tuần. Vì rằng, này các Tỳ-kheo, biển lớn là trú xứ các sanh vật lớn. Tại đây có những sinh vật này như các con timi, timiṅgalā, timirapiṅgalā. Những loại A-tu-la, các loại Nāgā, các loại Gandhabbā. Trong biển lớn có các loại hữu tình dài một trăm do-tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do-tuần. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ tám. Do thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có tám pháp, vi diệu chưa từng có trong Pháp và Luật này, do thấy chúng, thấy chúng, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này. Thế nào là tám?
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, các học pháp và tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí, thình lình. Này Paharada, vì rằng trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thực là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhứt. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn đứng một chỗ không có vượt qua bờ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua. Này các Tỷ-kheo, vì rằng các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua. Này các Tỷ-kheo trong Pháp và Luật này, đây là Pháp vi diệu chưa từng có thứ hai. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú, trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng trên bờ hay vất lên đất liền. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, người nào là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh đáng nghi ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn nhưng tự nhận là Sa-môn, không sống Phạm hạnh nhưng tự nhận là có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất định. Chúng Tăng không sống chung với người ấy, lập tức hội họp lại và đuổi người ấy ra khỏi. Dầu cho người ấy có ngồi giữa chúng Tỷ-kheo tăng, nhưng người ấy sống xa chúng Tăng và chúng Tăng sống xa người ấy. Vì rằng này các Tỷ-kheo, người ấy là ác giới, theo ác pháp... tánh tình bất định... và chúng Tăng sống xa vị ấy. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ ba. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunā, sông Aciracati, sông Sarabhū, sông Mahī, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ trước, trở thành biển lớn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn giai cấp này: Sát-đế-lị, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố sau này, chúng từ bỏ tên và họ của chúng từ trước, và chúng trở thành những Sa-môn Thích tử. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tư. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và luật này.
Ví` như, này các Tỷ-kheo, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy mà biển lớn có giảm tăng. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, nếu có những vị Tỷ-kheo nhập vào Niết Bàn giới, không có dư y, Niết Bàn giới cũng không vì vậy được thấy có giảm tăng. Này các Tỷ-kheo, nếu có nhiều vị Tỷ-kheo nhập vào Niết Bàn giới không có dư y, Niết Bàn giới cũng không vì vậy, được thấy có giảm tăng. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu thứ năm. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, pháp này cũng chỉ có một vị là vị giải thoát. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu chưa từng có thứ sáu. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, ở đấy có những châu báu này, như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xà-cừ, ngọc bích, san-hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã-não. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, Pháp và Luật này có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những loại châu báu này, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Thánh đạo tám ngành. Này các Tỷ-kheo, vì rằng Pháp và Luật này có nhiều châu báu này như Bốn niệm xứ... Thánh đạo tám ngành. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu chưa từng có thứ bảy. Do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn là trú xứ các loại sinh vật lớn, tại đấy có những sinh vật như các con timi, timiṅgalā, timirapiṅgalā, những loại Asurā, các loài Nāgā, các loài Gandhabbà. Trong biển lớn có các loài hữu tình dài một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do-tuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Pháp và Luật này là trú xứ của các loại sinh vật lớn. Ở đấy có những sinh vật này. Bậc Dự Lưu, bậc đang hướng đến chứng ngộ Dự Lưu quả; bậc Nhất Lai, bậc đang hướng đến chứng Nhất Lai quả; bậc Bất Lai, bậc đang hướng đến chứng Bất Lai quả;bậc A-la-hán, bậc đang hướng đến chứng ngộ quả A-la-hán. Này các Tỷ-kheo, vì rằng Pháp và Luật này là trú xứ của các sinh vật lớn. Ở đấy có những sinh vật này... quả A-la-hán.
Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tám. Do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Này các Tỷ-kheo, đây là tám pháp vi diệu, chưa từng có trong Pháp và Luật này, do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong khi ấy, nói lên lời cảm hứng:
5. Che kín, trời có mưa,
Mở rộng, trời không mưa,
Do vậy, hãy mở rộng
Cái gì bị che kín,
Như vậy sẽ không mưa.
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anāthapiṇḍika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahā-Kaccāna trú ở giữa dân chúng Avantī, gần Kuraraghara, trên ngọn núi tên Pavatta. Lúc bấy giờ nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa là thị giả của Tôn giả Mahā-Kaccāna. Rồi nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa trong khi độc cư thiền định, tư tưởng như sau được khởi lên: “Như Tôn giả Mahā-Kaccāna thuyết pháp, thật không dễ dàng cho một người sống trong gia đình có thể thực hành một cách viên mãn Phạm hạnh thuần tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. Nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đi đến Tôn giả Mahā-Kaccāna, sau khi đến đảnh lễ Tôn giả rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa thưa Tôn giả Mahā-Kaccāna.
- Thưa Tôn giả, ở đây trong khi con độc cư thiền tịnh... sống không gia đình. Thưa Tôn giả, Tôn giả hãy cho con xuất gia.
Nghe nói vậy, Tôn giả Mahā-Kaccāna nói với nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa:
- Này Soṇa, thật khó thay đời sống Phạm hạnh, ăn một bữa ăn, nằm một mình cho đến trọn đời. Này Soṇa, tại đây hãy sống trong gia đình, chú tâm vào lời dạy của chư Phật, tạm thời hiện tại sống Phạm hạnh, ăn một ngày một bữa, nằm ngủ một mình. Như vậy lòng ham muốn xuất gia của nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa được giảm nhẹ bớt.
Lần thứ hai, trong khi độc cư thiền định... sống không gia đình. Lần thứ hai nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đi đến Tôn giả Mahā-Kaccāna...”... Hãy cho con xuất gia”. Lần thứ hai, Tôn giả Mahā-Kaccāna nói với nam cư sĩ Soṇa Kotipanna:
- Này Soṇa, thật khó thay... được giảm nhẹ bớt. Lần thứ ba, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa trong khi độc cư thiền định... sống không gia đình.
Lần thứ ba, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đi đến Tôn giả Mahā-Kaccāna và thưa ”... Hãy cho con xuất gia”. Rồi Tôn giả Mahā-Kaccāna cho nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa xuất gia. Lúc bấy giờ, tại Avantīdakkhiṇāpatha, có ít Tỷ-kheo. Rồi Tôn giả Mahā-Kaccāna, sau ba kỳ an cư mùa mưa, một cách khó khăn, một cách mệt nhọc tụ tập được một nhóm mười Tỷ-kheo và trao Ðại giới cho Tôn giả Soṇa.
Tôn giả Soṇa sau khi an cư mùa mưa cô độc thiền tịnh, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Ta chưa được thấy tận mắt Thế Tôn, tuy rằng ta có nghe Thế Tôn là vị như vậy, như vậy. Nếu vị Giáo thọ sư của ta cho phép ta sẽ đi đến yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác”. Rồi Tôn giả Soṇa vào buổi chiều từ độc cư thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahā-Kaccāna, sau khi đảnh lễ Tôn giả Mahākacàna rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên Tôn giả Soṇa thưa với Tôn giả Mahā-Kaccāna:
- Thưa Tôn giả, trong khi con độc cư thiền tịnh, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Ta chưa được thấy tận mặt Thế Tôn... Chánh Ðẳng Giác”.
- Lành thay, lành thay Soṇa! Hãy đi này Soṇa, để yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng-Giác. Này Soṇa, người sẽ thấy Thế Tôn khả ái, khởi dậy lòng tin, các căn an tịnh, tâm ý thanh tịnh, đã đạt được an chỉ chế ngự tối thượng, bậc long tượng được điều phục, hộ trì, các căn nhiếp phục. Sau khi thấy, hãy nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có ít bệnh, ít não nhẹ nhàng, khoẻ mạnh, an ổn không!.
- Thưa vâng, Tôn giả.
Tôn giả Soṇa hoan hỷ tín thọ lời dạy của Tôn giả Mahā-Kaccāna, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tôn giả Mahā-Kaccāna, thân bên hữu hướng về Tôn giả dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát bộ hành hướng về Tôn giả dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát bộ hành hướng đến Sāvatthi, tiếp tục bộ hành đi đến Sāvatthi,Jetavana, khu vườn ông Anāthapiṇḍika, đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Soṇa bạch Thế Tôn:
- Bậc giáo thọ sư của con, bạch Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ, hỏi thăm... có an ổn không?
- Này Tỷ-kheo, Thầy có kham nhẫn được không? Thầy có sống dễ dàng không? Ði đường đến đây có mệt mỏi không? Khất thực có mệt mỏi không?
- Bạch Thế Tôn, con có thể kham nhẫn! Bạch Thế Tôn, con có thể sống dễ dàng. Bạch Thế Tôn, con đi đường không có mệt nhọc! Khất thực không có mệt nhọc.
Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Ānanda:
- Này Ānanda, hãy sửa soạn sàng tọa cho Tỷ-kheo mới đến này.
Tôn giả Ānanda suy nghĩ: “Thế Tôn bảo ta: “Này Ānanda, hãy sửa soạn sàng tọa cho Tỷ-kheo mới đến này”. Như vậy Thế Tôn muốn ở chung một chỗ với Tỷ-kheo ấy. Như vậy Thế Tôn muốn ở chung với Tôn giả Soṇa ấy”. Nên chỗ nào Thế Tôn ở, tại chỗ ấy Tôn giả Ānanda sửa soạn sàng tọa cho Tôn giả Soṇa. Rồi Thế Tôn, sau khi ngồi ở ngoài trời đã quá khuya, rửa chân và đi vào tịnh xá. Tôn giả Soṇa, sau khi ngồi ngoài trời đã quá khuya, rửa chân và đi vào Tịnh xá. Rồi Thế Tôn, khi đêm đã gần sáng, thức dậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Soṇa:
- Hãy nói pháp cho các Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Soṇa vâng đáp Thế Tôn, đọc thuộc lòng mười sáu phần của phẩm tám một cách đầy đủ. Rồi Thế Tôn, sau khi Tôn giả Soṇa chấm dứt tụng đọc của mình, Thế Tôn cám ơn và nói:
- Lành thay, lành thay Tỷ-kheo! Tỷ-kheo đã khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì toàn bộ mười sáu phần trong phẩm thứ tám. Người được đầy đủ thiện ngôn, minh bạch, phát ngôn rõ ràng, ý nghĩa minh xác. Này Tỷ-kheo, Thầy có bao nhiêu tuổi an cư mùa mưa?
- Bạch Thế Tôn, con có một tuổi an cư mùa mưa.
- Này Tỷ-kheo, vì sao Thầy lại để chậm như thế?
- Bạch Thế Tôn, đã lâu con thấy sự nguy hại trong các dục, sự bó buộc của đời sống gia đình, nhiều phận sự, nhiều công việc phải làm.
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
6. Thấy nguy hại ở đời,
Biết pháp không sanh y,
Bậc Thánh không ưa ác,
Bậc tịnh không ưa ác!
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anāthapiṇḍika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Kankharevata ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng, tự mình quán sát sự thanh tịnh do vượt qua được nghi ngờ. Thế Tôn thấy Tôn giả Kankharevata ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng tự mình quán sát sự thanh tịnh do vượt qua được nghi ngờ.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
7. Phàm những nghi hoặc gì,
Ðời này hay đời sau,
Tự mình chưa cảm thọ,
Hay người khác cảm thọ,
Người hành thiền từ bỏ,
Hoàn toàn tất cả chúng,
Nhiệt tâm hành Phạm hạnh.
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Rājagaha, tại Veluvana chỗ nuôi các con sóc. Lúc bấy giờ, Tôn giả Ānanda trong ngày trai giới, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Rājagaha để khất thực. Devadatta thấy Tôn giả Ānanda đi khất thực ở Rājagaha, sau khi thấy, đi đến Tôn giả Ānanda và nói với Tôn giả Ānanda.
- Bắt đầu từ hôm nay, Hiền giả Ānanda, ta sẽ làm lễ trai giới và sẽ tác thành các tăng sự, khác với Thế Tôn, khác với chúng Tỷ-kheo.
Tôn giả Ānanda, sau khi đi khất thực ở Rājagaha, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ānanda bạch Theá Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con vào buổi sáng đắp y, cầm bát, vào Rājagaha để khất thực. Bạch Thế Tôn, Devadatta thấy con đi khất thực ở Rājagaha, thấy vậy liền đi đến con và nói: “Bắt đầu từ hôm nay, Hiền giả Ānanda.. khác với chúng Tỷ-kheo!”. Hôm nay, bạch Thế Tôn, Devadatta sẽ phá hòa hợp Tăng, làm lễ trai giới và hành các tăng sự.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
8. Dễ làm là việc lành,
Ðối với kẻ làm lành;
Khó làm là việc ác,
Ðối với kẻ làm lành;
Dễ làm là việc ác,
Ðối với kẻ làm ác;
Khó làm là việc ác,
Ðối với các bậc Thánh.
Như vậy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn bộ hành giữa dân chúng Kosalā cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Lúc bấy giờ, nhiều thanh niên Bà-la-môn, không xa Thế Tôn bao nhiêu, dùng những lời nhiếc mắng vượt đà quá xa. Thế Tôn thấy nhiều thanh niên, không xa bao nhiêu, dùng những lời nhiếc mắng, vượt đà quá xa.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
9. Lời nói của kẻ trí,
Khi bối rối luống cuống,
Rơi vào nhiều đề tài,
Nhiều lãnh vực sai khác,
Họ muốn miệng mở rộng,
Cái gì dắt dẫn họ,
Họ đâu có biết rõ.
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anāthapiṇḍika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Cūḷapanthaka ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già, lưng thẳng để niệm trước mặt. Thế Tôn thấy Tôn giả Cūḷapanthaka ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già, lưng thẳng để niệm trước mặt.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
10. Với thân, tâm an trú,
Ðứng, ngồi hay nằm xuống,
Tỷ-kheo an trú niệm,
Trước sau được thù thắng,
Trước sau được thù thắng,
Vượt tầm mắt ác ma.