TỤNG PHẨM THỨ TÁM

  • Câu chuyện về năm thứ bệnh
  • Câu chuyện về các binh sĩ của đức vua
  • Câu chuyện về kẻ cướp có mang chuỗi ngón tay
  • Câu chuyện về kẻ cướp phá ngục
  • Câu chuyện về kẻ cướp bị cáo thị tầm nã
  • Câu chuyện về kẻ bị phạt đánh bằng roi
  • Câu chuyện về kẻ bị phạt đóng dấu
  • Câu chuyện về kẻ thiếu nợ
  • Câu chuyện về kẻ nô tỳ
  • Câu chuyện về người thợ bạc bị sói đầu
  • Câu chuyện về thiếu niên Upāli
  • Câu chuyện về bịnh dịch hạch
  • Câu chuyện về (Sa-di) Kaṇṭaka
  • Câu chuyện về (hướng đi) bị tắt nghẽn
  • Phần giảng về việc nương nhờ

1. Vào lúc bấy giờ, có năm thứ bệnh phát triển rộng khắp trong dân chúng xứ Magadha là: bệnh cùi, bệnh mụt nhọt, bệnh chàm, bệnh lao phổi, bệnh động kinh. Những người mắc phải năm thứ bệnh đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca và nói như vầy: - “Thưa thầy, tốt đẹp thay thầy hãy điều trị cho chúng tôi.” - “Các ngài ơi, tôi có nhiều phận sự, có nhiều việc cần phải làm. Và tôi còn phải phục vụ đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, các cung phi, và hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu nữa; tôi không thể điều trị (các ngài) được.” - “Thưa thầy, tất cả tài sản hãy là của thầy và chúng tôi sẽ là đầy tớ của thầy. Tốt đẹp thay thầy hãy điều trị cho chúng tôi.” - “Các ngài ơi, tôi có nhiều phận sự, có nhiều việc cần phải làm. Và tôi còn phải phục vụ đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, các cung phi, và hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu nữa; tôi không thể điều trị (các ngài) được.”

2. Khi ấy, những người dân ấy đã khởi ý điều này: “Những Sa-môn Thích tử này có giới luật thoải mái, có sở hành thoải mái, sau khi thọ thực thức ăn ngon rồi nằm ngủ ở những cái giường kín gió, hay là chúng ta nên xuất gia nơi các Sa-môn Thích tử? Trong trường hợp ấy, chính các vị tỳ khưu sẽ chăm sóc (chúng ta) và Jīvaka Komārabhacca sẽ điều trị.”

3. Sau đó, những người dân ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã cho họ xuất gia, đã cho tu lên bậc trên. Và chính các tỳ khưu đã chăm sóc họ và Jīvaka Komārabhacca đã điều trị.

4. Vào lúc bấy giờ, trong lúc chăm sóc nhiều tỳ khưu bị bệnh các vị tỳ khưu sống có nhiều sự xin xỏ, có nhiều sự yêu cầu: “Hãy bố thí vật thực dành cho người bệnh, hãy bố thí vật thực dành cho người chăm sóc bệnh, hãy bố thí dược phẩm dành cho người bệnh.” Ngay cả Jīvaka Komārabhacca, trong lúc điều trị nhiều tỳ khưu bị bệnh, đã xao lãng phận sự nào đó đối với đức vua.

5. Và có người đàn ông nọ cũng mắc phải năm thứ bệnh đã đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca và đã nói điều này: - “Thưa thầy, tốt đẹp thay thầy hãy điều trị cho tôi.” - “Ngài ơi, tôi có nhiều phận sự, có nhiều việc cần phải làm. Và tôi còn phải phục vụ đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, các cung phi, và hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu nữa; tôi không thể điều trị (ngài) được.” - “Thưa thầy, tất cả tài sản hãy là của thầy và tôi sẽ là đầy tớ của thầy. Tốt đẹp thay thầy hãy điều trị cho tôi.” - “Ngài ơi, tôi có nhiều phận sự, có nhiều việc cần phải làm. Và tôi còn phải phục vụ đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, các cung phi, và hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu nữa; tôi không thể điều trị (ngài) được.”

6. Khi ấy, người đàn ông ấy đã khởi ý điều này: “Những Sa-môn Thích tử này có giới luật thoải mái, có sở hành thoải mái, sau khi thọ thực thức ăn ngon rồi nằm ngủ ở những cái giường kín gió, hay là ta nên xuất gia nơi các Sa-môn Thích tử? Trong trường hợp ấy, chính các vị tỳ khưu sẽ chăm sóc (ta) và Jīvaka Komārabhacca sẽ điều trị, khi khỏi bệnh ta đây sẽ hoàn tục.”

7. Sau đó, người đàn ông ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã cho người ấy xuất gia, đã cho tu lên bậc trên. Và chính các tỳ khưu đã chăm sóc người ấy và Jīvaka Komārabhacca đã điều trị. Người ấy khi khỏi bệnh đã hoàn tục.

8. Jīvaka Komārabhacca đã nhìn thấy người đàn ông hoàn tục ấy, sau khi nhìn thấy đã nói với người đàn ông ấy điều này: - “Thưa ngài, có phải ngài đã xuất gia nơi các tỳ khưu không?” - “Thưa thầy, đúng vậy.” - “Thưa ngài, điều gì khiến ngài đã làm việc như thế?”

9. Khi ấy, người đàn ông ấy đã kể lại sự việc ấy cho Jīvaka Komārabhacca. Jīvaka Komārabhacca phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các đại đức lại cho người bị mắc phải năm thứ bệnh xuất gia?”

10. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Jīvaka Komārabhacca đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, tốt đẹp thay các ngài đại đức không cho người bị mắc phải năm thứ bệnh xuất gia.”

11. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Jīvaka Komārabhacca bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, Jīvaka Komārabhacca đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

12. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, không nên cho người bị mắc phải năm chứng bệnh xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”

13. Vào lúc bấy giờ, vùng biên địa của đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha bị (trộm cướp) dấy loạn. Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra lệnh cho các quan đại thần lãnh đạo quân đội rằng: - “Này các khanh, hãy đi và thâu hồi lại vùng biên địa.” - “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Các quan đại thần lãnh đạo quân đội đã đáp lại đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha.

14. Khi ấy, các chiến sĩ danh tiếng lẫy lừng đã khởi ý điều này: “Là những người say mê chiến trận, trong khi đi (đánh trận) chúng ta tạo nghiệp ác và gây ra nhiều điều bất thiện. Với phương kế gì chúng ta có thể tránh được việc ác và có thể làm việc lành?”

15. Khi ấy, các chiến sĩ ấy đã khởi ý điều này: “Những vị Sa-môn Thích tử này là những vị thực hành Giáo Pháp, thực hành sự bình thản, thực hành Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp, nếu chúng ta có thể xuất gia nơi các Sa-môn Thích tử, như vậy chúng ta có thể tránh được việc ác và có thể làm việc lành.”

16. Sau đó, các chiến sĩ ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã cho họ xuất gia, đã cho tu lên bậc trên. Các quan đại thần lãnh đạo quân đội đã hỏi các binh sĩ của đức vua rằng: - “Này các khanh, sao các chiến sĩ tên (như vầy) và tên (như vầy) lại không hiện diện?” - “Thưa tướng quân, các chiến sĩ tên (như vầy) và tên (như vầy) đã xuất gia nơi các vị tỳ khưu.” Các quan đại thần lãnh đạo quân đội phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại cho binh sĩ của đức vua xuất gia?” Các quan đại thần lãnh đạo quân đội đã trình sự việc ấy lên đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha.

17. Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã hỏi các quan đại thần phụ trách tòa án rằng: - “Này các khanh, người cho binh sĩ của đức vua xuất gia phạm vào điều gì?” - “Tâu bệ hạ, đầu của thầy tế độ nên bị chặt đi, lưỡi của vị đọc tuyên ngôn nên bị rút ra, một phần xương sườn của nhóm (các vị chứng minh) nên bị bẻ gãy.”

18. Sau đó, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, có những vị vua không có đức tin, không có mộ đạo, những vị ấy có thể hãm hại các tỳ khưu chỉ vì chuyện không đáng gì. Bạch ngài, tốt đẹp thay các ngài đại đức không cho binh sĩ của đức vua xuất gia.”

19. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

20. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, không nên cho binh sĩ của đức vua xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”

21. Vào lúc bấy giờ, kẻ cướp có mang chuỗi ngón tay[1] đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Dân chúng khi nhìn thấy trở nên sợ hãi, hoảng hốt, bỏ chạy, rẽ sang hướng khác, quay mặt chỗ khác, đóng cửa lại. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại cho kẻ cướp có mang biểu tượng xuất gia?” Các tỳ khưu đã nghe được dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ cướp có mang biểu tượng xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”

22. Vào lúc bấy giờ, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra thông báo rằng: “Những người nào đã xuất gia nơi các vị Sa-môn Thích tử, không được phép làm bất cứ điều gì đến những người ấy. Giáo Pháp đã khéo được thuyết giảng, hãy để các vị thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn ngõ hầu chấm dứt khổ đau.”

23. Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ sau khi thực hiện vụ trộm đã bị giam trong ngục. Người ấy đã phá ngục tẩu thoát và đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Dân chúng sau khi nhìn thấy đã nói như vầy: - “Chính người này là kẻ cướp phá ngục. Nào, chúng ta hãy dẫn gã ấy đi.” Một số người đã nói như vầy: - “Này các ngài, chớ có nói như thế. Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra thông báo rằng: ‘Những người nào đã xuất gia nơi các vị Sa-môn Thích tử, không được phép làm bất cứ điều gì đến những người ấy. Giáo Pháp đã khéo được thuyết giảng, hãy để các vị thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn ngõ hầu chấm dứt khổ đau.’”

24. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Các vị Sa-môn Thích tử này không phải lo sợ nữa rồi. Không được phép làm bất cứ điều gì đến các vị này! Nhưng tại sao các Sa-môn Thích tử lại cho kẻ cướp phá ngục xuất gia?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ cướp phá ngục xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”

25. Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ sau khi thực hiện vụ trộm đã tẩu thoát và đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Người ấy đã bị cáo thị tầm nã ở hoàng cung rằng: “Được nhìn thấy tại đâu thì được giết tại đấy.” Dân chúng đã nói như vầy: - “Chính người này là kẻ cướp bị cáo thị tầm nã. Nào, chúng ta hãy giết gã ấy đi.” Một số người đã nói như vầy: - “Này các ngài, chớ có nói như thế. Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra thông báo rằng: “Những người nào đã xuất gia nơi các vị Sa-môn Thích tử, không được phép làm bất cứ điều gì đến những người ấy. Giáo Pháp đã khéo được thuyết giảng, hãy để các vị thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn ngõ hầu chấm dứt khổ đau.”

26. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Các vị Sa-môn Thích tử này không phải lo sợ nữa rồi. Không được phép làm bất cứ điều gì đến các vị này! Nhưng tại sao các Sa-môn Thích tử lại cho kẻ cướp bị cáo thị tầm nã xuất gia?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ cướp bị cáo thị tầm nã xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”

27. Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ bị xử hình phạt đánh bằng roi đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại cho kẻ bị xử hình phạt đánh bằng roi xuất gia?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ bị xử hình phạt đánh bằng roi xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”

28. Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ bị xử hình phạt đóng dấu đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại cho kẻ bị xử hình phạt đóng dấu xuất gia?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ bị xử hình phạt đóng dấu xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”

29. Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ là kẻ thiếu nợ đã bỏ trốn và đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Những người chủ nợ đã nhìn thấy và nói như vầy: - “Chính người này là kẻ thiếu nợ của chúng ta. Nào, chúng ta hãy dẫn gã ấy đi.” Một số người đã nói như vầy: - “Này các ngài, chớ có nói như thế. Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra thông báo rằng: “Những người nào đã xuất gia nơi các vị Sa-môn Thích tử, không được phép làm bất cứ điều gì đến những người ấy. Giáo Pháp đã khéo được thuyết giảng, hãy để các vị thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn ngõ hầu chấm dứt khổ đau.”

30. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Các vị Sa-môn Thích tử này không phải lo sợ nữa rồi. Không được phép làm bất cứ điều gì đến các vị này! Nhưng tại sao các Sa-môn Thích tử lại cho kẻ thiếu nợ xuất gia?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ thiếu nợ xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”

31. Vào lúc bấy giờ, có người nô tỳ nọ đã bỏ trốn và đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Những người chủ đã nhìn thấy và nói như vầy: - “Chính người này là kẻ nô tỳ của chúng ta. Nào chúng ta hãy dẫn gã ấy đi.” Một số người đã nói như vầy: - “Này các ngài, chớ có nói như thế. Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra thông báo rằng: ‘Những người nào đã xuất gia nơi các vị Sa-môn Thích tử, không được phép làm bất cứ điều gì đến những người ấy. Giáo Pháp đã khéo được thuyết giảng, hãy để các vị thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn ngõ hầu chấm dứt khổ đau.’”

32. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Các vị Sa-môn Thích tử này không phải lo sợ nữa rồi. Không được phép làm bất cứ điều gì đến các vị này! Nhưng tại sao các Sa-môn Thích tử lại cho kẻ nô tỳ xuất gia?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ nô tỳ xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”

33. Vào lúc bấy giờ, có người thợ bạc bị sói đầu nọ sau khi cãi vã với cha mẹ đã đi đến tu viện và đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Sau đó, cha mẹ của người thợ bạc bị sói đầu ấy, trong khi tìm kiếm người thợ bạc bị sói đầu ấy, đã đi đến tu viện và đã hỏi các tỳ khưu rằng: - “Thưa các ngài, vậy chớ các ngài có nhìn thấy người trai trẻ hình dáng như thế này không?” Các vị tỳ khưu trong khi không biết nên đã nói rằng: - “Chúng tôi không biết,” trong khi không nhìn thấy nên đã nói rằng: - “Chúng tôi không nhìn thấy.”

34. Sau đó, cha mẹ của người thợ bạc bị sói đầu ấy, trong lúc tìm kiếm người thợ bạc bị sói đầu ấy, nhìn thấy (người ấy) đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu nên phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Những Sa-môn Thích tử này thật vô liêm sỉ, giới hạnh xấu xa, là những kẻ nói láo, trong khi biết lại nói rằng: ‘Chúng tôi không biết,’ trong khi nhìn thấy lại nói rằng: ‘Chúng tôi không nhìn thấy.’ Người trai trẻ này đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu.”

35. Các tỳ khưu đã nghe được cha mẹ của người thợ bạc bị sói đầu ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép thông báo đến hội chúng về việc cạo tóc.”

36. Vào lúc bấy giờ, trong thành Rājagaha có nhóm mười bảy thiếu niên là bạn bè. Thiếu niên Upāli là thủ lãnh của họ. Khi ấy, cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Có phương kế gì để sau khi chúng ta từ trần, Upāli có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc?”

37. Rồi cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Nếu Upāli có thể học chữ viết, như thế sau khi chúng ta từ trần Upāli có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc.”

38. Rồi cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Nếu Upāli học chữ viết thì các ngón tay sẽ bị đau. Nếu Upāli có thể học tính toán, như thế sau khi chúng ta từ trần Upāli có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc.”

39. Rồi cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Nếu Upāli học tính toán thì ngực sẽ bị đau. Nếu Upāli có thể học hội họa, như thế sau khi chúng ta từ trần Upāli có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc.”

40. Rồi cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Nếu Upāli học hội họa thì các con mắt sẽ bị đau. Còn những Sa-môn Thích tử này có giới luật thoải mái, có sở hành thoải mái, sau khi thọ thực thức ăn ngon rồi nằm ngủ ở những cái giường kín gió, nếu Upāli có thể xuất gia nơi các Sa-môn Thích tử, như thế sau khi chúng ta từ trần Upāli có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc.”

41. Thiếu niên Upāli đã nghe được cuộc nói chuyện trao đổi ấy của cha mẹ. Sau đó, thiếu niên Upāli đã đi đến gặp những thiếu niên ấy, sau khi đến đã nói với những thiếu niên ấy điều này: - “Này các bạn, hãy đi. Chúng ta sẽ xuất gia nơi các Sa-môn Thích tử.”

42. Sau đó, những thiếu niên ấy từng người một đã đi đến gặp cha mẹ của mình và đã nói điều này: - “Hãy cho phép con rời nhà xuất gia sống không nhà.” Khi ấy, cha mẹ của những thiếu niên ấy (nghĩ rằng): “Tất cả những đứa trẻ này có ước muốn giống nhau, có ý định tốt đẹp” nên đã chấp thuận. Chúng đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã cho chúng xuất gia, đã cho tu lên bậc trên. Những thiếu niên ấy sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm đã khóc lóc: - “Hãy cho cháo, hãy cho thức ăn, hãy cho vật nhai.”

43. Các tỳ khưu đã nói như vầy: - “Này các sư đệ, hãy chờ đến khi trời sáng, nếu có cháo thì các đệ sẽ húp cháo, nếu có thức ăn thì các đệ sẽ ăn, nếu có vật nhai thì các đệ sẽ nhai; còn nếu không có cháo, hoặc thức ăn, hoặc vật nhai, thì các đệ sẽ ăn sau khi đi khất thực.”

44. Trong khi được nói như thế bởi các tỳ khưu, các tỳ khưu (thiếu niên) ấy vẫn khóc lóc: - “Hãy cho cháo, hãy cho thức ăn, hãy cho vật nhai,” rồi đại tiện tiểu tiện ở chỗ nằm ngồi.

45. Đức Thế Tôn sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm đã nghe tiếng của các đứa trẻ, sau khi nghe đã bảo đại đức Ānanda rằng: - “Này Ānanda, tiếng của các đứa trẻ ấy là gì vậy?”

46. Khi ấy, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu trong khi biết vẫn cho tu lên bậc trên người chưa đến hai mươi tuổi, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: - “Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy trong khi biết vẫn cho tu lên bậc trên người chưa đến hai mươi tuổi? Này các tỳ khưu, người chưa đến hai mươi tuổi không có khả năng chịu đựng đối với sự lạnh, sự nóng, sự đói, sự khát, các sự xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng, và các loài bò sát, các lối nói lăng mạ công kích, có khuynh hướng không cam chịu các cảm thọ khổ, nhức nhối, khốc liệt, sắc bén, gay gắt, không chút thích thú, khó chịu, chết người thuộc về cơ thể đã sanh khởi.

47. Này các tỳ khưu, người đã được hai mươi tuổi có khả năng chịu đựng đối với sự lạnh, sự nóng, sự đói, sự khát, các sự xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng, và các loài bò sát, các lối nói lăng mạ công kích, có khuynh hướng cam chịu các cảm thọ khổ, nhức nhối, khốc liệt, sắc bén, gay gắt, không chút thích thú, khó chịu, chết người thuộc về cơ thể đã sanh khởi. Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, Ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, người chưa đến hai mươi tuổi, trong khi biết, không nên cho tu lên bậc trên; vị nào cho tu lên bậc trên thì nên được hành xử theo Pháp.”[2]

48. Vào lúc bấy giờ, có gia đình nọ bị chết bởi bịnh dịch hạch. Người cha và người con trai của gia đình ấy là (những người) còn sót lại. Họ đã xuất gia nơi các tỳ khưu rồi đi khất thực chung với nhau. Khi ấy, lúc đồ ăn khất thực được bố thí đến người cha, đứa trẻ ấy đã chạy lại gần và nói điều này: - “Cha yêu quý, hãy cho con với. Cha yêu quý, hãy cho con với.” Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Những Sa-môn Thích tử này không có Phạm hạnh. Đứa trẻ này đã được sanh ra bởi tỳ khưu ni.”

49. Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, đứa trẻ dưới mười lăm tuổi không nên cho xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”

50. Vào lúc bấy giờ, gia đình hộ độ có đức tin mộ đạo của đại đức Ānanda bị chết bởi bịnh dịch hạch. Và có hai đứa trẻ trai là (những người) còn sót lại. Khi nhìn thấy các vị tỳ khưu, chúng theo thói quen được phép trước đây đã chạy đến gần. Các tỳ khưu đã đuổi (chúng) đi. Trong khi bị các vị tỳ khưu đuổi đi, chúng đã khóc.

51. Khi ấy, đại đức Ānanda đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Đứa trẻ dưới mười lăm tuổi không nên cho xuất gia;’ và những đứa trẻ này dưới mười lăm tuổi, vậy bằng phương cách gì để những đứa trẻ này không thể bị tiêu hoại đây?” Sau đó, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này Ānanda, những đứa trẻ ấy có khả năng để đuổi các con quạ bay đi không?” - “Bạch Thế Tôn, chúng có khả năng.” Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép xuất gia đứa trẻ dưới mười lăm tuổi là trẻ (có thể) đuổi được quạ.”

52. Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sakya có hai Sa-di là Kaṇṭaka và Mahaka. Chúng đã làm điều tồi bại với nhau. Các vị tỳ khưu phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các Sa-di lại thực hành điều sai trái có hình thức như thế ấy?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, một vị không nên để cho hai Sa-di phục vụ; vị nào để cho phục vụ thì phạm tội dukkaṭa.”

53. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã sống mùa mưa ở ngay tại nơi ấy trong thành Rājagaha, mùa lạnh ở tại nơi ấy, mùa nóng ở tại nơi ấy. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Các hướng đi của các Sa-môn Thích tử bị tắt nghẽn, tăm tối. Các hướng đi không còn được các vị này nhận ra nữa.”

54. Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: - “Này Ānanda, hãy đi, cầm lấy chìa khóa, và thông báo cho các vị tỳ khưu ở dãy phòng rằng: ‘Này các đại đức, đức Thế Tôn muốn ra đi du hành ở đến núi Dakkhiṇāgiri.[3] Đại đức nào có ý thích thì hãy đi.’” - “Bạch Thế Tôn, xin vâng.” Nghe theo lời đức Thế Tôn, đại đức Ānanda đã cầm lấy chìa khóa và đã thông báo cho các vị tỳ khưu ở dãy phòng rằng: - “Này các đại đức, đức Thế Tôn muốn ra đi du hành đến núi Dakkhiṇāgiri. Đại đức nào có ý thích thì hãy đi.” Các vị tỳ khưu đã nói như vầy: - “Này đại đức Ānanda, đức Thế Tôn đã quy định là sống nương nhờ mười năm, vị mười năm được cho nương nhờ. Và (nếu) chúng tôi đi đến nơi ấy thì sự nương nhờ sẽ cần được xác định (ở nơi ấy). Và việc cư trú sẽ là ngắn ngủi và sẽ quay trở về lại, rồi sự nương nhờ sẽ cần được xác định lại. Nếu các thầy tế độ hoặc thầy dạy học của chúng tôi sẽ đi thì chúng tôi cũng sẽ đi, nếu các thầy tế độ hoặc thầy dạy học của chúng tôi sẽ không đi thì chúng tôi cũng sẽ không đi. Này đại đức Ānanda, chúng tôi hành xử với tâm tư nhẹ nhàng là điều sẽ được nhận biết.”

55. Sau đó, đức Thế Tôn đã ra đi du hành đến núi Dakkhiṇāgiri với nhóm số lượng ít ỏi. Sau đó, khi đã ngự tại núi Dakkhiṇāgiri theo như ý thích, đức Thế Tôn đã quay trở về lại thành Rājagaha. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: - “Này Ānanda, vì sao Như Lai đã ra đi du hành đến núi Dakkhiṇāgiri với hội chúng tỳ khưu là nhóm số lượng ít ỏi?” Khi ấy, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu có kinh nghiệm đủ năng lực sống nương nhờ năm năm, vị không có kinh nghiệm thì trọn đời.”

56. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố không nên sống không nương nhờ: Là vị không thành tựu vô học giới uẩn, không thành tựu vô học định uẩn, không thành tựu vô học tuệ uẩn, không thành tựu vô học giải thoát uẩn, không thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này không nên sống không nương nhờ.

57. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố được sống không nương nhờ: Là vị thành tựu vô học giới uẩn, thành tựu vô học định uẩn, thành tựu vô học tuệ uẩn, thành tựu vô học giải thoát uẩn, thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này được sống không nương nhờ.

58. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị không có đức tin, không có sự hổ thẹn (tội lỗi), không có sự ghê sợ (tội lỗi), biếng nhác, có niệm bị quên lãng. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này không nên sống không nương nhờ.

59. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố được sống không nương nhờ: Là vị có đức tin, có sự hổ thẹn (tội lỗi), có sự ghê sợ (tội lỗi), có sự nỗ lực tinh tấn, có niệm được thiết lập. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này được sống không nương nhờ.

60. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị bị hư hỏng về giới thuộc tăng thượng giới, bị hư hỏng về hạnh kiểm thuộc tăng thượng hạnh, bị hư hỏng về tri kiến thuộc tri kiến cực đoan, ít học hỏi, trí kém. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này không nên sống không nương nhờ.

61. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố được sống không nương nhờ: Là vị không bị hư hỏng về giới thuộc tăng thượng giới, không bị hư hỏng về hạnh kiểm thuộc tăng thượng hạnh, không bị hư hỏng về tri kiến thuộc tri kiến cực đoan, nghe nhiều, có trí tuệ. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này được sống không nương nhờ.

62. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị không biết về sự phạm tội, không biết về sự không phạm tội, không biết về sự phạm tội nhẹ, không biết về sự phạm tội nặng, hơn nữa đối với vị này hai bộ giới bổn Pātimokkha không khéo được truyền thừa một cách chi tiết, không khéo được phân tích, không khéo thuộc nằm lòng, không khéo được xác định theo từng điều và từng phần phụ thuộc. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này không nên sống không nương nhờ.

63. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố được sống không nương nhờ: Là vị biết về sự phạm tội, biết về sự không phạm tội, biết về sự phạm tội nhẹ, biết về sự phạm tội nặng, đối với vị này hơn nữa đối với vị này hai bộ giới bổn Pātimokkha khéo được truyền thừa một cách chi tiết, khéo được phân tích, khéo thuộc nằm lòng, khéo được xác định theo từng điều và từng phần phụ thuộc. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này được sống không nương nhờ.

64. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị không biết về sự phạm tội, không biết về sự không phạm tội, không biết về sự phạm tội nhẹ, không biết về sự phạm tội nặng, chưa đủ năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này không nên sống không nương nhờ.

65. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố được sống không nương nhờ: Là vị biết về sự phạm tội, biết về sự không phạm tội, biết về sự phạm tội nhẹ, biết về sự phạm tội nặng, được năm năm hoặc hơn năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm yếu tố này được sống không nương nhờ.

66. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này không nên sống không nương nhờ: Là vị không thành tựu vô học giới uẩn, không thành tựu vô học định uẩn, không thành tựu vô học tuệ uẩn, không thành tựu vô học giải thoát uẩn, không thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn, chưa đủ năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này không nên sống không nương nhờ.

67. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này được sống không nương nhờ: Là vị thành tựu vô học giới uẩn, thành tựu vô học định uẩn, thành tựu vô học tuệ uẩn, thành tựu vô học giải thoát uẩn, thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn, được năm năm hoặc hơn năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này được sống không nương nhờ.

68. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị không có đức tin, không có sự hổ thẹn (tội lỗi), không có sự ghê sợ (tội lỗi), biếng nhác, có niệm bị quên lãng, chưa đủ năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này không nên sống không nương nhờ.

69. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố được sống không nương nhờ: Là vị có đức tin, có sự hổ thẹn (tội lỗi), có sự ghê sợ (tội lỗi), có sự nỗ lực tinh tấn, có niệm được thiết lập, được năm năm hoặc hơn năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này được sống không nương nhờ.

70. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị bị hư hỏng về giới thuộc tăng thượng giới, bị hư hỏng về hạnh kiểm thuộc tăng thượng hạnh, bị hư hỏng về tri kiến thuộc tri kiến cực đoan, ít học hỏi, trí kém, chưa đủ năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này không nên sống không nương nhờ.

71. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố được sống không nương nhờ: Là vị không bị hư hỏng về giới thuộc tăng thượng giới, không bị hư hỏng về hạnh kiểm thuộc tăng thượng hạnh, không bị hư hỏng về tri kiến thuộc tri kiến cực đoan, nghe nhiều, có trí tuệ, được năm năm hoặc hơn năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này được sống không nương nhờ.

72. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị không biết về sự phạm tội, không biết về sự không phạm tội, không biết về sự phạm tội nhẹ, không biết về sự phạm tội nặng, đối với vị này hơn nữa đối với vị này hai bộ giới bổn Pātimokkha không khéo được truyền thừa một cách chi tiết, không khéo được phân tích, không khéo thuộc nằm lòng, không khéo được xác định theo từng điều và từng phần phụ thuộc, chưa đủ năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này không nên sống không nương nhờ.

73. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố được sống không nương nhờ: Là vị biết về sự phạm tội, biết về sự không phạm tội, biết về sự phạm tội nhẹ, biết về sự phạm tội nặng, hơn nữa đối với vị này hai bộ giới bổn Pātimokkha khéo được truyền thừa một cách chi tiết, khéo được phân tích, khéo thuộc nằm lòng, khéo được xác định theo từng điều và từng phần phụ thuộc, được năm năm hoặc hơn năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu yếu tố này được sống không nương nhờ.

Dứt tụng phẩm ‘Không Phải Lo Sợ’ là thứ tám.

--ooOoo--

TỤNG PHẨM THỨ CHÍN

  • Câu chuyện về Rāhula
  • Phần giảng về các điều học
  • Câu chuyện về hành phạt
  • Câu chuyện về sự ngăn cấm khi chưa hỏi ý trước
  • Câu chuyện về việc dụ dỗ
  • Câu chuyện về (Sa-di) Kaṇṭaka
  • Câu chuyện về kẻ vô căn
  • Câu chuyện về kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu)
  • Câu chuyện về loài thú
  • Câu chuyện về kẻ giết mẹ
  • Câu chuyện về kẻ giết cha
  • Câu chuyện về kẻ giết A-la-hán
  • Câu chuyện về kẻ làm nhơ tỳ khưu ni
  • Câu chuyện về người lưỡng căn
  • Câu chuyện về người không có thầy tế độ, v.v...
  • Các câu chuyện về người không có bình bát, v.v...
  • Hai mươi trường hợp không nên cho tu lên bậc trên
  • Ba mươi hai trường hợp không nên cho xuất gia: người bị đứt cánh tay, v.v...

1. Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Kapilavatthu. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Kapilavatthu.

2. Tại nơi đó giữa dân chúng dòng Sakya, đức Thế Tôn ngự ở thành Kapilavatthu, tại tu viện Nigrodha. Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, đi đến tư dinh của Suddhodana (Tịnh Phạn) dòng Sakya, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn.

3. Khi ấy, hoàng hậu mẹ của Rāhula đã nói với hoàng tử Rāhula (La Hầu La) điều này: - “Này Rāhula, người kia là cha của con. Hãy đi và cầu xin phần thừa kế.” Khi ấy, hoàng tử Rāhula đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đứng ở phía trước đức Thế Tôn (nói rằng): - “Này vị Sa-môn, bóng che của ngài thật an lạc.”

4. Sau đó, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Khi ấy, hoàng tử Rāhula đã theo sát phía sau của đức Thế Tôn (nói rằng): - “Này vị Sa-môn, hãy ban cho con phần thừa kế. Này vị Sa-môn, hãy ban cho con phần thừa kế.” Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Sāriputta rằng: - “Này Sāriputta, như thế thì ngươi hãy cho hoàng tử Rāhula xuất gia.” - “Bạch ngài, con cho hoàng tử Rāhula xuất gia như thế nào?”

5. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép việc xuất gia Sa-di bằng ba sự đi đến nương nhờ (Tam Quy). Và này các tỳ khưu, nên cho xuất gia như vầy: Trước tiên, nên cho cạo bỏ râu tóc, cho choàng lên các tấm vải màu ca-sa, cho đắp thượng y một bên vai, bảo đảnh lễ ở chân các vị tỳ khưu, bảo ngồi chồm hổm, bảo chắp tay lên, và nên bảo rằng: ‘Ngươi hãy nói như vầy: Tôi đi đến đức Phật là nơi nương nhờ (Tôi xin quy y Phật). Tôi đi đến Giáo Pháp là nơi nương nhờ (Tôi xin quy y Pháp). Tôi đi đến Hội Chúng là nơi nương nhờ (Tôi xin quy y Tăng). Lần thứ nhì, tôi đi đến đức Phật là nơi nương nhờ. Lần thứ nhì, tôi đi đến Giáo Pháp là nơi nương nhờ. Lần thứ nhì, tôi đi đến Hội Chúng là nơi nương nhờ. Lần thứ ba, tôi đi đến đức Phật là nơi nương nhờ. Lần thứ ba, tôi đi đến Giáo Pháp là nơi nương nhờ. Lần thứ ba, tôi đi đến Hội Chúng là nơi nương nhờ.’ Này các tỳ khưu, ta cho phép việc xuất gia Sa-di bằng ba sự đi đến nương nhờ này.”

6. Khi ấy, đại đức Sāriputta đã cho hoàng tử Rāhula xuất gia. Sau đó, Suddhodana dòng Sakya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Suddhodana dòng Sakya đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, trẫm cầu xin đức Thế Tôn một điều ước muốn.” - “Này vị Gotama, các đấng Như Lai đã vượt khỏi các điều ước muốn.” - “Bạch ngài, điều ấy là hợp lý, điều ấy không bị chê trách.” - “Này vị Gotama, hãy nói đi.”

- “Bạch ngài, khi đức Thế Tôn đã xuất gia, đau khổ đã khởi lên ở trẫm không phải là ít, tương tự như vậy trong việc Nandā,[4] (nhưng là sự đau khổ) vô cùng mãnh liệt trong việc Rāhula. Bạch ngài, lòng thương yêu đối với người con trai cắt vào da; sau khi cắt vào da, nó cắt vào lớp da trong; sau khi cắt vào lớp da trong, nó cắt vào thịt; sau khi cắt vào thịt, nó cắt vào gân; sau khi cắt vào gân, nó cắt vào xương; sau khi cắt vào xương, nó đạt đến tủy xương rồi trú (ở đó). Bạch ngài, tốt đẹp thay các ngài đại đức không nên cho người con trai chưa được phép của cha mẹ xuất gia.”

7. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Suddhodana dòng Sakya bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, Suddhodana dòng Sakya đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

8. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, không nên cho người con trai chưa được phép của cha mẹ xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”

Dứt phần giảng về câu chuyện của Rāhula.

--ooOoo--

1. Sau đó, khi đã ngự tại thành Kapilavatthu theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Sāvatthi. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi đó trong thành Sāvatthi, đức Thế Tôn ngự ở Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, gia đình hộ độ của đại đức Sāriputta đã gởi đứa trẻ trai đến đại đức Sāriputta (nói rằng): “Xin ngài trưởng lão hãy cho đứa trẻ này xuất gia.”

2. Khi ấy, đại đức Sāriputta đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Một vị không nên để cho hai Sa-di phục vụ,’ và ta đây đã có Sa-di Rāhula. Vậy ta nên thực hành như thế nào?” Rồi đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu có kinh nghiệm đủ năng lực một mình được để cho hai Sa-di phục vụ, hoặc để cho nhiều (Sa-di) phục vụ với số lượng mà vị ấy vẫn có đủ khả năng để giáo huấn và chỉ dạy.”

3. Sau đó, các vị Sa-di đã khởi ý điều này: “Chúng ta có bao nhiêu điều học? Và chúng ta nên học tập về vấn đề gì?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép mười điều học đến các Sa-di và (cho phép) các Sa-di học tập về các điều học ấy: Việc tránh xa sự giết hại mạng sống, việc tránh xa sự lấy vật không được cho, việc tránh xa điều phi Phạm hạnh (sự hành dâm), việc tránh xa sự nói dối, việc tránh xa trường hợp dễ duôi uống chất say là rượu và chất lên men, việc tránh xa sự ăn phi thời, việc tránh xa sự múa hát đờn và xem trình diễn, việc tránh xa trường hợp đeo vòng hoa thoa vật thơm và tô điểm bằng đồ trang sức, việc tránh xa chỗ nằm ngồi cao và rộng lớn, việc tránh xa sự thọ lãnh vàng bạc. Này các tỳ khưu, ta cho phép mười điều học này đến các Sa-di và (cho phép) các Sa-di học tập về các điều học này.

4. Vào lúc bấy giờ, các Sa-di sống không tôn kính, không vâng lời, không cư xử theo phép tắc đối với các tỳ khưu. Các vị tỳ khưu phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các Sa-di lại sống không tôn kính, không vâng lời, không cư xử theo phép tắc đối với các tỳ khưu? Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép thực thi hành phạt đối với vị Sa-di hội đủ năm yếu tố: Là vị ra sức làm cho các tỳ khưu không được lợi lộc, ra sức làm cho các tỳ khưu không được sự lợi ích, ra sức làm cho các tỳ khưu không có chỗ ngụ, mắng nhiếc gièm pha các tỳ khưu, chia rẽ các tỳ khưu (này) với các tỳ khưu (khác). Này các tỳ khưu, ta cho phép thực thi hành phạt đối với vị Sa-di hội đủ năm yếu tố này.”

5. Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Hành phạt gì nên được thực hiện?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện sự ngăn cấm.”

6. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu thực hiện sự ngăn cấm toàn bộ khu vực tu viện của hội chúng đối với các Sa-di. Các Sa-di trong khi không thể đi vào tu viện nên rời đi, hoàn tục, chuyển sang ngoại đạo. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên thực hiện sự ngăn cấm toàn bộ khu vực tu viện của hội chúng; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện sự ngăn cấm ở chỗ (tỳ khưu) sinh sống hoặc ở chỗ (tỳ khưu) lui tới.”

7. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu thực hiện sự ngăn cấm thức ăn theo đường miệng đối với các Sa-di. Dân chúng trong lúc làm nước cháo và bữa ăn dâng hội chúng nói với các Sa-di như vầy: - “Này các ngài, hãy đến và húp cháo. Này các ngài, hãy đến và thọ dụng bữa ăn.” Các vị Sa-di nói như vầy: - “Này các đạo hữu, không thể được. Các tỳ khưu đã thực hiện sự ngăn cấm.” Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các đại đức lại thực hiện sự ngăn cấm thức ăn theo đường miệng đối với các Sa-di?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên thực hiện sự ngăn cấm thức ăn theo đường miệng, vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa.”

Dứt câu chuyện về hành phạt.

--ooOoo--

1. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư không hỏi các vị thầy tế độ lại thực hiện sự ngăn cấm đối với các Sa-di. Các vị thầy tế độ tìm kiếm (hỏi rằng): “Vì sao các Sa-di của chúng tôi lại không được nhìn thấy?” Các tỳ khưu đã nói như vầy: - “Này các đại đức, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư đã thực hiện sự ngăn cấm.” Các vị thầy tế độ phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư không hỏi chúng tôi lại thực hiện sự ngăn cấm đối với các Sa-di của chúng tôi? Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, chưa hỏi các vị thầy tế độ không nên thực hiện sự ngăn cấm; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa.”

2. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã dụ dỗ các Sa-di của các tỳ khưu trưởng lão. Các vị trưởng lão bị mệt nhọc trong khi tự mình lấy gỗ chà răng và nước súc miệng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên dụ dỗ tập thể của vị khác; vị nào dụ dỗ thì phạm tội dukkaṭa.”

3. Vào lúc bấy giờ, Sa-di tên Kaṇṭaka của đại đức Upananda con trai dòng Sakya đã làm nhơ tỳ khưu ni tên Kaṇṭakī. Các tỳ khưu phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao vị Sa-di lại thực hành điều sai trái có hình thức như thế?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép trục xuất Sa-di hội đủ mười yếu tố này: Là kẻ giết hại mạng sống, là kẻ lấy vật không được cho, là kẻ phi Phạm hạnh (hành dâm), là kẻ nói dối, là kẻ uống chất say, là kẻ phỉ báng đức Phật, phỉ báng Giáo Pháp, phỉ báng Hội Chúng, là kẻ có tri kiến sai trái, là kẻ làm nhơ tỳ khưu ni. Này các tỳ khưu, ta cho phép trục xuất vị Sa-di hội đủ mười yếu tố này.”

4. Vào lúc bấy giờ, có người vô căn nọ đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Người ấy đi đến gặp các vị tỳ khưu trẻ rồi nói như vầy: - “Này các đại đức, hãy đi đến. Hãy làm điều nhơ nhớp với tôi.” Các vị tỳ khưu đuổi đi: - “Này kẻ vô căn, tiêu mất đi! Này kẻ vô căn, biến mất đi! Ai mà cần đến ngươi?” Bị các tỳ khưu xua đuổi, người ấy đi đến gặp các Sa-di to bự lớn xác rồi nói như vầy: - “Này các đại đức, hãy đi đến. Hãy làm điều nhơ nhớp với tôi.” Các vị Sa-di đuổi đi: - “Này kẻ vô căn, tiêu mất đi! Này kẻ vô căn, biến mất đi! Ai mà cần đến ngươi?”

5. Người ấy khi bị các vị Sa-di xua đuổi lại đi đến gặp những người chăn voi, những người giữ ngựa rồi nói như vầy: - “Này các đạo hữu, hãy đi đến. Hãy làm điều nhơ nhớp với tôi.” Những người chăn voi, những người giữ ngựa đã làm điều nhơ nhớp. Những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Những Sa-môn Thích tử này là những kẻ vô căn. Những người nào trong bọn họ không phải là những kẻ vô căn thì những người ấy làm điều nhơ nhớp với những kẻ vô căn. Như vậy, chính tất cả những người này không có Phạm hạnh.”

6. Các tỳ khưu đã nghe được những người chăn voi những người giữ ngựa phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, kẻ vô căn chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất.” (1)

7. Vào lúc bấy giờ, có người con trai của gia đình bị khánh tận không còn gia quyến nọ là người mảnh mai. Khi ấy, người con trai của gia đình bị khánh tận không còn gia quyến ấy đã khởi ý điều này: “Ta là người mảnh mai, không đủ khả năng để đạt đến tài sản chưa có hoặc làm tăng trưởng tài sản đã có, với phương kế gì để ta có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc?”

8. Rồi người con trai của gia đình bị khánh tận không còn gia quyến ấy đã khởi ý điều này: “Những Sa-môn Thích tử này có giới luật thoải mái, có sở hành thoải mái, sau khi thọ thực thức ăn ngon rồi nằm ngủ ở những cái giường kín gió, hay là ta nên tự mình chuẩn bị y bát, cạo bỏ râu tóc, khoác lên các mảnh vải màu ca-sa, đi đến tu viện, và chung sống với các tỳ khưu?”

9. Sau đó, người con trai của gia đình bị khánh tận không còn gia quyến ấy đã tự mình chuẩn bị y bát, cạo bỏ râu tóc, khoác lên các mảnh vải màu ca-sa, đi đến tu viện, và đảnh lễ các vị tỳ khưu. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy: - “Này đại đức, đại đức được bao nhiêu năm?” - “Được bao nhiêu năm? Này các đại đức, điều ấy là gì vậy?” - “Này đại đức, ai là thầy tế độ của đại đức?” - “Thầy tế độ? Này các đại đức, điều ấy là gì vậy?” Các vị tỳ khưu đã nói với đại đức Upāli điều này: “ - “Này đại đức Upāli, hãy thẩm tra người đã xuất gia này đi.”

10. Sau đó, trong khi được đại đức Upāli thẩm tra người con trai của gia đình bị khánh tận không còn gia quyến ấy đã kể lại sự việc ấy. Đại đức Upāli đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu)[5] chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất. Này các tỳ khưu, kẻ đã đi theo ngoại đạo chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất.” (2 - 3)

11. Vào lúc bấy giờ, có con rồng nọ lo ngại, xấu hổ, và chán ghét với sự xuất thân là loài rồng. Sau đó, con rồng ấy đã khởi ý điều này: “Với phương kế gì ta có thể hoàn toàn thoát khỏi sự xuất thân là loài rồng và có thể thành tựu bản thể của loài người một cách nhanh chóng?” Khi ấy, con rồng ấy đã khởi ý điều này: “Những vị Sa-môn Thích tử này là những vị thực hành Giáo Pháp, thực hành sự bình thản, thực hành Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp; nếu ta có thể xuất gia nơi các vị Sa-môn Thích tử, như thế ta có thể hoàn toàn thoát khỏi sự xuất thân là loài rồng và có thể thành tựu bản thể của loài người một cách nhanh chóng.”

12. Sau đó, con rồng ấy với hình dáng của người thanh niên đã đi đến gặp các vị tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các vị tỳ khưu đã cho người ấy xuất gia, đã cho tu lên bậc trên. Vào lúc bấy giờ, con rồng ấy cùng với vị tỳ khưu khác ngụ trong trú xá ở chỗ giáp ranh. Khi ấy vào lúc hừng sáng của đêm, vị tỳ khưu ấy thức dậy và đi kinh hành ở ngoài trời.

13. Sau đó, trong khi vị tỳ khưu ấy đã đi ra ngoài con rồng ấy hết lo âu nên đã chìm vào giấc ngủ. Toàn bộ trú xá đã bị tràn ngập bởi (thân của) con rồng và các vòng thân còn ló ra khỏi các cửa sổ. Sau đó, vị tỳ khưu ấy (nghĩ rằng): “Ta sẽ đi vào trú xá,” trong lúc đẩy cánh cửa đã nhìn thấy toàn bộ trú xá bị tràn ngập bởi (thân của) con rồng và các vòng thân đang ló ra khỏi các cửa sổ, sau khi nhìn thấy (trở nên) sợ hãi và đã kêu thét lên. Các vị tỳ khưu đã chạy lại và nói với vị tỳ khưu ấy điều này: - “Này đại đức, vì sao đại đức lại kêu thét lên vậy?” - “Này các đại đức, toàn bộ trú xá này bị tràn ngập bởi (thân của) con rồng và các vòng thân còn ló ra khỏi các cửa sổ.

14. Khi ấy, con rồng ấy sau khi thức giấc bởi tiếng động ấy đã ngồi xuống trên chỗ ngồi của mình. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy: - “Này đệ, ngươi là ai vậy?” - “Thưa các ngài, tôi là rồng.” - “Này đệ, vì sao ngươi lại biến thành hình dạng như thế này?”

15. Khi ấy, con rồng ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và nói với con rồng ấy điều này: - “Các ngươi là loài rồng không có được pháp tiến bộ trong Pháp và Luật này. Này rồng, ngươi hãy đi đi. Và hãy tiến hành Uposatha[6] vào ngày mười bốn, ngày mười lăm và ngày thứ tám của mỗi nửa tháng ở ngay nơi ấy, như thế ngươi sẽ hoàn toàn thoát khỏi sự xuất thân là loài rồng và sẽ thành tựu bản thể của loài người một cách nhanh chóng.”

16. Khi ấy, con rồng ấy (nghĩ rằng): “Nghe nói ta không có được pháp tiến bộ trong Pháp và Luật này” (trở nên) đau khổ, rầu rĩ, trong khi đang trào ra nước mắt đã khóc rống lên, rồi bỏ đi. Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, đây là hai lý do đưa đến việc hiện ra bản thể thật của loài rồng là khi nó thực hiện việc lứa đôi với rồng cái và khi nó hết lo âu rồi chìm vào giấc ngủ. Này các tỳ khưu, hai lý do này đưa đến việc hiện ra bản thể thật của loài rồng. Này các tỳ khưu, loài thú chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất. (4)

17. Vào lúc bấy giờ, có người thanh niên nọ là kẻ đã đoạt đi mạng sống của người mẹ. Người ấy lo ngại, xấu hổ, và chán ghét với hành động ác độc ấy. Sau đó, người thanh niên ấy đã khởi ý điều này: “Với phương kế gì ta có thể thực hiện sự thoát ly đối với nghiệp ác ấy?” Khi ấy, người thanh niên ấy đã khởi ý điều này: “Những vị Sa-môn Thích tử này là những vị thực hành Giáo Pháp, thực hành sự bình thản, thực hành Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp; nếu ta có thể xuất gia nơi các vị Sa-môn Thích tử, như thế ta có thể thực hiện sự thoát ly đối với nghiệp ác ấy.”

18. Sau đó, người thanh niên ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã nói với đại đức Upāli điều này: - “Này đại đức Upāli, cũng trước đây con rồng với hình dáng của người thanh niên đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Này đại đức Upāli, hãy thẩm tra người thanh niên này.”

19. Sau đó, trong khi được đại đức Upāli thẩm tra người thanh niên ấy đã kể lại sự việc ấy. Đại đức Upāli đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, kẻ giết mẹ chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất.” (5)

20. Vào lúc bấy giờ, có người thanh niên nọ là kẻ đã đoạt đi mạng sống của người cha. Người ấy lo ngại, xấu hổ, và chán ghét với nghiệp ác ấy. Sau đó, người thanh niên ấy đã khởi ý điều này: “Với phương kế gì ta có thể thực hiện sự thoát ly đối với nghiệp ác ấy?” Khi ấy, người thanh niên ấy đã khởi ý điều này: “Những vị Sa-môn Thích tử này là những vị thực hành Giáo Pháp, thực -hành sự bình thản, thực hành Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp; nếu ta có thể xuất gia nơi các vị Sa-môn Thích tử, như thế ta có thể thực hiện sự thoát ly đối với nghiệp ác ấy.”

21. Sau đó, người thanh niên ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã nói với đại đức Upāli điều này: - “Này đại đức Upāli, cũng trước đây con rồng với hình dáng của người thanh niên đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Này đại đức Upāli, hãy thẩm tra người thanh niên này.”

22. Sau đó, trong khi được đại đức Upāli thẩm tra người thanh niên ấy đã kể lại sự việc ấy. Đại đức Upāli đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, kẻ giết cha chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất.” (6)

23. Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu đi đường xa từ Sāketa đến thành Sāvatthi. Giữa đường bọn cướp đã xuất hiện; chúng đã cướp bóc một số tỳ khưu và đã giết chết một số tỳ khưu. Các binh lính của đức vua phát xuất từ thành Sāvatthi đã bắt được một số kẻ cướp. Một số kẻ cướp đã tẩu thoát. Những kẻ tẩu thoát ấy đã xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Những kẻ nào đã bị bắt thì bị đưa đi tử hình.

24. Những kẻ đã được xuất gia ấy đã nhìn thấy những kẻ cướp ấy đang bị đưa đi tử hình, sau khi nhìn thấy đã nói như vầy: - “May mắn thay chúng ta đã tẩu thoát, nếu hôm nay chúng ta bị bắt, chúng ta cũng có thể bị giết y như thế này.” Các vị tỳ khưu đã nói như vầy: - “Này các đại đức, các vị đã nói điều gì vậy?” Khi ấy, những kẻ đã được xuất gia ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy là các vị A-la-hán. Này các tỳ khưu, kẻ giết A-la-hán chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất.” (7)

25. Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu ni đi đường xa từ Sāketa đến thành Sāvatthi. Giữa đường, bọn cướp đã xuất hiện; chúng đã cướp bóc một số tỳ khưu ni, đã làm nhơ nhớp một số tỳ khưu ni. Các binh lính của đức vua phát xuất từ thành Sāvatthi đã bắt được một số kẻ cướp. Một số kẻ cướp đã tẩu thoát. Những kẻ tẩu thoát ấy đã xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Những kẻ nào đã bị bắt thì bị đưa đi tử hình.

26. Những kẻ đã được xuất gia ấy đã nhìn thấy những kẻ cướp ấy đang bị đưa đi tử hình, sau khi nhìn thấy đã nói như vầy: - “May mắn thay chúng ta đã tẩu thoát. Nếu hôm nay chúng ta bị bắt, chúng ta cũng có thể bị giết y như thế này.” Các vị tỳ khưu đã nói như vầy: - “Này các đại đức, các vị đã nói điều gì vậy?” Khi ấy, những kẻ đã được xuất gia ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, kẻ làm nhơ tỳ khưu ni chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất. Này các tỳ khưu, kẻ làm chia rẽ hội chúng chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất. Này các tỳ khưu, kẻ làm chảy máu (đức Phật) chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất.” (8 - 9 - 10)

27. Vào lúc bấy giờ, có người lưỡng căn nọ[7] đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Người ấy hành động (như người nam) rồi bảo (người nam khác) hành động (với mình). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, người lưỡng căn chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất.” (11)

Dứt mười một câu chuyện về người chưa được tu lên bậc trên.

--ooOoo--

1. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên người không có thầy tế độ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên người không có thầy tế độ; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa.” (1)

2. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên với hội chúng là thầy tế độ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên với hội chúng là thầy tế độ; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa.” (2)

3. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên với nhóm (hai hoặc ba vị tỳ khưu) là thầy tế độ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên với nhóm (hai hoặc ba vị tỳ khưu) là thầy tế độ; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa.” (3)

4. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên với kẻ vô căn là thầy tế độ. ―(như trên)― cho tu lên bậc trên với kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu) là thầy tế độ. ―(như trên)― cho tu lên bậc trên với kẻ đã đi theo ngoại đạo là thầy tế độ. ―(như trên)― cho tu lên bậc trên với loài thú là thầy tế độ. ―(như trên)― cho tu lên bậc trên với kẻ giết mẹ là thầy tế độ. ―(như trên)― cho tu lên bậc trên với kẻ giết cha là thầy tế độ. ―(như trên)― cho tu lên bậc trên với kẻ giết A-la-hán là thầy tế độ. ―(như trên)― cho tu lên bậc trên với kẻ làm nhơ tỳ khưu ni là thầy tế độ. ―(như trên)― cho tu lên bậc trên với kẻ chia rẽ hội chúng là thầy tế độ. ―(như trên)― cho tu lên bậc trên với kẻ làm chảy máu (đức Phật) là thầy tế độ. ―(như trên)― cho tu lên bậc trên với kẻ lưỡng căn là thầy tế độ.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- “Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên với kẻ vô căn là thầy tế độ. ―(như trên)― Không nên cho tu lên bậc trên với kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu) là thầy tế độ. ―(như trên)― Không nên cho tu lên bậc trên với kẻ đã đi theo ngoại đạo là thầy tế độ. ―(như trên)― Không nên cho tu lên bậc trên với loài thú là thầy tế độ. ―(như trên)― Không nên cho tu lên bậc trên với kẻ giết mẹ là thầy tế độ. ―(như trên)― Không nên cho tu lên bậc trên với kẻ giết cha là thầy tế độ. ―(như trên)― Không nên cho tu lên bậc trên với kẻ giết A-la-hán là thầy tế độ. ―(như trên)― Không nên cho tu lên bậc trên với kẻ làm nhơ tỳ khưu ni là thầy tế độ. ―(như trên)― Không nên cho tu lên bậc trên với kẻ chia rẽ hội chúng là thầy tế độ. ―(như trên)― Không nên cho tu lên bậc trên với kẻ làm chảy máu (đức Phật) là thầy tế độ. ―(như trên)― Không nên cho tu lên bậc trên với kẻ lưỡng căn là thầy tế độ; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa.” (4 - 14)

6. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên người không có bình bát. Các vị đi khất thực bằng hai tay. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Giống như là những kẻ ngoại đạo.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên người không có bình bát; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa.” (15)

7. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên người không có y. Các vị lõa thể đi khất thực. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Giống như là những kẻ ngoại đạo.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên người không có y; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa.” (16)

8. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên người không có y và bình bát. Các vị lõa thể đi khất thực bằng hai tay. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Giống như là những kẻ ngoại đạo.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên người không có y và bình bát; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa.” (17)

9. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên với bình bát (mượn) của người đã được yêu cầu (trước). Khi đã được tu lên bậc trên, các vị trả lại bình bát. Các vị đi khất thực bằng hai tay. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Giống như là những kẻ ngoại đạo.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên với bình bát mượn; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa.” (18)

10. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên với y (mượn) của người đã được yêu cầu (trước). Khi đã được tu lên bậc trên, các vị trả lại y. Các vị lõa thể đi khất thực. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Giống như là những kẻ ngoại đạo.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên với y mượn; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa.” (19)

11. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên với y và bình bát (mượn) của người đã được yêu cầu (trước). Khi đã được tu lên bậc trên, các vị trả lại y và bình bát. Các vị lõa thể đi khất thực bằng hai tay. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Giống như là những kẻ ngoại đạo.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên với y và bình bát mượn; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa.” (20)

Dứt hai mươi trường hợp về người không nên cho tu lên bậc trên.

--ooOoo--

1. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho người bị đứt cánh tay xuất gia. ―(như trên)― cho người bị đứt bàn chân xuất gia. ... cho người bị đứt cánh tay và bàn chân xuất gia. ... cho người bị sứt tai xuất gia. ... cho người bị sứt mũi xuất gia. ... cho người bị sứt tai và mũi xuất gia. ... cho người bị đứt ngón tay xuất gia. ... cho người bị đứt móng tay xuất gia. ... cho người bị đứt gân chân xuất gia. ... cho người có bàn tay dính liền giống cánh dơi xuất gia. ... cho người gù lưng xuất gia. ... cho người lùn tịt xuất gia. ... cho người có bướu cổ xuất gia. ... cho người bị xử hình phạt đóng dấu xuất gia. ... cho người bị xử hình phạt đánh bằng roi xuất gia. ... cho người bị cáo thị tầm nã xuất gia. ... cho người phù chân voi xuất gia. ... cho người có bệnh trầm trọng xuất gia. ... cho người bôi nhọ tập thể xuất gia. ... cho người chột mắt xuất gia. ... cho người có tứ chi bị co rút xuất gia. ... cho người què xuất gia. ... cho người bị liệt nửa thân xuất gia. ... cho người đi khập khiễng xuất gia. ... cho người già yếu xuất gia. ... cho người mù xuất gia. ... cho người câm xuất gia. ... cho người điếc xuất gia. ... cho người mù và câm xuất gia. ... cho người mù và điếc xuất gia. ... cho người câm và điếc xuất gia. ... cho người mù câm điếc xuất gia.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

2. - “Này các tỳ khưu, không nên cho người bị đứt cánh tay xuất gia. ―(như trên)― Không nên cho người bị đứt bàn chân xuất gia. ... Không nên cho người bị đứt cánh tay và bàn chân xuất gia. ... Không nên cho người sứt tai xuất gia. ... Không nên cho người bị sứt mũi xuất gia. ... Không nên cho người bị sứt tai và mũi xuất gia. ... Không nên cho người bị đứt ngón tay xuất gia. ... Không nên cho người bị đứt móng tay xuất gia. ... Không nên cho người bị đứt gân chân xuất gia. ... Không nên cho người có bàn tay dính liền giống cánh dơi xuất gia. ... Không nên cho người gù lưng xuất gia. ... Không nên cho người lùn tịt xuất gia. ... Không nên cho người có bướu cổ xuất gia. ... Không nên cho người bị xử hình phạt đóng dấu xuất gia. ... Không nên cho người bị xử hình phạt đánh bằng roi xuất gia. ... Không nên cho người bị cáo thị tầm nã xuất gia. ... Không nên cho người phù chân voi xuất gia. ... Không nên cho người có bệnh trầm trọng kinh niên xuất gia. ... Không nên cho người bôi nhọ tập thể xuất gia. ... Không nên cho người chột mắt xuất gia. ... Không nên cho người có tứ chi bị co rút xuất gia. ... Không nên cho người què xuất gia. ... Không nên cho người bị liệt nửa thân xuất gia. ... Không nên cho người đi khập khiễng xuất gia. ... Không nên cho người già yếu xuất gia. ... Không nên cho người mù xuất gia. ... Không nên cho người câm xuất gia. ... Không nên cho người điếc xuất gia. ... Không nên cho người mù và câm xuất gia. ... Không nên cho người mù và điếc xuất gia. ... Không nên cho người câm và điếc xuất gia. ... Không nên cho người mù câm điếc xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa.”

Dứt ba mươi hai trường hợp không nên cho xuất gia.

Dứt tụng phẩm ‘Phần Thừa Kế’ là thứ chín.

--ooOoo--

TỤNG PHẨM THỨ MƯỜI

  • Các câu chuyện về sự nương nhờ vị không có liêm sỉ
  • Bốn câu chuyện về (sống) không nương nhờ: vị xuất hành, v.v...
  • Sự cho phép đọc tuyên ngôn với tên của dòng họ
  • Hai người có ý muốn tu lên bậc trên
  • Việc tu lên bậc trên của người hai mươi (tuổi) tính theo thai bào
  • Việc hỏi các pháp chướng ngại đối với người có ý muốn tu lên bậc trên
  • Bốn vật nương nhờ
  • Bốn điều không nên làm
  • Các vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, v.v...

1. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư ban cho sự nương nhờ đến những vị không có liêm sỉ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên ban cho sự nương nhờ đến những vị không có liêm sỉ; vị nào ban cho thì phạm tội dukkaṭa.” Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu sống (với pháp) nương nhờ vào những vị không có liêm sỉ. Chẳng bao lâu sau, các vị ấy cũng trở thành các tỳ khưu ác xấu, không có liêm sỉ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, không nên sống (với pháp) nương nhờ vào những vị không có liêm sỉ; vị nào sống thì phạm tội dukkaṭa.”

2. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên ban cho sự nương nhờ đến những vị không có liêm sỉ và không nên sống (với pháp) nương nhờ vào những vị không có liêm sỉ,’ vậy làm thế nào chúng ta biết được (vị nào) là có liêm sỉ hoặc không có liêm sỉ?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép chờ đợi bốn năm ngày đến khi (xác định rằng): “Ta biết được bản chất của vị tỳ khưu.”

3. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ du hành đường xa trong xứ Kosala. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên sống không nương nhờ,’ và ta là cần có sự nương nhờ nhưng đang du hành đường xa, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu đang du hành đường xa trong khi không đạt được sự nương nhờ thì được sống không nương nhờ.”

4. Vào lúc bấy giờ, có hai vị tỳ khưu du hành đường xa trong xứ Kosala. Họ đã đi đến gần trú xứ nọ. Tại đó, một vị tỳ khưu đã bị lâm bệnh. Khi ấy, vị tỳ khưu bị bệnh ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên sống không nương nhờ,’ và ta là cần có sự nương nhờ nhưng bị bệnh, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu bị bệnh trong khi không đạt được sự nương nhờ thì được sống không nương nhờ.”

5. Khi ấy, vị tỳ khưu chăm sóc vị bị bệnh ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên sống không nương nhờ,’ và ta là cần có sự nương nhờ nhưng vị tỳ khưu này thì bị bệnh, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu chăm sóc vị bị bệnh trong khi không đạt được sự nương nhờ thì được sống không nương nhờ (dầu) được yêu cầu.”[8]

6. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ trú ngụ ở rừng. Và ở chỗ trú ngụ ấy có được sự thoải mái cho vị ấy (trong việc tiến tu). Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên sống không nương nhờ,’ và ta là cần có sự nương nhờ nhưng ta trú ngụ ở trong rừng. Và ở chỗ trú ngụ này có được sự thoải mái cho ta (trong việc tiến tu), vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu ở rừng đang quan tâm đến việc có chỗ cư trú thoải mái (cho việc tiến tu) trong khi không đạt được sự nương nhờ thì được sống không nương nhờ (nghĩ rằng): “Khi nào có vị ban pháp nương nhờ xứng đáng đi đến thì ta sẽ sống nương nhờ vào vị ấy.”

7. Vào lúc bấy giờ, có người có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức Mahākassapa. Khi ấy, đại đức Mahākassapa đã phái sứ giả đến gặp đại đức Ānanda nhắn rằng: “Ānanda hãy đi đến và tuyên ngôn cho người này.” Đại đức Ānanda đã nói như vầy: - “Tôi không thể nêu lên tên của ngài trưởng lão, ngài trưởng lão là bậc trưởng thượng của tôi.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép tuyên ngôn với tên của dòng họ.”

8. Vào lúc bấy giờ, có hai người có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức Mahākassapa. Họ tranh cãi rằng: “Tôi sẽ tu lên bậc trên trước, tôi sẽ tu lên bậc trên trước.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.” - “Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện hai (người) trong một lần tuyên ngôn.”

9. Vào lúc bấy giờ, có những người có ý muốn tu lên bậc trên với nhiều vị trưởng lão. Họ tranh cãi rằng: “Tôi sẽ tu lên bậc trên trước tiên, tôi sẽ tu lên bậc trên trước tiên.” Các vị trưởng lão đã nói như vầy: - “Này các đại đức, chúng ta hãy thực hiện hết thảy tất cả trong một lần tuyên ngôn đi.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện hai hoặc ba (người) trong một lần tuyên ngôn. Và điều ấy là với cùng một thầy tế độ chứ không phải với thầy tế độ khác nhau.”

10. Vào lúc bấy giờ, đại đức Kumārakassapa là hai mươi (tuổi) tính theo thai bào đã được tu lên bậc trên. Sau đó, đại đức Kumārakassapa đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên cho tu lên bậc trên người chưa đủ hai mươi tuổi,’ và ta là hai mươi (tuổi) tính theo thai bào đã được tu lên bậc trên, vậy thì ta đã được tu lên bậc trên hay là chưa được tu lên bậc trên?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, khi tâm đầu tiên sanh khởi trong bụng của người mẹ thì thức đầu tiên đã xuất hiện; do điều ấy nên chính thời điểm đó là sự sanh ra của người ấy. Này các tỳ khưu, ta cho phép cho tu lên bậc trên người hai mươi (tuổi) tính theo thai bào.”

11. Vào lúc bấy giờ, các vị đã tu lên bậc trên được phát hiện là có (liên quan đến) bệnh cùi, bệnh mụt nhọt, bệnh chàm, bệnh lao phổi, bệnh động kinh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đang ban phép tu lên bậc trên được hỏi về mười ba pháp chướng ngại. Và này các tỳ khưu, nên hỏi như vầy: “Ngươi có các bệnh như vầy không: Bệnh cùi? Bệnh mụt nhọt? Bệnh chàm? Bệnh lao phổi? Bệnh động kinh? Ngươi là loài người? Ngươi là người nam? Ngươi là người được tự do (không phải nô lệ)? Ngươi không bị thiếu nợ? Ngươi không phải là lính của đức vua? Ngươi đã được cha mẹ cho phép? Ngươi đã tròn hai mươi tuổi? Ngươi có đầy đủ y bát không? Ngươi tên gì? Vị thầy tế độ của ngươi tên gì?”

12. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu hỏi các pháp chướng ngại đến các người có ý muốn tu lên bậc trên chưa được chỉ bảo trước. Các người có ý muốn tu lên bậc trên đã bị bối rối, trở nên mắc cở, rồi không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ bảo trước rồi hỏi các pháp chướng ngại sau.” Các vị đã chỉ bảo ngay tại chỗ ấy, ở giữa hội chúng. Như thế ấy, các người có ý muốn tu lên bậc trên đã bị bối rối, trở nên mắc cở, rồi không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ bảo ở một góc rồi hỏi các pháp chướng ngại ở giữa hội chúng. Và này các tỳ khưu, nên chỉ bảo như vầy: Trước tiên, nên bảo chọn vị thầy tế độ. Sau khi đã bảo chọn vị thầy tế độ rồi nên chỉ dẫn về y và bình bát: “Đây là bình bát của ngươi, đây là y hai lớp của ngươi, đây là thượng y của ngươi, đây là y nội của ngươi. Hãy đi đến đứng ở chỗ trống đàng kia.”

13. Các vị (tỳ khưu) ngu dốt, thiếu kinh nghiệm đã chỉ bảo. Những người có ý muốn tu lên bậc trên do được chỉ bảo tồi nên đã bị bối rối, trở nên mắc cở, rồi không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, vị (tỳ khưu) ngu dốt thiếu kinh nghiệm không nên chỉ bảo; vị nào chỉ bảo thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ khả năng được chỉ bảo.”

14. Những vị (tỳ khưu) không được chỉ định đã chỉ bảo. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, vị không được chỉ định không nên chỉ bảo; vị nào chỉ bảo thì phạm tội dukkaṭa. Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ bảo đối với vị đã được chỉ định. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Tự mình chỉ định cho chính mình, hoặc người khác chỉ định cho người khác.

15. Thế nào là tự mình chỉ định cho chính mình? Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ chỉ bảo cho người tên (như vầy).” Như vậy là tự mình chỉ định cho chính mình.

16. Thế nào là người khác chỉ định cho người khác? Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, vị tên (như vầy) sẽ chỉ bảo cho người tên (như vầy).” Như vậy là người khác chỉ định cho người khác.

17. Vị tỳ khưu đã được chỉ định ấy nên đi đến gần người có ý muốn tu lên bậc trên và nên nói với như vầy: “Này người tên (như vầy), hãy lắng nghe. Đối với ngươi, bây giờ là thời điểm của sự thật, là thời điểm của bản chất. Trong khi được hỏi ở giữa hội chúng về việc đã sanh khởi, nếu điều ấy là đúng thì nên nói: ‘Có;’ nếu không đúng, nên nói: ‘Không có.’ Chớ có bối rối, chớ nên mắc cở. Các vị sẽ hỏi ngươi như vầy: ‘Ngươi có các bệnh như thế này không: Bệnh cùi? Bệnh mụt nhọt? Bệnh chàm? Bệnh lao phổi? Bệnh động kinh? Ngươi là loài người? Ngươi là người nam? Ngươi là người được tự do (không phải nô lệ)? Ngươi không thiếu nợ? Ngươi không phải là lính của đức vua? Ngươi đã được cha mẹ cho phép? Ngươi đã tròn hai mươi tuổi? Ngươi có đầy đủ y bát không? Ngươi tên gì? Vị thầy tế độ của ngươi tên gì?”

18. Họ đi đến cùng một lúc. - “Này các tỳ khưu, không nên đi đến cùng một lúc. Vị chỉ bảo nên đi đến trước và thông báo cho hội chúng:

19. “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy). Tôi đã chỉ bảo cho người ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, thì người tên (như vầy) có thể đi đến.” Và nên nói rằng: “Ngươi hãy đi đến.”

21. Nên bảo (người ấy) đắp thượng y một bên vai, bảo đảnh lễ ở chân các tỳ khưu, bảo ngồi chồm hổm, bảo chắp tay lên, và bảo cầu xin sự tu lên bậc trên:

21. “Bạch các ngài, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót. Bạch các ngài, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên lần thứ nhì. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót. Bạch các ngài, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên lần thứ ba. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót.”

22. Hội chúng nên được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ hỏi người tên (như vầy) về các pháp chướng ngại.” “Này người tên (như vầy), hãy lắng nghe. Đối với ngươi, bây giờ là thời điểm của sự thật, là thời điểm của bản chất. Ta hỏi về việc đã sanh khởi, nếu điều ấy là đúng thì nên nói: ‘Có;’ nếu không đúng, nên nói: ‘Không có.’ Ngươi có các bệnh như thế này không: Bệnh cùi? Bệnh mụt nhọt? Bệnh chàm? Bệnh lao phổi? Bệnh động kinh? Ngươi là loài người? Ngươi là người nam? Ngươi là người được tự do (không phải nô lệ)? Ngươi không thiếu nợ? Ngươi không phải là lính của đức vua? Ngươi đã được cha mẹ cho phép? Ngươi đã tròn hai mươi tuổi? Ngươi có đầy đủ y bát không? Ngươi tên gì? Vị thầy tế độ của ngươi tên gì?”

23. Hội chúng nên được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy), là người trong sạch về các pháp chướng ngại, là người có đầy đủ y bát. Người tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với thầy tế độ tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho người tên (như vầy) tu lên bậc trên với thầy tế độ tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.

24. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy), là người trong sạch về các pháp chướng ngại, là người có đầy đủ y bát. Người tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với thầy tế độ tên (như vầy). Hội chúng cho người tên (như vầy) tu lên bậc trên với thầy tế độ tên (như vầy). Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của người tên (như vầy) với thầy tế độ tên (như vầy) xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

25. Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy), là người trong sạch về các pháp chướng ngại, là người có đầy đủ y bát. Người tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với thầy tế độ tên (như vầy). Hội chúng cho người tên (như vầy) tu lên bậc trên với thầy tế độ tên (như vầy). Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của người tên (như vầy) với thầy tế độ tên (như vầy) xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

26. Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy), là người trong sạch về các pháp chướng ngại, là người có đầy đủ y bát. Người tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với thầy tế độ tên (như vầy). Hội chúng cho người tên (như vầy) tu lên bậc trên với thầy tế độ tên (như vầy). Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của người tên (như vầy) với thầy tế độ tên (như vầy) xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

27. Người tên (như vầy) đã được hội chúng cho tu lên bậc trên với thầy tế độ tên (như vầy). Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Dứt hành sự tu lên bậc trên.

--ooOoo--

1. Ngay khi ấy, bóng nắng cần được đo đạc, việc xác định mùa tiết nên được chỉ dạy, việc phân chia ngày (giờ) nên được chỉ dạy, điều đã được kết tập lại nên được chỉ dạy, bốn vật nương nhờ nên được chỉ dạy:

2. “Việc xuất gia nương vào thức ăn do khất thực, trong trường hợp ấy ngươi nên thể hiện sự nỗ lực cho đến hết đời; phần thọ lãnh ngoại lệ là bữa ăn dâng hội chúng, bữa ăn được chỉ định, sự mời thỉnh, bữa ăn theo thẻ, vào mỗi nửa tháng, vào ngày Uposatha, vào ngày đầu của mỗi nửa tháng. (1)

3. Việc xuất gia nương vào y làm bằng vải dơ bị quăng bỏ; trong trường hợp ấy ngươi nên thể hiện sự nỗ lực cho đến hết đời; phần thọ lãnh ngoại lệ là (y làm bằng) sợi lanh, bông vải, tơ lụa, sợi len, gai thô, chỉ bố. (2)

4. Việc xuất gia nương vào chỗ trú ngụ là gốc cây; trong trường hợp ấy ngươi nên thể hiện sự nỗ lực cho đến hết đời; phần thọ lãnh ngoại lệ là trú xá, nhà một mái, tòa nhà dài, khu nhà lớn, hang động. (3)

5. Việc xuất gia nương vào dược phẩm là nước tiểu gia súc, trong trường hợp ấy ngươi nên thể hiện sự nỗ lực cho đến hết đời; phần thọ lãnh ngoại lệ là bơ lỏng, bơ đặc, dầu ăn, mật, đường mía.” (4)

Dứt bốn vật nương nhờ.

--ooOoo--

1. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu sau khi cho tu lên bậc trên vị tỳ khưu nọ đã bỏ lại (vị ấy) mỗi một mình rồi ra đi. Sau đó trong khi đang đi chỉ mỗi một mình, giữa đường vị ấy đã gặp lại người vợ cũ. Cô ta đã nói như vầy: - “Nay chàng đã xuất gia rồi sao?” - “Đúng vậy, tôi đã xuất gia.” - “Đối với các vị xuất gia việc đôi lứa là khó đạt được. Hãy đến và thực hiện việc đôi lứa đi.” Vị ấy sau khi thực hiện việc đôi lứa với nàng ta đã đi về trễ. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy: - “Này sư đệ, vì sao sư đệ đã đi về trễ như vậy?” Khi ấy, vị ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép ban cho người cộng sự và chỉ dạy bốn điều không nên làm ngay sau khi cho tu lên bậc trên:

2. “Vị đã được tu lên bậc trên trở thành tỳ khưu không nên thực hành việc đôi lứa, thậm chí với loài thú cái. Vị tỳ khưu nào thực hành việc đôi lứa thì không còn là Sa-môn không còn là Thích tử nữa. Cũng giống như người đàn ông đã bị chặt đầu không thể sống với việc gắn lại cái đầu ấy vào thân; tương tự như thế, vị tỳ khưu sau khi thực hiện việc đôi lứa thì không còn là Sa-môn không còn là Thích tử nữa. Ngươi không nên làm điều ấy cho đến hết đời. (1)

3. Vị đã được tu lên bậc trên trở thành tỳ khưu không nên lấy vật không được cho được xem là sự trộm cắp, thậm chí có liên quan đến cọng cỏ. Vị tỳ khưu nào lấy vật không được cho là một pāda hoặc tương đương một pāda hoặc hơn một pāda được xem là sự trộm cắp thì không còn là Sa-môn không còn là Thích tử nữa. Cũng giống như chiếc lá vàng đã lìa khỏi cành không thể trở lại màu xanh; tương tự như thế, vị tỳ khưu sau khi lấy vật không được cho là một pāda hoặc tương đương một pāda hoặc hơn một pāda được xem là sự trộm cắp thì không còn là Sa-môn không còn là Thích tử nữa. Ngươi không nên làm điều ấy cho đến hết đời. (2)

4. Vị đã được tu lên bậc trên trở thành tỳ khưu không nên tước đoạt lấy mạng sống của chúng sanh một cách cố tình thậm chí có liên quan đến loài kiến, mối. Vị tỳ khưu nào tước đoạt lấy mạng sống khỏi cơ thể con người một cách cố tình thậm chí có liên quan đến việc phá thai thì không còn là Sa-môn không còn là Thích tử nữa. Cũng giống như tảng đá lớn đã bị vỡ làm hai mảnh không gắn liền lại được; tương tự như thế, vị tỳ khưu sau khi tước đoạt lấy mạng sống khỏi cơ thể con người một cách cố tình thì không còn là Sa-môn không còn là Thích tử nữa. Ngươi không nên làm điều ấy cho đến hết đời. (3)

5. Vị đã được tu lên bậc trên trở thành tỳ khưu không nên khẳng định về pháp của bậc thượng nhân thậm chí (nói rằng): ‘Tôi thỏa thích trong ngôi nhà trống vắng.’ Vị tỳ khưu nào có ước muốn xấu xa, bị thúc đẩy bởi ước muốn, rồi khẳng định về pháp của bậc thượng nhân (mà bản thân) không có, không thực chứng, là pháp thiền, hoặc là pháp giải thoát, hoặc là sự nhập định, hoặc là sự chứng đắc, hoặc là Đạo, hoặc là Quả thì không còn là Sa-môn không còn là Thích tử nữa. Cũng giống như cây thốt nốt bị chặt ngọn không thể đâm chồi lại được nữa; tương tự như thế, vị tỳ khưu có ước muốn xấu xa, bị thúc đẩy bởi ước muốn, sau khi khẳng định về pháp của bậc thượng nhân (mà bản thân) không có, không thực chứng thì không còn là Sa-môn không còn là Thích tử nữa. Ngươi không nên làm điều ấy cho đến hết đời.” (4)

Dứt bốn điều không nên làm.

--ooOoo--

1. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ là người bị án treo trong việc không nhìn nhận tội đã hoàn tục. Vị ấy đã quay trở lại và cầu xin các tỳ khưu sự tu lên bậc trên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

2. - “Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là người bị án treo trong việc không nhìn nhận tội lại hoàn tục. Vị ấy quay trở lại và cầu xin các tỳ khưu sự tu lên bậc trên. Vị ấy nên được nói như vầy: “Ngươi sẽ nhìn nhận tội ấy?” Nếu (trả lời): “Tôi sẽ nhìn nhận” thì nên cho xuất gia. Nếu (trả lời): “Tôi sẽ không nhìn nhận” thì không nên cho xuất gia. Sau khi cho xuất gia, nên nói rằng: “Ngươi sẽ nhìn nhận tội ấy?” Nếu (trả lời): “Tôi sẽ nhìn nhận” thì nên cho tu lên bậc trên. Nếu (trả lời): “Tôi sẽ không nhìn nhận” thì không nên cho tu lên bậc trên. Sau khi đã cho tu lên bậc trên, nên nói rằng: “Ngươi sẽ nhìn nhận tội ấy?” Nếu (trả lời): “Tôi sẽ nhìn nhận” thì nên phục hồi. Nếu (trả lời): “Tôi sẽ không nhìn nhận” thì không nên phục hồi. Sau khi đã phục hồi nên nói rằng: “Ngươi nhìn nhận tội ấy?” Nếu vị ấy nhìn nhận thì việc ấy được tốt đẹp, nếu vị ấy không nhìn nhận thì trong khi đạt được sự hợp nhất (của hội chúng) nên phạt án treo lại. Nếu không đạt được sự hợp nhất thì không phạm tội trong việc thọ hưởng chung, cư ngụ chung (với vị ấy).

3. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là người bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi lại hoàn tục. Vị ấy quay trở lại và cầu xin các tỳ khưu sự tu lên bậc trên. Vị ấy nên được nói như vầy: “Ngươi sẽ sửa chữa lỗi ấy?” Nếu (trả lời): “Tôi sẽ sửa chữa” thì nên cho xuất gia. Nếu (trả lời): “Tôi sẽ không sửa chữa” thì không nên cho xuất gia. Sau khi cho xuất gia, nên nói rằng: “Ngươi sẽ sửa chữa lỗi ấy?” Nếu (trả lời): “Tôi sẽ sửa chữa” thì nên cho tu lên bậc trên. Nếu (trả lời): “Tôi sẽ không sửa chữa” thì không nên cho tu lên bậc trên. Sau khi đã cho tu lên bậc trên, nên nói rằng: “Ngươi sẽ sửa chữa lỗi ấy?” Nếu (trả lời): “Tôi sẽ sửa chữa” thì nên phục hồi. Nếu (trả lời): “Tôi sẽ không sửa chữa,” thì không nên phục hồi. Sau khi đã phục hồi nên nói rằng: “Ngươi sửa chữa lỗi ấy?” Nếu vị ấy sửa chữa thì việc ấy được tốt đẹp, nếu vị ấy không sửa chữa thì trong khi đạt được sự hợp nhất (của hội chúng) nên phạt án treo lại. Nếu không đạt được sự hợp nhất thì không phạm tội trong việc thọ hưởng chung, cư ngụ chung (với vị ấy).

4. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là người bị án treo trong việc không chịu từ bỏ tà kiến ác lại hoàn tục. Vị ấy quay trở lại và cầu xin các tỳ khưu sự tu lên bậc trên. Vị ấy nên được nói như vầy: “Ngươi sẽ từ bỏ tà kiến ác ấy?” Nếu (trả lời): “Tôi sẽ từ bỏ” thì nên cho xuất gia. Nếu (trả lời): “Tôi sẽ không từ bỏ” thì không nên cho xuất gia. Sau khi cho xuất gia, nên nói rằng: “Ngươi sẽ từ bỏ tà kiến ác ấy?” Nếu (trả lời): “Tôi sẽ từ bỏ” thì nên cho tu lên bậc trên. Nếu (trả lời): “Tôi sẽ không từ bỏ” thì không nên cho tu lên bậc trên. Sau khi đã cho tu lên bậc trên, nên nói rằng: “Ngươi sẽ từ bỏ tà kiến ác ấy?” Nếu (trả lời): “Tôi sẽ từ bỏ” thì nên phục hồi. Nếu (trả lời): “Tôi sẽ không từ bỏ” thì không nên phục hồi. Sau khi đã phục hồi nên nói rằng: “Ngươi từ bỏ tà kiến ác ấy?” Nếu vị ấy từ bỏ thì việc ấy được tốt đẹp, nếu vị ấy không từ bỏ thì trong khi đạt được sự hợp nhất (của hội chúng) nên phạt án treo lại. Nếu không đạt được sự hợp nhất thì không phạm tội trong việc thọ hưởng chung, cư ngụ chung (với vị ấy).

Chương Trọng Yếu là thứ nhất.

--ooOoo--

TÓM LƯỢC CHƯƠNG NÀY

1. Luật, về các ý nghĩa quan trọng, là nguồn đem đến sự an lạc cho các tỳ khưu hiền thiện có sự ngăn chặn các ước muốn về việc ác và có sự khiêm nhường trong những việc ra sức.

Và còn là sự nâng đỡ của Giáo Pháp, là hành xứ của các đấng Toàn Tri và các bậc Chiến Thắng, là lãnh vực không xa lạ, được an toàn, đã khéo được quy định, không có điều nghi hoặc.

Tương tự như người làm điều lợi ích, (vị tỳ khưu) tốt thực hành một cách đúng đắn về Luật ở bộ Hợp Phần (Đại Phẩm và Tiểu Phẩm), luôn cả bộ Tập Yếu và các tiêu đề (bộ Đại Phân Tích).

2. Người không hiểu biết về loài bò không chăn giữ đàn bò được. Như vậy, trong khi không biết giới, làm sao vị ấy có thể gìn giữ sự thu thúc?

3. Cho đến khi Kinh và Vi Diệu Pháp bị quên lãng mà Luật chưa bị tiêu hoại thì Giáo Pháp vẫn còn tồn tại.

4. Vì điều đó, với việc kết tập là nguyên nhân, tôi sẽ tuần tự nói về phần tóm lược theo như sự hiểu biết, xin các vị hãy lắng nghe tôi nói.

5. Câu chuyện, phần duyên khởi, tội vi phạm, phương thức, và luôn cả phần trùng lặp. Để không giản lược thì việc ấy thật khó làm. Các vị hãy hiểu rõ điều ấy đúng theo phương pháp.”

6. Sự giác ngộ, và cội cây Rājayatana, cội cây người chăn dê, vị Sahampati, đấng Phạm Thiên, vị Aḷāra, và vị Uddaka, (năm) tỳ khưu, và ẩn sĩ Upaka.

7. Koṇḍañña, Bhaddiya, Vappa, Mahānāma, và Assaji, Yasa, bốn (người bạn), năm mươi (người bạn), Ngài đã phái đi tất cả, (việc xuất gia ở) các phương.

8. Câu chuyện với các Ma Vương, và ba mươi (vị vương tử), ba đạo sĩ bện tóc ở Uruvelā, nhà thờ lửa, vị đại vương Sakka, Phạm Thiên, và toàn thể (dân chúng).

9. Y paṃsukūla, hồ nước, tảng đá, và (cành cây) Kakudha, khối đá (phơi y), trái Jambu, trái xoài, trái Āmalakī, và Ngài đã mang lại bông hoa san hô.

10. Này Kassapa, hãy chẻ ra, hãy đốt lên, và hãy dập tắt đi. Các vị hụp (xuống nước), chảo lửa, đám mây đen, (đỉnh) Gayā, (khu rừng) Laṭṭhi, và vua xứ Magadha.

11. Rồi Upatissa và Kolita danh tiếng đã xuất gia. Các vị mặc y luộm thuộm, (cho phép) việc đuổi đi, và vị Bà-la-môn bị ốm o cằn cỗi.

12. Vị làm hành động sai trái, (vì) bao tử, chàng trai trẻ, hội chúng (là mười vị). (Bao nhiêu) năm, với các vị ngu dốt, trong khi (thầy) ra đi, mười năm, việc nương nhờ.

13. Các vị không thực hành, để đuổi đi, các vị ngu dốt, sự đình chỉ, năm, sáu (điều kiện), vị nào là ngoại đạo, lõa thể, tóc chưa cắt, đạo sĩ bện tóc, và dòng Sakya.

14. Ở xứ Magadha, năm thứ bệnh, một (trường hợp), (lính của) đức vua, và (kẻ cướp đeo) ngón tay, và vua Magadha đã cho phép, kẻ (phá) ngục, án ghi, bị phạt roi.

15. Các dấu hiệu, kẻ nợ và nô tỳ, kẻ sói đầu, (thiếu niên) Upāli, bệnh dịch, gia đình có đức tin, Sa-di Kaṇṭaka, và luôn cả chuyện bị tắt nghẽn (hướng đi).

16. Về việc nương nhờ, đứa trẻ trai, các điều học, chúng sống, và điều gì nữa? (việc ngăn cấm) toàn bộ, miệng, các thầy tế độ, việc dụ dỗ, chuyện Kaṇṭaka.

17. Kẻ vô căn, trộm (tướng mạo), chuyển sang (ngoai đạo), con rồng, và (kẻ giết) mẹ, cha, A-la-hán, (làm nhơ) tỳ khưu ni, chia rẽ, (làm chảy) máu, và kẻ lưỡng căn.

18. Thầy tế độ không có, với hội chúng, hoặc nhóm, kẻ vô căn, không bình bát, không y, hoặc cả hai, với đồ mượn là ba.

19. Các người (bị đứt) bàn tay, bàn chân, bàn tay và bàn chân, lỗ tai và lỗ mũi, hoặc cả hai điều ấy, các ngón, móng tay, và gân chân, tay có màng, gù lưng, và người lùn.

20. Người bị bướu cổ, và luôn cả người bị đóng dấu, bị phạt roi, bị tầm nã, phù chân voi, bệnh nặng, kẻ bôi nhọ hội chúng, người chột mắt và bị bệnh co rút, là tương tự như thế.

21. Người què, và luôn cả người bị liệt nửa thân, người có tướng đi khập khiễng, người già yếu, người mù, người câm, người điếc, người mù và câm là ở nơi ấy.

22. Người mù và điếc đã được nói đến, và luôn cả người bị câm và điếc, người bị mù câm điếc, và việc nương nhờ của những kẻ không liêm sỉ.

23. Có thể sống, và đi đường xa là tương tự, với vị yêu cầu, những người mong muốn, hãy đi đến, chúng tranh cãi, với cùng thầy tế độ, vị Kumārakassapa.

24. Và được thấy những vị đã tu lên bậc trên bị khổ sở vì các thứ bệnh, chưa được chỉ dạy, các vị bị bối rối, việc chỉ dạy ở ngay chính nơi ấy.

25. Rồi ở nơi hội chúng, kẻ ngu, chưa được chỉ định, cùng một lúc, xin hãy tế độ, sự tu lên bậc trên, vật nương nhờ, mỗi một mình, ba (trường hợp).

Dứt phần tóm lược của chương Trọng Yếu.

--ooOoo--