TỤNG PHẨM THỨ NHẤT

  • Câu chuyện về vị Jīvaka
  • Câu chuyện về người vợ của nhà đại phú
  • Câu chuyện về đức vua Bimbisāra
  • Câu chuyện về nhà đại phú ở Rājagaha
  • Câu chuyện về người con trai nhà đại phú
  • Câu chuyện về đức vua Pajjota
  • Phần giảng về xấp vải đôi xứ Sivi
  • Phần giảng về liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần
  • Sự cầu xin điều ước muốn

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, thành Vesāli được phồn thịnh và còn giàu có nữa, đông dân, người người chen chúc, vật thực dễ dàng, và có bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy tòa nhà dài, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy lầu mái nhọn, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy công viên, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy hồ sen. Và có nàng kỹ nữ Ambapālī xinh đẹp, đáng nhìn, duyên dáng, được phú cho làn da đẹp hạng nhất, có tài năng về múa, hát, và đàn, được những người đàn ông có lòng say đắm cầu cạnh, nàng qua đêm với giá năm mươi tiền. Và nhờ nàng thành Vesāli càng thêm phần rạng rỡ.

2. Khi ấy, viên thị trưởng thành Rājagaha đã đi đến Vesāli do công việc cần thiết nào đó. Viên thị trưởng thành Rājagaha đã nhìn thấy thành Vesāli là phồn thịnh và còn giàu có nữa, đông dân, người người chen chúc, vật thực dễ dàng, có bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy tòa nhà dài, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy lầu mái nhọn, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy công viên, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy hồ sen, có nàng kỹ nữ Ambapālī xinh đẹp, đáng nhìn, duyên dáng, được phú cho làn da đẹp hạng nhất, có tài năng về múa, hát, và đàn, được những người đàn ông có lòng say đắm cầu cạnh, nàng qua đêm với giá năm mươi tiền, và nhờ nàng thành Vesāli càng thêm phần rạng rỡ.

3. Sau đó, khi đã hoàn tất công việc cần làm ấy ở Vesāli, viên thị trưởng thành Rājagaha đã quay về lại thành Rājagaha và đã đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã nói với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha điều này: - “Tâu bệ hạ, thành Vesāli là phồn thịnh và còn giàu có nữa, đông dân, người người chen chúc, vật thực dễ dàng, có bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy tòa nhà dài, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy lầu mái nhọn, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy công viên, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy hồ sen, có nàng kỹ nữ Ambapālī xinh đẹp, đáng nhìn, duyên dáng, được phú cho làn da đẹp hạng nhất, có tài năng về múa, hát, và đàn, được những người đàn ông có lòng say đắm cầu cạnh, nàng qua đêm với giá năm mươi tiền, và nhờ nàng thành Vesāli càng thêm phần rạng rỡ. Tâu bệ hạ, tốt đẹp thay nếu chúng ta cũng có thể đào tạo kỹ nữ.” - “Này khanh, như thế thì khanh hãy tìm người con gái tương tợ rồi hãy đào tạo nàng trở thành kỹ nữ như thế.”

4. Vào lúc bấy giờ, trong thành Rājagaha có người con gái tên Sālavatī là người xinh đẹp, đáng nhìn, duyên dáng, được phú cho làn da đẹp hạng nhất. Khi ấy, viên thị trưởng thành Rājagaha đã đào tạo người con gái Sālavatī thành kỹ nữ. Sau đó chẳng bao lâu, nàng kỹ nữ Sālavatī đã trở nên có tài năng về múa, hát, và đàn, được những người đàn ông có lòng say đắm cầu cạnh, và nàng qua đêm với giá đến một trăm tiền.

5. Sau đó chẳng bao lâu, nàng kỹ nữ Sālavatī đã mang thai. Khi ấy, nàng kỹ nữ Sālavatī đã khởi ý điều này: “Đàn bà mang thai đâu còn được đàn ông ưa thích. Nếu có người biết về ta rằng: ‘Kỹ nữ Sālavatī mang thai’ thì toàn bộ sự trọng vọng đối với ta đều sẽ mất. Hay là ta nên cáo bệnh?” Sau đó, nàng kỹ nữ Sālavatī đã bảo người gác cổng rằng: - “Này chú em gác cổng, chớ để bất cứ người đàn ông nào vào. Và ai hỏi ta thì cho hay rằng: ‘Bị bệnh.’” - “Thưa cô chủ, xin vâng.” Người gác cổng ấy đã đáp lại nàng kỹ nữ Sālavatī. Sau đó, đến lúc phát triển đầy đủ của bào thai ấy, nàng kỹ nữ Sālavatī đã sanh ra đứa bé trai. Khi ấy, nàng kỹ nữ Sālavatī đã bảo người tớ gái rằng: - “Này em, giờ hãy đặt đứa bé trai này vào trong giỏ đan cũ kỹ rồi mang đi quăng bỏ ở đống rác.” - “Thưa cô chủ, xin vâng.” Rồi người tớ gái ấy nghe theo nàng kỹ nữ Sālavatī đã đặt đứa bé trai ấy vào trong giỏ đan cũ kỹ rồi mang đi quăng bỏ ở đống rác.

6. Vào lúc bấy giờ, vị vương tử tên Abhaya trong khi đi phục vụ đức vua vào lúc sáng sớm đã nhìn thấy đứa bé trai ấy đang bị bầy quạ bu quanh, sau khi nhìn thấy đã hỏi mọi người rằng: - “Này các khanh, vật gì bị bầy quạ bu quanh vậy?” - “Thưa ngài, đứa bé trai.” - “Này các khanh, còn sống không?” - “Thưa ngài, còn sống.” - “Này các khanh, như thế thì hãy mang đứa bé trai ấy về hậu cung của chúng ta và giao cho các vú nuôi chăm sóc.” - “Thưa ngài, xin vâng.” Rồi những người ấy nghe theo vương tử Abhaya đã mang đứa bé trai ấy về hậu cung của vương tử Abhaya rồi giao cho các vú nuôi (nói rằng): - “Các người hãy chăm sóc.” Lời đã nói về đứa bé là “còn sống,” nên họ đã đặt tên đứa bé là “Jīvaka” (người đang sống). Và bởi vì “được nuôi dưỡng bởi vị vương tử” nên đã được đặt tên là “Komārabhacca.”

7. Sau đó chẳng bao lâu, Jīvaka Komārabhacca đã đạt đến tuổi hiểu biết. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp vương tử Abhaya, sau khi đến đã nói với vương tử Abhaya điều này: - “Thưa ngài, ai là mẹ của con, ai là cha của con?” - “Này Jīvaka con, ta cũng không biết mẹ của con; tuy nhiên ta là cha của con vì con đã được ta nuôi dưỡng.” Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Với kẻ không có nghề nghiệp thì các gia đình vương giả này quả là không dễ gì để sống nhờ vả. Hay là ta nên học lấy nghề nghiệp?”

8. Vào lúc bấy giờ, có người thầy thuốc tiếng tăm lẫy lừng sống ở Takkasilā. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca không xin phép vương tử Abhaya đã đi đến Takkasilā gặp người thầy thuốc ấy, sau khi đến đã nói với người thầy thuốc ấy điều này: - “Thưa thầy, con muốn học nghề.” - “Này Jīvaka con, như vậy thì con có thể học.”

9. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca học nhiều, học nhanh chóng, tiếp thâu tốt đẹp, và đối với anh ta điều đã được học thì không quên đi. Sau đó, khi trải qua bảy năm Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Ta học nhiều, học nhanh chóng, tiếp thâu tốt đẹp, và đối với ta điều đã được học thì không quên đi. Và trong khi ta đã học được bảy năm rồi mà đích cuối cùng của nghề này vẫn không được biết đến, vậy thì khi nào đích cuối cùng của nghề này mới được biết đến?”

10. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp người thầy thuốc ấy, sau khi đến đã nói với người thầy thuốc ấy điều này: - “Thưa thầy, con học nhiều, học nhanh chóng, tiếp thâu tốt đẹp, và đối với con điều đã được học thì không quên đi. Và trong khi con đã học được bảy năm rồi mà đích cuối cùng của nghề này vẫn không được biết đến, vậy thì khi nào đích cuối cùng của nghề này mới được biết đến?” - “Này Jīvaka con, như vậy thì con hãy cầm lấy cái thuổng đi dạo xung quanh Takkasilā một do tuần, nếu con thấy được bất cứ vật gì không phải là dược phẩm thì hãy đem vật ấy về.” - “Thưa thầy, xin vâng.” Rồi Jīvaka Komārabhacca nghe theo người thuốc ấy đã cầm lấy cái thuổng, trong khi đi dạo xung quanh Takkasilā một do tuần, đã không nhìn thấy bất cứ vật gì không phải là dược phẩm.

11. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp người thầy thuốc ấy, sau khi đến đã nói với người thầy thuốc ấy điều này: - “Thưa thầy, trong khi đi dạo xung quanh Takkasilā một do tuần, con đã không thấy được bất cứ vật gì không phải là dược phẩm.” - “Này Jīvaka con, con đã học xong. Bấy nhiêu đó đã đủ cho cuộc sống của con rồi.” Rồi (người thầy thuốc ấy) đã trao cho Jīvaka Komārabhacca chút ít (tiền) dự phòng đi đường.

12. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca sau khi nhận lấy chút ít (tiền) dự phòng đi đường rồi đã ra đi về phía thành Rājagaha. Sau đó, vào khoảng giữa cuộc hành trình, ở Sāketa chút ít (tiền) dự phòng đi đường ấy đã hết. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Những con đường này hoang vắng, ít nước, ít thức ăn, không có (tiền) dự phòng đi đường không phải dễ dàng để đi, hay là ta nên kiếm (tiền) dự phòng đi đường?”

13. Vào lúc bấy giờ, ở Sāketa có người vợ của nhà đại phú bị bệnh đau đầu đã bảy năm. Nhiều thầy thuốc tiếng tăm vô cùng lừng lẫy đã đi đến và đã không thể làm khỏi bệnh; họ đã nhận lấy nhiều vàng khối rồi ra đi. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã đi vào Sāketa và hỏi dân chúng rằng: - “Này các người, ai bị bệnh? Tôi chữa trị cho ai đây?” - “Này ông thầy, người vợ nhà đại phú kia bị bệnh đau đầu đã bảy năm. Này ông thầy, hãy đi và chữa trị cho người vợ nhà đại phú.”

14. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến tư gia của vị đại phú, sau khi đến đã bảo người gác cổng rằng: - “Này chú gác cổng, hãy đi và báo cho người vợ nhà đại phú rằng: ‘Thưa bà, người thầy thuốc đã đến. Ông ấy có ý muốn gặp bà.’” - “Thưa thầy, xin vâng.” Rồi người gác cổng ấy nghe theo Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp người vợ nhà đại phú, sau khi đến đã nói với người vợ nhà đại phú điều này: - “Thưa bà, người thầy thuốc đã đến. Ông ấy có ý muốn gặp bà.” - “Này chú gác cổng, người thầy thuốc ra làm sao?” - “Thưa bà, còn trẻ lắm.” - “Này chú gác cổng, thôi đi! Thầy thuốc còn trẻ lắm thì sẽ làm được gì cho ta? Nhiều thầy thuốc tiếng tăm vô cùng lừng lẫy đã đi đến và đã không thể làm khỏi bệnh; họ đã nhận lấy nhiều vàng khối rồi ra đi.”

15. Sau đó, người gác cổng ấy đã đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca, sau khi đến đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: - “Thưa thầy, người vợ nhà đại phú đã nói như vầy: ‘Này chú gác cổng, thôi đủ rồi! Thầy thuốc còn trẻ lắm thì sẽ làm được gì cho ta? Nhiều thầy thuốc tiếng tăm vô cùng lừng lẫy đã đi đến và đã không thể làm khỏi bệnh; họ đã nhận lấy nhiều vàng khối rồi ra đi.’”

16. - “Này chú gác cổng, hãy đi và báo cho người vợ nhà đại phú rằng: ‘Thưa bà, người thầy thuốc đã nói như vầy: Thưa bà, bà không phải đưa trước vật gì. Khi nào khỏi bệnh, khi ấy bà muốn cho vật gì thì bà cứ việc cho vật ấy.’” - “Thưa thầy, xin vâng.” Rồi người gác cổng ấy nghe theo Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp người vợ nhà đại phú, sau khi đến đã nói với người vợ nhà đại phú điều này: - “Thưa bà, người thầy thuốc đã nói như vầy: ‘Thưa bà, bà không phải đưa trước vật gì. Khi nào khỏi bệnh, khi ấy bà muốn cho vật gì thì bà cứ việc cho vật ấy.’” - “Này chú gác cổng, như thế thì hãy để người thầy thuốc đi đến.” - “Thưa bà, xin vâng.” Rồi người gác cổng ấy nghe theo người vợ nhà đại phú đã đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca, sau khi đến đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: - “Thưa thầy, người vợ nhà đại phú cho gọi thầy.”

17. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp người vợ nhà đại phú, sau khi đến đã xem xét sự biến đổi diện mạo của người vợ nhà đại phú rồi nói với người vợ nhà đại phú điều này: - “Thưa bà, tôi cần một bụm tay bơ lỏng.” Khi ấy, người vợ nhà đại phú đã bảo người trao cho Jīvaka Komārabhacca một bụm tay bơ lỏng. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã nấu sôi bụm tay bơ lỏng ấy với nhiều loại dược phẩm rồi bảo người vợ nhà đại phú nằm ngửa ở trên cái giường nhỏ và cho vào theo đường mũi. Sau đó, bơ lỏng đã được cho vào theo đường mũi ấy đã đi ra theo đường miệng. Khi ấy, người vợ nhà đại phú đã nhổ bơ lỏng ấy vào vật đựng rồi bảo người tớ gái rằng: - “Này em, hãy thu hồi lại bơ lỏng này bằng lớp gòn.”

18. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ lạ! Bà chủ nhà này thật là hà tiện! Bởi vì thứ bơ lỏng chỉ đáng quăng bỏ này còn được bảo thu hồi lại bằng lớp gòn! Và nhiều thứ thuốc vô cùng quý giá của ta đã được sử dụng, rồi bà này sẽ cho ta vật thưởng công là cái gì đây?”

19. Khi ấy, sau khi xem xét sự biến đổi diện mạo của Jīvaka Komārabhacca, người vợ nhà đại phú ấy đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: - “Thưa thầy, sao thầy có vẻ lo âu vậy?” - “Trong trường hợp này, tôi đã khởi ý điều này: ‘Thật là kỳ lạ! Bà chủ nhà này thật là hà tiện! Bởi vì thứ bơ lỏng chỉ đáng quăng bỏ này còn được bảo thu hồi lại bằng lớp gòn! Và nhiều thứ thuốc vô cùng quý giá của ta đã được sử dụng, rồi bà này sẽ cho ta vật thưởng công là cái gì đây?’” - “Thưa thầy, chúng tôi, được gọi là gia chủ, hiểu về điều này là sự tiết kiệm. Bơ lỏng ấy là thuốc xoa chân rất tốt cho các tôi tớ và các người làm công, hay là dầu cho việc đốt đèn. Thưa thầy, thầy chớ có lo âu. Vật thưởng công cho thầy sẽ không phải bỏ phí.”

20. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã trị dứt chứng bệnh đau đầu bảy năm của người vợ nhà đại phú chỉ bằng mỗi một việc làm ở mũi. Sau đó, người vợ nhà đại phú, được khỏi bệnh, đã thưởng cho Jīvaka Komārabhacca bốn ngàn. Người con trai (nghĩ rằng): “Mẹ ta đã khỏi bệnh!” nên đã thưởng cho Jīvaka Komārabhacca bốn ngàn. Người con dâu (nghĩ rằng): “Mẹ chồng ta đã khỏi bệnh!” nên đã thưởng cho Jīvaka Komārabhacca bốn ngàn. Người gia chủ đại phú (nghĩ rằng): “Vợ ta đã khỏi bệnh!” nên đã thưởng cho Jīvaka Komāra-bhacca bốn ngàn, đứa tôi trai, (đứa tớ gái), và chiếc xe ngựa.

21. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã cầm lấy mười sáu ngàn ấy, đứa tôi trai, đứa tớ gái, và chiếc xe ngựa rồi ra đi đến thành Rājagaha. Theo tuần tự, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến thành Rājagaha gặp vương tử Abhaya, sau khi đến đã nói với vương tử Abhaya điều này: - “Thưa ngài, đây là công việc đầu tiên của con gồm có mười sáu ngàn, đứa tôi trai, đứa tớ gái, và chiếc xe ngựa. Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lấy cho việc đã nuôi dưỡng con.” - “Này Jīvaka con, thôi đi, hãy để cho chính con. Con hãy cho xây tư thất ở hậu cung của chính chúng ta.” - “Thưa ngài, xin vâng.” Rồi Jīvaka Komārabhacca nghe theo vương tử Abhaya đã cho xây tư thất ở hậu cung.

22. Vào lúc bấy giờ, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha bị bệnh rò rỉ. Các vải choàng đều bị lấm lem bởi máu. Các vương phi sau khi nhìn thấy trêu ghẹo rằng: - “Bữa nay, chúa công tới chu kỳ. Kinh nguyệt của chúa công đã có. Chẳng bao lâu chúa công sẽ sanh con.” Vì chuyện ấy, đức vua bị xấu hổ.

23. Sau đó, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với vương tử Abhaya điều này: - “Này khanh Abhaya, trẫm có bệnh giống như vầy. Các vải choàng đều bị lấm lem bởi máu. Các vương phi sau khi nhìn thấy trêu ghẹo rằng: ‘Bữa nay, chúa công tới chu kỳ. Kinh nguyệt của chúa công đã có. Chẳng bao lâu chúa công sẽ sanh con.’ Này khanh Abhaya, người nào có thể chữa trị cho trẫm thì hãy tìm thầy thuốc hạng như thế ấy.” - “Tâu bệ hạ, Jīvaka này của thần là thầy thuốc trẻ, giỏi giang, cậu ta sẽ chữa trị cho bệ hạ.” - “Này khanh Abhaya, như thế thì hãy ra lệnh cho thầy thuốc Jīvaka. Vị ấy sẽ chữa trị cho trẫm.”

24. Sau đó, vương tử Abhaya đã truyền lệnh cho Jīvaka Komārabhacca rằng: - “Này Jīvaka con, hãy đi và chữa trị cho đức vua.” - “Thưa ngài, xin vâng.” Rồi Jīvaka Komārabhacca nghe theo vương tử Abhaya sau khi nhét dược phẩm vào trong móng tay rồi đã đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã nói với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha điều này: - “Tâu bệ hạ, chúng ta hãy xem bệnh.”

25. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã trị dứt căn bệnh rò rỉ của đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha chỉ bằng mỗi một liều thuốc thoa. Sau đó, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, được khỏi bệnh, đã cho người trang điểm năm trăm người nữ với tất cả các đồ trang sức, xong bảo tháo ra, cho chất thành đống, rồi đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: - “Này khanh Jīvaka, tất cả các đồ trang sức này từ năm trăm người nữ là của khanh.” - “Tâu bệ hạ, thôi đi, chỉ xin bệ hạ hãy nhớ cho chức vụ của thần.” - “Này khanh Jīvaka, như vậy thì khanh hãy phục vụ trẫm, các cung phi, và hội chúng có đức Phật đứng đầu.” - “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Jīvaka Komārabhacca đã trả lời đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha.

26. Vào lúc bấy giờ, có nhà đại phú ở thành Rājagaha bị bệnh đau đầu đã được bảy năm. Nhiều thầy thuốc tiếng tăm vô cùng lừng lẫy đã đi đến và đã không thể làm khỏi bệnh; họ đã nhận lấy nhiều vàng khối rồi ra đi. Hơn nữa, ông ta đã bị các thầy thuốc từ chối. Một số thầy thuốc đã nói như vầy: “Vào ngày thứ năm, người gia chủ đại phú này sẽ chết.” Một số thầy thuốc đã nói như vầy: “Vào ngày thứ bảy, người gia chủ đại phú này sẽ chết.”

27. Khi ấy, vị thị trưởng thành Rājagaha đã khởi ý điều này: “Người gia chủ đại phú này có nhiều cống hiến cho đức vua và cho thị trấn nữa. Tuy nhiên, ông ta đã bị các thầy thuốc từ chối. Một số thầy thuốc đã nói như vầy: ‘Vào ngày thứ năm, người gia chủ đại phú này sẽ chết.’ Một số thầy thuốc đã nói như vầy: ‘Vào ngày thứ bảy, người gia chủ đại phú này sẽ chết.’ Và thầy thuốc Jīvaka này của đức vua là trẻ tuổi, giỏi giang, hay là chúng ta nên cầu xin đức vua phái thầy thuốc Jīvaka chữa trị cho người gia chủ đại phú vậy?”

28. Sau đó, viên thị trưởng thành Rājagaha đã đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã nói với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha điều này: - “Tâu bệ hạ, người gia chủ đại phú này có nhiều cống hiến cho đức vua và cho thị trấn nữa. Tuy nhiên, ông ta đã bị các thầy thuốc từ chối. Một số thầy thuốc đã nói như vầy: ‘Vào ngày thứ năm, người gia chủ đại phú này sẽ chết.’ Một số thầy thuốc đã nói như vầy: ‘Vào ngày thứ bảy, người gia chủ đại phú này sẽ chết.’ Tâu bệ hạ, tốt đẹp thay xin bệ hạ hãy ra lệnh cho thầy thuốc Jīvaka chữa trị cho người gia chủ đại phú.” Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra lệnh cho Jīvaka Komārabhacca rằng: - “Này khanh Jīvaka, hãy đi và chữa trị cho người gia chủ đại phú.”

29. - “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Rồi Jīvaka Komārabhacca nghe theo đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi đến gặp người gia chủ đại phú, sau khi đến đã xem xét sự biến đổi diện mạo của người gia chủ đại phú rồi đã nói với người gia chủ đại phú điều này: - “Này gia chủ, nếu tôi chữa cho ông khỏi bệnh, vật thưởng công cho tôi sẽ là cái gì đây?” - “Thưa thầy, tất cả tài sản sẽ là của thầy và tôi sẽ là đầy tớ của thầy.” - “Này gia chủ, vậy ông có thể nằm một bên hông trong bảy tháng không?” - “Thưa thầy, tôi có thể nằm một bên hông trong bảy tháng.” - “Này gia chủ, vậy ông có thể nằm bên hông kia trong bảy tháng không?” - “Thưa thầy, tôi có thể nằm bên hông kia trong bảy tháng.” - “Này gia chủ, vậy ông có thể nằm ngửa trong bảy tháng không?” - “Thưa thầy, tôi có thể nằm ngửa trong bảy tháng.”

30. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã bảo người gia chủ đại phú nằm xuống trên cái giường nhỏ, sau khi buộc chặt vào cái giường nhỏ rồi đã cắt làn da đầu, tách đôi vết mổ, rồi lôi ra hai con sâu đưa cho mọi người thấy (nói rằng): - “Các người có thể nhìn xem hai con sâu một nhỏ một lớn này. Các vị thầy nào đã nói như vầy: ‘Vào ngày thứ năm, người gia chủ đại phú này sẽ chết,’ các vị ấy đã nhìn thấy con sâu lớn này trong năm ngày nữa sẽ xâm nhập bộ não của người gia chủ đại phú; do sự xâm nhập vào bộ não mà người gia chủ đại phú sẽ phải chết. Các vị thầy ấy đã nhìn thấy đúng. Còn các vị thầy nào đã nói như vầy: ‘Vào ngày thứ bảy, người gia chủ đại phú này sẽ chết,’ các vị ấy đã nhìn thấy con sâu nhỏ này trong bảy ngày nữa sẽ xâm nhập bộ não của người gia chủ đại phú; do sự xâm nhập vào bộ não mà người gia chủ đại phú sẽ phải chết. Các vị thầy ấy đã nhìn thấy đúng.” Rồi Jīvaka Komārabhacca đã khép lại vết mổ, khâu lại làn da đầu, rồi bôi thuốc mỡ vào.

31. Sau đó, khi trải qua bảy ngày người gia chủ đại phú đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: - “Thưa thầy, tôi không thể nằm một bên hông trong bảy tháng.” - “Này gia chủ, không phải ông đã hứa với tôi rằng: ‘Thưa thầy, tôi có thể nằm một bên hông trong bảy tháng’ hay sao?” - “Thưa thầy, đúng vậy. Tôi đã hứa. Nhưng mà tôi sẽ chết mất. Tôi không thể nằm một bên hông trong bảy tháng.” - “Này gia chủ, như thế thì ngươi hãy nằm bên hông kia trong bảy tháng.”

32. Sau đó, khi trải qua bảy ngày người gia chủ đại phú đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: - “Thưa thầy, tôi không thể nằm bên hông kia trong bảy tháng.” - “Này gia chủ, không phải ông đã hứa với tôi rằng: ‘Thưa thầy, tôi có thể nằm bên hông kia trong bảy tháng’ hay sao?” - “Thưa thầy, đúng vậy. Tôi đã hứa. Nhưng mà tôi sẽ chết mất. Tôi không thể nằm bên hông kia trong bảy tháng.” - “Này gia chủ, như thế thì ngươi hãy nằm ngửa trong bảy tháng.”

33. Sau đó, khi trải qua bảy ngày người gia chủ đại phú đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: - “Thưa thầy, tôi không thể nằm ngửa trong bảy tháng.” - “Này gia chủ, không phải ông đã hứa với tôi rằng: ‘Thưa thầy, tôi có thể nằm ngửa trong bảy tháng’ hay sao?” - “Thưa thầy, đúng vậy. Tôi đã hứa. Nhưng mà tôi sẽ chết mất. Tôi không thể nằm ngửa trong bảy tháng.” - “Này gia chủ, nếu tôi không nói điều ấy thì ông không thể nằm được chừng này. Hơn nữa, tôi đã tính trước và biết rằng: ‘Với ba lần bảy ngày, người gia chủ đại phú sẽ khỏi bệnh.’ Này gia chủ, hãy đứng dậy, ông đã khỏi bệnh. Ông hãy biết vật thưởng công cho tôi là cái gì?”- “Thưa thầy, tất cả tài sản hãy là của thầy và tôi là đầy tớ của thầy.” - “Này gia chủ, thôi đi. Ông chớ có cho tôi tất cả tài sản và chớ có là đầy tớ của tôi. Hãy trao cho đức vua một trăm ngàn và tôi một trăm ngàn.” Sau đó, người gia chủ đại phú, được khỏi bệnh, đã trao cho đức vua một trăm ngàn và Jīvaka Komārabhacca một trăm ngàn.

34. Vào lúc bấy giờ, người con trai nhà đại phú ở Bārāṇasī trong lúc chơi giỡn trò nhào lộn bị bệnh xoắn ruột. Vì thế, ngay cả cháo được húp vào cũng không tiêu hóa đúng đắn, vật thực được ăn vào cũng không tiêu hóa đúng đắn, thậm chí việc tiểu tiện đại tiện cũng không bình thường. Do đó, cậu ấy trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân.

35. Khi ấy, nhà đại phú thành Bārāṇasī đã khởi ý điều này: “Con trai ta có chứng bệnh như thế này. Vì thế, ngay cả cháo được húp vào cũng không tiêu hóa đúng đắn, vật thực được ăn vào cũng không tiêu hóa đúng đắn, thậm chí việc tiểu tiện đại tiện cũng không bình thường. Do đó, con trai ta trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân. Hay là ta nên đi đến thành Rājagaha cầu xin đức vua phái thầy thuốc Jīvaka chữa trị cho con trai của ta vậy?”

36. Sau đó, nhà đại phú ở Bārāṇasī đã đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã nói với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha điều này: - “Tâu bệ hạ, con trai thần có chứng bệnh như thế này. Vì thế, ngay cả cháo được húp vào cũng không tiêu hóa đúng đắn, vật thực được ăn vào cũng không tiêu hóa đúng đắn, thậm chí việc tiểu tiện đại tiện cũng không bình thường. Do đó, con trai thần trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân. Tâu bệ hạ, tốt lành thay xin bệ hạ hãy ra lệnh cho thầy thuốc Jīvaka chữa trị cho con trai của thần.”

37. Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra lệnh cho Jīvaka Komārabhacca rằng: - “Này khanh Jīvaka, hãy đi. Sau khi đi đến Bārāṇasī khanh hãy chữa trị cho con trai nhà đại phú ở Bārāṇasī.” - “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Rồi Jīvaka Komārabhacca nghe theo đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi Bārāṇasī gặp người con trai nhà đại phú ở Bārāṇasī, sau khi đến đã xem xét sự biến đổi diện mạo của người con trai nhà đại phú ở Bārāṇasī rồi bảo mọi người tránh đi, dùng màn che vây kín lại, cột chặt (người con trai) vào cây cột nhà, bảo người vợ đứng ở phía trước, rồi cắt làn da ở bụng, lấy ruột ra, đưa cho người vợ thấy (nói rằng): - “Hãy nhìn xem bệnh của tướng công bà. Vì điều này mà ngay cả cháo được húp vào cũng không tiêu hóa đúng đắn, vật thực được ăn vào cũng không tiêu hóa đúng đắn, thậm chí việc tiểu tiện đại tiện cũng không bình thường. Vì điều này, người này trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân.” Rồi Jīvaka Komārabhacca đã gỡ rối phần ruột bị xoắn, đặt các thứ ruột vào trở lại, khâu lại làn da bụng, rồi bôi thuốc mỡ vào.

38. Sau đó cũng chẳng bao lâu, người con trai nhà đại phú ở Bārāṇasī đã được khỏi bệnh. Khi ấy, nhà đại phú ở Bārāṇasī (nghĩ rằng): “Con trai ta đã được khỏi bệnh” rồi đã thưởng cho Jīvaka Komārabhacca mười sáu ngàn. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã cầm lấy mười sáu ngàn ấy rồi quay trở về lại thành Rājagaha.

39. Vào lúc bấy giờ, đức vua Pajjota bị bệnh vàng da. Nhiều thầy thuốc tiếng tăm vô cùng lừng lẫy đã đi đến và đã không thể làm khỏi bệnh; họ đã nhận lấy nhiều vàng khối rồi ra đi. Sau đó, đức vua Pajjota đã phái sứ giả đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha (nói rằng): - “Quả là tôi bị bệnh như thế này. Tâu bệ hạ, tốt đẹp thay xin bệ hạ hãy ra lệnh cho thầy thuốc Jīvaka. Vị ấy sẽ chữa trị cho tôi.”

40. Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra lệnh cho Jīvaka Komārabhacca rằng: - “Này khanh Jīvaka, hãy đi. Sau khi đi đến Ujjenī khanh hãy chữa trị cho đức vua Pajjota.” - “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Rồi Jīvaka Komārabhacca nghe theo đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi Ujjenī gặp đức vua Pajjota, sau khi đến đã xem xét sự biến đổi diện mạo của đức vua Pajjota rồi đã nói điều này: - “Tâu bệ hạ, thần sẽ đun sôi bơ lỏng và bệ hạ sẽ uống thứ ấy.” - “Này khanh Jīvaka, thôi đi. Ngươi hãy làm khỏi bệnh bằng cách nào mà có thể không dùng bơ lỏng. Đối với ta, bơ lỏng ghê tởm và không thích hợp.”

41. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Bệnh của vị vua này là như thế ấy; không dùng bơ lỏng không thể nào làm khỏi bệnh được. Hay là ta nên nấu sôi bơ lỏng có màu cam, có hương của cam, và có vị của cam?” Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã nấu sôi bơ lỏng có màu cam, có hương của cam, và có vị của cam với nhiều loại dược phẩm.

42. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Đối với vị vua này, bơ lỏng đã được uống vào, trong khi được tiêu hóa, sẽ làm ợ chua. Vị vua này thì tàn bạo có thể cho người giết ta, hay là ta nên hỏi phòng xa trước?”

43. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp đức vua Pajjota, sau khi đến đã nói với đức vua Pajjota điều này: - “Tâu bệ hạ, những người thầy thuốc chúng tôi nhổ các thứ rễ cây, thu hoạch các thứ dược phẩm vào thời điểm thích hợp. Tốt đẹp thay xin bệ hạ hãy ra lệnh cho các trạm xe và các cổng thành rằng: ‘Jīvaka muốn đi bằng xe nào thì hãy để cho đi bằng xe đó, muốn đi ra bằng cổng nào thì hãy để cho đi ra bằng cổng đó, muốn đi ra lúc nào thì hãy cho đi ra lúc đó, muốn đi vào lúc nào thì hãy cho đi vào lúc đó.’”

44. Sau đó, đức vua Pajjota đã ra lệnh cho các trạm xe và các cổng thành rằng: - “Jīvaka muốn đi bằng xe nào thì hãy để cho đi bằng xe đó, muốn đi ra bằng cổng nào thì hãy để cho đi ra bằng cổng đó, muốn đi ra lúc nào thì hãy cho đi ra lúc đó, muốn đi vào lúc nào thì hãy cho đi vào lúc đó.”

45. Vào lúc bấy giờ, đức vua Pajjota có con voi cái tên là Bhaddavatikā có thể đi năm mươi do tuần. Rồi Jīvaka Komārabhacca đã đem lại bơ lỏng cho đức vua Pajjota (nói rằng): - “Xin bệ hạ hãy uống cam.” Sau đó, khi đã cho đức vua Pajjota uống bơ lỏng xong, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến chuồng voi và tẩu thoát thành phố bằng con voi cái Bhaddavatikā.

46. Sau đó, khi đã được đức vua Pajjota uống vào và trong khi tiêu hóa, bơ lỏng ấy đã làm ợ chua. Khi ấy, đức vua Pajjota đã nói với mọi người điều này: - “Này các khanh, Jīvaka xảo trá đã làm cho trẫm phải uống bơ lỏng. Chính vì thế, các khanh hãy truy nã thầy thuốc Jīvaka.” - “Tâu bệ hạ, thầy thuốc đã tẩu thoát thành phố bằng con voi cái Bhaddavatikā rồi.”

47. Vào lúc bấy giờ, đức vua Pajjota có nam nô lệ tên là Kāka đã được sanh ra có nguồn gốc phi nhân có thể đi sáu mươi do tuần. Khi ấy, đức vua Pajjota đã ra lệnh cho nô lệ Kāka rằng: - “Này khanh Kāka, hãy đi và hãy bảo thầy thuốc Jīvaka rằng: ‘Thưa thầy, đức vua bảo đem thầy quay trở về.’ Này khanh Kāka, bọn người gọi là thầy thuốc này vô cùng quỷ quyệt. Khanh chớ có nhận lấy bất cứ vật gì từ ông ta.”

48. Sau đó, vào khoảng giữa đường đi tại thành Kosambi, người nô lệ Kāka đã bắt gặp Jīvaka Komārabhacca đang dùng điểm tâm. Khi ấy, người nô lệ Kāka đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: - “Thưa thầy, đức vua bảo đem thầy quay trở về.” - “Này chú em Kāka, hãy chờ cho ta ăn. Này chú em Kāka, ngươi cũng nên ăn đi.” - “Thưa thầy, thôi đi. Tôi đã được đức vua ra lệnh rằng: ‘Này khanh Kāka, bọn người gọi là thầy thuốc này vô cùng xảo trá. Khanh chớ có nhận lấy bất cứ vật gì từ ông ta.’”

49. Vào lúc bấy giờ, Jīvaka Komārabhacca đã dùng móng tay khảy lấy (chút) dược phẩm rồi ăn trái cây āmalaka và uống nước. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã nói với nô lệ Kāka điều này: - “Này chú em Kāka, ngươi hãy ăn trái cây āmalaka và nên uống nước.” Khi ấy, nô lệ Kāka (nghĩ rằng): “Thầy thuốc này ăn trái cây āmalaka và uống nước. Xem ra không có điều gì là quỷ quyệt cả” rồi đã ăn nửa trái āmalaka và uống nước. Khi người nô lệ ấy vừa ăn vào nửa phần của trái āmalaka ấy liền bị ói ra ngay tại chỗ ấy.

50. Khi ấy, nô lệ Kāka đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: - “Thưa thầy, tôi có còn mạng sống không?” - “Này chú em Kāka, chớ có sợ. Rồi chính ngươi sẽ được khỏi bệnh. Còn đức vua thì tàn bạo, đức vua ấy cũng có thể ra lệnh giết ta; vì thế ta không quay trở lại.” Sau khi bảo nô lệ Kāka dẫn đi con voi cái Bhaddavatikā, Jīvaka Komārabhacca đã ra đi về phía thành Rājagaha, tuần tự đã đi đến thành Rājagaha gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã trình sự việc ấy cho đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha. - “Này khanh Jīvaka, khanh đã làm tốt lắm, là việc khanh đã không quay trở về. Đức vua ấy tàn bạo cũng có thể ra lệnh giết khanh.”

51. Sau đó, đức vua Pajjota, được khỏi bệnh, đã phái sứ giả đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca (nói rằng): - “Jīvaka hãy đi đến. Trẫm sẽ ban đặc ân.” - “Thưa ngài, thôi đi. Chỉ xin đức vua nhớ cho chức vụ của thần.”

52. Vào lúc bấy giờ, có xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi được phát sanh đến đức vua Pajjota. (Đây) là loại tốt nhất, thượng hạng, nổi tiếng, cao quý, và sang trọng trong vô số các loại vải, trong vô số các xấp vải đôi, trong hàng trăm xấp vải đôi, trong hàng ngàn xấp vải đôi, trong hàng trăm ngàn xấp vải đôi. Sau đó, đức vua Pajjota đã phái người đem xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi ấy ban cho Jīvaka Komārabhacca.

53. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi này đã được đức vua Pajjota gởi đến cho ta, là loại tốt nhất, thượng hạng, nổi tiếng, cao quý, và sang trọng trong vô số các loại vải, trong vô số các xấp vải đôi, trong hàng trăm xấp vải đôi, trong hàng ngàn xấp vải đôi, trong hàng trăm ngàn xấp vải đôi; không ai xứng đáng với vật này, ngoại trừ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy, hay là đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha.”

54. Vào lúc bấy giờ, cơ thể của đức Thế Tôn bị tiết ra dịch chất dơ. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo với đại đức Ānanda rằng: - “Này Ānanda, cơ thể của Như Lai bị tiết ra dịch chất dơ. Như Lai muốn uống liều thuốc xổ.”

55. Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca, sau khi đến đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: - “Này đạo hữu Jīvaka, cơ thể của Như Lai bị tiết ra dịch chất dơ. Như Lai muốn uống liều thuốc xổ.” - “Thưa ngài Ānanda, như thế thì ngài hãy thoa dầu nơi cơ thể của đức Thế Tôn một vài ngày.”

56. Sau đó, khi đã thoa dầu nơi cơ thể của đức Thế Tôn một vài ngày, đại đức Ānanda đã đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca, sau khi đến đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: - “Này đạo hữu Jīvaka, cơ thể của Như Lai đã được thoa dầu, đạo hữu hãy suy nghĩ xem bây giờ là thời điểm của việc gì.”

57. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Đối với ta quả là không thích đáng, là việc ta có thể dâng đức Thế Tôn liều thuốc xổ thô tháo,” nên đã dùng ba nắm sen và nhiều loại dược phẩm trộn lẫn nhau rồi đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã dâng lên đức Thế Tôn một nắm sen (nói rằng): - “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hít vào nắm sen thứ nhất này, liều này sẽ làm đức Thế Tôn xổ mười lần.” Rồi đã dâng đức Thế Tôn nắm sen thứ nhì (nói rằng): - “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hít vào nắm sen thứ nhì này, liều này sẽ làm đức Thế Tôn xổ mười lần.” Rồi đã dâng đức Thế Tôn nắm sen thứ ba (nói rằng): - “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hít vào nắm sen thứ ba này, liều này sẽ làm đức Thế Tôn xổ mười lần.” (Rồi nghĩ rằng:) “Như thế đức Thế Tôn sẽ có liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần.” Sau đó, khi đã dâng đức Thế Tôn liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần, Jīvaka Komārabhacca đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

58. Khi ấy, trong lúc đang đi ra khỏi cổng ra vào, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Ta đã dâng lên đức Thế Tôn liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần. (Do) cơ thể của đức Như Lai đã bị tiết ra dịch chất dơ nên sẽ không làm đức Thế Tôn xổ đầy đủ ba mươi lần mà chỉ làm đức Thế Tôn xổ hai mươi chín lần. Tuy nhiên, khi đức Thế Tôn đã được xổ, ngài sẽ tắm. Và khi đã được tắm, liều thuốc sẽ làm đức Thế Tôn xổ một lần nữa. Như thế, đức Thế Tôn sẽ có được liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần.”

59. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của Jīvaka Komārabhacca nên đã bảo đại đức Ānanda rằng: - “Này Ānanda, ở đây trong lúc đang đi ra khỏi cổng ra vào, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: ‘Ta đã dâng lên đức Thế Tôn liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần. (Do) cơ thể của đức Như Lai đã bị tiết ra dịch chất dơ nên sẽ không làm đức Thế Tôn xổ đầy đủ ba mươi lần mà chỉ làm đức Thế Tôn xổ hai mươi chín lần. Tuy nhiên, khi đức Thế Tôn đã được xổ, ngài sẽ tắm; và khi đã được tắm, liều thuốc sẽ làm đức Thế Tôn xổ một lần nữa. Như thế, đức Thế Tôn sẽ có được liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần.’ Này Ānanda, như thế thì ngươi hãy chuẩn bị sẵn sàng nước nóng.” - “Bạch ngài, xin vâng.” Rồi đại đức Ānanda, nghe theo đức Thế Tôn, đã chuẩn bị sẵn sàng nước nóng.

60. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Jīvaka Komārabhacca đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, đức Thế Tôn đã được xổ chưa?” - “Này Jīvaka, ta đã được xổ.” - “Bạch ngài, ở đây trong lúc đang đi ra khỏi cổng ra vào, con đã khởi ý điều này: ‘Ta đã dâng lên đức Thế Tôn liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần. (Do) cơ thể của đức Như Lai đã bị tiết ra dịch chất dơ nên sẽ không làm đức Thế Tôn xổ đầy đủ ba mươi lần mà chỉ làm đức Thế Tôn xổ hai mươi chín lần. Tuy nhiên, khi đức Thế Tôn đã được xổ, ngài sẽ tắm. Và khi đã được tắm, liều thuốc sẽ làm đức Thế Tôn xổ một lần nữa. Như thế, đức Thế Tôn sẽ có được liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần.’ Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy tắm, xin đấng Thiện Thệ hãy tắm.” Khi ấy, đức Thế Tôn đã tắm nước nóng. Khi đã được tắm, (liều thuốc) đã làm đức Thế Tôn xổ một lần nữa. Như thế, đức Thế Tôn đã có được liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần.

61. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, cho đến khi cơ thể của đức Thế Tôn trở lại bình thường, cần kiêng đồ khất thực là nước trái cây.”

62. Sau đó chẳng bao lâu, cơ thể của đức Thế Tôn đã được bình thường. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã cầm lấy xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi ấy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Jīvaka Komārabhacca đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, con thỉnh cầu đức Thế Tôn một điều ước muốn.” - “Này Jīvaka, các đấng Như Lai đã vượt khỏi các điều ước muốn.” - “Bạch ngài, điều ấy là hợp lý, điều ấy không bị chê trách.” - “Này Jīvaka, hãy nói đi.” - “Bạch ngài, đức Thế Tôn là vị sử dụng y may từ vải bị quăng bỏ, và hội chúng tỳ khưu (cũng vậy). Bạch ngài, xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi này của con đã được vua Pajjota gởi đến, là loại tốt nhất, thượng hạng, nổi tiếng, cao quý, và sang trọng trong vô số các loại vải, trong vô số các xấp vải đôi, trong hàng trăm xấp vải đôi, trong hàng ngàn xấp vải đôi, trong hàng trăm ngàn xấp vải đôi. Bạch ngài, xin ngài thọ nhận xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi này của con và cho phép y của gia chủ[1] đến hội chúng tỳ khưu.” Đức Thế Tôn đã thọ nhận xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi.

63. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Jīvaka Komārabhacca bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, Jīvaka Komārabhacca đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

64. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép y của gia chủ. Vị nào thích thì hãy là vị sử dụng y may từ vải bị quăng bỏ, vị nào thích thì hãy chấp nhận y của gia chủ. Và này các tỳ khưu, ta ngợi khen sự biết đủ (dầu) với loại này hay loại kia.”

65. Rồi dân chúng ở thành Rājagaha đã nghe được rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đã cho phép y của gia chủ đến các tỳ khưu.” Và những người dân ấy đã trở nên mừng rỡ phấn chấn (nghĩ rằng): “Giờ đây, chúng ta sẽ dâng các vật thí, chúng ta sẽ làm các việc phước thiện, bởi vì đức Thế đã cho phép y của gia chủ đến các vị tỳ khưu.” Và chỉ trong một ngày, ở thành Rājagaha nhiều ngàn y đã được phát sanh.

66. Rồi dân chúng trong nước đã nghe được rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đã cho phép y của gia chủ đến các vị tỳ khưu.” Và những người dân ấy đã trở nên mừng rỡ phấn chấn (nghĩ rằng): “Giờ đây, chúng ta sẽ dâng các vật thí, chúng ta sẽ làm các việc phước thiện, bởi vì đức Thế đã cho phép y của gia chủ đến các vị tỳ khưu.” Và chỉ trong một ngày, ở trong nước nhiều ngàn y đã được phát sanh.

67. Vào lúc bấy giờ, có tấm vải choàng được phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép tấm vải choàng.” Có tấm vải choàng bằng tơ lụa được phát sanh. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép tấm vải choàng bằng tơ lụa.” Có tấm choàng lông được phát sanh đến hội chúng. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép tấm choàng lông.”

Dứt tụng phẩm thứ nhất.

*****

TỤNG PHẨM VISĀKHĀ

  • Phần giảng về sự cho phép (sử dụng) tấm mền len
  • Sự tìm kiếm vải dơ bị quăng bỏ
  • Sự chỉ định vị tiếp nhận y
  • Sự chỉ định nhà kho chứa đồ
  • Việc nhuộm y
  • Sự cho phép về y đã được cắt
  • Sự cho phép về ba y
  • Phần giảng về y phụ trội
  • Câu chuyện về bà Visākhā

1. Vào lúc bấy giờ, đức vua xứ Kāsi đã gởi đến Jīvaka Komārabhacca tấm mền len trị giá nửa kāsi[2] (hoặc) tương đương với nửa kāsi. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã cầm lấy tấm mền len trị giá nửa kāsi ấy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi đã ngồi xuống một bên, Jīvaka Komārabhacca đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, tấm mền len này của con trị giá nửa kāsi (hoặc) tương đương với nửa kāsi đã được đức vua xứ Kāsi gởi đến. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lãnh tấm mền, điều ấy sẽ đem lại sự lợi ích và sự an lạc lâu dài cho con.” Đức Thế Tôn đã thọ lãnh tấm mền len.

2. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Jīvaka Komārabhacca bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, Jīvaka Komārabhacca đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

3. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) tấm mền len.”

4. Vào lúc bấy giờ, có các y đủ loại phát sanh đến hội chúng. Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Loại y nào đã được đức Thế Tôn cho phép, loại nào không được cho phép?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép sáu loại y: loại bằng sợi lanh, loại bằng bông vải, loại bằng tơ lụa, loại bằng sợi len, loại bằng gai thô, loại bằng chỉ bố.”

5. Vào lúc bấy giờ, những vị tỳ khưu nào chấp nhận y của gia chủ, những vị ấy trong lúc ngần ngại không chấp nhận loại vải dơ bị quăng bỏ (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn cho phép chỉ một loại y chứ không phải hai.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị chấp nhận y của gia chủ chấp nhận luôn cả loại vải dơ bị quăng bỏ. Này các tỳ khưu ta ngợi khen sự biết đủ với cả hai loại ấy.”

6. Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu đi đường xa ở trong xứ Kosala. Một số tỳ khưu đã đi vào bãi tha ma để kiếm vải dơ bị quăng bỏ. Một số tỳ khưu đã không chờ đợi. Những vị tỳ khưu đi vào bãi tha ma đã nhặt được nhiều vải quấn tử thi. Những vị tỳ khưu không chờ đợi đã nói như vầy: - “Này các đại đức, hãy chia phần cho cả chúng tôi nữa.” Những vị kia đã nói như vầy: - “Này các đại đức, chúng tôi sẽ không chia phần cho các vị. Tại sao các vị đã không chờ đợi?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép không chia phần cho các vị không chờ đợi nếu không muốn.”

7. Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu đi đường xa ở trong xứ Kosala. Một số tỳ khưu đã đi vào bãi tha ma để kiếm vải dơ bị quăng bỏ. Một số tỳ khưu đã chờ đợi. Những vị tỳ khưu đi vào bãi tha ma đã nhặt được nhiều vải quấn tử thi. Những tỳ khưu chờ đợi đã nói như vầy: - “Này các đại đức, hãy chia phần cho cả chúng tôi nữa.” Những vị kia đã nói như vầy: - “Này các đại đức, chúng tôi sẽ không chia phần cho các vị. Tại sao các vị đã không đi vào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép chia phần cho các vị đã chờ đợi cho dầu không muốn.”

8. Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu đi đường xa ở trong xứ Kosala. Một số tỳ khưu đã đi vào bãi tha ma trước để kiếm vải dơ bị quăng bỏ. Một số tỳ khưu đã đi vào sau. Những vị tỳ khưu đi vào bãi tha ma trước đã nhặt được nhiều vải quấn tử thi. Những vị tỳ khưu đi vào sau đã không nhặt được. Những vị ấy đã nói như vầy: - “Này các đại đức, hãy chia phần cho cả chúng tôi nữa.” Những vị kia đã nói như vầy: - “Này các đại đức, chúng tôi sẽ không chia phần cho các vị. Tại sao các vị đã đi vào sau?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép không chia phần cho các vị đi vào sau nếu không muốn.”

9. Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu đi đường xa ở trong xứ Kosala. Các vị đã đi vào bãi tha ma cùng một lúc để kiếm vải dơ bị quăng bỏ. Một số vị tỳ khưu đã nhặt được nhiều vải quấn tử thi. Một số vị tỳ khưu đã không nhặt được. Những vị tỳ khưu không nhặt được đã nói như vầy: - “Này các đại đức, hãy chia phần cho cả chúng tôi nữa.” Những vị kia đã nói như vầy: - “Này các đại đức, chúng tôi sẽ không chia phần cho các vị. Tại sao các vị đã không nhặt được?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép chia phần cho các vị đi vào cùng một lúc cho dầu không muốn.”

10. Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu đi đường xa ở trong xứ Kosala. Các vị đã thỏa thuận với nhau rồi đi vào bãi tha ma để kiếm vải dơ bị quăng bỏ. Một số vị tỳ khưu đã nhặt được nhiều vải quấn tử thi. Một số vị tỳ khưu đã không nhặt được. Những vị tỳ khưu không nhặt được đã nói như vầy: - “Này các đại đức, hãy chia phần cho cả chúng tôi nữa.” Những vị kia đã nói như vầy: - “Này các đại đức, chúng tôi sẽ không chia phần cho các vị. Tại sao các vị đã không nhặt được?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép chia phần cho các vị đi vào sau khi đã thỏa thuận cho dầu không muốn.”

11. Vào lúc bấy giờ, dân chúng cầm y đi đến tu viện. Trong khi không gặp được vị có trách nhiệm tiếp nhận nên họ mang về. Y được phát sanh ít ỏi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị tiếp nhận y là vị tỳ khưu có năm yếu tố: vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết (vật) đã được tiếp nhận hay chưa được tiếp nhận.

12. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực: ‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị tiếp nhận y. Đây là lời đề nghị. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị tiếp nhận y. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị tiếp nhận y xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên. Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị tiếp nhận y. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”

13. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu là các vị tiếp nhận y sau khi thọ lãnh y bỏ ngay tại chỗ ấy rồi ra đi. Y bị mất. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị cất giữ y là vị tỳ khưu có năm yếu tố: vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết (vật) đã được cất giữ hay chưa được cất giữ.

14. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực: ‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị cất giữ y. Đây là lời đề nghị. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị cất giữ y. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị cất giữ y xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên. Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị cất giữ y. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”

15. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu là các vị cất giữ y cất giữ y ở mái che, ở gốc cây, ở hốc cây nimba. Các y bị gặm nhấm bởi các con chuột và loài mối. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định nhà kho chứa đồ thuộc loại nào mà hội chúng thích, (có thể) là trú xá, nhà một mái, tòa nhà dài, khu nhà lớn, hoặc hang động.

16. Và này các tỳ khưu, nên được chỉ định như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực: ‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định trú xá tên (như vầy) là nhà kho chứa đồ. Đây là lời đề nghị. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định trú xá tên (như vầy) là nhà kho chứa đồ. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định trú xá tên (như vầy) là nhà kho chứa đồ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên. Trú xá tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là nhà kho chứa đồ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”

17. Vào lúc bấy giờ, y ở trong nhà kho chứa đồ của hội chúng không được bảo quản. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị quản lý nhà kho là vị tỳ khưu có năm yếu tố: vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết (vật) đã được bảo quản hay không được bảo quản. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: ―(như trên)― Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị quản lý nhà kho. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

18. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư bãi nhiệm vị quản lý nhà kho. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên bãi nhiệm vị giữ nhà kho; vị nào bãi nhiệm thì phạm tội dukkaṭa.”

19. Vào lúc bấy giờ, trong nhà kho chứa đồ của hội chúng y được dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép hội chúng chia phần theo sự hiện diện.”

20. Vào lúc bấy giờ, toàn thể hội chúng trong lúc chia phần y đã gây ra cảnh náo động. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị chia y là vị tỳ khưu có năm yếu tố: vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết (y) đã được phân chia hay chưa được phân chia. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: ―(như trên)― Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị chia y. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

21. Sau đó, các tỳ khưu là các vị chia y đã khởi ý điều này: “Y nên được chia như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép trước tiên phân loại, phỏng định giá trị, làm cho đồng đều (giá trị), đếm số tỳ khưu, gom lại thành nhóm, rồi xác định phần chia về y.”

22. Khi ấy, các tỳ khưu là các vị chia y đã khởi ý điều này: “Phần chia về y có nên được cho đến các Sa-di hay không?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép cho các Sa-di một nửa của phần chia về y.”

23. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ có ý muốn vượt qua (sông hoặc đoạn đường hoang vắng) với phần chia của bản thân. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép trao cho phần chia của bản thân đến vị đang (chuẩn bị) vượt qua (sông hoặc đoạn đường hoang vắng).”

24. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ có ý muốn vượt qua (sông hoặc đoạn đường hoang vắng) với phần chia nhiều hơn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép trao cho phần chia nhiều hơn khi vật đền bù được trao lại.”

25. Sau đó, các tỳ khưu là các vị chia y đã khởi ý điều này: “Phần chia về y nên được trao cho như thế nào, theo thứ tự đi đến hay là theo thâm niên?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép bốc thăm để làm hoan hỷ các vị không được phần.”

26. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhuộm y với phân bò và đất sét đỏ. Y có màu sắc xấu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép sáu loại thuốc nhuộm: thuốc nhuộm từ rễ cây, thuốc nhuộm từ thân cây, thuốc nhuộm từ vỏ cây, thuốc nhuộm từ lá cây, thuốc nhuộm từ bông hoa, thuốc nhuộm từ trái cây.”

27. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhuộm y với nước lạnh. Y có mùi hôi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép nồi nhuộm loại nhỏ để nấu thuốc nhuộm.” Thuốc nhuộm bị tràn ra. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc vòng đế tròn (ở bên trong nồi thuốc nhuộm).”

28. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu không biết thuốc nhuộm đã được nấu hay chưa được nấu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép nhỏ giọt vào trong nước hoặc ở bề lưng của móng tay.”

29. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu khi đổ thuốc nhuộm ra, cái nồi bị xoay tròn. Cái nồi bị bể. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép cái môi múc thuốc nhuộm, cái gàu có cán.”

30. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu không có cái thùng để nhuộm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép chậu nhuộm, lu nhuộm.”

31. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu vò nhồi y trong cái đĩa, trong bình bát. Y đã bị thủng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép máng nhuộm.”

32. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu trải y ra ở nền đất. Y bị lấm bụi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép thảm cỏ.” Thảm cỏ bị mối ăn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép sào máng y, dây treo y.” Các vị treo cao lên ở giữa. Thuốc nhuộm chảy ra hai bên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc ở các góc (y).” Góc (y) bị sờn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép sợi chỉ ở các góc (y).” Thuốc nhuộm chảy ở một bên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép nhuộm bằng cách đảo y trở qua rồi đảo y trở lại, và không được bỏ đi khi nước chưa ngừng nhỏ giọt.”

33. Vào lúc bấy giờ, y bị cứng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép ngâm trong nước.”

34. Vào lúc bấy giờ, y bị thô nhám. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép đập bằng bàn tay.”

35. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư mặc các y ca-sa màu ngà voi chưa được cắt. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên mặc các y chưa được cắt; vị nào mặc thì phạm tội dukkaṭa.”

36. Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành đến Dakkhiṇāgiri. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy mảnh ruộng ở Magadha được kết nối bằng những khoảnh vuông vức, được kết nối bằng những đường biên xung quanh, được kết nối bằng những đường biên ngắn ở giữa, được kết nối bằng những mảnh vuông ở chỗ giao nhau, sau khi nhìn thấy đã bảo đại đức Ānanda rằng: - “Này Ānanda, ngươi có nhìn thấy mảnh ruộng ở Magadha của chúng ta được kết nối bằng những khoảnh vuông vức, được kết nối bằng những đường biên xung quanh, được kết nối bằng những đường biên ngắn ở giữa, được kết nối bằng những mảnh vuông ở chỗ giao nhau không?” - “Bạch ngài, thưa có.” - “Này Ānanda, ngươi có khả năng tạo nên các y có kiểu mẫu như thế cho các vị tỳ khưu không?” - “Bạch Thế Tôn, con có khả năng.”

37. Sau đó, khi đã ngự tại Dakkhiṇāgiri theo như ý thích, đức Thế Tôn đã quay trở về lại thành Rājagaha. Khi ấy, đại đức Ānanda sau khi tự mình tạo nên các y cho nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, xin Thế Tôn hãy nhìn xem các y con đã tự mình tạo nên.” Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, Ānanda thật sáng trí. Này các tỳ khưu, Ānanda có đại trí tuệ bởi vì vị ấy hiểu ý nghĩa một cách đầy đủ của điều đã được ta nói ra một cách vắn tắt. Vị ấy làm được dải nối theo chiều dọc (của y), vị ấy làm được dải nối theo chiều ngang (của y), vị ấy làm được mảnh lớn thuộc dải điều (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc dải điều (của y), vị ấy làm được mảnh lớn thuộc dải điều giữa (của y), vị ấy làm được mảnh lớn thuộc các dải điều bên (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc dải điều giữa (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc các dải điều kế (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc hai dải điều biên (của y), (như thế y) sẽ được cắt ra, sần sùi khi được ráp lại, phù hợp với Sa-môn, không còn được mong mỏi bởi những kẻ đối nghịch. Này các tỳ khưu, ta cho phép y hai lớp đã được cắt ra, thượng y đã được cắt ra, y nội đã được cắt ra (rồi ráp lại).”

38. Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành đến thành Vesāli. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy nhiều vị tỳ khưu ôm đồm với các chiếc y đang đi đường xa giữa Rājagaha và Vesāli, các vị đã làm cuộn y ở trên đầu, các vị đã làm cuộn y ở vai, các vị đã làm cuộn y ở hông. Sau khi nhìn thấy đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Những kẻ rồ dại này đã xoay xở được nhiều y thật nhanh chóng, hay là ta nên xác định sự hạn chế về y, (và) nên quy định sự giới hạn về y?”

39. Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến thành Vesāli. Tại nơi đó ở Vesāli, đức Thế Tôn ngụ tại điện thờ Gotamaka. Vào lúc bấy giờ, trong khoảng thời gian tám đêm của mùa đông lạnh lẽo vào thời điểm tuyết rơi, đức Thế Tôn đã ngồi ở ngoài trời vào ban đêm chỉ với một y; đức Thế Tôn đã không có cảm giác lạnh. Khi canh đầu đã qua, cảm giác lạnh đã xuất hiện ở đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã trùm lên y thứ nhì; đức Thế Tôn đã không còn cảm giác lạnh. Khi canh giữa đã qua, cảm giác lạnh đã xuất hiện ở đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã trùm lên y thứ ba; đức Thế Tôn đã không còn cảm giác lạnh. Khi canh cuối đã qua, hừng đông đã rạng, trời đêm lộ vẻ rạng rỡ, cảm giác lạnh đã xuất hiện ở đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã trùm lên y thứ tư; đức Thế Tôn đã không còn cảm giác lạnh. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Những vị nào là con trai của các nhà danh giá xuất gia ở trong Pháp và Luật này thường bị ảnh hưởng bởi sự lạnh và khiếp sợ sự lạnh, những vị ấy có thể tồn tại với ba y, hay là ta nên xác định sự hạn chế về y, nên quy định sự giới hạn về y cho các tỳ khưu, (và) nên cho phép ba y?”

40. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ở đây trong khi đi trên đoạn đường xa giữa Rājagaha và Vesāli, ta đã nhìn thấy nhiều vị tỳ khưu ôm đồm với các chiếc y đang đi ngược chiều, các vị đã làm cuộn y ở trên đầu, các vị đã làm cuộn y ở vai, các vị đã làm cuộn y ở hông, sau khi nhìn thấy ta đã khởi ý điều này: ‘Những kẻ rồ dại này đã xoay xở được nhiều y thật mau mắn, hay là ta nên xác định sự hạn chế về y, (và) nên quy định sự giới hạn về y?’

41. Này các tỳ khưu, ở đây trong khoảng thời gian tám đêm của mùa đông lạnh lẽo vào thời điểm tuyết rơi, ta đã ngồi ở ngoài trời vào ban đêm chỉ với một y; ta đã không có cảm giác lạnh. Khi canh đầu đã qua, cảm giác lạnh đã xuất hiện ở ta. Ta đã trùm lên y thứ nhì; ta đã không còn cảm giác lạnh. Khi canh giữa đã qua, cảm giác lạnh đã xuất hiện ở ta. Ta đã trùm lên y thứ ba; ta đã không còn cảm giác lạnh. Khi canh cuối đã qua, hừng đông đã rạng, trời đêm lộ vẻ rạng rỡ, cảm giác lạnh đã xuất hiện ở ta. Ta đã trùm lên y thứ tư; ta đã không còn cảm giác lạnh. Khi ấy, ta đã khởi ý điều này: ‘Những vị nào là con trai của các nhà danh giá xuất gia ở trong Pháp và Luật này thường bị ảnh hưởng bởi sự lạnh và khiếp sợ sự lạnh, những vị ấy có thể tồn tại với ba y, hay là ta nên xác định sự hạn chế về y, nên quy định sự giới hạn về y cho các tỳ khưu, (và) nên cho phép ba y?’ Này các tỳ khưu, ta cho phép ba y gồm có y saṅghāṭi hai lớp, thượng y một lớp, và y nội một lớp.”

42. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cho phép ba y,” rồi đi vào làng với ba y nọ, mặc ở tu viện với ba y khác, và đi xuống tắm với ba y khác nữa. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại sử dụng y phụ trội?”

43. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, không nên cất giữ y phụ trội, vị nào cất giữ thì nên được hành xử theo Pháp.”[3]

44. Vào lúc bấy giờ, có y phụ trội được phát sanh đến đại đức Ānanda. Đại đức Ānanda có ý định dâng y ấy đến đại đức Sāriputta. Và đại đức Sāriputta cư ngụ ở Sāketa. Khi ấy, đại đức Ānanda đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không được cất giữ y phụ trội.’ Và y phụ trội này đã được phát sanh đến ta. Và ta có ý muốn dâng y này đến đại đức Sāriputta mà đại đức Sāriputta cư ngụ ở Sāketa. Vậy ta nên thực hành như thế nào?” Sau đó, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này Ānanda, bao lâu nữa Sāriputta sẽ đi đến đây?” - “Bạch Thế Tôn, ngày thứ chín hoặc ngày thứ mười.”

45. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép cất giữ y phụ trội tối đa mười ngày.”

46. Vào lúc bấy giờ, có y phụ trội phát sanh đến các tỳ khưu. Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Nên thực hành như thế nào đối với các y phụ trội?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép chú nguyện để dùng chung y phụ trội.”

47. Sau đó, khi đã ngự tại thành Vesāli theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Bāraṇasī. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Bārāṇasī. Tại nơi đó ở Bārāṇasī, đức Thế Tôn ngự tại Isipatana, nơi vườn nai.

48. Vào lúc bấy giờ, y nội của vị tỳ khưu nọ bị rách. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã cho phép ba y gồm có y saṅghāṭi hai lớp, thượng y một lớp, và y nội một lớp. Và y nội này của ta bị rách, hay là ta nên đắp thêm miếng vá, như thế xung quanh sẽ là hai lớp và ở giữa là một lớp?” Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã đắp thêm miếng vá. Đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã nhìn thấy vị tỳ khưu ấy đang đắp thêm miếng vá, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này: - “Này tỳ khưu, ngươi làm gì vậy?” - “Bạch Thế Tôn, con đắp thêm miếng vá.” - “Này tỳ khưu, thật tốt thay, thật tốt thay! Này tỳ khưu, thật tốt thay việc ngươi đắp thêm miếng vá!”

49. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép khi vải còn mới hoặc được xem như mới thì y saṅghāṭi là hai lớp, thượng y là một lớp, và y nội là một lớp. Khi các lớp vải đã bị sờn bởi thời gian thì y saṅghāṭi là bốn lớp, thượng y là hai lớp, và y nội là hai lớp. Nên thực hiện việc nỗ lực (tìm kiếm) vải dơ bị quăng bỏ hay (được bỏ rơi) ở các cửa tiệm theo như nhu cầu. Này các tỳ khưu, ta cho phép (đắp) miếng vá, (dùng) chỉ mạng, (đắp chồng) lớp nữa, miếng vá nhỏ, và việc may lại cho chắc chắn.”

50. Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Sāvatthi. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi đó ở Sāvatthi, đức Thế Tôn ngự tại Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.

51. Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi bà Visākhā mẹ của Migāra đã ngồi xuống một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho bà bằng bài Pháp thoại.

52. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, bà Visākhā mẹ của Migāra đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời con về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

53. Vào lúc bấy giờ, khi trải qua đêm ấy có đám mây lớn khắp cả bốn châu đã đổ mưa xuống. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, trời mưa ở Jetavana như thế nào thì trời mưa ở bốn châu như thế ấy. Này các tỳ khưu, hãy để cho thân thể ướt đẫm nước mưa, đây là trận mưa lớn khắp cả bốn châu lần cuối cùng.” - “Bạch ngài, xin vâng.” Các vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn, có các y đã được cất đi, rồi để cho thân thể ướt đẫm nước mưa.”

54. Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra sau khi cho chuẩn bị sẵn sàng vật thực hảo hạng loại cứng loại mềm rồi đã bảo người tớ gái rằng: - “Này em, hãy đi. Sau khi đến tu viện, hãy thông báo thời giờ rằng: ‘Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.’” - “Thưa bà, xin vâng.” Rồi người tớ gái nghe theo bà Visākhā mẹ của Migāra đã đi đến tu viện và nhìn thấy các vị tỳ khưu, có các y đã được cất đi, đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa. Sau khi nhìn thấy (nghĩ rằng): “Không có các tỳ khưu nơi tu viện, (chỉ có) các đạo sĩ lõa thể đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa” rồi đã đi đến gặp bà Visākhā mẹ của Migāra, sau khi đến đã nói với bà Visākhā mẹ của Migāra điều này: - “Thưa bà, không có các tỳ khưu nơi tu viện, (chỉ có) các đạo sĩ lõa thể đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa.”

55. Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra là người sáng trí, kinh nghiệm, thông minh đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là các ngài đại đức có các y đã được cất đi, và để cho thân thể ướt đẫm nước mưa! Cô gái đần độn này đây đã nghĩ rằng: ‘Không có các tỳ khưu nơi tu viện, (chỉ có) các đạo sĩ lõa thể đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa,’” nên đã bảo người tớ gái lần nữa rằng: - “Này em, hãy đi. Sau khi đến tu viện, hãy thông báo thời giờ rằng: ‘Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.’”

56. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy sau khi làm cho mát mẻ các phần thân thể, có cơ thể khoẻ khoắn, đã cầm lấy các y rồi đi vào trú xá của mình.

57. Sau đó, người tớ gái ấy đã đi đến tu viện, trong khi không nhìn thấy các vị tỳ khưu (nên nghĩ rằng): “Không có các tỳ khưu nơi tu viện, tu viện thì trống không” rồi đã đi đến gặp bà Visākhā mẹ của Migāra, sau khi đến đã nói với bà Visākhā mẹ của Migāra điều này: - “Thưa bà, không có các tỳ khưu nơi tu viện, tu viện thì trống không.”

58. Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra là người sáng trí, kinh nghiệm, thông minh đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là các ngài đại đức sau khi làm cho mát mẻ các phần thân thể, có cơ thể khoẻ khoắn, nên đã cầm lấy các y rồi đi vào trú xá của mình. Cô gái đần độn này đây đã nghĩ rằng: ‘Không có các tỳ khưu nơi tu viện, tu viện thì trống không,’” nên đã bảo người tớ gái lần nữa rằng: - “Này em, hãy đi. Sau khi đi đến tu viện, hãy thông báo thời giờ rằng: ‘Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.’”

59. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, hãy sẵn sàng y bát. Đã đến thời điểm của bữa ăn.” - “Bạch ngài, xin vâng.” Các vị tỳ khưu ấy đã đáp lời đức Thế Tôn.

60. Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế đức Thế Tôn đã biến mất tại Jetavana rồi hiện ra ở cổng nhà của bà Visākhā mẹ của Migāra. Đức Thế Tôn đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu.

61. Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra (nghĩ rằng): “Thật kỳ diệu thay! Thật phi thường thay! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bởi vì trong khi các cơn lũ đang dâng tới mức đầu gối, trong khi các cơn lũ đang dâng lên tới hông thế mà không một vị tỳ khưu nào có các bàn chân hoặc các y bị ướt!” nên mừng rỡ phấn chấn, rồi đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong có bàn tay đã rời khỏi bình bát, bà đã ngồi xuống một bên.

62. Khi đã ngồi xuống một bên, bà Visākhā mẹ của Migāra đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, con thỉnh cầu đức Thế Tôn tám điều ước muốn.” - “Này Visākhā, các đấng Như Lai đã vượt khỏi các điều ước muốn.” - “Bạch ngài, các điều ấy là hợp lý, các điều ấy không bị chê trách.” - “Này Visākhā, hãy nói đi.” - “Bạch ngài, con muốn dâng vải choàng tắm mưa đến hội chúng, dâng bữa ăn dành cho vị vãng lai, dâng bữa ăn dành cho vị xuất hành, dâng bữa ăn dành cho vị bị bệnh, dâng bữa ăn dành cho vị chăm sóc bệnh, dâng dược phẩm dành cho vị bị bệnh, dâng cháo hàng ngày, dâng vải choàng tắm đến hội chúng tỳ khưu ni đến trọn đời.”

63. - “Này Visākhā, trong khi thấy rõ sự hữu dụng gì mà bà lại thỉnh cầu Như Lai tám điều ước muốn?” - “Bạch ngài, ở đây con đã bảo người tớ gái rằng: ‘Này em, hãy đi. Sau khi đến tu viện, hãy thông báo thời giờ rằng: Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.’ Khi ấy, người tớ gái ấy đã đi đến tu viện và nhìn thấy các vị tỳ khưu, có các y đã được cất đi, đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa. Sau khi nhìn thấy (nghĩ rằng): ‘Không có các tỳ khưu nơi tu viện, (chỉ có) các đạo sĩ lõa thể đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa’ rồi đã đi đến gặp con, sau khi đến đã nói với con điều này: ‘Thưa bà, Không có các tỳ khưu nơi tu viện, (chỉ có) các đạo sĩ lõa thể đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa.’ Bạch ngài, sự trần truồng là không tinh khiết, ghê tởm, bị lên án. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng vải choàng (tắm) mưa đến trọn đời.

64. Bạch ngài còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu vãng lai không rành rẽ đường xá, không rành rẽ khu vực, đi khất thực trong lúc đang mệt nhọc. Vị ấy sau khi thọ thực bữa ăn dành cho vị vãng lai của con được rành rẽ đường xá, được rành rẽ khu vực, sẽ đi khất thực trong khi không còn mệt nhọc. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng bữa ăn dành cho vị vãng lai đến trọn đời.

65. Bạch ngài còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu là vị xuất hành, trong khi tìm kiếm vật thực cho mình sẽ bị trễ đoàn lữ hành, hoặc sẽ đến nơi (mà vị ấy) có ý muốn đi đến vào lúc trời tối, sẽ phải đi đường xa trong lúc đang mệt nhọc. Vị ấy sau khi thọ thực bữa ăn dành cho vị xuất hành của con sẽ không bị trễ đoàn lữ hành, sẽ không đến nơi (mà vị ấy) có ý muốn đi đến vào lúc trời tối, sẽ đi đường xa trong khi không mệt nhọc. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng bữa ăn dành cho vị xuất hành đến trọn đời.

66. Bạch ngài còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu bị bệnh trong khi không nhận được các thức ăn thích hợp, bệnh tình sẽ trầm trọng, hoặc sẽ chết đi. Trong khi vị ấy thọ dụng bữa ăn dành cho vị bị bệnh của con, bệnh tình sẽ không trầm trọng, sẽ không chết đi. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng bữa ăn dành cho vị bị bệnh đến trọn đời.

67. Bạch ngài còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu là vị chăm sóc bệnh trong khi tìm kiếm thức ăn cho mình sẽ đem lại bữa ăn của vị bệnh lúc mặt trời đã lên (cao), sẽ làm lỡ bữa ăn. Vị ấy sau khi thọ dụng bữa ăn dành cho vị chăm sóc bệnh của con sẽ đem lại thức ăn của vị bệnh lúc đúng thời, sẽ không làm lỡ bữa ăn. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng bữa ăn dành cho vị chăm sóc bệnh đến trọn đời.

68. Bạch ngài còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu bị bệnh trong khi không nhận được các loại dược phẩm thích hợp, bệnh tình sẽ trầm trọng, hoặc sẽ chết đi. Trong khi vị ấy thọ dụng dược phẩm dành cho vị bị bệnh của con, bệnh tình sẽ không trầm trọng, sẽ không chết đi. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng dược phẩm dành cho vị bị bệnh đến trọn đời.

69. Bạch ngài còn có điều khác nữa, ở Andhakavinda trong khi thấy rõ mười điều lợi ích, đức Thế Tôn đã cho phép (thọ dụng) cháo. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng cháo hàng ngày đến trọn đời.

70. Bạch ngài còn có điều khác nữa, các tỳ khưu ni tắm trần truồng với các cô điếm ở một bãi tắm của sông Aciravatī. Bạch ngài các cô điếm ấy đã chế giễu các tỳ khưu ni rằng: ‘Các bà đại đức ơi, các bà được cái gì với việc thực hành Phạm hạnh trong lúc còn trẻ trung vậy? Chớ không phải là các dục lạc nên được hưởng thụ hay sao? Khi nào trở nên già cả, khi ấy các bà sẽ thực hành Phạm hạnh, như thế các bà sẽ vớ được cả hai điều lợi.’ Bạch ngài, khi bị các cô điếm chế giễu các tỳ khưu ni ấy đã mắc cở. Bạch ngài, sự trần truồng của phụ nữ là không tinh khiết, ghê tởm, bị lên án. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng tỳ khưu ni vải choàng tắm đến trọn đời.”

71. - “Này Visākhā, trong khi thấy rõ lợi ích gì mà bà lại thỉnh cầu Như Lai tám điều ước muốn?” - “Bạch ngài, ở đây các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa ở các phương sẽ đi đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn. Các vị ấy sau khi đi đến gặp đức Thế Tôn sẽ hỏi rằng: ‘Bạch ngài, vị tỳ khưu tên (như vầy) đã từ trần. Cõi tái sanh của vị ấy là gì? Cảnh giới kế tiếp của vị ấy là gì?’ Đức Thế Tôn sẽ tuyên bố vị ấy ở quả vị Nhập Lưu, hoặc ở quả vị Nhất Lai, hoặc ở quả vị Bất Lai, hoặc ở phẩm vị A-la-hán. Con sẽ đi đến gặp các vị ấy và hỏi rằng: ‘Thưa các ngài, có phải vị đại đức ấy trước đây đã đi đến Sāvatthi?’ Nếu các vị trả lời con rằng: ‘Vị tỳ khưu ấy trước đây đã đi đến Sāvatthi,’ trường hợp ấy, con sẽ đi đến kết luận là: ‘Chắc chắn rằng vị đại đức ấy đã thọ dụng hoặc là vải choàng (tắm) mưa, hoặc là bữa ăn dành cho vị vãng lai, hoặc là bữa ăn dành cho vị xuất hành, hoặc là bữa ăn dành cho vị bị bệnh, hoặc là bữa ăn dành cho vị chăm sóc bệnh, hoặc là dược phẩm dành cho vị bị bệnh, hoặc là cháo hàng ngày của con.’ Trong khi nhớ lại điều ấy, sự hân hoan sẽ được sanh khởi ở con đây, do sự hân hoan mà hỷ sẽ được sanh khởi, do tâm có hỷ mà thân sẽ khinh an, do thân được khinh an con sẽ cảm giác sự an lạc, do có sự an lạc tâm sẽ được định, điều ấy sẽ có ở con là sự tu tập về Căn Quyền, sự tu tập về Lực, sự tu tập về Giác Chi. Bạch ngài, trong khi thấy rõ lợi ích này mà con thỉnh cầu Như Lai tám điều ước muốn.”

72. - “Này Visākhā, thật tốt lắm, thật tốt lắm! Này Visākhā, thật tốt thay trong khi thấy rõ lợi ích này mà bà thỉnh cầu Như Lai tám điều ước muốn. Này Visākhā, ta cho phép bà tám điều ước muốn.”

73. Sau đó, đức Thế Tôn đã nói lời tùy hỷ cho bà Visākhā mẹ của Migāra bằng những lời kệ này:

“Trong khi bố thí cơm nước, người nữ nào được hân hoan, được thành tựu về giới, là đệ tử của đấng Thiện Thệ, sau khi chế ngự sự bỏn xẻn, rồi dâng cúng vật thí, (là yếu tố) dẫn đến cõi trời, xua tan sầu muộn, đem lại sự an lạc.

Sau khi đạt tuổi thọ của cõi trời, cô ấy đi vào đạo lộ không bợn nhơ, không nhiễm ô. Với ước muốn về phước báu, cô ấy có được sự an lạc, không có bệnh, vui hưởng dài lâu ở hội chúng nơi Thiên đình.”

74. Sau đó, khi đã nói lời tùy hỷ cho bà Visākhā mẹ của Migāra bằng những lời kệ này, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép vải choàng tắm mưa, bữa ăn dành cho vị vãng lai, bữa ăn dành cho vị xuất hành, bữa ăn dành cho vị bị bệnh, bữa ăn dành cho vị chăm sóc bệnh, dược phẩm dành cho vị bị bệnh, cháo hàng ngày, vải choàng tắm đến hội chúng tỳ khưu ni.”

Dứt tụng phẩm Visākhā.

*****

TỤNG PHẨM THỨ BA

  • Sự cho phép về vật lót ngồi, v.v...
  • Phần giảng về y có kích thước tối thiểu cần phải chú nguyện để dùng chung
  • Phần giảng về sự phát sanh các y thuộc về hội chúng
  • Câu chuyện về vị Upananda con trai dòng Sakya
  • Câu chuyện về vị bị bệnh
  • Phần giảng về đồ đạc của người chết
  • Sự cấm đoán về việc lõa thể
  • Sự cấm đoán về việc che thân bằng cỏ kusa v.v...
  • Phần giảng về y chưa phát sanh cho các vị đã sống qua mùa (an cư) mưa
  • Phần giảng về việc phát sanh y khi hội chúng bị chia rẽ
  • Phần giảng về (y) đã được lấy sai trái và đã được lấy đúng đắn
  • Tám tiêu đề về y

1. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu sau khi thọ thực thức ăn hảo hạng, có niệm bị xao lãng, không tỉnh giác, và rơi vào giấc ngủ. Trong khi các vị có niệm bị xao lãng, không tỉnh giác, và rơi vào giấc ngủ, tinh dịch bị xuất ra do chiêm bao khiến chỗ nằm ngồi bị lấm lem vì chất dơ.

2. Khi ấy, đức Thế Tôn trong lúc đang đi dạo quanh các trú xá cùng với đại đức Ānanda là Sa-môn hầu cận đã nhìn thấy chỗ nằm ngồi bị lấm lem vì chất dơ, sau khi nhìn thấy đã bảo đại đức Ānanda rằng: - “Này Ānanda, tại sao chỗ nằm ngồi này bị lấm lem?” - “Bạch ngài, hiện nay các vị tỳ khưu sau khi thọ thực thức ăn hảo hạng, có niệm bị xao lãng, không tỉnh giác, và rơi vào giấc ngủ. Trong khi các vị có niệm bị xao lãng, không tỉnh giác, và rơi vào giấc ngủ, tinh dịch bị xuất ra do chiêm bao. Bạch đức Thế Tôn, do đó chỗ nằm ngồi này bị lấm lem vì chất dơ.” - “Này Ānanda, điều ấy là như thế! Này Ānanda, điều ấy là như thế! Này Ānanda, tinh dịch bị xuất ra do chiêm bao vì các vị ấy có niệm bị xao lãng, không tỉnh giác, và rơi vào giấc ngủ. Này Ānanda, các vị tỳ khưu nào có niệm được thiết lập, được tỉnh giác, và rơi vào giấc ngủ, tinh dịch của các vị ấy không bị xuất ra. Này Ānanda, các vị nào dầu là phàm nhân đã xa lìa sự tham đắm trong các dục, tinh dịch của các vị ấy không bị xuất ra. Này Ānanda, tinh dịch của vị A-la-hán có thể bị xuất ra là điều không có thực tế, không có cơ sở.”

3. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ở đây trong lúc đang đi dạo quanh các trú xá cùng với Ānanda là Sa-môn hầu cận ta đã nhìn thấy chỗ nằm ngồi bị lấm lem vì chất dơ, sau khi nhìn thấy đã hỏi Ānanda rằng: ‘Này Ānanda, tại sao chỗ nằm ngồi này bị lấm lem?’ ‘Bạch ngài, hiện nay các vị tỳ khưu sau khi thọ thực thức ăn hảo hạng, có niệm bị xao lãng, không tỉnh giác, và rơi vào giấc ngủ. Trong khi các vị có niệm bị xao lãng, không tỉnh giác, và rơi vào giấc ngủ, rồi tinh dịch bị xuất ra do chiêm bao. Bạch đức Thế Tôn, do đó chỗ nằm ngồi này đã bị lấm lem vì chất dơ.’ ‘Này Ānanda, điều ấy là như thế! Này Ānanda, điều ấy là như thế! Này Ānanda, bởi vì đối với các vị có niệm bị xao lãng, không tỉnh giác, trong khi rơi vào giấc ngủ, tinh dịch của họ bị xuất ra do chiêm bao. Này Ānanda, các vị tỳ khưu nào có niệm được thiết lập, được tỉnh giác, và rơi vào giấc ngủ, tinh dịch của các vị ấy không bị xuất ra. Này Ānanda, ngay cả các vị nào dầu là phàm nhân đã xa lìa sự tham đắm trong các dục, tinh dịch của các vị ấy cũng không bị xuất ra. Này Ānanda, tinh dịch của vị A-la-hán có thể bị xuất ra là điều không có thực tế, không có cơ sở.’

4. Này các tỳ khưu, đây là năm điều bất lợi của vị có niệm bị xao lãng, không tỉnh giác, và rơi vào giấc ngủ: (Vị ấy) ngủ khổ sở, thức dậy khổ sở, thấy điều ác xấu trong khi ngủ, chư Thiên không hộ trì, tinh dịch bị xuất ra. Này các tỳ khưu, đây là năm điều bất lợi của vị có niệm bị xao lãng, không tỉnh giác, và rơi vào giấc ngủ.

5. Này các tỳ khưu, đây là năm điều thuận lợi của vị có niệm được thiết lập, được tỉnh giác, và rơi vào giấc ngủ: (Vị ấy) ngủ an lạc, thức dậy an lạc, không thấy điều ác xấu trong khi ngủ, chư Thiên hộ trì, tinh dịch không bị xuất ra. Này các tỳ khưu, đây là năm điều thuận lợi của vị có niệm được thiết lập, được tỉnh giác, và rơi vào giấc ngủ. Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) vật lót ngồi để bảo vệ cơ thể, để bảo vệ y, để bảo vệ chỗ nằm ngồi.”

6. Vào lúc bấy giờ, vật lót ngồi[4] quá nhỏ nên không bảo vệ được toàn bộ chỗ nằm ngồi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị mong muốn tấm trải nằm1 lớn chừng nào thì được làm tấm trải nằm lớn chừng ấy.”

7. Vào lúc bấy giờ, đại đức Belaṭṭhisīsa, thầy tế độ của đại đức Ānanda, có bệnh ghẻ sần sùi. Các y bị dính vào thân vì chất máu mủ của vị ấy. Các vị tỳ khưu liên tục tẩm ướt các y với nước rồi kéo ra.

8. Đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy liên tục tẩm ướt các y với nước rồi kéo ra, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến gần đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này: - “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu này bị bệnh gì vậy?” - “Bạch ngài, đại đức này bị bệnh ghẻ sần sùi, các y bị dính vào thân vì chất máu mủ, chúng con liên tục tẩm ướt các y với nước rồi kéo ra.”

9. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) y đắp ghẻ đối với vị nào bị ghẻ ngứa, hoặc bị nhọt, hoặc có vết thương chảy mủ, hoặc bị ghẻ sần sùi.”

10. Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra đã cầm cái khăn lau mặt đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, bà Visākhā mẹ của Migāra đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, xin hãy thọ lãnh cái khăn lau mặt của con vì điều ấy đem lại sự lợi ích và sự an vui lâu dài cho con.” Đức Thế Tôn đã thọ nhận cái khăn lau mặt.

11. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho bà Visākhā mẹ của Migāra bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, bà Visākhā mẹ của Migāra đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

12. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) khăn lau mặt.”

13. Vào lúc bấy giờ, Roja người Malla là bạn của đại đức Ānanda. Tấm vải dệt bằng sợi lanh của Roja người Malla đã bị rơi xuống ở cánh tay của đại đức Ānanda. Và đại đức Ānanda có nhu cầu về vải dệt bằng sợi lanh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép lấy do sự thân thiết (đồ vật) của người có năm yếu tố: là vị đồng quan điểm, thân thiết, đã được nói trước, (vị ấy) còn sống, và vị lấy biết được rằng: “Khi được ta lấy thì vị ấy sẽ hoan hỷ.” Này các tỳ khưu, ta cho phép lấy do sự thân thiết (đồ vật) của người có năm yếu tố này.”

14. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu có được đầy đủ ba y, và còn có nhu cầu về các đồ lọc nước và các túi mang. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép miếng vải phụ tùng.”

15. Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Các vật nào đã được đức Thế Tôn cho phép như là ‘ba y,’ hoặc là ‘vải choàng tắm mưa,’ hoặc là ‘vật lót ngồi,’ hoặc là ‘tấm trải nằm,’ hoặc là ‘y đắp ghẻ,’ hoặc là ‘khăn lau mặt,’ hoặc là ‘miếng vải phụ tùng,’ tất cả các thứ ấy nên được chú nguyện để dùng riêng hay là nên được chú nguyện để dùng chung?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép chú nguyện để dùng riêng ba y không được chú nguyện để dùng chung, chú nguyện để dùng riêng vải choàng tắm mưa trong bốn tháng của mùa mưa sau đó chú nguyện để dùng chung vào các tháng khác, chú nguyện để dùng riêng vật lót ngồi không được chú nguyện để dùng chung, chú nguyện để dùng riêng tấm trải nằm không được chú nguyện để dùng chung, chú nguyện để dùng riêng y đắp ghẻ lúc còn bị bệnh sau đó chú nguyện để dùng chung vào lúc khác, chú nguyện để dùng riêng khăn lau mặt không được chú nguyện để dùng chung, chú nguyện để dùng riêng miếng vải phụ tùng không được chú nguyện để dùng chung.” Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Y nên được chú nguyện để dùng chung (có kích thước) tối thiểu là bao nhiêu?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép chú nguyện để dùng chung y (có kích thước) tối thiểu với chiều dài là tám ngón tay với chiều rộng là bốn ngón tay theo ngón tay tiêu chuẩn.”

16. Vào lúc bấy giờ, y làm bằng vải dơ bị quăng bỏ của đại đức Mahākassapa là nặng nề (do việc đắp lên miếng vá ở các chỗ bị sờn). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) việc mạng bằng chỉ.” (Y) có góc bị thừa. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép cắt góc bị thừa.” Các mối chỉ bị xổ ra. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép gắn vào miếng vải viền, (làm) đường biên xung quanh.” Vào lúc bấy giờ, các mảnh vải của y hai lớp bị bung ra. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép làm đường may ngang dọc.”

17. Vào lúc bấy giờ, trong lúc y của vị tỳ khưu nọ đang được làm, toàn bộ các mảnh cắt không đủ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép hai (y) được cắt, một (y) không cắt.” Hai (y) được cắt một (y) không cắt là không đủ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép hai (y) không cắt, một (y) được cắt.” Hai (y) không cắt một (y) được cắt là không đủ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép đặt vào miếng vải khác loại. Và này các tỳ khưu, không nên sử dụng toàn bộ (ba y) không cắt; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa.”

18. Vào lúc bấy giờ, có nhiều y được phát sanh đến vị tỳ khưu nọ. Và vị ấy có ý muốn cho đến cha mẹ y ấy. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, trong khi nói là: ‘cha mẹ,’ thì chúng ta có thể nói điều gì? Này các tỳ khưu, ta cho phép cho đến cha mẹ. Và này các tỳ khưu, không nên cho vật bố thí vì đức tin đến không đối tượng không xứng đáng; vị nào cho đến đối tượng không xứng đáng thì phạm tội dukkaṭa.”

19. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đã để lại y hai lớp trong khu rừng Andhavana rồi đi vào làng để khất thực với y nội và thượng y. Những kẻ trộm đã lấy trộm y ấy. Vị tỳ khưu ấy trở thành ăn mặc bê bối y phục luộm thuộm. Các tỳ khưu đã nói như vầy: - “Này đại đức, vì sao ngài lại trở thành ăn mặc bê bối y phục luộm thuộm?” - “Này các đại đức, trường hợp này là tôi đã để lại y ở trong khu rừng Andhavana rồi đi vào làng để khất thực với y nội và thượng y. Những kẻ trộm đã lấy trộm y ấy, vì thế tôi trở thành ăn mặc bê bối y phục luộm thuộm.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên đi vào làng với y nội và thượng y; vị nào đi vào thì phạm tội dukkaṭa.”

20. Vào lúc bấy giờ, đại đức Ānanda vì thiếu sự ghi nhớ nên đã đi vào làng để khất thực với y nội và thượng y. Các tỳ khưu đã nói với đại đức Ānanda điều này: - “Này đại đức Ānanda, không phải đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên đi vào làng với y nội và thượng y’ hay sao? Này đại đức, vì sao ngài đã đi vào làng với y nội và thượng y?” - “Này các đại đức, đúng vậy. Đức Thế Tôn quy định rằng: ‘Không nên đi vào làng với y nội và thượng y.’ Hơn nữa, tôi đã đi vào (làng) với sự thiếu ghi nhớ.”

21. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, đây là năm điều kiện cho việc để lại y hai lớp: vị bị bệnh, hoặc là sự quy định về mùa mưa,[5] hoặc là vị đi qua bên kia sông, hoặc là trú xá có sự an toàn với then cài, hoặc là vị có Kaṭhina đã được thành tựu. Này các tỳ khưu, đây là năm điều kiện cho việc để lại y hai lớp.

22. Này các tỳ khưu, đây là năm điều kiện cho việc để lại thượng y: vị bị bệnh, hoặc là sự quy định về mùa mưa, hoặc là vị đi qua bên kia sông, hoặc là trú xá có sự an toàn với then cài, hoặc là vị có Kaṭhina đã được thành tựu. Này các tỳ khưu, đây là năm điều kiện cho việc để lại thượng y.

23. Này các tỳ khưu, đây là năm điều kiện cho việc để lại y nội: vị bị bệnh, hoặc là sự quy định về mùa mưa, hoặc là vị đi qua bên kia sông, hoặc là trú xá có sự an toàn với then cài, hoặc là vị có Kaṭhina đã được thành tựu. Này các tỳ khưu, đây là năm điều kiện cho việc để lại y nội.

24. Này các tỳ khưu, đây là năm điều kiện cho việc để lại vải choàng (tắm) mưa: vị bị bệnh, hoặc là vị đi ra khỏi ranh giới, hoặc là vị đi qua bên kia sông, hoặc là trú xá có sự an toàn với then cài, hoặc là vải choàng (tắm) mưa không được làm hoặc được làm chưa hoàn tất. Này các tỳ khưu, đây là năm điều kiện cho việc để lại vải choàng (tắm) mưa.”

25. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ sống mùa (an cư) mưa có một mình. Ở đó, dân chúng đã dâng các y (nói rằng): “Chúng tôi dâng đến hội chúng.” Khi ấy, vị tỳ khưu ấy khởi đã ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Hội chúng tối thiểu là nhóm bốn vị’ và ta chỉ có mỗi một mình. Và các người này đã dâng các y (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng đến hội chúng,’ hay là ta nên đem các y thuộc về hội chúng này đến Sāvatthi?” Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã cầm lấy các y ấy đi đến Sāvatthi và trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này tỳ khưu, các y ấy là của chính ngươi cho đến khi hết hiệu lực của Kaṭhina.”

26. “Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu sống mùa (an cư) mưa chỉ mỗi một mình. Ở đó, dân chúng dâng các y (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng đến hội chúng.’ Này các tỳ khưu, ta cho phép các y ấy là của chính vị ấy cho đến khi hết hiệu lực của Kaṭhina.”

27. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ sống ngoài mùa (an cư) mưa có một mình. Ở đó, dân chúng đã dâng các y (nói rằng): “Chúng tôi dâng đến hội chúng.” Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Hội chúng ít nhất là nhóm bốn vị’ và ta chỉ có mỗi một mình. Và các người này đã dâng các y (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng đến hội chúng,’ hay là ta nên đem các y thuộc về hội chúng này đến Sāvatthi?” Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã cầm lấy các y ấy đi đến Sāvatthi và trình sự việc ấy đến các vị tỳ khưu. Các vị tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép chia ra bởi hội chúng đang hiện diện.

28. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu sống ngoài mùa (an cư) mưa có một mình. Ở đó, dân chúng dâng các y (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng đến hội chúng.’ Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu ấy chú nguyện các y ấy rằng: ‘Những y này là của tôi.’ Này các tỳ khưu, nếu trong khi y ấy chưa được chú nguyện thành của vị tỳ khưu ấy thì có vị tỳ khưu khác đi đến, nên trao cho phần chia đồng đều nhau. Này các tỳ khưu, nếu trong khi y ấy đang được chia bởi các vị tỳ khưu ấy nhưng chưa được bốc thăm thì có vị tỳ khưu khác đi đến, nên trao cho phần chia đồng đều nhau. Này các tỳ khưu, nếu trong khi y ấy đang được chia bởi các vị tỳ khưu ấy và đã được bốc thăm thì có tỳ khưu khác đi đến, không cần trao cho phần chia nếu không thích.”

29. Vào lúc bấy giờ, có hai vị trưởng lão là anh em: đại đức Isidāsa và đại đức Isibhadda đã sống qua mùa (an cư) mưa ở Sāvatthi rồi đã đi đến trú xứ là ngôi làng nọ. Dân chúng (nghĩ rằng): “Đã lâu lắm các trưởng lão mới ghé đến” rồi đã thực hiện các bữa thọ trai cùng với các y. Các tỳ khưu thường trú đã hỏi hai vị trưởng lão rằng: - “Thưa các ngài, những y thuộc hội chúng này đã được phát sanh nhờ vào các trưởng lão, các trưởng lão sẽ hoan hỷ phần chia hay không?” Hai vị trưởng lão đã nói như vầy: - “Này các đại đức, theo như chúng tôi biết về Pháp đã được thuyết giảng bởi đức Thế Tôn thì các y này là thuộc về chính các vị cho đến khi Kaṭhina hết hiệu lực.”

30. Vào lúc bấy giờ, có ba vị tỳ khưu sống mùa (an cư) mưa ở trong thành Rājagaha. Ở đó, dân chúng dâng các y (nói rằng): “Chúng tôi dâng đến hội chúng.” Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Hội chúng ít nhất là nhóm bốn vị’ và chúng ta chỉ có ba vị. Và các người này dâng các y (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng đến hội chúng,’ vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?”

31. Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị trưởng lão là đại đức Nīlavāsī, đại đức Sāṇavāsī, đại đức Gopaka, đại đức Bhagu, và đại đức Phaḷikasandāna cư ngụ ở Pāṭaliputta tại tu viện Kukkuṭa. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã đi đến Pāṭaliputta và hỏi các vị trưởng lão. Các vị trưởng lão đã nói như vầy: - “Này các đại đức, theo như chúng tôi biết về Pháp đã được thuyết giảng bởi đức Thế Tôn thì các y ấy là thuộc về chính các vị cho đến khi Kaṭhina hết hiệu lực.”

32. Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sakya đã sống qua mùa (an cư) mưa ở Sāvatthi, rồi đã đi đến trú xứ là ngôi làng nọ. Ở đó, các tỳ khưu đã tụ hội lại với ý định chia y. Các vị ấy đã nói như vầy: - “Này đại đức, các y thuộc về hội chúng này sẽ được chia, ngài sẽ chấp nhận phần chia hay không?” - “Này các đại đức, xin vâng. Tôi sẽ chấp nhận.” Sau khi nhận phần y từ nơi đó, vị ấy đã đi sang trú xứ khác. Ở nơi đó, các tỳ khưu cũng đã tụ hội lại với ý định chia y. Các vị ấy cũng đã nói như vầy: - “Này đại đức, các y thuộc về hội chúng này sẽ được chia, ngài sẽ chấp nhận phần chia hay không?” - “Này các đại đức, xin vâng. Tôi sẽ chấp nhận.” Sau khi nhận phần y từ nơi đó nữa, vị ấy đã đi sang trú xứ khác. Ở nơi đó, các tỳ khưu cũng đã tụ hội lại với ý định chia y. Các vị ấy cũng đã nói như vầy: - “Này đại đức, các y thuộc về hội chúng này sẽ được chia, ngài sẽ chấp nhận phần chia hay không?” - “Này các đại đức, xin vâng. Tôi sẽ chấp nhận.” Sau khi nhận phần y từ nơi đó nữa, vị ấy đã cầm lấy gói y lớn rồi quay trở về lại Sāvatthi.

33. Các tỳ khưu đã nói như vầy: - “Này đại đức Upananda, ngài có phước lớn. Nhiều y đã được phát sanh đến ngài.” - “Này các đại đức, phước của tôi là do đâu? Ở đây, tôi đã sống qua mùa (an cư) mưa ở Sāvatthi rồi đã đi đến trú xứ là ngôi làng nọ. Ở đó, các tỳ khưu đã tụ hội lại với ý định chia y. Các vị ấy đã nói với tôi như vầy: ‘Này đại đức, các y này thuộc về hội chúng sẽ được chia, ngài sẽ chấp nhận phần chia hay không?’ ‘Này các đại đức, xin vâng. Tôi sẽ chấp nhận.’ Sau khi nhận phần y từ nơi đó, tôi đã đi sang trú xứ khác. Ở nơi đó, các vị tỳ khưu cũng đã tụ hội lại với ý định chia y. Các vị ấy cũng đã nói với tôi như vầy: ‘Này đại đức, các y này thuộc về hội chúng sẽ được chia, ngài sẽ chấp nhận phần chia hay không?’ ‘Này các đại đức, xin vâng. Tôi sẽ chấp nhận.’ Sau khi nhận phần y từ nơi đó nữa, tôi đã đi sang trú xứ khác. Ở nơi đó, các vị tỳ khưu cũng đã tụ hội lại với ý định chia y. Các vị ấy cũng đã nói với tôi như vầy: ‘Này đại đức, các y này thuộc về hội chúng sẽ được chia, ngài sẽ chấp nhận phần chia hay không?’ ‘Này các đại đức, xin vâng. Tôi sẽ chấp nhận.’ Tôi đã nhận phần y từ nơi đó nữa, như thế mà nhiều y đã được phát sanh đến tôi.”

34. - “Này đại đức Upananda, có phải ngài đã sống mùa (an cư) mưa ở một nơi và chấp nhận phần y ở một nơi khác?” - “Này các đại đức, đúng vậy.” Các tỳ khưu nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sakya đã sống mùa (an cư) mưa ở một nơi lại chấp nhận phần y ở một nơi khác?”

35. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này Upananda, nghe nói ngươi đã sống mùa (an cư) mưa ở một nơi và chấp nhận phần y ở một nơi khác, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: - “Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi sống mùa (an cư) mưa ở một nơi lại chấp nhận phần y ở một nơi khác? Này kẻ rồ dại, việc sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, vị sống mùa (an cư) mưa ở nơi khác không nên chấp nhận phần y ở nơi khác; vị nào chấp nhận thì phạm tội dukkaṭa.”

36. Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sakya một mình đã sống mùa (an cư) mưa ở hai trú xứ (nghĩ rằng): “Như vầy nhiều y sẽ được phát sanh đến ta.” Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Phần chia về y nên được cho đến đại đức Upananda con trai dòng Sakya như thế nào?”

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, hãy cho đến kẻ rồ dại phần của một người.

37. Này các tỳ khưu, trường hợp một vị tỳ khưu sống mùa (an cư) mưa ở hai trú xứ (nghĩ rằng): ‘Như vầy nhiều y sẽ được phát sanh đến ta.’ Nếu vị ấy sống chỗ này một nửa (thời gian) chỗ kia một nửa (thời gian) thì nên cho phần chia về y gồm một nửa của nơi này một nửa của nơi kia, hoặc ở chỗ nào vị ấy sống nhiều hơn thì phần chia về y nên được cho từ chỗ đó.”

38. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh kiết lỵ. Vị ấy nằm dài ở đống phân và nước tiểu của chính mình, bị lem luốc. Khi ấy, trong lúc đi dạo quanh các trú xá cùng với đại đức Ānanda là Sa-môn hầu cận, đức Thế Tôn đã đi đến trú xá của vị tỳ khưu ấy.

39. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy vị tỳ khưu ấy đang nằm dài ở đống phân và nước tiểu của chính mình, bị lem luốc, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này: - “Này tỳ khưu, ngươi bị bệnh gì?” - “Bạch Thế Tôn, con bị bệnh kiết lỵ.” - “Này tỳ khưu, ngươi có người phục vụ không?” - “Bạch Thế Tôn, không có.” - “Vì sao các tỳ khưu lại không phục vụ ngươi?” - “Bạch ngài, con là người không có làm gì cho các tỳ khưu, do đó các tỳ khưu không phục vụ con.”

40. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: - “Này Ānanda, hãy đi và mang nước lại. Chúng ta sẽ tắm cho vị tỳ khưu này.” - “Bạch ngài, xin vâng.” Rồi đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã mang nước lại. Đức Thế Tôn đã xối nước. Đại đức Ānanda đã rửa ráy toàn bộ. Rồi đức Thế Tôn đã đỡ phần đầu, đại đức Ānanda ở phần chân, đã nâng lên và đặt ở trên giường.

41. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại rồi hỏi các vị tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, có phải có vị tỳ khưu ở trú xá đàng kia bị bệnh?” - “Bạch Thế Tôn, thưa có.” - “Này các tỳ khưu, vị ấy bị bệnh gì?” - “Bạch ngài, đại đức ấy bị bệnh kiết lỵ.” - “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy có người phục vụ không?” - “Bạch Thế Tôn, không có.” - “Vì sao các tỳ khưu không phục vụ vị ấy?” - “Bạch ngài, vị tỳ khưu ấy là người không có làm gì cho các tỳ khưu, do đó các tỳ khưu không phục vụ vị ấy.”

42. - “Này các tỳ khưu, các ngươi không có mẹ, không có cha là những người có thể phục vụ các ngươi. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi không phục vụ lẫn nhau thì giờ đây ai sẽ phục vụ đây? Này các tỳ khưu, vị nào có thể phục vụ ta (bằng sự thực hành theo lời giáo huấn và giảng dạy của ta), vị ấy có thể phục vụ người bệnh.[6] Nếu có thầy tế độ, thầy tế độ nên phục vụ đến hết đời, nên chờ đợi (đến khi) vị ấy có sự hồi phục. Nếu có thầy dạy học, thầy dạy học nên phục vụ đến hết đời, nên chờ đợi (đến khi) vị ấy có sự hồi phục. Nếu có đệ tử, người đệ tử nên phục vụ đến hết đời, nên chờ đợi (đến khi) vị ấy có sự hồi phục. Nếu có học trò, người học trò nên phục vụ đến hết đời, nên chờ đợi (đến khi) vị ấy có sự hồi phục. Nếu có vị đồng thầy tế độ, vị đồng thầy tế độ nên phục vụ đến hết đời, nên chờ đợi (đến khi) vị ấy có sự hồi phục. Nếu có vị đồng thầy dạy học, vị đồng thầy dạy học nên phục vụ đến hết đời, nên chờ đợi (đến khi) vị ấy có sự hồi phục. Nếu không có thầy tế độ, hoặc thầy dạy học, hoặc người đệ tử, hoặc người học trò, hoặc vị đồng thầy tế độ, hoặc vị đồng thầy dạy học, hội chúng nên phục vụ; nếu không phục vụ thì phạm tội dukkaṭa.

43. Này các tỳ khưu, người bệnh là khó phục vụ có năm yếu tố: Là người có hành động không có lợi ích; không biết sự vừa phải trong việc có lợi ích; không quen dùng dược phẩm; không nói rõ ràng về bệnh tình đúng theo thực trạng như (bệnh) đang gia tăng là: ‘(Bệnh) gia tăng,’ (bệnh) đang giảm là: ‘(Bệnh) giảm,’ (bệnh) ổn định là: ‘(Bệnh) ổn định’ cho người phục vụ bệnh nhân có sự mong muốn điều tốt đẹp; có bản tánh không chịu đựng được các cảm thọ khổ, khốc liệt, sắc bén, gay gắt, không chút thích thú, khó chịu, chết người thuộc cơ thể đã sanh khởi. Này các tỳ khưu, người bệnh có năm yếu tố này là khó phục vụ.

44. Này các tỳ khưu, người bệnh là dễ phục vụ có năm yếu tố: Là người có hành động có lợi ích; biết sự vừa phải trong việc có lợi ích; quen dùng dược phẩm; nói rõ ràng về bệnh tình đúng theo thực trạng như (bệnh) đang gia tăng là: ‘(Bệnh) gia tăng,’ (bệnh) đang giảm là: ‘(Bệnh) giảm,’ (bệnh) ổn định là: ‘(Bệnh) ổn định’ cho người phục vụ bệnh nhân có sự mong muốn điều tốt đẹp; có bản tánh chịu đựng được các cảm thọ khổ, khốc liệt, sắc bén, gay gắt, không chút thích thú, khó chịu, chết người thuộc cơ thể đã sanh khởi. Này các tỳ khưu, người bệnh có năm yếu tố này là dễ phục vụ.

45. Này các tỳ khưu, người phục vụ bệnh nhân không thích hợp để phục vụ người bệnh là vị có năm yếu tố: Là vị không có khả năng để phân phát thuốc men; không biết điều gì có lợi ích và điều gì không có lợi ích, đem đến điều không có lợi ích và loại bỏ điều có lợi ích; phục vụ người bệnh vì mục đích tài vật và không có tâm từ; ghê tởm việc dọn dẹp nước tiểu, phân, nước giải, vật nôn mửa; không có khả năng để chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người bệnh bằng bài Pháp thoại lúc này lúc khác. Này các tỳ khưu, người phục vụ bệnh nhân có năm yếu tố này là không thích hợp để phục vụ người bệnh.

46. Này các tỳ khưu, người phục vụ bệnh nhân thích hợp để phục vụ người bệnh là vị có năm yếu tố: Là vị có khả năng để phân phát thuốc men; biết điều gì có lợi ích và điều gì không có lợi ích, loại bỏ điều không có lợi ích và đem đến điều có lợi ích; có tâm từ và phục vụ người bệnh không vì mục đích tài vật; không ghê tởm việc dọn dẹp nước tiểu, phân, nước giải, vật nôn mửa; có khả năng để chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người bệnh bằng bài Pháp thoại lúc này lúc khác. Này các tỳ khưu, người phục vụ bệnh nhân có năm yếu tố này là thích hợp để phục vụ người bệnh.”

47. Vào lúc bấy giờ, có hai vị tỳ khưu đi đường xa trong xứ sở Kosala. Hai vị ấy đã đi đến trú xứ nọ. Ở đó, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã bàn bạc điều này: “Này đại đức, việc phục vụ người bệnh đã được đức Thế Tôn khen ngợi. Này đại đức, vậy chúng ta hãy phục vụ vị tỳ khưu này.” Các vị ấy đã phục vụ vị kia. Trong khi được các vị ấy phục vụ, vị kia đã từ trần.

48. Sau đó, các tỳ khưu đã cầm lấy y bát của vị tỳ khưu kia đi đến Sāvatthi và đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu khi từ trần, hội chúng là chủ về các y và bình bát. Tuy nhiên các vị phục vụ người bệnh lại có nhiều công đức. Này các tỳ khưu, ta cho phép ban cho các vị phục vụ người bệnh ba y và bình bát thông qua hội chúng.

49. Và này các tỳ khưu, nên được ban cho như vầy: Vị tỳ khưu phục vụ người bệnh ấy nên đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: ‘Bạch các ngài, vị tỳ khưu tên (như vầy) đã từ trần, đây là ba y và bình bát của vị ấy.’ Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực: ‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã từ trần, đây là ba y và bình bát của vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho ba y và bình bát này đến các vị phục vụ người bệnh. Đây là lời đề nghị. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã từ trần, đây là ba y và bình bát của vị ấy. Hội chúng cho ba y và bình bát này đến các vị phục vụ người bệnh. Đại đức nào đồng ý việc cho ba y và bình bát này đến các vị phục vụ người bệnh xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên. Ba y và bình bát này đã được hội chúng cho đến các vị phục vụ người bệnh. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”

50. Vào lúc bấy giờ, có vị Sa-di nọ từ trần. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, đối với vị Sa-di khi từ trần, hội chúng là chủ về các y và bình bát. Tuy nhiên các vị phục vụ người bệnh lại có nhiều công đức. Này các tỳ khưu, ta cho phép ban cho các vị phục vụ người bệnh y và bình bát thông qua hội chúng.

51. Và này các tỳ khưu, nên được ban cho như vầy: Vị tỳ khưu phục vụ người bệnh ấy nên đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: ‘Bạch các ngài, vị Sa-di tên (như vầy) đã từ trần, đây là y và bình bát của vị ấy.’ Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu kinh nghiệm, có năng lực: ‘Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị Sa-di tên (như vầy) đã từ trần, đây là y và bình bát của vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho y và bình bát này đến các vị phục vụ người bệnh. Đây là lời đề nghị. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị Sa-di tên (như vầy) đã từ trần, đây là y và bình bát của vị ấy. Hội chúng cho y và bình bát này đến các vị phục vụ người bệnh. Đại đức nào đồng ý việc cho y và bình bát này đến các vị phục vụ người bệnh xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên. Y và bình bát này đã được hội chúng cho đến các vị phục vụ người bệnh. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.’”

52. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ và vị Sa-di đã phục vụ vị bị bệnh. Trong khi được các vị ấy phục vụ, vị kia đã từ trần. Khi ấy, vị tỳ khưu phục vụ người bệnh ấy đã khởi ý điều này: “Phần chia về y nên được cho đến vị Sa-di là vị phục vụ người bệnh như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép cho đến vị Sa-di là vị phục vụ người bệnh phần chia đồng đều.”

53. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ có nhiều đồ đạc, có nhiều vật dụng đã từ trần. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu khi từ trần, hội chúng là chủ về các y và bình bát. Tuy nhiên các vị phục vụ người bệnh lại có nhiều công đức. Này các tỳ khưu, ta cho phép ban cho các vị phục vụ người bệnh ba y và bình bát thông qua hội chúng, (cho phép) hội chúng đang hiện diện phân chia đồ đạc loại nhẹ và vật dụng loại nhẹ ở nơi ấy, (cho phép) đồ đạc loại nặng và vật dụng loại nặng ở nơi ấy là của hội chúng bốn phương hiện tại và vị lai,[7] không được phân tán, không được phân chia.”

54. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ sau khi làm trở thành trần truồng đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, đức Thế Tôn là người ngợi khen về sự ít tầm cầu, sự biết đủ, sự từ khước, sự tiết chế, sự hài hòa, sự đoạn giảm, sự ra sức tinh tấn bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, sự trần truồng này đưa đến sự ít tầm cầu, sự biết đủ, sự từ khước, sự tiết chế, sự hài hòa, sự đoạn giảm, sự ra sức tinh tấn theo nhiều phương thức. Bạch ngài, tốt đẹp thay xin đức Thế Tôn hãy cho phép sự trần truồng đến các tỳ khưu.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: - “Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không thích đáng, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm! Này kẻ rồ dại, tại sao ngươi lại thực hành nghi thức của ngoại đạo là sự lõa thể? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, không nên thực hành nghi thức của ngoại đạo là sự lõa thể; vị nào thực hành thì phạm tội thullaccaya.”

55. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ che thân bằng cỏ kusa ―(như trên)― che thân bằng vỏ cây ―(như trên)― che thân bằng tấm ván gỗ ―(như trên)― che thân bằng mền dệt bằng tóc ―(như trên)― che thân bằng mền dệt bằng lông ngựa ―(như trên)― che thân bằng cánh chim cú ―(như trên)― che thân bằng da linh dương rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, đức Thế Tôn là người ngợi khen về sự ít tầm cầu, sự biết đủ, sự từ khước, sự tiết chế, sự hài hòa, sự đoạn giảm, sự ra sức tinh tấn bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, (việc che thân bằng) da linh dương này đưa đến sự ít tầm cầu, sự biết đủ, sự từ khước, sự tiết chế, sự hài hòa, sự đoạn giảm, sự ra sức tinh tấn theo nhiều phương thức. Bạch ngài, tốt đẹp thay xin đức Thế Tôn hãy cho phép (việc che thân bằng) da linh dương đến các tỳ khưu.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: - “Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không thích đáng, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm! Này kẻ rồ dại, tại sao ngươi lại mặc da linh dương vốn là biểu tượng của ngoại đạo? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, không nên mặc da linh dương vốn là biểu tượng của ngoại đạo; vị nào mặc thì phạm tội thullaccaya.”

56. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ mặc (y làm bằng) sợi của cây akka, ―(như trên)― mặc (y làm bằng) sợi của cây makaci rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, đức Thế Tôn là người thường ngợi khen về sự ít tầm cầu, sự biết đủ, sự từ khước, sự tiết chế, sự hài hòa, sự đoạn giảm, sự ra sức tinh tấn bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, (y làm bằng) sợi của cây makaci này đưa đến sự ít tầm cầu, sự biết đủ, sự từ khước, sự tiết chế, sự hài hòa, sự đoạn giảm, sự ra sức tinh tấn bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, tốt đẹp thay xin đức Thế Tôn hãy cho phép (y làm bằng) sợi của cây makaci đến các tỳ khưu.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: - “Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không thích đáng, không xứng pháp Sa-môn, không được phép, không nên làm! Này kẻ rồ dại, tại sao ngươi lại mặc (y làm bằng) sợi của cây makaci? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, không nên mặc (y làm bằng) sợi của cây makaci; vị nào mặc thì phạm tội dukkaṭa.”

57. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư mặc các y toàn màu xanh, ... mặc các y toàn màu vàng, ... mặc các y toàn màu đỏ (máu), ... mặc các y toàn màu tím, ... mặc các y toàn màu đen, ... mặc các y toàn màu đỏ tía, ... mặc các y toàn màu hồng, ... mặc các y không cắt đường viền, ... mặc các y có đường viền rộng, ... mặc các y có đường viền vẽ bông hoa, ... mặc các y có đường viền vẽ hình rắn hổ mang, ... mặc áo choàng ngắn, ... mặc loại vải dệt bằng sợi vỏ cây tirīṭaka, ... mang khăn xếp đội đầu. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại mang khăn xếp đội đầu giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?”

58. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên mặc các y toàn màu xanh, không nên mặc các y toàn màu vàng, không nên mặc các y toàn màu đỏ (máu), không nên mặc các y toàn màu tím, không nên mặc các y toàn màu đen, không nên mặc các y toàn màu đỏ tía, không nên mặc các y toàn màu hồng, không nên mặc các y không cắt đường viền, không nên mặc các y có đường viền rộng, không nên mặc các y có đường viền vẽ bông hoa, không nên mặc các y có đường viền vẽ hình rắn hổ mang, không nên mặc áo choàng ngắn, không nên mặc loại vải dệt bằng sợi vỏ cây tirīṭaka, không nên mang khăn xếp đội đầu; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa.”

59. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y chưa phát sanh lại ra đi, hoàn tục, từ trần, được biết là (xuống) Sa-di, được biết là người đã xả bỏ sự học tập, được biết là vị phạm tội cực nặng, được biết là vị bị điên, được biết là bị loạn trí, được biết là vị bị thọ khổ hành hạ, được biết là vị bị án treo về việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo về việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo về việc không từ bỏ tà kiến ác, được biết là kẻ vô căn, được biết là kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), được biết là kẻ đã đi theo ngoại đạo, được biết là thú vật, được biết là kẻ giết mẹ, được biết là kẻ giết cha, được biết là kẻ giết A-la-hán, được biết là kẻ làm nhơ tỳ khưu ni, được biết là kẻ chia rẽ hội chúng, được biết là kẻ làm chảy máu (đức Phật), được biết là kẻ lưỡng căn.

60. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y chưa phát sanh lại ra đi, nên trao cho vị nhận thế thích hợp đang hiện diện.

61. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y chưa phát sanh lại hoàn tục, từ trần, được biết là (xuống) Sa-di, được biết là người đã xả bỏ sự học tập, được biết là vị phạm tội cực nặng, thì hội chúng là chủ quản.

62. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y chưa phát sanh thì được biết là vị bị điên, được biết là bị loạn trí, được biết là vị bị thọ khổ hành hạ, được biết là vị bị án treo về việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo về việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo về việc không từ bỏ tà kiến ác, nên trao cho vị nhận thế thích hợp đang hiện diện.

63. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y chưa phát sanh được biết là kẻ vô căn, được biết là kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), được biết là kẻ đã đi theo ngoại đạo, được biết là thú vật, được biết là kẻ giết mẹ, được biết là kẻ giết cha, được biết là kẻ giết A-la-hán, được biết là kẻ làm nhơ tỳ khưu ni, được biết là kẻ chia rẽ hội chúng, được biết là kẻ làm chảy máu (đức Phật), được biết là kẻ lưỡng căn, thì hội chúng là chủ quản.

64. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y đã được phát sanh nhưng chưa phân chia lại ra đi, nên trao cho vị nhận thế thích hợp đang hiện diện.

65. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y đã được phát sanh nhưng chưa phân chia lại hoàn tục, từ trần, được biết là (xuống) Sa-di, được biết là người đã xả bỏ sự học tập, được biết là vị phạm tội cực nặng, thì hội chúng là chủ quản.

66. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y đã được phát sanh nhưng chưa phân chia thì được biết là vị bị điên, được biết là bị loạn trí, được biết là vị bị thọ khổ hành hạ, được biết là vị bị án treo về việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo về việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo về việc không từ bỏ tà kiến ác, nên trao cho vị nhận thế thích hợp đang hiện diện.

67. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y đã được phát sanh nhưng chưa phân chia được biết là kẻ vô căn, được biết là kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), được biết là kẻ đã đi theo ngoại đạo, được biết là thú vật, được biết là kẻ giết mẹ, được biết là kẻ giết cha, được biết là kẻ giết A-la-hán, được biết là kẻ làm nhơ tỳ khưu ni, được biết là kẻ chia rẽ hội chúng, được biết là kẻ làm chảy máu (đức Phật), được biết là kẻ lưỡng căn, thì hội chúng là chủ quản.

68. Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa và y chưa được phát sanh thì hội chúng bị chia rẽ. Ở đó, dân chúng dâng nước ở một nhóm và dâng y ở một nhóm (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng y đến hội chúng.’ (Y) ấy là của hội chúng.

69. Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa và y chưa được phát sanh thì hội chúng bị chia rẽ. Ở đó, dân chúng dâng nước ở một nhóm và dâng y ở chính nhóm ấy (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng y đến hội chúng.’ (Y) ấy là của hội chúng.

70. Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa và y chưa được phát sanh thì hội chúng bị chia rẽ. Ở đó, dân chúng dâng nước ở một nhóm và dâng y ở một nhóm (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng y đến nhóm.’ (Y) ấy là riêng của nhóm.

71. Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa và y chưa được phát sanh thì hội chúng bị chia rẽ. Ở đó, dân chúng dâng nước ở một nhóm và dâng y ở chính nhóm ấy (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng y đến nhóm.’ (Y) ấy là riêng của nhóm.

72. Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa và y đã được phát sanh nhưng chưa chia phần thì hội chúng bị chia rẽ. Nên chia đồng đều cho tất cả.”

73. Vào lúc bấy giờ, đại đức Revata gởi y cho đại đức Sāriputta qua tay của vị tỳ khưu nọ (nói rằng): “Hãy trao y này đến vị trưởng lão.” Sau đó ở khoảng giữa đường đi, vị tỳ khưu ấy đã lấy y ấy do sự thân thiết với đại đức Revata. Sau đó, đại đức Revata đã đích thân đi đến đại đức Sāriputta và hỏi rằng: - “Thưa ngài, tôi đã gởi y cho ngài trưởng lão. Y ấy đã đến chưa?” - “Này sư đệ, ta không nhìn thấy y ấy.” Sau đó, đại đức Revata đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này: - “Này đại đức, tôi đã gởi y của ngài trưởng lão qua tay của đại đức. Y ấy đâu rồi?” - “Thưa đại đức, tôi đã lấy y ấy do sự thân thiết với đại đức.”

74. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): ‘Hãy trao y này đến vị tên (như vầy).’ Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị gởi đi; (y) đã được lấy đúng đắn. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị sẽ nhận; (y) đã được lấy sai trái.

75. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): ‘Hãy trao y này đến vị tên (như vầy).’ Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị sẽ nhận; (y) đã được lấy sai trái. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị gởi đi; (y) đã được lấy đúng đắn.

76. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): ‘Hãy trao y này đến vị tên (như vầy).’ Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy nghe rằng: ‘Vị gởi (y) đã từ trần’ rồi xác định y của người đã chết là thuộc về vị (gởi) ấy; (y) đã được xác định đúng đắn. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị sẽ nhận; (y) đã được lấy sai trái.

77. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): ‘Hãy trao y này đến vị tên (như vầy).’ Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy nghe rằng: ‘Vị sẽ nhận (y) đã từ trần’ rồi xác định y của người đã chết là thuộc về vị (đã từ trần) ấy; (y) đã được xác định sai trái. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị gởi; (y) đã được lấy đúng đắn.

78. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): ‘Hãy trao y này đến vị tên (như vầy).’ Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy nghe rằng: ‘Cả hai đã từ trần’ rồi xác định y của người đã chết là thuộc về vị gởi đi; (y) đã được xác định đúng đắn. Vị ấy xác định y của người đã chết là thuộc về vị sẽ nhận; (y) đã được xác định sai trái.

79. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): ‘Tôi cho y này đến vị tên (như vầy).’ Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị gởi; (y) đã được lấy sai trái. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị sẽ nhận; (y) đã được lấy đúng đắn.

80. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): ‘Tôi cho y này đến vị tên (như vầy).’ Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị sẽ nhận; (y) đã được lấy đúng đắn. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị gởi; (y) đã được lấy sai trái.

81. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): ‘Tôi cho y này đến vị tên (như vầy).’ Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy nghe rằng: ‘Vị gởi (y) đã từ trần’ rồi xác định y của người đã chết là thuộc về vị ấy; (y) đã được xác định sai trái. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị sẽ nhận; (y) đã được lấy đúng đắn.

82. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): ‘Tôi cho y này đến vị tên (như vầy).’ Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy nghe rằng: ‘Vị sẽ nhận (y) đã từ trần’ rồi xác định y của người đã chết là thuộc về vị ấy; (y) đã được xác định đúng đắn. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị gởi; (y) đã được lấy sai trái.

83. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): ‘Tôi cho y này đến vị tên (như vầy).’ Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy nghe rằng: ‘Cả hai đã từ trần’ rồi xác định y của người đã chết là thuộc về vị gởi đi; (y) đã được xác định sai trái. Vị ấy xác định y của người đã chết là thuộc về vị sẽ nhận; (y) đã được xác định đúng đắn.

84. Này các tỳ khưu, có tám tiêu đề về việc phát sanh y: (thí chủ) dâng trong ranh giới, dâng theo sự thỏa thuận, dâng theo sự thông báo về vật thực, dâng đến hội chúng, dâng đến cả hai hội chúng (tỳ khưu và tỳ khưu ni), dâng đến hội chúng đã sống qua mùa (an cư) mưa, dâng sau khi đã thông báo, dâng đến cá nhân.

85. (Thí chủ) dâng trong ranh giới: có bao nhiêu vị tỳ khưu đang ở trong ranh giới, thì nên được chia bởi các vị ấy.

86. (Thí chủ) dâng theo sự thỏa thuận: nhiều trú xứ có sự thọ lãnh chung, khi được dâng ở một trú xứ thì được dâng cho tất cả.

87. (Thí chủ) dâng theo sự quy định về vật thực: các sự hộ độ thường xuyên được thực hiện đến hội chúng ở nơi nào thì dâng ở nơi ấy.

88. (Thí chủ) dâng đến hội chúng thì nên được chia phần bởi hội chúng đang hiện diện.

89. (Thí chủ) dâng đến cả hai hội chúng: Dầu cho có nhiều tỳ khưu mà có một tỳ khưu ni cũng nên được chia một nửa. Dầu cho có nhiều tỳ khưu ni mà có một tỳ khưu cũng nên được chia một nửa.

90. (Thí chủ) dâng đến hội chúng đã sống qua mùa (an cư) mưa: có bao nhiêu vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa ở trú xứ ấy, thì nên được chia bởi các vị ấy.

91. (Thí chủ) dâng sau khi đã thông báo về cháo, hoặc về bữa ăn, hoặc về vật thực cứng, hoặc về y, hoặc về chỗ trú ngụ, hoặc về dược phẩm.

92. (Thí chủ) dâng đến cá nhân là (nói rằng): ‘Tôi dâng y này đến vị tên (như vầy).’”

Dứt chương Y Phục là thứ tám.

*****

Trong chương này có chín mươi sáu sự việc.

TÓM LƯỢC CHƯƠNG NÀY

1. Viên thị trưởng thành Rājagaha đã nhìn thấy nàng kỹ nữ ở Vesāli, sau khi trở về lại thành Rājagaha đã báo điều ấy đến đức vua.

2. Người con trai của nàng Sālavatī chính là con (nuôi) của Abhaya. Được hỏi bởi vị vương tử là: “Còn sống không?” nên gọi tên là “Jīvaka.”

3. Chính người ấy đã đi đến thành Takkasilā, đã học xong, trở thành đại y sĩ, đã tiêu trừ bệnh đã bảy năm bằng việc làm ở mũi.

4. (Jīvaka) đã trị dứt bệnh rò rỉ của đức vua bằng liều thuốc thoa. (Đức vua bảo): “Hãy phục vụ cho trẫm, các cung phi, đức Phật và hội chúng.”

5. Và nhà đại phú thành Rājagaha, chứng xoắn ruột đã được chữa trị. (Jīvaka) đã tiêu trừ bệnh bệnh trầm trọng của đức vua Pajjota bằng việc uống bơ lỏng.

6. Chức vụ, và xấp vải xứ Sivi, (Jīvaka) đã bảo thoa dầu cho (cơ thể) bị tiết ra dịch chất dơ, liều thuốc xổ ba mươi lần với ba nắm sen.

7. Khi (đức Phật) đã trở lại bình thường, (Jīvaka) đã thỉnh cầu điều ước muốn. Và Ngài đã thọ nhận xấp vải xứ Sivi. Và đức Như Lai đã cho phép y là vật thí của gia chủ.

8. Ở xứ sở Rājagaha nhiều y đã được phát sanh. Tấm vải choàng, luôn cả tấm vải choàng bằng tơ lụa, tấm choàng lông, (tấm mền len) trị giá nửa kāsi.

9. Và nhiều (y) đủ loại, sự biết đủ, về các vị không chờ và các vị chờ, vào trước tương tợ vào sau, sự thỏa thuận, họ đã mang về lại.

10. Kho chứa, và không được bảo quản, và các vị bãi nhiệm cũng tương tợ y như thế, được dồi dào, và cảnh náo động, nên chia như thế nào, nên cho như thế nào.

11. Của bản thân, với phần nhiều hơn, phần chia (về y), nên cho thế nào? Với phân, và nước lạnh, để trào ra, vị không biết.

12. Trong khi đổ ra, và chậu nhuộm, trong cái đĩa, và ở nền đất, loài mối, ở giữa, chúng bị sờn, một bên, và với (y) bị cứng.

13. (Các y) bị thô, không cắt, được kết nối bằng những khoảnh vuông vức. Ngài đã nhìn thấy các vị ôm đồm (với các y). Sau khi suy xét, đấng Hiền Sĩ dòng Sakya đã cho phép ba y.

14. Với y phụ trội khác, đã được phát sanh, và luôn cả y bị rách. (Mây đen) bốn châu lục, bà (Visākhā) đã thỉnh cầu điều ước muốn để được dâng vải choàng (tắm) mưa.

15. Vị vãng lai, vị xuất hành, vị bị bệnh, và vị nuôi bệnh, dược phẩm, cháo thường xuyên, và vải choàng tắm (các ni). (Thức ăn) hảo hạng, (vật lót ngồi) quá nhỏ.

16. Ghẻ sần sùi, (khăn lau) mặt, sợi lanh, được đầy đủ, việc chú nguyện, tối thiểu, đã được làm, là nặng nề, có góc bị thừa, chỉ bị xổ ra.

17. (Các mảnh vải) bị bung ra, làm không đủ, vải khác loại, và có nhiều (y), rừng Andhavana, thiếu sự ghi nhớ, một mình, mùa (an cư) mưa, và trong mùa khác.

18. Hai vị là anh em, ở Rājagaha, vị Upananda, lại ở hai nơi, bệnh kiết lỵ, vị bị bệnh, cả hai vị, và luôn cả các vật thuộc về vị bệnh.

19. Vị lõa thể, cỏ kusa, vỏ cây, tấm ván gỗ, và mền dệt bằng tóc, lông ngựa, và cánh chim cú, da linh dương sợi của cây akka.

20. Sợi của cây makaci, màu xanh, và màu vàng, màu đỏ (máu), và màu tím, màu đen, màu đỏ tía, màu hồng, và đường viền không cắt là tương tợ.

21. Đường viền rộng, vẽ bông hoa, rắn hổ mang, áo choàng ngắn, sợi vỏ cây, và khăn xếp đội đầu, khi chưa được phát sanh, vị ra đi, cho đên phần hội chúng bị chia rẽ.

22. Họ dâng đến nhóm, đến hội chúng, đại đức Revata đã gởi đi, vị lấy do thân thiết, vị chú nguyện, tám tiêu đề về y.”

--ooOoo--