544. Chuyện Bậc Đại Trí Mahānārada-Kassapa (Tiền thân Mahānārada-Kassapa)

Một vì vua xứ Vi-đề-ha…,

Câu chuyện này do bậc Đạo Sư kể, khi Ngài trú ngụ tại Lạc Viên Latthivanna (Rừng Mía), về việc quy y của Tôn giả Ưu-lâu-tần-loa-Ca-diếp (Uruvela-Kassapa).

Lúc bấy giờ uy danh của bậc Đạo Sư về việc hoằng dương Chánh pháp đã bắt đầu lừng lẫy. Sau khi Ngài giáo hóa các vị tu khổ hạnh khác cùng Tôn giả Ưu-lâu-tần-loa, Ngài liền đi đến Lạc Viên Latthivana, với cả ngàn Tỷ-kheo vây quanh, các vị này trước đây là những đạo sĩ khổ hạnh. Ngài muốn thuyết phục vua Magadha (Ma-kiệt-đà) giữ lời hứa cúng dường Tinh xá Veluvana (Trúc Lâm) và lúc ấy vua Ma-kiệt-đà cùng đến với đám triều thần đông cả mười hai vạn người.

Sau khi đảnh lễ Đức Phật xong, vua ngồi xuống, rồi một vấn đề được đưa ra tranh luận giữa các Bà-la-môn và các gia chủ trong đám tùy tùng của vua: Phải chăng Tôn giả Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp phục tùng sự giáo hóa của bậc Đại Sa Môn, hay là bậc Đại Sa Môn phục tùng sự hướng đạo tu hành của Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp?

Lúc ấy đức Thế Tôn nghĩ thầm: “Ta sẽ cho hội chúng thấy rằng Ca-diếp đã phục tùng sự giáo hóa của Ta”.

Rồi Ngài ngâm kệ này:

Thấy gì Hiền giả Kas-sa-pa,
Người ở rừng U-ru-ve-la,
Lừng lẫy tiếng tăm về khổ hạnh,
Sao ông từ bỏ lửa thiêng xưa,
Này Ca-diếp hỡi, nghe ta hỏi:
Sao bỏ tế đàn với lửa kia?

Lúc ấy vị trưởng lão đã hiểu rõ ý nghĩa câu hỏi của Đức Phật, liền đáp kệ này:

Tế lễ nói lên ngũ dục trần:
Sắc, thanh, hương, vị với giai nhân,
Và khi biết những điều như thế,
Chỉ thấy trong đời sống thế gian,
Đều bất tịnh, con không thích thú,
Tế đàn dâng lễ cúng Thiên thần.

Rồi để tỏ ra mình là đệ tử Phật, vị Tỷ-kheo này đặt đầu lên chân Đức Phật và nói:

- Đức Thế Tôn là Đạo Sư của con, con là đệ tử của Ngài.

Nói xong ông bay lên không bảy lần đến ngọn một cây cọ dừa (tala), hai cây tala cho đến bảy cây tala, rồi trở xuống đảnh lễ đức Thế Tôn và ngồi qua một bên. Hội chúng trông thấy việc hy hữu như thế, liền tán thán uy danh củc bậc Đạo Sư, đồng nói to:

- Cao cả thay thần lực của Đức Phật, nên mặc dù đã tin tưởng vững chắc vào uy lực mình, mặc dù tự cho mình là Thánh nhân, Tôn giả Ưu-lâu-tần-loa cũng đã phá bỏ mọi vọng chấp sai lầm và xin quy y với đức Như Lai.

Bậc Đạo Sư đáp:

- Việc ấy cũng không kỳ diệu gì, khi ngày nay Ta đã đạt Thắng trí viên mãn và giáo hóa vị này; vì ngày xưa khi ta còn là một Bà-la-môn tên gọi Narada và còn tham đắm dục lạc, ta cũng phá tan mọi vọng chấp sai lạc của ông và khiến ông phải quy phục.

Rồi theo lời thỉnh cầu của thính chúng. Ngài kể câu chuyện sau đây:

*

Ngày xưa ở thành Mithilā trong quốc độ Videha có một vị minh quân trị vì rất đúng pháp, tên là Angati. Lúc bấy giờ chánh hậu của ngài đang mang thai một công chúa xinh đẹp đầy ân phúc, tên gọi Rujā, có công hạnh rất lớn và là người đã phát đại nguyện suốt một trăm ngàn kiếp. Mười sáu ngàn phi tần kia của ngài đều không có con. Vì thế công chúa này rất được yêu quý nâng niu.

Hằng ngày ngài thường ra lệnh ban cho nàng hai mươi lăm giỏ hoa muôn màu và xiêm y lộng lẫy để nàng trang sức, lại ban cho nàng một ngàn đồng tiền để nàng bố thí các thức ăn uống tràn trề mỗi tháng hai lần.

Lúc bấy giờ ngài có ba vị cận thần tên gọi Vijaya, Sunāma và Alāta. Vào một ngày rằm tháng tư kia, cả kinh thành và cả cung điện được trang hoàng lộng lẫy như cảnh thiên giới, sau khi đức vua đã tắm gội, xức dầu thơm và trang sức đủ ngọc ngà trân bảo, ngài cùng các cận thần ngự lên thượng lầu mở cửa sổ nhìn mặt trăng tròn đang lên cao dần trên bầu trời quang đãng, ngài bảo các cận thần:

- Đêm trăng này thật thú vị quá, các khanh muốn cùng ta hưởng lạc thú gì chăng?

*

Bậc Đạo Sư giải thích việc này như sau:

1. Một vì vua xứ Vi-đề-ha,
Tên gọi An-ga-ti, thuở xưa,
Có lắm cỗ xe, tài sản quý,
Binh hùng tướng mạnh kể sao vừa.

2. Một đêm trăng sáng ngày mười lăm,
Canh một sắp qua, ánh nguyệt rằm,
Vào tháng tư mùa mưa mới đến,
Vua liền tụ họp đám quần thần.

3. Vi-ja-ya, Đại tướng A-là,
Cùng với Đại thần Su-ma-na,
Là các trí nhân, tươi nét mặt,
Đông con kinh nghiệm đủ phò vua.

4. Vua Vi-đề hỏi chúng triều đình:
Hãy nói ý mình muốn, mỗi khanh,
Nay đúng tháng tư, đêm mãn nguyệt,
Mây mờ không phủ ánh trăng thanh,
Đêm nay ta có gì vui thú,
Tiêu khiển thời giờ ấy thật nhanh?

Cứ thế khi được vua hỏi đến, mỗi vị cận thần nói lên nguyện ước lòng của mình.

*

Bậc Đạo Sư giải thích việc này như sau:

Lúc ấy Đại tướng Alātaka tâu với vua:

- Tâu Đại vương, ta hãy tập hợp binh hùng tướng mạnh lại, rồi đi chinh chiến cùng với muôn vạn dân chúng, cho phép chúng thần đem đặt dưới quyền Đại vương những vị vua trước đây đã tự trị, đó là thiển ý của thần, xin Đại vương cho phép chúng thần đi chinh phục những vùng đất chưa từng bị chinh phục.

Khi nghe lời của Alāta tâu, Sunāma liền nói:

- Tâu Đại vương, các quốc thù của ngài đều đã được tập hợp về đây, họ đã buông khí giới qua một bên và quy hàng Đại vương rồi. Hôm nay là ngày đại lễ hội, thần không thích việc chiến chinh, xin Đại vương ra lệnh mang rượu thịt cùng các loại sơn hào hải vị lên đây ta cùng vui hưởng đờn ca xướng hát.

Nghe lời Sunāma tâu như vậy, Vijaya liền nói:

- Tâu Đại vương, tất cả thú vui dục lạc lúc nào cũng sẵn sàng dâng lên Đại vương, không phải là khó kiếm để làm thỏa lòng Đại vương, nên dù có được những lạc thú ấy, thần cũng không tán đồng. Xin Đại vương ngự xa giá đến hầu thăm một vị Sa-môn hay Bà-la-môn tinh thông Thánh điển am tường kinh nghĩa, có thể phá tan mọi hoài nghi của chúng thần hôm nay về tâm nguyện của chúng thần.

Khi nghe lời của Vijaya, vua Angati bảo:

- Lời tâu của Vijaya rất hợp ý trẫm, ta hãy cùng đi hầu thăm một vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào tinh thông Thánh điển, am tường mọi kinh nghĩa để có thể phá tan mối hoài nghi của ta về tâm nguyện hôm nay. Các khanh hãy mau mau thi hành quyết định này, vậy ta hãy đi hầu thăm vị Sư trưởng nào đây?Hôm nay vị nào tinh thông kinh kệ cùng thâm nghĩa của Thánh điển có thể phá tan lưới nghi của ta về các điều tâm nguyện.

Khi nghe vua nói vậy, Alāta liền tâu:

- Có một vị khổ hạnh lõa thể trú trong vườn Lộc Uyển đằng kia, được mọi người tán thán là bậc hiền nhân, tên gọi Guna dòng Ca-diếp, một bậc thuyết giáo đã lừng danh, có rất đông đệ tử theo học. Vậy ta hãy đến hầu thăm ngài, ngài sẽ phá tan lưới nghi của ta.

Nghe lời tâu của Alāta, vua ra lệnh cho quan thủ xa:

- Trẫm muốn du hành đến vườn Lộc Uyển, hãy mang xa giá đầy đủ yên cương lại đây.

Khi xa giá đã được chuẩn bị yên cương, trang hoàng đầy đủ ngọc ngà, vàng bạc, cỗ xe vương mã sáng ngời màu bạch ngọc, vẻ tinh khiết như bầu trời đêm quang đãng. Bốn tuấn mã giống Sindh trắng như hoa súng đã chầu sẵn, có sức phi nhanh như gió, lại rất thuần thục, mang vòng vàng lục lạc cùng lộng trắng, xe trắng, ngựa trắng và quạt trắng. Đức vua khởi hành cùng đám cận thần, rực rỡ như mặt trăng bạc. Nhiều bậc trí giả và dũng sĩ nai nịt cung kiếm lên ngựa theo hầu đức vua anh hùng. Sau một đoạn đường dài, trong chốc lát, vua Videha cùng đám cận thần xuống xe, đi bộ đến gần chòi ẩn sĩ Guna; ngay lúc ấy các Bà-la-môn và các phú gia đã tề tựu đông đúc tại đó. Nhà vua cũng không ra lệnh bảo họ lui ra, mặc dù chẳng có chỗ nào dành cho ngài. Ngài ngồi qua một bên, được vây quanh bởi thính chúng gồm đủ hạng người như vậy, rồi ngài làm lễ yết kiến vị ẩn sĩ kia.

*

Bậc Đạo Sư giải thích vấn đề này như sau:

Lúc ấy vua ngồi qua một bên trên một tấm nệm êm ái, bọc bằng da lông sóc mượt mà đủ loại cùng với một chiếc gối dựa mềm mại đặt ngang. Khi vừa an tọa, vua chào hỏi vị ẩn sĩ bằng những lời tán thán đầy tình thân hữu và cung kính:

- Thưa Tôn giả, các nhu cầu về vật thực, y phục của ngài có được đầy đủ chăng? Sinh lực của ngài không bị tiêu hao nhiều chứ? Nếp sống của ngài có dễ chịu chăng? Ngài có được cúng dường đúng thời chăng? Việc đi lại của ngài có gì cản trở chăng? Nhãn quang của ngài vẫn được tinh tường chứ?

Ẩn sĩ Gunà từ tốn đáp lại vua Videha đang hết sức quan tâm đến phận sự của ngài:

- Tâu Đại vương, mọi nhu cầu vật dụng của bần đạo đều được đầy đủ, hai vấn đề ngài nêu sau cùng cũng được như ý. Còn phần Đại vương, các vị quốc vương lân cận không quá hùng mạnh đối với Đại vương chứ? Đại vương có được ngọc thể khang an chăng? Vương xa của Đại vương thượng lộ bình an chứ? Đại vương không bị bệnh tật gì não hại chứ?

Vua mong cầu pháp lành nên sau khi được vấn an xong, ngài liền hỏi vị ẩn sĩ ý nghĩa và giáo pháp cùng giới luật công hạnh:

- Thưa Tôn giả Ca-diếp, một thế nhân phải cư xử như thế nào gọi là đúng pháp đối với cha mẹ, đối với sư trưởng, đối với vợ con? Còn phải cư xử ra sao đối với các bậc trưởng lão, các Sa-môn, Bà-la-môn, với binh sĩ cùng dân chúng trong quốc độ mình? Làm thế nào để hành trì đúng pháp rồi chung cuộc được lên Thiên giới? Và một số thế nhân vì theo tà pháp đã đọa địa ngục như thế nào?

Vì lúc ấy không có một vị Phật Chánh đẳng Giác xuất hiện, cũng không có một vị Độc Giác Phật, một vị Thánh đệ tử của chư Phật hay một bậc trí nhân nào, nên vua hỏi liên tiếp các vấn đề đáng được nêu ra của một vị quốc vương cho một khất sĩ lõa thể không hiểu biết gì và lại mù quáng tựa trẻ thơ. Vừa khi được hỏi như vậy, ông đã không trả lời phù hợp câu hỏi, mà nhân cơ hội tâu ngay:

- Tâu Đại vương, xin Đại vương nghe đây.

Rồi ông tuyên thuyết tà pháp của mình như kẻ đánh con bò trong khi nó đang đi hay làm rớt phân vào máng ăn của con bò khác.

*

Bậc Đạo Sư giải thích vấn đề như sau:

Khi nghe vua Videha hỏi, Kassapa trả lời:

- Tâu Đại vương, đây là chân lý không sai lạc: Không có quả báo thiện hay ác nào khi ta tuân giới luật, không có đời sau, tâu Đại vương còn ai trở lại đời này sau khi mạng chung nữa? Không có tổ tiên cha mẹ, làm sao có cha hay mẹ được? Không có sư trưởng, vì ai có khả năng giáo hóa những pháp không thể được giáo hóa? Mọi thế nhân đều bình đẳng và giống nhau, không có kẻ nào đáng được kính lễ cũng không có kẻ nào phải kính lễ người khác, không có các đức tính như dũng mãnh hoặc can trường vì ở đời làm sao có được tinh tấn lực hay tính anh hùng?

Số phận các thế nhân đã được tiền định, cũng như đuôi con tàu phải đi theo dấu con tàu vậy. Mỗi thế nhân được thọ hưởng phần mình phải thọ hưởng, thế thì bố thí để làm gì? Tâu Đại vương, việc bố thí không ích lợi gì cả. Người bố thí là kẻ yếu hèn, chẳng ai giúp đỡ, lễ vật bố thí được kẻ ngu ngốc đưa ra và được kẻ không nhận lấy. Những kẻ vô trí, yếu hèn lại tưởng mình khôn ngoan khi bố thí cho kẻ có trí.

Sau khi diễn giảng sự vô ích của bố thí, ông lại tiếp tục diễn tả tội chướng không có công năng tạo nghiệp quả đời sau:

- Có bảy uẩn không bị hủy diệt cũng không não hại, đó là hỏa, địa, thủy, không, lạc, khổ và tâm. Trong bảy uẩn này chẳng có uẩn nào đủ công năng tiêu hủy hay phân tán. Chúng cũng không hề bị phân hủy, gươm giáo đều vô hại đối với các uẩn này. Kẻ nào cắt đầu kẻ khác bằng thanh kiếm sắc bén cũng không thể phân tán các uẩn này, thế thì làm sao lại có thể hưởng được nghiệp quả vì làm ác nghiệp? Mọi chúng sanh đều được sạch tội lỗi khi đã sống qua tám mươi bốn đại kiếp, trước thời kỳ đó chẳng có một người Phạm hạnh nào được rửa sạch tội lỗi cả. Trước khi thời kỳ đó đến, dù họ thực hành giới hạnh bao nhiêu đi nữa, họ cũng không thể rửa sạch tội lỗi, và dù họ phạm bao nhiêu tội chướng đi nữa, họ cũng không thể vượt quá giới hạn đó. Lần lượt con người sẽ được rửa sạch tội qua tám mươi bốn kiếp; ta không thể vượt quá số phận ta, cũng như biển không thể vượt bờ.

- Cứ thế kẻ biện luận cho thuyết hư vô ấy đã củng cố lý lẽ mình bằng giọng hăng say không cần đến một thuyết nào trước đây cả.

Khi nghe Kassapa nói vậy, Alāta đáp lời:

- Những điều Tôn giả nói rất hợp ý ta, ta cũng nhớ lại đã trải qua một tiền kiếp: Ta là một thợ săn bò tên là Pingala ở một tỉnh thành kia. Ta đã phạm bao nhiêu tội lỗi ở thành Ba-la-nại giàu có ấy. Ta đã giết biết bao nhiêu sinh mạng bò, heo, trâu, dê. Hết kiếp đó, ta lại sinh vào gia đình phồn thịnh của một viên đại tướng; như thế không hề có quả ác vì hành nghiệp ác nên ta đã không đọa vào địa ngục.

Lúc ấy có một tên nô lệ ăn mặc rách rưới tên là Bījaka đang hành trì trai giới cũng đến đây nghe Guna thuyết pháp. Khi nghe Kassapa và Alāta đối đáp như vậy, gã thở dài não nuột và bật khóc. Vua hỏi:

- Tại sao người khóc? Ngươi đã nghe thấy gì chăng? Tại sao ngươi lộ vẻ đau khổ với ta như vậy?

Bījaka trả lời:

- Tâu Đại vương, tiểu nô chẳng có gì làm khổ đâu, xin Đại vương hãy nghe tiểu nô giải bày. Tiểu nô cũng nhớ lại tiền kiếp rất được sung sướng, tiểu nô là một Bhavasetthi (phú thương) trong thành Sāketa, chuyên trì công đức, giữ thân trong sạch hay bố thí, được các Bà-la-môn và các phú gia rất quý trọng. Tiểu nô nhớ lại mình chẳng hề phạm tội ác bao giờ. Nhưng khi hết kiếp ấy, tiểu nô lại đầu thai vào bụng một gái giang hồ nghèo khó và ra đời chịu rất nhiều cực khổ. Tuy nhiên dù khổ cực như hiện nay, tiểu nô vẫn giữ tâm trí thanh tịnh, tiểu nô nhường phân nửa thức ăn cho kẻ nào cần thực phẩm. Tiểu nô giữ trai giới các ngày mười bốn và rằm, chẳng hề sát sanh trộm cắp. Nhưng tất cả những điều lành đó không đem lại quả tốt nào như Alāta vừa nói, tiểu nô cho rằng công đức thật chẳng ích gì. Tiểu nô thua cuộc trong đời như kẻ chơi súc sắc bất tài, còn Alāta thắng cuộc như một kẻ đánh súc sắc khéo tay. Tiểu nô không có cách nào lên thiên giới cả, vì thế tiểu nô rơi lệ khi nghe ngài Ca-diếp nói pháp.

Sau khi nghe Bījaka nói vậy, vua Angati đáp:

- Không có lối lên thiên đàng, chỉ đợi chờ số phận. Số người sướng hay khổ là do số phận định đoạt. Chung cuộc mọi chúng sinh sẽ được giải thoát khỏi luân hồi, vậy đừng nóng lòng vì tương lai. Trong các đời trước của ta, ta cũng đã được nhiều phước phần và chuyên tâm phụng sự các Bà-la-môn cùng các phú gia, nhưng lúc ta bận chấp chánh trị dân, ta lại không được hưởng lạc gì cả.

Nói xong, vua tạ từ ẩn sĩ:

- Thưa Tôn giả Kassapa, từ lâu nay trẫm thật là vô tâm xao lãng, nhưng cuối cùng bây giờ trẫm đã tìm ra được một vị sư trưởng, vậy từ nay trẫm sẽ tuân theo lời dạy của Tôn giả, trẫm sẽ an hưởng thú dục lạc mà thôi, dù có nghe thuyết giảng về công đức cũng không ngăn cản được trẫm đâu. Xin Tôn giả ở lại, trẫm xin từ tạ Tôn giả, ta sẽ còn dịp hội ngộ ngày sau.

Nói xong vua Videha trở về cung. Thoạt tiên khi vua đến viếng Guna, ngài chào vị này rất cung kính rồi nêu câu hỏi ra, nhưng khi ngài giả từ, ngài chẳng chào hỏi gì nữa. Vì Guna không đúng như danh truyền, vì bất xứng nên chẳng được đảnh lễ, vả lại càng ít được cúng dường. Qua đêm đó, rạng ngày hôm sau, vua triệu tập quần thần lại và bảo:

- Các khanh hãy chuẩn bị đủ mọi thứ dục lạc, từ nay trẫm sẽ chỉ theo đuổi dục lạc, các khanh đừng nói việc gì khác trước mặt trẫm, hãy để những vị này vị kia ra chấp chánh trị dân.

Và từ đó vua chìm đắm trong việc hưởng lạc.

*

Bậc Đạo Sư giải thích việc này như sau:

Qua đêm đó, rạng ngày mai, vua Angati triệu tập các vị đại thần lại và phán:

- Các khanh cho bày đủ mọi thứ dục lạc trong điện Candaka để trẫm an hưởng, không ai được dâng sớ về việc công tư gì nữa. Các khanh Vijaya, Sunāma và đại tướng Alātaka đều tinh thông luật pháp, hãy ngồi xét xử mọi vấn đề thay trẫm.

Vua nói thế xong, chẳng còn bận tâm điều gì nữa ngoài dục lạc và ngài cũng chẳng còn thân cận với các Bà-la-môn cùng các phú gia nữa.

Thế rồi vào đêm mười bốn, ái nữ của vua, công chúa Rujā, nói với bà nhũ mẫu:

- Xin nhũ mẫu trang sức ngọc vàng cho con thật nhanh, bảo các thị nữ đến hầu con ngày mai là ngày lễ rằm, con sẽ đi yết kiến phụ vương.

Họ liền đem cho nàng một tràng hoa cùng gỗ đàn hương, ngọc ngà châu báu đủ loại và xiêm y lộng lẫy muôn màu, nhiều thị nữ vây quanh nàng lúc nàng ngồi trên chiếc kim đôn, trang sức cho nàng cực kỳ rực rỡ tôn vẻ kiều diễm của nàng.

Sau đó được đoàn thị nữ tháp tùng chung quanh, sáng ngời trong các món trang sức trân bảo, công chúa Rujā bước vào cung Candaka như tia chớp lóe giữa vầng mây. Sau khi đến gần phụ vương đảnh lễ hết sức cung kính xong, nàng ngồi xuồng một bên trên chiếc bảo tọa chạm vàng.

Khi vua thấy nàng được đám cung nữ theo hầu như một bầy tiên nữ, liền phán bảo:

- Này công chúa, con có vui chơi thỏa thích trong hồ nước nội cung chăng? Chúng có thường dâng con đủ loại cao lương mỹ vị chăng? Con cùng các thị nữ có thường kết đủ loại tràng hoa và xây nhà mát để chúng con nghỉ ngơi, vui đùa giải trí chăng? Bảo chúng đem lại đây ngay, con hãy thỉnh cầu phụ vương mọi điều con ưa thích, những điều gay go nhất, dù có khó như tìm mặt trăng đi nữa.

Nghe vua cha nói như vậy, công chúa thưa:

- Tâu phụ vương, trước long nhan, mọi nguyện vọng của tiện nữ đều được thỏa mãn. Ngày mai là ngày lễ rằm, xin phụ vương ban cho con một ngàn đồng tiền để con bố thí cho các kẻ hành khất.

Nghe Rujā nói, vua liền đáp:

- Con đã phung phí nhiều của cải mà chẳng có kết quả gì, con giữ gìn trai giới, kiêng cử ăn uống, nhưng quan niệm về phận sự giữ gìn trai giới này đều do tiền định, cho nên con có giữ gìn trai giới cũng không đạt công hạnh gì. Trong lúc con còn sống đây với phụ vương, con đừng bố thí vật thực nữa, không hề có đời sau nào ngoài đời này nữa, tại sao con phải bận tâm vì việc không đâu?

Lúc ấy Rujā với nhan sắc cực kỳ lộng lẫy, nghe vua cha nói vậy liền đáp như sau, vì biết rằng nàng hiểu Pháp lành ở đời quá khứ cùng vị lai:

- Tâu phụ vương, tiện nữ đã được nghe trong thuở quá khứ cũng như chính mắt tiện nữ được thấy rằng kẻ nào bầu bạn với trẻ thơ rồi cũng trở thành trẻ thơ mà thôi. Kẻ ngu thân cận với kẻ ngu lại càng chìm đắm trong sự ngu muội. Alātaka và Bījaka bị lừa phỉnh là phải lắm, chứ còn phụ vương là một vị vua hiền trí, rất có tài trong việc trị dân; làm sao phụ vương lại rơi vào một lý thuyết thấp hèn như vậy, chỉ xứng hợp với trẻ thơ. Nếu con người được rửa sạch mọi tội chướng chỉ do dòng sinh tử thì việc tu khổ hạnh của Guna thật là hoài công, như con thiêu thân lao vào đèn sáng, kẻ ngu ngốc kia đã chịu đựng đời hành khất lõa thể. Sau khi đã chấp nhận lý thuyết cho rằng kết cuộc mọi chúng sinh sẽ được rửa sạch mọi tội lỗi qua luân hồi sinh tử, nhiều kẻ đã hành động sai lầm vì vô minh chồng chất, nên lại càng bị vây chặt hơn trong các nghiệp quả đời trước, khó thoát ra được, như con cá mắc lưỡi câu.

Tiện nữ xin kể hầu phụ vương một chuyện ngụ ngôn cho trường hợp này của phụ vương, vì bậc trí giả đôi khi tìm được chân lý qua câu chuyện ngụ ngôn. Như một con tàu của thương nhân, chở quá nhiều hành lý nặng nề, phải chìm trong biển cả, một con người chồng chất dần tội lỗi mãi cũng sẽ đọa vào địa ngục. Tâu phụ vương, hành lý hiện tại của Alāta không phải là những thứ lão ta đang hưởng đâu, chính vì những thứ lão ta đang mang đi chất lên tàu mà lão sẽ đọa vào địa ngục kiếp sau. Đời trước Alātaka thành chánh nghiệp, nên kết quả là ngày nay lão ta hưởng thụ phú quý vinh hoa. Công đức ấy của lão đang bị tiêu tan vì lão chỉ chuyên tâm làm ác nghiệp, sau khi bỏ chánh đạo, lão ta lại đang theo đuổi tà đạo, như chiếc cân được treo đúng đắn trong kho hàng sẽ làm cán cân nhấc lên cao khi có trọng lượng của một vật đặt lên nó. Con người chung cuộc cũng làm cho số phận mình thăng hoa nếu biết tu tập công đức dần dần, như gã nô lệ Bījaka kia đang chuyên tâm làm công hạnh và đang mơ tưởng thiết tha tới đến thiên giới. Nỗi khổ đau mà nô lệ Bījaka phải chịu đựng là do nghiệp quả tội chướng gã đã phạm đời trước. Tội chướng ấy sẽ tiêu trừ vì hiện gã đang chuyên tâm làm công đức, tuy nhiên đừng để gã lọt vào tà đạo của lão Ca-diếp kia.

Rồi nàng lại tiếp tục phô bày tội chướng của việc gây ác nghiệp cùng thiện quả của việc thân cận bạn lành:

5. Khi vua quý trọng một thân bằng,
Dù đức hạnh hay kẻ ác gian,
Chuyên tạo ác hành hay thiện nghiệp,
Vua đều chịu ảnh hưởng quyền năng.

6-7. Bạn nào, vua muốn chọn cho mình,
Như bạn ấy, vua sẽ trở thành,
Uy lực này do tình mật thiết;
Kẻ luôn thân cận, bạn đồng hành,
Thường gây ảnh hưởng lên bằng hữu,
Như mũi tên đầu độc đáng kinh,
Làm bẩn vỏ bao trong sạch ấy,
Trí nhân, ác hữu chớ giao tình.

8. Nếu người buộc xác cá hôi ươn,
Với dãi Ku-sa, cỏ cát tường,
Cỏ sẽ có mùi hôi thúi ấy,
Cũng vậy, kết giao kẻ dại cuồng.

9. Nhưng nếu người ta buộc cỏ hương,
Vào trong một ngọn lá thông thường,
Lá thơm mùi nhẹ nhàng êm dịu,
Cũng vậy, kết giao bậc trí nhân.

10. Do biết nghiệp ta sẽ thực thành,
Như là giỏ trái chín muồi nhanh,
Trí nhân chẳng bước theo người ác,
Nhưng chỉ bước theo bậc thiện hành.
Kẻ ác đưa ta vào địa ngục,
Người hiền đem bạn đến thiên đình.

Sau khi thuyết pháp trong sáu bài kệ ấy xong, công chúa bày tỏ nỗi khổ đau mà nàng phải chịu đựng trong các tiền thân xa xưa:

- Tiện nữ cũng nhớ lại bảy đời trước mà tiện nữ đã trải qua và khi hết đời này tiện nữ lại sẽ trải qua bảy đời khác nữa. Trong đời thứ bảy, trước kia, tâu phụ vương, tiện nữ là con trai của một thợ rèn trong thành Rājagaha (Vương Xá) ở xứ Magadha (Ma-kiệt-đà). Tiện nữ đã kết giao với bạn ác và đã gây nhiều ác nghiệp. Chúng con cứ mải mê rong chơi, lôi cuốn vợ người khác vào đường tội lỗi như thể chúng con được trường sanh bất tử vậy.

Những hành nghiệp ấy cứ âm ỉ như lửa được vùi tro. Nhờ những nghiệp quả tốt khác, con đầu thai vào xứ Vamsa trong gia đình một phú thương ở Kosambi, rất thế lực và giàu có, phát đạt: Con lại là con trai duy nhất của gia đình, được cưng chiều quý trọng vô cùng.

Lúc ấy con kết bạn với một người chuyên làm thiện pháp. Con hành trì trai giới suốt các ngày mười bốn và rằm và các hành nghiệp ấy được tồn trữ lại như một kho tàng dưới nước. Nhưng những nghiệp quả ác mà con đã tạo ở xứ Ma-kiệt-đà rốt cuộc lại đến với con như một thứ thuốc độc khốc liệt. Tâu phụ vương, từ đó con phải trải qua một thời gian dài ở địa ngục Roruva, con phải chịu đựng các nghiệp quả ác ấy, ngày nay nhớ lại con còn thấy thật đau khổ. Sau khi chịu khổ sở tại đó không biết bao nhiêu năm trường, con đã hóa sinh thành con dê bị thiến ở thành Bhennàkata. Con phải chuyên chở các thanh niên nhà giàu trên lưng hoặc kéo xe, đó là nghiệp quả của việc con đã quyến rủ vợ người.

Sau đó con đầu thai vào bụng một con khỉ rừng, ngày con sinh ra đời, họ đem con đến cho người chăn thú, người này bảo: Mang con trai ta đến đây. Rồi gã cắn mạnh hạ căn của con cho đứt lìa dù con kêu thét lên.

Nàng diễn tả sự việc này qua vần kệ sau:

11. Khi hết đời kia con được sinh,
Đầu thai làm khỉ chốn rừng xanh,
Hạ căn đứt bởi người gian ác,
Hậu quả do săn đuổi bạn tình.

Kế đó nàng thuật tiếp các tiền thân khác:

- Tâu phụ vương, sau đó con đã đầu thai làm con bò đực ở xứ dân Dasannas, lại bị hoạn nhưng cũng nhanh nhẹn và xinh đẹp, con kéo xe một thời gian thật lâu, đó là nghiệp quả của việc săn đuổi theo vợ người của con trước kia. Khi mạng chung, con đầu thai vào một gia đình xứ Vajjī (Bạt-kỳ, ở phía bắc sông Hằng, đối diện xứ Ma-kiệt-đà), song con lại bán nam bán nữ vì thật khó đầu thai làm nam nhân, đó là nghiệp quả của việc con theo đuổi vợ người. Tâu phụ vương, sau đó con đã sinh vào rừng Nandana làm một tiên nữ rất xinh đẹp ở cõi Tam thập tam thiên (trời ba mươi ba) xiêm y rực rỡ muôn màu, mang nữ trang ngọc vàng, vòng hoa tay bằng châu báu đủ loại thiện xảo múa ca nên được làm thị nữ ở cung Đế-Thích. Khi con ở đó, con đã nhớ lại các đời trước và luôn cả bảy đời tương lai mà con sẽ trải qua, sau khi từ giã thiên giới.

Các thiện pháp mà con tạo được ở Kosambì đã đến hồi kết quả, nên khi con hết đời này con sẽ được sinh cùng với chư Thiên hoặc loài người. Tâu phụ vương, trong bảy đời liền, con sẽ được cung kính phụng thờ, nhưng con sẽ không được thoát thân nữ nhân cho đến hết đời thứ sáu. Tâu phụ vương, như vậy trong đời thứ bảy, con sẽ là một Đại nam tử của chư thiên, sau cùng con sẽ được sinh làm một thiên tử với thân tướng nam nhi. Hiện nay, chư Thiên đang kết tràng hoa hái từ cây hoa trời ở vườn Thiên lạc Nandana và có một vị Thiên tử tên gọi Java, hiện đang kết tràng hoa cho con. Mười sáu năm con sống ở đời thế gian này chỉ là một khoảnh khắc của thiên giới. Một trăm mùa thu ở hạ giới chỉ bằng một ngày một đêm ở trên trời. Như vậy các hành nghiệp của ta cứ theo ta hoài qua vô số đời sống và mang theo thiện quả hay ác quả, không sót một nghiệp nào.

Rồi kế đó nàng tuyên Pháp tối thượng:

- Kẻ nào muốn thăng hoa đời đời kiếp kiếp, xin hãy tránh xa vợ người như người có đôi bàn chân rửa sạch phải tránh xa vũng bùn. Kẻ nào muốn lên cõi trên đời đời kiếp kiếp, xin hãy tôn thờ đức Thế Tôn như chư Thiên phụng thờ Thiên chủ Indra. Kẻ nào muốn hưởng thiên lạc, hưởng cuộc sống nơi thiên giới với đầy đủ vinh quang hạnh phúc, xin hãy tránh xa tội ác và hành trì Tam Pháp:

- Phải hộ phòng và minh triết trong thân, khẩu, ý, tu tập thiện pháp tối cao, dù là nam nhân hay nữ nhân cũng vậy.

- Kẻ nào được vinh quang trong đời này và được hưởng đủ mọi dục lạc, chắc chắn kẻ ấy đã sống cuộc đời đạo hạnh ở kiếp trước; mọi chúng sanh đều phải đi theo nghiệp thiện ác của mình. Tâu phụ vương, phụ vương có bao giờ suy nghĩ hạnh nghiệp gì đã khiến phụ vương thọ hưởng đám cung phi đẹp như tiên trên trời lại trang sức xiêm y ngọc vàng rực rỡ thế kia chăng?

Nàng khuyên bảo vua cha như vậy.

*

Bậc Đạo Sư giải thích sự việc như sau:

Công chúa Rujā đã làm đẹp lòng vua cha như thế, nàng tuyên thuyết chánh đạo cho kẻ mê mờ ấy và thành tâm giảng pháp lành cho vua cha.

Sau khi đã giảng Pháp cho vua cha nghe suốt đêm đến rạng ngày hôm sau, nàng bảo:

- Tâu phụ vương, xin đừng nghe lời kẻ tà thuyết lõa thể kia, mà hãy theo lời bạn lành như con đây đang tâu với phụ vương rằng có đời này và đời sau, có nghiệp quả thiện, ác. Xin phụ vương đừng lạc vào tà đạo.

Tuy nhiên nàng vẫn chưa đủ khả năng giải thoát vua cha khỏi tà thuyết của ngài: Ngài chỉ đẹp ý khi nghe những lời lẽ êm dịu của con, vì các bậc cha mẹ tự nhiên yêu thích lời lẽ con cái họ, nhưng họ lại không chịu từ bỏ những ý kiến riêng của mình.

Thế là trong kinh thành vang lên lời đồn đãi: Công chúa Rujā đang cố đánh tan các tà kiến bằng cách giảng Chánh pháp. Và dân chúng rất hoan hỷ: Công chúa hiền đức sẽ giải thoát vua cha khỏi tà thuyết và sẽ đem lại phồn vinh cho dân chúng.

Tuy nhiên dù công chúa chưa đủ khả năng làm vua cha tỉnh ngộ, nàng vẫn không ngã lòng thoái chí, mà nàng vẫn quyết tâm tìm phương tiện đem lại chân hạnh phúc cho vua cha. Nàng chắp tay lên đỉnh đầu lễ bái khắp mười phương, nàng nguyện cầu:

- Trong thế gian này có vị Sa-môn và Bà-la-môn chân chính phủ hộ người đời, có chư thiên ngự trị khắp nơi, lại có các vị Đại Phạm Thiên, kính xin các vị đến giúp cho vua cha của tiện nữ từ bỏ tà kiến hoặc nếu quý vị không có đủ tự lực, xin quý vị đến đây theo uy lực và công đức của tiện nữ để xua tan tà thuyết này và đem lại hạnh phúc cho toàn thể thế gian.

- Lúc bấy giờ vị Đại Phạm Thiên của thuở đó là Bồ-tát tên gọi Nārada và các vị Bồ tát vì từ bi, lân mẫn và vì quyền uy tối thượng của các ngài, thỉnh thoảng vẫn phóng nhãn quang nhìn các kẻ thiện người ác trên thế gian. Ngày hôm ấy ngài nhìn xuống thế gian thấy công chúa đang cầu nguyện chư Thiên ngự trị khắp nơi đến giải thoát vua cha khỏi tà thuyết, ngài nghĩ thầm: “Trừ ta ra không ai có thể xua tan tà thuyết được, ta phải đến ngay hôm nay tỏ lòng từ ái với công chúa và mang lại hạnh phúc cho vua cha cùng dân chúng. Ta sẽ khoác bộ áo nào đây? Các ẩn sĩ tu hành thường được người đời yêu kính, lời lẽ của các vị ấy thường được xem là đáng tín thọ, vậy ta sẽ khoác áo ẩn sĩ”.

Thế là ngài hóa ra hình tướng thế nhân rất khả ái, với làn da như vàng ròng, mái tóc bện lại được ghim bằng cây kim vàng, sau khi mặc chiếc áo được kết bằng nhiều tấm, màu vỏ dà, từ bên ngoài vào trong, ngài lại khoác lên vai tấm da nai đen làm bằng bạc lấm tấm điểm sao vàng ánh, tay cầm bình bát khất thực bằng vàng đeo lủng lẳng bằng một chuỗi ngọc, trên vai ngài đặt chiếc đòn gánh bằng vàng có ba mấu, cầm bình nước bằng san hô buộc bằng chuỗi ngọc trai. Với bộ trang phục ấy, ngài liền phi thân qua bầu trời chẳng khác nào vầng trăng sáng rực giữa không gian, rồi bước vào thượng lầu của cung Canda, đứng sừng sững trước mặt vua.

*

Bậc Đạo Sư giải thích việc này như sau:

Lúc ấy Nārada từ cõi Phạm thiên xuống hạ giới, khi quan sát cõi Jambudīpa (Diêm-phù-đề: Ấn Độ), ngài nhìn thấy vua Angati. Rồi ngài đến trước cung vua, nàng Rujā vừa trông thấy ngài, vội đảnh lễ bậc hiền trí từ thiên giới giáng trần.

Vua choáng váng trước vẻ huy hoàng của vị Phạm thiên, nên không thể ngồi yên trên ngai vàng mà vội bước xuống đất, hỏi lý do ngài giáng lâm cùng danh hiệu gia tộc của ngài.

*

Bậc Đạo Sư giải thích sự việc như sau:

Lúc ấy vua hoang mang trong trí, vội bước xuống ngai vàng, nói với Tôn giả Narada những lời hỏi thăm:

12. Ngài đến từ đâu, dáng thánh thần,
Như vầng trăng chiếu sáng đêm trường,
Nói cho ta biết tên, gia tộc,
Người gọi là gì giữa thế nhân?

Nārada nghĩ thầm: “Vị vua này không tin tưởng có đời sau, vậy ta phải nói cho vua biết về đời sau”.

Rồi ngài ngâm kệ:

13. Ta đến đây từ hội chúng Thiên,
Như vầng trăng chiếu sáng đêm đen,
Ta nêu danh tánh cùng gia tộc:
Ca-diếp, Nà-ra-da, họ tên.

Vua nghĩ thầm: “Lát nữa ta sẽ hỏi ngài về đời sau, bây giờ ta hãy hỏi ngài về mục đích việc giáng trần vi diệu này”.

14. Cách ngài đi đứng diệu kỳ thay,
Ta hỏi ngài: Đâu ý nghĩa đây,
Vì lý do gì ngài thị hiện,
Nà-ra-da hỡi, thần thông này?

Bậc trí Nārada đáp:

15. Chân thật, công bằng, chế ngự mình,
Rộng lòng bố thí đã lừng danh,
Nhờ công đức thực hành tinh tấn,
Như ý nguyện mình, ta lướt nhanh.

Ngay cả lúc ngài nói như vậy, vua cũng không thể tin vào đời sau bởi vì tà thuyết đã đâm sâu cội rễ vào trí ngài, ngài liền hỏi:

- Có phần thưởng nào dành cho các thiện pháp chăng?

Rồi vua ngâm kệ:

16. Ngài đã nói điều kỳ diệu thay,
Khi nêu công lực thiện hành vầy;
Nếu điều này đúng như ngài nói,
Xin trả lời cho trẫm thẳng ngay.

Nārada đáp:

17. Đây việc của ngài, hỡi Đại vương,
Hỏi ta điều cảm thấy nghi nan,
Hiển nhiên ta đáp cho ngài rõ,
Nhờ lý luận, bằng chứng rõ ràng.

Vua liền hỏi:

18. Nà-ra-da, trẫm hỏi điều này,
Đừng trả lời sai câu hỏi đây:
Thật có chư Thiên hay tổ phụ,
Đời sau như bọn chúng đồn vầy?

Nārada đáp:

19. Thật có Thiên thần với tổ tiên,
Đời sau, như chúng vẫn nêu lên,
Nhưng người tham dục và mê đắm,
Không biết đời sau bởi đảo điên.

Khi nghe điều này, vua cười to và ngâm kệ:

20. Nà-ra-da, nếu đã tin rằng:
Có cõi cho người chết trú thân,
Đưa trẫm năm trăm đồng bạc gấp,
Đời sau trẫm sẽ trả ngàn đồng !

Thế rồi bậc Đại Sĩ đáp lời, khiển trách vua ngay giữa hội chúng:

21. Ta đưa ngài đủ số năm trăm,
Nếu biết ngài hiền đức, rộng lòng,
Nhưng nếu ngài là người độc ác,
Đọa vào trong địa ngục đày thân,
Còn ai đòi được ngài đem trả,
Đời kế, ngàn đồng ấy được không?

22. Khi một người thù ghét thiện lương,
Chỉ yêu tội lỗi lại hung tàn,
Trí nhân chẳng muốn cho vay mượn,
Kẻ nợ ấy không thể đáo hoàn.

23. Khi người ta biết kẻ tài năng,
Đức hạnh, tinh chuyên, lại rộng lòng,
Họ sẽ mời người kia mượn của,
Bằng nhiều lợi lạc họ đem dâng;
Khi người kia đã làm xong việc,
Người sẽ bồi hoàn nợ đã mang.

Vua bị quở trách như vậy vẫn chưa chuẩn bị sẵn câu trả lời nào cả.

Hội chúng rất hoan hỷ reo to:

- Tâu công chúa, công chúa có thần lực vi diệu thay, công chúa sẽ giải thoát Đại vương khỏi tà thuyết ngay hôm nay.

Và cả kinh thành chấn động lên. Rồi nhờ thần lực của bậc Đại Sĩ, không một ai ở trong phạm vi bảy dặm đường quanh thành Mithilā không được nghe ngài thuyết Pháp. Lúc ấy bậc Đại Sĩ suy nghĩ: “Nhà vua đã quá chấp thủ tà thuyết, ta sẽ làm cho vua hiểu nỗi kinh hoàng của địa ngục mà bỏ tà thuyết đi, sau đó ta sẽ trấn an vua bằng cõi chư Thiên”. Rồi ngài bảo vua:

- Tâu Đại vương, nếu Đại vương không bỏ tà thuyết ấy đi, Đại vương sẽ bị đọa vào địa ngục chịu thống khổ không ngừng.

Và ngài bắt đầu kể đến các loại địa ngục khác nhau:

24. Đại vương, khi giã biệt đời này,
Ngài sẽ thấy diều quạ cả bầy,
Vồ xé xác ngài trong địa ngục,
Và kên kên nữa máu me đầy,
Còn ai bắt được ngài đời kế,
Đem trả ngàn đồng ấy đã vay?

Sau khi tả địa ngục diều quạ xong, ngài nói tiếp:

Nếu Đại vương không đọa vào đó, Đại vương phải ở trong địa ngục nằm giữa ba cõi (Avīci: vô gián địa ngục).

Rồi ngài ngâm kệ miêu tả địa ngục ấy:

25. Ở đó tối tăm thật mịt mùng,
Và không vầng nhật hoặc vầng trăng,
Ngục này hỗn độn và kinh khủng,
Chẳng biết ngày đêm, chẳng tháng năm,
Còn kẻ nào mong đòi món nợ,
Ở nơi như vậy nữa hay chăng?

Sau khi tả địa ngục ở giữa ba cõi ấy thật đầy đủ chi tiết, ngài bảo:

- Tâu Đại vương, nếu Đại vương không chịu bỏ tà thuyết ấy, không những Đại ương chịu khổ hình này mà còn nhiều khổ hình khác nữa.

Rồi ngài ngâm kệ:

26. Con chó Sa-ba dáng khổng lồ,
Cùng Sà-ma lực lưỡng nhào vô,
Dùng răng cắn xé người tan xác,
Kẻ đọa từ đây đến ngục tù.

Các địa ngục kể tiếp cũng có cùng một quy luật như vậy; vì thế các địa ngục này và các cai ngục được ngài mô tả qua các bài kệ thật súc tích những ngôn từ tượng hình như trong các đoạn trên:

27. Vậy khi ở ngục bị tan thân,
Vì thú dữ hành hạ bạo hung,
Thân xác tả tơi, dòng máu chảy,
Còn ai đòi trả nợ ngàn đồng?

28. Với cung tên, nhọn hoắc giáo gươm,
Quỷ sứ Kà-lù tựa địch nhân,
Đâm chém trọng thương người phải đọa,
Trước kia phạm tội ở nhân gian.

29. Trong khi kẻ ấy chạy lang thang,
Trong ngục, bị đâm ở bụng, sườn,
Gan ruột nát tan dòng máu chảy,
Ai mong đòi nó một ngàn đồng?

30. Trời mưa xuống các loại tên, đao,
Các khí cụ hành tội: cọc, lao,
Đám lửa rơi như than cháy bỏng,
Trời mưa đá tảng trút ào ào.

31. Luồng gió nóng ran thật hãi hùng,
Thổi vào trong ngục tối không cùng.
Không vì vui thú dù giây lát,
Nó chạy quanh, không chốn trú thân.
Còn ai muốn bắt người kia trả,
Đời kế ngàn đồng ấy được không?

32. Bị buộc vào xe, vội chạy nhanh,
Trên nền đất rực lửa hoành hành,
Biết bao gậy ngắn, dài kiềm thúc,
Ai muốn đòi ngàn bạc cho đành?

33. Khi trèo leo lên ngọn núi kinh hoàng,
Lởm chởm lưỡi dao, xé nát thân,
Máu chảy đầm đìa, ai sẽ muốn,
Đời sau đòi nó một ngàn chăng?

34. Khi nó trèo lên một đống than,
Đỏ hừng như núi lửa kinh hoàng,
Toàn thân cháy, thét gào, đau khổ,
Ai muốn đòi ngàn bạc ấy chăng?

35. Lớp gai dày đặc tựa tầng mây,
Có cọc nhọn đâm hút máu ngay,
Những bọn đuổi săn vợ kẻ khác,
Phải trèo lên đó, bị từng bầy,
Quỷ Diêm- la chúa luôn xua đuổi
Mang các giáo dài ở dưới tay.

36. Khi nó trèo lên cây vải bông,
Toàn thân đầy máu chảy ròng ròng,
Tả tơi thống khổ luôn xâu xé,
Hổn hển thở than thật nực nồng,
Để đền tội ác xưa như vậy;
Ai muốn đòi tiền nợ cũ không?

37. Có những rừng cao tựa đám mây,
Lá rừng là kiếm sắt tràn đầy,
Thiết đao uống máu người đày đọa;
Khi nó trèo lên đám lá cây,
Thân nó bị cưa bằng kiếm sắt,
Nát tan, máu chảy hãi hùng thay!
Ai mong đòi nó trong đời kế,
Trả nợ ngàn đồng nó đã vay?

38. Khi nó thoát ra khỏi ngục này,
Phủ đầy lá sắt giữa rừng cây,
Liền rơi vào giữa dòng sông nọ,
Ai muốn đòi tiền nợ cũ đây?

39. Dòng sông chảy xiết Ve-ta-ran,
Khốc liệt, nước sôi sục ngập tràn,
Bao phủ lá, hoa sen bén nhọn,
Trong khi nó bị đuổi trên sông,
Máu me bao phủ, tay chân đứt,
Dòng nước Ve-ta-ran hãi hùng,
Chẳng có một nơi nào trú ẩn,
Ai mong đòi nợ nó hay không?

Vua muốn tìm nơi an trú, liền nói với ngài:

- Thưa bậc Trí giả, trẫm run sợ như cây đang bị đốn ngã, tâm trí hoang mang bối rối, trẫm không biết hướng về đâu, trẫm đang bị dày vò khủng khiếp, nỗi kinh hoàng của trẫm thật gớm ghê khi trẫm nghe ngài ngâm các bài kệ trên đây. Như một vật đang cháy được ném vào nước, như một hòn đảo giữa đại dương đầy bão tố, như một ngọn đèn trong đêm tối, ngài chính là nơi an trú của trẫm vậy. Xin bậc trí giả hãy dạy cho trẫm thánh kinh, cùng thâm nghĩa của nó. Quá khứ của trẫm thật là đầy tội lỗi, xin bậc Đại Trí giả Nārada chỉ dạy cho trẫm con đường rửa sạch tội lỗi để cho trẫm khỏi đọa vào địa ngục.

Sau đó bậc Đại Sĩ dạy vua con đường rửa sạch tội lỗi bằng cách nêu gương các bậc tiên vương đã hành trì chánh đạo:

- Các vị vua Dhatarattha, Vessāmitta, Atthaka, Yamataggi và Usinnara cùng vua Sivi và nhiều vị khác, nhờ chuyên tâm cúng dường các Sa-môn và Bà-la-môn nên đã được lên thiên giới của Sakka thiên chủ. Vậy Đại vương cũng phải tránh tà hạnh và theo chánh hạnh. Hãy cho người mang thực phẩm trên tay rao lên trong cung Đại vương: “Ai đang đói khát đây? Ai đang cần vòng hoa và dầu thơm? Kẻ nào lõa thể mong muốn mặc xiêm y trang hoàng đầy châu báu? Kẻ nào có muốn lọng che để đi đường và giầy thanh lịch êm chân? Đại vương hãy cho người rao như vậy khắp kinh thành từ sáng đến tối. Đừng bắt người già hay trâu già, ngựa già phải làm việc nặng nhọc. Đối với các hạng ấy, phải quý trọng đúng mức vì khi họ còn khỏe mạnh, họ đã hoàn thành sứ mạng được giao phó.

Như vậy bậc Đại Sĩ, sau khi thuyết giảng cho vua về bố thí rộng lượng và đức hạnh, thấy rằng vua sẽ hoan hỷ khi được ví với một cỗ xe, nên ngài tiếp tục thuyết Pháp cho vua qua hình ảnh một cỗ xe như ý (ban mọi điều ước):

- Thân của Đại vương được ví như một cỗ xe, đoạn trừ mọi ác tâm chính là trục xe, có lòng bố thí đại lượng là cái trần xe, bước đi thận trọng là sườn xe, hộ trì dục tâm là chính danh bánh xe, hộ trì khẩu căn chính là giữ cho bánh xe khỏi kêu cọc cạch.

Mọi bộ phận đều được giữ gìn hoàn hảo nhờ khẩu hành chân thật, gắn liền tốt đẹp với sự từ bỏ nói hai lưỡi, cái sườn xe êm ái với lời nói thân hữu kết hợp hài hòa với ngôn ngữ cân nhắc thật kỹ lưỡng; xây dựng vững chắc bằng lòng tịnh tín và đoạn trừ tâm tham, với lòng cung kính đảnh lễ đầy khiêm tốn chính là gọng xe, với càng xe nhẹ nhàng, nhu thuận, với dây cương tự điều phục thân tâm theo Ngũ giới, cùng với chìa khóa đoạn trừ sân tâm, chiếc gọng xe trắng của lòng công chính, xe được lái đi nhờ sự thông suốt bốn mùa khác nhau, với ba chiếc gậy bảo vệ lòng tịnh tín bất động, lời nói khiêm tốn chính là chiếc roi da, đoạn trừ hư danh chính là sợi dây cương, với sự hỗ trợ của tâm niệm xả ly (không chấp thủ) đi theo chánh trí và giải thoát mọi trần cấu.

Hãy dùng trí giác làm động cơ thúc đẩy ngài, hành trì nhất tâm để chế ngự mọi luyến ái; tâm tư theo đúng đạo lộ tự điều phục cùng với mọi tuấn mã đã được huấn luyện thuần phục.Dục vọng và tham đắm đều là tà đạo, tự điều phục là chánh đạo. Khi con ngựa chạy theo sắc, thanh, hương, vị, thì trí tuệ phải dùng roi trừng phạt và tâm chính là người lái xe. Nếu ta đồng hành với cỗ xe, nếu trí thanh tịnh và nhất tâm bền vững mãi như thế, ta sẽ đạt mọi nguyện ước, tâu Đại vương, ta không thể nào đọa địa ngục.

Như vậy, tâu Đại vương, ta đã dùng nhiều cách trình bày cùng Đại vương nhiều đạo lộ đưa đến hạnh phúc, an lạc mà ngài đã yêu cầu Nārada nói rõ để khỏi đọa địa ngục ở đời sau.

Sau khi thuyết giảng Chánh Pháp cho vua và phá tan mọi tà kiến cùng an trú vua vào giới hạnh, ngài lại khuyên vua từ nay xa lánh bạn ác, thân cận với bạn lành và cẩn trọng trong mọi bước tiến. Rồi ngài tán thán mọi đức hạnh của công chúa, nói lời khích lệ cả triều đình cùng các cung phi xong, ngài liền bay về Phạm Thiên giới với thần lực vĩ đại siêu phàm.

*

Sau khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Đạo Sư bảo:

- Này các Tỷ-kheo, không những ngày nay, mà từ xưa, Ta đã giáo hóa Uruvela Kassapa và phá tan lưới tà kiến vây chặt vị ấy.

Rồi ngài nhận diện Tiền thân qua các vần kệ cuối cùng:

40. Đề-bà-đạt chính A-là-ta,
Bhad-da-ji chính Su-na-ma,
Vi-ja-ya là Xá-lợi-phất,
Su-na-kha, ẩn sĩ Gu-na,
Ru-jà giáo hóa quân vương ấy,
Chính là thị giả A-nan-dà.

41. Bì-ja-ka chính Mục-kiền-liên,
Ca-diếp, vua theo thuyết hão huyền,
Các ông hiểu Bổn sinh như vậy,
Bồ-tát chính là Đại Phạm thiên.

545. Chuyện Bậc Đại Trí Vô Song (Tiền thân Vidhurapandita)

Yếu gầy, ái hậu lại xanh xao…,

Bậc Đạo Sư kể câu chuyện này khi Ngài trú ở Kỳ Viên (Jetavana), liên quan đến sự Viên mãn của Trí tuệ tối thắng.

Một ngày kia các Tỷ-kheo đưa ra một vấn đề tranh luận tại Chánh pháp Đường, bảo nhau:

- Này các Hiền giả, Bậc Đạo Sư đã đạt đại trí, quảng trí, Ngài thật tinh thông, ứng đối mau lẹ, nhạy bén, lý giải sắc xảo và có khả năng đánh đổ mọi biện luận của các đối thủ của Ngài, nhờ uy lực Thắng trí của Ngài, Ngài đã phá tan những vấn đề nan giải do các vị hiền trí Sát-đế-ly đưa ra và khiến họ phải yên lặng chấp nhận. Sau khi an trú họ vào Tam quy và Ngũ giới, Ngài dạy họ con đường đưa Niết-bàn bất tử.

Bậc Đạo Sư đi vào, hỏi các Tỷ-kheo đang ngồi bàn luận đề tài gì và khi nghe vậy, Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, Như Lai sau khi đạt Trí tuệ Viên mãn, đã phá tan mọi lý luận của các đối thủ và giáo hóa các vị vua Sát- đế- ly cùng nhiều vị khác, việc chẳng phải kỳ diệu gì. Vì từ ngàn xưa khi Ta còn đang tầm cầu Trí tuệ Tối thượng, Ta đã đầy đủ trí tuệ để phá kiến các đối thủ. Hơn thế nữa, chính vào thời Vidhurakumàra, trên đỉnh Hắc Sơn, cao chừng sáu mươi dặm, nhờ uy lực Thắng trí của Ta, Ta đã hàng phục Đại tướng Dạ-xoa Punnaka, khiến y phải chịu im lặng và đem sinh mạng cúng dường.

Nói xong Ngài kể một câu chuyện quá khứ.

*

I. Trai giới bốn pháp

Ngày xưa tại quốc độ Kuru (Câu-lâu) thành Indapatta có vi quốc vương cai trị với danh hiệu Dhanañjaya-Korabba. Ngài có vị Đại thần tên gọi Vidhurapandita (Trí giả Vô song) cố vấn cho Ngài trong các thế sự cũng như thánh sự. Nhờ lời lẽ êm ái và biện tài siêu việt lúc thuyết Pháp, ông lôi cuốn mọi quốc vương ở cõi Jambudīpa (Diêm-phù-đề: Ấn độ) bằng những Pháp thoại du dương như các con voi say mê đàn sáo êm dịu, ông cũng không để cho các quốc vương trở về nước mình mà ở lại trong kinh thành đại vinh quang ấy và thuyết Pháp cho dân chúng với thần lực của một vị Phật.

Lúc bấy giờ có bốn gia chủ Bà-la-môn giàu sang tại Ba-la-nại, vốn là thân hữu, đã thấy được cảnh khổ của mọi dục vọng, nên bỏ vào vùng Tuyết Sơn sống đời ẩn sĩ khổ hạnh.

Sau khi đã đạt được các Thắng trí và các Thiền chứng, các vị ấy cũng vẫn tiếp tục tu hành tại đó, hằng ngày sống bằng các thứ củ, quả rừng. Hôm đó các vị ấy du hành để khất thực muối và các thứ gia vị, cũng đến thành Kàlacampa thuộc quốc độ Anga. Rồi bốn gia chủ vốn là thân hữu với nhau, rất hoan hỷ trước oai nghi của các vị này, họ cung kính đảnh lễ xong cầm lấy cái bình bát cúng dường các món ăn tuyệt hảo, mỗi gia chủ đều mời các vị về nhà mình, tự nguyện sắp đặt nơi an trú cho các vị trong hoa viên.

Thế là bốn vị ẩn sĩ, sau khi thọ thực trong nhà bốn vị gia chủ, liền du hành suốt ngày hôm ấy, một vị lên cõi trời Ba mươi ba, một vị khác lên cõi Long vương (Nāga), một vị khác lên cõi Kim sí điểu vương (Supanna)và vị thứ tư đến ngự viên Migācira thuộc quyền của vua Koravya.

Lúc bấy giờ, vị được hưởng một ngày ở Thiên giới, sau khi chiêm ngưỡng cảnh huy hoàng của Thiên chủ Đế-Thích (Sakka), miêu tả thật đầy đủ chi tiết cho thí chủ mình nghe. Vị lên cõi Long vương và Kim sí điểu vương Supanna cũng vậy, rồi vị đến ngự viên của vua Koravya Dhanañijaya cũng lần lượt miêu tả cảnh huy hoàng của mỗi cung vua đã chứng kiến. Vì vậy cả bốn thí chủ đều nguyện cầu được cộng trú với chư Thiên, nên sau khi thực hành bố thí cùng nhiều công đức khác, đến lúc mạng chung, một vị sinh làm Thiên chủ Đế Thích; một vị khác cùng với vợ con sinh vào cõi Long vương; một vị nữa sinh làm Kim sí điểu Supanna trong cung điện dưới hồ Simbali; còn vị thứ tư được nhập mẫu thai chánh hậu của vua Dhanañjaya, trong lúc ấy bốn vị ẩn sĩ được sinh lên Phạm Thiên giới.

Vương tử Koravya lớn khôn, đến khi vua cha từ trần, lên ngôi trị vì rất đúng pháp, nhưng ngài còn lừng danh vì tài nghệ đánh súc sắc. Ngài nghe lời khuyến giáo của Trí giả Vidhura chuyên tâm bố thí, giữ gìn giới hạnh và hành trì trai giới.

Một ngày kia, sau khi hành trì trai giới xong, ngài vào ngự viên, nhất tâm tu tập thiền định, tĩnh tọa ở một nơi an tịnh, ngài thực hành giới hạnh của một vị xuất gia.

Đế Thích (Sakka) cũng vậy, sau khi hành trì trai giới, nhận thấy thiên giới có nhiều trở ngại cho việc tu tập, liền đi xuống hoa viên ấy ở cõi nhân gian, tĩnh tọa ở một nơi an tịnh và hành trì Sa-môn hạnh.

Long vương Varuna cũng thế, sau khi hành trì trai giới, nhận thấy cõi Long vương có nhiều trở ngại cho việc tu tập, nên cũng lại vào hoa viên ấy, ngồi tĩnh tọa ở một nơi an tịnh thực hành Sa-môn hạnh.

Điểu vương Supanna cũng vậy, sau khi hành trì trai giới, nhận thấy rằng cõi Điểu vương có nhiều trở ngại cho việc tu tập, nên ngài đi vào ngự viên ấy, tĩnh tọa ở một nơi êm mát, thực hành Sa-môn hạnh.

Lúc bấy giờ, cả bốn vị ẩn sĩ vào buổi xế chiều, sau khi đứng dậy từ chỗ độc cư thiền định đến bên hồ nước của hoàng gia, nhìn nhau, tâm đầy tình cố tri thân ái, cùng ngồi xuống chào hỏi rất niềm nở.

Thiên chủ Sakka ngồi trên vương tọa, còn ba vị kia ngồi theo danh vị của mình. Lúc ấy Sakka Thiên chủ liền hỏi:

- Chúng ta đây đều là bốn vị đế vương, vậy công đức đặc biệt nhất của mỗi vị là gì?

Long vương Varulna đáp lời:

- Đức hạnh của Ta cao trọng hơn các Tôn giả.

Khi ba vị kia hỏi lý do, ngài đáp:

- Điểu vương Supanna này là cừu thù của ta, dù khi ta chưa ra đời hay ra đời rồi cũng vậy, thế mà khi nhìn thấy một kẻ cừu thù tiêu diệt nòi giống của ta như thế, ta không hề có chút sân hận, cho nên đức hạnh của ta là cao hơn cả.

Rồi ngài đọc vần kệ đầu tiên trong Tiền thân Catuposatha (Trai giới bốn phần số 441).

1. Thiện nhân không cảm thấy hờn căm,
Đối với một ai đáng hận sân,
Không để nội tâm sân khởi dậy,
Vị nào dù lúc giận trong lòng,
Cũng không để lộ cho người thấy,
Người gọi đó là thanh tịnh nhân.

Đặc tính của ta là như thế, cho nên đức hạnh của ta vượt trên các Tôn giả.

Điểu vương Supanna nghe vậy, liền đáp:

- Loài rồng Nāga là thức ăn chính của ta, nhưng nay dù thấy thức ăn kề tận miệng, ta cũng đành nhịn đói và quyết không làm ác vì miếng ăn, vậy đức hạnh của ta cao hơn cả.

Và ngài ngâm bài kệ:

2. Người chịu đói, bụng đau rần,
Ẩn sĩ tự điều phục món ăn,
Không phạm ác hành vì thực phẩm,
Vị này, người gọi bậc Sa-môn.

Đến lượt Thiên chủ Sakka nói:

- Ta để lại đằng sau mình mọi vinh quang ở thiên giới, mọi nguồn an lạc dâng tận tay, để xuống nhân gian thực hành công hạnh, vậy đức hạnh của ta cao hơn cả.

Rồi ngài ngâm kệ:

3. Sau khi bỏ mọi thứ vui chơi,
Không nói lời gian dối giữa đời,
Vị ấy ghét xa hoa, nhục dục,
Như vầy người gọi Sa-môn rồi.

Thiên chủ Sakka tự trình bày công đức của mình như vậy. Rồi vua Dhanañjaya bảo:

- Nay ta đã rời triều đình cùng hậu cung với mười sáu ngàn phi tần có đủ tài ca múa, ta hành trì Sa-môn hạnh trong ngự viên này, vậy đức hạnh của ta cao hơn cả.

Rồi ngài ngâm kệ tiếp theo:

4. Bậc toàn trí bỏ hết hoàn toàn,
Mọi sở hữu và mọi dục tham,
Tự chế, kiên tâm, vô ngã chấp,
Vị này người gọi bậc Sa-môn.

Như vậy cả bốn vị đều tự cho đức hạnh của mình là cao quý hơn cả, rồi vua hỏi Dhanañjaya:

- Này Đại vương, có bậc hiền trí nào trong triều có thể giải mối nghi này chăng?

- Này các Đại vương, có chứ, trẫm có bậc Trí giả Vidhura đang giữ một chức vụ tối thượng trong triều, thường xuyên thuyết thế pháp cũng như thánh pháp cho trẫm, vị ấy có thể giải quyết mối nghi này, ta hãy cùng đi đến vị ấy.

Bốn vị vua tức thì đồng ý. Thế là bốn vị đều ra đi khỏi ngự viên, tiến về phía Thánh lễ đường, ban lệnh trang hoàng nơi ấy thật uy nghi, xong hội chúng kính mời Bồ-tát ngồi trên bảo tọa, chào ngài thật thân hữu rồi ngồi qua một bên và nói:

- Thưa bậc Trí giả, một mối nghi vừa khởi lên trong tâm chúng ta, xin ngài giải quyết cho:

5. Xin hỏi đại thần thượng trí minh,
Trong khi đàm đạo, khởi phân tranh,
Nhờ khanh xét, giải nghi nan ấy,
Hội chúng thoát nghi hoặc bởi khanh!

Bậc Đại Sĩ nghe xong liền bảo:

- Tâu các Đại vương, làm sao tiểu thần biết các Đại vương nói đúng hay sai về đức hạnh của các Đại vương, trong khi các ngài ngâm lời kệ qua cuộc tranh luận này?

Rồi ngài ngâm kệ thêm:

6. Bậc trí biết chân tướng việc đời,
Nói năng khôn khéo, đúng theo thời,
Nhưng dù hiền trí, làm sao biết,
Ý nghĩa kệ chưa nói với tôi?
Vương tử Vi-na, Kim sí điểu,
Long vương ấy nói thế nào rồi?
Thác- bà vương, tối cao Hoàng thượng,
Của xứ Câu-lâu, hãy mở lời!

Các vị vua liền ngâm kệ này với ngài:

7. Kham nhẫn, Long vương thuyết giảng xong,
Vương tử Vi-na, Sí điểu vương,
Lại thuyết giảng về lòng tốt đẹp,
Thác-bà vương thuyết đoạn trừ tham,
Câu lâu Chúa thượng ly triền cái,
Để đạt đến công hạnh vẹn toàn.

Sau khi nghe xong, bậc Đại Sĩ đáp kệ này:

8. Tất cả lời này chánh đáng thay,
Không gì sai trái ở nơi này,
Người nào thích hợp lời như thế,
Giống các tăm xe ở trục quay,
Người được gọi Sa-môn chánh hạnh,
Đủ đầy các đức tính trên đây.

Như vậy bậc Đại Sĩ tuyên thuyết đức hạnh của các vị vương đều là một. Khi nghe xong, bốn vị vương đều rất hoan hỷ, liền ngâm kệ tán thán ngài:

9. Khanh là bậc tối thắng, vô song,
Hộ pháp, tinh thông luật, trí nhân,
Khi hiểu vấn đề nhờ trí tuệ,
Với tài khéo cắt mọi nghi nan,
Giống như người thợ ngà voi nọ,
Cắt với lưỡi cưa thật dễ dàng!

Thế là cả bốn vị vua đều rất đẹp ý với lời giải thích vấn đề của ngài. Thiên chủ Sakka thưởng ngài chiếc cẩm y bằng gấm thiên đình, Kim sí điểu vương tặng ngài tràng hoa bằng vàng, Long vương Varuna tặng ngài hạt minh châu và vua Dhanañjaya ban thưởng một ngàn con bò cái v.v... Rồi vua Dhanãnjaya lại ngâm kệ với ngài:

10. Một ngàn bò cái, trẫm truyền ban,
Một thớt voi, bò đực một chàng,
Mười cỗ xe và đàn ngựa quý,
Thêm mười sáu đệ nhất thôn làng,
Bởi vì trẫm thật đầy hoan hỷ,
Cách giải vấn đề của Trí nhân!

Sau đó Sakka Thiên chủ cùng các vị kia cung kính đảnh lễ bậc Đại Sĩ và từ giã ra về cảnh giới của mình. Đến đây kết thúc Phần Trai giới Bốn pháp.

*

II. Ước vọng của chánh hậu Vimalā

Lúc bấy giờ chánh hậu của Long vương là bà Vimalā. Khi thấy ngài không đeo minh châu trên cổ, liền hỏi thăm hạt châu ở đâu. Ngài đáp:

- Trẫm rất hài lòng khi nghe bài thuyết Pháp của bậc Trí giả Vidhura, vị nam tử của Bà-la-môn Canda, nên đã tặng minh châu cho vị ấy, không những chỉ riêng trẫm, mà Thiên chủ Sakka cũng cũng cung kính tặng ngài chiếc thiên y bằng gấm trời, Điểu vương tặng tràng hoa bằng vàng, còn vua Dhanañjaya tặng một ngàn con bò cùng nhiều thứ khác nữa.

- Vậy thì thần thiếp đoán vị ấy là một bậc biện tài về Chánh pháp.

- Này ái hậu, ái hậu đang nói gì vậy? Vị này chẳng khác nào một vị Phật xuất hiện ở cõi Diêm-phù-đề. Hằng trăm vị vua ở khắp cõi Diêm-phù-đề say sưa những lời lẽ êm dịu của vị ấy, không còn muốn trở về triều nữa, chẳng khác nào bầy voi rừng mê mẩn vì tiếng đàn cầm mà chúng yêu thích vậy. Đó là đặc điểm của tài hùng biện của ngài.

Khi bà nghe nói đến kỳ tài của ngài như vậy, bà ước mong nghe ngài thuyết Pháp, bà nghĩ thầm: Nếu ta tâu với đức vua rằng ta muốn nghe vị ấy thuyết Pháp và xin đức vua triệu vị ấy về đây, chắc đức vua sẽ không thuận; chi bằng ta thử giả bệnh và than thở về nỗi ao ước của một nữ bệnh nhân”.

Bà liền ra hiệu cho thị nữ đem bà lên tọa sàng. Khi vua không thấy bà vào dịp ngài đến vấn an bà và hỏi các thị nữ bà ở đâu, chúng tâu rằng bà bị bệnh, ngài liền đến thăm, ngồi bên giường bà, xoa thân thể bà và ngâm kệ:

11. Yếu gầy, ái hậu lại xanh xao,
Dung sắc chẳng như trước chút nào,
Nào hỡi Vi-ma-là, hãy đáp:
Nỗi đau này đến bởi vì sao?

Bà đáp ngài qua vần kệ sau:

12. Có một bệnh riêng của nữ nhân,
Gọi là ước vọng, tấu Long quân,
Thiếp mong đem đến đây không dối,
Tim của Vi-dhu-ra Trí nhân!

Long vương bảo bà:

13. Ái hậu ước trời, trăng, gió mây,
Gặp Hiền nhân ấy khó khăn thay!
Nào ai có đủ tài năng để,
Đem bậc hiền nhân ấy đến đây?

Khi bà nghe nói vậy, liền nói to:

- Nếu không được như ý thần thiếp sẽ chết mất.

Rồi bà quay mặt đi, nghiêng lưng bà ra ngoài, lấy chiếc áo quay mặt lại. Vua trở về tư thất ngồi trên tọa sàng suy nghĩ tìm hiểu vì sao hoàng hậu Vimalā lại muốn có trái tim của Vidhura: “Nàng sẽ chết nếu không ăn được tim vị ấy, vậy làm sao ta lấy được nó cho nàng?”.

Lúc bấy giờ công chúa Irandatī, một long nữ diễm kiều, trang sức đầy ngọc vàng trân bảo, bước vào cung kính đảnh lễ vua cha, rồi đứng qua một bên. Nàng trông thấy vua cha có vẻ lo âu, liền nói:

- Phụ vương có vẻ muộn phiền quá, vì duyên cớ gì?

14. Thân phụ, sao cha dáng rối ren,
Long nhan như một đóa hoa sen,
Bị tay ngắt vụng, sao buồn khổ,
Bậc chiến thắng, xin chớ muộn phiền!

Nghe lời con gái, Long vương đáp:

15. I-ran-da hỡi, mẫu thân con,
Ao ước trái tim bậc Trí nhân,
Diện kiến Vi-dhu-ra thật khó,
Triệu ngài, ai có đủ tài năng?

Rồi ngài lại bảo nàng:

16. Này con, không có một triều thần,
Ðủ sức triệu Vi-dhu Trí nhân,
Con hãy hy sinh vì mẫu hậu,
Ði tìm ra một vị phu quân!

Thế là vua ra lệnh cho nàng lui ra cùng với câu kệ, gợi nên những tư tưởng không phù hợp với một nàng công chúa:

17. “Hãy tìm cho được một phu quân,
Chàng sẽ triệu hồi bậc Trí nhân.”
Công chúa đi ngay đêm tối ấy,
Ðể cho dòng dục vọng tuôn tràn.

Nàng đi hái các hoa trên Tuyết Sơn đủ sắc, hương, vị. Sau khi trang hoàng toàn thể ngọn núi như một viên bảo ngọc, nàng trải tọa sàng bằng hoa trên núi, rồi nhảy múa tưng bừng, nàng trỗi giọng ca một điệu rất êm ái du dương:

18. Càn-thát-bà hay đại lực thần,
Long thần, quái vật hoặc tiên, nhân,
Bậc hiền, tài đủ ban điều ước,
Ai sẽ làm chồng tiện nữ chăng?

Lúc bấy giờ cháu của Ðại vương Vessavana (Tỳ-sa-môn), tên gọi Punnaka, là một đại tướng Yakkha (Dạ-xoa, thần Ðại lực) đang phi thần mã Sindh dài ba dặm, băng qua triền núi đỏ tía của ngọn Hắc Sơn, để đến nơi hội họp của các thần Dạ-xoa, chợt nghe lời ca của nàng, và lời ca của nữ nhân này chàng đã từng nghe trong đời vừa qua xoáy sâu tận thịt da cân não chàng, thấm vào tận xương tủy khiến chàng ngơ ngẩn say mê, liền quay ngựa lại, ngồi trên lưng thần mã, chàng vội an ủi nàng:

- Ôi nương tử, ta xin vì nàng đem trái tim của Vidhura đến đây bằng trí lực của ta, bằng thần lực cũng như bằng tính trầm tĩnh của ta, xin nàng chớ lo ngại việc đó nữa.

Rồi chàng ngâm thêm kệ này:

19. Long nữ có đôi mắt diệu huyền,
Hãy an tâm nhé, hỡi nàng tiên,
Quả nhiên tài trí ta như vậy,
Ta sẽ cùng nàng đẹp mối duyên.

Thế là Irandatī trả lời, nàng suy nghĩ theo kinh nghiệm xa xưa của một lần được cầu hôn trong đời trước của nàng:

- Xin chàng đến đây cùng với thiếp đi yết kiến phụ vương, ngài sẽ giải thích việc này cho chàng rõ.

Rồi điểm trang lộng lẫy với xiêm y rực rỡ, chói lòa, đeo tràng hoa, xức dầu đàn hương xong, nàng nắm tay thần Dạ-xoa đem đến yết kiến vua cha.

Và tướng Punnaka đỡ lấy lưng nàng, cùng đi yết kiến cha nàng là Long vương xin cầu hôn công chúa:

20. Long vương, nghe lấy lời cầu hôn,
Nhận sính lễ cân xứng quý nương,
Thần hỏi I-ran-da ngọc nữ,
Hãy ban công chúa thuộc về thần,
Một trăm voi với trăm con ngựa,
Trăm cỗ xe và la một trăm,
Ngọc quý trăm kho, xin nhận hết,
Ban thần công chúa, tấu Long quân!

Long vương liền phán bảo:

- Hãy đợi ta hỏi ý kiến vương tộc, thân bằng quyến thuộc; làm việc gì mà không hỏi ý kiến kẻ khác sẽ đem lại hối tiếc về sau.

Long vương vào cung, hỏi ý kiến Vương hậu:

- Thần Dạ-xoa Punnaka muốn cầu hôn công chúa Irandatī, vậy ta có nên gả con để đổi lấy vô số của cải ấy không?

Vương hậu Vimalā đáp:

- Không ai chinh phục được công chúa Irandatī bằng ngọc vàng châu báu cả, nếu vị ấy có đủ tài năng đem trái tim của Trí nhân Vidhura đến đây thì sẽ chinh phục được công chúa bằng bảo vật ấy, chứ chúng ta không đòi thêm của cải nào khác.

Thế là Long vương Varuna bước ra khỏi cung, hội ý với Punnaka, và bảo chàng:

- Công chúa Irandatī không thể được chinh phục bằng ngọc vàng châu báu, nếu chàng có đủ tài năng đem lại đây quả tim của Trí nhân Vidhura, chàng sẽ chiếm được công chúa bằng bảo vật đó, chúng ta không đòi thêm của cải gì.

Punnaka đáp lời:

- Có người được kẻ này gọi là hiền nhân thì kẻ khác lại gọi là "ngốc tử”, vì nhân thế có nhiều ý kiến khác nhau về một vấn đề như vậy. Vậy xin Ðại vương cho tiểu thần biết rõ ai là người được Ðại vương gọi là Trí nhân?

Long vương đáp:

- Nếu chàng có nghe danh tiếng Vidhura, đại thần của vua Dhanañjaya, thì hãy đem vị ấy về đây, công chúa Irandatī sẽ là chánh thê của chàng.

Khi nghe Long vương Varuna nói vậy, thần Dạ-xoa nhảy lên reo mừng, tức thì bảo quân hầu cận của chàng:

- Hãy đem tuấn mã đầy đủ yên cương lại đây cho ta. Tai ngựa đeo vàng, móng ngựa đeo ngọc, áo giáp bằng vàng.

Quân hầu vội đem tuấn mã Sindh trang sức đầy đủ như gã đã ra lệnh và Punnaka cưỡi tuấn mã phi nhanh qua bầu trời về đến cung vua Vessavana, kể lại cho ngài nghe chuyến phiêu lưu của chàng và do đó mô tả cảnh giới Long vương.

*

Việc này được diễn tả như sau:

Punnaka lên ngựa, một tuấn mã đủ năng lực mang các Thiên thần, chàng trang sức thật sang trọng, đầy ngọc ngà trân bảo, râu tóc tỉa thật gọn gàng, rồi phi nhanh qua bầu trời.

Lòng chàng đầy ước vọng đắm say, khao khát chiếm được Long nữ Irandatī, chàng tìm đến Ðại vương Vessavana Kuvera, tâu trình:

- Có cung thất Bhogavati được gọi là Kim Ðường, đó là kinh thành của Long vương được xây trong thành trì bằng vàng.

Các tháp canh có hình môi và cổ, với hồng ngọc và bảo châu màu lục nhãn, cung điện xây bằng cẩm thạch đầy đủ vàng ròng, bao phủ bằng ngọc chạm vàng.

Các cây xoài, tilaka, hồng đào, sattapanna, mucalinda, ketaka, piyaka, uddàlaka, saha và sinduvàrita với muôn hoa khoe sắc thắm trên bầu trời.

Các cây hoa champac, Nāgamàlika, bhaginimàlà và táo nặng trĩu lá cành, mang lại vẻ diễm kiều cho cung điện Long vương.

Lại có một cây chà là khổng lồ bằng ngọc quý và hoa vàng không bao giờ tàn, đó là nơi ngự trị Long vương Varuna đầy đủ oai thần và được sinh từ Thiên giới.

Cũng là nơi ngự trị của hoàng hậu Vimalā với hình dáng mềm mại như cây leo bằng vàng, thanh thanh như cây kàlà mới mọc, yêu kiều với bộ ngực như đôi quả nimba.

Da mượt mà tô điểm bằng son tươi thắm tựa hồ cây Kanikàra nở hoa trong bóng mát, như một nữ thần trên thiên giới, như ánh chớp lóe sáng giữa vầng mây. Bà đang say sưa tràn trề niềm ước vọng lạ lùng, bà mong có được quả tim của Vidhura Hiền sĩ. Tiểu điệt xin đem nó lại cho các vị ấy, tâu Ðại vương, rồi họ sẽ gả công chúa Irandatī cho tiểu điệt.

Vì không dám ra đi nếu không được lệnh của Ðại vương Vessavana, nên chàng ngâm các bài kệ trên để đức vua nghe chàng vì ngài đang bận dàn xếp một cuộc tranh chấp về một cung điện giữa hai vị Thiên tử. Punnaka biết rằng lời chàng nói không được vua để ý đến nên chàng lại gần một trong hai vị đang tranh chấp nắm phần thắng lợi trong cuộc. Vua Vessavana sau khi đã quyết định xong, không để ý đến vị Thiên tử bại cuộc mà chỉ bảo vị kia:

- Chàng hãy đi về cung điện mà an trú.

Ngay khi ngài bảo:

- Chàng hãy đi.

Punnaka liền gọi vài vị Thiên tử làm chứng và bảo:

- Các vị xem thấy ta đã được Ðại vương phái đi rồi.

Lập tức chàng ra lệnh đem tuấn mã đến và leo lên yên ngựa khởi hành.

*

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau:

Sau khi Punnaka từ giã Vessavana Kuvera, Ðại đế vinh quang của mọi loài, liền ra lệnh cho cận thần:

- Mang thần mã lại đây đầy đủ yên cương, với tai đeo vòng, mông đeo ngọc, áo giáp bằng vàng dát sáng ngời.

Punnaka leo lên tuấn mã dành cho thiên thần, chàng trang điểm râu tóc thật oai vệ, rồi phi nhanh qua bầu trời.

Trong lúc vân du, chàng nghĩ: “Trí giả Vidhura có đám cận vệ rất đông, nên không dễ gì bắt được ông. Tuy thế, vua Dhanañjaya lại nổi tiếng về tài đánh súc sắc. Ta sẽ đánh thắng vua này qua ván bài rồi bắt lấy Vidhura. Hiện nay có rất nhiều ngọc quý trong kho của ngài, chắc ngài không đánh cuộc bằng giải hèn mọn đâu. Ta sẽ phải đem viên ngọc vô giá, vì vua này không nhận viên ngọc tầm thường đâu. Hiện nay có viên bảo châu vô giá thuộc quyền vua Chuyển luân ở trong núi Vepulla gần thành Vương Xá; ta sẽ đến lấy bảo ngọc ấy và dụ vua chơi bài để thắng ngài”.

Rồi chàng thực hành ý định ngay.

*

Bậc Ðạo Sư kể toàn thể câu chuyện:

Chàng đến thành Vương Xá đầy lạc thú, kinh thành xa xôi của nước Anga, trù phú lương thực, tràn trề thức ăn uống. Chẳng khác gì Masakkaràsa, kinh thành của Thiên chủ Indra, dậy âm thanh của bầy công, hạc, với hoa viên tráng lệ bao quanh, muôn loài chim ca hót giống như Tuyết Sơn bao phủ đầy hoa. Thế là Punnaka trèo lên núi Vepulla với các đỉnh núi đá chồng chất, nơi các quỷ thần cư ngụ, chàng đi tìm bảo ngọc đầy hào quang, và cuối cùng chàng thấy nó nằm giữa lòng núi.

Khi chàng nhìn thấy viên bảo ngọc chiếu hào quang rực rỡ, diễm lệ muôn phần, chẳng khác nào tia chớp sáng lòa không gian, chàng vội vàng chụp lấy viên như ý bảo châu vô giá kia, leo lên thần mã vô song địch, và tướng mạo chàng thật tuấn tú cao sang, chàng phi nhanh qua bầu trời vô tận.

Chàng đến kinh thành Indàpatta, giáng lâm tại triều đình xứ Kuru (Câu-Lâu), dũng tướng Dạ-xoa liền triệu tập một trăm chiến sĩ tại đó:

21. Ai muốn chiếm phần thưởng đế vương?
Ai, ta sẽ thắng cuộc tranh hùng?
Vô song bảo ngọc nào ta đoạt?
Ai sẽ chiếm ưu hạng bảo trân?

Chàng nói lên bốn câu kệ tán thán Ðại vương Koravya như vậy. Vua nghĩ thầm: “Ta chưa từng nghe một vị anh hùng nào mở lời ca ngợi như thế này, vậy vị này là ai đây?” Và ngài liền hỏi chàng qua vần kệ này:

22. Công tử sinh ra quốc độ nào,
Lời này chẳng phải Ko-ra đâu,
Chàng hơn tất cả về hình tướng,
Cho biết quý danh, quyến thuộc mau.

Chàng suy nghĩ : Nhà vua hỏi danh tánh của ta, hiện nay chỉ là tùy tướng phục dịch Punnaka song nếu ta bảo ta là Punnaka, vua sẽ nói: gã kia chỉ là một tùy tướng, tại sao gã dám nói với ta quá bạo gan như vậy? Và vua sẽ khinh thị ta, thôi ta sẽ nói cho ngài nghe danh tánh của ta trong đời sống vừa rồi”. Thế là chàng ngâm kệ:

23. Tiểu sinh tên gọi Kac-cà-na,
Người chẳng gọi tên khác xấu xa,
Thần đến đây tìm trò giải trí,
Thân bằng, quyến thuộc ở An-ga.

Vua liền hỏi:

- Thế Công tử định trao ta vật gì nếu Công tử bại cuộc? Công tử đã có những gì nào?

Rồi vua ngâm kệ:

24. Ngọc gì Công tử có trong tay,
Mà kẻ thắng mong được có ngay?
Một vị vua nhiều châu ngọc quý,
Chàng nghèo sao dám thách như vầy?

Punnaka đáp:

25. Ðây ngọc làm say đắm cõi lòng,
Huy hoàng bảo ngọc tạo vinh quang;
Người nào thắng chiếm vô song mã,
Mọi địch thủ, thần mã phá tan.

Khi vua nghe chàng nói, liền đáp:

26. Một viên ngọc ích lợi gì chăng?
Một tuấn mã sao lập chiến công?
Vua chúa có nhiều viên ngọc quý,
Và nhiều tuấn mã tốc như phong!

*

III. Ðặc Tính Của Bảo Châu Như Ý

Khi nghe lời vua phán, chàng thưa trình:

- Tâu Ðại vương, tại sao Ðại vương lại nói vậy? Chỉ có một thần mã và cũng có cả ngàn cả vạn tuấn mã khác; chỉ có một bảo châu và cũng có cả ngàn bảo châu khác; nhưng mọi tuấn mã hiệp lực lại cũng không sánh được với thần mã này, xin Ðại vương xem sức phi nhanh của nó đây.

Nói xong, chàng lên ngựa phi trên đỉnh trường thành và bức trường thành bảy dặm này tựa hồ được vây quanh bởi bầy ngựa kề cổ nhau trùng trùng điệp điệp, rồi chẳng bao lâu chẳng còn phân biệt được đâu là ngựa, đâu là thần Dạ-xoa nữa, mà chỉ còn thấy dải lụa hồng trên lưng chàng như thể phủ khắp trường thành.

Rồi chàng xuống ngựa, tâu vua rằng bây giờ vua đã chứng kiến sức phi nhanh của thần mã, chàng lại xin vua chứng kiến một chuyện kỳ lạ khác: chàng bảo thần mã phi nhanh trong hoa viên của kinh thành, trên mặt nước, ngựa phóng nhanh không ướt đến móng chân; rồi chàng lại bảo ngựa dạo bước trên đám lá sen và khi chàng vỗ tay, xòe bàn tay ra, ngựa liền đến đứng trên lòng bàn tay chàng. Sau đó chàng lại nói:

- Ðây chính là ngựa báu, tâu Ðại vương.

- Ðúng vậy, thưa Công tử.

- Giờ đây xin hãy để ngựa báu qua một bên trong chốc lát, xin Ðại vương hãy xem thần lực của bảo châu. Tâu Chúa thượng, xin ngài ngự lãm viên bảo châu vô song địch của tiểu sinh: Trong bảo châu này có đủ thân hình nam nhân cùng nữ nhân, thân hình của thú vật, cùng thân hình của chim muông, Long vương và Ðiểu vương, tất cả muôn loài đều hiện ra trong bảo châu này.

Cả một đàn voi, một đàn xe ngựa, quân sĩ, cờ xí, xin Chúa thượng ngự lãm cả đoàn kỵ mã, vệ sĩ của vua, chiến sĩ đang chiến đấu trên cỗ xe, chiến sĩ chiến đấu trên bộ, quân sĩ đang bày binh bố trận, xin Chúa thượng ngự lãm mọi vật xuất hiện trong viên bảo châu này.`

Xin ngự lãm trong viên bảo châu này một kinh thành đầy đủ dinh thự kiên cố lầu đài với nhiều cổng thành và trường thành, với nhiều tụ điểm đầy lạc thú - nơi bốn đại lộ giao nhau - Các đại trụ, hào lũy, chấn song, then cửa, tháp canh, cổng thành; xin ngự lãm mọi vật xuất hiện trong viên bảo châu này.

Xin ngự lãm các đàn chim muông đủ loại, trên đường sá, dưới cổng thành: thiên nga, công, hạc, hồng nga, hải âu, sơn ca, cu cườm, jivajivaka, xin ngự lãm muôn loài chim đều tụ họp về đây và xuất hiện trong viên bảo châu này.

Xin ngự lãm một kinh thành diệu kỳ với trường thành cao cả, khiến ta phải dựng tóc gáy vì kinh ngạc, thật vui mắt vì cờ xí rợp trời, đất cát toàn vàng ròng, xin ngự lãm các lều ẩn sĩ được phân chia đều đặn thành từng khu vực, nhà cửa đủ loại, sân bãi, đường sá cùng các đường nhỏ chen kẽ.

Xin ngự lãm các trà đình tửu quán, các nhà tể sinh, cùng các tiệm thực phẩm cho các nội nhân, các gái giang hồ cùng các chàng phóng đãng, tất cả đều hiện ra trong bảo ngọc này. Những người kết tràng hoa, thợ giặt, các chiêm tinh gia, những lái buôn y phục, thợ kim hoàn nữ trang, tất cả đều hiện ra trong bảo châu này.

Xin ngự lãm các loại trống, lớn nhỏ, tù và, trống đồng, trống rung, đủ loại thanh la, đều xuất hiện trong bảo châu này.

Xin ngự lãm các loại vĩ cầm, khiêu vũ, ca hát thật du dương, các loại nhạc cụ, tiếng gồng chiêng rung đều xuất hiện trong bảo châu này.

Các tay đô vật, nhảy cao cũng có mặt nơi đây, cảnh hề múa rối, các thi sĩ, thợ hớt tóc của vua chúa tất cả đều xuất hiện trong bảo châu này.

Dân chúng tụ tập nơi đây, xin ngự lãm các dãy ghế sân khấu hàng hàng lớp lớp xuất hiện trong bảo ngọc này.

Xin ngự lãm các tay đô vật đánh bằng hai cánh tay gập lại, xin ngự lãm kẻ đánh cùng người bị đánh vật đều xuất hiện trong bảo châu này.

Xin ngự lãm trên triền núi các đoàn hươu, nai, sư tử, cọp beo, gấu, chó sói, hoẵng, tê giác (tây ngu), gayal, trâu bò, hồng lộc, ruru, linh dương, lợn rừng, nimka, lợn nhà, hươu sao kadali, mèo, thỏ, muôn loài súc sinh đều hiện ra trong bảo ngọc này.

Những dòng sông đào thật đẹp, đáy lót toàn kim sa, nước trong vắt chảy nhẹ nhàng với đủ loại cá, cá sấu, các loài thủy quái, rùa, trạnh, pàthìna, pàvusa, vàlaja và muñjarohita.

Xin ngự lãm trong viên bảo châu này đủ loại cây, đủ loài chim và một khu rừng có những cành cây làm bằng ngọc bích (lapi lazuli).

Xin Chúa thượng ngự lãm các hồ nước được xây thật đều đặn bốn góc thành với muôn loại chim cá rộn rã tung tăng. Xin ngự lãm quả đất được biển cả vây phủ, nước tràn khắp nơi, điểm tô đủ loại cây cỏ, tất cả đều hiện ra trong bảo ngọc này.

Xin ngự lãm xứ Videha phía trước, Goyàniya phía sau, Kuru (Câu-lâu) và Jambudīpa (Diêm-phù-đề), đều xuất hiện trong bảo ngọc này.

Xin ngự lãm mặt trời, mặt trăng, chiếu sáng bốn phương trong khi đi vòng quanh núi Sineru (Tu-di) cũng xuất hiện trong bảo ngọc này.

Xin ngự lãm núi Sineru và Tuyết Sơn cùng Thần Hải và Tứ Ðại Thiên vương bảo hộ thế giới, thảy đều xuất hiện trong bảo ngọc này.

Các hoa viên của Thiên chủ Indra như Phàrusaka, Cittalatà, Missaka, Nandana và cung Vejayanta, thảy đều xuất hiện trong bảo ngọc này.

Cung Sudhamma (Thiện pháp) của Thiên chủ Indra ở cõi trời Ba mươi ba, cây trời Pàricchatta (San hô) đang nở rộ hoa, thiên tượng Eràvana, đều xuất hiện trong bảo châu này.

Xin ngự lãm các ngọc nữ của các vị trời đang hiện ra như tia chớp giữa không gian, nhởn nhơ trong ngự viên Nandana, tất cả đều xuất hiện trong bảo châu này.

Xin ngự lãm các ngọc nữ cõi trời đang mê hoặc các tiên đồng, và các tiên đồng đang thơ thẩn dạo chơi, tất cả đều xuất hiện trong bảo châu này.

Xin ngự lãm hơn ngàn cung điện phủ đầy ngọc bích hiện ra sáng ngời trong viên bảo châu này. Thiên chúng ở các cõi trời Ba mươi ba, Dạ-ma, Ðâu-suất và Tha hóa tự tại thảy đều xuất hiện trong viên bảo châu này. Xin ngự lãm các hồ nước trong suốt đầy san hô và sen súng trên cõi trời.

Trong bảo ngọc này có mười đường vân trắng, mười đường vân xanh đậm thật tuyệt trần, hai mươi mốt đường vân nâu và mười bốn đường vân vàng nhạt, hai mươi đường vân vàng chói, hai mươi đường vân bạc, ba mươi đường vân đỏ. Mười sáu đường vân đen, hai mươi lăm đường vân màu thiên thảo đỏ sẫm chen lẫn với hoa bandhuka và tô điểm thêm những đóa sen xanh.

Tâu Chúa thượng, xin ngự lãm viên ngọc sáng rực như lửa này với vẻ đẹp toàn mỹ, đó sẽ là giải thưởng dành cho kẻ thắng cuộc.

*

IV. Giải Thưởng Của Cuộc Chơi Bài

Sau khi nói xong, Punnaka liền hỏi:

- Tâu Ðại vương, ví thử tiểu thần thua cuộc, tiểu thần xin dâng viên bảo ngọc này, song ví thử tiểu thần thắng cuộc, xin Chúa thượng ban vật gì cho tiểu thần?

- Ngoài thân ta cùng chiếc lọng trắng ra, tất cả giang sơn ta ngự trị đều đem ra treo giải được cả.

- Tâu Chúa thượng, xin Chúa thượng đừng chậm trễ nữa, vì tiểu thần từ phương xa lại đây, xin Chúa thượng ra lệnh chuẩn bị phòng đánh bài.

Thế là vua ra lệnh cho các đại thần chuẩn bị phòng đánh bài và trải tấm thảm dệt đẹp nhất cho vua ngự, cùng bảo tọa cho các vị quốc vương khác. Khi đã sắp đặt một chỗ thích hợp cho Punnaka, họ trình vua đã đến lúc chơi bài.

Punnaka liền tâu vua qua bài kệ sau:

27. Ðại vương, hãy đến đích cầu mong,
Ngài sẽ không giành được bảo trân,
Ta hãy thắng không nhờ bạo lực,
Và ta thắng bởi lẽ công bằng,
Khi ngài thất bại, xin đem trả,
Phần thưởng ngài ban tặng tiểu thần.

Vua liền đáp:

- Hỡi thiếu sinh, chàng đừng sợ ta là một vị đại vương, mọi cuộc thắng bại của ta đều theo lẽ công bình và không dùng bạo lực.

Thế rồi Punnaka ngâm kệ thỉnh cầu các vị vua kia chứng kiến cuộc thắng trận bằng lẽ công bình:

28. Hỡi các Ðại vương Pañ-ca-la,
Su-ra-se-na và Mac-cha,
Mad-da cùng với Ke-ka-ka,
Xin các Ðại vương ngắm cuộc cờ,
Không có dối gian hay phỉnh gạt,
Không ai can thiệp việc đôi ta.

Sau đó vua được cả trăm vị vua khác hộ tống cùng Punnaka vào phòng đánh bài, tất cả đều ngồi xuống các bảo tọa, đặt con súc sắc vàng lên tấm bảng bằng bạc. Punnaka vội tâu:

- Tâu Ðại vương, có hai mươi bốn lần ném súc sắc, gọi là màlika, sàvata, bahula, santi và bhadra v.v... xin Ðại vương chọn con bài nào vừa ý.

Vua ưng thuận, rồi chọn con bài bahula, Punnaka chọn con bài sàvata. Rồi vua bảo:

- Này thiếu sinh, chàng đánh bài trước đi.

- Tâu Ðại vương, lần ném đầu tiên không phải của tiểu thần, xin Ðại vương đi trước.

Vua chấp thuận. Lúc bấy giờ mẫu thân của vua trong đời sống ngay trước đời này là thần hộ vệ của ngài, nên nhờ thần lực của bà, ngài thắng cuộc. Bà đứng cạnh đó, vua vừa nhớ lại nữ thần vừa ca bài đánh súc sắc, rồi xoay con bài trong tay và ném lên không. Nhờ thần lực của Punnaka, các con bài rơi xuống đúng cho chàng thắng vua.

Phần vua với tài chơi súc sắc nhận ra rằng các con bài rơi xuống không hợp ý ngài, nên ngài chụp chúng lại, trộn đều chúng trên không rồi ném lên lần nữa, nhưng ngài vẫn thấy chúng rơi xuống không đúng ý ngài nên vội chụp chúng lại trong lúc đang rơi.

Lúc ấy Punnaka nghĩ thầm: “Vị vua này đang chơi bài với một thần Dạ-xoa như ta, vừa trộn bài khi chúng rơi xuống rồi lại chụp lấy chúng, tại sao như vậy chứ"? Khi biết có thần lực của nữ thần hộ vệ ngài, chàng giương to mắt như thể tức giận lắm và nhìn nữ thần khiến bà kinh hoàng chạy đi trốn trên đỉnh núi Cakkavàla mà vẫn còn run rẩy.

Khi ném bài đến lần thứ ba, mặc dù vua biết chúng rơi xuống không đúng ý, ngài cũng không thể đưa tay ra chụp lấy chúng vì thần lực của Punnaka, nên chúng rơi xuống thất lợi cho ngài. Rồi Punnaka ném các con bài rơi xuống thắng thế cho chàng. Khi biết rằng chàng đã thắng, chàng vỗ tay ầm ĩ và nói ba lần:

- Tiểu thần đã thắng!

Tiếng chàng vang dội rung động cả cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ).

*

Bậc Ðạo Sư tả lại sự việc như sau:

- Vua Câu-lâu và thần Dạ-xoa Punnaka say sưa bước vào mê hồn trận; vua chơi bài thua cuộc và Punnaka thắng cuộc. Cả hai vị giao đấu trước sự chứng kiến của các vị vua và nhiều chứng nhân khác. Thần Dạ-xoa thắng vị vua tối cao của loài người và tiếng reo hò vang dội từ nơi ấy.

Vua không đẹp ý vì thua cuộc, và Punnaka vội ngâm kệ an ủi ngài:

29. Thắng, bại thuộc về một phía thôi,
Giữa hai phe chiến đấu tranh tài,
Ðại vương đã mất phần ưu thắng,
Chiến bại, xin trao giải thưởng tôi.

Sau đó vua bảo chàng nhận giải qua vần kệ:

30. Ngựa, voi, bò, ngọc quý, hoa tai,
Bất cứ gì ta có ở đời,
Hãy lấy món nào cao quý nhất,
Kac-cà-na, nhận rồi đi thôi.

Punnaka đáp:

31. Ngựa, voi, bò, ngọc quý, hoa tai,
Bất cứ gì ngài có ở đời,
Vi-dhu-ra đại thần ưu thắng,
Người đã được tôi chiếm đoạt rồi!

Vua phán bảo:

32. Vị đại thần ta, chỗ trú an,
Là người giúp đỡ, chốn nương thân,
Chính là thành lũy, thần phù hộ,
Vị đại thần không thể sánh bằng,
Giá trị bạc vàng, tài sản quý,
Người như sinh mạng của vương quân.

Punnaka đáp:

33. Chúng ta tranh chấp sẽ dài dòng,
Ta hãy đi tìm vị đại thần,
Hỏi vị ấy điều gì ước muốn,
Ðể người quyết định vấn đề chung,
Những gì người định phần tiên quyết,
Là bản án phân xử cuối cùng.

Vua phán:

34. Công tử, chàng ăn nói chánh chân,
Quả chàng chẳng nói thiếu công bằng,
Chúng ta đi gặp người và hỏi,
Theo cách này, ta sẽ đẹp lòng.

Nói xong vua đưa cả trăm vị vua kia cùng đi, Punnaka sung sướng vội vàng đến tòa án và bậc Trí nhân từ chỗ ngồi đứng dậy chào đón vua rồi ngồi xuống một bên.

Sau đó Punnaka nói với bậc Ðại Sĩ:

- Thưa bậc Trí giả, ngài thật chí công, ngài không hề nói lời hư vọng dù có đổi cả sinh mạng đi nữa, đó là danh tiếng ngài lẫy lừng khắp thế giới này. Hôm nay tiểu sinh sẽ biết được ngài có thật chí công như vậy chăng?

Rồi chàng ngâm kệ sau:

35. Thật chư Thiên phái xuống phàm trần,
Ðến xứ Câu-lâu làm đại thần,
Cố vấn Vi-dhu-ra chánh trực,
Ngài là quyến thuộc hoặc tùy tùng,
Của vương gia đấy, xin ngài nói,
Giá trị của ngài giữa thế nhân?

Bậc Ðại Sĩ nghĩ thầm: “Người này hỏi về ta, nhưng ta không thể cho người ấy biết được ta là quyến thuộc của vua hay là thượng nhân đối với vua, hay chẳng có giá trị gì đối với vua cả. Trên thế gian này không có gì bảo đảm cho ta bằng sự thật, ta phải nói lên sự thật”.

Rồi ngài ngâm hai vần kệ chứng tỏ ngài không phải là quyến thuộc hay thượng nhân của vua, mà chỉ là một trong bốn loại tùy tùng của vua:

36. Một số nô tài thuở mẹ sinh,
Kẻ vì tiền phải bán thân mình,
Nhiều người tự nguyện làm nô lệ,
Kẻ khác nô tài bởi hãi kinh.
Ðây bốn loại nô tài tất cả,
Ở trên trần thế giữa nhân sinh.

37. Ta chính nô tài tự mẹ cha,
Khổ ưu phát xuất tự vương gia,
Ta là nô lệ đức vua đó,
Cho dẫu ta theo kẻ khác mà.
Ngài có quyền đem ta tặng cậu,
Hỡi chàng nam tử tự phương xa!

Punnaka nghe lời này vô cùng thích thú, vừa vỗ tay vừa nói:

38. Hôm nay tôi chiến thắng lần hai,
Ðược hỏi, đại thần đã đáp ngài,
Thật vậy, Ðại vương không đúng lý,
Việc này đã quyết định xong xuôi,
Nhưng ngài không muốn đem trao trả,
Phần thưởng ngài dành để tặng tôi!

Nghe vậy, vua liền nổi giận với bậc Ðại Sĩ và bảo:

- Ngươi chẳng hề quan tâm đến ta là người đã ban vinh quang cho ngươi, lại quan tâm đến chàng thiếu sinh này hợp nhãn ngươi mà thôi.

Rồi quay về phía Punnaka, vua nói:

- Nếu gã kia là một nô tài thì hãy đem gã và đi ngay.

Vua lại ngâm kệ sau:

39. Nói gã trả lời câu hỏi ta:
"Ta là nô lệ của vương gia,
Chứ không quyến thuộc”, thì chàng nhận,
Bảo vật tối ưu này của ta,
Kac-cà-na, nhận ngay, chàng hỡi,
Rồi hãy đi đâu hợp ý mà.

Nhưng khi nói vậy, ngài suy nghĩ: “Thiếu sinh này sẽ đem Ðại trí nhân đi đâu tùy ý, sau khi vị ấy đi rồi, ta tìm đâu ra được một buổi đàm đạo lý thú về các thánh sự, vậy sao ta lại không thử thỉnh cầu vị ấy lên bảo tọa ngồi rồi ta hỏi vài câu liên quan đến cuộc sống cư sĩ tại gia"? Thế là vua bảo:

- Thưa bậc Trí giả, khi ngài đi rồi, trẫm sẽ khó tìm đâu ra được một buổi đàm đạo thú vị về các thánh sự. Vậy xin ngài ngồi xuống bảo tọa đã được trang hoàng uy nghi đúng theo cương vị của ngài và giải thích cho trẫm một vấn đề liên quan đến cuộc sống cư sĩ tại gia có được chăng?

Bậc Ðại Sĩ liền ưng thuận, và sau khi ngồi xuống bảo tọa được trang hoàng uy nghi, ngài giải thích vấn đề vua hỏi, đó là vấn đề:

- Thưa bậc Trí giả Vidhura, làm thế nào có được cuộc sống hưng thịnh cho một cư sĩ tại gia? Làm thế nào có được lòng ưu ái của đồng loại mình? Làm thế nào thoát được đau khổ? Và làm thế nào chàng niên thiếu nói điều chân thật thoát được mọi ưu não khi qua đến đời sau?

Lúc ấy Vidhura đầy đủ đại trí và minh sát, là bậc thấy mục đích chân lý và đang vững tâm tiến lên, bậc thông thạo mọi pháp lành liền nói những lời này:

- Ðừng chung chạ vợ người, đừng hưởng cao lương mỹ vị một mình, đừng nói chuyện phù phiếm, vì việc này không tăng trưởng trí tuệ. Phải đức độ, tận tụy với nhiệm vụ mình, không phóng dật, sáng suốt, khiêm tốn, không nhẫn tâm, đầy từ bi, thân ái, hòa nhã, khéo léo chinh phục bạn lành, sẵn sàng phân phát bố thí, thận trọng sắp xếp công việc tùy theo mùa, luôn luôn sẵn sàng cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn đầy đủ vật thực. Phải mong cầu công chính và làm cột trụ hộ trì Chánh pháp, sẵn sàng học hỏi và cung kính theo hầu các bậc đa văn đầy đức độ. Như vậy sẽ là cuộc sống hưng thịnh cho một cư sĩ tại gia, như vậy là sẽ chiếm được lòng ưu ái của đồng loại mình, như vậy là sẽ thoát khổ; và như vậy là chàng trẻ tuổi nói điều chân thật sẽ thoát khỏi sầu bi khi sang đến đời sau.

Như vậy sau khi giải đáp câu hỏi liên quan cuộc sống cư sĩ, bậc Ðại Sĩ bước xuống từ bảo tọa và vái chào vua. Phần vua cũng đáp lễ ngài vô cùng cung kính, rồi đi cùng với cả trăm vị vua khác, đến viếng tư thất của ngài .

Khi bậc Ðại Sĩ trở lại, Punnaka nói:

- Xin ngài đến đây, ta cùng khởi hành, đức vua đã trao ngài cho tiểu sinh; vậy phải theo đúng nhiệm vụ đó. Ấy là qui luật từ ngàn đời.

Bậc Trí giả Vidhura đáp lại:

- Hỡi thiếu sinh, ta biết lắm, chàng đã chiếm được ta, đức vua đã giao ta cho chàng, ta xin mời chàng về nghỉ ngơi tại nhà ta ba ngày nữa để ta dặn dò các con ta.

Punnaka nghe vậy nghĩ thầm: “Bậc Trí giả này đã nói chân thật, đó là một đại phúc cho ta, ví thử ngài có mời ta ở lại bảy ngày hay nửa tháng, ta cũng nên nhận lời ngay lập tức.” Thế là chàng đáp:

- Chuyện này cũng thuận lợi cho tiểu sinh, vậy ta cùng ở lại đó ba ngày, thưa bậc Trí giả, nếu có việc gì cần giải quyết trong gia đình của bậc Trí giả, xin chỉ dạy cho quý phu nhân và các công tử, hầu mong các vị được hạnh phúc sau khi ngài đi rồi.

Nới xong Punnaka cùng bậc Ðại Sĩ đi về tư thất ngài.

*

Bậc Ðạo Sư tả sự việc ấy như sau:

Lòng đầy hoan hỷ và háo hức khát khao, chàng Dạ-xoa đi cùng bậc Trí giả Vidhura, vị đệ nhất hiền giả, đưa chàng vào nội thất với đoàn bảo tượng và tuấn mã theo hầu.

Lúc bấy giờ bậc Ðại Sĩ có ba cung thất dành cho ba mùa, cung đầu tiên là Koñca, cung thứ hai là Mayùra, cung thứ ba là Piyaketa. Bài kệ sau đây nói về ba cung ấy:

40. Chàng đã đến nơi chốn đại gia:
Koñca, Mayùra, Piyaketa,
Mỗi nơi một cảnh đầy hoan lạc,
Phong phú thức ăn uống cả nhà,
Trông giống thiên cung trên thượng giới,
Của Ind-ra, đại đế Sak-ka.

Sau khi ngài đến nơi, ngài ra lệnh dọn một phòng ngủ và một chiếc bệ cao trên tầng thứ bảy của cung thất trang hoàng tráng lệ, trải vương sàng và bày biện đủ cao lương mỹ vị xong, ngài chỉ cho chàng năm trăm mỹ nữ như tiên trên trời, và bảo:

- Ðây là những tỳ nữ của chàng, chàng cứ ở lại đây đừng lo ngại gì cả.

Rồi ngài trở về tư thất. Khi ngài đi rồi, các mỹ nữ đem nhạc khí đủ loại ra ca múa tưng bừng trong lúc hầu hạ chàng Punnaka.

*

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau:

Các mỹ nữ điểm trang diễm lệ như các Thiên thần, ca múa trò chuyện cùng chàng, mỗi nàng đều gắng sức đem hết mọi tài năng ra biểu diễn.

Bậc hộ trì Chánh pháp ấy, sau khi cho chàng hưởng cao lương mỹ vị cùng nữ sắc, liền nghĩ đến việc cao quý bậc nhất, là mang chàng vào giới thiệu cùng phu nhân.

Ngài bảo phu nhân đã được trang điểm bằng hương chiên-đàn cùng nhiều hương thơm khác đang đứng như một thanh bội hoàn bằng vàng ròng:

- Này phu nhân nghe đây, hãy gọi các nam tử đến ngay, hỡi phu nhân có đôi mắt đẹp màu hổ hoàng.

Anujjà nghe phu quân gọi liền bảo con dâu, một mỹ nhân có đôi mắt tuyệt trần, móng tay sáng rực như đồng:

- Này Cetà, nàng đeo vòng vàng lục lạc chẳng khác nào bào giáp, nàng là đóa súng xanh mơn mởn, hãy đi gọi các con ta lại đây.

Nàng ấy vâng dạ xong đi suốt cả cung thất, tập hợp các thân hữu cùng các công tử, công nương, lại bảo họ:

- Thân phụ quý vị muốn dặn dò quý vị đôi điều, đây là lần cuối cùng quý vị gặp được ngài đấy.

Công tử Dhammapàla-Kumāra nghe vậy liền khóc, vội đi đến gặp thân phụ cùng các công tử em chàng. Khi vị cha thấy các con đến, không thể nào giữ được vẻ bình thản, liền ôm các con mắt đầy lệ, hôn đầu các con và ghì lấy trưởng nam vào lòng một hồi lâu. Rồi ngài nhấc con lên, bước ra khỏi cung thất, ngồi xuống tọa sàng đặt trên chiếc bệ cao, ngài nhắn nhủ với cả ngàn công tử kia.

*

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau:

Bậc hộ trì Chánh pháp, lòng không chút sợ hãi, hôn trán các con khi họ đến gần ngài, và sau khi chào hỏi xong, ngài bảo họ:

- Ta được đức vua giao cho chàng thiếu sinh này. Ta thuộc quyền sở hữu của chàng rồi, nhưng hôm nay ta còn được tự do tìm thú vui riêng cho mình, rồi chàng sẽ đem ta đi đâu tùy ý, cho nên ta muốn nhắn nhủ các con đôi điều, vì làm sao ta ra đi mà không tìm cách cứu khổ các con được? Ví như Janasandha, vua xứ Câu Lâu, trịnh trọng hỏi các con: “Các khanh xem cái gì thật cổ kính ngay trong thời thượng cổ? Thân phụ các khanh dạy bảo điều gì tiên khởi và tối thượng"? Rồi ví như nhà vua bảo: “Các khanh đồng đẳng với ta, ai trong các khanh lại không hơn một vị vua đã chứ"?, các con sẽ kính cẩn đảnh lễ vua và tâu: “Xin Ðại vương đừng nói vậy, không có luật lệ nào như thế cả, làm sao một con chó rừng hèn mọn lại đồng đẳng với một vương hổ được"?

Sau khi nghe thuyết giáo xong, các vị công tử, công nương, thân bằng, quyến thuộc, gia nhân, dân chúng đều không giữ được lòng bình thản, đồng khóc lớn khiến bậc Ðại Sĩ lại phải an ủi họ thêm nữa.

*

V. Vidhura Khuyến Giáo Thân Nhân

Rồi sau khi đến với mọi người và thấy họ đã giữ yên lặng, ngài nói:

- Này các con, đừng buồn khổ làm gì, các sắc pháp đều vô thường, vinh quang cuối cùng lại gây tai họa; tuy vậy ta sẽ chỉ cho các con một cách đạt vinh quang, đó là chốn triều đình. Hãy chú ý lắng nghe cho kỹ.

Sau đó nhờ thần lực của một vị Phật, ngài đưa họ vào một cảnh triều đình.

*

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau:

Khi ấy Vidhura thuyết Pháp cho tất cả thân bằng lẫn cừu thù, quyến thuộc cùng thê tử, tâm trí ngài viễn ly mọi sắc pháp:

- Này các vị hãy đến đây nghe cho kỹ trong khi ta nói về chốn triều đình, làm thế nào một nam tử vào chốn triều đình có thể đạt vinh quang. Khi vào chốn triều đình còn là vô danh tiểu tốt, y không có thể có được vinh quang đâu, cũng không thể đạt vinh quang nếu y là một tên hèn nhát, ngu ngốc hoặc vô tâm. Khi nào vua nhận thấy đức độ của y, tài trí cũng như lòng thanh liêm của y, vua mới tin tưởng y và không giấu y những điều bí mật của ngài. Khi nào được lệnh thi hành một việc gì, y không được ngần ngại, như một chiếc cân thật chính xác, với cán cân thật ngang bằng và như chiếc cân kia, nếu y sẵn sàng đảm trách mọi gánh nặng, y mới có thể ở chốn triều đình.

Bất kỳ ngày đêm, một trí giả cũng không ngần ngại gì khi được giao quốc sự; một người như thế mới có thể ở chốn triều đình. Một bậc trí giả, khi được giao quốc sự, bất kỳ ngày đêm cũng phải đảm nhận mọi nhiệm vụ. Một người như vậy mới có thể ở chốn triều đình.

Người nào thấy được đạo lộ dành cho vua và thận trọng sắp xếp mọi việc thuận lợi cho ngài, mà chính mình không dám bước vào đó, dù được mời làm như vậy, kẻ ấy mới có thể ở chốn triều đình. Ðừng vì một duyên cớ gì vui hưởng các lạc thú như vua, mà phải theo sau hầu vua trong mọi việc, một kẻ như thế mới có thể ở trong chốn triều đình.

Ðừng mặc y phục như vua, cũng không mang tràng hoa, xức dầu thơm như vua dùng, cũng không đeo các đồ trang sức như vua hay nói giọng như vua được; bao giờ cũng phải tạo một dáng điệu khác, cách phục sức khác. Một kẻ như vậy mới có thể ở chốn triều đình.

Nếu vua đang vui đùa cùng các cận thần hay đang được các cung nữ vây quanh ngài, thì vị cận thần không nên nói bóng gió với các cung phi ấy. Người nào không dương dương tự đắc cũng không nhẹ dạ chóng đổi thay, mà phải thận trọng, luôn luôn biết tự chủ, người nào đạt được minh trí và quyết tâm, người như vậy mới có thể ở chốn cung đình.

Ðừng đùa cợt với các cung phi, cũng không nói chuyện riêng với họ, đừng lấy của cải trong công khố. Người như vậy mới có thể ở chốn triều đình. Ðừng nghĩ nhiều đến việc ngủ nghỉ, cũng không ham rượu nồng quá độ, không giết hươu nai trong vườn ngự uyển, một kẻ như vậy mới ở được chốn cung đình.

Ðừng ngồi trên vương tọa, long sàng, kim đôn, vương tượng hoặc vương xa, vì nghĩ mình là kẻ có đặc quyền, một người như vậy mới có thể ở được chốn cung đình.

Ðứng e dè giữ mình quá xa cách vua, nhưng cũng đừng quá gần gũi ngài, luôn luôn sẵn sàng túc trực bên ngài, tâu gửi đôi điều lên đấng chúa công. Ðừng xem vua như một kẻ thường dân, không nên so sánh vua với bất kỳ một ai khác. Vua chúa rất dễ nổi cơn thịnh nộ, như con mắt dễ bị đau nếu đụng nhằm râu hạt thóc vậy. Vị hiền trí không nên nghĩ rằng mình đang được ân sủng, lại cả gan nói năng thô lỗ với vua đa nghi. Nếu vị ấy gặp được vận may thì cứ chụp lấy, nhưng đừng tin tưởng vào vua chúa, phải luôn luôn biết phòng thân như đề phòng hỏa hoạn, một kẻ như vậy mới có thể ở chốn triều đình.

Nếu vua sủng ái con hay em của ngài rồi ban cho họ một vài thôn làng, thị thành hay vài triều thần làm tùy tùng của họ, thì kẻ đó phải biết yên lặng chờ đợi, đừng bảo là vua khôn khéo hay lỗi lầm gì.

Nếu vua tăng lương cho quan quản tượng hay vệ sĩ của ngài, hoặc pháo binh hay bộ binh của ngài vì nghe được các chiến công của họ, kẻ ấy đừng nên xen vào cản trở việc trên, một kẻ như vậy mới có thể ở được chốn triều đình.

Bậc trí giả phải biết giữ bụng bé như cây cung, nhưng lại biết uốn cong dễ dàng như cây tre; đừng làm phật ý vua, như vậy mới có thể ở chốn triều đình. Phải biết giữ bụng bé như cây cung, mồm lặng thinh như loài cá, phải ăn uống chừng mực, can đảm và thận trọng. Một kẻ như vậy mới có thể ở chốn triều đình.

Ðừng lui tới với nữ nhân quá nhiều, sợ rằng phải hao mòn sinh lực, kẻ ngu ngốc chính là nạn nhân của bệnh ho hen, đau nhức mình mẩy và tính trẻ con, đừng cười cợt thái quá, cũng đừng quá lặng lẽ, phải biết nói năng lúc thời cơ thuận tiện đến, lời nói phải khúc chiết, rõ ràng, được cân nhắc kỹ lưỡng. Ðừng buông mình theo cơn nóng giận, cũng đừng chực sẵn sàng gây hận, lời lẽ phải chân thật, dịu dàng, không vọng ngữ và đừng nói năng nhảm nhí. Một kẻ như vậy mới có thể ở chốn triều đình.

Phải biết tự rèn luyện, học hỏi, tự chủ, có kinh nghiệm trong việc giao thương, ôn hòa, dịu dàng, thận trọng, liêm khiết, khéo léo. Một kẻ như vậy mới có thể ở chốn triều đình.

Ðối xử khiêm tốn với người trên, sẵn sàng nghe lời kẻ khác, đầy lòng kính cẩn, từ ái, sống dễ chịu với người xung quanh. Một kẻ như vậy mới có thể ở chốn triều đình.

Phải biết lánh xa sứ giả của ngoại bang sai đến thương thảo, chỉ lưu tâm đến vị chúa tể của mình, đừng biết đến vị vua nào khác.

Phải biết tôn trọng các Sa-môn, Bà-la-môn đức độ và đa văn, phải biết cung phụng các vị ấy, một kẻ như vậy mới có thể ở chốn triều đình.

Phải biết cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn đức độ và đa văn đầy đủ vật dụng ăn uống, một kẻ như vậy mới có thể ở chốn triều đình. Phải biết đến gần và thành tâm phụng sự các Sa-môn và Bà-la-môn đức độ, đa văn, cầu mong đó là việc thiện chân chính của mình.

Ðừng tìm cách tước đoạt của các Sa-môn, Bà-la-môn những vật được cúng dường cho họ trước kia và đừng tìm cách ngăn cản các khất sĩ vào lúc chẩn tế. Một kẻ công chính, đầy đủ đại trí, khéo léo sắp xếp mọi công việc, thông thạo mọi thời cơ, một kẻ như vậy mới có thể ở chốn triều đình.

Một người đầy nghị lực lúc làm việc, thận trọng khéo léo, có khả năng tiến hành công việc đến thành quả mỹ mãn, người ấy mới có thể ở được chốn triều đình.

Phải thăm viếng thường xuyên các sân đập lúa, đàn trâu bò, gia súc, ruộng nương, phải cho cân thóc thật kỹ lưỡng và cất vào vựa, phải bảo đong lường kỹ mỗi khi nấu nướng trong nhà mình.

Ðừng sử dụng hay đề bạt con hay em trai thiếu đức độ vững vàng, những con em như vậy không phải là những phần tử chân chính của giống nòi mình, phải xem chúng như chết rồi. Phải đem y phục, vật thực cấp dưỡng cho chúng và bảo chúng ngồi im mà nhận lấy. Phải biết dùng ở cửa công những tùy tướng có đức độ vững vàng, khéo léo làm việc và biết đối phó lúc ngộ biến.

Một kẻ đức độ, vô tham, tận tụy với quân vương, luôn có mặt bên ngài và mưu cầu quyền lợi cho ngài một kẻ như vậy mới có thể ở chốn triều đình.

Phải biết rõ ý vua, theo sát tâm tư ngài, đừng bao giờ hành động trái ý ngài, một kẻ như vậy mới có thể ở chốn cung đình, phải xoa dầu thơm và tắm cho ngài, phải cúi đầu xuống khi rửa chân cho ngài; khi bị trừng phạt không hề tức giận, một kẻ như vậy mới có thể ở chốn triều đình.

Phải biết cúi đầu chào một chiếc bình đầy nước hay cung kính thi lễ một con quạ, hơn thế nữa, còn phải ban phát đầy đủ cho mọi kẻ cầu xin, lúc nào cũng phải tỏ ra khôn ngoan và lỗi lạc. Phải biết bố thí, tọa cụ, y phục, xe pháo, nhà cửa, tư dinh, phải tưới tràn đầy phúc lộc cho mọi người như một vầng mây lớn. Thưa quý vị, đó là cách để ở được chốn triều đình, đó là cách cư xử để được ân sủng của vua chúa, để được vinh quang do các ngài ban thưởng.

*

VI. Cuộc Du Hành Của Vidhura Và Punnaka

Ba ngày trôi qua, bậc Ðại Sĩ thuyết giáo cho đám vợ con, bạn hữu cùng nhiều người khác đã xong. Khi biết thời hạn đã mãn, từ tinh sương, sau bữa ăn đầy cao lương mỹ vị, ngài bảo:

- Ta sẽ tạ từ đức vua và ra đi cùng chàng thiếu niên này.

Rồi ngài đi đến cung vua, cùng với đám quyến thuộc vây quanh, đảnh lễ vua rồi đứng sang một bên, nhắn nhủ đôi lời khôn ngoan, thực tiễn.

*

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau:

Sau khi nhắn nhủ thân bằng quyến thuộc xong, bậc Ðại trí được đám thân hữu vây quanh, cùng đi đến cung vua. Ðảnh lễ dưới chân vua và chúc tụng vua rất kính cẩn xong, Vidhura chắp tay lại tâu:

- Thiếu sinh này muốn sử dụng thần theo ý chàng, nên sẽ đem thần đi xa. Thần xin bày tỏ đôi lời vì các thân bằng quyến thuộc còn ở lại, xin hãy nghe thần tâu, hỡi đấng Ðại vương đã chinh phục bao cừu thù. Xin Ðại vương chăm sóc đám thê tử và tài sản trong gia tộc tiểu thần, để khi thần đã đi rồi, thân quyến của thần cũng không bị tàn mạt. Vì khi quả đất rung chuyển, thì mọi vật trên đó đều rung chuyển theo và khi quả đất vững vàng, thì mọi vật mới vững vàng được. Vì thế thần thấy quyến thuộc của thần sẽ suy sụp theo sự suy sụp của thần; thần nhận đó là lỗi của thần vậy.

Vua nghe vậy, liền bảo:

- Này bậc Trí giả, trẫm không muốn khanh ra đi tý nào cả, vậy đừng đi nữa; trẫm sẽ triệu chàng thiếu sinh ấy đến rồi lấy cớ giết gã đi và giấu nhẹm câu chuyện.

Ngài phát họa chuyện này qua vần kệ:

41. Này khanh, không thể bước đi ra,
Ðây chính điều cương quyết của ta.
Khi đã giết xong chàng trẻ ấy,
Khanh cần ở lại chốn này mà.
Ðây là thượng sách cho ta đó,
Bậc Ðại trí, xin chớ bỏ ta!

Bậc Ðại Sĩ nghe vậy liền kêu to:

- Ý định như thế quả không xứng chút nào với Ðại vương.

Rồi ngài nói thêm:

42. Ðừng để tâm vào việc bất công,
Hãy tinh cần luyện tập thân tâm,
Ðúng theo Thánh điển đầy thâm nghĩa;
Ô nhục thay là việc ác gian,
Khi đã làm xong điều tội lỗi,
Con người đọa địa ngục sau cùng.

43. Chuyện này không phải lẽ công bằng,
Ðây chẳng phải là việc đáng làm,
Tâu Chúa công, vua là tối thượng,
Quyền uy với kẻ dưới tồi tàn,
Muốn đem giết nó hay thiêu sống,
Thần giã từ không dám hận sân.

Nói xong Ðại Sĩ kính cẩn vái chào vua rồi khích lệ các cung phi, quần thần đôi lời, xong bước ra khỏi cung điện, trong khi họ không còn giữ được lòng can đảm, chịu đựng được nữa, cùng bật tiếng khóc to và dân chúng trong kinh thành đồng kêu lên:

- Bậc Ðại trí đang ra đi cùng chàng tuổi trẻ, ta hãy mau mau ra tiễn ngài lên đường.

Họ nhìn theo ngài trong sân chầu, song họ bảo nhau:

- Ðừng sầu khổ nữa, vạn pháp đều vô thường, giả tạm, vậy hãy nhiệt tâm bố thí và làm các thiện pháp. Rồi họ trở lại, ai về nhà nấy.

*

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau:

Sau khi ôm hôn trưởng nam và đè nén nỗi đau đớn trong lòng, mắt đẫm lệ, bậc Ðại Sĩ bước vào cung thất. Lúc bấy giờ có cả ngàn công tử, cả ngàn công nương, cả ngàn phu nhân, bảy trăm cung nữ, cùng nhiều nô tỳ, cận vệ, thân bằng quyến thuộc quỳ xuống khắp nơi, cả cung điện chẳng khác nào vườn cây sà-la ngả nghiêng trong cơn cuồng phong bão táp báo hiệu giờ tận thế.

*

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau:

Gia quyến của Trí giả Vidhura nằm phủ phục khắp cung điện như vườn cây Sāla ngã nghiêng tơi tả trong cơn bão táp.

Cả ngàn phu nhân, bảy trăm nữ tỳ dang tay ra than khóc trong cung của Vidhura. Các hậu phi, vương tử, các Vệ-xá, Bà-la-môn, đang dang tay ra than khóc trong cung Vidhura. Các quan quản tượng, vệ sĩ, quản xa, bộ binh, đều dang tay than khóc trong cung của Vidhura. Thần dân khắp chốn thành thị, thôn quê tụ tập lại đồng dang tay than khóc trong cung của Vidhura.

Sau khi an ủi quần chúng và hoàn tất mọi việc còn sót lại, bậc Ðại Sĩ khích lệ các hậu phi và chỉ bảo cho họ những gì cần chỉ bảo, ngài đến gặp Punnaka cho chàng hay rằng ngài đã làm xong mọi việc cần làm.

*

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau:

Sau khi hoàn tất mọi việc cần thiết trong cung thất và chỉ bảo thân bằng quyến thuộc thê nhi, quân sư xong, sau khi sắp đặt mọi công việc bên ngoài cần lưu tâm và thông báo mọi kho vựa trong nhà, kho gia bảo cùng nợ nần phải trả, ngài nói với Punnaka:

- Chàng đã ở lại trong cung ta ba ngày rồi, ta đã làm xong mọi việc cần thiết, chỉ dạy vợ con xong xuôi, giờ đây ta hãy làm theo ý chàng, hỡi chàng Ca-chiên-diên.

Punnaka đáp lại:

- Nếu ngài đã hành động theo ý ngài, đã chỉ bảo vợ con, tùy tướng xong rồi, thì than ôi, giờ đây ngài đứng đó như người sắp vượt biển, cả một cuộc hành trình dài trước mắt ngài. Vậy đừng sợ hãi gì, hãy nắm lấy đuôi tuấn mã cao sang của ta và đây là lần cuối ngài thấy cảnh nhân gian.

Bậc Ðại Sĩ liền đáp lại:

- Ta còn phải sợ ai chứ, khi ta không hề làm ác đối với ai từ thân, ngữ, ý, thì làm sao ta gặp tai họa được?

Thế là bậc Ðại Sĩ can đảm như con sư tử kiêu hùng, lớn tiếng bảo:

- Ðây là cẩm bào của ta, đừng cởi nó ra nếu ta không cho phép.

Rồi với quyết tâm cao độ, ngài thắt đai áo thật chặt, gỡ đuôi ngựa ra, hai tay nắm chặt lấy, thúc đôi chân vào hông ngựa và bảo chàng:

- Ta đã nắm đuôi ngựa rồi, này thiếu niên, thôi hãy đi đâu tùy ý chàng.

Lúc ấy Punnaka ra lệnh cho con ngựa có đủ trí khôn kia, nó liền nhảy vọt lên bầu trời mang theo bậc Trí giả.

*

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau:

Ngựa chúa mang Vidhura lên bầu trời, chẳng bao lâu đến ngọn Hắc Sơn mà chẳng đụng vào cây cối núi non chập chùng.

Trong khi Punnaka đem bậc Ðại Sĩ đi như vậy, các con ngài cùng nhiều người đến chứng kiến đi vào cung thất của ngài. Khi họ không thấy bậc Ðại Sĩ đâu cả, họ liền khóc lóc thảm thiết và ngã sóng sượt như thể chân cẳng họ đã đứt lìa.

Rồi khi họ thấy và nghe bậc Ðại Sĩ đang lúc ngài bay lên trời mà chẳng rõ duyên cớ gì, họ lại than khóc đi thẳng vào hoàng môn, với đám dân chúng theo sau. Vua nghe tiếng than khóc rền rỉ liền mở cửa sổ ra hỏi tại sao họ than khóc như vậy. Họ trình:

- Tâu Ðại vương, đó chẳng phải là chàng Bà-la-môn nào cả, mà chính thần Dạ-xoa giả dạng Bà-la-môn mang bậc Trí giả đi mất rồi. Không có ngài, chúng thần không thiết sống nữa; nếu ngài không trở về trong vòng bảy ngày nữa, chúng thần sẽ chất gỗ hàng trăm hàng ngàn xe và tự thiêu cả cho rồi.

Vua nghe vậy liền đáp:

- Bậc Ðại trí giả có giọng nói êm dịu sẽ thuyết phục chàng trai kia bằng giáo pháp của ngài và sẽ khiến chàng quy phục dưới nhân ngài, chẳng mấy chốc ngài sẽ trở về mang lại nụ cười cho bộ mặt sầu thảm của các khanh. Thôi đừng buồn rầu nữa.

Rồi ngài ngâm kệ:

44. Thật đại hiền là bậc Trí nhân,
Uyên thâm và đủ mọi tài năng;
Không lâu ngài tự tìm đường thoát,
Ngài sẽ trở lui, chớ hãi hùng.

Trong khi đó Punnaka, sau khi đã đem bậc Ðại Sĩ lên đỉnh Hắc Sơn, liền nghĩ thầm: “Người này còn sống thì ta không vinh hiển được, vậy ta sẽ giết y lấy quả tim đem về xứ Long vương dâng cho vương hậu Vimalā và sau khi chiếm được công chúa Irandatī, ta sẽ lên Thiên giới ”.

*

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau:

Khi đã đến nơi, chàng nghĩ thầm: “Loài có trí hiện hữu trong nhiều đẳng cấp. Người này sống, ta chẳng ích gì, vậy ta hãy giết y và lấy con tim”.

Rồi chàng lại nghĩ: “Nếu chẳng cần giết y bằng chính tay ta, sao ta lại chẳng làm y chết đi vì kinh sợ bằng cách hiện ra hình thù khủng khiếp”. Thế là sau khi hiện hình ác quỷ, chàng đến gần nắm ngài xuống đất, ngoạm ngài trong miệng như thể sắp nuốt sống ngài, nhưng bậc Ðại Sĩ chẳng hề dựng sợi tóc nào. Chàng lại hiện hình sư tử và voi hung, lấy răng và ngà dọa tấn công ngài. Khi ngài chẳng tỏ ra khiếp sợ, chàng liền hiện hình đại mãng xà, to như chiếc thuyền lớn, hình máng xối, đến gần ngài rít lên, cuộn thân quanh ngài, phủ đầu ngài bằng chiếc mào, ngài vẫn chẳng tỏ chút gì sợ hãi. Rồi chàng bảo:

- Nếu y đứng trên đỉnh núi và rơi xuống ta sẽ làm y tan vụn ra từng mảnh.

Thế là chàng nổi trận cuồng phong, nhưng nó cũng chẳng lay động được đầu sợi tóc nào của ngài cả. Rồi chàng để ngài trên đỉnh núi, hiện hình con voi làm rung chuyển ngọn núi ngả nghiêng như thể cây chà là rừng. Nhưng dù vậy, chàng cũng không thể làm lay động được đầu sợi tóc nào của ngài cả. Sau đó chàng bảo:

- Ta sẽ làm tim y vỡ ra vì khiếp đảm khi nghe một tiếng gầm kinh khủng.

Rồi chàng đi vào trong núi, rống lên một tiếng gầm khủng khiếp rền vang cả đất trời nhưng bậc Ðại Sĩ cũng chẳng tỏ ra khiếp sợ, vì ngài biết rằng dù chàng hiện hình Dạ-xoa, sư tử, voi hay Long vương, có làm mưa gió rung chuyển núi rừng hay vào trong núi gầm thét vang dội đi nữa, chàng cũng chỉ là một phàm phu, không là gì khác.

Chàng Dạ-xoa liền nghĩ thầm: “Ta không thể nào giết y bằng cách tấn công bên ngoài, vậy ta chỉ còn cách giết y bằng chính tay ta”. Thế là chàng đặt bậc Ðại Sĩ lên trên đỉnh núi, còn chính chàng xuống chân núi đi lên từ lòng núi, như thể chàng xuyên sợi chỉ trắng qua hạt ngọc có xoi lỗ, với tiếng gầm lớn, chàng thô bạo chụp bậc Ðại Sĩ tung lên xoay tít, dựng đầu ngài xuống phía dưới trong khoảng không chẳng có vật gì để ngài có thể nắm lấy được.

Cảnh ấy được miêu tả như sau:

Sau khi đến đó và vào trong núi, Kàtiyàna với tâm địa ác độc nắm lấy đầu dốc ngài ngược xuống khoảng không gian bao la. Trong khi ngài lơ lửng như ở trên bờ địa ngục, cảnh tượng thật kinh hoàng, vô cùng nguy hiểm, khó vượt qua, bậc Hiền trí đệ nhất của toàn dân Câu-lâu vẫn không nao núng bảo chàng:

- Bản chất ngươi thật hèn hạ, mặc dù có lúc ngươi đã mang một hình tướng thật cao sang; ngươi phóng dật tột cùng mặc dù mang hình hài một vị khổ hạnh tự chế, ngươi đang phạm một việc ác độc và kỳ quái, không có gì tốt đẹp trong bản chất của ngươi cả. Tại sao ngươi lại giết ta, khi ngươi muốn thấy ta rơi xuống vực thẳm này? Tướng mạo ngươi có vẻ siêu phàm, hãy cho ta biết ngươi là loại thiên thần gì?

Punnaka đáp lại:

- Có lẽ ngài đã nghe danh thần Dạ-xoa Punnaka, là đại thần của vua Kuvera. Có một Long vương cai trị địa giới tên gọi Varuna, thật oai hùng, liêm khiết, có đầy đủ phong thái tốt đẹp cùng dũng lực. Ta mơ ước công chúa, con của ngài, một Long nữ tên gọi Irandatī, vì yêu nương tử diễm kiều ấy nên ta đã quyết tâm sát hại ngài đấy, thưa bậc Trí giả.

Bậc Ðại Sĩ suy nghĩ: “Thế giới này sụp đổ chỉ vì một việc hiểu lầm, tại sao một kẻ si tình Long nữ lại muốn giết ta? Ta phải biết tất cả sự thật của câu chuyện này mới được”. Rồi ngài ngâm kệ:

45. Này chớ bị lừa, hỡi Dạ-xoa,
Nhiều người bị hại bởi lầm to,
Việc chàng yêu quý nàng Long nữ,
Nào có liên quan việc giết ta?
Này hãy mau lên, thần đại lực,
Kể ta nghe mọi chuyện kia mà.

Punnaka liền đáp ngài:

46. Vì yêu ái nữ đại Long vương,
Ta hội ý thân tộc của nàng,
Và lúc ta cầu hôn thiếu nữ,
Nhạc gia đã nói với ta rằng
Các ngài hiểu mối tình say đắm:
"Ta sẽ ban chàng vị quý nương
Hình dáng yêu kiều, mắt diễm lệ
Nụ cười tươi đẹp ngát trầm hương .

47. Nếu chàng đem sính lễ vương gia,
Tim của Trí nhân Vi-dhu-ra,
Chiếm được nhờ công bằng thắng trận,
Công nương được gả giá này mà,
Chúng ta không nhận quà gì khác”.
Như vậy ta đâu bị đánh lừa?
Hỡi bậc chánh chân nghe thật kỹ,
Không gì lầm lẫn về phần ta.

48. Long vương sẽ gả vị công nương,
Ðổi trái tim nhờ thắng chánh chân,
Chính bởi điều này ta đã quyết,
Giết ngài theo cách chúng ta cần,
Nếu ta ném xác ngài trong vực
Ta sẽ giết ngài, lấy quả tâm!

Khi bậc Ðại Sĩ nghe vậy, ngài suy nghĩ:

"Vương hậu Vimàla không cần trái tim của ta đâu. Vua Varuna sau khi nghe Pháp thoại, đã tán thán ta và ban ta châu báu; có lẽ khi ngài về cung đã tả lại năng lực thuyết Pháp của ta nên Vimalā cũng mong muốn nghe ta thuyết giảng. Punnaka có lẽ đã nhận được lệnh của Varuna qua một sự hiểu lầm và chàng ta cũng chịu tác động của sự lầm tưởng riêng nên mới gây ra tai họa này. Vậy nay đặc tính của một bậc trí như ta là có khả năng đưa ra ánh sáng và khám phá mọi chân lý. Nếu Punnaka giết ta thì có ích gì? Nay ta sẽ bảo chàng: “Này thiếu sinh, ta biết Chánh pháp mà thiện nhân phải tuân theo, vậy trước khi ta chết, hãy đặt ta trên đỉnh núi và nghe ta nói Pháp lành của thiện nhân, sau đó chàng muốn làm gì tùy ý”, rồi sau khi thuyết Pháp thiện nhân cho chàng, ta hãy để chàng giết đi”.

Thế là ngài ngâm kệ trong khi lơ lửng giữa trời, đầu dốc ngược xuống dưới:

49. Hãy đặt ta ngay thẳng tức thì,
Nếu chàng cần có trái tim kia,
Hôm nay ta thuyết cho chàng rõ
Pháp của thiện nhân, hãy lắng nghe.

Punnaka suy nghĩ: “Pháp lành chưa hề được tuyên thuyết trước chư Thiên và loài người. Vậy ta phải lập tức đặt ngài đứng xuống và nghe Pháp thiện nhân mới được”. Thế là chàng nhấc bậc Ðại Sĩ lên và đặt ngài trên đỉnh núi.

*

Bậc Ðạo Sư miêu tả cảnh ấy như sau:

Punnaka, sau khi vội vàng đặt vị đệ nhất thiện nhân của xứ Câu-lâu xuống đỉnh núi, liền hỏi bậc Ðạo Sư đại trí, trong khi ngài ngồi nhìn cây pipul (cây đa):

- Ta đã đưa ngài lên từ vực thẳm, ta cần quả tim ngài hôm nay, vậy hãy giảng cho ta nghe Pháp lành của thiện nhân.

Bậc Ðại Sĩ đáp lại:

- Ta đã được chàng cứu khỏi vực thẳm, nếu chàng cần trái tim ta, ta nguyện thuyết Pháp lành của thiện nhân cho chàng nghe hôm nay.

Rồi bậc Ðại Sĩ bảo:

- Thân thể ta nhơ uế, cho ta tắm rửa ngay.

Thần Dạ-xoa ưng thuận, mang nước đến và khi ngài đang tắm rửa, chàng liền đem thiên y cùng dầu thơm cho ngài. Sau khi ngài đã mặc y phục, trang điểm xong, chàng lại đem vật thực trên thiên giới cho ngài. Sau bữa ăn, bậc Ðại Sĩ trang hoàng đỉnh Hắc Sơn thật tràn trề hoa lá, lại bài trí một sàng tọa lộng lẫy xong, ngài ngồi xuống ngâm vần kệ, trình bày phận sự của một thiện nhân với vẻ uy nghi tối thắng của một vị Phật:

50. Chàng hãy theo đường đã vạch ra,
Chùi cho thật sạch bàn tay dơ,
Đừng bao giờ phản bội bằng hữu,
Đừng rớt vào uy lực nữ ma.

Chàng Dạ-xoa không thể nào thấu triệt ý nghĩa của bốn qui luật được diễn tả quá ngắn gọn như vậy, liền hỏi thêm chi tiết:

- Thế nào đi theo con đường đã vạch sẵn? Thế nào là đốt đi bàn tay lấm dơ? Những ai là nữ nhân bất tịnh? Những ai phản bội thân bằng? Xin ngài nói rõ theo yêu cầu của ta.

Bậc Ðại Sĩ đáp lại:

- Kẻ nào mời ta vào nghỉ ngơi khi ta là lữ khách chưa hề quen biết trước đây, ta hãy làm theo họ. Bậc Trí giả gọi đó là người đi theo con đường đã vạch sẵn. Ta trú chân trong bất kỳ nhà nào dù chỉ qua một đêm và được mời ăn uống, thì ta đừng có ý nghĩ xấu trong đầu về người đó, kẻ nào phản bội bạn hữu là đốt một bàn tay vô tội . Ðừng bẻ cành cây đã cho ta bóng mát khi nằm ngồi, kẻ phản bội bạn bè thật hèn hạ. Hãy trao tặng mọi thứ vàng bạc của cải ở đời cho nữ nhân mà ta đã lựa chọn, tuy thế nữ nhân sẽ khinh bỉ ta khi có dịp; vậy đừng rơi vào uy lực của các nữ nhân bất tịnh. Như thế là một người biết theo đạo lộ đã vạch sẵn; thế là người ấy đốt cháy bàn tay vấy bẩn; đây là nữ nhân bất tịnh; đây là kẻ phản bội bằng hữu; còn kia là chính nhân, vậy hãy từ bỏ mọi bất công sai trái.

Như vậy, bậc Đại Sĩ đã thuyết Pháp cho chàng Dạ-xoa với uy nghi cao cả của một vị Phật về bốn phận sự của thiện nhân. Punnaka nghe xong, liền suy nghĩ: “Trong bốn lời khuyên này, bậc hiền trí chỉ cầu mong sự sống cho ngài, vì ngài thật sự đã tiếp đãi ta nồng hậu, dù ta còn là kẻ xa lạ trước đây; ta ở lại trong nhà ngài ba hôm, được ngài quý trọng vô cùng. Thế mà ta đang làm hại ngài chỉ vì một nữ nhân; hơn thế nữa, ta đang phản bội thân bằng, nếu ta làm hại bậc Trí giả này tức là ta không theo thiện nhân pháp, vậy ta cần gì Long nữ Nāga đã chứ? Ta phải lập tức đem ngài trở lại Indapatta làm cho những khuôn mặt u sầu của dân chúng tại đó được tươi vui và ta sẽ đặt ngài ngồi trên bảo tọa trong thính đường”. Rồi chàng nói to:

- Ta đã ở lại ba ngày trong nhà ngài, ta đã được ngài cung phụng thức ăn thức uống, ngài là bằng hữu của ta, ta sẽ để ngài đi, hỡi bậc Trí giả tối thắng, ngài cứ trở về nhà ngài theo ý nguyện. Ngoài ra những việc liên quan đến dòng giống Long vương đều hủy bỏ, ta không cần gì Long nữ nữa nhờ những lời lẽ chính đáng của ngài, nên ngài được thoát khỏi tai họa do ta giáng xuống hôm nay.

Bậc Ðại Sĩ đáp lại:

- Này thiếu sinh, đừng đưa ta trở lại nhà mà cứ đem ta đến cung Long vương đi.

Rồi ngài ngâm kệ:

51. Chàng hãy đưa ta, hỡi Dạ-xoa,
Ðến thăm nhạc phụ của chàng mà,
Rồi ta sẽ chỉ cho rồng chúa,
Cung điện Long vương thuở đã qua,
Ngài chẳng bao giờ trông thấy được,
Hãy làm việc tốt nhất cho ta.

Punnaka đáp:

52. Bậc Trí không nên để mắt trông,
Những gì không lợi lạc thường nhân,
Tại sao bậc Trí vô song địch,
Ước muốn ra đi giữa địch quân?

Bậc Ðại Sĩ đáp:

53. Quả thật ta đây biết rõ rành,
Trí nhân chỉ để ý điều lành,
Nhưng không phạm tội bao giờ cả,
Sao tử thần ta phải hãi kinh?

- Hơn nữa - ngài tiếp - nhờ bài thuyết Pháp của ta, một kẻ độc ác như chàng đã được điều phục và hồi tâm, nay chàng lại nói: “Ta không cần Long nữ nữa, ngài cứ trở về”. Nên phận sự của ta là phải làm dịu lòng Long vương, cứ đem ta lại đó tức thì.

Nghe vậy, Punnaka ưng thuận đáp:

- Này bậc Trí giả, ngài sẽ cùng ta chiêm ngưỡng thế giới huy hoàng vô song, nơi Long vương ngự trị giữa tiếng đàn ca múa hát chẳng khác nào Thiên vương Vessavana (Tỳ-sa-môn) ở ngự viên Nalinì vậy. Có biết bao đoàn Long nữ xinh tươi với bao trò giải trí suốt sáng thâu đêm, cùng với trăm hoa đua sắc, khiến cung điện sáng rực như ánh chớp giữa không gian. Ðầy đủ sơn hào hải vị, mỹ tửu, ca múa, đàn sáo, các Long nữ với trang phục diễm kiều, cung điện sáng ngời với xiêm y và trân bảo.

*

VII. Vidhura Vào Long Cung

Rồi Punnaka đặt vị đệ nhất thiện nhân của xứ Câu-lâu ngồi đằng sau chàng và mang bậc Hiền trí lỗi lạc ấy đến cung Long vương. Khi đến cung điện huy hoàng vô song ấy, bậc hiền trí đứng sau Punnaka và Long vương nhìn thấy sự hòa hợp giữa hai vị, liền nói với phò mã tương lai như ngài đã nói trước kia:

- Khanh đã lên cõi nhân gian, đi tìm quả tim của bậc Hiền trí. Nay phải chăng khanh đã chiến thắng trở về, mang theo bậc Ðại trí vô song kia?

Punnaka đáp:

- Người mà Ðại vương mong cầu đã đến, đó là bậc bảo hộ tiểu thần trong mọi việc, người mà thần đã chiếm được bằng phương tiện chính đáng. Ðại vương hãy xem ngài thuyết Pháp trước Ðại vương. Diện kiến với thiện nhân sẽ đem lại an lạc.

Long vương ngâm kệ khi thấy bậc Ðại Sĩ:

54. Người này đang đứng ngắm nhìn ta,
Rồng chúa, người chưa thấy trước kia,
Nên hoảng hốt vì lòng sợ chết,
Giờ không thể nói được lời ra,
Với ta, trong lúc đầy kinh hãi,
Ðây chẳng phải người Ðại trí mà!

Trong lúc Long vương có ý nghĩ như vậy và mặc dù vua rồng không nói thẳng ra rằng vua không tôn trọng ngài, ngài vẫn biết, nhờ thượng trí, cách cư xử cao đẹp nhất đối với mọi chúng sinh, nên ngài nói với vua rồng:

55. Thần không sợ, tấu Chúa rồng linh,
Bởi cái chết, thần chẳng hãi kinh,
Nhưng tội nhân không quyền được nói,
Với đao phủ nọ sắp hành hình,
Và ngài cũng chẳng nên đòi hỏi,
Kẻ tội phạm kia đối đáp mình.

Long vương liền ngâm kệ tán thán bậc Ðại Sĩ:

56. Ðúng như ngài nói, hỡi Hiền nhân,
Ngài nói chánh chân: Một tội nhân,
Không quyền nói với người hành quyết,
Người ấy cũng không hỏi tội nhân!

Sau đó bậc Ðại Sĩ ân cần nói với Long vương:

- Cảnh vinh quang, huy hoàng, oai lực cùng dòng dõi Long vương của Đại vương đều phải chịu sinh diệt, chưa phải trường tồn bất biến, thần xin hỏi Ðại vương: Tâu Ðại vương, làm thế nào ngài hưởng được cung điện này? Có phải không do duyên cớ gì cả hoặc do một nhân duyên trước kia phát khởi ra chăng? Có phải do ngài tạo ra hay do chư Thiên ban xuống? Xin hãy giải thích cho thần rõ, tâu Long vương, làm thế nào Ðại vương hưởng được cung điện này?

Long vương đáp lời:

- Chẳng phải không có nguyên nhân gì mà ta hưởng được cảnh này, cũng không phải do một nhân duyên nào trước kia phát khởi ra, cũng không phải do ta tạo hay chư Thiên ban xuống, mà ta hưởng thụ cảnh này do công đức của ta đạt được.

Bậc Ðại Sĩ lại nói:

- Ðại vương phát nguyện ra sao? Và thực hành thánh hạnh như thế nào? Thiện nghiệp nào đã đưa lại phước quả này? Ðó là cảnh vinh quang, huy hoàng, uy lực và dòng dõi Long vương của ngài cùng cung điện này, tâu Long vương.

Long vương đáp lại:

- Ở cõi trần thế, trẫm cùng vương hậu đều rất tín thành và đầy lòng nhân từ: tư thất của trẫm biến thành khách đường. Các Sa-môn, Bà-la-môn được cung phụng ẩm thực linh đình tại đó. Vòng hoa, hương liệu, dầu thơm, đèn đuốc, tọa sàng, tư phòng, y phục, lương thực trẫm đều chuyên tâm cúng dường quảng đại tại đó. Ấy là hạnh nguyện và cách hành trì công đức của trẫm; còn đây là phước quả của công đức ấy: Cảnh vinh quang, huy hoàng, dòng dõi Long vương cùng cung điện này, thưa bậc Trí giả.

Bậc Ðại Sĩ lại bảo:

- Nếu Ðại vương hưởng được cung điện này bằng cách ấy, Ðại vương đã thấu hiểu quả báo của thiện nghiệp và luân hồi sinh tử, vậy thì xin Ðại vương tinh tấn hành trì công đức để đời sau lại tái sinh vào chốn cung đình.

Long vương đáp:

- Không có vị Sa-môn, Bà-la-môn nào đến đây để trẫm cúng dường vật thực, vậy thưa Tôn giả, xin cho trẫm biết điều trẫm đang mong cầu, đó là làm cách nào để trẫm lại có thể tái sinh vào chốn cung đình?

Bậc Ðại Sĩ bảo:

- Có nhiều rồng rắn tái sinh trong chốn này, cùng với quyến thuộc, thê nhi, nô tỳ của chúng, vậy xin Ðại vương đừng sát hại chúng bất kỳ bằng lời nói hay hành động. Xin Ðại vương thực hành thiện pháp trong lời nói cũng như hành động. Thế là Ðại vương sẽ được sống trọn đời trong cung điện này và khi từ trần sẽ lên cõi chư Thiên.

Sau khi nghe Pháp thoại của bậc Ðại Sĩ, Long vương nghĩ thầm: “Bậc Hiền trí này không thể xa nhà quá lâu, vậy ta sẽ đưa ngài đến yết kiến Vimalā cho nàng nghe chân ngôn của ngài, để xoa dịu nỗi ước vọng khát khao của nàng bấy lâu, thế là ta sẽ làm đẹp lòng vua Dhanañjaya và đưa bậc Hiền trí trở về là chuyện rất phải”. Thế rồi ngài nói:

- Vị đệ nhất minh quân quả thật đang ưu sầu vì vắng ngài, vì ngài là cận thần của Ðại vương ấy; một khi ngài đã trở về đó, dù nay đang gặp hoạn nạn, khổ đau, thì người như ngài cũng sẽ chóng tìm được an lạc.

Bậc Ðại Sĩ liền tán thán Long vương:

- Ðại vương thật đã phán lên những lời cao quý của thiện nhân, đó là Chánh pháp tối thượng, chính trong những cơn nguy biến của cuộc đời như thế này, mà đặc tính của những kẻ như tiểu thần mới được sáng tỏ.

Long vương càng thêm hoan hỷ liền ngâm kệ:

57. Chàng chiếm ngài không trả giá sao?
Chàng hơn ngài lúc trổ tài cao?
Chàng tâu thắng cuộc công bình lắm,
Ngài thuộc quyền chàng bởi cách nào?

Bậc Ðại Sĩ đáp:

58. Pun-na-ka thắng cuộc tranh tài,
Với Chúa thượng tôi lúc đánh bài,
Ngài đã tặng tôi vì chiến bại,
Công bằng chàng thắng chẳng gì sai.

Long vương vô cùng hân hoan khi nghe những lời lẽ cao quý của bậc Hiền nhân, liền nắm tay bậc Ðại trí đệ nhất ấy đưa vào diện kiến vương hậu:

- Này Vimalā, vì vị này mà ái khanh đã xanh xao, hao mòn vóc ngọc bấy lâu, cao lương đã mất hương vị dưới mắt khanh, vì trái tim của vầng nhật này mà khanh đã chuốc lấy phiền não bấy lâu, nay hãy nghe lời ngài cho kỹ, khanh sẽ không còn dịp gặp lại ngài nữa đâu.

Khi Vimalā trông thấy bậc đệ nhất Hiền trí, liền chắp tay cung kính và thưa với bậc đệ nhất Hiền trí của xứ Câu-lâu với tất cả lòng hoan hỷ:

59. Người này đang đứng ngắm nhìn ta,
Rồng chúa, người chưa thấy trước kia,
Nên hoảng hốt vì lòng sợ chết,
Giờ không thể nói được lời ra,
Với ta, trong lúc đầy kinh hãi,
Ðây chẳng phải người đại trí mà.

60. Thần không sợ, tâu chúa rồng linh,
Vì cái chết, thần chẳng hãi kinh,
Nhưng tội nhân không quyền được nói,
Với đao phủ nọ sắp hành hình,
Vị này cũng chẳng nên đòi hỏi,
Kẻ tội phạm kia đối đáp mình!

Rồi Long nữ cũng hỏi bậc Hiền trí như Long vương đã hỏi trước đây và câu trả lời của ngài đã làm nàng hoan hỷ như Long vương vậy.

Bậc Hiền trí thấy rằng Long vương cùng Long nữ đều đẹp ý với câu đối đáp của ngài, tâm trí càng kiên cường, chẳng chút sợ hãi liền nói với Long vương:

- Tâu Ðại vương đừng ngại gì, có tiểu thần đây, xin Ðại vương tùy ý sử dụng sinh mạng tiểu thần, thịt da, tim óc tiểu thần ích lợi được việc gì, tiểu thần xin tuân hành, Ðại vương mặc tình định đoạt.

Long vương đáp:

- Trái tim của các bậc Hiền nhân chính là đại trí, hôm nay vương tộc chúng ta được hoan hỷ chính nhờ đại trí của ngài. Vậy chàng thiếu niên có uy danh toàn hảo kia (tức Punnaka) hãy rước công chúa vu quy ngay hôm nay, cùng đưa ngài trở về xứ Câu-lâu.

Nói xong Long vương Varuna trao công chúa Irandatī cho Punnaka khiến chàng vô cùng hoan hỷ liền dốc hết tâm can với bậc Ðại Sĩ.

*

Bậc Ðạo Sư tả lại sự việc như sau:

Punnaka vô cùng hoan hỷ vì đã chinh phục được Long nữ Irandali, tâm hồn chàng đầy hạnh phúc, chàng thưa với bậc đệ nhất thiện nhân xứ Câu-lâu:

61. Ngài đã làm ta được vợ tiên,
Ta mong đền đáp xứng người hiền,
Ta trao ngài ngọc vô song địch,
Và rước ngài về xứ sở liền.

Lúc ấy bậc Ðại Sĩ ngâm kệ khác tán dương chàng :

62. Mong tình đôi lứa chẳng phai tàn,
Do chính lòng hoan hỷ ngập tràn,
Chàng hãy tặng ta viên ngọc quý,
Rồi mang ta trở lại quê hương.

Sau đó Punnaka đặt vị đệ nhất thiện nhân xứ Câu-lâu vào chỗ ngồi trước chàng và đưa bậc Ðại trí tối thượng về thành Indapatta. Chàng phi nhanh còn hơn cả tâm tư con người có thể bay bổng; rồi Punnaka đem vị đệ nhất thiện nhân của dân tộc Câu-lâu về thành Indapatta.

Sau đó chàng nói với ngài:

63. Hãy ngắm thành đô trước mắt ngài:
Phố phường khả ái, các vườn xoài,
Nay ta được vợ tiên như ý,
Ngài trở về nhà thỏa nguyện thôi!

*

VIII. Vidhura Trở Về Nhà

Cùng ngày hôm ấy, đang lúc thủy triều dâng vào sáng sớm, vua nằm mộng thấy ngay tại cung môn có một cây đại thọ, thân cây là trí tuệ, cành lá là công đức và kết quả là năm sản phẩm cao quý của bò cái (sữa tươi, sữa đông, bơ tươi, bơ chín, bơ đặc), với đàn voi ngựa được trang hoàng rực rỡ vây quanh, cùng đám đông dân chúng chắp tay cung kính đảnh lễ cây đại thọ. Bỗng một hắc nhân mặc hồng bào, hoa tai đỏ, cầm khí giới trong tay đến chặt cây tận gốc , mặc cho dân chúng phản đối và y kéo cây đi mất dạng ; xong y lại trở lại trồng cây vào chỗ cũ rồi giã từ. Lúc ấy vua hiểu mộng liền nghĩ thầm: “Bậc Trí giả Vidhura chứ không ai khác chính là cây đại thọ, chàng thiếu niên đem bậc Trí giả đi mất chính là người chặt cây dù cho dân chúng phản đối, vậy chàng sẽ trở lại đặt ngài trước cửa Chánh pháp đường rồi ra đi. Hôm nay ta sẽ được chiêm ngưỡng bậc Trí giả ấy”.

Thế là ngài hoan hỷ ban lệnh cho cả kinh thành trang hoàng rực rỡ, chuẩn bị Chánh pháp đường sẵn sàng cùng bảo tọa trong mái đình dát đầy trân bảo, còn ngài có cả trăm vua vị khác vây quanh cùng đám cận thần, dân chúng từ thành thị đến thôn quê tụ tập lại đó ngài nói lời an ủi họ:

- Các khanh đừng lo gì, các khanh sẽ lại gặp bậc Hiền trí hôm nay.

Ngài cũng ngồi trong Chánh pháp đường, mong đợi bậc Hiền trí trở về. Lát sau Punnaka đem bậc Ðại Sĩ đến đặt giữa đám đông ấy ngay cửa Chánh pháp đường rồi cùng Irandatī trở về thiên giới của chàng.

*

Bậc Ðạo Sư tả cảnh ấy như sau:

Chàng Punnaka dòng dõi cao sang, đặt vị đệ nhất thiện nhân của xứ Câu-lâu giữa đám dân chúng tôn sùng ngài, rồi leo lên thần mã oai phong của chàng bay vút qua không gian. Vua vừa thấy ngài, lòng đầy hoan hỷ, vụt đứng dậy ôm lấy ngài trong tay và không chút ngần ngại đặt ngài lên ngai vàng trước mặt vua ở giữa hội chúng.

Sau khi chào hỏi thân hữu xong, vua đón tiếp ngài ân cần và ngâm kệ:

64. Khanh dẫn chúng ta tựa cỗ xe,
Dân Câu-lâu hỷ lạc tràn trề,
Khi nhìn khanh, trả lời ta rõ,
Sao chàng niên thiếu để khanh về?

Bậc Ðại Sĩ đáp:

65-66. Chàng thiếu niên kia, tấu Ðại vương,
Chàng không phải một kẻ tầm thường,
Hỡi anh hùng, có từng nghe nói,
Ðại lực Pun-na-ka, đại thần,
Của Ðại vương Ða-văn thượng giới?
Có Long vương nọ đại hùng cường,
Va-ru-na ấy là danh tánh,
Ðầy đủ oai phong với lực thần.

67-68. Pun-na-ka ái mộ công nương,
Long nữ I-ran-da nõn nường,
Chàng lập mưu cho thần phải chết,
Chỉ vì kiều nữ chàng yêu thương;
Nay chàng được vợ tiên như ý,
Thần được phép về đến cố hương,
Và bảo ngọc kia thần chiếm được,
Là trân châu xứng Chuyển luân vương.

- Long vương hài lòng lối thần giải đáp vấn đề liên quan đến bốn cứu cánh của con người, nên ban cho thần vinh dự nhận lãnh một viên bảo ngọc. Khi ngài trở về Long cung, vương hậu Vimalā hỏi ngài viên bảo ngọc của ngài để đâu rồi, ngài liền kể lại tài thuyết Pháp của tiểu thần, khiến vương hậu ước ao được nghe Pháp thoại ấy nên giả cách ước muốn trái tim tiểu thần. Long vương không hiểu rõ ước nguyện thật sự của bà, nên bảo Long nữ Irandatī: “Mẫu hậu của con đòi trái tim của Vidhura, vậy con hãy tìm cho được một hiệp sĩ có khả năng đem trái tim ấy về đây”. Trong khi công chúa đi tìm, nàng gặp thần Dạ-xoa Punnaka là cháu của Ðại vương Vessavana. Biết chàng ấy đang yêu nàng say đắm, nên đem chàng về trình phụ vương, ngài liền bảo chàng: “Nếu chàng đủ khả năng đem về cho trẫm trái tim của Vidhura, chàng sẽ chiếm được công chúa”.

Thế rồi chàng Dạ-xoa ấy, sau khi tìm được trên núi Vepulla viên bảo châu của một vị Chuyển luân vương, liền đi đến đây chơi bài súc sắc và chiếm được thần nhờ thắng cuộc và chàng ở lại tư thất tiểu thần ba ngày. Rồi chàng bảo tiểu thần nắm lấy đuôi thần mã của chàng, ném tung tiểu thần lên không qua bao nhiêu cây cối, núi non ở vùng Tuyết Sơn, nhưng không giết được tiểu thần. Chàng liền nổi trận cuồng phong trong đệ thất cảnh giới đầy cuồng phong ấy và tung tiểu thần lên đỉnh Hắc Sơn cao sáu mươi dặm, nơi đây chàng hiện hình sư tử cùng nhiều hình quái vật khác tấn công tiểu thần, nhưng cũng không giết được tiểu thần.

Cuối cùng theo lời thỉnh cầu của chàng, tiểu thần bảo cho chàng biết cách giết được tiểu thần. Kế đó tiểu thần thuyết giáo chàng về thiện nhân pháp; khi nghe xong, chàng vô cùng hoan hỷ nên muốn đem tiểu thần trở về đây. Tiểu thần lại cùng chàng đi đến Long cung, thuyết Pháp cho Long vương cùng vương hậu nghe, cả triều đình Long vương đều thỏa dạ. Sau sáu ngày thần ở lại Long cung, Long vương liền gả công chúa Irandatī cho Punnaka. Chàng thỏa nguyện khi đã chinh phục được nàng nên ban tặng thần nhiều châu báu làm quà. Sau đó Long vương ra lệnh chàng đưa tiểu thần lên thần mã do ý chàng tạo ra, chàng ngồi giữa công chúa ngồi phía sau, chàng đem tiểu thần về đây đặt giữa sân chầu, rồi cùng Irandatī bay về kinh thành của chàng.

Tâu Ðại vương, như vậy là vì mỹ nữ chàng yêu, chàng đã dự định giết tiểu thần để cưới được nàng. Nhưng khi Long vương nghe tiểu thần thuyết Pháp xong, lại hoan hỷ cho phép thần ra về. Và Punnaka lại trao tặng tiểu thần viên bảo châu như ý xúng đáng với một vị Chuyển luân vương, vậy xin Ðại vương nhận lấy bảo châu này.

Nói xong ngài dâng bảo ngọc lên vua. Sáng hôm sau vua muốn thuật lại cho thần dân nghe về giấc mộng của mình, liền kể câu chuyện như sau:

Trước hoàng môn có một cây đại thọ, thân nó là trí tuệ, cành lá là công đức, cây trái phát triển chín muồi theo lẽ tự nhiên, trái của nó là năm sản phẩm của con bò cái, cây được voi ngựa bao phủ chung quanh. Nhưng trong lúc mọi người đang đàn ca múa hát, một người lạ mặt đến chặt cây tận gốc rồi mang đi, sau đó cây lại trở về cung điện này của ta, các ngươi hãy đến chiêm bái cây ấy.

Các ngươi hãy biểu lộ lòng hân hoan của các ngươi vì trẫm bằng hành động, vậy hãy đem thật nhiều tặng vật đến chiêm bái cây này.

Bất cứ tù nhân trong quốc độ của trẫm đều được thả ra hết, cũng như cây này được giải thoát khỏi cảnh giam cầm, mọi người đều được trả tự do.

Dân chúng hãy vui chơi hội hè suốt tháng này, cất hết cày bừa đi, hãy cung phụng các Bà-la-môn đủ thịt và cơm gạo, hãy để các vị ấy uống rượu ở chỗ riêng cho thỏa thích, dù quí vị nào có kiêng rượu hẳn đi nữa cũng cứ rót thật tràn trề. Hãy mời luôn đám thảo khấu và canh phòng quốc độ thật cẩn mật để không ai làm hại láng giềng mình được. Hãy đến chiêm bái cây này.

Khi vua đã ra lệnh như vậy, các cung phi, vương tử, vệ xá, Bà-la-môn liền đem cho bậc Hiền trí thật nhiều thức ăn uống.

Các tượng sư, vệ sĩ, kỵ mã, bộ binh liền đem thức ăn uống cho ngài. Dân chúng khắp thành thị, thôn quê tụ tập lại thành từng đám đem tặng thật nhiều thức ăn uống. Ðám đông hoan hỷ, chiêm ngưỡng bậc Hiền trí sau khi ngài xuất hiện. Khi ngài mới đến, họ vẫy khăn tay và reo vang khúc khải hoàn.

Một tháng sau, hội hè kết thúc. Bậc Ðại Sĩ muốn hoàn thành thiện pháp của một vị Phật, liền thuyết giáo cho dân chúng, khuyên cáo vua và khi mạng chung, ngài được lên thiên giới. Tuân theo lời dạy của ngài cùng theo gương vua, dân chúng xứ Câu-lâu đã cúng dường và thực hành thiện pháp, nên khi mạng chung đều đi lên cộng trú với chư Thiên thật đông đảo.

*

Sau khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Ðạo Sư nói:

- Không phải chỉ ngày nay mà ngay trước kia, Đức Phật khi đã đạt tối thắng trí, liền chứng tỏ tài năng tùy nghi phương tiện với cứu cánh.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy phụ mẫu của bậc Hiền trí chính là vương tộc ngày nay, chánh phi là mẹ của Rāhula (La-hầu-la), vị trưởng tử là La-hầu-la, Long vương Varuna là Sāriputta (Xá-lợi-phất), Kim Sí điểu vương là Moggallāna (Mục-kiền-liên),Thiên chủ Sakka là Anuruddha (A-na-luật-đà), vua Dhanañjaya là Ānanda và bậc Trí giả Vidhura chính là Ta.