(21) I. Giới (Tạp 24,27, Ðại 2,175b) (S.v,171)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Tôn giả Ānanda và Tôn giả Bhadda trú ở Pāṭaliputta, ở khu vườn Kukkuṭā.

2) Rồi Tôn giả Bhadda, vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Ānanda; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ānanda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu... nói với Tôn giả Ānanda:

3) -- Này Hiền giả Ānanda, những thiện giới này được Thế Tôn nói đến, những thiện giới này vì mục đích gì được Thế Tôn nói đến?

-- Lành thay, lành thay, này Hiền giả Bhadda! Hiền thiện là trí tuệ (ummagga) của Hiền giả, này Hiền giả Bhadda! Hiền thiện là biện tài (paṭibhānaṃ) của Hiền giả! Chí thiện là câu hỏi của Hiền giả! Này Hiền giả Bhadda, có phải như vầy là câu hỏi của Hiền giả: “Này Hiền giả Ānanda, những thiện giới này được Thế Tôn nói đến, những thiện giới này, vì mục đích gì được Thế Tôn nói đến?” chăng?

-- Thưa vâng, Hiền giả.

4) -- Này Hiền giả Bhadda, những thiện giới này được Thế Tôn nói đến, những thiện giới này, chính do tu tập bốn niệm xứ đưa lại, như Thế Tôn đã nói. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các cảm thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này Hiền giả Bhadda, những thiện giới này được Thế Tôn nói đến, những thiện giới này, chính do tu tập bốn niệm xứ đưa lại, như Thế Tôn đã nói.

(22) II. Trú (Tạp 24,29, Ðại 2,173c) (S.v,172)

1) Nhân duyên ở Sāvatthi.

2) Rồi Tôn giả Bhadda nói với Tôn giả Ānanda đang ngồi một bên:

3) -- Do nhân gì, do duyên gì, này Hiền Giả Ānanda, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không có tồn tại lâu dài? Do nhân gì, do duyên gì, này Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài?

-- Lành thay, lành thay, này Hiền giả Bhadda! Hiền thiện thay, này Hiền giả Bhadda, là trí tuệ của Hiền giả! Hiền thiện là biện tài của Hiền giả! Chí thiện là câu hỏi của Hiền giả! Có phải như vầy, này Hiền giả Bhadda, là câu hỏi của Hiền giả: “Này Hiền giả Ānanda, do nhân gì, do duyên gì, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không có tồn tại lâu dài? Do nhân gì, do duyên gì, này Hiền giả Ānanda, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài?” chăng?

-- Thưa vâng, Hiền giả.

4) -- Do bốn niệm xứ không được tu tập, không được làm cho sung mãn, này Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không có tồn tại lâu dài. Do bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, thưa Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài. Thế nào là bốn?

5) Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Do không tu tập, không làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, này Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không được tồn tại lâu dài. Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, này Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài.

(23) III. Tổn Giảm (Parihānaṃ) (Tạp 24,28, Ðại 2,175b) (S.v,173)

1-2) Trú tại Pāṭaliputta, tại khu vườn Kukkuṭā...

3) -- Do nhân gì, do duyên gì, này Hiền giả Ānanda, khiến cho Diệu pháp bị tổn giảm? Do nhân gì, do duyên gì, này Hiền giả Ānanda, khiến cho Diệu pháp không bị tổn giảm?

... (giống như kinh trước, chỉ thay đổi câu hỏi và câu trả lời).

(24) IV. Thanh Tịnh (Tạp 24,2, Ðại 2,171a) (S.v,173)

1) Nhân duyên ở Sāvatthi.

2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn niệm xứ này. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các cảm thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, có bốn niệm xứ này.

(25) V. Bà-la-môn (S.v,174)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Thắng Lâm, khu vườn ông Cấp Cô Ðộc.

2) Rồi một Bà-la-môn đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, vị Bà-la-môn ấy thưa với Thế Tôn:

3) -- Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không được tồn tại lâu dài? Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài?

4-6) (như kinh trên, với những thay đổi cần thiết).

7) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama!... từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

(26) VI. Một Phần (Tạp 24,26, Ðại 2,175a) (S.v,174)

1) Một thời Tôn giả Sāriputta, Tôn giả Mahā-Moggallāna và Tôn giả Anuruddha trú ở Sāketa, tại rừng Kaṇṭakī.

2) Rồi Tôn giả Sāriputta và Tôn giả Mahā-Moggallāna, vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Anuruddha; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Anuruddha những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Sāriputta thưa với Tôn giả Anuruddha:

3) -- “Hữu học, hữu học”, thưa Hiền giả Anuruddha, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa Hiền giả Anuruddha, là hữu học?

-- Do tu tập một phần bốn niệm xứ, thưa Hiền giả, là bậc hữu học. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, thưa Hiền giả, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Do tu tập một phần bốn niệm xứ này, thưa Hiền giả, là bậc hữu học.

(27) VII. Hoàn Toàn (Samattam) (S.v,175)

1-2) ... (như kinh trên, số 1 và 2)...

3) -- “Vô học, vô học”, thưa Hiền giả Anuruddha, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa Hiền giả Anuruddha, là bậc vô học?

-- Do tu tập hoàn toàn bốn niệm xứ, thưa Hiền giả, là bậc vô học. Thế nào là bốn?

4) ... (như kinh trên, số 4; chỉ đoạn sau có khác: Do tu tập một cách hoàn toàn bốn niệm xứ này, thưa Hiền giả, là bậc vô học)

(28) VIII. Thế Giới (S.v,175)

1-2) ... (như kinh trên, số 1 và 2)

3) -- Do tu tập, làm cho sung mãn những pháp nào, thưa Hiền giả Anuruddha, đại thắng trí được đạt tới?

-- Do tu tập, do làm cho sung mãn bốn niệm xứ, đại thắng trí được đạt tới. Thế nào là bốn?

4) ... (như kinh trên, số 4; chỉ khác đoạn cuối: Chính do tu tập, làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, thưa Hiền giả, tôi đạt được đại thắng trí).

5) Và thưa Hiền giả, do tu tập, làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, tôi thắng tri được ngàn thế giới.

(29) IX. Sirivaḍḍha (Tạp 37,13, Ðại 2,270b) (S.v,176)

1) Một thời Tôn giả Ānanda trú ở Vương Xá, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, cư sĩ Sirivaḍḍha bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.

3) Rồi gia chủ Sirivaḍḍha bảo một người:

-- Hãy đến, này Bạn. Hãy đi đến Tôn giả Ānanda; sau khi đến nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Ānanda và thưa: “Thưa Tôn giả, gia chủ Sirivaḍḍha bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh. Gia chủ cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Ānanda, và thưa như vầy: ‘Lành thay, thưa Tôn giả, nếu Tôn giả Ānanda đi đến trú xứ của gia chủ Sirivaḍḍha vì lòng từ mẫn"”.

-- Thưa vâng, Gia chủ.

Người ấy vâng đáp gia chủ Sirivaḍḍha, đi đến Tôn giả Ānanda.

4) Sau khi đến, vị ấy đảnh lễ Tôn giả Ānanda và ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, vị ấy thưa với Tôn giả Ānanda:

-- Thưa Tôn giả Ānanda, gia chủ Sirivaḍḍha bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh. Gia chủ cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Ānanda và thưa: “Lành thay, thưa Tôn giả, nếu Tôn giả Ānanda đi đến trú xứ của gia chủ Sirivaḍḍha vì lòng từ mẫn”.

Tôn giả Ānanda im lặng nhận lời.

5) Rồi Tôn giả Ānanda đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ của gia chủ Sirivaḍḍha; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Ngồi một bên, Tôn giả Ānanda nói với gia chủ Sirivaḍḍha:

6) -- Này Gia chủ, Gia chủ có thể kham nhẫn được chăng? Gia chủ có thể chịu đựng được chăng? Có phải các khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có dấu hiệu giảm thiểu, không có tăng trưởng?

-- Thưa Tôn giả, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Các khổ thọ kịch liệt tăng trưởng nơi con, không có giảm thiểu; có dấu hiệu tăng trưởng, không có giảm thiểu.

7) -- Vậy, này Gia chủ, hãy tự học tập như sau: “Tôi sẽ trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Tôi sẽ trú, quán thọ trên các cảm thọ... Tôi sẽ trú, quán tâm trên tâm... Tôi sẽ trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời”. Như vậy, này Gia chủ, Ông cần phải học tập.

8) -- Thưa Tôn giả, bốn niệm xứ này được Thế Tôn thuyết giảng, những pháp ấy có ở trong con, và con hiện thực hành những pháp ấy. Thưa Tôn giả, con trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Con trú, quán thọ trên các cảm thọ... Con trú, quán tâm trên tâm... Con trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

9) Thưa Tôn giả, năm hạ phần kiết sử được Thế Tôn thuyết giảng này, con không thấy có một pháp nào mà không được đoạn tận ở nơi con.

10) -- Lợi đắc thay cho Ông, này Gia chủ! Thật khéo lợi đắc thay cho Ông, này Gia chủ! Này Gia chủ, Gia chủ đã tuyên bố về quả Bất Lai.

(30) X. Mānadinna (Tạp 37,16, Ðại 2,270c) (S.v,178)

1) Nhân duyên giống như trên.

2) Lúc bấy giờ, gia chủ Mānadinna bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.

3-6) Rồi gia chủ Mānadinna gọi một người và bảo...

7) -- Dầu cho con phải cảm giác những khổ thọ như vậy, con vẫn trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các cảm thọ... trú, quán tâm trên tâm... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

8) Thưa Tôn giả, năm hạ phần kiết sử được Thế Tôn thuyết giảng này, con không thấy có một pháp nào chưa được đoạn tận nơi con.

9) -- Thật lợi đắc thay, này Gia chủ! Thật khéo lợi đắc thay, này Gia chủ! Này Gia chủ, Gia chủ đã tuyên bố về quả Bất Lai.