(21) I. Ðạo (S.v,281)

1) Tại Sāvatthi.

2) -- Ngày xưa, trước khi Ta giác ngộ, này các Tỷ-kheo, chưa thành Chánh giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: “Con đường gì, đạo lộ gì để tu tập như ý túc?” Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau:

3) Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành, nghĩ rằng: “Như vậy, dục của Ta sẽ không quá yếu đuối, sẽ không quá hăng say... với tâm chói sáng tu tập tâm”.

4-5) ... tinh tấn định... tâm định...

6) ... tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành, nghĩ rằng: “Như vậy, tư duy của Ta sẽ không quá yếu đuối, sẽ không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, vị ấy trú với tưởng trước sau đồng đẳng. Trước thế nào, thời sau như vậy; sau thế nào, thời trước như vậy. Dưới thế nào, thời trên như vậy; trên thế nào, thời dưới như vậy. Ngày thế nào, thời đêm như vậy; đêm thế nào, thời ngày như vậy”. Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

7) Bốn như ý túc được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hiện thành nhiều thân, nhiều thân hiện thành một thân... có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.

8) Bốn như ý túc được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, Tỷ-kheo do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

9) ... (Sáu thắng trí được thuyết rộng)...

(22) II. Hòn Sắt (S.v,282)

1) Tại Sāvatthi.

2) Rồi Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:

3) -- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có biết làm thế nào với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới với thân do ý làm ra?

-- Ta có biết, này Ānanda, làm thế nào với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới với thân do ý làm ra.

4) -- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có biết làm thế nào với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới, với thân do bốn đại tác thành này?

-- Ta có biết, này Ānanda, làm thế nào với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới, với thân do bốn đại tác thành này.

5) -- Thế Tôn có thể hóa thân (opapāti) với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới với thân do ý làm ra. Thế Tôn có thể rõ biết được với như ý lực, đi đến Phạm thiên giới với thân do bốn đại hợp thành. Như vậy, bạch Thế Tôn, Thế Tôn thật là vi diệu, thật là hy hữu!

-- Thật vậy, này Ānanda, Như Lai thật là vi diệu, này Ānanda, vì Như Lai đầy đủ vi diệu pháp. Như Lai thật hy hữu, này Ānanda, vì Như Lai đầy đủ hy hữu pháp.

6) Khi nào, này Ānanda, Thế Tôn định thân trên tâm và định tâm trên thân, trong khi nhập vào và an trú lạc tưởng và khinh an tưởng trong thân; trong khi ấy, này Ānanda, thân của Như Lai lại càng khinh an hơn, càng nhu nhuyến hơn, càng kham nhận hơn, càng chói sáng hơn.

7) Ví như một hòn sắt (hâm nóng) cả ngày, trở thành nhẹ nhàng hơn, nhu nhuyễn hơn, kham nhận hơn, chói sáng hơn. Cũng vậy, này Ānanda, khi nào Thế Tôn định thân trên tâm hay định tâm trên thân; trong khi nhập vào và an trú lạc tưởng và khinh an tưởng trong thân; trong khi ấy, này Ānanda, thân của Như Lai lại càng khinh an hơn, nhu nhuyễn hơn, càng kham nhận hơn, càng chói sáng hơn.

8) Trong khi, này Ānanda, Thế Tôn định thân trên tâm hay định tâm trên thân, trong khi nhập vào và an trú lạc tưởng và khinh an tưởng trong thân; trong khi ấy, này Ānanda, thân của Như Lai không mệt nhọc, từ đất bay bổng lên hư không, và thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hóa thành nhiều thân, nhiều thân hóa thành một thân... tự thân có thể bay đến Phạm thiên giới.

9) Ví như, này Ānanda, hoa bông gòn hay hoa cỏ bông dại được gió thổi nhẹ, không mệt nhọc, từ đất bay bổng lên hư không. Cũng vậy, này Ānanda, trong khi Thế Tôn định thân trên tâm, hay định tâm trên thân, trong khi nhập vào và an trú lạc tưởng, khinh an tưởng trong thân; trong khi ấy, này Ānanda, thân của Như Lai không có gì mệt nhọc, có thể từ đất bay bổng lên hư không, và thực hiện nhiều loại thần thông: Một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân... tự thân có thể bay đến Phạm thiên giới.

(23) III. Tỷ-kheo (S.v,284)

1) ...

2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn như ý túc này. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như túc câu hữu với dục định tinh cần hành... tinh tấn định... tâm định... tu tập như ý túc câu hữy với tư duy định tinh cần hành. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn như ý túc.

3) Nhờ tu tập, nhờ làm cho sung mãn bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

(24) IV. Thanh Tịnh (S.v,284)

... (Giống như kinh trên 23)...

(25) V. Quả (1) (S.v,285)

1) ...

2)-- Này các Tỷ-kheo, có bốn như ý túc này. Thế nào là bốn?...

3) Tu tập, làm cho sung mãn bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi là một trong hai quả: Ngay hiện tại được chánh trí, hay nếu có dư y, được quả Bất Lai.

(26) VI. Quả (2) (S.v,285)

1) ...

2)-- Này các Tỷ-kheo, có bốn như ý túc này. Thế nào là bốn?...

3) Tu tập, làm cho sung mãn bốn như ý túc này, được chờ đợi bảy quả, bảy lợi ích. Thế nào là bảy quả, bảy lợi ích?...

4) Ngay trong hiện tại, lập tức thành tựu chánh trí; nếu ngay trong hiện tại, không lập tức thành tựu chánh trí, thời khi mạng chung, thành tựu chánh trí; nếu khi mạng chung, không thành tựu chánh trí, thì sau khi diệt năm hạ phần kiết sử, được Trung gian Bát-niết-bàn, được Tổn hại Bát-niết-bàn, được Vô hành Niết-hàn, được Hữu hành Niết-bàn, được chứng Thượng lưu, sanh Cứu cánh thiên.

(27) VII. Ānanda (1) (S.v,285)

1) Nhân duyên ở Sāvatthi.

2) Rồi Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn, sau khi đến... ngồi xuống một bên, Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, thế nào là như ý lực? Thế nào là như ý túc? Thế nào là sự tu tập như ý túc? Thế nào là con đường đưa đến tu tập như ý túc?

(Như trên chương II, kinh 19, từ đoạn số 2 đến đoạn số 6. Nguyên bản trang 276)

(28) VIII. Ānanda (2) (S.v,285)

1) ...

2) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, thế nào là như ý lực? Thế nào là như ý túc? Thế nào là tu tập như ý túc? Thế nào là con đường đưa đến tu tập như ý túc?

(Như trên chương II, kinh 19, từ đoạn số 3 đến đoạn số 6. Nguyên bản trang 276).

(29) IX. Tỷ-Kheo (1) (S.v,287)

1) ...

2) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn... ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, thế nào là như ý lực? Thế nào là như ý túc? Thế nào là tu tập như ý túc? Thế nào là con đường đưa đến tu tập như ý túc?

3-6) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập nhiều loại thần thông: Một thân trở thành nhiều thân... cho đến Phạm thiên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con đường đưa đến như ý túc.

(30) X. Tỷ-Kheo (2) (S.v,287)

(Như kinh trên 28 chỉ khác là ở đây chỉ cho nhiều Tỷ-kheo)

(31) XI. Moggallāna (S.v,288)

1) ...

2) Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

3) -- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, tu tập, làm cho sung mãn những pháp nào, Tỷ-kheo Moggallāna có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy?

-- Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...

4) -- Do tu tập, làm cho sung mãn bốn như ý túc, Tỷ-kheo Moggallāna có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Moggallāna tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành (nghĩ rằng): “Như vậy, dục của ta không quá yếu đuối... với tâm chói sáng, tu tập tâm”.

6-7) ... tinh tấn định... tâm định...

8) ... tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành (nghĩ rằng): “Tư duy của ta sẽ không quá yếu đuối, sẽ không quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài...”. Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.

9) Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn như ý túc này, Tỷ-kheo Moggallāna có đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy.

10) Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn như ý túc này, Tỷ-kheo Moggallāna thực hiện nhiều loại thần thông: Như một thân hiện thành nhiều thân, nhiều thân hiện thành một thân... tự thân có thể bay đến Phạm thiên giới.

11) Do tu tập, làm cho sung mãn bốn như ý túc này, Tỷ-kheo Moggallāna đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

(32) XII. Như Lai (S.v,289)

1) ...

2) Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

(Giống như kinh 31. Chỉ khác, đây là Như Lai)