1. Bấy giờ có Tôn giả Upāli đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Upāli bạch Thế Tôn:
2. - Bạch Thế Tôn, do duyên bao nhiêu mục đích, các học pháp thiết lập cho các đệ tử Như Lai và giới bổn Pātimokkha được tuyên đọc?
- Này Upāli, do duyên mười mục đích, các học pháp được thiết lập cho các đệ tử Như Lai và giới bổn Pātimokkha được tuyên đọc. Thế nào là mười?
3. Ðể tăng chúng được cực thiện, để Tăng chúng được an ổn, để chận đứng các người cứng đầu, để các thiện Tỷ-kheo được sống an ổn, để chế ngự các lậu hoặc ngay trong hiện tại, để chận đứng các lậu hoặc trong tương lai, để đem lại tịnh tín cho những người không tin, để làm tịnh tín tăng trưởng cho những người có lòng tin, để diệu pháp được tồn tại, để luật được chấp nhận.
Do duyên mười mục đích này, này Upāli, các học pháp được thiết lập cho các đệ tử Như Lai, và giới bổn Pātimokkha được tuyên đọc.
4. - Bạch Thế Tôn, có bao nhiêu trường hợp, giới bổn Pātimokkha bị ngưng tuyên đọc?
- Này Upāli, có mười trường hợp, giới bổn Pātimokkha bị ngưng tuyên đọc. Thế nào là mười?
5. Khi có người phạm Ba-la-di tội ngồi trong hội chúng ấy, khi thảo luận về người phạm Ba-la-di tội chưa chấm dứt, khi có người nào chưa thọ cụ túc giới ngồi trong hội chúng ấy, khi thảo luận về người chưa thọ cụ túc giới chưa chấm dứt, khi một người từ bỏ học pháp ngồi xuống trong hội chúng, khi cuộc thảo luận về con người từ bỏ học pháp chưa chấm dứt, khi có người thiếu nam căn còn ngồi trong hội chúng ấy, khi cuộc thảo luận về người thiếu nam căn chưa chấm dứt, khi có người "ô nhục Tỷ-kheo-ni" còn ngồi trong hội chúng ấy, khi cuộc thảo luân về người ô nhục Tỷ-kheo-ni chưa được chấm dứt.
Này Upāli, đây là mười trường hợp giới bổn Pātimokkha bị ngưng tuyên đọc.
1. - Bạch Thế Tôn, một Tỷ-kheo thành tựu bao nhiêu pháp để được làm người đoạn sự viên?
- Này Upāli, một Tỷ-kheo thành tựu mười pháp để được làm người đoạn sự viên. Thế nào là mười?
2. Ở đây, này Upāli, vị Tỷ-kheo giữ giới sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pātimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp, là người nghe nhiều, thọ trì điều đã nghe, cất chứa điều đã nghe. Những pháp nào, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, tán thán Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh, những pháp như vậy, vị ấy được nghe nhiều, được thọ trì, được đọc tụng bằng lời, được quan sát với ý, được khéo léo thể nhập với chánh kiến. Cả hai giới bổn Pātimokkha được khéo truyền đạt một cách rộng rãi, được khéo phân tích, khéo thông hiểu, khéo quyết định theo kinh, theo chi tiết. Vị ấy được khéo an trú trên luật, không có dao động; có khả năng làm cho cả hai phe chống đối thông hiểu, chinh phục họ, làm cho họ thấy, làm cho họ hòa giải với nhau. Vị ấy thiện xảo trong sự sanh khởi và chấm dứt các tránh sự, biết các tránh sự, biết tránh sự sanh khởi, biết tránh sự đoạn diệt, biết con đường đưa đến tránh sự được đoạn diệt.
Thành tựu mười pháp này, này Upāli, Tỷ-kheo được xem là khả năng làm vị đoạn sự viên.
1. - Bạch Thế Tôn, thành tựu bao nhiêu pháp, một Tỷ-kheo có khả năng trao truyền cụ túc giới?
- Thành tựu mười pháp, này Upāli, vị Tỷ-kheo có khả năng trao truyền cụ túc giới. Thế nào là mười?
2. Ở đây, này Upāli, Tỷ-kheo có giới, sống được chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pātimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp, là người nghe nhiều, thọ trì điều đã được nghe, cất chứa điều đã được nghe... khéo thông hiểu, khéo quyết định, theo kinh, theo chi tiết. Vị ấy có khả năng nuôi dưỡng bệnh nhân hay khiến người nuôi dưỡng, có khả năng làm cho tịnh chỉ bất mãn hay khiến tịnh chỉ bất mãn, có khả năng đoạn trừ đúng pháp ác tác khởi lên, có khả năng phân biệt chỉ trích tà kiến khởi lên, có khả năng khích lệ trong tăng thượng giới, có khả năng khích lệ trong tăng thượng tâm, có khả năng khích lệ trong tăng thượng tuệ.
Thành tựu mười pháp này, này Upāli, một Tỷ-kheo có khả năng trao truyền cụ túc giới.
1. - Thành tựu bao nhiêu pháp, bạch Thế Tôn, một Tỷ-kheo có thể trao truyền y chỉ... có khả năng nuôi dưỡng Sa-di?
- Thành tựu mười pháp, này Upāli, này Upāli, một Tỷ-kheo có thể trao truyền y chỉ... có khả năng nuôi dưỡng Sa-di. Thế nào là mười?
2. Ở đây, này Upāli, vị Tỷ-kheo có giới... chấp nhận và học tập trong các học pháp. Là vị nghe nhiều... khéo thể nhập với chánh kiến. Cả hai giới bổn Pātimokkha, khéo truyền đạt một cách rộng rãi, khéo phân tích, khéo thông hiểu, khéo quyết định, theo kinh, theo chi tiết. Vị ấy có khả năng nuôi dưỡng bệnh nhân hay khiến người nuôi dưỡng; có khả năng làm cho tịnh chỉ bất mãn hay khiến người khác tịnh chỉ bất mãn; có khả năng đoạn trừ đúng pháp ác tác khởi lên; có khả năng phân tích chỉ trích tà kiến khởi lên; có khả năng khích lệ trong tăng thượng giới; có khả năng khích lệ trong tăng thượng tâm; có khả năng khích lệ trong tăng thượng tuệ.
Thành tựu mười pháp này, này Upāli, một Tỷ-kheo... có khả năng nuôi dưỡng Sa-di.
1. - Phá hòa hợp tăng, phá hòa hợp tăng, bạch Thế Tôn được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là phá hòa hợp Tăng?
2. - Ở đây, này Upáli, các Tỷ-kheo thuyết phi pháp là pháp; thuyết pháp là phi pháp; thuyết phi luật là luật; thuyết luật là phi luật; thuyết điều Như Lai không nói, không thuyết, là điều Như Lai nói, Như Lai thuyết; thuyết điều Như Lai có nói, có thuyết, là điều Như Lai không nói, không thuyết; thuyết điều Như Lai thường không sở hành là điều Như Lai thường sở hành; thuyết điều Như Lai thường sở hành là điều Như Lai không thường sở hành; thuyết điều Như Lai không chế đặt là điều Như Lai chế đặt; thuyết điều Như Lai có chế đặt là điều Như Lai không có chế đặt.
Chính do mười sự này, họ phá hoại, họ chia rẽ, họ hành bất động yết-ma, họ tuyên đọc giới bổn Pātimokkha khác biệt. Cho đến như vậy, này Upāli, là chúng Tăng bị phá hoại.
1. - Tăng hòa hợp, Tăng hòa hợp. Bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là Tăng hòa hợp?
2. - Ở đây, này Upāli, các Tỷ-kheo thuyết phi pháp là phi pháp; thuyết pháp là pháp; thuyết luật là luật; thuyết phi luật là phi luật; thuyết điều Như Lai không nói, không thuyết, là điều Như Lai không nói, không thuyết; thuyết điều Như Lai có nói, có thuyết là điều Như Lai có nói, có thuyết; thuyết điều Như Lai thường không sở hành là điều Như Lai thường không sở hành; thuyết điều Như Lai thường sở hành là điều Như Lai thường sở hành; thuyết điều Như Lai không chế đặt là điều Như Lai không chế đặt; thuyết điều Như Lai có chế đặt là điều Như Lai có chế đặt.
Với mười sự này, các Tỷ-kheo không phá hoại, các Tỷ-kheo không chia rẽ, các Tỷ-kheo không hành bất động yết-ma, các Tỷ-kheo không tuyên đọc giới bổn Pātimokkha khác biệt. Cho đến như vậy, này Upāli, là Tăng chúng được hòa hợp.
(Tôn giả Ānanda hỏi câu hỏi tương tợ và được câu trả lời tương tợ như kinh 35).
(VIII) (38) Quả Của Phá Hòa Hợp Tăng
1. - Phá hoại Tăng hòa hợp, đem lại kết quả gì?
2. - Này Ānanda, đem lại tội ác kéo dài đến một kiếp.
3. - Bạch Thế Tôn, tội ác gì kéo dài một kiếp?
4. - Này Ānanda, bị nấu trong địa ngục một kiếp.
Kẻ phá hòa hợp Tăng
Bị rơi vào đọa xứ,
Bị rơi vào địa ngục
Kéo dài đến một kiếp;
Ưa thích sự bất hòa,
An trú trên phi pháp,
An ổn các khổ ách,
Lại xa lìa, từ bỏ;
Ai phá sự hòa hợp,
Của Tăng chúng Tỷ-kheo,
Trong một kiếp, người ấy,
Bị địa ngục nung nấu.
(Ānanda hỏi cùng một câu hỏi như ở kinh 36 và được trả lời tương tợ)
(X) (40) Quả Do Hòa Hợp Tăng Ðưa Lại
1. - Bạch Thế Tôn, với chúng Tăng bị phá, làm cho hòa hợp lại, đem đến kết quả gì?
2. - Này Ānanda, đem đến Phạm công đức!
3. - Bạch Thế Tôn, thế nào là Phạm công đức?
4. - Này Ānanda, trong một kiếp, được sống hoan hỷ ở Thiên giới.
Sống an lạc là người,
Làm hòa hợp chúng Tăng;
Sống an lạc là người,
Giúp chúng Tăng hòa hợp;
Ưa thích sự hòa hợp,
An trú trên Chánh pháp.
Ai khiến cho chúng Tăng,
Ðược sống trong hòa hợp,
Trong một kiếp, người ấy
Sống hoan hỷ Thiên giới.