CHƯƠNG PHẬN SỰ

1. PHẬN SỰ CỦA VỊ VÃNG LAI

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu vãng lai đi vào tu viện vẫn mang dép, đi vào tu viện vẫn căng dù, đi vào tu viện vẫn trùm đầu, vẫn đội y ở đầu rồi đi vào tu viện, rửa các bàn chân với nước dùng để uống, không đảnh lễ các tỳ khưu thường trú thâm niên hơn, không hỏi về chỗ trú ngụ.

Có vị tỳ khưu vãng lai nọ đã mở chốt gài, đẩy cánh cửa, rồi vội vã đi vào trú xá không có người ở. Có con rắn từ đà ngang phía trên đã rơi xuống vị ấy. Vị ấy hoảng sợ đã kêu thét lên. Các tỳ khưu đã chạy lại và đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này: - “Này đại đức, tại sao đại đức kêu thét lên vậy?” Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu vãng lai lại đi vào tu viện vẫn mang dép, đi vào tu viện vẫn căng dù, ―(như trên)― không hỏi về chỗ trú ngụ?”

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu vãng lai đi vào tu viện vẫn mang dép, ―(như trên)― không hỏi về chỗ trú ngụ, có đúng không vậy?”

- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: - “Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu vãng lai lại đi vào tu viện vẫn mang dép, ―(như trên)― không hỏi về chỗ trú ngụ? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này các tỳ khưu, hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.” Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- “Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định phận sự cho các tỳ khưu vãng lai, các tỳ khưu vãng lai nên thực hành như thế. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu vãng lai (nghĩ rằng): ‘Bây giờ ta sẽ đi vào tu viện,’ nên tháo dép ra, để dưới thấp, giũ sạch, rồi cầm lấy, hạ dù xuống, cởi đầu trần, lấy y ở đầu để xuống ở vai, rồi đi vào tu viện một cách nghiêm trang không vội vã. Khi đi vào tu viện, nên quan sát xem: ‘Các tỳ khưu thường trú tụ hội ở đâu?’ Các tỳ khưu thường trú tụ hội ở nơi nào: trong phòng hội họp, ở mái hiên, hay ở gốc cây, sau khi đi đến nơi ấy, nên để bình bát xuống một bên, nên để y xuống một bên, nên chọn chỗ ngồi thích hợp, rồi ngồi xuống. Nên hỏi về nước uống, nên hỏi về nước rửa: ‘Nước nào là nước uống? Nước nào là nước rửa?’ Nếu có sự cần dùng với nước uống, sau khi lấy nước uống rồi nên uống. Nếu có sự cần dùng với nước rửa, sau khi lấy nước rửa rồi nên rửa hai bàn chân. Trong khi rửa hai bàn chân, nên xối nước bằng một tay, nên rửa bàn chân bằng một tay. Không nên xối nước chỉ bằng tay ấy, không nên rửa bàn chân chỉ bằng tay ấy.

Nên hỏi miếng giẻ lau dép rồi lau đôi dép. Trong khi lau đôi dép, trước tiên nên lau với miếng giẻ khô sau đó với miếng giẻ ướt. Sau khi giặt miếng giẻ lau dép rồi nên phơi ở một góc. Nếu vị tỳ khưu thường trú thâm niên hơn thì nên đảnh lễ. Nếu là vị mới tu thì nên để vị ấy đảnh lễ.

Nên hỏi về chỗ trú ngụ: ‘Chỗ trú ngụ nào dành cho tôi?’ Nên hỏi (chỗ trú ngụ ấy) có người ở hay không có. Nên hỏi về khu vực đi khất thực, nên hỏi về khu vực không thể đi khất thực. Nên hỏi về các gia đình được xác định là Thánh Hữu Học. Nên hỏi về chỗ tiêu, nên hỏi về chỗ tiểu, nên hỏi về (chỗ lấy) nước uống, nên hỏi về (chỗ lấy) nước rửa, nên hỏi về gậy để chống, nên hỏi về qui định của hội chúng: ‘Giờ nào có thể đi vào? Giờ nào có thể đi ra?’

2. Nếu trú xá không có người, nên gõ vào cánh cửa lớn, chờ trong chốc lát, rồi tháo chốt gài, mở cánh cửa lớn ra, nên đứng bên ngoài nhìn vào bên trong. Nếu trú xá có rác bẩn hoặc là giường được chồng lên giường hoặc là ghế được chồng lên ghế và vật nằm ngồi được chất thành đống ở bên trên, nếu có nỗ lực thì nên làm sạch sẽ. Trong khi làm sạch sẽ trú xá, trước tiên nên gỡ thảm trải nền đem ra ngoài rồi để xuống ở một góc. Nên đem khung giường ra ngoài rồi để xuống ở một góc. Nên đem nệm gối ra ngoài rồi để xuống ở một góc.

Nên hạ thấp cái giường rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy (mặt đất) không va chạm vào cánh cửa lớn và khung cửa rồi để xuống ở một góc. Nên hạ thấp cái ghế rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy (mặt đất) không va chạm vào cánh cửa lớn và khung cửa rồi để xuống ở một góc. Nên đem khung giường ra ngoài rồi để xuống ở một góc. Nên đem ống nhổ ra ngoài rồi để xuống ở một góc. Nên đem tấm ván kê đầu ra ngoài rồi để xuống ở một góc.

Nếu ở trú xá có mạng nhện, trước tiên nên gỡ xuống khỏi tấm màn che, nên lau chùi các lỗ thông gió và các hốc kẹt. Nếu tường được sơn màu đỏ bị đốm loang lỗ, nên thấm ướt khăn chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu nền được sơn màu đen bị đốm loang lỗ, nên thấm ướt khăn chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu nền không được thực hiện, nên rải rắc với nước rồi quét (nghĩ rằng): ‘Không nên để trú xá bị tràn ngập bụi bặm.’ Nên gom rác lại rồi đem đổ bỏ ở một góc.

Sau khi phơi nắng tấm trải nền ở một góc, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng khung giường, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng giường, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy (mặt đất) không va chạm vào cánh cửa lớn và khung cửa, rồi sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ghế, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy (mặt đất) không va chạm vào cánh cửa lớn và khung cửa, rồi sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng nệm gối, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng vật lót ngồi và tấm trải nằm, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ống nhổ, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng tấm ván kê đầu, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ.

3. Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế, rồi nên đặt bình bát xuống. Và không nên đặt bình bát trên mặt đất không được trải lót. Trong khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn phần gấp lại ở bên này, rồi máng y xuống.

Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng đông, các cửa sổ hướng đông nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng tây, các cửa sổ hướng tây nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng bắc, các cửa sổ hướng bắc nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng nam, các cửa sổ hướng nam nên được khép lại. Nếu thời tiết lạnh, các cửa sổ nên mở ra vào ban ngày và khép lại vào ban đêm. Nếu thời tiết nóng, các cửa sổ nên khép lại vào ban ngày và mở ra vào ban đêm.

Nếu phòng có rác bẩn, nên quét phòng. Nếu cổng có rác bẩn, nên quét cổng. Nếu phòng hội họp có rác bẩn, nên quét phòng hội họp. Nếu nhà để đốt lửa có rác bẩn, nên quét nhà để đốt lửa. Nếu nhà vệ sinh có rác bẩn, nên quét nhà vệ sinh.

Nếu nước uống không có, nên đem lại nước uống. Nếu nước rửa không có, nên đem lại nước rửa. Nếu hũ nước súc miệng không có nước, nên đổ nước vào hũ nước súc miệng.

Này các tỳ khưu, đây là phận sự của các tỳ khưu vãng lai, các tỳ khưu vãng lai nên thực hành như thế.”

*****

2. PHẬN SỰ CỦA VỊ THƯỜNG TRÚ

4. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu thường trú khi thấy các tỳ khưu vãng lai không chịu sắp xếp chỗ ngồi, không đem đến nước rửa chân, không (đem đến) ghế kê chân, không (đem đến) tấm chà chân. Sau khi đi ra đón tiếp, họ không rước y bát, không hỏi về nước uống, không hỏi về nước rửa, cũng không đảnh lễ các tỳ khưu vãng lai thâm niên hơn, không sắp xếp chỗ trú ngụ. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu thường trú khi thấy các tỳ khưu vãng lai lại không chịu sắp xếp chỗ ngồi, ―(như trên)― không sắp xếp chỗ trú ngụ?”

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- “Này các tỳ khưu, nghe nói ―(như trên)― có đúng không vậy?”

- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)―

Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- “Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định phận sự cho các tỳ khưu thường trú, các tỳ khưu thường trú nên thực hành như thế.

5. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu thường trú khi thấy vị tỳ khưu vãng lai thâm niên hơn nên sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem đến nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Sau khi đi ra đón tiếp, nên rước y bát, nên hỏi (dâng) nước uống. Nếu có nỗ lực, (vị thường trú) nên lau đôi dép (của vị kia). Trong khi lau đôi dép, trước tiên nên lau bằng miếng giẻ khô sau đó bằng miếng giẻ ướt. Sau khi giặt miếng giẻ lau dép rồi nên phơi ở một góc. Nên đảnh lễ vị tỳ khưu vãng lai thâm niên hơn. Nên sắp xếp chỗ trú ngụ: ‘Chỗ trú ngụ này dành cho đại đức.’ Nên nói rõ (chỗ trú ngụ ấy) có người ở hay không có. Nên nói rõ về khu vực đi khất thực, nên nói rõ về khu vực không nên đi khất thực. Nên nói rõ về các gia đình được xác định là Thánh Hữu Học. Nên nói rõ về chỗ tiêu, nên nói rõ về chỗ tiểu. Nên nói rõ về (chỗ lấy) nước uống, nên nói rõ về (chỗ lấy) nước rửa. Nên nói rõ về gậy để chống. Nên nói rõ về qui định của hội chúng: ‘Giờ này có thể đi vào. Giờ này có thể đi ra.’

Nếu (vị vãng lai) là vị mới tu, vị (thường trú) vẫn ngồi nên nói rõ: ‘Để bình bát chỗ này, để y chỗ này, ngồi ở chỗ ngồi này.’ Nên nói rõ chỗ nước uống, nên nói rõ chỗ nước rửa. Nên nói rõ về giẻ lau đôi dép. Nên để cho vị tỳ khưu vãng lai mới tu đảnh lễ. Nên nói rõ chỗ trú ngụ: ‘Chỗ trú ngụ này dành cho đại đức.’ Nên nói rõ (chỗ trú ngụ ấy) có người ở hay không có. Nên nói rõ về khu vực đi khất thực, nên nói rõ về khu vực nào không nên đi khất thực. Nên nói rõ về các gia đình được xác định là Thánh Hữu Học. Nên nói rõ về chỗ tiêu, nên nói rõ về chỗ tiểu. Nên nói rõ về (chỗ lấy) nước uống, nên nói rõ về (chỗ lấy) nước rửa. Nên nói rõ về gậy để chống. Nên nói rõ về qui định của hội chúng: ‘Giờ này có thể đi vào. Giờ này có thể đi ra.’

Này các tỳ khưu, đây là phận sự của các tỳ khưu thường trú, các tỳ khưu thường trú nên thực hành như thế.”

*****

3. PHẬN SỰ CỦA VỊ XUẤT HÀNH

6. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu xuất hành không thu xếp các đồ vật bằng gỗ và các đồ vật bằng đất nung, mở ra cửa lớn và cửa sổ, không thông báo về chỗ trú ngụ, rồi ra đi. Các đồ vật bằng gỗ và các đồ vật bằng đất nung bị mất mát. Chỗ trú ngụ không được bảo quản. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu xuất hành lại không thu xếp các đồ vật bằng gỗ và các đồ vật bằng đất nung, mở ra cửa lớn và cửa sổ, không thông báo về chỗ trú ngụ, rồi ra đi khiến các đồ vật bằng gỗ và các đồ vật bằng đất nung bị mất mát, chỗ trú ngụ không được bảo quản?”

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- “Này các tỳ khưu, nghe nói ―(như trên)― có đúng không vậy?”

- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)―

Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- “Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định phận sự cho các tỳ khưu xuất hành, các tỳ khưu xuất hành nên thực hành như thế.

7. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu xuất hành trước khi ra đi nên thu xếp các đồ vật bằng gỗ và các đồ vật bằng đất nung, nên đóng lại cửa lớn và cửa sổ, nên thông báo về chỗ trú ngụ. Nếu không có tỳ khưu, nên thông báo cho vị Sa-di. Nếu không có Sa-di, nên thông báo cho người phụ việc chùa. Nếu không có người phụ việc chùa, nên thông báo cho nam cư sĩ. Nếu tỳ khưu, hoặc Sa-di, hoặc người phụ việc chùa, hoặc nam cư sĩ đều không có, nên sắp xếp cái giường lên trên bốn hòn đá, rồi đặt cái giường lên trên cái giường, đặt cái ghế lên trên cái ghế, còn sàng tọa nên chất thành đống ở phía bên trên, nên thu xếp các đồ vật bằng gỗ và các đồ vật bằng đất nung, nên đóng lại cửa lớn và cửa sổ, rồi mới nên ra đi.

Nếu trú xá bị dột nước mưa, nên lợp lại nếu có nỗ lực, hoặc nên thực hiện sự nỗ lực (nghĩ rằng): ‘Làm thế nào để trú xá có thể được lợp?’ Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp; nếu không đạt được, tại vị trí nào không bị nước mưa dột thì tại chỗ đó nên sắp xếp cái giường lên trên bốn hòn đá, rồi đặt cái giường lên trên cái giường, đặt cái ghế lên trên cái ghế, còn sàng tọa nên chất thành đống ở phía bên trên, nên thu xếp các đồ vật bằng gỗ và các đồ vật bằng đất nung, nên đóng lại cửa lớn và cửa sổ, rồi mới nên ra đi.

Nếu toàn bộ trú xá đều bị nước mưa dột, nên mang sàng tọa vào làng nếu có nỗ lực, hoặc nên thực hiện sự nỗ lực (nghĩ rằng): ‘Làm thế nào để sàng tọa có thể được mang vào làng?’ Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp; nếu không đạt được, nên sắp xếp cái giường lên trên bốn hòn đá ở ngoài trời, rồi đặt cái giường lên trên cái giường, đặt cái ghế lên trên cái ghế, còn sàng tọa nên chất thành đống ở phía bên trên. Nên thu xếp các đồ vật bằng gỗ và các đồ vật bằng đất nung. Nên lấy cỏ hoặc lá phủ lên, rồi mới nên ra đi (nghĩ rằng): ‘Có lẽ các thứ này sẽ còn được tồn tại.’

Này các tỳ khưu, đây là phận sự của các tỳ khưu xuất hành, các tỳ khưu xuất hành nên thực hành như thế.”

*****

4. PHẬN SỰ TÙY HỶ

8. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu không nói lời tùy hỷ ở chỗ thọ thực. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại không nói lời tùy hỷ ở chỗ thọ thực?” Các tỳ khưu đã nghe được dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- “Này các tỳ khưu, ta cho phép nói lời tùy hỷ ở chỗ thọ thực.”

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Vị nào sẽ nói lời tùy hỷ ở chỗ thọ thực?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu trưởng lão nói lời tùy hỷ ở chỗ thọ thực.”

Vào lúc bấy giờ, có bữa trai phạn dâng đến hội chúng của nhóm người nọ. Đại đức Sāriputta là trưởng lão của hội chúng. Các vị tỳ khưu (nghĩ rằng): ‘Đức Thế Tôn đã cho phép vị tỳ khưu trưởng lão nói lời tùy hỷ ở chỗ thọ thực’ nên đã để đại đức Sāriputta ở lại mỗi một mình rồi ra đi. Khi ấy, đại đức Sāriputta đã làm hoan hỷ những người ấy rồi đã đi về chỉ mỗi một mình sau cùng. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Sāriputta mỗi một mình đang đi lại từ đàng xa, sau khi nhìn thấy đã nói với đại đức Sāriputta điều này: - “Này Sāriputta, chắc hẳn bữa thọ thực đã được tốt đẹp?” - “Bạch ngài, bữa thọ thực đã được tốt đẹp. Tuy nhiên các tỳ khưu đã để con ở lại mỗi một mình và ra đi.”

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- “Này các tỳ khưu, ta cho phép bốn hay năm vị tỳ khưu trưởng lão hoặc kế tiếp vị trưởng lão chờ đợi ở chỗ thọ thực.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu trưởng lão nọ bị mắc tiêu đã chờ đợi ở chỗ thọ thực. Trong lúc không thể kiềm chế việc đại tiện, vị ấy bị ngất xỉu ngã xuống. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- “Này các tỳ khưu, ta cho phép ra đi khi có việc cần làm sau khi đã thông báo cho vị tỳ khưu kế bên.”

*****

5. PHẬN SỰ Ở CHỖ THỌ THỰC

9. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, không đúng quy cách đi đến chỗ thọ thực, tách ra rồi đi lên phía trước các tỳ khưu trưởng lão, chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống, còn xua đuổi các tỳ khưu mới tu khỏi chỗ ngồi, lại còn trải ra y hai lớp rồi ngồi xuống ở trong xóm nhà. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, không đúng quy cách lại đi đến chỗ thọ thực, tách ra rồi đi lên phía trước các tỳ khưu trưởng lão, chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống, còn xua đuổi các tỳ khưu mới tu khỏi chỗ ngồi, lại còn trải ra y hai lớp rồi ngồi xuống ở trong xóm nhà?”

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Lục Sư mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, không đúng quy cách đi đến chỗ thọ thực, ―(như trên)― lại còn trải ra y hai lớp rồi ngồi xuống ở trong xóm nhà, có đúng không vậy?”

- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- “Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định phận sự ở chỗ thọ thực cho các tỳ khưu, các tỳ khưu ở chỗ thọ thực nên thực hành như thế.

10. Nếu thời giờ được thông báo ở trong tu viện, vị (tỳ khưu) nên mặc y nội tròn đều với sự che phủ ba vòng tròn,[1] nên buộc dây thắt lưng, nên gấp y hai lớp thành nếp rồi trùm lên, nên thắt lại dây buộc, nên rửa bình bát rồi cầm lấy, nên đi vào làng một cách nghiêm trang không hấp tấp. Không nên tách ra rồi đi lên phía trước các tỳ khưu trưởng lão. Nên đi ở nơi xóm nhà với y được che kín đáo. Nên ―(như trên)― với (thái độ) khéo thu thúc. Nên ―(như trên)― với mắt nhìn xuống. Không nên ―(như trên)― với thân bị vén hở ra. Không nên ―(như trên)― với tiếng cười vang. Nên ―(như trên)― với giọng nói nhỏ nhẹ. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa thân. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa cánh tay. Không nên ―(như trên)― với sự lắc lư đầu. Không nên ―(như trên)― với tay chống nạnh. Không nên ―(như trên)― với (đầu) được trùm lại. Không nên đi ở nơi xóm nhà với sự nhón gót.

Nên ngồi ở trong nhà với y được che kín đáo. Nên ―(như trên)― với (thái độ) khéo thu thúc. Nên ―(như trên)― với mắt nhìn xuống. Không nên ―(như trên)― với thân bị vén hở ra. Không nên ―(như trên)― với tiếng cười vang. Nên ―(như trên)― với giọng nói nhỏ nhẹ. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa thân. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa cánh tay. Không nên ―(như trên)― với sự lắc lư đầu. Không nên ―(như trên)― với tay chống nạnh. Không nên ―(như trên)― với (đầu) được trùm lại. Không nên ―(như trên)― với sự ôm đầu gối. Không nên chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống. Không nên xua đuổi các tỳ khưu mới tu khỏi chỗ ngồi. Không nên trải ra y hai lớp rồi ngồi xuống ở trong nhà.

11. Trong khi được dâng nước, nên cầm bình bát bằng hai tay và thọ lãnh nước. Nên hạ thấp xuống rồi rửa bình bát một cách cẩn thận không chà xát mạnh. Nếu có vật chứa nước rửa, nên hạ thấp xuống rồi đổ nước vào trong vật chứa nước rửa (nghĩ rằng): ‘Chớ làm vật chứa nước rửa bị văng nước tung tóe, chớ làm các tỳ khưu xung quanh bị nước văng nhằm, chớ làm y hai lớp bị dính nước.’

Nếu vật chứa nước rửa không có, nên hạ thấp xuống rồi tưới lên trên mặt đất (nghĩ rằng): ‘Chớ làm các tỳ khưu xung quanh bị nước văng nhằm, chớ làm y hai lớp bị dính nước.’

Trong khi được dâng cơm, nên cầm bình bát bằng hai tay rồi thọ lãnh cơm. Nên chừa chỗ cho xúp. Nếu có bơ lỏng, hoặc dầu ăn, hoặc thức ăn ngon, vị trưởng lão nên nói rằng: ‘Nên chia đều ra cho tất cả.’

Nên thọ lãnh vật thực một cách nghiêm trang. Nên thọ lãnh vật thực với sự chú tâm ở bình bát. Nên thọ lãnh vật thực với lượng xúp tương xứng. Nên thọ lãnh vật thực vừa ngang miệng (bình bát). Vị trưởng lão không nên thọ thực khi tất cả chưa được đầy đủ cơm.

Nên thọ dụng vật thực một cách nghiêm trang. Nên thọ dụng vật thực với sự chú tâm ở bình bát. Nên thọ dụng vật thực theo tuần tự. Nên thọ dụng vật thực với lượng xúp tương xứng. Không nên vun lên thành đống rồi thọ dụng vật thực. Không nên dùng cơm che lấp xúp hoặc thức ăn với ý muốn được nhiều hơn. Vị không bị bệnh không nên yêu cầu xúp và cơm vì nhu cầu của bản thân rồi thọ thực.

12. Không nên nhìn vào bình bát của các vị khác với ý định tìm lỗi. Không nên làm vắt cơm quá lớn. Nên làm vắt cơm tròn đều. Không nên há miệng ra khi vắt cơm chưa được đưa đến. Không nên đưa trọn bàn tay vào miệng trong lúc thọ thực. Không nên nói chuyện với miệng có vắt cơm. Không nên thọ thực theo lối đưa thức ăn vào miệng một cách liên tục. Không nên thọ thực theo lối cắn vắt cơm từng chút một. Không nên thọ thực theo lối làm phồng má. Không nên thọ thực có sự vung rảy bàn tay. Không nên thọ thực có sự làm rơi đổ cơm. Không nên thọ thực có sự le lưỡi. Không nên thọ thực có làm tiếng chép chép. Không nên thọ thực có làm tiếng rột rột. Không nên thọ thực có sự liếm tay. Không nên thọ thực có sự nạo vét bình bát. Không nên thọ thực có sự liếm môi. Không nên thọ lãnh tô nước uống bằng bàn tay có dính thức ăn.

Vị trưởng lão không nên thọ lãnh nước khi tất cả còn chưa thọ thực xong. Trong khi được dâng nước, nên cầm bình bát bằng hai tay rồi thọ lãnh nước. Nên hạ thấp xuống rồi rửa bình bát một cách cẩn thận không chà xát mạnh. Nếu có vật chứa nước rửa, nên hạ thấp xuống rồi đổ nước vào trong vật chứa nước rửa (nghĩ rằng): ‘Chớ làm vật chứa nước rửa bị văng nước tung tóe, chớ làm các tỳ khưu xung quanh bị nước văng nhằm, chớ làm y hai lớp bị dính nước.’ Nếu vật chứa nước rửa không có, nên hạ thấp xuống rồi tưới lên trên mặt đất (nghĩ rằng): ‘Chớ làm các tỳ khưu xung quanh bị nước văng nhằm, chớ làm y hai lớp bị dính nước.’ Không nên đổ bỏ nước rửa bình bát có lẫn cơm ở nơi xóm nhà.

Trong khi đi trở về, các tỳ khưu mới tu nên đi về trước tiên, sau đó là các vị trưởng lão. Nên đi ở nơi xóm nhà với y được che kín đáo. Nên ―(như trên)― với (thái độ) khéo thu thúc. Nên ―(như trên)― với mắt nhìn xuống. Không nên ―(như trên)― với thân bị vén hở ra. Không nên ―(như trên)― với tiếng cười vang. Nên ―(như trên)― với giọng nói nhỏ nhẹ. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa thân. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa cánh tay. Không nên ―(như trên)― với sự lắc lư đầu. Không nên ―(như trên)― với tay chống nạnh. Không nên ―(như trên)― với (đầu) được trùm lại. Không nên đi ở nơi xóm nhà với sự nhón gót.

Này các tỳ khưu, đây là phận sự ở chỗ thọ thực của các tỳ khưu, các tỳ khưu ở chỗ thọ thực nên thực hành như thế.”

Tụng phẩm thứ nhất.

*****

6. PHẬN SỰ CỦA VỊ ĐI KHẤT THỰC

1. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đi khất thực mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, không đúng quy cách rồi đi khất thực. Các vị đi vào tư gia không suy xét trước, đi ra không suy xét trước, đi vào vô cùng vội vã, đi ra cũng vô cùng vội vã, đứng quá xa, đứng quá gần, đứng lại quá lâu, và quay đi quá lẹ.

Còn có vị tỳ khưu đi khất thực nọ đã đi vào tư gia không suy xét trước. Và vị ấy trong khi nghĩ là cửa lớn rồi đã bước (lầm) vào hậu phòng nọ. Và ở trong hậu phòng ấy, có người đàn bà khỏa thân đang nằm ngửa ra. Vị tỳ khưu ấy đã nhìn thấy người đàn bà ấy khỏa thân đang nằm ngửa ra, sau khi nhìn thấy (nghĩ rằng): ‘Đây không phải là cửa lớn, đây là hậu phòng’ rồi đã từ hậu phòng ấy đi ra. Chồng của người đàn bà ấy đã nhìn thấy người đàn bà ấy khỏa thân đang nằm ngửa ra, sau khi nhìn thấy (nghĩ rằng): ‘Vợ của ta đã bị gã tỳ khưu này làm nhơ’ nên đã giữ vị tỳ khưu ấy lại và đánh đòn.

Khi ấy, người đàn bà ấy đã thức dậy vì tiếng động ấy và đã nói với người chồng ấy điều này: ­- “Phu quân, vì sao ông lại đánh đòn vị tỳ khưu này vậy?”

- “Gã tỳ khưu này đã làm nhơ bà.”

- “Phu quân, thiếp không có bị vị tỳ khưu này làm nhơ. Vị tỳ khưu ấy không có làm.” Và đã bảo thả vị tỳ khưu ấy.

Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã đi đến tu viện và kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu đi khất thực lại mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, không đúng quy cách rồi đi khất thực, đi vào tư gia không suy xét trước, đi ra không suy xét trước, đi vào vô cùng vội vã, đi ra cũng vô cùng vội vã, đứng quá xa, đứng quá gần, đứng lại quá lâu, và quay đi quá lẹ?”

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- “Này các tỳ khưu, nghe nói ―(như trên)― có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định phận sự cho các tỳ khưu đi khất thực, các tỳ khưu đi khất thực nên thực hành như thế.

2. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu đi khất thực (nghĩ rằng): ‘Bây giờ ta sẽ đi vào làng,’ thì nên mặc y nội tròn đều với sự che phủ ba vòng tròn, nên buộc dây thắt lưng, nên gấp y hai lớp thành nếp rồi trùm lên, nên thắt lại dây buộc, nên rửa bình bát rồi cầm lấy, nên đi vào làng một cách nghiêm trang không hấp tấp. Nên đi ở nơi xóm nhà với y được che kín đáo. Nên ―(như trên)― với (thái độ) khéo thu thúc. Nên ―(như trên)― với mắt nhìn xuống. Không nên ―(như trên)― với thân bị vén hở ra. Không nên ―(như trên)― với tiếng cười vang. Nên ―(như trên)― với giọng nói nhỏ nhẹ. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa thân. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa cánh tay. Không nên ―(như trên)― với sự lắc lư đầu. Không nên ―(như trên)― với tay chống nạnh. Không nên ―(như trên)― với (đầu) được trùm lại. Không nên đi ở nơi xóm nhà với sự nhón gót.

Trong khi đi vào tư gia nên suy xét rằng: ‘Ta sẽ đi vào lối này, ta sẽ đi ra bằng lối này.’ Không nên đi vào quá vội vã. Không nên đi ra quá vội vã. Không nên đứng quá xa. Không nên đứng quá gần. Không nên đứng lại quá lâu. Không nên quay đi quá lẹ. Khi đứng nên suy xét rằng: ‘(Gia chủ) có ý muốn bố thí vật thực hay không có ý muốn bố thí?’ Nếu (gia chủ) ngưng công việc, hoặc từ chỗ ngồi đứng dậy, hoặc đụng đến cái muỗng, hoặc đụng đến cái đĩa, hoặc thỉnh đứng lại thì nên đứng lại (nghĩ rằng): ‘Dường như có ý định bố thí.’ Trong khi được dâng vật thực, nên dùng bàn tay trái vén y hai lớp lên, dùng bàn tay phải mở nắp bình bát, rồi dùng hai tay ôm bình bát và thọ lãnh vật thực. Và không nên nhìn mặt người nữ thí chủ bố thí vật thực.[2]

Nên suy xét rằng: ‘(Gia chủ) có ý muốn bố thí xúp hay không có ý muốn bố thí?’ Nếu (gia chủ) đụng đến cái muỗng, hoặc đụng đến cái đĩa, hoặc thỉnh đứng lại thì nên đứng lại (nghĩ rằng): ‘Dường như có ý định bố thí.’ Khi vật thực đã được bố thí, nên dùng y hai lớp che bình bát lại rồi quay đi một cách nghiêm trang không hấp tấp.

3. Nên đi ở nơi xóm nhà với y được che kín đáo. Nên ―(như trên)― với (thái độ) khéo thu thúc. Nên ―(như trên)― với mắt nhìn xuống. Không nên ―(như trên)― với thân bị vén hở ra. Không nên ―(như trên)― với tiếng cười vang. Nên ―(như trên)― với giọng nói nhỏ nhẹ. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa thân. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa cánh tay. Không nên ―(như trên)― với sự lắc lư đầu. Không nên ―(như trên)― với tay chống nạnh. Không nên ―(như trên)― với (đầu) được trùm lại. Không nên đi ở nơi xóm nhà với sự nhón gót.

Vị nào đi khất thực từ làng trở về trước tiên, vị ấy nên sắp xếp chỗ ngồi; nên chuẩn bị nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nên rửa chậu đựng đồ thừa rồi đem lại. Nên đem lại nước uống và nước rửa. Vị nào đi khất thực từ làng trở về sau cùng, nếu vật thực được ăn còn thừa lại, nếu muốn thì vị ấy ăn; nếu không muốn, thì đem quăng bỏ ở nơi không có cỏ xanh hoặc đổ xuống nước không có sinh vật.

Vị ấy nên xếp chỗ ngồi lại. Nên dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nên rửa chậu đựng đồ thừa rồi cất đi. Nên dọn dẹp nước uống, nước rửa. Nên quét nhà ăn. Vị nào thấy lu nước uống, hoặc lu nước rửa, hoặc lu nước nhà vệ sinh hết nước, trống trơn, vị ấy nên đổ nước vào. Nếu vị ấy không làm nổi, thì nên mời vị thứ hai lại với dấu hiệu bằng tay và nhờ phụ giúp với hành động bằng tay, và không vì lý do đó mà nói ra bằng lời.

Này các tỳ khưu, đây là phận sự của các tỳ khưu đi khất thực, các tỳ khưu đi khất thực nên thực hành như thế.”

*****

7. PHẬN SỰ CỦA VỊ NGỤ Ở RỪNG

4. Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu cư ngụ ở trong rừng. Các vị ấy không dự trữ nước uống, không dự trữ nước rửa, không dự trữ lửa, không dự trữ vật tạo lửa, không biết về các vị trí của những ngôi sao, không biết phương hướng và khu vực. Bọn trộm cướp sau khi đi đến nơi ấy đã nói với các tỳ khưu ấy điều này: - “Thưa ngài có nước uống không?”

- “Anh bạn à, không có.”

- “Thưa ngài, có nước rửa không?”

- “Anh bạn à, không có.”

- “Thưa ngài, có lửa không?”

- “Anh bạn à, không có.”

- “Thưa ngài, có vật tạo lửa không?”

- “Anh bạn à, không có.”

- “Thưa ngài, có các vị trí của những ngôi sao không?”

- “Anh bạn à, chúng tôi không biết.”

- “Thưa ngài, có phương hướng và khu vực không?”

- “Anh bạn à, chúng tôi không biết.”

- “Thưa ngài, hôm nay liên quan đến điều gì?”

- “Anh bạn à, chúng tôi không biết.”

- “Thưa ngài, hướng này là hướng gì?”

- “Anh bạn à, chúng tôi không biết.”

Khi ấy, bọn trộm cướp ấy (nghĩ rằng): ‘Những người này không có nước uống, không có nước rửa, không có lửa, không có vật tạo lửa, không biết các vị trí của những ngôi sao, không biết phương hướng và khu vực; những người này là trộm cướp, những người này không phải là các tỳ khưu’ nên đã đánh đập rồi bỏ đi. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các vị tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định phận sự cho các tỳ khưu ở rừng, các tỳ khưu ở rừng nên thực hành như thế.

5. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ngụ ở rừng sau khi thức dậy vào lúc sáng sớm nên để bình bát vào trong túi xách, đeo lên vai, khoác y lên người, mang dép vào, thu xếp các đồ vật bằng gỗ và các đồ vật bằng đất nung lại, đóng cửa lớn và cửa sổ, rồi rời chỗ trú ngụ (nghĩ rằng): ‘Bây giờ, ta sẽ đi vào làng.’ Nên tháo dép ra, để ở chỗ thấp, giũ sạch, rồi bỏ vào túi xách, đeo lên vai, nên mặc y nội tròn đều với sự che phủ ba vòng tròn, nên buộc dây thắt lưng, nên gấp y hai lớp thành nếp rồi trùm lên, nên thắt lại dây buộc, nên rửa bình bát rồi cầm lấy, nên đi vào làng một cách nghiêm trang không hấp tấp. Nên đi ở nơi xóm nhà với y được che kín đáo. Nên ―(như trên)― với (thái độ) khéo thu thúc. Nên ―(như trên)― với mắt nhìn xuống. Không nên ―(như trên)― với thân bị vén hở ra. Không nên ―(như trên)― với tiếng cười vang. Nên ―(như trên)― với giọng nói nhỏ nhẹ. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa thân. Không nên ―(như trên)― với sự đung đưa cánh tay. Không nên ―(như trên)― với sự lắc lư đầu. Không nên ―(như trên)― với tay chống nạnh. Không nên ―(như trên)― với (đầu) được trùm lại. Không nên đi ở nơi xóm nhà với sự nhón gót.

Trong khi đi vào tư gia nên suy xét rằng: ‘Ta sẽ đi vào lối này, ta sẽ đi ra bằng lối này.’ Không nên đi vào quá vội vã. Không nên đi ra quá vội vã. Không nên đứng quá xa. Không nên đứng quá gần. Không nên đứng lại quá lâu. Không nên quay đi quá lẹ. Khi đứng nên suy xét rằng: ‘(Gia chủ) có ý muốn bố thí vật thực hay không có ý muốn bố thí?’ Nếu (gia chủ) ngưng công việc, hoặc từ chỗ ngồi đứng dậy, hoặc đụng đến cái muỗng, hoặc đụng đến cái đĩa, hoặc thỉnh đứng lại thì nên đứng lại (nghĩ rằng): ‘Dường như có ý định bố thí.’ Trong khi được dâng vật thực, nên dùng bàn tay trái vén y hai lớp lên, dùng bàn tay phải mở nắp bình bát, rồi dùng hai tay ôm bình bát và thọ lãnh vật thực. Và không nên nhìn mặt người nữ thí chủ bố thí vật thực. Nên suy xét rằng: ‘(Gia chủ) có ý muốn bố thí xúp hay không có ý muốn bố thí?’ Nếu (gia chủ) đụng đến cái muỗng, hoặc đụng đến cái đĩa, hoặc thỉnh đứng lại thì nên đứng lại (nghĩ rằng): ‘Dường như có ý định bố thí.’ Khi vật thực đã được bố thí, nên dùng y hai lớp che bình bát lại rồi quay đi một cách nghiêm trang không hấp tấp. Nên đi ở nơi xóm nhà với y được che kín đáo. ―(như trên)― Không nên đi ở nơi xóm nhà với sự nhón gót.

Sau khi đi ra khỏi làng, nên để bình bát vào trong túi xách, đeo lên vai, cuốn tròn y lại, đội lên đầu, mang dép vào, rồi đi về.

6. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ngụ ở rừng nên dự trữ nước uống. Nên dự trữ nước rửa. Nên dự trữ lửa. Nên dự trữ vật tạo lửa. Nên dự trữ cây gậy để chống. Nên học về các vị trí của những ngôi sao toàn bộ hoặc một phần. Nên rành rẽ về các phương hướng. Này các tỳ khưu, đây là phận sự của các tỳ khưu ở rừng, các tỳ khưu ở rừng nên thực hành như thế.”

*****

8. PHẬN SỰ Ở NƠI CƯ NGỤ

7. Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu đang may y ở ngoài trời. Các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã đập giũ sàng tọa ngược chiều gió ở trước mái hiên. Các vị tỳ khưu đã bị lấm bụi. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại đập giũ sàng tọa ngược chiều gió ở trước mái hiên khiến các tỳ khưu bị lấm bụi?”

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Lục Sư đập giũ sàng tọa ngược chiều gió ở trước mái hiên khiến các tỳ khưu bị lấm bụi, có đúng không vậy?”

- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định phận sự ở nơi cư ngụ cho các tỳ khưu, các tỳ khưu ở nơi cư ngụ nên thực hành như thế.

8. Vị (tỳ khưu) cư ngụ trong trú xá nào, nếu trú xá ấy có rác bẩn, nên làm sạch sẽ nếu có nỗ lực. Trong khi làm sạch sẽ trú xá, trước tiên nên đem y bát ra ngoài rồi để xuống ở một góc. Nên đem vật lót ngồi và tấm trải nằm ra ngoài rồi để xuống ở một góc. Nên đem nệm gối ra ngoài rồi để xuống ở một góc. Nên hạ thấp cái giường rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy (mặt đất) không va chạm vào cánh cửa lớn và khung cửa rồi để xuống ở một góc. Nên hạ thấp cái ghế rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy (mặt đất) không va chạm vào cánh cửa lớn và khung cửa rồi để xuống ở một góc. Nên đem khung giường ra ngoài rồi để xuống ở một góc. Nên đem ống nhổ ra ngoài rồi để xuống ở một góc. Nên đem tấm ván kê đầu ra ngoài rồi để xuống ở một góc. Nên xem xét tấm trải nền được xếp đặt như thế nào rồi đem ra ngoài và để xuống ở một góc.

Nếu ở trú xá có mạng nhện, trước tiên nên gỡ xuống khỏi tấm màn che. Nên lau chùi các lỗ thông gió và các hốc kẹt. Nếu tường được sơn màu đỏ bị đốm loang lỗ, nên thấm khăn ướt chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu nền được sơn màu đen bị đốm loang lỗ, nên thấm khăn ướt chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu phần nền không được thực hiện, nên rải rắc với nước rồi quét (nghĩ rằng): ‘Không nên để trú xá bị tràn ngập bụi bặm.’ Nên gom rác lại rồi nên đem đổ bỏ ở một góc. Không nên đập giũ sàng tọa ở gần các tỳ khưu. Không nên đập giũ sàng tọa ở gần các trú xá. Không nên đập giũ sàng tọa ở gần nước uống. Không nên đập giũ sàng tọa ở gần nước rửa. Không nên đập giũ sàng tọa ngược chiều gió ở trước mái hiên. Nên đập giũ sàng tọa ở phía dưới gió.

9. Sau khi phơi nắng tấm trải nền ở một góc, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng khung giường, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng giường, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy (mặt đất) không va chạm vào cánh cửa lớn và khung cửa, rồi sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ghế, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy (mặt đất) không va chạm vào cánh cửa lớn và khung cửa, rồi sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng nệm gối, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng vật lót ngồi và tấm trải nằm, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ống nhổ, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng tấm ván kê đầu, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ.

Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Không nên đặt bình bát trên mặt đất không được trải lót. Trong khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn phần gấp lại ở bên này, rồi máng y xuống.

10. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng đông, các cửa sổ hướng đông nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng tây, các cửa sổ hướng tây nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng bắc, các cửa sổ hướng bắc nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng nam, các cửa sổ hướng nam nên được khép lại. Nếu thời tiết lạnh, các cửa sổ nên mở ra vào ban ngày và khép lại vào ban đêm. Nếu thời tiết nóng, các cửa sổ nên khép lại vào ban ngày và mở ra vào ban đêm.

Nếu phòng có rác bẩn, nên quét phòng. Nếu cổng có rác bẩn, nên quét cổng. Nếu phòng hội họp có rác bẩn, nên quét phòng hội họp. Nếu nhà để đốt lửa có rác bẩn, nên quét nhà để đốt lửa. Nếu nhà vệ sinh có rác bẩn, nên quét nhà vệ sinh. Nếu nước uống không có, nên lại đem nước uống. Nếu nước rửa không có, nên đem lại nước rửa. Nếu hũ nước súc miệng không có nước, nên đổ nước vào hũ nước súc miệng.

Nếu cư ngụ trong trú xá với vị thâm niên, khi chưa xin phép vị thâm niên không nên đọc tụng, không nên đưa ra các câu hỏi, không nên học bài, không nên giảng Pháp, không nên thắp đèn, không nên thổi tắt đèn, không nên mở cửa sổ, không nên đóng cửa sổ. Nếu đi kinh hành cùng với vị thâm niên trên cùng một đường kinh hành, khi đối đầu với vị thâm niên thì nên xoay lại và không nên va chạm vị thâm niên dù là bằng chéo y hai lớp.

Này các tỳ khưu, đây là phận sự ở nơi cư ngụ của các tỳ khưu, các tỳ khưu ở nơi cư ngụ nên thực hành như thế.”

*****

9. PHẬN SỰ Ở NHÀ TẮM HƠI

11. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư ở trong nhà tắm hơi trong khi bị cản trở bởi các tỳ khưu trưởng lão, do không kính trọng nên đem lại nhiều củi, đốt lửa, đóng cửa ra vào, và ngồi xuống ở cửa ra vào. Các tỳ khưu bị hành hạ bởi sức nóng, không mở cửa được, nên bị ngất xỉu ngã xuống. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư ở trong nhà tắm hơi trong khi bị cản trở bởi các tỳ khưu trưởng lão, do không kính trọng nên đem lại nhiều củi, đốt lửa, đóng cửa ra vào, và ngồi xuống ở cửa ra vào khiến các tỳ khưu bị hành hạ bởi sức nóng, không mở cửa được, nên bị ngất xỉu ngã xuống?”

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Lục Sư ở trong nhà tắm hơi trong khi bị cản trở bởi các tỳ khưu trưởng lão, do không kính trọng nên đem lại nhiều củi, đốt lửa, đóng cửa ra vào, và ngồi xuống ở cửa ra vào khiến các tỳ khưu bị hành hạ bởi sức nóng, không mở cửa được, nên bị ngất xỉu ngã xuống, có đúng không vậy?”

- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- “Này các tỳ khưu, ở trong nhà tắm hơi trong khi bị cản trở bởi các tỳ khưu trưởng lão, do không kính trọng không nên đem lại nhiều củi và đốt lửa; vị nào đốt thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, không nên đóng cửa ra vào rồi ngồi xuống ở cửa ra vào; vị nào ngồi thì phạm tội dukkaṭa.

12. Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định phận sự ở nhà tắm hơi cho các tỳ khưu, các tỳ khưu ở nhà tắm hơi nên thực hành như thế.

Vị nào đi vào nhà tắm hơi trước tiên, nếu tro tích lũy nhiều (vị ấy) nên đem tro đi đổ. Nếu nhà tắm hơi có rác bẩn, nên quét nhà tắm hơi. Nếu bục nền xung quanh có rác bẩn, nên quét bục nền xung quanh. Nếu căn phòng có rác bẩn nên quét căn phòng. Nếu cổng có rác bẩn, nên quét cổng. Nếu gian phòng lớn của nhà tắm hơi có rác bẩn, nên quét gian phòng lớn của nhà tắm hơi. Nên trộn bột tắm, nên tẩm ướt đất sét, nên đổ nước vào máng nước. Trong khi đi vào nhà tắm hơi, nên thoa đất sét lên mặt, nên che kín phía trước lẫn phía sau rồi đi vào nhà tắm hơi. Không nên chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống. Không nên xua đuổi các tỳ khưu mới tu khỏi chỗ ngồi. Ở trong nhà tắm hơi, nếu có nỗ lực nên kỳ cọ cho các tỳ khưu trưởng lão. Trong khi rời khỏi nhà tắm hơi, nên cầm lấy cái ghế ngồi của nhà tắm hơi, nên che kín cả phía trước lẫn phía sau rồi đi ra khỏi nhà tắm hơi. Ở trong nước, nếu có nỗ lực nên kỳ cọ cho các tỳ khưu trưởng lão. Không nên tắm ở phía trước, không nên tắm ở phía trên các tỳ khưu trưởng lão. Vị đã tắm xong trong khi đi ra (khỏi nước) nên nhường đường cho vị đi xuống. Vị nào rời nhà tắm hơi cuối cùng, nếu nhà tắm hơi bị lầy lội nên rửa sạch, nên rửa sạch máng đất sét, nên dọn dẹp ghế ngồi của nhà tắm hơi, nên dập tắt lửa, nên đóng cửa, rồi đi ra.

Này các tỳ khưu, đây là phận sự ở nhà tắm hơi của các tỳ khưu, các tỳ khưu ở nhà tắm hơi nên thực hành như thế.”

*****

10. PHẬN SỰ Ở NHÀ VỆ SINH

13. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ dòng dõi Bà-la-môn đại tiện xong không muốn rửa sạch (nghĩ rằng): “Ai lại đụng đến đồ hôi hám hạ tiện này?” Có con giun đũa đã dính ở hậu môn của vị ấy. Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu.

- “Này đại đức, có phải đại đức đại tiện xong mà không rửa sạch?”

- “Này các đại đức, đúng vậy.”

Các tỳ khưu nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao vị tỳ khưu đại tiện xong lại không rửa sạch?”

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- “Này tỳ khưu, nghe nói ngươi đại tiện xong lại không rửa sạch, có đúng không vậy?”

- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- “Này các tỳ khưu, sau khi đại tiện xong nếu có nước không nên không rửa sạch; vị nào không rửa sạch thì phạm tội dukkaṭa.”

14. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đi đại tiện ở nhà vệ sinh theo thứ tự thâm niên. Các tỳ khưu mới tu đi đến trước tiên bị mắc tiêu vẫn chờ đợi. Trong lúc kiềm chế việc đại tiện, các vị ấy bị ngất xỉu ngã xuống. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, nghe nói ―(như trên)― có đúng không vậy?”

- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- “Này các tỳ khưu, việc đại tiện ở nhà vệ sinh không nên thực hành theo thứ tự thâm niên; vị nào thực hành thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện việc đại tiện theo thứ tự đi đến.”

15. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đi vào nhà vệ sinh vô cùng vội vã, vén y lên rồi đi vào, đại tiện rặn thành tiếng, đại tiện trong lúc nhai gỗ chà răng, đại tiện ra ngoài máng đựng phân, tiểu tiện ra ngoài máng nước tiểu, khạc nhổ vào máng nước tiểu, chùi bằng khúc cây chùi bị sần sùi, làm rơi khúc cây chùi vào hố phân, đi ra vô cùng vội vã, vén y lên rồi đi ra, rửa ráy có làm tiếng chắt lưỡi, chừa lại nước ở trong gáo múc nước rửa. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại đi vào nhà vệ sinh vô cùng vội vã, ―(như trên)― chừa lại nước ở trong gáo múc nước rửa?”

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ―(như trên)―

- “Này tỳ khưu, nghe nói ―(như trên)― có đúng không vậy?”

- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- “Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định phận sự ở nhà vệ sinh cho các tỳ khưu, các tỳ khưu ở nhà vệ sinh nên thực hành như thế.

Vị đi đến nhà vệ sinh, đứng ở bên ngoài, nên tằng hắng. Vị ngồi bên trong cũng nên tằng hắng. Nên máng y lên sào treo y hoặc dây phơi y rồi nên đi vào nhà vệ sinh một cách cẩn thận không hấp tấp. Không nên đi vào quá vội vã. Không nên vén y (nội) lên rồi đi vào. Khi đã đứng trên bệ nhà vệ sinh mới nên kéo y (nội) lên. Không nên đại tiện rặn thành tiếng. Không nên đại tiện trong lúc nhai gỗ chà răng. Không nên đại tiện ra ngoài máng đựng phân. Không nên tiểu tiện ra ngoài máng nước tiểu. Không nên khạc nhổ vào máng nước tiểu. Không nên chùi với khúc cây chùi bị sần sùi. Không nên làm rơi khúc cây chùi vào hố phân. Khi còn đứng trên bệ nhà vệ sinh, nên che lại kín đáo. Không nên đi ra vô cùng vội vã. Không nên vén y (nội) lên rồi đi ra. Khi đã đứng ở sàn rửa mới nên vén y lên. Không nên rửa ráy có làm tiếng chắt lưỡi. Không nên chừa lại nước ở trong gáo múc nước rửa. Khi còn đứng ở sàn rửa, nên che lại kín đáo. Nếu nhà vệ sinh bị dơ nên rửa sạch. Nếu thùng đựng đồ chùi bị đầy, nên đổ bỏ các khúc cây chùi. Nếu nhà vệ sinh có rác bẩn nên quét nhà vệ sinh. Nếu bục nền xung quanh có rác bẩn nên quét bục nền xung quanh. Nếu căn phòng có rác bẩn nên quét căn phòng. Nếu cổng có rác bẩn nên quét cổng. Nếu lu nước rửa không có nước, nên đổ nước vào lu nước rửa.

Này các tỳ khưu, đây là phận sự ở nhà vệ sinh của các tỳ khưu, các tỳ khưu ở nhà vệ sinh nên thực hành như thế.”

*****

11. PHẬN SỰ ĐỐI VỚI THẦY TẾ ĐỘ

16. Vào lúc bấy giờ, các người đệ tử không thực hành phận sự đúng đắn đối với các vị thầy tế độ. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các người đệ tử lại không thực hành phận sự đúng đắn đối với các vị thầy tế độ?”

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- “Này các tỳ khưu, nghe nói các người đệ tử không thực hành phận sự đúng đắn đối với các vị thầy tế độ, có đúng không vậy?”

- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: - “Này các tỳ khưu, vì sao các người đệ tử lại không thực hành phận sự đúng đắn đối với các vị thầy tế độ? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này các tỳ khưu, hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.” Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- “Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định phận sự đối với các vị thầy tế độ cho các người đệ tử, đối với các vị thầy tế độ các người đệ tử nên thực hành như thế.

Này các tỳ khưu, người đệ tử nên thực hành phận sự đúng đắn đối với vị thầy tế độ. Đây là phận sự đúng đắn trong trường hợp này:

Nên thức dậy vào lúc sáng sớm, cởi dép ra, đắp thượng y một bên vai, rồi nên dâng gỗ chà răng. Nên dâng nước súc miệng. Nên sắp xếp chỗ ngồi. Nếu có cháo, nên rửa tô rồi đem cháo lại. Khi thầy đã uống cháo xong, nên dâng nước, nên nhận lại tô, để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không làm trầy, rồi đem cất. Khi thầy tế độ đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi.

Nếu khu vực ấy có rác bẩn thì nên quét khu vực ấy. Nếu thầy tế độ có ý định đi vào làng, nên trao y lót trong, nên nhận lại y lót trong (đã thay đổi), nên trao dây thắt lưng, nên gấp y hai lớp thành nếp rồi dâng lên. Nên trao bình bát còn đẫm nước sau khi đã rửa sạch. Nếu thầy tế độ muốn có vị Sa-môn hầu cận, (người đệ tử) nên mặc y nội tròn đều với sự che phủ ba vòng tròn, buộc dây thắt lưng, gấp y hai lớp thành nếp rồi đắp lên, thắt lại dây buộc, rửa bình bát và cầm lấy, rồi làm vị Sa-môn hầu cận cho thầy tế độ. Không nên đi quá xa, không nên đi quá gần. Nên nhận lấy bình bát được (vị thầy) hoán đổi.

Khi thầy tế độ đang nói, không nên cắt ngang lời nói nửa chừng. Khi thầy tế độ có khả năng phạm tội lúc đang nói thì nên ngăn lại. Khi quay trở về, nên đi về trước tiên và sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Sau khi đi ra đón tiếp, nên rước y và bình bát. Nên trao y lót trong (trước đây), nên nhận lại y lót trong (mặc lúc đi). Nếu y bị thấm mồ hôi, nên phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Và không nên để luôn y ở chỗ nắng. Nên gấp y lại. Trong khi gấp y nên lùi phần góc vào bốn ngón tay rồi gấp y lại (nghĩ rằng): ‘Không nên để nếp gấp ở phần chính giữa.’ Nên đặt dây thắt lưng ở phần y đã gấp lại.

17. Nếu có đồ ăn khất thực và thầy tế độ có ý muốn thọ dụng thì nên dâng nước (rửa) rồi đem đồ ăn khất thực lại. Nên hỏi ý thầy tế độ về nước uống. Khi thầy ăn xong nên dâng nước (rửa), nên nhận lại bình bát, để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không làm trầy, nên làm ráo nước, rồi đem phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Và không nên để luôn bình bát ở chỗ nắng. Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Và không nên đặt bình bát trên mặt đất không được trải lót.

Trong khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn phần gấp lại ở bên này, rồi máng y xuống.

Khi thầy tế độ đã đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nên dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nếu khu vực ấy có rác bẩn thì nên quét khu vực ấy.

Nếu thầy tế độ có ý muốn tắm, nên chuẩn bị việc tắm. Nếu có nhu cầu về nước lạnh, nên chuẩn bị nước lạnh; nếu có nhu cầu về nước nóng, nên chuẩn bị nước nóng. Nếu thầy tế độ có ý muốn đi vào nhà tắm hơi, nên trộn bột tắm, nên tẩm ướt đất sét. Nên lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi rồi đi đến từ phía sau lưng và trao ghế ngồi của nhà tắm hơi cho thầy tế độ, nên nhận lấy y và để ở một bên. Nên trao bột tắm, nên trao đất sét. Nếu có nỗ lực, nên đi vào nhà tắm hơi. Trong khi đi vào nhà tắm hơi, nên thoa đất sét lên mặt, nên che kín cả phía trước lẫn phía sau rồi đi vào nhà tắm hơi.

Không nên chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống. Không nên xua đuổi các tỳ khưu mới tu khỏi chỗ ngồi. Ở trong nhà tắm hơi nên kỳ cọ cho thầy tế độ. Trong khi rời khỏi nhà tắm hơi, nên cầm lấy cái ghế ngồi của nhà tắm hơi, nên che kín cả phía trước lẫn phía sau rồi rời khỏi nhà tắm hơi. Lúc ở trong nước nên kỳ cọ cho thầy tế độ. Khi đã tắm xong nên đi ra (khỏi nước) trước tiên, nên lau khô nước ở thân thể của mình, quấn y lại, rồi nên lau khô nước ở thân thể của thầy tế độ. Nên trao y lót trong. Nên trao y hai lớp. Nên cầm lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi, đi về trước, và sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nên hỏi ý thầy tế độ về nước uống.

18. Nếu có ý muốn thỉnh (thầy) đọc tụng, nên thỉnh (thầy) đọc tụng. Nếu có ý muốn hỏi đạo, thì có thể hỏi đạo. Ở trú xá nào thầy tế độ cư ngụ, nếu trú xá ấy có rác bẩn, nếu có nỗ lực thì nên làm sạch sẽ. Trong khi làm sạch sẽ trú xá, trước tiên nên đem y bát ra ngoài rồi để xuống ở một góc. Nên đem vật lót ngồi và tấm trải nằm ra ngoài rồi để xuống ở một góc. Nên đem nệm gối ra ngoài rồi để xuống ở một góc. Nên hạ thấp cái giường rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy (mặt đất), không va chạm vào cánh cửa lớn và khung cửa rồi để xuống ở một góc. Nên hạ thấp cái ghế rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy (mặt đất), không va chạm vào cánh cửa lớn và khung cửa rồi để xuống ở một góc. Nên đem khung giường ra ngoài rồi để xuống ở một góc. Nên đem ống nhổ ra ngoài rồi để xuống ở một góc. Nên đem tấm ván kê đầu ra ngoài rồi để xuống ở một góc. Nên xem xét tấm trải nền được xếp đặt như thế nào rồi đem ra ngoài và để xuống ở một góc.

Nếu ở trú xá có mạng nhện, trước tiên nên gỡ xuống khỏi tấm màn che. Nên lau chùi các lỗ thông gió và các hốc kẹt. Nếu tường được sơn màu đỏ bị đốm loang lỗ, nên thấm khăn ướt chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu nền được sơn màu đen bị đốm loang lỗ, nên thấm khăn ướt chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu phần nền không được thực hiện, nên rải rắc với nước rồi quét (nghĩ rằng): ‘Không nên để trú xá bị tràn ngập bụi bặm.’ Nên gom rác lại rồi nên đem đổ bỏ ở một góc.

Sau khi phơi nắng tấm trải nền, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng khung giường, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng giường, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy (mặt đất) không va chạm vào cánh cửa lớn và khung cửa, rồi sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ghế, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy (mặt đất) không va chạm vào cánh cửa lớn và khung cửa, rồi sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng nệm gối, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng vật lót ngồi và tấm trải nằm, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ống nhổ, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng tấm ván kê đầu, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ.

19. Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Không nên đặt bình bát trên mặt đất không được trải lót. Trong khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn phần gấp lại ở bên này, rồi máng y xuống.

Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng đông, các cửa sổ hướng đông nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng tây, các cửa sổ hướng tây nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng bắc, các cửa sổ hướng bắc nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng nam, các cửa sổ hướng nam nên được khép lại.

Nếu thời tiết lạnh, các cửa sổ nên mở ra vào ban ngày và khép lại vào ban đêm. Nếu thời tiết nóng, các cửa sổ nên khép lại vào ban ngày và mở ra vào ban đêm.

Nếu phòng có rác bẩn, nên quét phòng. Nếu cổng có rác bẩn, nên quét cổng. Nếu phòng hội họp có rác bẩn, nên quét phòng hội họp. Nếu nhà để đốt lửa có rác bẩn, nên quét nhà để đốt lửa. Nếu nhà vệ sinh có rác bẩn, nên quét nhà vệ sinh.

Nếu nước uống không có, nên đem nước uống lại. Nếu nước rửa không có, nên đem nước rửa lại. Nếu hũ nước súc miệng không có nước, nên đổ nước vào hũ nước súc miệng.

20. Nếu sự bực bội sanh khởi ở thầy tế độ, người đệ tử nên làm cho dịu đi, hoặc nhờ vị khác làm cho dịu đi, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị thầy. Nếu nỗi nghi hoặc sanh khởi ở thầy tế độ, người đệ tử nên làm cho tan biến, hoặc nhờ vị khác làm cho tan biến, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị thầy. Nếu tà kiến sanh khởi ở thầy tế độ, người đệ tử nên phân giải, hoặc nhờ vị khác phân giải, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị thầy. Nếu thầy tế độ bị phạm tội nặng xứng đáng hình phạt parivāsa, người đệ tử nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể ban hình phạt parivāsa cho thầy tế độ?’

Nếu thầy tế độ xứng đáng việc đưa về lại (hình phạt) ban đầu, người đệ tử nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể đưa thầy tế độ về lại (hình phạt) ban đầu?’ Nếu thầy tế độ xứng đáng hình phạt mānatta, người đệ tử nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể ban hình phạt mānatta cho thầy tế độ?’ Nếu thầy tế độ xứng đáng sự giải tội, người đệ tử nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể giải tội cho thầy tế độ?’ Nếu hội chúng có ý định thực hiện hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với thầy tế độ, người đệ tử nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể khỏi thực hiện hành sự đối với thầy tế độ, hoặc đổi thành nhẹ hơn?’ Khi hội chúng đã thực hiện hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với thầy tế độ, người đệ tử nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để thầy tế độ có thể làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, và hội chúng có thể thâu hồi hành sự này?’

21. Nếu y của thầy tế độ cần phải giặt, người đệ tử nên giặt hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để y của thầy tế độ được giặt?’ Nếu y của thầy tế độ cần phải may, người đệ tử nên may hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để y của thầy tế độ được may?’ Nếu thuốc nhuộm của thầy tế độ cần phải nấu, người đệ tử nên nấu hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để thuốc nhuộm của thầy tế độ được nấu?’ Nếu y của thầy tế độ cần phải nhuộm, người đệ tử nên nhuộm hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để y của thầy tế độ được nhuộm?’ Trong khi nhuộm y, nên nhuộm bằng cách đảo tới đảo lui cho khéo léo. Không nên bỏ đi khi nước nhỏ giọt chưa ngừng.

Không có phép của thầy tế độ, không nên cho bình bát đến người khác, không nên thọ lãnh bình bát của người khác, không nên cho y đến người khác, không nên thọ lãnh y của người khác, không nên cho vật dụng đến người khác, không nên thọ lãnh vật dụng của người khác, không nên cạo tóc cho người khác, không nên bảo người khác cạo tóc, không nên kỳ cọ người khác, không nên bảo người khác kỳ cọ, không nên hầu hạ người khác, không nên bảo người khác hầu hạ, không nên làm vị Sa-môn hầu cận cho người khác, không nên nhận người khác làm vị Sa-môn hầu cận, không nên mang đồ ăn khất thực lại dùm người khác, không nên nhờ người khác mang dùm đồ ăn khất thực lại.

Chưa xin phép thầy tế độ không nên đi vào làng, không nên đi đến mộ địa, không nên bỏ đi hướng khác. Nếu thầy tế độ bị bệnh, nên phục vụ cho đến trọn đời, nên chờ đợi (đến khi) vị ấy có sự hồi phục.

Này các tỳ khưu, đây là phận sự đối với các vị thầy tế độ của các người đệ tử, các người đệ tử đối với các vị thầy tế độ nên thực hành như thế.”

*****

12. PHẬN SỰ ĐỐI VỚI ĐỆ TỬ

22. Vào lúc bấy giờ, các vị thầy tế độ không thực hành phận sự đúng đắn đối với các người đệ tử. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các vị thầy tế độ lại không thực hành phận sự đúng đắn đối với các người đệ tử?”

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, nghe nói các vị thầy tế độ không thực hành phận sự đúng đắn đối với các người đệ tử, có đúng không vậy?”

- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định phận sự đối với các người đệ tử cho các vị thầy tế độ, các vị thầy tế độ đối với các người đệ tử nên thực hành như thế.

Này các tỳ khưu, vị thầy tế độ nên thực hành phận sự đúng đắn đối với người đệ tử. Đây là phận sự đúng đắn trong trường hợp này:

Này các tỳ khưu, thầy tế độ nên quan tâm đến người đệ tử, nên giúp đỡ bằng sự đọc tụng, bằng sự vấn hỏi, bằng sự giáo huấn, bằng sự giảng dạy. Nếu thầy tế độ có bình bát và người đệ tử không có bình bát, thầy tế độ nên cho bình bát đến người đệ tử, hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để bình bát có thể phát sanh đến đệ tử?’ Nếu thầy tế độ có y và người đệ tử không có y, thầy tế độ nên cho y đến người đệ tử, hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để y có thể phát sanh đến đệ tử?’ Nếu thầy tế độ có vật dụng và người đệ tử không có vật dụng, thầy tế độ nên cho vật dụng đến người đệ tử, hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để vật dụng có thể phát sanh đến đệ tử?’

23. Nếu người đệ tử bị bệnh, (vị thầy tế độ) nên thức dậy vào lúc sáng sớm. Nên trao gỗ chà răng. Nên trao nước súc miệng. Nên sắp xếp chỗ ngồi. Nếu có cháo, nên rửa tô rồi đem cháo lại. Khi người đệ tử đã uống cháo xong, nên trao nước (rửa), nên nhận lại tô, để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không làm trầy, rồi đem cất. Khi người đệ tử đã đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nếu khu vực ấy có rác bẩn thì nên quét khu vực ấy.

Nếu người đệ tử có ý định đi vào làng, nên trao y lót trong, nên nhận lại y lót trong (đã thay đổi), nên trao dây thắt lưng, nên gấp y hai lớp thành nếp rồi trao cho. Nên trao bình bát còn đẫm nước sau khi đã rửa sạch. (Nghĩ rằng): ‘Đến lúc vị ấy sắp trở về,’ nên sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Sau khi đi ra đón tiếp, nên rước y và bình bát. Nên trao y lót trong (trước đây), nên nhận lại y lót trong (mặc lúc đi). Nếu y bị thấm mồ hôi, nên phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Và không nên để luôn y ở chỗ nắng. Nên gấp y lại. Trong khi gấp y nên lùi phần góc vào bốn ngón tay rồi gấp y lại (nghĩ rằng): ‘Không nên để nếp gấp ở phần chính giữa.’ Nên đặt dây thắt lưng ở phần y đã gấp lại.

Nếu có đồ ăn khất thực và người đệ tử có ý muốn thọ dụng thì nên trao nước (rửa) rồi đem đồ ăn khất thực lại. Nên hỏi ý người đệ tử về nước uống. Khi người đệ tử ăn xong nên trao nước (rửa). Nên nhận lại bình bát, để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không làm trầy, nên làm ráo nước, rồi đem phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Và không nên để luôn bình bát ở chỗ nắng. Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Và không nên đặt bình bát trên mặt đất không được trải lót.

Trong khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn phần gấp lại ở bên này, rồi máng y xuống. Khi người đệ tử đã đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nên dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nếu khu vực ấy có rác bẩn thì nên quét khu vực ấy.

24. Nếu người đệ tử có ý muốn tắm, nên chuẩn bị việc tắm. Nếu có nhu cầu về nước lạnh, nên chuẩn bị nước lạnh; nếu có nhu cầu về nước nóng, nên chuẩn bị nước nóng. Nếu người đệ tử có ý muốn đi vào nhà tắm hơi, nên trộn bột tắm. Nên tẩm ướt đất sét. Nên lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi, đi đến, trao ghế ngồi của nhà tắm hơi, nhận lấy y, rồi nên đem để ở một bên. Nên trao bột tắm. Nên trao đất sét. Nếu có nỗ lực, nên đi vào nhà tắm hơi. Trong khi đi vào nhà tắm hơi, nên thoa đất sét lên mặt, nên che kín cả phía trước lẫn phía sau rồi đi vào nhà tắm hơi.

Không nên chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống. Không nên xua đuổi các tỳ khưu mới tu khỏi chỗ ngồi. Ở trong nhà tắm hơi nên kỳ cọ cho người đệ tử. Trong khi rời khỏi nhà tắm hơi, nên cầm lấy cái ghế ngồi của nhà tắm hơi, nên che kín cả phía trước lẫn phía sau rồi rời khỏi nhà tắm hơi. Lúc ở trong nước nên kỳ cọ cho người đệ tử. Khi đã tắm xong nên đi ra (khỏi nước) trước tiên, nên lau khô nước ở thân thể của mình, quấn y lại, rồi nên lau khô nước ở thân thể của người đệ tử. Nên trao y lót trong. Nên trao y hai lớp. Nên cầm lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi, đi về trước, và sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nên hỏi ý người đệ tử về nước uống. Ở trú xá nào người đệ tử cư ngụ, nếu trú xá ấy có rác bẩn, nếu có nỗ lực thì (vị thầy) nên làm sạch sẽ. Trong khi làm sạch sẽ trú xá, trước tiên nên đem y và bình bát ra ngoài rồi để xuống ở một góc. ―(như trên)― Nếu hũ nước súc miệng không có nước, nên đổ nước vào hũ nước súc miệng. Nếu sự bực bội sanh khởi ở người đệ tử, vị thầy tế độ nên làm cho dịu đi, hoặc nhờ vị khác làm cho dịu đi, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị ấy. Nếu nỗi nghi hoặc sanh khởi ở người đệ tử, vị thầy tế độ nên làm cho tan biến, hoặc nhờ vị khác làm cho tan biến, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị ấy. Nếu tà kiến sanh khởi ở người đệ tử, vị thầy tế độ nên phân giải, hoặc nhờ vị khác phân giải, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị ấy.

25. Nếu người đệ tử bị phạm tội nặng xứng đáng hình phạt parivāsa, vị thầy tế độ nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể ban hình phạt parivāsa cho đệ tử?’ Nếu người đệ tử xứng đáng việc đưa về lại (hình phạt) ban đầu, vị thầy tế độ nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể đưa đệ tử về lại (hình phạt) ban đầu?’ Nếu người đệ tử xứng đáng hình phạt mānatta, vị thầy tế độ nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể ban hình phạt mānatta cho đệ tử?’ Nếu người đệ tử xứng đáng sự giải tội, vị thầy tế độ nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể giải tội cho đệ tử?’

Nếu hội chúng có ý định thực hiện hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với người đệ tử, vị thầy tế độ nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể khỏi thực hiện hành sự đối với đệ tử, hoặc đổi thành nhẹ hơn?’ Khi hội chúng đã thực hiện hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với người đệ tử, vị thầy tế độ nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để đệ tử có thể làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, và hội chúng có thể thâu hồi hành sự này?’

Nếu y của người đệ tử cần phải giặt, vị thầy tế độ nên chỉ dẫn: ‘Ngươi nên giặt như vầy,’ hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để y của đệ tử được giặt?’ Nếu y của người đệ tử cần phải may, vị thầy tế độ nên chỉ dẫn: ‘Ngươi nên may như vầy,’ hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để y của đệ tử được may?’ Nếu thuốc nhuộm của người đệ tử cần phải nấu, vị thầy tế độ nên chỉ dẫn: ‘Ngươi nên nấu như vầy,’ hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để thuốc nhuộm của đệ tử được nấu?’ Nếu y của người đệ tử cần phải nhuộm, vị thầy tế độ nên chỉ dẫn: ‘Ngươi nên nhuộm như vầy,’ hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để y của đệ tử được nhuộm?’ Trong khi nhuộm y, nên đảo tới đảo lui cho khéo léo. Không nên bỏ đi khi nước nhỏ giọt chưa ngừng. Nếu người đệ tử bị bệnh, nên phục vụ cho đến trọn đời. nên chờ đợi (đến khi) vị ấy có sự hồi phục.

Này các tỳ khưu, đây là phận sự đối với các người đệ tử của các vị thầy tế độ. Các vị thầy tế độ đối với các người đệ tử nên thực hành như thế.”

Dứt tụng phẩm thứ nhì.

*****

13. PHẬN SỰ ĐỐI VỚI THẦY DẠY HỌC

26. Vào lúc bấy giờ, các người học trò không thực hành phận sự đúng đắn đối với các vị thầy dạy học. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: ­- “Vì sao các người học trò lại không thực hành phận sự đúng đắn đối với các vị thầy dạy học?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ­

- “Này các tỳ khưu, nghe nói các người học trò không thực hành phận sự đúng đắn đối với các vị thầy dạy học, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định phận sự đối với các vị thầy dạy học cho các người học trò, các người học trò đối với các vị thầy dạy học nên thực hành như thế.

Này các tỳ khưu, người học trò nên thực hành phận sự đúng đắn đối với vị thầy dạy học. Đây là phận sự đúng đắn trong trường hợp này:

Nên thức dậy vào lúc sáng sớm, cởi dép ra, đắp thượng y một bên vai, rồi nên dâng gỗ chà răng, nên dâng nước súc miệng, nên sắp xếp chỗ ngồi. Nếu có cháo, nên rửa tô rồi đem cháo lại. Khi thầy đã uống cháo xong, nên dâng nước, nhận lại tô, để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không làm trầy, rồi đem cất. Khi thầy dạy học đã đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi.

Nếu khu vực ấy có rác bẩn thì nên quét khu vực ấy. Nếu thầy dạy học có ý định đi vào làng, nên trao y lót trong, nên nhận lại y lót trong (đã thay đổi), nên trao dây thắt lưng, nên gấp y hai lớp thành nếp rồi dâng lên. Nên trao bình bát còn đẫm nước sau khi đã rửa sạch. Nếu thầy dạy học muốn có vị Sa-môn hầu cận, vị ấy nên mặc y nội tròn đều với sự che phủ ba vòng tròn, buộc dây thắt lưng, nên gấp y hai lớp thành nếp rồi trùm lên, thắt lại dây buộc, rửa bình bát và cầm lấy, rồi làm vị Sa-môn hầu cận cho thầy dạy học. Không nên đi quá xa, không nên đi quá gần. Nên nhận lấy bình bát được (vị thầy) hoán đổi.

27. Khi thầy dạy học đang nói, không nên cắt ngang lời nói nửa chừng. Khi thầy dạy học có khả năng phạm tội lúc đang nói thì nên ngăn lại. Khi quay trở về, nên đi về trước tiên và sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Sau khi đi ra đón tiếp, nên rước y và bình bát. Nên trao y lót trong (trước đây), nên nhận lại y lót trong (mặc lúc đi). Nếu y bị thấm mồ hôi, nên phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Và không nên để luôn y ở chỗ nắng. Nên gấp y lại. Trong khi gấp y nên lùi phần góc vào bốn ngón tay rồi gấp y lại (nghĩ rằng): ‘Không nên để nếp gấp ở phần chính giữa.’ Nên đặt dây thắt lưng ở phần y đã gấp lại.

Nếu có đồ ăn khất thực và thầy dạy học có ý muốn thọ dụng thì nên dâng nước (rửa) rồi đem đồ ăn khất thực lại. Nên hỏi ý thầy dạy học về nước uống. Khi thầy ăn xong nên dâng nước (rửa), nên nhận lại bình bát, để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không làm trầy, nên làm ráo nước, rồi đem phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Và không nên để luôn bình bát ở chỗ nắng. Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Và không nên đặt bình bát trên mặt đất không được trải lót. Trong khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn phần gấp lại ở bên này, rồi máng y xuống.

Khi thầy dạy học đã đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nên dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nếu khu vực ấy có rác bẩn thì nên quét khu vực ấy.

Nếu thầy dạy học có ý muốn tắm, nên chuẩn bị việc tắm. Nếu (thầy dạy học) có nhu cầu về nước lạnh, nên chuẩn bị nước lạnh; nếu có nhu cầu về nước nóng, nên chuẩn bị nước nóng. Nếu thầy dạy học có ý muốn đi vào nhà tắm hơi, nên trộn bột tắm, nên tẩm ướt đất sét. Nên lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi rồi đi đến từ phía sau lưng và trao ghế ngồi của nhà tắm hơi cho thầy dạy học, nên nhận lấy y, và để ở một bên, nên trao bột tắm, nên trao đất sét. Nếu có nỗ lực, nên đi vào nhà tắm hơi. Trong khi đi vào nhà tắm hơi, nên thoa đất sét lên mặt, nên che kín cả phía trước lẫn phía sau rồi đi vào nhà tắm hơi.

28. Không nên chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống. Không nên xua đuổi các tỳ khưu mới tu khỏi chỗ ngồi. Ở trong nhà tắm hơi nên kỳ cọ cho thầy dạy học. Trong khi rời khỏi nhà tắm hơi, nên cầm lấy cái ghế ngồi của nhà tắm hơi, nên che kín cả phía trước lẫn phía sau rồi rời khỏi nhà tắm hơi. Lúc ở trong nước nên kỳ cọ cho thầy dạy học. Khi đã tắm xong nên đi ra (khỏi nước) trước tiên, nên lau khô nước ở thân thể của mình, quấn y lại, rồi nên lau khô nước ở thân thể của thầy dạy học. Nên trao y lót trong. Nên trao y hai lớp. Nên cầm lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi, đi về trước, và sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nên hỏi ý thầy dạy học về nước uống. Nếu có ý muốn thỉnh (thầy) đọc tụng, nên thỉnh (thầy) đọc tụng. Nếu có ý muốn hỏi đạo, thì có thể hỏi đạo.

Ở trú xá nào thầy dạy học cư ngụ, nếu trú xá ấy có rác bẩn, nếu có nỗ lực thì nên làm sạch sẽ. Trong khi làm sạch sẽ trú xá, trước tiên nên đem y bát ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem vật lót ngồi và tấm trải nằm ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem nệm gối ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên hạ thấp cái giường rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy (mặt đất), không va chạm vào cánh cửa lớn và khung cửa rồi để xuống ở một góc, nên hạ thấp cái ghế rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy (mặt đất), không va chạm vào cánh cửa lớn và khung cửa rồi để xuống ở một góc, nên đem khung giường ra ngoài rồi để xuống ở một góc. Nên đem ống nhổ ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem tấm ván kê đầu ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên xem xét tấm trải nền được xếp đặt như thế nào rồi đem ra ngoài và để xuống ở một góc.

Nếu ở trú xá có mạng nhện, trước tiên nên gỡ xuống khỏi tấm màn che, nên lau chùi các lỗ thông gió và các hốc kẹt. Nếu tường được sơn màu đỏ bị đốm loang lỗ, nên thấm khăn ướt chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu nền được sơn màu đen bị đốm loang lỗ, nên thấm khăn ướt chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu nền không được thực hiện, nên rải rắc với nước rồi quét (nghĩ rằng): ‘Không nên để trú xá bị tràn ngập bụi bặm.’ Nên gom rác lại rồi đem đổ bỏ ở một góc.

29. Sau khi phơi nắng tấm trải nền, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng khung giường, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng giường, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy (mặt đất), không va chạm vào cánh cửa lớn và khung cửa rồi sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ghế, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy (mặt đất), không va chạm vào cánh cửa lớn và khung cửa rồi sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng nệm gối, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây).

Sau khi phơi nắng vật lót ngồi và đồ trải nằm, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ống nhổ, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng tấm ván kê đầu, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ.

Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Không nên đặt bình bát trên mặt đất không được trải lót. Trong khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn phần gấp lại ở bên này, rồi máng y xuống.

Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng đông, các cửa sổ hướng đông nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng tây, các cửa sổ hướng tây nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng bắc, các cửa sổ hướng bắc nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng nam, các cửa sổ hướng nam nên được khép lại. Nếu thời tiết lạnh, các cửa sổ nên mở ra vào ban ngày và khép lại vào ban đêm. Nếu thời tiết nóng, các cửa sổ nên khép lại vào ban ngày và mở ra vào ban đêm. Nếu phòng có rác bẩn, nên quét phòng. Nếu cổng có rác bẩn, nên quét cổng. Nếu phòng hội họp có rác bẩn, nên quét phòng hội họp. Nếu nhà để đốt lửa có rác bẩn, nên quét nhà để đốt lửa. Nếu nhà vệ sinh có rác bẩn, nên quét nhà vệ sinh. Nếu nước uống không có, nên đem nước uống lại. Nếu nước rửa không có, nên đem nước rửa lại. Nếu hũ nước súc miệng không có nước, nên đổ nước vào hũ nước súc miệng.

30. Nếu sự bực bội sanh khởi ở thầy dạy học, người học trò nên làm cho dịu đi, hoặc nhờ vị khác làm cho dịu đi, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị thầy. Nếu nỗi nghi hoặc sanh khởi ở thầy dạy học, người học trò nên làm cho tan biến, hoặc nhờ vị khác làm cho tan biến, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị thầy. Nếu tà kiến sanh khởi ở thầy dạy học, người học trò nên phân giải, hoặc nhờ vị khác phân giải, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị thầy. Nếu thầy dạy học bị phạm tội nặng xứng đáng hình phạt parivāsa, người học trò nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể ban hình phạt parivāsa cho thầy dạy học?’

Nếu thầy dạy học xứng đáng việc đưa về lại (hình phạt) ban đầu, người học trò nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể đưa thầy dạy học về lại (hình phạt) ban đầu?’ Nếu thầy dạy học xứng đáng hình phạt mānatta, người học trò nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể ban hình phạt mānatta cho thầy dạy học?’ Nếu thầy dạy học xứng đáng sự giải tội, người học trò nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể giải tội cho thầy dạy học?’ Nếu hội chúng có ý định thực hiện hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với thầy dạy học, người học trò nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể khỏi thực hiện hành sự đối với thầy dạy học, hoặc đổi thành nhẹ hơn?’ Khi hội chúng đã thực hiện hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với vị thầy dạy học, người học trò nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để thầy dạy học có thể làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, và hội chúng có thể thâu hồi hành sự này?’

Nếu y của thầy dạy học cần phải giặt, người học trò nên giặt hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để y của thầy dạy học được giặt?’ Nếu y của thầy dạy học cần phải may, người học trò nên may hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để y của thầy dạy học được may?’ Nếu thuốc nhuộm của thầy dạy học cần phải nấu, người học trò nên nấu hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để thuốc nhuộm của thầy dạy học được nấu?’ Nếu y của thầy dạy học cần phải nhuộm, người học trò nên nhuộm hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để y của thầy dạy học được nhuộm?’ Trong khi nhuộm y, nên đảo tới đảo lui cho khéo léo. Không nên bỏ đi khi nước nhỏ giọt chưa ngừng.

Không có phép của thầy dạy học, không nên cho bình bát đến người khác. Không nên thọ lãnh bình bát của người khác. Không nên cho y đến người khác. Không nên thọ lãnh y của người khác. Không nên cho vật dụng đến người khác. Không nên thọ lãnh vật dụng của người khác. Không nên cạo tóc cho người khác. Không nên bảo người khác cạo tóc. Không nên kỳ cọ người khác. Không nên bảo người khác kỳ cọ. Không nên hầu hạ người khác. Không nên bảo người khác hầu hạ. Không nên làm vị Sa-môn hầu cận cho người khác. Không nên nhận người khác làm vị Sa-môn hầu cận. Không nên mang đồ ăn khất thực lại dùm người khác. Không nên nhờ người khác mang dùm đồ ăn khất thực lại.

Chưa xin phép thầy dạy học không nên đi vào làng, không nên đi đến mộ địa, không nên bỏ đi hướng khác. Nếu thầy dạy học bị bệnh, nên phục vụ cho đến trọn đời. nên chờ đợi (đến khi) vị ấy có sự hồi phục.

Này các tỳ khưu, đây là phận sự đối với các vị thầy dạy học của các người học trò, các người học trò đối với các vị thầy dạy học nên thực hành như thế.”

*****

14. PHẬN SỰ ĐỐI VỚI HỌC TRÒ

31. Vào lúc bấy giờ, các vị thầy dạy học không thực hành phận sự đúng đắn đối với các người học trò. Các tỳ khưu nào ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các vị thầy dạy học lại không thực hành phận sự đúng đắn đối với các người học trò?” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và hỏi các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, nghe nói các vị thầy dạy học không thực hành phận sự đúng đắn đối với các người học trò, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định phận sự đối với các người học trò cho các vị thầy dạy học, các vị thầy dạy học đối với các người học trò nên thực hành như thế.

Này các tỳ khưu, vị thầy dạy học nên thực hành phận sự đúng đắn đối với người học trò. Đây là phận sự đúng đắn trong trường hợp này:

Này các tỳ khưu, thầy dạy học nên quan tâm đến người học trò, nên giúp đỡ bằng sự đọc tụng, bằng sự vấn hỏi, bằng sự giáo huấn, bằng sự giảng dạy. Nếu thầy dạy học có bình bát và người học trò không có bình bát, thầy dạy học nên cho bình bát đến người học trò, hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để bình bát có thể phát sanh đến học trò?’

Nếu thầy dạy học có y và người học trò không có y, thầy dạy học nên cho y đến người học trò, hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để y có thể phát sanh đến học trò?’

Nếu thầy dạy học có vật dụng và người học trò không có vật dụng, thầy dạy học nên cho vật dụng đến người học trò, hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để vật dụng có thể phát sanh đến học trò?’

32. Nếu người học trò bị bệnh, (vị thầy dạy học) nên thức dậy vào lúc sáng sớm. Nên trao gỗ chà răng. Nên trao nước súc miệng. Nên sắp xếp chỗ ngồi. Nếu có cháo, nên rửa tô rồi đem cháo lại. Khi người học trò đã uống cháo xong, nên cho nước, nhận lại tô, để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không làm trầy, rồi đem cất. Khi người học trò đã đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nếu khu vực ấy có rác bẩn thì nên quét khu vực ấy.

Nếu người học trò có ý định đi vào làng, nên trao y lót trong, nên nhận lại y lót trong (đã thay đổi), nên trao dây thắt lưng, nên gấp y hai lớp thành nếp rồi trao cho. Nên trao bình bát còn đẫm nước sau khi đã rửa sạch. (Nghĩ rằng): ‘Đến lúc vị ấy sắp trở về,’ nên sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Sau khi đi ra đón tiếp, nên rước y và bình bát. Nên trao y lót trong (trước đây), nên nhận lại y lót trong (mặc lúc đi).

Nếu y bị thấm mồ hôi, nên phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Và không nên để luôn y ở chỗ nắng. Nên gấp y lại. Trong khi gấp y nên lùi phần góc vào bốn ngón tay rồi gấp y lại (nghĩ rằng): ‘Không nên để nếp gấp ở phần chính giữa.’ Nên đặt dây thắt lưng ở phần y đã gấp lại.

33. Nếu có đồ ăn khất thực và người học trò có ý muốn thọ dụng thì nên trao nước (rửa) rồi đem đồ ăn khất thực lại. Nên hỏi ý người học trò về nước uống. Khi người học trò ăn xong nên trao nước (rửa). Nên nhận lại bình bát, để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không làm trầy, nên làm ráo nước, rồi đem phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Và không nên để luôn bình bát ở chỗ nắng. Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Và không nên đặt bình bát trên mặt đất không được trải lót. Trong khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn phần gấp lại ở bên này, rồi máng y xuống. Khi người học trò đã đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nên dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân.

Nếu khu vực ấy có rác bẩn thì nên quét khu vực ấy. Nếu người học trò có ý muốn tắm, nên chuẩn bị việc tắm. Nếu (người học trò) có nhu cầu về nước lạnh, nên chuẩn bị nước lạnh; nếu có nhu cầu về nước nóng, nên chuẩn bị nước nóng. Nếu người học trò có ý muốn đi vào nhà tắm hơi, nên trộn bột tắm, nên tẩm ướt đất sét. Nên lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi, đi đến, trao ghế ngồi của nhà tắm hơi, nhận lấy y, rồi để ở một bên. Nên trao bột tắm. Nên trao đất sét. Nếu có nỗ lực, nên đi vào nhà tắm hơi. Trong khi đi vào nhà tắm hơi, nên thoa đất sét lên mặt, nên che kín cả phía trước lẫn phía sau rồi đi vào nhà tắm hơi.

Không nên chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống. Không nên xua đuổi các tỳ khưu mới tu khỏi chỗ ngồi. Ở trong nhà tắm hơi nên kỳ cọ cho người học trò. Trong khi rời khỏi nhà tắm hơi, nên cầm lấy cái ghế ngồi của nhà tắm hơi, nên che kín cả phía trước lẫn phía sau rồi rời khỏi nhà tắm hơi. Lúc ở trong nước nên kỳ cọ cho người học trò. Khi đã tắm xong nên đi ra (khỏi nước) trước tiên, nên lau khô nước ở thân thể của mình, quấn y lại, rồi nên lau khô nước ở thân thể của người học trò. Nên trao y lót trong. Nên trao y hai lớp. Nên cầm lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi, đi về trước, và sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nên hỏi ý người học trò về nước uống. Ở trú xá nào người học trò cư ngụ, nếu trú xá ấy có rác bẩn, nếu có nỗ lực thì nên làm sạch sẽ. Trong khi làm sạch sẽ trú xá, trước tiên nên đem y bát ra ngoài rồi để xuống ở một góc. ―(như trên)― Nếu hũ nước súc miệng không có nước, nên đổ nước vào hũ nước súc miệng.

34. Nếu sự bực bội sanh khởi ở người học trò, vị thầy dạy học nên làm cho dịu đi, hoặc nhờ vị khác làm cho dịu đi, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị ấy. Nếu nỗi nghi hoặc sanh khởi ở người học trò, vị thầy dạy học nên làm cho tan biến, hoặc nhờ vị khác làm cho tan biến, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị ấy. Nếu tà kiến sanh khởi ở người học trò, vị thầy dạy học nên phân giải, hoặc nhờ vị khác phân giải, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị ấy.

Nếu người học trò bị phạm tội nặng xứng đáng hình phạt parivāsa, vị thầy dạy học nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể ban hình phạt parivāsa cho học trò?’ Nếu người học trò xứng đáng việc đưa về lại (hình phạt) ban đầu, vị thầy dạy học nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể đưa học trò về lại (hình phạt) ban đầu?’ Nếu người học trò xứng đáng hình phạt mānatta, vị thầy dạy học nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể ban hình phạt mānatta cho học trò?’ Nếu người học trò xứng đáng sự giải tội, vị thầy dạy học nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể giải tội cho học trò?’

Nếu hội chúng có ý định thực hiện hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với người học trò, vị thầy dạy học nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để hội chúng có thể khỏi thực hiện hành sự đối với học trò, hoặc đổi thành nhẹ hơn?’ Khi hội chúng đã thực hiện hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với người học trò, vị thầy dạy học nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để học trò có thể làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, và hội chúng có thể thâu hồi hành sự này?’

Nếu y của người học trò cần phải giặt, vị thầy dạy học nên chỉ dẫn: ‘Ngươi nên giặt như vầy,’ hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để y của học trò được giặt?’ Nếu y của học trò cần phải may, vị thầy dạy học nên chỉ dẫn: ‘Ngươi nên may như vầy,’ hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để y của học trò được may?’ Nếu thuốc nhuộm của người học trò cần phải nấu, vị thầy dạy học nên chỉ dẫn: ‘Ngươi nên nấu như vầy,’ hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để thuốc nhuộm của học trò được nấu?’

Nếu y của người học trò cần phải nhuộm, vị thầy dạy học nên chỉ dẫn: ‘Ngươi nên nhuộm như vầy,’ hoặc nên thể hiện sự nỗ lực: ‘Làm thế nào để y của học trò được nhuộm?’ Trong khi nhuộm y, nên đảo tới đảo lui cho khéo léo. Không nên bỏ đi khi nước nhỏ giọt chưa ngừng. Nếu người học trò bị bệnh, nên phục vụ cho đến trọn đời. nên chờ đợi (đến khi) vị ấy có sự hồi phục.

Này các tỳ khưu, đây là phận sự đối với các người học trò của các vị thầy dạy học. Các vị thầy dạy học đối với các người học trò nên thực hành như thế.”

Chương Phận Sự là thứ tám.

*****

Trong chương này có năm mươi lăm sự việc.

TÓM LƯỢC CHƯƠNG NÀY

1. Có mang dép, và che dù, trùm đầu, đội y, nước uống, với sự không đảnh lễ, không hỏi (về chỗ ngụ), con rắn, các vị hiền thiện phàn nàn.

2. Vị đã cởi (dép), (hạ) dù, ở vai, và không vội vã trong khi đi đến, đã đặt y và bát xuống, và (chỗ ngồi) thích hợp, (các việc) đã được hỏi.

3. Nên xối nước, với vị đã rửa, (lau) giày dép với khăn khô, rồi ướt, vị trưởng thượng, vị mới tu, nên hỏi, (phòng) đã có người ở, và khu vực đi khất thực.

4. Các vị Thánh Hữu Học, nhà tiêu, nước uống, nước rửa, cây gậy chống, điều qui định từ nơi ấy, giờ giấc, (chờ) trong chốc lát, rác bẩn, nên đem ra ngoài thảm trải nền.

5. Khung giường, nệm gối, giường, ghế, và ống nhổ, tấm ván kê, tấm màn che, các hốc kẹt, màu đỏ, màu đen, (nền) không được thực hiện.

6. Rác, và tấm thảm trải nền, khung giường, giường và ghế, nệm gối, vật lót ngồi, ống nhổ, và tấm ván kê đầu.

7. Y và bình bát, và mặt đất, mép y phía bên kia, phần gấp lại ở bên này, từ hướng đông, và từ hướng tây, từ hướng bắc, rồi từ hướng nam.

8. Và khi lạnh khi nóng, ban ngày, ban đêm, căn phòng, cổng ra vào, phòng hội họp, nhà đốt lửa, và phận sự ở các nhà vệ sinh.

9. Nước uống, nước rửa, và hũ nước cho các việc súc miệng, phận sự đã được bậc Vô Song quy định, các điều này (nên được thực hành) bởi các vị vãng lai.

10. Không chịu (sắp xếp) chỗ ngồi, không nước, không đón tiếp, và không nước uống, không đảnh lễ, không sắp xếp (chỗ ngụ), và các vị hiền thiện phàn nàn.

11. Chỗ ngồi cho vị thâm niên, và nước rửa, sau khi đi ra đón tiếp, và nước uống, (nên lau) đôi dép, (phơi) ở một góc, nên đảnh lễ và nên sắp xếp (chỗ ngụ).

12. Đã có người ở, khu vực đi khất thực, và vị Thánh Hữu Học, chỗ nước uống và nước rửa, cây gậy chống, điều quy định, giờ giấc, đối với vị mới tu, về vị vẫn ngồi.

13. Nên cho đảnh lễ, nên chỉ rõ, tương tợ như đường lối dưới đây, phận sự đã được vị Hướng Dẫn Đoàn Xe chỉ dạy, các điều này (nên được thực hành) bởi các vị thường trú.

14. Vị xuất hành, đồ gỗ, và các đồ đất nung, sau khi mở ra, không được thông báo, các vật bị mất, và không được bảo vệ, và các vị hiền thiện phàn nàn.

15. Sau khi thu xếp, sau khi đóng cửa, sau khi thông báo rồi nên ra đi, vị tỳ khưu, hoặc Sa-di, hoặc người phụ việc chùa, hoặc cư sĩ.

16. Ở trên các hòn đá, và nên thu xếp thành đống, và nên đóng cửa, hoặc vị có nỗ lực, hoặc (thực hiện) sự nỗ lực, và tương tợ y như thế ở chỗ không dột.

17. Toàn bộ đều bị dột, (nên mang) vào làng, và tương tợ y như thế ở ngoài trời (nghĩ rằng): ‘Có lẽ các thứ này sẽ còn được tồn tại,’ phận sự (nên được thực hành) bởi vị tỳ khưu xuất hành.

18. Các vị không nói lời tùy hỷ, bởi vị trưởng lão, sau khi để ở lại, với bốn hay năm vị, bị mắc tiêu, đã bị ngất xỉu, các điều này là các phận sự trong các việc nói lời tùy hỷ.

19. Các vị nhóm Lục Sư mặc y luộm thuộm, và lại còn trùm y luộm thuộm, không đúng quy cách, và sau khi tách ra, chen vào (chỗ) các vị trưởng lão.

20. Và (đuổi) các vị mới tu, (trải ra) y hai lớp, và các vị hiền thiện phàn nàn, sau khi quấn che ba vòng tròn, dây thắt lưng, với nếp gấp, dây buộc.

21. Không tách ra, được che kín, khéo thu thúc, với mắt nhìn xuống, bị vén hở ra, với tiếng cười vang, âm thanh (giọng nói), và còn thêm ba sự đung đưa.

22. Chống nạnh, trùm đầu, nhón gót, được che kín, khéo thu thúc, với mắt nhìn xuống, bị vén hở ra, tiếng cười vang, giọng nói nhỏ nhẹ, ba sự đung đưa.

23. Chống nạnh, trùm đầu, ôm đầu gối, việc chen vào, ở chỗ ngồi, sau khi trải ra, nước, sau khi hạ thấp xuống, không nên làm văng nước.

24. Vật chứa nước rửa, ở xung quanh, y hai lớp, và khi (được dâng) cơm, nên thọ lãnh, xúp, với thức ăn ngon, cho tất cả, và ngang miệng (bát).

25. Nghiêm trang, và có sự chú tâm ở bình bát, và theo tuần tự, với lượng xúp, không vun thành đống, che lấp, yêu cầu, với ý định tìm lỗi.

26. (Vắt cơm) lớn, tròn đều, cửa miệng, trọn bàn tay, không nói chuyện, đưa thức ăn liên tục, việc cắn (từng chút), phồng má, vung rảy tay, sự làm rơi đổ cơm.

27. Và luôn cả việc le lưỡi, tiếng chép chép, và với tiếng rột rột, liếm tay, vét bình bát, liếm môi, có dính thức ăn, về việc thọ lãnh.

28. Không (thọ nhận) nước rửa cho đến khi tất cả (đã ăn xong), sau khi hạ thấp, không nên làm văng, vật chứa nước rửa, ở xung quanh, y hai lớp, sau khi hạ thấp, và ở mặt đất.

29. (Nước) có lẫn cơm, trong khi đi trở về, được che kín đáo, sự nhón gót, đây là phận sự ở nhà ăn đã được quy định bởi bậc Pháp Vương.

30. Mặc y phục luộm thuộm, không đúng quy cách, sau khi không suy xét, và vội vã, xa, gần, lâu, mau, tương tợ y như thế là vị đi khất thực.

31. Với sự che kín rồi nên đi, khéo thu thúc, với mắt nhìn xuống, bị vén hở ra, với tiếng cười vang, âm thanh (giọng nói), và còn thêm ba sự đung đưa.

32. Chống nạnh, trùm đầu, nhón gót, sau khi không suy xét, và vội vã, xa, gần, lâu, mau, sự đụng đến, cái muỗng.

33. Hoặc cái đĩa, và thỉnh đứng lại, sau khi vén y lên, sau khi mở ra, nên thọ lãnh, không nên nhìn, về các món xúp, điều ấy cũng tương tợ y như thế.

34. Vị tỳ khưu, nên che đậy bằng y saṅghāṭi, được che kín rồi mới nên đi, khéo thu thúc, với mắt nhìn xuống, bị vén hở ra, và tiếng cười vang.

35. Với giọng nói nhỏ nhẹ, ba sự đung đưa, chống nạnh, trùm đầu, nhón gót, (về) trước tiên, chỗ ngồi, chậu đựng đồ thừa, nước uống, nước rửa, (vị) về sau, (nếu) muốn, có thể ăn, có thể đổ xuống, nên xếp lại cất đi.

36. Có thể dọn dẹp, nên quét, hết nước, trống trơn, nên đem (nước) lại, về dấu hiệu bằng tay, (không) nên nói ra lời, và phận sự về việc khất thực.

37. Nước uống, nước rửa, ngọn lửa, vật tạo lửa, sao, phương hướng, và bọn trộm cướp, ‘tất cả đều không có,’ sau khi đánh đập, vai mang bình bát, y, từ nơi ấy.

38. Giờ đây, sau khi mang ở vai, đều đặn ba vòng tròn, giống như phận sự của vị đi khất thực, phương thức cho các vị sống ở rừng cũng thế.

39. Vai mang bình bát, y (đội) ở đầu, sau khi mang (dép) vào, và nước uống, nước rửa, ngọn lửa, vật tạo lửa, và luôn cả gậy chống.

40. Ngôi sao, hoặc toàn bộ khu vực, nên rành rẽ về các phương hướng, các điều này là phận sự cho các vị ngụ ở rừng đã được quy định bởi bậc Tối Thượng của Chúng Sanh.

41. Ở ngoài trời, các vị đã bị lấm bụi, và các vị hiền thiện phàn nàn, nếu trú xá có rác bẩn, trước tiên là y và bình bát.

42. Nệm gối, giường, ghế, và ống nhổ, tấm ván kê đầu, lỗ thông gió và các hốc kẹt, màu đỏ, màu đen, và (nền) chưa được thực hiện.

43. Rác rến, gần các vị tỳ khưu, (gần) sàng tọa, (gần) trú xá và nước uống, gần nước rửa, ngược chiều gió, và ở mái hiên.

44. Phía dưới gió, thảm trải nền, khung giường, và giường, ghế, nệm, vật lót ngồi, ống nhổ, và tấm ván kê đầu.

45. Y và bình bát, và mặt đất, mép y phía bên kia, phần gấp lại ở bên này, từ hướng đông, và từ hướng tây, từ hướng bắc, rồi từ hướng nam.

46. Và khi lạnh khi nóng, ban ngày, ban đêm, và căn phòng, cổng ra vào, và phòng hội họp, nhà đốt lửa, nhà vệ sinh, và nước uống.

47. Hũ nước súc miệng, và vị thâm niên, việc đọc tụng, các câu hỏi, việc học bài, (việc giảng) Pháp, nên thổi tắt ngọn đèn, không nên mở ra, cũng không nên đóng lại.

48. Khi đối đầu với vị thâm niên thì nên xoay lại, không nên va chạm dù là bằng chéo y, đấng Đại Hùng đã quy định điều ấy là phận sự ở các nơi cư ngụ.

49. Các vị trong khi bị cản trở, (đóng) cửa ra vào, đã bị ngất xỉu, các vị hiền thiện phàn nàn, nên đổ tro, nhà tắm hơi, và bục nền xung quanh tương tợ y như thế.

50. Căn phòng, cổng, gian phòng lớn, bột tắm, đất sét, máng nước, khuôn mặt, ở phía trước, không (chen vào) các vị trưởng lão, không nên (xua đuổi) các vị mới tu, nếu có nỗ lực.

51. (Tắm) ở phía trước, ở phía trên, đường đi, bị lầy lội, (máng) đất sét, ghế ngồi, sau khi tắt lửa, nên đi ra, các điều này là phận sự ở các nhà tắm hơi.

52. Vị không rửa sạch, theo thâm niên, theo thứ tự, và với sự vội vã, đã vén y lên, việc rặn, gỗ (chà răng), việc đại tiện, việc tiểu tiện, việc khạc nhổ.

53. Bị sần sùi, hố phân, với sự vội vã, đã vén y lên, tiếng chép chép, với (nước) chừa lại, vị ở bên ngoài, và ở bên trong, nên tằng hắng, giây phơi, và sự không hấp tấp.

54. Với sự vội vã, sau khi vén y lên, về việc rặn, gỗ (chà răng), việc đại tiện, việc tiểu tiện, việc khạc nhổ, (khúc cây chùi) bị sần sùi, hố phân, bệ nhà vệ sinh.

55. Với sự không vội vã, đã vén y lên, ở sàn rửa, tiếng chép chép, không nên chừa lại (nước), nên che kín, bị dơ, với thùng đựng.

56. Nhà vệ sinh, bục nền xung quanh, và căn phòng, cổng, và nước để rửa ráy, các điều này là phận sự ở nhà vệ sinh.

57. Đôi dép, gỗ chà răng, và nước súc miệng, chỗ ngồi, cháo, nước, sau khi rửa, nên thu xếp, rác bẩn, và vào làng.

58. Y lót trong, dây thắt lưng, có nếp gấp, bình bát còn đẫm nước, vị thị giả, và luôn cả ba vòng, (mặc y nội) tròn đều, dây thắt lưng.

59. Có nếp gấp, sau khi rửa, vị (Sa-môn) hầu cận, không quá xa, nên nhận lấy, khi đang nói, tội vi phạm, sau khi đi về trước tiên, chỗ ngồi.

60. Nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, sau khi đi ra đón, y lót trong, nên phơi nắng, để luôn, vết gấp, ở phần đã gấp lại, để thọ thực, nên đem lại.

61. Nước uống, nước rửa, chỗ thấp, trong chốc lát, và không nên để luôn, y và bình bát, và mặt đất, mép y phía bên kia, phần gấp lại ở bên này.

62. Nên thu xếp, và nên dọn dẹp, rác bẩn, và (có ý muốn) tắm, (nước) lạnh, (nước) nóng, nhà tắm hơi, bột tắm, đất sét, từ phía sau lưng.

63. Và ghế ngồi, y, bột tắm, đất sét, nếu có nỗ lực, khuôn mặt, phía trước, (chen vào) các vị trưởng lão, và (xua đuổi) các vị mới tu, và việc kỳ cọ, nên rời khỏi.

64. Ở phía trước, lúc ở trong nước, khi đã tắm, sau khi quấn y lại, (lau khô) thầy tế độ, và y lót trong, y hai lớp, ghế (nhà tắm hơi), và với chỗ ngồi.

65. Nước rửa chân, ghế kê chân, giẻ lau chân, nước uống, việc đọc tụng, việc hỏi đạo, rác bẩn, nên khéo làm sạch sẽ, trước tiên là y và bình bát.

66. Vật lót ngồi, tấm trải nằm, nệm và các gối, giường, ghế, khung giường, ống nhổ, và tấm ván kê đầu.

67. (Tấm trải) nền nhà, mạng nhện, lỗ thông gió, màu đỏ, màu đen, không được thực hiện, tấm trải nền, khung giường, giường, ghế, gối.

68. Vật lót ngồi và tấm trải nằm, ống nhổ, tấm ván kê đầu, y và bình bát, từ hướng đông, và luôn cả từ hướng tây, từ hướng bắc, rồi từ hướng nam.

69. Và khi lạnh khi nóng, ban ngày, ban đêm, và căn phòng, cổng ra vào, phòng hội họp, và nhà đốt lửa, nhà vệ sinh, nước uống, nước rửa.

70. Việc súc miệng, sự bực bội, nỗi nghi hoặc, tà kiến, và tội nặng, từ đầu, hình phạt mànatta, việc giải tội, (hành sự) khiển trách, chỉ dạy.

71. (Hành sự) xua đuổi, hòa giải, và treo tội, nếu đã được thực hiện, nên giặt, nên thể hiện, và việc nhuộm, nên nhuộm, việc trộn đều.

72. Và bình bát, và luôn cả y nữa, và vật dụng, việc cạo (tóc), việc kỳ cọ, việc hầu hạ, Sa-môn hầu cận, đồ khất thực, sự đi vào.

73. Không mộ địa, và luôn cả hướng (khác), cho đến trọn đời nên phục vụ, việc này (nên được thực hành) bởi người đệ tử, các điều này là phận sự đối với các vị thầy tế độ.

74. Sự giáo huấn, giảng dạy, đọc tụng, vấn hỏi, bình bát, và y, vật dụng, và vị bị bệnh, không nên là vị Sa-môn hầu cận.

75. Các phận sự nào đối với các vị thầy tế độ thì cũng như vậy đối với các vị thầy dạy học, các phận sự đối với các người đệ tử thì tương tợ y như thế đối với người học trò.

76. Các phận sự dành cho các vị vãng lai, và dành cho các vị thường trú nữa, các vị xuất hành, các vị nói lời tùy hỷ ở nơi thọ thực, và về vị đi khất thực.

77. Phận sự dành cho các vị ngụ ở rừng, và luôn cả ở các nơi cư ngụ, ở nhà tắm hơi, các nhà vệ sinh, các vị thầy tế độ, đối với người đệ tử.

78. Phận sự đối với các vị thầy dạy học, tương tợ y như thế đối với người học trò, có mười chín sự việc đã được nói đến ở mười sáu phần.

79. Trong khi không làm tròn phận sự thì không đầy đủ về giới, vị có giới không trong sạch, có tuệ kém, không có được nhất tâm.

80. Với tâm bị xáo trộn, không trụ một điểm, không nhìn thấy Pháp một cách đúng đắn, trong khi không nhìn thấy Chánh Pháp, không hoàn toàn thoát khỏi khổ đau.

81. Trong khi làm đầy đủ phận sự, thì cũng làm đầy đủ về giới, là vị có giới thanh tịnh, có tuệ, đạt được luôn cả nhất tâm.

82. Tâm không bị xáo trộn, trụ một điểm, nhìn thấy rõ Pháp một cách đúng đắn, trong khi bản thân nhìn thấy Chánh Pháp, vị ấy hoàn toàn thoát khỏi khổ đau.

83. Chính vì điều ấy, người con trai sáng suốt của đấng Chiến Thắng, nên làm đầy đủ phận sự, lời giáo huấn của đức Phật tối thượng, từ đó hãy đi đến Niết Bàn.”

--ooOoo--