290. “Nhờ từ bỏ lạc nhỏ,
Thấy được lạc lớn hơn,
Bậc trí bỏ lạc nhỏ,
Thấy được lạc lớn hơn.”
291. “Gieo khổ đau cho người,
Mong cầu lạc cho mình,
Bị hận thù buộc ràng
Không sao thoát hận thù.”
292. “Việc đáng làm, không làm,
Không đáng làm, lại làm,
Người ngạo mạn, phóng dật,
Lậu hoặc ắt tăng trưởng.”
293. “Người siêng năng cần mẫn,
Thường thường quán thân niệm,
Không làm việc không đáng,
Gắng làm việc đáng làm,
Người tư niệm giác tỉnh,
Lậu hoặc được tiêu trừ.”
294. “Sau khi giết mẹ cha,
Giết hai Vua Sát lỵ,
Giết vương quốc, quần thần
Vô ưu, phạm chí sống.”
295. “Sau khi giết mẹ cha,
Hai vua Bà-la-môn,
Giết hổ tướng thứ năm
Vô ưu, phạm chí sống.”
296. “Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác
Vô luận ngày hay đêm,
Tưởng Phật Ðà thường niệm.”
297. “Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Tưởng Chánh Pháp thường niệm"
298. “Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Tưởng Tăng Già thường niệm.”
299. “Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Tưởng sắc thân thường niệm.”
300. “Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Ý vui niềm bất hại.”
301. “Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Ý vui tu thiền quán.”
302. “Vui hạnh xuất gia khó,
Tại gia sinh hoạt khó,
Sống bạn không đồng, khổ,
Trôi lăn luân hồi, khổ,
Vậy chớ sống luân hồi,
Chớ chạy theo đau khổ.”
303. “Tín tâm, sống giới hạnh
Ðủ danh xưng tài sản,
Chỗ nào người ấy đến,
Chỗ ấy được cung kính.”
304. “Người lành dầu ở xa
Sáng tỏ như núi tuyết,
Người ác dầu ở gần
Như tên bắn đêm đen.”
305. “Ai ngồi nằm một mình.
Ðộc hành không buồn chán,
Tự điều phục một mình
Sống thoải mái rừng sâu.”
306. “Nói láo đọa địa ngục
Có làm nói không làm,
Cả hai chết đồng đẳng,
Làm người, nghiệp hạ liệt.”
307. “Nhiều người khoác cà sa,
Ác hạnh không nhiếp phục.
Người ác, do ác hạnh,
Phải sanh cõi Ðịa ngục.”
308. “Tốt hơn nuốt hòn sắt
Cháy đỏ như lửa hừng,
Hơn ác giới, buông lung
Ăn đồ ăn quốc độ.”
309. “Bốn nạn chờ đợi người,
Phóng dật theo vợ người;
Mắc họa, ngủ không yên,
Bị chê là thứ ba,
Ðọa địa ngục, thứ bốn.”
310 "Mắc họa, đọa ác thú,
Bị hoảng sợ, ít vui.
Quốc vương phạt trọng hình.
Vậy chớ theo vợ người.”
311. “Như cỏ sa vụng nắm,
Tất bị họa đứt tay
Hạnh Sa-môn tà vạy,
Tất bị đọa địa ngục.”
312. “Sống phóng đãng buông lung,
Theo giới cấm ô nhiễm,
Sống Phạm hạnh đáng nghi
Sao chứng được quả lớn?
313. “Cần phải làm, nên làm
Làm cùng tận khả năng
Xuất gia sống phóng đãng,
Chỉ tăng loạn bụi đời.”
314. “Ác hạnh không nên làm,
Làm xong, chịu khổ lụy,
Thiện hạnh, ắt nên làm,
Làm xong, không ăn năn.”
315. “Như thành ở biên thùy,
Trong ngoài đều phòng hộ
Cũng vậy, phòng hộ mình,
Sát na chớ buông lung.
Giây phút qua, sầu muộn.
Khi rơi vào địa ngục.”
316. “Không đáng hổ, lại hổ.
Việc đáng hổ, lại không.
Do chấp nhận tà kiến,
Chúng sanh đi ác thú.”
317. “Không đáng sợ, lại sợ,
Ðáng sợ, lại thấy không,
Do chấp nhận tà kiến.
Chúng sanh đi ác thú.”
318. “Không lỗi, lại thấy lỗi,
Có lỗi, lại thấy không,
Do chấp nhận tà kiến,
Chúng sanh đi ác thú.”
319. “Có lỗi, biết có lỗi,
Không lỗi, biết là không,
Do chấp nhận chánh kiến,
Chúng sanh đi cõi lành.”
320. “Ta như voi giữa trận,
Hứng chịu cung tên rơi,
Chịu đựng mọi phỉ báng.
Ác giới rất nhiều người.”
321. “Voi luyện, đưa dự hội,
Ngựa luyện, được vua cưỡi,
Người luyện, bậc tối thượng
Chịu đựng mọi phỉ báng.”
322. “Tốt thay, con la thuần,
Thuần chủng loài ngựa Sin.
Ðại tượng, voi có ngà.
Tự điều mới tối thượng.”
323. “Chẳng phải loài cưỡi ấy,
Ðưa người đến Niết-Bàn,
Chỉ có người tự điều,
Ðến đích, nhờ điều phục.”
324. “Con voi tên Tài Hộ,
Phát dục, khó điều phục,
Trói buộc, không ăn uống.
Voi nhớ đến rừng voi.”
325. “Người ưa ngủ, ăn lớn
Nằm lăn lóc qua lại,
Chẳng khác heo no bụng,
Kẻ ngu nhập thai mãi.”
326. “Trước tâm này buông lung,
Chạy theo ái, dục, lạc.
Nay Ta chánh chế ngự,
Như cầm móc điều voi.”
327. “Hãy vui không phóng dật,
Khéo phòng hộ tâm ý.
Kéo mình khỏi ác đạo,
Như voi bị sa lầy.”
328. “Nếu được bạn hiền trí
Ðáng sống chung, hạnh lành,
Nhiếp phục mọi hiểm nguy
Hoan hỷ sống chánh niệm.”
329. “Không gặp bạn hiền trí.
Ðáng sống chung, hạnh lành
Như vua bỏ nước bại,
Hãy sống riêng cô độc,
Như voi sống rừng voi.”
330. “Tốt Hơn sống một mình,
Không kết bạn người ngu.
Ðộc thân, không ác hạnh
Sống vô tư vô lự,
Như voi sống rừng voi.”
331. “Vui thay, bạn lúc cần!
Vui thay, sống biết đủ,
Vui thay, chết có đức!
Vui thay, mọi khổ đoạn.”
332. “Vui thay, hiếu kính mẹ,
Vui thay, hiếu kính cha,
Vui thay, kính Sa-môn,
Vui thay, kính Hiền Thánh.”
333. “Vui thay, già có giới!
Vui thay, tín an trú!
Vui thay, được trí tuệ,
Vui thay, ác không làm.”
334. “Người sống đời phóng dật,
Ái tăng như giây leo.
Nhảy đời này đời khác,
Như vượn tham quả rừng.”
335. “Ai sống trong đời này,
Bị ái dục buộc ràng
Sầu khổ sẽ tăng trưởng,
Như cỏ Bi gặp mưa.”
336. “Ai sống trong đời này
Ái dục được hàng phục
Sầu rơi khỏi người ấy
Như giọt nước lá sen.”
337. “Ðây điều lành Ta dạy,
Các người tụ họp đây.
Hãy nhổ tận gốc ái
Như nhổ gốc cỏ Bi.
Chớ để ma phá hoại,
Như giòng nước cỏ lau.”
338. “Như cây bị chặt đốn,
Gốc chưa hại vẫn bền
Ái tùy miên chưa nhổ,
Khổ này vẫn sanh hoài.”
339. “Ba mươi sáu dòng Ái,
Trôi người đốn khả ái.
Các tư tưởng tham ái.
Cuốn trôi người tà kiến.”
340. “Dòng ái dục chảy khắp,
Như giây leo mọc tràn,
Thấy giây leo vừa sanh,
Với tuệ, hãy đoạn gốc.”
341. “Người đời nhớ ái dục,
Ưa thích các hỷ lạc.
Tuy mong cầu an lạc,
Họ vẫn phải sanh già.”
342. “Người bị ái buộc ràng,
Vùng vẫy và hoảng sợ,
Như thỏ bị sa lưới.
Họ sanh ái trói buộc,
Chịu khổ đau dài dài.”
343. “Người bị ái buộc ràng,
Vùng vẫy và hoảng sợ,
Như thỏ bị sa lưới.
Do vậy vị Tỷ-kheo,
Mong cầu mình ly tham
Nên nhiếp phục ái dục.”
344. “Lìa rừng lại hướng rừng
Thoát rừng chạy theo rừng.
Nên xem người như vậy,
Ðược thoát khỏi buộc ràng.
Lại chạy theo ràng buộc.”
345. “Sắt, cây, gai trói buộc
Người trí xem chưa bền.
Tham châu báu, trang sức
Tham vọng vợ và con.”
346. “Người có trí nói rằng:
"Trói buộc này thật bền.
Rì kéo xuống, lún xuống,
Nhưng thật sự khó thoát.
Người trí cắt trừ nó,
Bỏ dục lạc, không màng.”
347. “Người đắm say ái dục
Tự lao mình xuống dòng
Như nhện sa lưới dệt.
Người trí cắt trừ nó,
Bỏ mọi khổ, không màng.”
348. “Bỏ quá, hiện, vị lai,
Ðến bờ kia cuộc đời,
Ý giải thoát tất cả,
Chớ vướng lại sanh già.”
349. “Người tà ý nhiếp phục,
Tham sắc bén nhìn tịnh,
Người ấy ái tăng trưởng,
Làm giây trói mình chặt.”
350. “Ai vui, an tịnh ý,
Quán bất tịnh, thường niệm,
Người ấy sẽ diệt ái,
Cắt đứt Ma trói buộc.”
351. “Ai tới đích, không sợ,
Ly ái, không nhiễm ô
Nhổ mũi tên sanh tử,
Thân này thân cuối cùng.”
352. “Ái lìa, không chấp thủ.
Cú pháp khéo biện tài
Thấu suốt từ vô ngại,
Hiểu thứ lớp trước sau.
Thân này thân cuối cùng
Vị như vậy được gọi,
Bậc Ðại trí, đại nhân.”
353. “Ta hàng phục tất cả,
Ta rõ biết tất cả,
Không bị nhiễm pháp nào.
Ta từ bỏ tất cả
Ái diệt, tự giải thoát.
Ðã tự mình thắng trí,
Ta gọi ai thầy ta?”
354. “Pháp thí, thắng mọi thí!
Pháp vị, thắng mọi vị!
Pháp hỷ, thắng mọi hỷ!
Ái diệt, dứt mọi khổ!"
355. “Tài sản hại người ngu.
Không người tìm bờ kia
Kẻ ngu vì tham giàu,
Hại mình và hại người.”
356. “Cỏ làm hại ruộng vườn,
Tham làm hại người đời.
Bố thí người ly tham,
Do vậy được quả lớn.”
357. “Cỏ làm hại ruộng vườn,
Sân làm hại người đời.
Bố thí người ly sân,
Do vậy được quả lớn.”
358. “Cỏ làm hại ruộng vườn,
Si làm hại người đời,
Bố thí người ly si,
Do vậy được quả lớn.”
359. “Cỏ làm hại ruộng vườn,
Dục làm hại người đời.
Bố thí người ly dục,
Do vậy được quả lớn.”
360. “Lành thay, phòng hộ mắt!
Lành thay, phòng hộ tai.
Lành thay, phòng hộ mũi,
Lành thay, phòng hộ lưỡi.”
361. “Lành thay,phòng hộ thân!
Lành thay, phòng hộ lời,
Lành thay, phòng hộ ý.
Lành thay, phòng tất cả.
Tỷ-kheo phòng tất cả.
Thoát được mọi khổ đau.”
362. “Người chế ngự tay chân,
Chế ngự lời và đầu,
Vui thích nội thiền định.
Ðộc thân, biết vừa đủ,
Thật xứng gọi Tỷ-kheo.”
363. “Tỷ-kheo chế ngự miệng,
Vừa lời, không cống cao,
Khi trình bày pháp nghĩa,
Lời lẽ dịu ngọt ngào.”
364. “Vị Tỷ-kheo thích pháp,
Mến pháp, suy tư Pháp.
Tâm tư niệm chánh Pháp,
Không rời bỏ chánh Pháp.”
365. “Không khinh điều mình được,
Không ganh người khác được
Tỷ-kheo ganh tị người,
Không sao chứng Thiền Ðịnh.”
366. “Tỷ-kheo dầu được ít,
Không khinh điều mình được,
Sống thanh tịnh không nhác,
Chư thiên khen vị này.”
367. “Hoàn toàn, đối danh sắc,
Không chấp Ta, của Ta.
Không chấp, không sầu não.
Thật xứng danh Tỷ-kheo.”
368. “Tỷ-kheo trú từ bi,
Tín thành giáo Pháp Phật,
Chứng cảnh giới tịch tỉnh.
Các hạnh an tịnh lạc.”
369. “Tỷkheo, tát thuyền này,
Thuyền không, nhẹ đi mau.
Trừ tham, diệt sân hận,
Tất chứng đạt Niết-Bàn.”
370. “Ðoạn năm, từ bỏ năm
Tụ tập năm tối thượng
Tỷ-kheo vượt năm ái
Xứng danh "Vượt bộc lưu"
371. “Tỷ-kheo, hãy tu thiền,
Chớ buông lung phóng dật,
Tâm chớ đắm say dục,
Phóng dật, nuốt sắt nóng
Bị đốt, chớ than khổ!"
372. “Không trí tuệ, không thiền,
Không thiền, không trí tuệ.
Người có thiền có tuệ,
Nhất định gần Niết-Bàn.”
373. “Bước vào ngôi nhà trống,
Tỷ-kheo tâm an tịnh,
Thọ hưởng vui siêu nhân
Tịnh quán theo chánh pháp.”
374. “Người luôn luôn chánh niệm,
Sự sanh diệt các uẩn,
Ðược hoan hỷ, hân hoan,
Chỉ bậc bất tử biết.”
375. “Ðây Tỷ-kheo có trí,
Tụ tập pháp căn bản
Hộ căn, biết vừa đủ,
Giữ gìn căn bản giới,
Thường gần gũi bạn lành,
Sống thanh tịnh tinh cần.”
376. “Giao thiệp khéo thân thiện,
Cử chỉ mực đoan trang.
Do vậy hưởng vui nhiều,
Sẽ dứt mọi khổ đau.”
377. “Như hoa Vassikà,
Quăng bỏ cánh úa tàn,
Cũng vậy vị Tỷ-kheo,
Hãy giải thoát tham sân.”
378. “Thân tịnh, lời an tịnh,
An tịnh, khéo thiền tịnh.
Tỷ-kheo bỏ thế vật,
Xứng danh "bậc tịch tịnh ”.
379. “Tự mình chỉ trích mình,
Tự mình dò xét mình,
Tỷ-kheo tự phòng hộ
Chánh niệm, trú an lạc.”
380. “Tự mình y chỉ mình,
Tự mình đi đến mình,
Vậy hãy tự điều phục,
Như khách buôn ngựa hiền.”
381. “Tỷ-kheo nhiều hân hoan,
Tịnh tín giáo pháp Phật,
Chứng cảnh giới tịch tịnh,
Các hạnh an tịnh lạc.”
382. “Tỷ-kheo tuy tuổi nhỏ
Siêng tu giáo pháp Phật,
Soi sáng thế gian này,
Như trăng thoát khỏi mây.”
383. “Hỡi này Bà-la-môn,
Hãy tinh tấn đoạn dòng,
Từ bỏ các dục lạc,
Biết được hành đoạn diệt,
Người là bậc vô vi.”
384. “Nhờ thường trú hai pháp
Ðến được bờ bên kia.
Bà-la-môn có trí,
Mọi kiết sử dứt sạch.”
385. “Không bờ này, bờ kia
Cả hai bờ không có,
Lìa khổ, không trói buộc
Ta gọi Bà-la-môn.”
386. “Tu thiền, trú ly trần
Phận sự xong, vô lậu,
Ðạt được đích tối thượng,
Ta gọi Bà-la-môn.”
387. “Mặt trời sáng ban ngày,
Mặt trăng sáng ban đêm.
Khí giới sáng Sát lỵ,
Thiền định sáng Phạm chí.
Còn hào quang Đức Phật,
Chói sáng cả ngày đêm.”
388. “Dứt ác gọi Phạm chí,
Tịnh hạnh gọi Sa-môn,
Tự mình xuất cấu uế,
Nên gọi bậc xuất gia.”
389. “Chớ có đập Phạm chí!
Phạm chí chớ đập lại!
Xấu thay đập Phạm chí
Ðập trả lại xấu hơn!"
390. “Ðối vị Bà-la-môn,
Ðây không lợi ích nhỏ.
Khi ý không ái luyến,
Tâm hại được chận đứng,
Chỉ khi ấy khổ diệt,"
391. “Với người thân miệng ý,
Không làm các ác hạnh
Ba nghiệp được phòng hộ,
Ta gọi Bà-la-môn.”
392. “Từ ai, biết chánh pháp
Bậc Chánh Giác thuyết giảng,
Hãy kính lễ vị ấy,
Như phạm chí chờ lửa.”
393. “Ðược gọi Bà-la-môn,
Không vì đầu bện tóc,
Không chủng tộc, thọ sanh,
Ai thật chân, chánh, tịnh,
Mới gọi Bà-la-môn.”
394. “Kẻ ngu, có ích gì
Bện tóc với da dê,
Nội tâm toàn phiền não,
Ngoài mặt đánh bóng suông.”
395. “Người mặc áo đống rác,
Gầy ốm, lộ mạch gân,
Ðộc thân thiền trong rừng.
Ta gọi Bà-la-môn.”
396 "Ta không gọi Phạm Chí,
Vì chỗ sanh, mẹ sanh.
Chỉ được gọi tên suông
Nếu tâm còn phiền não.
Không phiền não, chấp trước
Ta gọi Bà-la-môn.”
397. “Ðoạn hết các kiết sử,
Không còn gì lo sợ
Không đắm trước buộc ràng
Ta gọi Bà-la-môn
398. “Bỏ đai da, bỏ cương
Bỏ dây, đồ sở thuộc,
Bỏ then chốt, sáng suốt,
Ta gọi Bà-la-môn.”
399. “Không ác ý, nhẫn chịu,
Phỉ báng, đánh, phạt hình,
Lấy nhẫn làm quân lực,
Ta gọi Bà-la-môn.”
400. “Không hận, hết bổn phận,
Trì giới, không tham ái,
Nhiếp phục, thân cuối cùng,
Ta gọi Bà-la-môn.”
401. “Như nước trên lá sen,
Như hột cải đầu kim,
Người không nhiễm ái dục,
Ta gọi Bà-la-môn.”
402. “Ai tự trên đời này,
Giác khổ, diệt trừ khổ,
Bỏ gánh nặng, giải thoát,
Ta gọi Bà-la-môn.”
403. “Người trí tuệ sâu xa,
Khéo biết đạo, phi đạo
Chứng đạt đích vô thượng,
Ta gọi Bà-la-môn.”
404. “Không liên hệ cả hai,
Xuất gia và thế tục,
Sống độc thân, ít dục,
Ta gọi Bà-la-môn.”
405. “Bỏ trượng, đối chúng sanh,
Yếu kém hay kiên cường,
Không giết, không bảo giết,
Ta gọi Bà-la-môn.”
406. “Thân thiện giữa thù địch
Ôn hòa giữa hung hăng.
Không nhiễm, giữa nhiễm trước,
Ta gọi Bà-la-môn.”
407. “Người bỏ rơi tham sân,
Không mạn không ganh tị,
Như hột cải đầu kim,
Ta gọi Bà-la-môn.”
408. “Nói lên lời ôn hòa,
Lợi ích và chân thật,
Không mất lòng một ai,
Ta gọi Bà-la-môn.”
409. “Ở đời, vật dài, ngắn,
Nhỏ, lớn, đẹp hay xấu
Phàm không cho không lấy,
Ta gọi Bà-la-môn.”
410. “Người không có hy cầu,
Ðời này và đời sau,
Không hy cầu, giải thoát,
Ta gọi Bà-la-môn.”
411. “Người không còn tham ái,
Có trí, không nghi hoặc,
Thể nhập vào bất tử,
Ta gọi Bà-la-môn.”
412. “Người sống ở đời này
Không nhiễm cả thiện ác,
Không sầu, sạch không bụi
Ta gọi Bà-la-môn.”
413. “Như trăng, sạch không uế
Sáng trong và tịnh lặng,
Hữu ái, được đoạn tận,
Ta gọi Bà-la-môn.”
414. “Vượt đường nguy hiểm này,
Nhiếp phục luân hồi, si,
Ðến bờ kia thiền định
Không dục ái, không nghi,
Không chấp trước, tịch tịnh,
Ta gọi Bà-la-môn.”
415. “Ai ở đời, đoạn dục,
Bỏ nhà, sống xuất gia,
Dục hữu được đoạn tận,
Ta gọi Bà-la-môn.”
416. “Ai ở đời đoạn ái
Bỏ nhà, sống xuất gia,
Ái hữu được đoạn tận,
Ta gọi Bà-la-môn.”
417. “Bỏ trói buộc loài người,
Vượt trói buộc cõi trời.
Giải thoát mọi buộc ràng,
Ta gọi Bà-la-môn.”
418. “Bỏ điều ưa, điều ghét,
Mát lạnh, diệt sanh y
Bậc anh hùng chiến thắng,
Nhiếp phục mọi thế giới,
Ta gọi Bà-la-môn.”
419. “Ai hiểu rõ hoàn toàn
Sanh tử các chúng sanh,
Không nhiễm, khéo vượt qua,
Sáng suốt chân giác ngộ,
Ta gọi Bà-la-môn.”
420. “Với ai, loài trời, người
Cùng với Càn thát bà,
Không biết chỗ thọ sanh
Lậu tận bậc La hán.
Ta gọi Bà-la-môn.”
421. “Ai quá, hiện, vị lai
Không một sở hữu gì,
Không sở hữu không nắm,
Ta gọi Bà-la-môn.”
422. “Bậc trâu chúa, thù thắng
Bậc anh hùng, đại sĩ,
Bậc chiến thắng, không nhiễm,
Bậc tẩy sạch, giác ngộ,
Ta gọi Bà-la-môn.”
423. “Ai biết được đời trước,
Thấy thiên giới, đọa xứ,
Ðạt được sanh diệt tận
Thắng trí, tự viên thành
Bậc mâu ni đạo sĩ.
Viên mãn mọi thành tựu
Ta gọi Bà-la-môn.”