Bạch chư đại đức ni, một trăm sáu mươi sáu điều pācittiya này được đưa ra đọc tụng.

4.1. PHẨM TỎI

  1. Điều học thứ nhất
  2. Điều học thứ nhì
  3. Điều học thứ ba
  4. Điều học thứ tư
  5. Điều học thứ năm
  6. Điều học thứ sáu
  7. Điều học thứ bảy
  8. Điều học thứ tám
  9. Điều học thứ chín
  10. Điều học thứ mười

4.1.1. ĐIỀU HỌC THỨ NHẤT

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, hội chúng tỳ khưu ni được nam cư sĩ nọ thỉnh cầu về tỏi (nói rằng): “Các ni sư nào có nhu cầu về tỏi, tôi dâng tỏi.” Và người canh ruộng được ra lệnh rằng: “Nếu các tỳ khưu ni đi đến, hãy dâng cho mỗi một vị tỳ khưu ni hai ba bó.” Vào lúc bấy giờ, trong thành Sāvatthī có lễ hội. Tỏi đã được đem lại bao nhiêu đều không còn. Các tỳ khưu ni đã đi đến nam cư sĩ ấy và đã nói điều này: - “Này đạo hữu, có nhu cầu về tỏi.” - “Thưa các ni sư, không có. Tỏi đã được đem lại bao nhiêu đều hết cả. Xin hãy đi đến ruộng.” Tỳ khưu ni Thullanandā sau khi đi đến ruộng đã không biết chừng mực và đã bảo mang đi nhiều tỏi. Người canh ruộng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các tỳ khưu ni sau khi đi đến ruộng lại không biết chừng mực rồi bảo mang đi nhiều tỏi?”

2. Các tỳ khưu ni đã nghe được người canh ruộng ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao ni sư Thullanandā lại không biết chừng mực rồi bảo mang đi nhiều tỏi?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu ni Thullanandā không biết chừng mực rồi bảo mang đi nhiều tỏi, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni Thullanandā lại không biết chừng mực rồi bảo mang đi nhiều tỏi vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Ngài đã nói Pháp thoại rồi đã bảo các tỳ khưu rằng:

3. - “Này các tỳ khưu, vào thời quá khứ tỳ khưu ni Thullanandā đã là vợ của người Bà-la-môn nọ và có ba người con gái là Nandā, Nandavatī, và Sundarīnandā. Này các tỳ khưu, khi ấy người Bà-la-môn ấy sau khi qua đời đã sanh vào bào thai của con chim thiên nga nọ. Các lông của con chim ấy đã là hoàn toàn bằng vàng. Nó đã cho các cô ấy mỗi người một lông chim.

Này các tỳ khưu, khi ấy tỳ khưu ni Thullanandā (nghĩ rằng): “Con chim thiên nga này cho chúng ta mỗi người một lông chim” nên đã nắm lấy con chim thiên nga chúa ấy và đã vặt trụi lông. Bộ lông của con chim ấy trong khi được mọc lại có màu trắng. Này các tỳ khưu, lúc bấy giờ tỳ khưu ni Thullanandā cũng vì quá tham lam khiến vàng đã bị tiêu tan; giờ đây tỏi sẽ bị mất đi.

“Vật gì đã được nhận lãnh thì nên hoan hỷ với vật ấy, bởi vì quá tham lam nên kẻ ác đã nắm lấy thiên nga chúa, khiến cho vàng đã bị tiêu tan.”

Sau đó, đức Thế Tôn đã khiển trách tỳ khưu ni Thullanandā bằng nhiều phương thức về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào nhai tỏi thì phạm tội pācittiya.”

4. Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Tỏi nghĩa là (loại thảo mộc) thuộc về xứ Magadha được đề cập đến. (Nghĩ rằng): “Ta sẽ ăn” rồi thọ lãnh thì phạm tội dukkaṭa. Mỗi lần nuốt xuống thì phạm tội pācittiya.

Tỏi, nhận biết là tỏi, vị ni nhai phạm tội pācittiya. Tỏi, có sự hoài nghi, vị ni nhai phạm tội pācittiya. Tỏi, (lầm) tưởng không phải tỏi, vị ni nhai phạm tội pācittiya.

Không phải tỏi, (lầm) tưởng là tỏi, vị ni nhai phạm tội dukkaṭa. Không phải tỏi, có sự hoài nghi, vị ni nhai phạm tội dukkaṭa. Không phải tỏi, nhận biết không phải tỏi, vị ni nhai thì vô tội.

Trong trường hợp củ hành, củ hành đỏ, củ hành tây, lá hẹ, nấu chung với xúp, nấu chung với thịt, nấu chung với dầu ăn, rau cải trộn, hương vị làm ngon miệng, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ nhất.

--ooOoo--

4.1.2. ĐIỀU HỌC THỨ NHÌ

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư sau khi cạo lông ở chỗ kín rồi lõa thể tắm chung với các cô gái điếm ở một bến tắm nơi dòng sông Aciravatī. Các cô gái điếm phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các tỳ khưu ni lại cạo lông ở chỗ kín, giống như các cô gái tại gia hưởng dục vậy?”

2. Các tỳ khưu ni đã nghe được các cô gái điếm ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại cạo lông ở chỗ kín?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư cạo lông ở chỗ kín, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại cạo lông ở chỗ kín vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào cạo lông ở chỗ kín thì phạm tội pācittiya.”

3. Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Chỗ kín nghĩa là hai nách và chỗ tiểu tiện.

Cạo: vị ni cạo (nhổ) chỉ một sợi lông thì phạm tội pācittiya. Vị ni dầu cạo (nhổ) nhiều sợi lông cũng phạm (chỉ một) tội pācittiya.

Vì nguyên nhân bệnh, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ nhì.

--ooOoo--

4.1.3. ĐIỀU HỌC THỨ BA

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, có hai tỳ khưu ni bị bực bội bởi sự không được thỏa thích nên đi vào phòng trong rồi thực hiện việc đập vỗ bằng lòng bàn tay. Các tỳ khưu ni đã chạy lại vì tiếng động ấy rồi đã nói với các tỳ khưu ni ấy điều này: - “Này các ni sư, vì sao các cô lại làm điều nhơ nhớp cùng với người nam vậy?” - “Này các ni sư, chúng tôi không làm điều nhơ nhớp cùng với người nam.” Rồi đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni.

2. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu ni lại thực hiện việc đập vỗ bằng lòng bàn tay?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni thực hiện việc đập vỗ bằng lòng bàn tay, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại thực hiện việc đập vỗ bằng lòng bàn tay vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Khi thực hiện việc đập vỗ bằng lòng bàn tay thì phạm tội pācittiya.”

3. Việc đập vỗ bằng lòng bàn tay nghĩa là trong lúc ưng thuận sự xúc chạm, vị ni đánh (đập, vỗ) vào chỗ tiểu tiện mặc dầu chỉ bằng cánh hoa sen thì phạm tội pācittiya.

Vì nguyên nhân bệnh, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ ba.

--ooOoo--

4.1.4. ĐIỀU HỌC THỨ TƯ

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, có người nọ trước đây là cung nữ của đức vua đã xuất gia nơi các tỳ khưu ni. Có tỳ khưu ni nọ bị bực bội bởi sự không được thỏa thích đã đi đến gặp vị tỳ khưu ni ấy, sau khi đến đã nói với vị tỳ khưu ni ấy điều này: - “Này ni sư, đức vua lâu lâu mới đến với cô, cô chịu đựng bằng cách nào?” - “Này ni sư, với gậy ngắn bằng nhựa cây.” - “Này ni sư, gậy ngắn bằng nhựa cây ấy là gì?” Khi ấy, vị tỳ khưu ni ấy đã giải thích gậy ngắn bằng nhựa cây cho vị tỳ khưu ni nọ. Sau đó, vị tỳ khưu ni nọ sau khi áp dụng gậy ngắn bằng nhựa cây rồi không nhớ để rửa và đã quăng bỏ ở một góc. Các tỳ khưu ni khi nhìn thấy vật bị các con ruồi bu quanh đã nói như vầy: - “Việc làm này là của ai?” Cô ni nọ đã nói như vầy: - “Việc làm này là của tôi.”

2. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao tỳ khưu ni lại áp dụng gậy ngắn bằng nhựa cây?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói vị tỳ khưu ni áp dụng gậy ngắn bằng nhựa cây, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni lại áp dụng gậy ngắn bằng nhựa cây vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“(Trường hợp) gậy ngắn bằng nhựa cây thì phạm tội pācittiya.”

3. Gậy ngắn bằng nhựa cây nghĩa là làm bằng nhựa cây, làm bằng gỗ, làm bằng bột gạo, làm bằng đất sét.

Áp dụng: Trong khi ưng thuận sự xúc chạm, vị ni đưa vào chỗ đường tiểu cho dù chỉ là cánh hoa sen thì phạm tội pācittiya.

Vì nguyên nhân bệnh, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ tư.

--ooOoo--

4.1.5. ĐIỀU HỌC THỨ NĂM

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự giữa dân chúng dòng Sakya, trong thành Kapilavatthu, tu viện Nigrodha. Vào lúc bấy giờ, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở phía dưới gió (nói rằng): - “Bạch Thế Tôn, người nữ có mùi thối.” Khi ấy, đức Thế Tôn (nghĩ rằng): “Các tỳ khưu ni hãy áp dụng việc làm sạch sẽ bằng nước” rồi đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho bà Mahāpajāpatī Gotamī bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

2. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép việc làm sạch sẽ bằng nước đến các tỳ khưu ni.” Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ (nghĩ rằng): “Việc làm sạch sẽ bằng nước đã được đức Thế Tôn cho phép” rồi trong khi áp dụng việc làm sạch sẽ bằng nước quá sâu nên đã gây ra vết thương ở chỗ đường tiểu. Sau đó, vị tỳ khưu ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni.

3. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao tỳ khưu ni lại áp dụng việc làm sạch sẽ bằng nước quá sâu?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói vị tỳ khưu ni áp dụng việc làm sạch sẽ bằng nước quá sâu, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni lại áp dụng việc làm sạch sẽ bằng nước quá sâu vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni trong khi áp dụng việc làm sạch sẽ bằng nước nên áp dụng tối đa hai lóng tay; vượt quá giới hạn ấy thì phạm tội pācittiya.”

4. Việc làm sạch sẽ bằng nước nghĩa là việc rửa ráy chỗ đường tiểu được đề cập đến.

Trong khi áp dụng: trong khi rửa.

Nên áp dụng tối đa hai lóng tay: nên áp dụng tối đa hai khớp ở hai ngón tay.

Vượt quá giới hạn ấy: trong khi ưng thuận sự xúc chạm, vị ni vượt quá cho dù khoảng cách mảnh bằng sợi tóc thì phạm tội pācittiya.

Khi hơn hai lóng tay, nhận biết là đã hơn, vị ni áp dụng thì phạm tội pācittiya. Khi hơn hai lóng tay, có sự hoài nghi, vị ni áp dụng thì phạm tội pācittiya. Khi hơn hai lóng tay, (lầm) tưởng là kém, vị ni áp dụng thì phạm tội pācittiya.

Khi kém hai lóng tay, (lầm) tưởng là đã hơn, phạm tội dukkaṭa. Khi kém hai lóng tay, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Khi kém hai lóng tay, nhận biết là kém thì vô tội.

Vị ni áp dụng tối đa hai lóng tay, vị ni áp dụng tối đa kém hai lóng tay, vì nguyên nhân bệnh, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ năm.

--ooOoo--

4.1.6. ĐIỀU HỌC THỨ SÁU

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, có vị quan đại thần tên là Ārohanta đã xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Người vợ cũ của vị ấy cũng đã xuất gia ở nơi các tỳ khưu ni. Vào lúc bấy giờ, vị tỳ khưu ấy nhận phần phân phát bữa ăn khi có sự hiện diện của tỳ khưu ni ấy. Sau đó, trong lúc vị tỳ khưu ấy đang thọ thực, vị tỳ khưu ni ấy đã đứng gần với nước uống và quạt rồi nói chuyện thế tục là nói về chuyện đùa giỡn lúc còn tại gia.[1] Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã xua đuổi vị tỳ khưu ni ấy (nói rằng): - “Này sư tỷ, chớ làm như thế. Điều ấy không được phép.” - “Trước đây, ông đã làm tôi như vầy và như vầy. Bây giờ, chỉ chừng ấy ông lại không chịu.” Rồi đã đổ tô nước uống lên đầu và đã dùng quạt đánh.

2. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao tỳ khưu ni lại đánh tỳ khưu?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói vị tỳ khưu ni đánh vị tỳ khưu, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni lại đánh tỳ khưu vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Trong khi vị tỳ khưu đang thọ thực, vị tỳ khưu ni nào đứng gần với nước uống hoặc với quạt thì phạm tội pācittiya.”

3. Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

(Đối với) vị tỳ khưu: (đối với) người nam đã tu lên bậc trên.

Đang thọ thực: đang thọ thực loại vật thực mềm nào đó thuộc về năm loại vật thực mềm.

Nước uống nghĩa là bất cứ loại nước uống nào.

Quạt nghĩa là bất cứ loại quạt nào.

Đứng gần: vị ni đứng trong khoảng tầm tay thì phạm tội pācittiya.

Người nam đã tu lên bậc trên, nhận biết là đã tu lên bậc trên, vị ni đứng gần với nước và quạt thì phạm tội pācittiya. Người nam đã tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, vị ni đứng gần với nước và quạt thì phạm tội pācittiya. Người nam đã tu lên bậc trên, (lầm) tưởng là chưa tu lên bậc trên, vị ni đứng gần với nước và quạt thì phạm tội pācittiya.

Vị ni sau khi rời xa khỏi tầm tay rồi đứng thì phạm tội dukkaṭa. Trong lúc (vị tỳ khưu) đang nhai vật thực cứng, vị ni đứng gần thì phạm tội dukkaṭa. Vị ni đứng gần người nam chưa tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa. Người nam chưa tu lên bậc trên, (lầm) tưởng là đã tu lên bậc trên, phạm tội dukkaṭa. Người nam chưa tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Người nam chưa tu lên bậc trên, nhận biết là chưa tu lên bậc trên, phạm tội dukkaṭa.

Vị ni dâng, vị ni bảo (người khác) dâng, vị ni ra lệnh cho người (nữ) chưa tu lên bậc trên, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ sáu.

--ooOoo--

4.1.7. ĐIỀU HỌC THỨ BẢY

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ trong khi mùa thu hoạch, các tỳ khưu ni sau khi yêu cầu lúa còn nguyên hạt rồi mang đi đến thành phố. Tại trạm gác cổng, (lính gác nói rằng): - “Thưa các ni sư, hãy đóng góp phần,” đã giữ lại rồi đã thả ra. Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã đi đến chỗ ngụ và đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni.

2. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu ni lại yêu cầu lúa còn nguyên hạt?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni yêu cầu lúa còn nguyên hạt, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại yêu cầu lúa còn nguyên hạt vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào yêu cầu, hoặc bảo yêu cầu, hoặc xay, hoặc bảo xay, hoặc giã, hoặc bảo giã, hoặc nấu, hoặc bảo nấu lúa còn nguyên hạt rồi thọ thực thì phạm tội pācittiya.”

3. Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Lúa còn nguyên hạt nghĩa là lúa gạo sāli, lúa gạo, lúa mạch, lúa mì, kê, đậu, hạt kudrūsaka (bắp?).

(Sau khi) yêu cầu: sau khi tự mình yêu cầu.

(Sau khi) bảo yêu cầu: sau khi bảo người khác yêu cầu.

(Sau khi) xay: sau khi tự mình xay.

(Sau khi) bảo xay: sau khi bảo người khác xay.

(Sau khi) giã: sau khi tự mình giã.

(Sau khi) bảo giã: sau khi bảo người khác giã.

(Sau khi) nấu: sau khi tự mình nấu.

(Sau khi) bảo nấu: sau khi bảo người khác nấu. (Nghĩ rằng): “Ta sẽ ăn” rồi thọ lãnh thì phạm tội dukkaṭa. Mỗi lần nuốt xuống thì phạm tội pācittiya.

Vì nguyên nhân bệnh, vị ni yêu cầu rau cải, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ bảy.

--ooOoo--

4.1.8. ĐIỀU HỌC THỨ TÁM

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, có người Bà-la-môn nọ là lính được đức vua trả lương (nghĩ rằng): “Ta sẽ cầu xin tiền lương bằng số ấy” rồi đã gội đầu và đi đến hoàng cung nương theo chỗ ngụ của các tỳ khưu ni. Có vị tỳ khưu ni nọ sau khi đại tiện vào vật đựng rồi trong khi đổ bỏ phía bên kia bức tường đã làm rơi lên trên đầu của người Bà-la-môn ấy. Khi ấy, người Bà-la-môn ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Những bà cạo đầu khả ố này không phải là nữ Sa-môn. Tại sao lại đổ vật đựng chất thải lên đầu? Ta sẽ đốt cháy chỗ ngụ của mấy bà này.” Rồi đã cầm lấy cây lửa đi vào ni viện. Có nam cư sĩ nọ đang đi ra khỏi ni viện đã nhìn thấy người Bà-la-môn ấy cầm cây lửa đang đi vào ni viện, sau khi nhìn thấy đã nói với người Bà-la-môn ấy điều này: - “Này ông, vì sao ông lại cầm cây lửa và đi vào ni viện?” - “Này ông, những bà cạo đầu khả ố này đổ vật đựng chất thải lên đầu tôi. Tôi sẽ đốt cháy chỗ ngụ của mấy bà này.” - “Này ông, hãy đi. Điều này là điều may mắn. Và ông sẽ đạt được số tiền lương ấy là một ngàn.” Khi ấy, người Bà-la-môn ấy đã gội đầu rồi đi đến hoàng cung và đã đạt được số tiền lương ấy là một ngàn.

2. Sau đó, nam cư sĩ ấy đã đi vào ni viện và kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni rồi đã chê trách. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu ni lại đổ bỏ phân phía bên kia bức tường?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni đổ bỏ phân phía bên kia bức tường, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại đổ bỏ phân phía bên kia bức tường vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào đổ bỏ hoặc bảo đổ bỏ phân hoặc nước tiểu hoặc rác rến hoặc thức ăn thừa phía bên kia bức tường hoặc phía bên kia hàng rào thì phạm tội pācittiya.”

3. Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Phân nghĩa là chất thải được đề cập đến.

Nước tiểu nghĩa là nước thải được đề cập đến.

Rác rến nghĩa là rác quét dọn được đề cập đến.

Thức ăn thừa nghĩa là các vật được nhai thừa, hoặc các mẩu xương, hoặc nước dơ được đề cập đến.

Bức tường nghĩa là có ba loại tường: tường gạch, tường đá, tường gỗ.

Hàng rào nghĩa là có ba loại hàng rào: hàng rào gạch, hàng rào đá, hàng rào gỗ.

Phía bên kia bức tường: phía đối nghịch của bức tường.

Phía bên kia hàng rào: phía đối nghịch của hàng rào.

Đổ bỏ: vị ni tự mình đổ bỏ thì phạm tội pācittiya.

Bảo đổ bỏ: vị ni ra lệnh người khác đổ bỏ thì phạm tội dukkaṭa. Được ra lệnh một lần, mặc dầu (vị kia) đổ nhiều lần (vị ra lệnh) phạm (chỉ một) tội pācittiya.

Vị ni đổ bỏ sau khi đã xem xét, vị ni đổ bỏ nơi không phải là lối đi, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ tám.

--ooOoo--

4.1.9. ĐIỀU HỌC THỨ CHÍN

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, ruộng lúa mạch của người Bà-la-môn nọ là kề bên chỗ ngụ của các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni đổ bỏ phân, nước tiểu, rác rến, và thức ăn thừa ở trong ruộng. Khi ấy, người Bà-la-môn ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu ni lại làm dơ ruộng lúa mạch của chúng tôi?”

2. Các tỳ khưu ni đã nghe được người Bà-la-môn ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu ni lại đổ bỏ phân, nước tiểu, rác rến, và thức ăn thừa lên cỏ cây xanh?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni đổ bỏ phân, nước tiểu, rác rến, và thức ăn thừa lên cỏ cây xanh, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại đổ bỏ phân, nước tiểu, rác rến, và thức ăn thừa lên cỏ cây xanh vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào đổ bỏ hoặc bảo đổ bỏ phân hoặc nước tiểu hoặc rác rến hoặc thức ăn thừa lên cỏ cây xanh thì phạm tội pācittiya.”

3. Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là vị ‘tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Phân nghĩa là chất thải được đề cập đến.

Nước tiểu nghĩa là nước thải được đề cập đến.

Rác rến nghĩa là rác quét dọn được đề cập đến.

Thức ăn thừa nghĩa là các vật được nhai thừa, hoặc các mẩu xương, hoặc nước dơ được đề cập đến.

Cỏ cây xanh nghĩa là loại hạt và rau cải nào được trồng để làm thực phẩm sử dụng cho loài người.

Đổ bỏ: vị ni tự mình đổ bỏ thì phạm tội pācittiya.

Bảo đổ bỏ: vị ni ra lệnh người khác đổ bỏ thì phạm tội dukkaṭa. Được ra lệnh một lần, mặc dầu (vị kia) đổ nhiều lần (vị ra lệnh) phạm (chỉ một) tội pācittiya.

Cỏ cây xanh, nhận biết là cỏ cây xanh, vị ni đổ bỏ hoặc bảo đổ bỏ thì phạm tội pācittiya. Cỏ cây xanh, có sự hoài nghi, vị ni đổ bỏ hoặc bảo đổ bỏ thì phạm tội pācittiya. Cỏ cây xanh, (lầm) tưởng không phải là cỏ cây xanh, vị ni đổ bỏ hoặc bảo đổ bỏ thì phạm tội pācittiya.

Không phải là cỏ cây xanh, (lầm) tưởng là cỏ cây xanh, phạm tội dukkaṭa. Không phải là cỏ cây xanh, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Không phải là cỏ cây xanh, nhận biết không phải là cỏ cây xanh thì vô tội.

Vị ni đổ bỏ ở ruộng đã được đổ bỏ (rác), vị ni đổ bỏ sau khi xin phép các người chủ, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ chín.

--ooOoo--

4.1.10. ĐIỀU HỌC THỨ MƯỜI

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, tại thành Rājagaha có lễ hội ở trên đỉnh núi. Các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư đã đi để xem lễ hội ở trên đỉnh núi. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các tỳ khưu ni lại đi để xem vũ ca tấu nhạc, giống như các cô gái tại gia hưởng dục vậy?”

2. Các tỳ khưu ni đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại đi để xem vũ ca tấu nhạc?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư đi để xem vũ ca tấu nhạc, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại đi để xem vũ ca tấu nhạc vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào đi để xem vũ hoặc ca hoặc tấu nhạc thì phạm tội pācittiya.”

3. Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Vũ nghĩa là bất cứ loại vũ gì.

Ca nghĩa là bất cứ bài ca gì.

Tấu nhạc nghĩa là bất cứ loại tấu nhạc gì (trống, kèn, đờn, v.v...).

Vị ni đi để xem thì phạm tội dukkaṭa. Đứng tại chỗ ấy rồi nhìn hoặc lắng nghe thì phạm tội pācittiya. Sau khi rời khỏi tầm nhìn, vị ni lại nhìn hoặc lắng nghe lần nữa thì phạm tội pācittiya. Vị ni đi để xem mỗi một (môn biểu diễn) thì phạm tội dukkaṭa. Đứng tại chỗ ấy rồi nhìn hoặc lắng nghe thì phạm tội pācittiya. Sau khi rời khỏi tầm nhìn, vị ni lại nhìn hoặc lắng nghe lần nữa thì phạm tội pācittiya.

Vị ni đứng ở trong tu viện rồi nhìn thấy hoặc nghe, sau khi đi đến chỗ đứng hoặc chỗ ngồi hoặc chỗ nằm của vị tỳ khưu ni thì họ vũ hoặc họ ca hoặc họ tấu nhạc, vị ni nhìn thấy hoặc nghe trong khi đi ngược chiều, khi có việc cần phải làm vị ni đi rồi nhìn thấy hoặc nghe, trong những lúc có sự cố, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ mười.

Phẩm Tỏi là thứ nhất.

--ooOoo--

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

Tỏi, việc cạo (nhổ) lông, và việc đập vỗ bằng lòng bàn tay, gậy ngắn (bằng nhựa cây), việc làm sạch sẽ, vị (tỳ khưu) đang ăn, với lúa còn nguyên hạt, hai điều về rác rến, và việc nhìn xem.”

--ooOoo--