Quả Thánh (Thánh Quả) là các cấp độ đạo quả được Đức Phật chỉ ra giúp hành giả đánh giá được sự tu chứng của mình.

Bốn quả Thánh (Bốn Sa-môn quả)

  1. Quả Dự Lưu (Tu đà hoàn; Nhập lưu; Thất Sinh; Gia Gia; Nhất Chủng) (Stream Enterer; Stream Attainer) (Sotāpanno): quả Thánh thứ nhất do đoạn trừ 3 kiết sử thân kiến, nghigiới cấm thủ;
  2. Quả Nhứt Lai (Nhất Lai, Tư đà hàm) (One-Returner) (Sakadāgāmī): quả Thánh thứ hai do làm muội lược (giảm bớt) thêm 3 kiết sử dục tham, sân, si (vô minh);
  3. Quả Bất Lai (A na hàm) (Never-Returner; Non-Returner) (Anāgāmī): quả Thánh thứ ba do đoạn trừ 5 hạ phần kiết sử;
  4. Quả A-la-hán (Ứng cúng) (Arahant): quả Thánh thứ tư do đoạn trừ 10 kiết sử, chứng được Niết-bàn.

Trong các kinh, thỉnh thoảng chúng ta còn bắt gặp thuật ngữ "Bốn đôi tám vị", có nghĩa là:

  1. Dự Lưu đạo (đang trên chặng đường tu tập để đạt được quả Dự Lưu) và Dự Lưu quả (đã đạt được quả Dự Lưu);
  2. Nhứt Lai đạo (đã đạt được quả Dự Lưu và đang trên chặng đường tu tập để đạt được quả Nhứt Lai) và Nhứt Lai quả (đã đạt được quả Nhứt Lai);
  3. Bất Lai đạo (đã đạt được quả Nhứt Lai và đang trên chặng đường tu tập để đạt được quả Bất Lai) và Bất Lai quả (đã đạt được quả Bất Lai);
  4. A-la-hán đạo (đã đạt được quả Bất Lai và đang trên chặng đường tu tập để đạt được quả A-la-hán) và A-la-hán quả.

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta trừ diệt ba kiết sử, chứng quả Dự Lưu, không còn bị đọa lạc, chắc chắn hướng đến Chánh giác!”, Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn Thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trú xứ không tịch.

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng trừ diệt ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si, ta chứng được Nhứt Lai, chỉ phải trở lại đời một lần nữa để đoạn tận khổ đau!”, Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật... (như trên)... trú xứ không tịch.

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: “Mong rằng, trừ diệt năm hạ phần kiết sử, ta được hóa sanh, chứng được Niết-bàn ngay tại cảnh giới ấy, không còn trở lui thế giới này nữa!”, Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật... (như trên)... các trú xứ không tịch.

(Trích MN 06)

Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo là những A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn trừ, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích đã thành đạt, hữu kiết sử đã được đoạn tận, được giải thoát nhờ chánh trí. Này các Tỷ-kheo, có những bậc Tỷ-kheo như vậy trong chúng Tỷ-kheo này.

Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, có những Tỷ-kheo đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ ở đấy được nhập Niết-bàn, không còn phải trở lại đời này nữa. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này.

Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo này, này có những Tỷ-kheo đã đoạn trừ ba kiết sử, đã làm cho muội lược tham, sân, si, là bậc Nhất Lai, sau khi sanh vào đời này một lần nữa, sẽ đoạn tận khổ đau. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này.

Này các Tỷ-kheo, trong chúng Tỷ-kheo, có những Tỷ-kheo đã đoạn trừ ba kiết sử, là bậc Dự Lưu, không còn đọa vào ác đạo, chắc chắn sẽ được giác ngộ. Các bậc Tỷ-kheo như vậy, này các Tỷ-kheo, có mặt trong chúng Tỷ-kheo này.

(Trích MN 118)

Một đoạn kinh khác nói về quả Dự Lưu như sau:

Còn đối với du sĩ ngoại đạo Dīghanakha, pháp nhãn ly trần, vô cấu được khởi lên: “Phàm pháp gì được khởi lên, tất cả pháp ấy được đoạn diệt”. Rồi du sĩ ngoại đạo Dīghanakha thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, chứng được tự tín, không y cứ nơi người khác đối với đạo pháp của đức Bổn sư...

Trích MN 74

Một đoạn kinh khác nói về quả A-la-hán như sau:

Nhưng ở đây, này Udāyī, có người nghĩ rằng: “Sanh y là nguồn gốc của đau khổ”, sau khi biết như vậy, vị ấy thành vô sanh y, giải thoát với sự đoạn diệt sanh y. Này Udāyī, Ta nói: “Người này không bị trói buộc, không phải bị trói buộc”. Vì sao vậy? Này Udāyī, sự sai biệt về căn tánh trong người này đã được Ta biết rõ.

Trích MN 66

Bốn Dự Lưu phần

Bốn yếu tố để đạt được quả thánh Dự Lưu:

  1. Thân cận bậc Chân nhân (người có chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định);
  2. Nghe diệu pháp (nghe giáo pháp do Đức Thế Tôn thuyết giảng);
  3. Như lý tác ý (chú tâm những pháp mà không làm sanh khởi tham, sân, si);
  4. Thực hành pháp và tùy pháp (tinh tấn thực hành giáo pháp sau khi hiểu pháp, MN 22MN 38 là hai trường hợp điển hình chưa hiểu pháp; đó là thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với năm uẩn).

-- “Dự Lưu phần, Dự Lưu phần”, này Sāriputta, được nói đến như vậy. Này Sāriputta, thế nào là Dự Lưu phần?

-- Thân cận bậc Chân nhân, bạch Thế Tôn, là Dự Lưu phần. Nghe diệu pháp là Dự Lưu phần. Như lý tác ý là Dự Lưu phần. Thực hành pháp và tùy pháp là Dự Lưu phần.

-- Lành thay, này Sāriputta! Lành thay, này Sāriputta! Thân cận bậc Chân nhân là Dự Lưu phần... thực hành pháp và tùy pháp là Dự Lưu phần.

"Dòng sông, dòng sông”, này Sāriputta, được nói đến như vậy. Này Sāriputta, thế nào là dòng sông?

-- Bạch Thế Tôn, đây là dòng sông Thánh đạo Tám ngành. Tức là chánh tri kiến... chánh định.

-- Lành thay, lành thay, này Sāriputta! Này Sāriputta, đây là dòng sông Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến... chánh định.

"Dự Lưu, Dự Lưu”, này Sāriputta, được gọi là như vậy. Này Sāriputta, thế nào là Dự Lưu?

-- Bạch Thế Tôn, ai thành tựu Thánh đạo Tám ngành này, người ấy gọi là Dự Lưu, vị Tôn giả với tên như vậy, với họ như vậy.

-- Lành thay, lành thay, này Sāriputta! Này Sāriputta, ai thành tựu Thánh đạo Tám ngành này, người ấy được gọi là bậc Dự Lưu, vị Tôn giả với tên như thế này, với họ như thế này.

(Trích SN 5 / Tương Ưng Dự Lưu / I. Phẩm Veludvāra/ Sāriputta)

Bốn Dự Lưu quả chi

Bốn đặc tính của bậc Dự Lưu:

  1. Thành tựu lòng tin tuyệt đối với Phật;
  2. Thành tựu lòng tin tuyệt đối với Pháp;
  3. Thành tựu lòng tin tuyệt đối chúng Tăng;
  4. Thành tựu giới đức.

Ở đây Thánh đệ tử thành tựu lòng tin tuyệt đối với Phật - “Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn”. Vị này thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Pháp - “Pháp được Thế Tôn khéo léo thuyết giảng, Pháp ấy là thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến mà thấy, có hiệu năng hướng thượng, chỉ người có trí mới tự mình giác hiểu”. Vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối chúng Tăng: “Chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn là đầy đủ diệu hạnh, chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn là đầy đủ trực hạnh, chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn là đầy đủ như lý hạnh, chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn là đầy đủ chánh hạnh, tức là bốn đôi, tám vị. Chúng tăng đệ tử của Thế Tôn này đáng cung kính, đáng tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời”. Vị ấy thành tựu giới đức được các bậc Thánh ái mộ, không bị hư hoại, không bị tỳ vết, được thực hành liên tục, không bị khiếm khuyết khiến con người tự tại, được bậc Thánh tán thán, không bị nhiễm ô, hướng đến thiền định.

(Trích DN 33)