Kiết sử (gông cùm, trói buộc) (fetter) (saṃyojana, saññojana) là những cái ách, xiềng xích trói buộc chúng sanh trong vòng luân hồi. Để đạt được quả Thánh, người tu hành cần phải đoạn trừ những chướng ngại này.

Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười?

Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm hạ phần kiết sử?

Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử. Thế nào là năm thượng phần kiết sử?

Sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh. Ðây là năm thượng phần kiết sử. Này các Tỷ-kheo, đây là mười kiết sử.

(Trích AN 10 / Phẩm Hộ Trì / Các kiết sử)

Năm hạ phần kiết sử

01. Thân kiến (identity view) (sakkāyadiṭṭhi): nhận lầm ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành và thức - năm thành phần cấu tạo nên một con người) là ta, là của ta, là tự ngã của ta.

Kẻ vô văn phàm phu không đến yết kiến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không đến yết kiến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, xem sắc là tự ngã hay xem tự ngã là có sắc, hay xem sắc là trong tự ngã hay xem tự ngã là trong sắc; xem thọ là tự ngã, hay xem tự ngã là có thọ, hay xem thọ là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong thọ; xem tưởng là tự ngã, hay xem tự ngã là có tưởng, hay xem tưởng là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong tưởng; xem hành là tự ngã, xem tự ngã là có hành, hay xem hành là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong hành; xem thức là tự ngã, hay xem tự ngã là có thức, hay xem thức là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong thức.

(Trích MN 44)

02. Nghi (doubt) (vicikicchā): nghi ngờ Phật, Pháp, Tăng, các Học pháp.

Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào chưa diệt trừ năm tâm hoang vu, chưa đoạn tận năm tâm triền phược, vị ấy có thể lớn mạnh, trưởng thành, hưng thịnh trong Pháp và Luật này, sự kiện này không xảy ra.

Thế nào là năm tâm hoang vu chưa được đoạn trừ? Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo nghi ngờ bậc Ðạo Sư, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ bậc Ðạo Sư, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín, thời tâm vị này không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ nhất chưa được diệt trừ.

Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ Pháp, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín... (như trên)... Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ hai chưa được diệt trừ.

Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ Tăng, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín... (như trên)... Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ ba chưa được diệt trừ.

Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ các học pháp, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín... (như trên)... Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì; tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ tư chưa được diệt trừ.

Và lại nữa, chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phẫn nộ đối với các đồng phạm hạnh, không có hoan hỷ, tâm tư chống đối, cứng rắn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào phẫn nộ đối với các vị đồng phạm hạnh, không có hoan hỷ, tâm tư chống đối, cứng rắn, thời tâm của vị này không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ năm chưa được diệt trừ.

(Trích MN 16)

03. Giới cấm thủ (the distorted grasp of rules and vows) (sīlabbataparāmāso): bảo thủ, cố chấp vào tà giới luật làm khổ mình, khổ người như tu hạnh con bò, tu hạnh con chó, đứng một chân, ngâm mình trong nước, ăn phân bò con, ăn rất ít, ngủ ngồi, ngủ đứng, ngủ trên rác bẩn, từ chối nước lạnh...

-- Này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sống lõa thể sống phóng túng không theo lễ nghi, liếm tay cho sạch, đi khất thực không chịu bước tới, đi khất thực không chịu đứng một chỗ, không nhận đồ ăn mang đến, không nhận đồ ăn dành riêng, không nhận mời đi ăn, không nhận từ nơi miệng nồi, không nhận từ nơi miệng chảo, không nhận tại ngưỡng cửa, không nhận giữa những cây gậy, không nhận giữa những cối giã gạo, không nhận từ hai người đang ăn, không nhận từ người đàn bà có thai, không nhận từ người đàn bà đang cho con bú, không nhận từ người đàn bà đang giao cấu người đàn ông, không nhận đồ ăn đi quyên, không nhận tại chỗ có chó đứng, không nhận tại chỗ có ruồi bu, không ăn cá, ăn thịt, không uống rượu nấu, rượu men. Vị ấy chỉ nhận ăn tại một nhà, hay chỉ nhận ăn một miếng, hay vị ấy chỉ nhận ăn tại hai nhà, hay chỉ nhận ăn hai miếng... hay vị ấy chỉ nhận ăn bảy nhà, hay vị ấy chỉ nhận ăn bảy miếng. Vị ấy nuôi sống chỉ với một bát, nuôi sống chỉ với hai bát,... nuôi sống chỉ với bảy bát. Vị ấy chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa,... bảy ngày một bữa. Như vậy vị ấy sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng mới ăn một lần. Vị ấy chỉ ăn cỏ hoang, ăn lúa tắc, ăn lúa hoang, ăn da vụn, ăn rong nước, ăn bột tấm, ăn váng gạo, ăn bột vừng, ăn cỏ hay ăn phân bò. Vị ấy ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống. Vị ấy mặc vải gai thô, mặc vải gai thô lẫn với các vải khác, mặc vải tẩm liệm rồi quăng đi, mặc vải phấn tảo y, mặc vỏ cây tirita làm áo, mặc da con sơn dương đen, mặc áo bện bằng từng mảnh da con sơn dương đen, mặc áo bằng cỏ cát tường, mặc áo vỏ cây, mặc áo bằng tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện lại thành mền, mặc áo bằng đuôi ngựa bện lại, mặc áo bằng lông cừu. Vị ấy là người sống nhổ râu tóc, là người chuyên sống theo hạnh nhổ râu tóc, là người theo hạnh thường đứng, từ bỏ chỗ ngồi, là người ngồi chò hỏ, chuyên sống theo hạnh ngồi chò hỏ, một cách tinh tấn, là người dùng gai làm giường, thường ngủ nằm trên giường gai, sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm (để gột sạch tội lỗi). Như vậy dưới nhiều hình thức, vị ấy sống tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là hạng người tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người tự hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người? Ở đây, các Tỷ-kheo, có người giết trâu bò, là người giết heo, là người giết vịt, săn thú, là thợ săn, thợ đánh cá, ăn trộm, người xử tử các người ăn trộm, cai ngục và những người làm các nghề độc ác khác. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là hạng người hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người vừa tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm vua, thuộc giai cấp Sát-đế-lị, đã làm lễ quán đảnh, hay một Bà-la-môn triệu phú. Vị này cho xây dựng một giảng đường mới về phía Ðông thành phố, cạo bỏ râu tóc, đắp áo da thô, toàn thân bôi thục tô và dầu, gãi lưng với một sừng nai, đi vào giảng đường với người vợ chính và một Bà-la-môn tế tự. Rồi vị ấy nằm xuống dưới đất trống trơn chỉ có lát cỏ. Vị vua sống với sữa từ vú một con bò cái, có con bò con cùng một màu sắc; bà vợ chính sống với sữa từ vú thứ hai; và vị Bà-la-môn tế tự sống với sữa từ vú thứ ba. Sữa từ vú thứ tư dùng để tế lửa. Còn con nghé con thì sống với đồ còn lại. Vị vua nói như sau: “Hãy giết một số bò đực để tế lễ, hãy giết một số nghé đực để tế lễ, hãy giết một số nghé cái để tế lễ, hãy giết một số dê để tế lễ, hãy giết một số cừu để tế lễ, hãy chặt một số cây để làm cột tế lễ, hãy thâu lượm một số cỏ dabbha để làm chỗ tế lễ. Và những người nô tỳ, những người phục vụ, những người làm công, những người này vì sợ đòn gậy, vì sợ nguy hiểm, với mặt tràn đầy nước mắt, khóc lóc làm các công việc. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là hạng người vừa tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người.

(Trích MN 51)

04. Dục tham (dục ái) (sensual desire) (kāmacchanda, kāmarāga): sự tham đắm (thuận ứng, thân) với thuận cảnh; lòng ham muốn, tham đắm khi các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) tiếp xúc với các trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc).

Này các Tỷ-kheo, có năm dục trưởng dưỡng. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, sắc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... (như trên)... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân cảm xúc là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, như vậy, là năm dục trưởng dưỡng.

Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào bị trói buộc, bị tham đắm, bị mê say bởi năm dục trưởng dưỡng này, không thấy sự nguy hại của chúng, không biết rõ sự xuất ly khỏi chúng, mà thọ dụng chúng, những vị ấy cần phải được hiểu là: “Các Người đã rơi vào bất hạnh, đã rơi vào tai họa, đã bị Ác ma sử dụng như ý muốn”. Này các Tỷ-kheo, như một con nai sống trong rừng bị sập bẫy nằm xuống, con nai ấy cần phải được hiểu là: “Nó đã rơi vào bất hạnh, đã rơi vào tai họa, đã bị thợ săn sử dụng như ý muốn. Khi người thợ săn đến, con nai không thể bỏ đi như ý muốn. Này các Tỷ-kheo, cũng vậy, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào bị trói buộc... (như trên)... đã bị Ác ma sử dụng như ý muốn.

(Trích MN 26)

05. Sân hận (hatred) (byāpāda): sự đối kháng (nghịch ứng, sơ) với nghịch cảnh.

Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, phẫn nộ, nhiều phật ý, bị nói đến một chút thời bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy... cõi dữ... xấu sắc. Con đường ấy đưa đến xấu sắc, này Thanh niên, tức là phẫn nộ... bất mãn.

Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không phẫn nộ, không nhiều phật ý, dầu cho bị nói đến nhiều, cũng không bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và không tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy... thiện thú... đẹp sắc (pasadika: hoan hỷ). Con đường ấy đưa đến đẹp sắc, này Thanh niên, tức là không phẫn nộ... không bất mãn.

(Trích MN 135)

Năm thượng phần kiết sử

06. Sắc ái (sắc tham) (lust for the form) (rūparāga): sự tham đắm cảnh giới các tầng thiền sắc giới và tham muốn tái sinh trong các cõi trời sắc giới.

07. Vô sắc ái (vô sắc tham) (lust for the formless) (arūparāga): sự tham đắm cảnh giới các tầng thiền vô sắc giới và tham muốn tái sinh trong các cõi trời vô sắc giới.

08. Mạn (conceit) (māna): sự so sánh hơn, bằng, thua.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải hiểu: “Tôi là”, này các Tỷ-kheo, là một ngã mạn. “Cái này là tôi”, là một ngã mạn. “Tôi sẽ là”, là một ngã mạn. “Tôi sẽ không là”, là một ngã mạn. “Tôi sẽ có sắc”, là một ngã mạn. “Tôi sẽ không có sắc”, là một ngã mạn. “Tôi sẽ có tưởng”, là một ngã mạn. “Tôi sẽ không có tưởng”, là một ngã mạn. “Tôi sẽ không có tưởng và không không có tưởng”, là một ngã mạn. Ngã mạn, này các Tỷ-kheo, là tham. Ngã mạn là mụt nhọt. Ngã mạn là mũi tên.

(Trích SN 4 / Phẩm Rắn Ðộc)

09. Trạo cử (restlessness) (uddhacca): tâm dao động, không trầm lặng, không được yên ổn (một chướng ngại làm người tu không thể chứng và an trú Thiền).

Mạn và trạo cử rất là vi tế, có thể thấy được qua đoạn kinh sau:

Thưa Tôn giả Sāriputta, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhiên, tôi có thể nhìn một ngàn thế giới. Phấn chấn là tinh tấn của tôi; không có thụ động, niệm được an trú, không có thất niệm; tâm được khinh an, không có cuồng nhiệt; tâm được định tĩnh nhất tâm. Tuy vậy, tâm của tôi chưa được giải thoát khỏi các lậu hoặc (tham, sân, si), không có không chấp thủ.

Này Hiền giả Anuruddha, Hiền giả suy nghĩ như sau: “Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, tôi có thể nhìn một ngàn thế giới”. Ðây là kiêu mạn của Hiền giả. Này Hiền giả Anuruddha, nếu Hiền giả suy nghĩ như sau: “Phấn chấn là tinh tấn của tôi; không có thụ động, niệm được an trú, không có thất niệm; tâm được khinh an, không có cuồng nhiệt; tâm được định tĩnh nhất tâm”, đây là trạo cử của Hiền giả. Này Hiền giả Anuruddha, Hiền giả suy nghĩ như sau: “Tuy vậy, tâm của tôi chưa được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có không chấp thủ”; đây là hối quá của Hiền giả. Lành thay, nếu Tôn giả Anuruddha đoạn trừ ba pháp này, không tác ý ba pháp này, hãy chú tâm vào giới bất tử.

(Trích AN 3 / Phẩm Kusinārā / Anuruddha)

10. Vô minh (si) (ignorance) (avijjā): không thấy như thật "Ðây là khổ, Ðây là nguyên nhân của khổ, Ðây là khổ diệt, Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”.

Tu tập

Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm hạ phần kiết sử này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập.

Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, cần phải tu tập Bốn niệm xứ.

(Trích AN 9 / Phẩm Niệm Xứ)