Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Kosambī, tại tịnh xá Ghosita. Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo ở Kosambī sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi. Họ không tự thông cảm nhau, không chấp nhận thông cảm; họ không tự hòa giải, không chấp nhận hòa giải.

Rồi một Tỷ-kheo đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên. Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

-- Ở đây, bạch Thế Tôn, các Tỷ-kheo ở Kosambī sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi. Họ không tự thông cảm nhau, không chấp nhận thông cảm; họ không tự hòa giải nhau, không chấp nhận hòa giải.

Rồi Thế Tôn cho gọi một Tỷ-kheo và bảo như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, hãy đi, và nhân danh Ta, bảo các Tỷ-kheo ấy như sau: “Bậc Ðạo Sư cho gọi chư Tôn giả”.

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đến chỗ các Tỷ-kheo ấy ở. Sau khi đến, liền thưa với các Tỷ-kheo ấy:

-- Bậc Ðạo Sư cho gọi chư Tôn giả.

-- Hiền giả, vâng.

Các Tỷ-kheo vâng đáp Tỷ-kheo ấy, đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo đang ngồi xuống một bên:

-- Này các Tỷ-kheo, có đúng sự thật chăng, các Ông sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi. Và các Ông không tự thông cảm nhau, không chấp nhận thông cảm, không tự hòa giải nhau, không chấp nhận hòa giải?

-- Bạch Thế Tôn, có vậy.

-- Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Trong khi các Ông sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi; trong khi ấy các Ông có an trú từ thân hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng không, các Ông có an trú từ khẩu hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng không, các Ông có an trú từ ý hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng không?

-- Bạch Thế Tôn, không.

-- Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông đã chấp nhận rằng, trong khi các Ông sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi, trong khi ấy, không có an trú từ thân hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng, không có an trú từ khẩu hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng, không có an trú từ ý hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Như vậy, này các kẻ mê mờ kia, do biết gì, do thấy gì, các Ông sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau với những binh khí miệng lưỡi; và các Ông không tự thông cảm nhau, không chấp nhận thông cảm, không tự hòa giải nhau, không chấp nhận hòa giải. Như vậy, này các kẻ mê mờ kia, các Ông sẽ phải chịu bất hạnh, đau khổ trong một thời gian dài.

Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

-- Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến vô tranh luận, hòa hợp, nhất trí. Thế nào là sáu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú từ thân hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú từ khẩu hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú từ ý hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các tài vật nhận được đúng pháp, hợp pháp, cho đến những tài vật thâu nhận chỉ trong bình bát, Tỷ-kheo không phải là người không san sẻ, các tài vật nhận được như vậy, phải là người san sẻ dùng chung với các vị đồng phạm hạnh có giới đức. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các giới luật không có vi phạm, không có tỳ vết, không có vẩn đục, không có uế tạp, giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp trước, đưa đến thiền định, Tỷ-kheo sống thành tựu trong các giới luật ấy với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các tri kiến thuộc về bậc Thánh có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chân chánh diệt tận khổ đau, Tỷ-kheo, sống thành tựu tri kiến như vậy, cùng với các đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

Này các Tỷ-kheo, trong sáu pháp cần phải ghi nhớ này, có một pháp tối thượng, thâu nhiếp tất cả, làm giềng mối cho tất cả, chính là tri kiến này, thuộc về bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chân chánh diệt tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ví như một căn nhà có mái nhọn như ngọn tháp, có một pháp tối thượng, thâu nhiếp tất cả, làm giềng mối cho tất cả, chính là mái nhọn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong sáu pháp cần phải ghi nhớ này, có một pháp tối thượng, thâu nhiếp tất cả, làm giềng mối cho tất cả, chính là tri kiến này, thuộc về bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chân chánh diệt tận khổ đau.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là tri kiến thuộc về bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chân chánh diệt tận khổ đau? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng, hay đi đến dưới gốc cây, hay đi đến chỗ trống vắng và suy nghĩ như sau: “Không biết ta có nội triền nào chưa đoạn trừ không? Do nội triền này nếu tâm ta bị triền phược, thì ta không thể biết như thật, không thể thấy như thật?” Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo bị tham dục triền phược, cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo bị sân triền phược, cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo bị hôn trầm thụy miên triền phược, cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo bị trạo hối triền phược, cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo bị nghi triền phược, cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có tâm bị thế sự đời này ràng buộc, cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có tâm bị thế sự đời sau ràng buộc, cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược. Tỷ-kheo sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau với những binh khí miệng lưỡi, cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược.

Vị ấy biết rõ như sau: “Ta không có nội triền chưa được đoạn trừ, do nội triền này nếu tâm ta bị triền phược, ta không thể biết như thật, không thể thấy như thật. Ý của ta được khéo hướng đến sự giác ngộ các sự thật”. Ðó là trí thứ nhất mà vị này chứng được, thuộc các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không thể cọng chứng.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Trong khi ta thực tập, tu tập, luyện tập nhiều lần tri kiến này; ta tự đạt được tịch chỉ, ta tự đạt được tịnh chỉ”. Vị này biết rõ như sau: “Trong khi ta thực tập, tu tập, luyện tập nhiều lần tri kiến này; ta tự đạt được tịch chỉ, ta tự đạt được tịch chỉ”. Ðó là trí thứ hai mà vị này chứng được, thuộc các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không thể cọng chứng.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Tri kiến như ta đã thành tựu có thể có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào ngoài tổ chức này, thành tựu tri kiến như vậy không?” Vị ấy hiểu rõ như sau: “Tri kiến như ta đã thành tựu không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác, ngoài tổ chức này, thành tựu tri kiến như vậy”. Ðó là tri thứ ba mà vị này chứng được, thuộc các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không thể cọng chứng.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Pháp tánh (Dhammatā) mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, pháp tánh như vậy ta có thành tựu hay không?” Và này các Tỷ-kheo, pháp tánh ấy là gì mà một vị chứng được tri kiến thành tựu? Ðây là pháp tánh, này các Tỷ-kheo, mà một vị chứng được tri kiến thành tựu. Bất cứ giới tội nào vị này vi phạm, giới tội ấy liền được xuất tội. Vị này lập tức phát lộ, tỏ bày, trình bày trước bậc Ðạo Sư hay trước các vị đồng phạm hạnh có trí. Sau khi phát lộ, tỏ bày, trình bày, vị ấy phòng hộ gìn giữ trong tương lai. Này các Tỷ-kheo, ví như một đứa trẻ con, ngây thơ, nằm ngửa, lập tức rút lui tay hay chân nếu tay hay chân của nó chạm phải than đỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đây là pháp tánh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu. Bất cứ giới tội nào vị này vi phạm, giới tội ấy liền được xuất tội. Vị này lập tức phát lộ, tỏ bày, trình bày trước bậc Ðạo Sư hay trước các vị đồng phạm hạnh có trí. Sau khi phát lộ, tỏ bày, trình bày, vị ấy phòng hộ gìn giữ trong tương lai. Vị ấy biết rõ như sau: “Pháp tánh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, pháp tánh như vậy ta có thành tựu”. Như vậy là trí thứ tư mà vị này chứng được, thuộc các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không thể cọng chứng.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Pháp tánh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, pháp tánh như vậy ta có thành tựu hay không?” Và này các Tỷ-kheo, pháp tánh ấy là gì mà một vị chứng được tri kiến thành tựu? Ðây là pháp tánh, này các Tỷ-kheo, mà một vị chứng được tri kiến thành tựu. Bất luận sự việc cần phải làm dầu lớn nhỏ gì, giúp cho các vị đồng phạm hạnh; vị này nỗ lực thực hiện, nhưng tha thiết hướng đến tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Này các Tỷ-kheo, ví như con bò có các con bê, khi đang nhổ lùm cỏ lên (ăn), vẫn coi chừng con bê. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đây là pháp tánh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu. Bất luận sự việc cần phải làm dầu lớn nhỏ gì, giúp cho các vị đồng phạm hạnh; vị này nỗ lực thực hiện, nhưng tha thiết hướng đến tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Vị này biết rõ như sau: “Pháp tánh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, pháp tánh như vậy ta có thành tựu”. Như vậy là trí thứ năm mà vị này chứng được, thuộc các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không thể cọng chứng.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Sức mạnh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, sức mạnh như vậy ta có thành tựu hay không?” Và này các Tỷ-kheo, sức mạnh ấy là gì mà một vị chứng được tri kiến thành tựu? Ðây là sức mạnh, này các Tỷ-kheo, một vị chứng được tri kiến thành tựu. Trong khi Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết được giảng dạy, sau khi chú tâm chú ý, chuyên chú toàn tâm trí, vị này lóng tai nghe Pháp. Vị này biết rõ như sau: “Sức mạnh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, sức mạnh như vậy ta có thành tựu”. Như vậy là trí thứ sáu mà vị này chứng được, thuộc các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không có thể cọng chứng.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Sức mạnh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, sức mạnh như vậy ta có thành tựu hay không?” Và này các Tỷ-kheo, sức mạnh ấy là gì mà một vị chứng được tri kiến thành tựu? Ðây là sức mạnh, này các Tỷ-kheo, mà một vị chứng được tri kiến thành tựu. Trong khi Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết được giảng dạy, vị này chứng được nghĩa tín thọ (atthaveda), Pháp tín thọ (Dhammaveda), và sự hân hoan tương ứng với pháp; vị này hiểu rõ như sau: “Sức mạnh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, sức mạnh như vậy ta có thành tựu”. Như vậy là trí thứ bảy mà vị này chứng được, thuộc các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không thể cọng chứng.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, pháp tánh được khéo an trú đối với vị Thánh đệ tử thành tựu bảy chi này để chứng được quả Dự Lưu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu bảy chi này tức là đã thành tựu Dự Lưu quả.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.