310. Chuyện Vị Quốc Sư Sayha (Tiền thân Sayha)

Trên đời chẳng ngai vàng, vương quốc...,

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo thối thất.

Tỷ-kheo này trong khi đi khất thực ở Xá-vệ, đã trông thấy một phụ nữ đẹp, rồi từ đó trở nên buồn chán và mất hết an lạc trong Ðạo pháp. Các Tỷ-kheo đưa ông ra trước đức Thế Tôn. Ngài dạy:

- Này Tỷ-kheo, Ta nghe nói ông cứ buồn chán, có thật thế không?

Ông thú thật quả như thế. Sau khi biết được lý do buồn chán của ông, bậc Ðạo Sư dạy:

- Này Tỷ-kheo, tại sao ông lại khao khát cuộc đời sau khi đã thọ trì giới luật của một Giáo pháp dưa đến Giải thoát? Các trí giả ngày xưa, khi được ban vinh dự làm giáo sĩ hoàng gia, đã từ bỏ chức vị ấy và sống đời khổ hạnh.

Rồi Ngài kể cho các Tỷ-kheo nghe một chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát nhập mẫu thai bà vợ một Bà-la-môn giáo sĩ của hoàng gia và ra đời cùng một ngày với thái tử con vua. Khi vua hỏi các quan rằng có đứa trẻ nào sinh cùng ngày với thái tử không thì họ bảo:

- Tâu Ðại vương có, đó là một đứa con của giáo sĩ hoàng gia.

Thế là vua truyền mang Bồ-tát đến giao cho các nhũ mẫu săn sóc cẩn thận cùng với thái tử ấu thơ kia. Cả hai cùng có đồ trang sức, cùng ăn, cùng uống các thứ như nhau. Khi lớn lên, họ cùng đến học ở Takkasìla và chẳng bao lâu đều thành đạt mọi khoa học rồi trở về.

Vua phong cho con làm phó vương và ban danh dự lớn lao cho Bồ-tát. Từ đó Bồ-tát cùng ăn, cùng uống, cùng sống với thái tử. Giữa hai người nảy nở một tình bằng hữu vững bền. Ít lâu sau, vua cha mất, thái tử lên nối ngôi và hưởng phú quí khôn cùng. Bồ-tát tự nghĩ: “Giờ đây bạn ta trị vì vương quốc; khi có dịp thích đáng thế nào ông cũng phong cho ta ngôi vị giáo sĩ hoàng gia. Ta phải làm gì với cuộc đời của một gia trưởng đây? Ta muốn trở thành một nhà tu khổ hạnh, dấn thân vào đời độc cư”.

Vì thế, ngài đến đảnh lễ cha mẹ, xin được chấp trì giới hạnh. Ngài chối bỏ mọi của cải của trần gian và từ đó xuất gia một mình đi vào vùng Tuyết Sơn. Tại đó, trên một khoảnh đất thích hợp, ngài tự dựng một túp lều sống đời Phạm hạnh của một ẩn sĩ, ngài phát huy các thắng trí và các Thiền chứng và hưởng an lạc của cuộc sống huyền nhiệm.

Bấy giờ, vua nhớ đến ngài và bảo:

- Không biết bạn ta thế nào rồi nhỉ? Sao không hề thấy ông ta đâu cả?

Các cận thần bảo rằng ngài đã chấp trì giới hạnh và nghe nói ngài đang sống trong một khu rừng tịnh lạc nào đó. Vua hỏi trú xứ của ngài và bảo một quốc sư tên Sayha:

- Hãy đi mang bạn ta về đây. Ta sẽ phong cho ông ấy làm giáo sĩ của ta.

Sayha sẵn sàng tuân lệnh. Từ Ba-la-nại ông đi mãi đến một làng ở biên địa và trú ở đó, rồi cùng với vài người kiểm lâm đến nơi Bồ-tát ở. Ông thấy Bồ-tát ngồi như một bức tượng vàng trước túp lều của ngài. Sau khi chào hỏi, cung chúc theo thường lệ, ông ngồi xuống, cách một khoảng để tỏ lòng kính cẩn, và bảo:

- Thưa Tôn giả, đức vua muốn ngài quay trở về vì đang nóng lòng phong ngài lên ngôi vị giáo sĩ của hoàng gia.

Bồ-tát trả lời:

- Nếu ngoài chức giáo sĩ ra, ta còn được trao thêm cả nước Kāsī và Kosalā, cả vương quốc Ấn Ðộ, cả sự vinh quang của một đế quốc hoàn vũ, ta cũng không chấp nhận đâu. Bậc trí giả không mang lấy những tội lỗi mà họ đã từng từ bỏ cũng giống như họ không nuốt cục đàm mà họ đã khạc lên.

Ðoạn ngài đọc các bài kệ sau:

Trên đời chẳng ngai vàng, vương quốc
Chiếm lòng ta, gây nhục ta nào!
Xấu thay, danh lợi mong cầu
Ðưa người vào cảnh khổ đau ngập tràn.

Kiếp không nhà lang thang đây đó,
Cầm bát xin nhà nọ nhà kia,
Hơn làm vua, tạo phiền hà,
Trị vì độc đoán theo đà ác tham.

Mặc dù Sayha cứ năn nỉ mãi, Bồ-tát cũng không chấp nhận yêu cầu của ông ta. Không thể nào khuyên nhủ được Bồ-tát, Sayha đành tạ từ quay về trình vua là ngài từ chối trở lại.

*

Khi bậc Ðạo Sư kể xong Pháp thoại này, Ngài tuyên thuyết Tứ Ðế. Khi kết thúc Tứ Ðế, Tỷ-kheo thối thất kia đắc quả Dự Lưu, và nhiều Tỷ-kheo khác cũng đạt các quả vị như thế. Thế rồi bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ Ānanda là vị vua, Xá-lợi-phất là Sayha, còn Ta là vị giáo sĩ hoàng gia.

311. Chuyện Cây Nimbo (Tiền thân Pucimanda)

Anh trộm, dậy đi thôi...,

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Trúc Lâm về Tôn giả Mục-kiền-liên (Moggallāna).

Bấy giờ Trưởng lão Mục-kiền-liên đang sống tại một túp lều trong khu vườn gần thành Vương Xá. Một tên trộm kia, sau khi bẻ khóa vào một nhà tại một ngôi làng ở ngoại ô, đã chạy thoát đi, mang theo đầy các đồ vật trộm được. Khi chạy đến địa phận trú xứ của Trưởng lão, nó nghĩ rằng thế là thoát được rồi, bèn nằm xuống tại lối vào túp lều lá của Tôn giả. Trưởng lão thấy nó nằm đó liền nghi ngờ ngay tư cách của nó và tự nhủ: “Nếu ta dính líu đến một tên trộm thì sẽ phiền cho ta lắm. Vì vậy, Tôn giả bước ra khỏi lều, bảo tên trộm đừng nằm đó và đuổi nó đi”.

Tên trộm nhanh như cắt vụt chạy trốn đi. Mọi người đuốc trên tay, theo sát tên trộm mà đuổi, đến nơi họ nhìn thấy các chỗ đất ghi dấu vết tên trộm và nói:

- Nó đến đây theo lối này, nó đã đứng nơi đây. Nó không còn ở đây nữa đâu!

Thế là họ đổ xô đến chỗ này chỗ nọ và cuối cùng đành quay về vì không tìm thấy tên trộm.

Sáng hôm sau, Trưởng lão đi khất thực ở Vương Xá và khi trở về, Tôn giả ghé đến Trúc Lâm và kể cho bậc Ðạo Sư sự việc đã xảy ra. Bậc Ðạo Sư dạy:

- Này Mục-kiền-liên, ông không phải là người độc nhất đã nghi ngờ trong một trường hợp nghi ngờ là phải. Các trí giả ngày xưa cũng đã nghi ngờ theo cách như thế.

Rồi do yêu cầu của Trưởng lão, bậc Ðạo Sư kể một chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát ra đời là một Thần cây Nimbo trong một khu rừng nghĩa địa của thành phố.

Bấy giờ, một tên trộm vừa phạm tội trộm trong một xóm lẻ kia trong thành phố rồi chạy vào khu rừng nghĩa địa, nơi đây có một cây Nimbo (cây có trái làm dầu thơm) và một cây Ða đều đã già cỗi mọc cạnh nhau. Tên trộm đặt các đồ vật dưới gốc cây Nimbo rồi nằm xuống đó. Vào thời ấy, bọn trộm cướp bị bắt đều bị xử xiên người treo trên một cành cây Nimbo. Vì thế, Thần cây Nimbo tự nghĩ: “Nếu người ta đến đây và bắt tên trộm này, họ sẽ chặt một cành cây Nimbo này để làm cái gậy mà xiên người nó. Thế là cây sẽ bị hủy hoại. Vậy ta cần phải đuổi anh bạn này đi”.

Thần bèn đọc bài kệ đầu để nói với tên trộm:

Anh trộm, dậy đi thôi,
Ngủ chi, gấp lắm rồi,
Người của vua sắp đến,
Tội anh họ quyết đòi.

Thần lại còn nói thêm:

- Chạy đi kẻo người của vua đến bắt anh bây giờ!

Thế rồi Thần đuổi tên trộm đi. Tên trộm vừa chạy trốn đi thì Thần cây Ða đọc bài kệ thứ hai:

Tên trộm táo gan ấy
Bị bắt hay thoát đi,
Thần cây Nimbo xin hỏi:
Với ngài, đâu khác chi?

Thần cây Nimbo nghe thế liền đọc bài kệ thứ ba:

Ngài đâu biết ta lo thầm kín:
Quân nhà vua sẽ đến nơi đây,
Bắt tên trộm, chặt cành cây
Phạt xiên tội phạm cây này còn chi!

Trong lúc hai vị Thần trong rừng đang nói chuyện với nhau thì những người chủ gia sản, tay cầm đuốc theo dấu tên trộm đã đến nơi, họ nhìn thấy chỗ tên trộm đã nằm và nói:

- Xem kia, tên trộm vừa thức dậy rồi chạy trốn ngay từ chỗ này. Chúng ta chưa tóm được nó đấy, chứ nếu tóm được thì chúng ta sẽ quay trở lại đây, xiên người nó dưới gốc cây Nimbo này hoặc treo nó trên một trong những nhánh cây này.

Nói xong họ đổ xô vào chỗ này chỗ nọ nhưng vẫn không tìm ra tên trộm, họ liền bỏ đi.

Nghe mọi người bàn tán như trên, Thần cây Nimbo đọc bài kệ thứ tư:

Mối nguy chưa thấy, vẫn lo ngay,
Cân nhắc so đo kẻo muộn thay.
Kẻ trí bao giờ trong hiện tại
Cũng nhìn tình trạng của tương lai.

*

Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ, Xá-lợi-phất là Thần cây Ða và Ta là thần cây Nimbo ấy.

312. Chuyện Ẩn Sĩ Kassapa Chậm Trễ (Tiền thân Kassapamandiya)

Trẻ khờ dại có điều sai trái...,

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo lớn tuổi.

Tương truyền một nhà quí phái trẻ tuổi ở Xá-vệ thấy hậu quả xấu xa của các tham vọng tội lỗi, được bậc Ðạo Sư cho nhập Giáo đoàn, và do tinh tấn tu tập pháp môn thiền quán, chẳng bao lâu đạt Thánh quả. Về sau, khi mẹ mất, ông đưa cha và em trai vào Giáo hội và cả ba người cùng trú tại Kỳ Viên.

Khi mùa mưa bắt đầu; nghe nói tại một trú xứ trong làng kia họ có thể được cúng dường pháp y dễ dàng, cả ba người đều đến đó nhập hạ và sau khi mùa kiết hạ chấm dứt, họ về thẳng Kỳ Viên, vị Tỷ-kheo trẻ bảo chú tiểu yên lặng đưa vị Tỷ-kheo già đi, còn chính ông đi nhanh trước để đến Kỳ Viên sửa soạn phòng xá. Vị Tỷ-kheo già đi thực chậm, chú tiểu cứ thúc đầu vào, dùng sức kéo thầy đi và la lên:

- Nhanh lên thầy!

Tỷ-kheo già nói:

- Người cứ ép ta mà kéo ta đi tới trong khi ta không muốn đi như thế.

Rồi ông quay lại, bắt đầu đi từ khởi điểm. Họ cứ cãi nhau như thế. Mặt trời đã lặn và bóng tối đã kéo tới. Vị Tỷ-kheo trẻ sau khi quét tước lều, đổ nước đầy các bình vẫn chưa thấy họ đến, liền cầm đuốc đi tìm. Khi gặp họ, ông hỏi vì sao họ chậm trễ như vậy. Vị Tỷ-kheo già cho biết lý do. Ông bảo họ nghỉ rồi chậm rãi đưa họ đi tiếp. Thế là hôm ấy, ông không có thì giờ để đến tham bái Đức Phật. Vì thế, hôm sau, khi ông đến tham bái Đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi vào chỗ xong, bậc Ðạo Sư hỏi:

- Ông về đến lúc nào?

- Bạch Ngài, hôm qua.

- Ông về đến từ hôm qua mà hôm nay mới đến tham bái Ta ư?

- Bạch Ngài, vâng.

Trả lời như thế xong, ông kể lại lý do. Bậc Ðạo Sư quở trách vị Tỷ-kheo lớn tuổi kia:

- Không phải chỉ bây giờ ông ấy mới làm như thế. Ngày xưa ông ấy cũng đã làm thế rồi. Giờ đây chính ông bị ông ấy làm phiền. Ngày xưa ông ấy đã làm phiền các trí giả.

Rồi do yêu cầu của vị Tỷ-kheo ấy, Ngài kể một chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn, tại một thành phố ở nước Kāsī. Khi ngài lớn lên thì mẹ ngài mất. Sau khi thực hiện các nghi thức tang lễ, ngài đem bố thí hết tất cả tiền bạc trong nhà, ngài mặc quần áo cũ rách xin của người khác, mang cha và em trai đi sống cuộc đời đạo hạnh của một ẩn sĩ tại vùng Tuyết Sơn. Tại đó, ngài trú trong một khu rừng an lạc và sống qua ngày bằng cách mót lượm, ăn rễ cây, trái rừng.

Bấy giờ, ở vùng Tuyết Sơn, suốt trong mùa mưa, mưa rơi không dứt. Không thể đào bới củ, rễ, không thể hái lượm trái rừng gì được cả và lá bắt đầu rụng đi, các nhà tu khổ hạnh phần lớn đều phải rời bỏ dãy Tuyết Sơn và tìm đến trú tại nơi có người ở.

Bồ-tát cũng thế, ngài cùng cha và em trai dời về sống nơi có người ở, và khi vùng Tuyết Sơn bắt đầu ra hoa, kết trái trở lại thì ngài cùng cha và em quay về chỗ ẩn dật của mình trong dãy Tuyết Sơn. Khi họ còn cách lều không xa thì trời chiều, ngài rời họ và nói:

- Cha và em cứ thủng thẳng mà đi. Con phải về trước để lo sắp xếp các thứ trong chỗ ở của chúng ta.

Vị ẩn sĩ trẻ kia cứ thấy cha tiếp tục đi thật chậm, liền thúc đầu vào hông cha. Người cha nói:

- Ta không thích cái lối ngươi đưa ta về nhà như thế đâu!

Rồi ông quay trở lại và bắt đầu đi từ chỗ hồi nãy. Họ cứ tranh cãi như thế và trời đã tối đen. Bồ-tát quét lều, xách nước xong, liền cầm một cây đuốc và quay lại tìm. Khi gặp cha và em, ngài hỏi tại sao họ quá chậm trễ như thế. Người em liền kể lại việc cha đã làm. Nhưng Bồ-tát vẫn yên lặng đưa họ về nhà.

Sau khi đã cất chứa các vật dụng cần thiết của người tu sĩ, ngài đưa cha đi tắm, rửa và xức dầu thơm vào hai bàn chân cha, chà tẩy lưng cha. Rồi ngài đem ra một chảo than hồng và khi cha ngài khỏe khoắn trở lại, ngài ngồi bên cạnh cha và bảo:

- Thưa cha, bọn trẻ cũng giống như cái bình lọ bằng đất, chẳng mấy chốc là vỡ ngay và khi đã vỡ thì không thể nào chắp gắn lại được. Người già nên kiên nhẫn chịu đựng chúng khi chúng có điều sai quấy.

Và để khuyến dụ cha ngài tên là Kassapa, ngài đọc hai bài kệ sau đây:

Nếu trẻ dại nói làm sai trái,
Phần người khôn nhẫn nại bền lòng
Người hiền tranh cãi chóng xong,
Kẻ rồ tan vỡ như hòn đất khô.

Kẻ cầu học biết cho mình lỗi,
Chẳng hề phai, tỏ mối thân tình,
Như mang gánh của em anh,
Và làm nhẹ bớt xung quanh láng giềng.

Bồ-tát khuyên cha như vậy. Và từ đó trở đi ngài luôn luôn giữ mình trong giới hạnh.

*

Kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ, vị Tỷ-kheo lớn tuổi này là người cha ẩn sĩ, chú tiểu là chú bé ẩn sĩ, còn Ta là người con đã khuyến dụ cha mình.

313. Chuyện Đạo Lý Kham Nhẫn (Tiền thân Khantivādi)

Kẻ nào xẻo mũi, cắt tai...,

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo nóng giận.

Các tình tiết của câu chuyện đã được tả trước đây. Bậc Ðạo Sư bảo Tỷ-kheo ấy:

- Ông đã chấp trì giới luật theo Giáo pháp Đức Phật, người chẳng hề biết nóng giận là gì, thế mà sao ông lại tỏ ra nóng giận? Các trí giả ngày xưa nghĩ rằng họ phải chịu trăm ngàn đau đớn, bị chặt chân tay, bị cắt tai, mũi vẫn không hề tỏ ra nóng giận người khác.

Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa, khi một ông vua Kāsī trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn, thừa hưởng gia tài tám trăm triệu đồng. Bấy giờ, ngài là một thiếu niên tên Kundaka-Kumāra. Khi lớn lên, ngài thành tựu mọi kiến thức về các ngành khoa học tại Takkasìla và sau đó trở thành một gia trưởng.

Khi cha mẹ mất đi, ngài nhìn đống tiền bạc và tự nghĩ: “Những người thân của ta đã tích nên tài sản này rồi lại ra đi mà chẳng mang theo được. Giờ đây, ta lại sở hữu tài sản này và lại đến lượt ta ra đi.” Thế rồi ngài cẩn thận chọn những người có đức bố thí xứng đáng và cho họ hết tất cả tài sản rồi ngài vào vùng Tuyết Sơn tu khổ hạnh. Ngài trú ở đó một thời gian lâu, sống bằng trái cây rừng. Sau đó ngài xuống các nơi có người ở để kiếm muối và dấm và đi lần đến Ba-la-nại, tại đó, ngài trú trong vườn cây của vua.

Ngày hôm sau, ngài đi khất thực trong thành phố và đến cửa nhà quan đại tướng. Vị quan này rất bằng lòng trước phong thái đặc biệt của vị ẩn sĩ liền mời ngài vào nhà, dâng ngài các thức ăn dành riêng cho chính ông. Sau đó, ông đưa ngài trở lại trú xứ của ngài trong vườn cây của vua.

Một hôm, vua Kalābu bị khích động vì rượu mạnh, đến vườn cây với đầy đủ mọi nghi trượng xa hoa, bao quanh ông là một đám vũ công. Ông cho đặt vương sàng tại đó và nằm gối đầu trên đùi một ái phi trong khi các nghệ nữ thiện xảo về đàn sáo nhảy múa trình diễn. Cả một khung cảnh thật là tráng lệ chẳng khác cảnh của Thiên chủ Ðế Thích, vua cõi trời! Rồi nhà vua ngủ thiếp đi. Các phụ nữ kia bảo:

- Chính vì đức vua mà chúng ta tấu nhạc, nay ngài đã ngủ rồi. Chúng ta cần chi phải đàn hát nữa?

Rồi họ ném bỏ đàn sáo đó đây, đi vào vườn cây và mải mê vui chơi với cây trái, bông hoa trong vườn.

Bấy giờ, Bồ-tát đang ở trong vuờn này dũng mãnh như một vương tượng. Ngài ngồi dưới gốc một cây Sāla đang nở hoa, hưởng hạnh phúc tối đa của kẻ từ bỏ thế tục. Các phụ nữ kia trong khi lang thang trong vườn, đến chỗ Bồ-tát ngồi. Họ bảo với nhau:

- Này các chị ơi, lại đây, chúng ta hãy ngồi xuống nghe vị tu sĩ đang ngồi dưới gốc cây này thuyết giảng cho đến khi đức vua thức dậy.

Họ đến chào ngài rồi ngồi vòng quanh ngài và nói:

- Xin giảng cho chúng tôi những điều đáng nghe.

Bồ-tát giảng đạo lý cho họ. Trong khi ấy, nàng vương phi sủng ái kia trăn trở thân mình làm vua thức dậy. Không thấy các phụ nữ kia đâu, vua hỏi:

- Bọn tiện tỳ ấy đi đâu cả rồi?

Nàng ái phi đáp:

- Tâu Ðại vương, họ bỏ đi và đang ngồi quanh một nhà tu khổ hạnh.

Nhà vua cầm kiếm vội vã ra đi và nói:

- Ta sẽ cho tên ẩn sĩ giả hiệu kia một bài học.

Những người được vua sủng ái nhất trong đám phụ nữ kia thấy vua giận dữ liền đến nắm lấy kiếm của vua xin vua bớt giận. Vua bước tới đứng bên cạnh Bồ-tát và hỏi:

- Này, nhà tu kia, ông giảng đạo lý gì thế?

Ngài đáp:

- Tâu Bệ hạ, tôi giảng về đạo lý kham nhẫn.

Vua hỏi:

- Kham nhẫn là gì?

- Là không giận hờn khi người ta rầy la, đánh đập, mắng chửi mình.

Vua bảo:

- Ðược rồi, ta sẽ xem đức kham nhẫn của ông thực sự như thế nào.

Rồi vua cho gọi quan hành hình lại. Ông này đang đi hành sự, cầm một cái rìu và một cái roi gai, mặc áo vàng, mang một tràng hoa đỏ. Ông đến chào vua và thưa:

- Tâu Ðại vương, tôi phải làm gì để vừa lòng ngài?

Vua phán:

- Tóm lấy và lôi cổ tên thầy tu xảo quyệt đê tiện ấy đi, ném nó xuống đất, dùng roi gai mà đánh nó đằng trước, đằng sau và cả hai bên, quất cho nó hai ngàn roi.

Lệnh ấy được thi hành. Da trong, da ngoài của Bồ-tát bị xé rách tới thịt, máu tuôn xối xả. Vua lại hỏi:

- Này thầy tu kia, ông dạy đạo lý gì?

- Tâu Ðại vương, đức kham nhẫn - Bồ-tát đáp.

- Ngài tưởng rằng đức kham nhẫn của tôi chỉ nằm dưới da; không phải thế đâu, nó nằm bên trong tim tôi, ngài không thể trông thấy được đâu.

Viên quan hành hình lại hỏi vua:

- Tâu Ðại vương, tôi phải làm gì để vừa lòng ngài?

Vua nói:

- Hãy cắt đứt hai bàn tay của tên thầy tu giả hiệu ấy đi.

Thế là người kia xách rìu, đặt tội nhân vào bên trong vành tử tội rồi chặt đứt cả hai bàn tay Bồ-tát. Vua lại nói:

- Chặt hai bàn chân luôn.

Thế là hai bàn chân của ngài cũng bị chặt đứt. Máu vọt từ đầu các bàn tay chân như nước tuôn từ một cái bình thủng. Vua lại hỏi ngài thuyết giảng đạo lý gì. Ngài đáp:

- Tâu Chúa thượng, đức kham nhẫn. Tâu Ðại vương, ngài tưởng rằng đức kham nhẫn của tôi nằm tại các đầu bàn tay, bàn chân, thực không phải ở đó đâu, nó nằm ở nơi khác nữa kìa.

Vua nói:

- Hãy xẻo mũi và tai nó đi.

Viên quan hành hình làm theo như thế. Toàn thân Bồ-tát bây giờ nhuốm đầy máu. Vua lại hỏi đến đạo lý của ngài. Vị ẩn sĩ nói:

- Ngài chớ tưởng rằng đức kham nhẫn của tôi nằm ở chóp mũi và chóp tai của tôi; đức kham nhẫn của tôi nằm sâu trong tim tôi kia.

Vua nói:

- Tên thầy tu giả mạo kia, nằm xuống đi rồi hãy ca ngợi đức kham nhẫn của ngươi.

Nói thế xong, vua dẫm lên ngực, chỗ phía trái tim của Bồ-tát, rồi bỏ đi.

Khi vua đã đi rồi, vị đại tướng kia đến lau chùi máu trên thân thể của Bồ-tát, băng bó các đầu bàn tay, bàn chân, tai mũi ngài và nhẹ nhàng đặt ngài ngồi vào một chỗ, đảnh lễ ngài rồi ngồi xuống một bên. Ông bảo:

- Kính thưa Tôn giả, nếu ngài có giận hờn kẻ gây tội ác với ngài thì xin ngài hãy giận hờn đức vua, chớ đừng có giận hờn một ai khác.

Ông yêu cầu Bồ-tát qua bài kệ đầu:

Kẻ nào xéo mũi, cắt tai,
Cùng là chặt đứt của ngài tay chân.
Xin hờn kẻ ấy riêng phần,
Tâm hồn oanh liệt, xin đừng hờn chung!

Bồ-tát nghe thế liền đọc bài kệ thứ hai:

Mong vua vẫn được mạng trường,
Tay hung hủy hoại chẳng thương thân này,
Nhưng lòng thanh tịnh, ta đây,
Chẳng hề căm giận kẻ gây ác nào!

Khi vua rời khỏi vườn cây và ngay lúc ông vừa ra khỏi tầm nhìn của Bồ-tát, vùng đất kiên cố, dày hai trăm bốn mươi ngàn dặm bỗng nứt ra làm hai, lửa từ ngục A-tỳ (Avīci: Vô gián Ðịa ngục) vọt lên ập tới vua, trùm cả người ông như chiếc long bào hổ hoàng. Như vậy vua chìm trong đất ngay chỗ cổng vườn cây và bị tống hẳn vào đại ngục A-tỳ. Bồ-tát cũng chết vào cùng ngày ấy. Triều thần của vua và dân chúng mang các tràng hoa, dầu thơm, hương liệu đến làm lễ tống táng Bồ-tát. Có người bảo rằng Bồ-tát đã đi thẳng về dãy Tuyết Sơn. Nhưng theo bài kệ sau đây thì người ta lại bảo không phải như vậy:

Cổ thánh nhân - người đời truyền tụng -
Vẫn tỏ ra đại dũng đại uy.
Thánh kia kham nhẫn kiên trì,
Bị vua của xứ Kà-si giết rồi.

Ôi món nợ chẳng hồi tiếc nuối,
Vua kia đành trả lại liền sau.
Tháng ngày ân hận dài lâu,
Một khi trú địa ngục sâu tận cùng.

Hai bài kệ trên được sáng tác từ Trí tuệ toàn hảo của Đức Phật.

*

Khi bậc Ðạo Sư thuyết giảng xong, Ngài tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, vị Tỷ-kheo nóng giận kia đắc quả Nhất Lai, và nhiều vị khác đắc quả Dự Lưu. Sau đó, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ, Ðề-bà-đạt-đa là Kalābu, vua xứ Kāsī; Xá-lợi-phất là quan tổng trấn; còn Ta là vị ẩn sĩ, người thuyết giảng về đức kham nhẫn.

314. Chuyện Địa Ngục Nồi Sắt (Tiền thân Lohakumbhi)

Ðúng phần của, ta nào ban bố...,

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một vị vua xứ Kosalā.

Hồi ấy, nhân một đêm kia, vua xứ Kosalā nghe một tiếng do bốn sinh linh ở địa ngục phát ra, đó là bốn âm, mỗi âm do một sinh linh phát ra: du, sa, na, se. Truyền thuyết bảo rằng trong một đời trước họ vốn là bốn hoàng tử ở Xá-vệ và đã phạm tội gian dâm. Sau khi làm điều xấu xa với vợ của các láng giềng vốn được trông giữ cẩn thận và cứ buông mình theo tham ái dục lạc, họ đã bị bánh xe của thần chết cắt đứt ngang cuộc sống xấu xa kia gần Xá-vệ. Họ tái sinh vào địa ngục Bốn Nồi sắt. Sau khi chịu đau đớn sáu nghìn năm, họ trồi được lên cao và trông thấy bờ miệng của cái nồi, họ liền tự nghĩ: “Biết đến bao giờ chúng ta mới thoát khỏi cảnh khổ này?”. Thế rồi cả bốn người lần lượt phát lên một tiếng kêu lớn. Vua sợ muốn chết vì những âm thanh ấy, cứ ngồi yên không nhúc nhích và chờ cho đến sáng.

Lúc bình minh, các vị Bà-la-môn đến vấn an vua. Vua bảo:

- Này các thầy, hôm nay chính ta đây phải nghe những tiếng kêu kinh khủng như thế kia thì làm sao ta khỏe khoắn cho được?

Các Bà-la-môn nhún vẫy tay. Vua hỏi:

- Gì thế hở các thầy?

Họ đoan chắc với vua rằng những tiếng kia là điềm rất hung xấu. Vua hỏi:

- Có cách gì chữa trị không?

Họ đáp:

- Tâu Ðại vương, ngài có thể bảo rằng không! Nhưng chúng tôi đã lắm từng trải về các sự việc như thế.

Vua nói:

- Bằng cách nào các thầy có thể xua tan được các điều xấu ấy chứ?

- Tâu Ðại vương - họ đáp - chúng tôi vốn có quyền năng chữa trị hiệu nghiệm và nhờ cuộc tế lễ tứ phần gồm đủ các loại sinh linh chúng tôi sẽ xua tan hết mọi điều xấu.

Vua phán:

- Vậy thì nhanh lên, hãy bắt hết mọi sinh linh mỗi thứ bốn con: người, bò, ngựa, voi xuống cho tới chim cút cùng các loài chim khác, và nhờ tế lễ tử sinh như thế, tâm ta được an bình trở lại.

Các Bà-la-môn tuân lời, họ lấy đủ mọi thứ họ cần rồi cho đào một hố để tế lễ và trói đủ loại sinh linh khốn khổ kia vào các cột. Họ bắt các vật hy sinh nhiều hơn số cần thiết vì nghĩ rằng họ sẽ được ăn nhiều món ngon và hưởng nhiều lợi lộc. Họ đi khắp chỗ này chỗ nọ và bảo:

- Này, tôi phải có thế này, thế kia...

Hoàng hậu Mallikā đến hỏi vua tại sao các Bà-la-môn lại vui mừng đến thế. Vua đáp:

Này hoàng hậu, bà có liên hệ gì tới chuyện này chứ? Bà đang say đắm trong vinh quang của riêng bà và chẳng biết rằng ta đã đau khổ như thế nào.

- Sao thế, thưa Ðại vương.

- Ta đã nghe những tiếng kêu khủng khiếp và khi ta hỏi các Bà-la-môn rằng kết quả việc nghe những tiếng kêu ấy là thế nào, thì họ bảo vương quốc của ta, tài sản của ta đang bị đe dọa, nhưng nhờ tế lễ tứ sinh, họ sẽ làm cho tâm ta an bình. Giờ đây họ đang theo lệnh ta, đào một hố tế lễ và đang tìm kiếm các vật hy sinh mà họ cần.

Hoàng hậu nói:

- Tâu Hoàng thượng, thế ngài đã hỏi ý kiến vị Bà-la-môn trưởng ở thiên giới về nguồn gốc của những tiếng kêu này chưa?

Vua đáp:

- Hoàng hậu, ai là Bà-la-môn trưởng ở thiên giới?

- Tâu ngài, đó là đức Ðại Cồ đàm - hoàng hậu trả lời - là Đức Phật tối cao.

- Ta đã không hỏi ý kiến Đức Phật.

Hoàng hậu nói:

- Thế thì xin hãy đến hỏi Ngài đi.

Vua nghe theo lời hoàng hậu. Sau bữa ăn sáng, vua lên Vương Xá và đến Tinh xá Kỳ Viên. Sau khi đảnh lễ bậc Ðạo Sư, vua nói:

- Bạch Thế Tôn, trong đêm gần đây, trẫm có nghe bốn tiếng kêu và hỏi các thầy Bà-la-môn, họ cam đoan sẽ làm cho tâm trẫm an bình trở lại bằng cách tế lễ tứ sinh đối với mỗi loài và bây giờ họ đang sửa soạn tế lễ. Sự việc trẫm nghe các tiếng kêu như thế khiến điều gì xảy ra cho trẫm?

- Chẳng xảy ra điều gì cả - Bậc Ðạo Sư dạy - Một số sinh linh ở địa ngục vì phải chịu đựng thống khổ nên kêu lớn lên. Những tiếng ấy không phải riêng ngài nghe đâu. Các vị vua ngày xưa cũng đã nghe như thế. Và họ cũng vậy, sau khi hỏi ý các Bà-la-môn, đã nóng lòng tổ chức lễ tế các vật hy sinh, nhưng rồi được các trí giả chỉ bảo, họ không làm như thế nữa. Các trí giả giảng cho họ tính chất của những tiếng kêu này và khuyên họ thả hết đám vật hy sinh đáng thương kia ra, cùng làm cho tâm họ an bình trở lại.

Rồi do yêu cầu của vua, bậc Ðạo Sư kể một chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn, tại một làng nọ thuộc xứ Kāsī. Khi đến tuổi trưởng thành ngài từ bỏ các dục lạc và sống đời tu hành. Ngài phát huy những thần lực do thiền định và an hưởng thiền lạc. Ngài trú tại một khu rừng tịnh lạc trong vùng Tuyết Sơn.

Vua Ba-la-nại bấy giờ rất kinh sợ vì nghe bốn tiếng kêu do bốn sinh linh trú trong địa ngục phát ra. Và khi các thầy Bà-la-môn bảo cũng y như thế rằng một trong ba tai họa phải xảy đến cho nhà vua, vua liền thuận theo đề nghị của họ là cử hành tế lễ tứ sinh để ngăn chặn tai họa. Vị giáo sĩ của hoàng gia được các Bà-la-môn giúp chuẩn bị một hố tế lễ và một số lớn vật hy sinh được mang lại, cột vào các cọc.

Thế rồi Bồ-tát, do lòng từ thúc đẩy, quan sát thế giới bằng thiên nhãn. Khi ngài thấy sự việc xảy ra, liền nghĩ: “Ta phải đến để lo an toàn cho các sinh linh này”.

Rồi do thần lực, ngài bay lên không và hạ xuống trong vườn cây của vua Ba-la-nại. Ngài ngồi trên phiến đá của vua, trông giống như một tượng vàng. Người đệ từ trưởng của vị giáo sĩ đến gần thầy và hỏi:

- Thưa thầy, trong kinh Vệ-đà há chẳng viết rằng không có hạnh phúc cho những ai sát sinh đấy sao?

Giáo sĩ đáp:

- Ngươi cứ việc mang phẩm vật của vua lại đây và chúng ta sẽ có lắm thứ ngon để ăn. Cứ an tâm!

Ông nói thế và đuổi anh ta đi.

Nhưng chàng trai tự nghĩ: “Ta sẽ không dự phần vào việc này đâu," rồi anh ta vào vườn cây của vua và thấy Bồ-tát nơi đây. Sau khi thân ái chào ngài, anh ngồi xuống cách ngài một khoảng để tỏ lòng kính trọng. Bồ-tát hỏi anh:

- Này chàng trai, vua trị nước có công chính không?

Anh đáp:

- Thưa Tôn giả, vua trị nước rất công chính, nhưng trong đêm, ngài nghe bốn tiếng kêu và khi vua hỏi các thầy Bà-la-môn thì ngài được họ đoan chắc rằng họ sẽ làm cho tâm ngài an bình trở lại bằng cách tế lễ tứ sinh. Do đó, vua muốn lấy lại niềm an lạc, đang chuẩn bị đem các loài vật tế lễ và một số lớn các vật hy sinh đã được mang lại trói vào các cột tế lễ. Bây giờ, đối với những đạo nhân như Tôn giả, há chẳng nên giải thích nguyên do của các tiếng kêu kia mà cứu số đông sinh mạng đáng thương này khỏi nanh vuốt của tử thần ư?

Bồ-tát nói:

- Này anh bạn trẻ, vua chẳng biết ta, ta cũng chẳng biết vua, nhưng chính ta đây biết được nguồn gốc của tiếng kêu la ấy. Nếu vua đến đây hỏi ta nguyên do, ta sẽ giải quyết mối nghi cho ngài.

Chàng trai đáp:

- Thế thì thưa Tôn giả, xin Tôn giả chờ một lát, con sẽ đưa đức vua lại.

Bồ-tát chấp thuận. Chàng trai đến trình với vua mọi sự và dẫn vua đến gặp Bồ-tát. Vua đảnh lễ ngài, ngồi xuống một bên và hỏi có thật ngài biết nguồn gốc của các tiếng kêu ấy không. Bồ-tát đáp:

- Tâu Ðại vương, thật thế.

Vua nói:

- Vậy thì thưa Tôn giả, xin ngài hãy nói cho ta nghe.

- Tâu Ðại vương - ngài nói - những người kia, trong một đời trước đã phạm tội gian dâm với những người phụ nữ ở gần Ba-la-nại, vốn là vợ của những người láng giềng, được canh giữ rất kỹ lưỡng. Và do đó về sau họ bị tái sinh vào địa ngục Nồi sắt. Nơi đây, sau khi phải chịu thống khổ suốt ba mươi ngàn năm trong một chất lỏng ăn mòn dầy đặc được nấu sôi, có lúc họ bị chìm đụng đến đáy nồi, có lúc họ trồi lên đỉnh như một cái bọt nước. Sau những năm như thế, họ thấy được miệng nồi và khi nhìn qua mép nồi, cả bốn người đều muốn đọc lên bốn bài kệ trọn vẹn nhưng họ không thể nào làm được như thế. Và khi mỗi người chỉ mới phát ra được một âm thì bị chìm trở lại trong nồi sắt. Bấy giờ một người trong bọn bị chìm xuống sau khi phát ra âm "du" vốn muốn nói như sau:

Ðúng phần của, ta nào ban bố,
Lại sống đời nhiễm ố, tà gian,
Không tìm cứu rỗi vững vàng,
Giờ đây phước lạc một đường bay xa.

Người ấy không thể đọc lên bài kệ trên, nhưng Bồ-tát nhờ có trí tuệ riêng nên đã đọc lại toàn bộ bài kệ ấy. Và đối với ba người kia cũng thế. Người mới chỉ phát âm "sa" vốn muốn đọc bài kệ sau:

Sầu thảm thay, số này chịu cả
Ðến khi nào buông thả ra cho?
Qua vô số kiếp khôn dò
Cực hình địa ngục bao giờ ngưng đâu!

Còn trường hợp người phát ra âm "ha" thì đây là bài kệ ông ta muốn đọc:

Nào dứt được khổ sầu đau đớn,
Số phận kia đã gán cho ta,
Ở trần gian tạo ác ra,
Chính phần ta phải nhận mà đền đây.

Và người đã phát ra âm "se" thì muốn đọc bài kệ sau đây:

Số phận này một mai thoát nhẹ,
Mang kiếp người, ta sẽ vươn lên,
Quyết làm nhiều việc thiện hiền,
Bằng công đức tự trang nghiêm lấy mình.

Sau khi đọc trọn từng bài kệ Bồ-tát bảo:

- Tâu Ðại vương, kẻ ở trong địa ngục muốn đọc cả bài kệ trọn vẹn nhưng vì tội của họ nặng quá nên họ không thể làm như thế được. Và khi lãnh nhận hậu quả ác nghiệp của họ như vậy, họ la lớn lên. Nhưng ngài chớ sợ; sẽ không một nguy hại nào đến gần ngài vì ngài đã nghe tiếng kêu ấy đâu.

Ðược Bồ-tát làm cho an tâm, vua truyền đánh trống vàng của ngài và tuyên bố rằng đám đông các vật hy sinh kia phải được thả ra và hố tế lễ bị phá bỏ.

Còn Bồ-tát sau khi đã cứu bao nhiêu sinh vật khổ nạn kia, ở lại đó ít ngày rồi quay về chốn cũ và không hề ngừng tu tập Thiền định, ngài được sinh vào cõi Phạm thiên.

*

Khi bậc Ðạo Sư thuyết giảng xong, Ngài nhận diện Tiền thân:

- Xá-lợi-phất bấy giờ là người tu sĩ trẻ tuổi, còn Ta là vị ẩn sĩ kia.

315. Chuyện Miếng Thịt (Tiền thân Māṃsa)

Ðối với kẻ cầu xin ân huệ...,

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên, về cách Trưởng lão Xá-lợi-phất đã kiếm thức ăn ngon cho các Tỷ-kheo bị bệnh đang được chữa trị.

Bấy giờ, một số Tỷ-kheo ở Kỳ Viên sau khi dùng dầu để làm thuốc xổ, muốn được một ít đồ ăn ngon. Những người chăm sóc bệnh đã đến Xá-vệ tìm các thức ăn ngon, nhưng sau một vòng khất thực trên con đường tại các khu hàng quán ăn, họ đành trở về, không có được các thức ấy. Ðến gần trưa, Trưởng lão Xá-lợi-phất vào làng khất thực, gặp các Tỷ-kheo ấy liền hỏi họ vì sao quay về sớm như thế. Họ kể cho Tôn giả nghe. Tôn giả nói:

- Thế thì theo ta đây.

Rồi Tôn giả đưa họ đến cũng chính con đường ấy.

Bấy giờ, dân chúng ở đó cúng dường Tôn giả đủ mọi thức ăn ngon. Những thị giả mang thức ăn về cho các Tỷ-kheo bị bệnh và họ đã thọ dụng chúng.

Thế rồi một hôm, cuộc bàn tán lại bắt đầu trong Pháp đường, rằng các thị giả đã phải rời thành mà không kiếm được thức ăn cho thầy của họ đang bị bệnh như thế nào, còn Trưởng lão Xá-lợi-phất trên đường khất thực đã mang họ theo trên một con đường thuộc khu quán xá thế nào, và Tôn giả đã gởi họ về với bao nhiêu là thức ăn ngon...

Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi các Tỷ-kheo đang bàn tán việc gì và sau khi nghe thuật lại, Ngài dạy:

- Này các Tỷ-kheo, chẳng phải chỉ riêng Xá-lợi-phất kiếm được thức ăn như thế đâu, ngày xưa, các trí giả cũng đã có giọng dịu ngọt, đã biết nói năng vừa lòng người và đã nhận được các thứ như vậy.

Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là con trai của một thương gia giàu có.

Một hôm, một người bẫy nai kia săn được thịt, chở đầy xe, quay về thành phố định đem thịt ra bán. Bấy giờ bốn người con trai của các trưởng giả giàu có đang sống tại Ba-la-nại, ra khỏi thành, gặp nhau tại ngã tư đường. Họ ngồi xuống và nói chuyện với nhau về những gì họ đã nghe thấy được. Một trong những chàng trai ấy trông thấy chiếc xe chở đầy thịt kia liền đề nghị đến người bẫy nai kiếm một miếng thịt nai. Các chàng kia bảo anh ta cứ đến thử xem. Anh ta đến gặp người đi săn ấy và nói:

- Chào ông mãnh, cho tôi một miếng thịt nào!

Người đi săn trả lời:

- Người nào xin người khác thứ gì thì phải nói năng lịch sự; bạn sẽ có một miếng thịt xứng hợp với cách nói năng của bạn.

Rồi ông ta đọc bài kệ đầu:

Ðối với kẻ cầu xin ân huệ,
Lời sao thô lỗ thế bạn ơi?
Món thô xứng đáng cùng lời,
Chỉ xương da đấy, thứ tôi treo này.

Một trong những người bạn kia hỏi anh ta đã dùng lời lẽ thế nào để xin một miếng thịt, anh ta đáp:

- Tôi nói: chào ông mãnh!

Người kia nói:

- Tôi cũng sẽ đến xin ông ta.

Rồi anh ta đến người đi săn và nói:

- Này ông anh, hãy cho tôi một miếng thịt nai nào!

Người đi săn đáp:

- Bạn sẽ nhận được một miếng xứng hợp với lời lẽ bạn dùng.

Rồi ông ta đọc bài kệ thứ hai:

Tên người anh, mối dây mạnh mẽ
Nối tình thân những kẻ với nhau...
Lời hay của bạn vừa trao
Khiến tôi tặng chỗ nối vào hai xương.

Nói thế xong, người đi săn ném cho anh ta một miếng khớp xương nai. Chàng trẻ thứ ba hỏi người vừa rồi đã xưng hô thế nào khi đến xin thịt anh kia đáp:

- Tôi gọi ông ta là ông anh.

Anh này nói:

- Tôi cũng sẽ đến xin anh ta.

Rồi anh ta đến gần người đi săn và kêu:

- Này cha thân, hãy cho con một miếng thịt nai.

Người đi săn nói:

- Bạn sẽ được một miếng xứng hợp với lời bạn vừa nói.

Và ông đọc bài kệ thứ ba:

Tim người cha xót thương động chuyển
Khi nghe kêu lên tiếng "cha thân!”
Ðáp lời bạn khẩn cầu ân,
Trái tim nai đấy tôi mang tặng liền.

Nói như thế xong, ông ta liền cho người ấy một miếng thịt ngon, nguyên phần cả trái tim con nai. Thế rồi chàng trai thứ tư hỏi chàng thứ ba rằng anh đã dùng lời lẽ ra sao mà hỏi xin thịt. Người kia đáp:

-Ồ - tôi gọi anh ta là cha thân!

Người thứ tư bảo:

- Thế thì tôi cũng sẽ xin một miếng.

Rồi anh đến gần người đi săn và nói:

- Này bạn của ta ơi, hãy cho ta một miếng thịt.

Ông ấy bảo:

- Bạn sẽ nhận phần tùy theo lời bạn vừa thốt.

Rồi ông đọc bài kệ thứ tư:

Tôi dám nghĩ: cuộc đời không bạn
Chắc phải là hoang vắng đìu hiu!
Gồm trong tiếng "bạn" niềm yêu,
Nên tôi tặng hết bao nhiêu thịt này.

Ông ta nói thêm:

- Này bạn, tôi sẽ chở cả xe thịt này về nhà bạn.

Thế là người con trai của thương gia ấy được cả xe mang về và anh ta đến lấy thịt ra. Anh đối đãi với người đi săn, đầy thịnh tình và kính trọng. Anh cho gọi vợ con ông ta, và đem ông ta ra khỏi nghề độc ác ấy và đến ở tại tư dinh chính anh. Từ đó, họ trở thành đôi bạn bất ly và sống thân ái với nhau suốt đời.

*

Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng, Ngài nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ, Xá-lợi-phất là người đi săn, còn Ta đây là con trai của người thương gia, kẻ đã được chia trọn cả phần thịt nai ấy.

316. Chuyện Con Thỏ (Tiền thân Sasa)

Bảy cá hồng tôi đã gọn mang...,

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về sự cúng dường vật dụng cho các Tỷ-kheo.

Một người chủ đất nọ tại Xá-vệ cung cấp đủ mọi thứ cần thiết cho Giáo đoàn, đứng đầu là Đức Phật. Ông ta dựng một cái rạp ở trước cửa nhà ông rồi mời các Tỷ-kheo cùng Đức Phật, Giáo chủ của họ đến ngồi vào chỗ trang nghiêm đã chuẩn bị sẵn và cúng dường các vị đủ mọi thức cao lương thượng hạng. Ông còn nói:

- Ngày mai, xin quý vị trở lại.

Ông khoản đãi họ trọn một tuần và đến ngày thứ bảy, ông dâng cúng Đức Phật cùng năm trăm vị Tỷ-kheo của Ngài đủ mọi thứ vật dụng cần thiết. Vào cuối bữa tiệc, bậc Ðạo Sư nói lời tùy hỷ công đức:

- Này cư sĩ, ông tạo sự thỏa lòng mãn ý do sự bố thí này thật là đúng lý. Vì đây là một truyền thống của hàng trí giả ngày xưa, những vị đã hiến cả thân mạng mình cho bất cứ kẻ hành khất nào mà họ gặp, họ còn cho những kẻ ấy ăn cả thịt của chính họ nữa.

Rồi do yêu cầu của gia chủ, Ngài kể một chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là một con Thỏ sống trong một khu rừng. Một phía rừng này là chân một ngọn núi, ở phía kia là một con sông và ở phía thứ ba là một ngôi làng biên địa. Thỏ có ba bạn: một con Khỉ, một con Chó rừng và một con Rái cá. Bốn con vật khôn ngoan này sống với nhau, mỗi con săn tìm thức ăn của mình trong một khu riêng biệt và đến chiều tối, chúng đến họp lại với nhau. Thỏ rất thông tuệ, có tài khuyến dụ, thường thuyết về Chân lý cho ba bạn kia; dạy các bạn ấy nên bố thí, nên tuân hành luật đạo đức và giữ gìn ngày trai giới. Chúng đều tiếp thu lời khuyến dụ ấy và mỗi con đến trú ở chỗ riêng của mình trong khu rừng ấy.

Thời gian trôi qua, một hôm Bồ-tát quan sát bầu trời, nhìn mặt trăng và biết rằng hôm sau là ngày trai giới liền dặn ba bạn kia:

- Ngày mai là trai nhật. Cả ba bạn hãy thực hành giới luật và giữ gìn ngày trai. Ai tỏ ra kiên định trong việc thực hiện đạo đức thì việc bố thí sẽ mang lại cho vị ấy kết quả xứng đáng. Thế thì hễ có kẻ nào đến xin bạn, bạn hãy cho họ ăn bằng chính thức ăn của bạn.

Tất cả đều đồng ý, rồi ai nấy về chỗ của mình.

Tờ mờ sáng hôm sau, Rái cá ra đi tìm mồi, xuống tới bờ sông Hằng. Bấy giờ có một người đánh cá bắt được bảy con cá hồng, xâu cá vào một sợi mây rồi đem chôn chúng dưới cát trên bờ sông. Sau đó, ông ta lại xuống sông để bắt thêm cá. Rái cá đánh hơi được mấy con cá đang được chôn vùi kia, liền bới cát lên, trông thấy cá liền lôi ra và kêu lớn lên ba lần:

- Cá của ai đây?

Không thấy chủ nhân đâu, nó liền lấy răng cắn xâu cá ấy mang vào rừng đem về để vào nơi nó ở, định sẽ ăn vào lúc thích hợp. Thế rồi nó nằm xuống suy nghĩ mình thật đạo hạnh quá!

Con Chó rừng cũng ra đi kiếm thức ăn và tìm thấy trong túp lều của một người trông coi đồng ruộng hai xiên nướng thịt, một con rắn mối và một lọ sữa đông. Nó kêu lớn lên ba lần:

- Các thứ này của ai đây?

Sau đó không thấy ai là chủ nhân, nó tròng dây vào cổ mang cái lọ, dùng răng cắn con rắn mối và hai cái xiên mang về cất vào hang của nó. Nó tự nghĩ: “Vào lúc thích hợp, ta sẽ ăn các thứ này”. Rồi nó nằm xuống, suy nghĩ vừa rồi nó giữ đạo hạnh thật tốt.

Con Khỉ cũng vào trong lùm cây, lượm một cành xoài rồi mang lên cất vào khu của nó trong rừng, định sẽ ăn các trái xoài ấy vào lúc thích hợp. Rồi nó nằm xuống, suy nghĩ nó đã giữ đức hạnh thật đúng.

Còn Bồ-tát vào lúc cần, ra ngoài để định ăn đọt non trên bãi cỏ Kusa và trong lúc nằm trong rừng, ngài chợt nghĩ: “Ta chẳng có dầu, chẳng có cơm, chẳng có các thứ như thế. Nếu có ai đến đây xin ta, ta đâu có thể lấy cỏ mà cho họ được. Nếu có người hành khất nào đến với ta, ta sẽ cho người ấy thịt của chính ta vậy”. Sự biểu lộ đức hạnh sáng ngời ấy làm cho chiếc ngai bằng cẩm thạch trắng của Thiên chủ Ðế Thích nóng lên.

Ðế Thích quán tưởng và khám phá ra duyên cớ, rồi quyết định thử lòng con Thỏ chúa này. Trước hết, Thiên chủ giả là một Bà-la-môn đến đứng gần nơi ở của con Rái cá. Rái cá hỏi tại sao ông đứng đó, ông đáp:

- Này Hiền giả, tôi vừa nhịn đói giữ trai giới, nếu có được thứ gì để ăn, tôi sẽ hoàn tất mọi bổn phận của một đạo sĩ.

Rái cá nói:

- Tốt lắm, tôi sẽ cho ngài thức ăn.

Rồi nó đọc bài kệ đầu để nói với Ðế Thích:

Bảy cá hồng tôi đã gọn mang
Từ dòng nước cả của sông Hằng,
Bà-la-môn hỡi, ăn cho thỏa,
Và ở lại đây chốn núi ngàn.

Vị Bà-la-môn bảo:

- Hãy để đến ngày mai rồi tôi sẽ tính.

Rồi ông đến với con Chó rừng. Khi được hỏi vì sao ông đứng đó, ông cũng trả lời như trước kia. Chó rừng cũng sẵn sàng hứa tặng ông đồ ăn và nói với ông bằng bài kệ thứ hai:

Người coi đồng dành thức ăn tối
Bình sữa kia; rắn mối nữa đây.
Hai xiên để nướng thịt này
Tôi đây trót dại lấy ngay ấy mà.

Có bao nhiêu tôi đà tặng đấy,
Bà-la-môn xin hãy ăn thôi!
Nếu ngài hạ cố đến nơi
Rừng này ở lại cùng tôi một hồi.

Vị Bà-la-môn bảo:

- Hãy để đến mai rồi tôi sẽ tính.

Rồi ông đến với con Khỉ. Khi được hỏi vì sao ông đứng đó, ông cũng trả lời như trước. Khỉ sẵn sàng cho ông đồ ăn và nói với ông bài kệ thứ ba:

Dòng nước lạnh với cành xoài mọng,
Chốn rừng xanh rợp bóng yên lành,
Ðể ngài vui hưởng, sẵn dành,
Nếu ngài thỏa ý, rừng xanh nương mình.

Vị Bà-la-môn bảo:

- Hãy để đến mai rồi tôi sẽ tính.

Rồi ông đến con Thỏ rừng tinh khôn. Khi được hỏi vì sao ông đứng đó, ông cũng trả lời như trên. Khi nghe ông ta muốn gì, Bồ-tát rất thỏa ý, liền nói:

- Này Bà-la-môn, ngài đến với tôi để kiếm đồ ăn thì thật là đúng lắm. Hôm nay, tôi muốn trao tặng một thứ mà trước đây tôi chưa bao giờ trao tặng, và ngài sẽ không phải phạm giới sát sinh. Này bằng hữu, khi ngài chất củi và nhóm lên một ngọn lửa xong thì hãy đến báo cho tôi biết, tôi sẽ hiến mạng sống của tôi và nhảy vào trong lửa. Khi thân tôi đã được nướng chín, ngài hãy ăn thịt tôi rồi hoàn thành các bổn phận tu sĩ của ngài.

Rồi Thỏ nói với ông bài kệ thứ tư:

Tôi chẳng có thức ăn mè, đậu,
Cùng gạo cơm để hậu đãi ngài.
Thịt tôi hãy nướng lửa thôi,
Nếu ngài sống với chúng tôi chốn này.

Thiên chủ Ðế Thích nghe bảo thế, liền dùng thần lực tạo nên một đống than cháy đỏ rồi đến báo cho Bồ-tát hay, Bồ-tát từ chỗ nằm bằng cỏ Kusa đứng lên và đến nơi ấy, ngài lắc mình ba lần để nếu có côn trùng vào nằm trong bộ lông của ngài rơi ra mà thoát chết.

Rồi để hiến dâng toàn cả thân mình, Bồ-tát nhảy vọt lên, trong một niềm hoan lạc tràn trề. Ngài rơi xuống đống than cháy rực giống như một con thiên nga vương giả đáp xuống cụm hoa sen. Nhưng ngọn lửa tắt ngay khi chạm đến những lỗ chân lông trên toàn thân ngài giống như ngài rơi vào vùng sương giá. Ngài liền hỏi Ðế Thích:

- Này Bà-la-môn, ngọn lửa ngài vừa nhóm lên giá lạnh quá, nó chẳng làm nóng được các lỗ chân lông trên thân thể tôi. Tại sao thế?

Ðế Thích đáp:

- Thưa Hiền giả, ta chẳng phải là một Bà-la-môn, ta là Ðế Thích, ta đến đây để thử đức hạnh của ngài.

Bồ-tát nói:

- Thưa Ðế Thích, không những chỉ riêng ngài mà nếu tất cả mọi người trên thế gian này đến đây để thử tôi về cung cách bố thí như thế kia thì họ cũng sẽ không bao giờ thấy rằng tôi từ bỏ một ý định bố thí nào.

Nói xong, Bồ-tát thốt lên tiếng reo sảng khoái như tiếng rống của sư tử.

Bấy giờ, Ðế Thích nói với Bồ-tát:

- Này Thỏ hiền trí, mong cho đức hạnh của ngài được sáng tỏa muôn đời.

Rồi Thiên chủ ép một trái núi, lấy nước tinh từ đó ra mà vẽ hình một con Thỏ tên mặt trăng. Sau khi đặt Thỏ vào chỗ nằm bằng cỏ non Kusa, Thiên chủ quay về cung điện của mình ở trên trời.

Bốn con vật khôn ngoan kia sống hạnh phúc hài hòa bên nhau, giữ tròn giới luật, tuân hành các ngày trai giới, rồi sau đó đi theo nghiệp của mình.

*

Sau khi kể xong Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, người gia trưởng đã cúng dường các vật dụng cần thiết cho các Tỷ-kheo kia đắc quả Dự Lưu và bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ Ānanda là con Rái cá, Mục-kiền-liên là con Chó rừng, Xá-lợi-phất là con Khỉ, còn Ta là con Thỏ hiền trí ấy.

317. Chuyện Khóc Người Chết (Tiền thân Matarodana)

Khóc người sống hơn khóc kẻ chết...,

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một người chủ đất tại Xá-vệ.

Khi người anh của ông chết, ông quá đau đớn đến độ bỏ ăn, bỏ tắm rửa, xức dầu thơm. Quá sầu khổ, cứ mỗi chiều là ông đến nghĩa địa khóc than. Bậc Ðạo Sư vào lúc sáng sớm, phóng tầm mắt nhìn khắp thế gian, quan sát thấy người có khả năng đắc quả Dự Lưu, liền nghĩ: “Ngoài Ta ra chẳng ai có thể làm dịu nỗi sầu đau của ông ta và đưa ông đến quả Dự Lưu bằng cách kể cho ông ta chuyện xảy ra thời xưa được. Ta phải là nơi an trú cho ông”.

Vì thế hôm sau, khi đi khất thực về, Ngài mang theo một Tỷ-kheo trẻ tuổi đến nhà ông ấy. Nghe có bậc Ðạo Sư đến, người chủ đất liền sai sửa soạn một chỗ ngồi và mời Ngài vào. Sau khi đảnh lễ Ngài, ông ngồi xuống một bên. Khi bậc Ðạo Sư hỏi vì sao ông sầu não như thế, ông bảo rằng ông buồn khổ từ khi anh ông chết. Bậc Ðạo Sư dạy:

- Tất cả mọi hiện hữu do kết hợp mà nên đều vô thường, cái gì phải tan rã thì tan rã. Ta chẳng nên phiền não vì điều này. Các trí giả ngày xưa vì biết như vậy nên không hề sầu khổ khi anh họ chết.

Rồi do yêu cầu của ông ta, bậc Ðạo Sư kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát tái sinh trong một gia đình phú thương, có gia tài đến tám trăm chục triệu. Khi ngài trưởng thành thì cha mẹ chết. Thế rồi người anh của Bồ-tát quản lý tài sản của gia đình và ngài sống phụ thuộc vào ông ta. Chẳng bao lâu người anh cũng chết do một cơn bạo bệnh. Bà con, bè bạn gần xa đã đến than khóc thảm thiết. Chẳng ai kiềm chế nỗi xúc động của mình. Nhưng Bồ-tát lại chẳng sầu chẳng khóc gì cả. Mọi người đều bảo:

- Coi kìa, anh nó chết mà nó vẫn thản nhiên như không, thực là một kẻ tâm hồn quá sắt đá. Chắc là nó muốn anh nó chết để mong được hưởng gấp đôi phần gia tài đấy.

Một người thân thích cũng trách cứ ngài:

- Này, anh của anh chết mà anh cũng chẳng nhỏ một giọt nước mắt nào cả ư?

Nghe thế ngài bảo:

- Do ngu dại mù quáng, chẳng biết gì đến Tám pháp ở thế giới (được - mất, khen - chê, vui - buồn, vinh - nhục) các người khóc than: Ôi anh ta đã chết! nhưng tôi và cả các người đều cũng sẽ chết hết. Tại sao các người lại không khóc khi nghĩ đến cái chết của chính mình? Mọi sự hiện hữu đều giả tạm, do đó không một vật kết hợp nào có thể giữ nguyên điều kiện bản chất của nó được. Dù các ngươi, những kẻ ngu dại mù quáng, do vô minh không biết đến Tám pháp ở thế giới" mà cứ khóc than sầu khổ, còn tại sao tôi đây phải khóc chứ?

Nói xong, ngài đọc các bài kệ này:

Khóc người sống hết khóc kẻ chết,
Mọi sinh linh đều kết một thân,
Loài chim, loài thú bốn chân,
Rắn, người, thần thảy bước chung một đàng.

Chống số phận, ta càng bất lực,
Vui chết không khổ lạc thăng trầm.
Sao chìm trong mối thương tâm
Vì người anh chết, lệ đầm đìa rơi?

Chuyện lừa đảo, chuyện đời phóng dật,
Kẻ dại cuồng hay bậc hùng oai,
Khôn ranh, chẳng biết điều ngay,
Khôn ngoan như thế cũng tày ngu si.

Bồ-tát thuyết giảng Chân lý cho những người kia như thế và giải trừ mọi phiền não cho họ.

*

Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giáo lý, Ngài tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc bài giảng Tứ Ðế, người chủ đất đắc quả Dự Lưu. Và Ngài nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ, bậc trí giả giải trừ phiền não cho mọi người bằng cách thuyết giảng giáo lý kia chính là Ta.