(11) I. Icchānaṅgala (S.v,325)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Icchānaṅgala, tại khóm rừng ở Icchānaṅgala.

2) Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

-- Ta muốn sống độc cư Thiền tịnh trong ba tháng, không tiếp một ai, trừ một người đem đồ ăn lại.

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Như vậy, không một ai đến viếng Thế Tôn, trừ một người đem đồ ăn lại.

3) Rồi Thế Tôn, sau khi ba tháng ấy đã mãn, từ chỗ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, gọi các Tỷ-kheo:

-- Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo đến hỏi các Ông: “Với sự an trú nào, này chư Hiền, Sa-môn Gotama an trú nhiều trong mùa mưa?” Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông hãy trả lời cho cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Với định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này chư Hiền, Thế Tôn an trú nhiều trong các mùa mưa”.

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, chánh niệm Ta thở vô, chánh niệm Ta thở ra.

5-10) Hay thở vô dài, Ta rõ biết: “Ta thở vô dài”. Hay thở ra dài, Ta rõ biết: “Ta thở ra dài”. Hay thở vô ngắn, Ta rõ biết: “Ta thở vô ngắn”. Hay thở ra ngắn, Ta rõ biết: “Ta thở ra ngắn”... “Quán từ bỏ, Ta thở vô”, Ta rõ biết như vậy. “Quán từ bỏ, Ta thở ra”, Ta rõ biết như vậy.

11) Này các Tỷ-kheo, ai muốn nói một cách chơn chánh, đây là Thánh trú, đây là Phạm trú, đây là Như Lai trú; người ấy nói một cách chơn chánh, phải nói định niệm hơi thở vô, hơi thở ra là Thánh trú, là Phạm trú, là Như Lai trú.

12) Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào là bậc hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các khổ ách; những vị ấy tu tập, làm cho sung mãn định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, sẽ đưa đến đoạn tận các lậu hoặc. Và này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đoạn tận các lậu hoặc, tu hành thành mãn, những việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí, giải thoát; những vị ấy tu tập, làm cho sung mãn định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, ngay trong hiện tại, đưa đến lạc trú, chánh niệm tỉnh giác.

13) Này các Tỷ-kheo, ai muốn nói một cách chơn chánh, đây là Thánh trú, đây là Phạm trú, đây là Như Lai trú; người ấy nói một cách chơn chánh, phải nói định niệm hơi thở vô, hơi thở ra là Thánh trú, là Phạm trú, là Như Lai trú.

(12) II. Nghi Ngờ (S.v,327)

1) Một thời Tôn giả Lomasavaṅgīsa trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, trong khu vườn Nigrodha.

2) Lúc bấy giờ Thích tử Mahānāma đi đến Tôn giả Lomasavaṅgīsa; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Lomasavaṅgīsa rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Thích tử Mahānāma thưa với Tôn giả Lomasavaṅgīsa:

3) -- Thưa Tôn giả, hữu học trú với Như Lai trú là một, hay hữu học trú là khác, Như Lai trú là khác?

-- Này Hiền giả Mahānāma, hữu học trú không phải là một với Như Lai trú. Này Hiền giả Mahānāma, hữu học trú là khác, Như Lai trú là khác.

4) Này Hiền giả Mahānāma, những Tỷ-kheo nào là bậc hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các khổ ách; sau khi đoạn tận năm triền cái, những vị ấy trú. Thế nào là năm? Ðoạn tận dục tham triền cái, các vị ấy trú. Ðoạn tận sân triền cái... Ðoạn tận hôn trầm thụy miên triền cái... Ðoạn tận trạo hối triền cái... Ðoạn tận nghi hoặc triền cái, các vị ấy trú. Này Hiền giả Mahānāma, những Tỷ-kheo nào là bậc hữu học, trú với tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các khổ ách; sau khi đoạn tận năm triền cái này, những vị ấy trú.

5) Và này Hiền giả Mahānāma, những Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã tu hành thành mãn, những việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí, giải thoát; những vị ấy đoạn tận năm triền cái, chặt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể khởi lên. Thế nào là năm? Dục tham triền cái được đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây ta-la, được làm cho không thể tái sanh, được làm cho không thể khởi lên; sân triền cái được đoạn tận... hôn trầm thụy miên triền cái được đoạn tận... trạo hối triền cái được đoạn tận... nghi hoặc triền cái được đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây ta-la, được làm cho không thể tái sanh, được làm cho không thể khởi lên. Này Hiền giả Mahānāma, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã tu hành thành mãn, những việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí, giải thoát; những vị ấy đã đoạn tận năm triền cái này, đã chặt đứt từ gốc rễ, đã làm cho như thân cây ta-la, đã làm cho không thể tái sanh, đã làm cho không thể khởi lên.

6) Như vậy, với pháp môn này, này Hiền giả Mahānāma, Hiền giả cần phải hiểu rằng hữu học trú là khác, Như Lai trú là khác.

7) 1. -- Một thời, thưa Hiền giả Mahānāma, Thế Tôn trú ở Icchānaṅgala, tại khu rừng Icchānaṅgala.

8) 2. Rồi này Mahānāma, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

9) 3. Rồi Thế Tôn...

10) 4. “Ở đây, này các Tỷ-kheo, Ta...

11-16) 5-10. Thở vô dài...

17) 11. Ai muốn nói một cách chơn chánh, đây là Thánh trú...

18) 12. Những ai là những Tỷ-kheo hữu học...

19) 13. Ai muốn nói một cách chơn chánh...”.

20) Với pháp môn này, này Hiền giả Mahānāma, cần phải hiểu như sau: Hữu học trú là khác, Như Lai trú là khác.

(13) III. Ānanda (1) (S.v,328)

1-2) Sāvatthi...

Rồi Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn... Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:

3) -- Bạch Thế Tôn, có một pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bốn pháp? Bốn pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bảy pháp? Bảy pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn hai pháp?

-- Này Ānanda, có một pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bốn pháp. Bốn pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bảy pháp. Bảy pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn hai pháp.

4) -- Một pháp ấy là gì, bạch Thế Tôn, được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bốn pháp? Bốn pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bảy pháp? Bảy pháp được tu tập được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn hai pháp?

-- Này Ānanda, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bốn niệm xứ. Bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bảy giác chi. Bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn minh và giải thoát.

I

5) Ðịnh niệm hơi thở vô, hơi thở ra tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, làm cho viên mãn bốn niệm xứ?

6-12) Ở đây, này Ānanda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống... “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

13-14) Lúc nào, này Ānanda, Tỷ-kheo thở vô dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở vô dài...”. Này Ānanda, sống quán thân trên thân, Tỷ-kheo trong khi ấy trú nhứt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Vì sao? (xem 10, đoạn số 15-16)...

15-16) Trong khi, này Ānanda, Tỷ-kheo "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập... tham ưu ở đời. (xem 10, đoạn số 17-18)

17-18) Trong khi, này Ānanda, Tỷ-kheo "Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập... tham ưu ở đời. (xem 10, đoạn số 19-20)

19) Trong khi, này Ānanda, Tỷ-kheo "Quán vô thường, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập... nhiếp phục tham ưu ở đời. (xem 10, đoạn số 21)

20) Ðịnh niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này Ānanda, được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, làm viên mãn bốn niệm xứ.

II

21) Tu tập như thế nào, này Ānanda, làm cho sung mãn như thế nào, bốn niệm xứ làm cho viên mãn bảy giác chi?

22) Trong khi, này Ānanda, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, niệm được an trú; khi ấy, này Ānanda, Tỷ-kheo có niệm, không phải thất niệm. Trong khi, này Ānanda, Tỷ-kheo an trú niệm, không phải thất niệm, thời niệm giác chi, đối với Tỷ-kheo ấy được thành tựu. Trong khi, này Ānanda, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi, niệm giác chi được Tỷ-kheo tu tập đi đến viên mãn. Vị ấy trú chánh niệm như vậy, với trí tuệ quyết trạch, tư sát, thành tựu quán pháp ấy.

23) Trong khi, này Ānanda, Tỷ-kheo sống chánh niệm như vậy, với trí tuệ quyết trạch, tư sát và đi đến quán sát ấy; khi ấy, này Ānanda, trạch pháp giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập trạch pháp giác chi; khi ấy, nhờ tu tập, trạch pháp giác chi đi đến viên mãn. Trong khi vị ấy với trí tuệ, quyết trạch, tư sát và thành tựu quán sát pháp ấy, thời tinh tấn, không thụ động bắt đầu phát khởi nơi vị ấy.

24) Trong khi, này Ānanda, Tỷ-kheo với trí tuệ quyết trạch, tư sát và thành tựu quán sát pháp ấy, thời tinh tấn, không thụ động phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập tinh tấn giác chi; khi ấy, nhờ tu tập, tinh tấn giác chi đi đến viên mãn. Với vị có tinh cần, có tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên.

25) Trong khi, này Ānanda, Tỷ-kheo tinh cần, tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên; khi ấy, hỷ giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập hỷ giác chi; khi ấy, nhờ tu tập, hỷ giác chi đi đến viên mãn. Với vị có ý hoan hỷ, thân được khinh an, tâm được khinh an.

26) Trong khi, này Ānanda, Tỷ-kheo với ý hoan hỷ, thân được khinh an, tâm được khinh an; khi ấy, khinh an giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập khinh an giác chi; khi ấy, nhờ tu tập, khinh an giác chi đi đến viên mãn. Với vị có thân khinh an, lạc hiện hữu. Với vị có lạc, tâm được định tĩnh.

27) Trong khi, này Ānanda, Tỷ-kheo có tâm khinh an, được an lạc, tâm được định tĩnh; khi ấy, này các Tỷ-kheo, định giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi, Tỷ-kheo tu tập định giác chi; khi ấy, định giác chi, nhờ tu tập, đi đến viên mãn. Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy, khéo trú xả nhìn sự vật.

29) Trong khi, này Ānanda, Tỷ-kheo với tâm định tĩnh khéo trú xả nhìn sự vật như vậy; khi ấy, này Ānanda, xả giác chi bắt đầu phát khởi trong Tỷ-kheo ấy. Trong khi Tỷ-kheo tu tập xả giác chi; khi ấy, xả giác chi, nhờ tu tập, đi đến viên mãn.

29-31) Trong khi, này Ānanda, Tỷ-kheo trú, quán thọ trên các cảm thọ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp... (như trên, từ đoạn số 22-28)

32) Tu tập như vậy, này Ānanda, làm cho sung mãn như vậy, bốn niệm xứ làm viên mãn bảy giác chi.

III

33) Tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, bảy giác chi làm viên mãn minh và giải thoát?

34) Ở đây, này Ānanda, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

35) Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, bảy giác chi làm viên mãn minh và giải thoát.

(14) IV. Ānanda (2) (S.v,333)

1) ...

2) Rồi Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn... Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda:

(Rồi Thế Tôn hỏi câu hỏi giống như trước và Ānanda trả lời).

"Ðối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản..”..

(Rồi Thế Tôn lập lại toàn bộ như kinh trước, từ đoạn số 3-35)

(15) V. Tỷ-Kheo (1) (S.v,334)

(Ở đây, các Tỷ-kheo hỏi cùng một câu hỏi ấy và được Thế Tôn trả lời toàn bộ đúng như kinh trước, từ đoạn số 3-35)

(16) VI. Tỷ-Kheo (2) (S.v,335)

(Ở đây, Thế Tôn hỏi các Tỷ-kheo cùng một câu hỏi, các Tỷ-kheo trả lời các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản..., rồi Thế Tôn trả lời toàn bộ đúng như kinh trước).

(17) VII. Kiết Sử (S.v,340)

1) ...

2) -- Ðịnh niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận các kiết sử.

(18) VIII. Tùy Miên (S.v,340)

1) ...

2) ... đưa đến nhổ sạch các tùy miên.

(19) IX. Con Ðường (S.v,340)

1) ...

2) ... đưa đến liễu tri con đường (ba kinh trên được giải thích như kinh kế tiếp).

(20) X. Ðoạn Tận Các Lậu Hoặc (S.v,340)

1) ...

2) ... đưa đến đoạn tận các lậu hoặc.

3) -- Này các Tỷ-kheo, tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra đưa đến đoạn tận các kiết sử... đưa đến nhổ sạch các tùy miên... đưa đến liễu tri con đường... đưa đến đoạn tận các lậu hoặc?

4-10) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống... “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

11) Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra đưa đến đoạn tận các kiết sử... nhổ sạch các tùy miên... liễu tri con đường... đoạn tận các lậu hoặc.