(1) I. Thanh Tịnh Thứ Nhất (S.v,307)
1-2) Tại Sāvatthi...
-- Này các Tỷ-kheo, có bốn Thiền này. Thế nào là bốn?
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly các pháp bất thiện, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ.
4) Làm tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhứt tâm.
5) Ly hỷ, trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba.
6) Ðoạn lạc, đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
7) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn Thiền.
8) Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về phương Ðông, hướng về phương Ðông, xuôi về phương Ðông; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bốn Thiền, làm cho sung mãn bốn Thiền, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bốn Thiền như thế nào... xuôi về Niết-bàn?
9) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm tịnh chỉ tầm và tứ... nội tĩnh, nhất tâm... Thiền thứ ba... Thiền thứ tư. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bốn Thiền, làm cho sung mãn bốn Thiền, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.
(2-12) II-XII (S.v,308)
(như Chương Tương Ưng Đạo, Một Pháp Trung Lược II, 92-102, thay Thánh đạo Tám ngành bằng bốn Thiền)