Từ năm 1950, Đại hội Phật giáo thế giới tổ chức tại Sri Lanka, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia đã thống nhất ngày Phật Đản Quốc Tế là Rằm tháng Vishakha và gọi tên lễ này là lễ Vesak theo tiếng Singhalese (Tích Lan, Sri Lanka). Từ năm 1999, lễ này chính thức trở thành lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp Quốc. Gọi tắt là Vesak Liên Hợp Quốc.

Ở Việt Nam từ năm 1958, ngày Phật Đản được công nhận là ngày nghỉ lễ quốc gia của chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975, ngày này không còn là ngày nghỉ lễ nữa, lễ này ở nước ta như đã thấy, thường có thiết trí lễ đài, trang trí xe hoa rước Phật và dĩ nhiên hình ảnh nổi trội nhất trong lễ là lễ đài Đản sanh của đức Bồ Tát Tất Đạt Đa hay vườn Lâm Tỳ Ni.

Cây Sala và Đầu Lân

Chúng tôi xin trích lại bài nghiên cứu của Tiến sĩ Bình Anson:

Sala (Ta-la, Tha-la) có nhiều tên gọi: Sāla, Sal, Shorea robusta, là một loại cây tìm thấy ở Ấn Độ, miền nam dãy núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya), về sau được trồng nhiều nơi ở Nam Á và Đông Nam Á, và ngày nay là một loại cây được trồng để cung cấp gỗ cứng (hard wood). Sala (Shorea robusta) là một loại cây thuộc chi họ Shorea, là một trong 16 chi họ của họ thực vật Dipterocarpaceae. Ở Việt Nam, chúng ta thường thấy loại cây Chò Nâu (Dipterocarpus retusus), cây Dầu Rái (Dipterocarpus alatus) và cây Sao Đen (Hopea odorata) đều thuộc họ thực vật Dipterocarpaceae nầy.

Trong kinh điển Phật giáo, Đức Phật đản sinh ở gốc cây Sāla, trong vườn Lumbini (Lâm-tì-ni), và nhập diệt giữa hai cây Sāla tại Kusinara (Kushinagar, Câu-thi-na). Vì thế, ngày nay, ngoài cây bồ-đề (Bodhi tree, Bo tree, Ficus Religiosa), cây Sāla được trồng tại khuôn viên của các chùa, và được giới Phật tử quý trọng.

Tuy nhiên, ngày nay, người ta thường nhầm lẫn cây Sāla với cây Ngọc Kỳ Lân, Đầu Lân hay Hàm Rồng (Cannonball tree, Couroupita guianensis), tiếng Trung là Pháo Đạn Thụ (炮弹树 - Cây Đạn Pháo). Cây Sala là loại cây nguyên sinh ở Ấn Độ; còn cây Đầu Lân là cây nguyên sinh ở Nam Mỹ và ngày nay được đem trồng khắp nơi.

Sự nhầm lẫn nầy bắt nguồn từ thế kỷ 17 khi người Bồ Đào Nha đem giống cây Đầu Lân từ Nam Mỹ trồng tại nhiều nơi và nhiều chùa ở đảo Tích Lan (Sri Lanka). Từ đó, nhiều người Sri Lanka lầm tưởng cây nầy là cây Sāla trong kinh điển, và mang phổ biến trồng tại các chùa khác trong vùng Đông Nam Á. Gần đây, một số chùa tại Việt Nam cũng đem về trồng vì lầm tưởng là cây Sāla. Giống cây Đầu Lân nầy trở nên phổ thông vì dễ trồng, lớn nhanh, thích hợp với khí hậu ẩm ướt miền nhiệt đới, và trổ hoa có màu sắc hình thù đẹp mắt.

sala-1.jpg (204 KB)sala-2.jpg (295 KB)sala-3.jpg (246 KB)sala-4.jpg (465 KB)
Cây Sala (Ta-la, Tha-la, Sāla, Sal, Shorea robusta)
dau-lan-1.jpg (390 KB) dau-lan-2.jpg (256 KB)
Cây Đầu Lân (Ngọc Kỳ Lân, Hàm Rồng, Cannonball tree, Couroupita guianensis)

Ngoài ra, cây Sāla cũng thường bị nhầm lẫn với cây vô ưu (Saraca indica), thuộc chi vàng anh, phân bố chủ yếu ở Nam Á và phía tây Myanmar, một loài được Trung Quốc gọi là vô ưu thụ.

vo-uu.jpg (798 KB)
Cây Vô Ưu (Cây Bông Trang, Saraca indica)

Cây Bồ Đề và Lâm Vồ

Theo kinh điển Phật giáo, Đức Phật đã ngồi thiền định dưới cội Bồ Đề và chứng được ba minh. Bảy tuần sau đó, Ngài tới Sarnath và bắt đầu giảng dạy về Phật giáo. Bồ đề - cái tên ấy được phiên âm từ tiếng Phạn là Bodhi, có nghĩa là sự tỉnh thức.

Trong khoảng năm 300 trước Công nguyên, một nữ tăng ni Phật giáo đã lấy một nhánh cây Bồ Đề được chiết từ cây gốc mà Đức Phật đã ngồi thiền định và giác ngộ rồi mang tới Sri Lanka trồng. Đến nay, cây Bồ Đề này vẫn còn tồn tại ở Anaradapura, Sri Lanka, được đánh giá là cây Bồ Đề nổi tiếng nhất và lâu đời nhất.

Ở nước ta, cây Lâm Vồ được trồng nhiều nơi và thường bị nhầm lẫn với cây Bồ Đề. Trên thực tế, Bồ Đề và Lâm Vồ là hai loại cây hoàn toàn khác nhau.

Cây Bồ Đề Phật giáo (Ficus Religiosa): có chồi ngọn ngắn, cuống lá dài, đáy lá nhọn, mép lá hơi gợn sóng, đỉnh lá có đuôi nhọn kéo dài.

bo-de-2.jpg (571 KB)bo-de.jpg (239 KB)
Cây Bồ Đề (Bodhi, Bo tree, Ficus Religiosa)

Cây Lâm Vồ (Cây Bồ Đề đường phố, Cây Đa, Ficus Rumphii): cây gỗ lớn, có nhánh to, vỏ nhẵn, mộc trắng, lá hình tam giác cụt, có khi hơi thót lại ở cuống, mép không gợn sóng, có đỉnh mũi nhọn hình tam giác, không có đuôi kéo dài, cuống lá ngắn hay dài rất mảnh.

lam-vo.jpg (288 KB)
Cây Lâm Vồ (Cây Đa, Ficus Rumphii)

(còn nữa)