4.4. PHẨM NẰM CHUNG

  1. Điều học thứ nhất
  2. Điều học thứ nhì
  3. Điều học thứ ba
  4. Điều học thứ tư
  5. Điều học thứ năm
  6. Điều học thứ sáu
  7. Điều học thứ bảy
  8. Điều học thứ tám
  9. Điều học thứ chín
  10. Điều học thứ mười

4.4.1. ĐIỀU HỌC THỨ NHẤT

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni hai (người) nằm chung trên một chiếc giường. Dân chúng trong lúc đi dạo quanh các trú xá nhìn thấy rồi phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các tỳ khưu ni hai (người) lại nằm chung trên một chiếc giường, giống như các cô gái tại gia hưởng dục vậy?” Các tỳ khưu ni đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai.

2. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu ni hai (người) lại nằm chung trên một chiếc giường?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni hai (người) nằm chung trên một chiếc giường, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni hai (người) lại nằm chung trên một chiếc giường vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Các tỳ khưu ni nào hai (người) nằm chung trên một chiếc giường thì phạm tội pācittiya.”

3. Các vị ni nào: là bất cứ các vị ni nào ―(như trên)―

Các tỳ khưu ni: các người nữ đã tu lên bậc trên được đề cập đến.

Hai (người) nằm chung trên một chiếc giường: Khi một vị ni đang nằm vị ni kia nằm xuống thì phạm tội pācittiya. Hoặc cả hai cùng nằm xuống thì phạm tội pācittiya. Sau khi đứng dậy rồi cùng nằm xuống lại thì phạm tội pācittiya.

Khi một vị ni đang nằm thì vị ni kia ngồi, hoặc cả hai đều ngồi, các vị ni bị điên, ―(như trên)― các vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ nhất.

--ooOoo--

4.4.2. ĐIỀU HỌC THỨ NHÌ

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni hai (người) nằm chung một tấm trải tấm đắp. Dân chúng trong lúc đi dạo quanh các trú xá nhìn thấy rồi phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các tỳ khưu ni hai (người) lại nằm chung một tấm trải tấm đắp, giống như các cô gái tại gia hưởng dục vậy?” Các tỳ khưu ni đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai.

2. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu ni hai (người) lại nằm chung một tấm trải tấm đắp?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni hai (người) nằm chung một tấm trải tấm đắp, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni hai (người) lại nằm chung một tấm trải tấm đắp vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Các tỳ khưu ni nào hai (người) nằm chung một tấm trải tấm đắp thì phạm tội pācittiya.”

3. Các vị ni nào: là bất cứ các vị ni nào ―(như trên)―

Các tỳ khưu ni: ―(như trên)― đề cập đến các người nữ đã tu lên bậc trên.

Hai (người) nằm chung một tấm trải tấm đắp: sau khi trải ra bằng chính tấm ấy họ lại đắp bằng chính tấm ấy thì phạm tội pācittiya.

Chung một tấm trải tấm đắp, nhận biết là chung một tấm trải tấm đắp, (hai vị ni) nằm chung thì phạm tội pācittiya. Chung một tấm trải tấm đắp, có sự hoài nghi, (hai vị ni) nằm chung thì phạm tội pācittiya. Chung một tấm trải tấm đắp, (lầm) tưởng là khác tấm trải tấm đắp, (hai vị ni) nằm chung thì phạm tội pācittiya.

Chung tấm trải, khác tấm đắp thì phạm tội dukkaṭa. Khác tấm trải, chung tấm đắp thì phạm tội dukkaṭa. Khác tấm trải tấm đắp, (lầm) tưởng là chung một tấm trải tấm đắp, phạm tội dukkaṭa. Khác tấm trải tấm đắp, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Khác tấm trải tấm đắp, nhận biết là khác tấm trải tấm đắp thì vô tội.

Sau khi chỉ rõ sự sắp xếp[1] rồi (cả hai) nằm xuống, các vị ni bị điên, các vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ nhì.

--ooOoo--

4.4.3. ĐIỀU HỌC THỨ BA

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu ni Thullanandā là vị ni nghe nhiều, chuyên đọc tụng thuộc lòng, tự tin, rành rẽ về nói Pháp thoại. Bhaddā Kāpilānī cũng là vị ni nghe nhiều, chuyên đọc tụng thuộc lòng, tự tin, rành rẽ về nói Pháp thoại và được xem là nổi bật. Dân chúng (nghĩ rằng): “Ni sư Bhaddā Kāpilānī là vị ni nghe nhiều, chuyên đọc tụng thuộc lòng, tự tin, rành rẽ về nói Pháp thoại và được xem là nổi bật” nên thăm viếng Bhaddā Kāpilānī trước tiên sau đó mới thăm viếng tỳ khưu ni Thullanandā. Tỳ khưu ni Thullanandā có bản chất ganh tỵ (nghĩ rằng): “Nghe nói các cô này ít ham muốn, tự biết đủ, tách ly, không tụ hội thì cũng chính các cô này sống có nhiều sự giao hảo có nhiều sự khuếch trương” rồi đi tới lui, rồi đứng lại, rồi ngồi xuống, rồi nằm xuống, rồi đọc tụng, rồi bảo đọc tụng, rồi học bài ở phía trước Bhaddā Kāpilānī.

2. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao ni sư Thullanandā lại cố ý quấy rầy ni sư Bhaddā Kāpilānī?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu ni Thullanandā cố ý quấy rầy Bhaddā Kāpilānī, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni Thullanandā lại cố ý quấy rầy Bhaddā Kāpilānī vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào cố ý quấy rầy vị tỳ khưu ni thì phạm tội pācittiya.”

3. Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Vị tỳ khưu ni: là vị tỳ khưu ni khác.

Cố ý: sự vi phạm trong khi biết, trong khi có ý định, sau khi đã suy nghĩ, sau khi đã khẳng định.

Quấy rầy: Vị ni (nghĩ rằng): “Do việc này sự không thoải mái sẽ có cho người này ” không hỏi ý rồi đi tới lui, hoặc đứng lại, hoặc ngồi xuống, hoặc nằm xuống, hoặc đọc tụng, hoặc bảo đọc tụng, hoặc học bài ở phía trước thì phạm tội pācittiya.

Người nữ đã tu lên bậc trên, nhận biết là đã tu lên bậc trên, vị ni cố ý quấy rầy thì phạm tội pācittiya. Người nữ đã tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, vị ni cố ý quấy rầy thì phạm tội pācittiya. Người nữ đã tu lên bậc trên, (lầm) tưởng là chưa tu lên bậc trên, vị ni cố ý quấy rầy thì phạm tội pācittiya.

Vị ni cố ý quấy rầy người chưa tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa. Người nữ chưa tu lên bậc trên, (lầm) tưởng là đã tu lên bậc trên, phạm tội dukkaṭa. Người nữ chưa tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Người nữ chưa tu lên bậc trên, nhận biết là chưa tu lên bậc trên, phạm tội dukkaṭa.

Không có ý định quấy rầy, sau khi đã hỏi ý rồi đi tới lui hoặc đứng lại hoặc ngồi xuống hoặc nằm xuống hoặc đọc tụng hoặc bảo đọc tụng hoặc học bài ở phía trước, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ ba.

--ooOoo--

4.4.4. ĐIỀU HỌC THỨ TƯ

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu ni Thullanandā không chăm sóc người nữ đệ tử bị ốm đau cũng không nỗ lực kiếm người chăm sóc.

2. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao ni sư Thullanandā lại không chăm sóc người nữ đệ tử bị ốm đau cũng không nỗ lực kiếm người chăm sóc?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu ni Thullanandā không chăm sóc người nữ đệ tử bị ốm đau cũng không nỗ lực kiếm người chăm sóc, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni Thullanandā lại không chăm sóc người nữ đệ tử bị ốm đau cũng không nỗ lực kiếm người chăm sóc vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào không chăm sóc người nữ đệ tử bị ốm đau cũng không nỗ lực kiếm người chăm sóc thì phạm tội pācittiya.”

3. Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Bị ốm đau nghĩa là bị bệnh.

Người nữ đệ tử nghĩa là người nữ sống chung trú xá được đề cập đến.

Không chăm sóc: không tự mình chăm sóc.

Không nỗ lực kiếm người chăm sóc: không chỉ thị người khác. (Nghĩ rằng): “Ta sẽ không chăm sóc cũng không nỗ lực kiếm người chăm sóc,” khi vừa buông bỏ trách nhiệm thì phạm tội pācittiya. Vị không chăm sóc người nữ học trò hoặc người nữ chưa tu lên bậc trên cũng không nỗ lực kiếm người chăm sóc thì phạm tội dukkaṭa.

Trong khi có nguy hiểm, sau khi tìm kiếm không có được (người chăm sóc), vị ni bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ tư.

--ooOoo--

4.4.5. ĐIỀU HỌC THỨ NĂM

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, Bhaddā Kāpilānī đã vào mùa (an cư) mưa ở thành Sāketa. Vị ni ấy vì công việc cần làm nào đó đã phái người đưa tin đi đến gặp tỳ khưu ni Thullanandā (nhắn rằng): - “Nếu ni sư Thullanandā có thể cho tôi chỗ ngụ thì tôi có thể đi đến Sāvatthī.” Tỳ khưu ni Thullanandā đã nói như vầy: - “Hãy đi đến, tôi sẽ cho.” Sau đó, Bhaddā Kāpilānī đã từ thành Sāketa đi đến thành Sāvatthī. Tỳ khưu ni Thullanandā đã cho Bhaddā Kāpilānī chỗ trú ngụ.

Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu ni Thullanandā là vị ni nghe nhiều, chuyên đọc tụng thuộc lòng, tự tin, rành rẽ về nói Pháp thoại. Bhaddā Kāpilānī cũng là vị ni nghe nhiều, chuyên đọc tụng thuộc lòng, tự tin, rành rẽ về nói Pháp thoại, và được xem là nổi bật. Dân chúng (nghĩ rằng): “Ni sư Bhaddā Kāpilānī là vị ni nghe nhiều, chuyên đọc tụng thuộc lòng, tự tin, rành rẽ về nói Pháp thoại, và được xem là nổi bật” nên thăm viếng Bhaddā Kāpilānī trước tiên sau đó mới thăm viếng tỳ khưu ni Thullanandā. Tỳ khưu ni Thullanandā có bản chất ganh tỵ (nghĩ rằng): “Nghe nói các cô này ít ham muốn, tự biết đủ, tách ly, không tụ hội thì cũng chính các cô này sống có nhiều sự giao hảo có nhiều sự khuếch trương,” rồi nổi giận bất bình đã lôi kéo Bhaddā Kāpilānī ra khỏi chỗ trú ngụ.

2. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao ni sư Thullanandā sau khi đã cho ni sư Bhaddā Kāpilānī chỗ ngụ lại nổi giận bất bình rồi lôi kéo ra?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu ni Thullanandā sau khi đã cho Bhaddā Kāpilānī chỗ ngụ lại nổi giận bất bình rồi lôi kéo ra, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni Thullanandā sau khi đã cho Bhaddā Kāpilānī chỗ ngụ lại nổi giận bất bình rồi lôi kéo ra vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào sau khi đã cho chỗ ngụ đến vị tỳ khưu ni lại nổi giận bất bình rồi lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra thì phạm tội pācittiya.”

3. Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Đến vị tỳ khưu ni: đến vị tỳ khưu ni khác.

Chỗ ngụ nghĩa là chỗ có gắn liền cánh cửa được đề cập đến.

Sau khi đã cho: sau khi tự mình cho.

Nổi giận, bất bình: không được hài lòng, có tâm bực bội, nảy sanh lòng cay cú.

Lôi kéo ra: Sau khi nắm lấy ở trong phòng rồi lôi kéo ra phía trước thì phạm tội pācittiya. Sau khi nắm lấy ở phía trước rồi lôi kéo ra bên ngoài thì phạm tội pācittiya. Với một lần ra sức, mặc dầu làm cho (vị ni kia) vượt qua nhiều cánh cửa (vị ni ấy) phạm (chỉ một) tội pācittiya.

Bảo lôi kéo ra: vị ni ra lệnh người khác thì phạm tội dukkaṭa. Được ra lệnh một lần, mặc dầu làm cho (vị ni kia) vượt qua nhiều cánh cửa (vị ni ra lệnh) phạm (chỉ một) tội pācittiya.

Người nữ đã tu lên bậc trên, nhận biết là đã tu lên bậc trên, vị ni sau khi đã cho chỗ ngụ lại nổi giận bất bình rồi lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra thì phạm tội pācittiya. Người nữ đã tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, vị ni sau khi đã cho chỗ ngụ lại nổi giận bất bình rồi lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra thì phạm tội pācittiya. Người nữ đã tu lên bậc trên, (lầm) tưởng là chưa tu lên bậc trên, vị ni sau khi đã cho chỗ ngụ lại nổi giận bất bình rồi lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra thì phạm tội pācittiya.

Vị ni lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra vật dụng của vị ni kia thì phạm tội dukkaṭa. Vị ni lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra khỏi chỗ không có gắn liền cánh cửa thì phạm tội dukkaṭa. Vị ni lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra vật dụng của vị ni kia thì phạm tội dukkaṭa. Vị ni lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra người nữ chưa tu lên bậc trên khỏi chỗ có gắn liền cánh cửa hoặc chỗ không có gắn liền cánh cửa thì phạm tội dukkaṭa. Vị ni lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra vật dụng của cô kia thì phạm tội dukkaṭa. Người nữ chưa tu lên bậc trên, (lầm) tưởng là đã tu lên bậc trên, phạm tội dukkaṭa. Người nữ chưa tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Người nữ chưa tu lên bậc trên, nhận biết là chưa tu lên bậc trên, phạm tội dukkaṭa.

Vị ni lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra vị ni không biết hổ thẹn, vị ni lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra vật dụng của vị ni kia; vị ni lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra vị ni bị điên, vị ni lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra vật dụng của vị ni kia; vị ni lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra vị ni thường gây nên các sự xung đột, ... vị ni thường gây nên sự cãi cọ, ... vị ni thường gây nên sự tranh luận, ... vị ni thường gây nên cuộc nói chuyện nhảm nhí, ... vị ni thường gây nên sự tranh tụng trong hội chúng, vị ni lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra vật dụng của vị ni kia; vị ni lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra người nữ đệ tử hoặc người nữ học trò không thực hành phận sự đúng đắn, vị ni lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra vật dụng của vị ni kia; vị ni bị điên; ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ năm.

--ooOoo--

4.4.6. ĐIỀU HỌC THỨ SÁU

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu ni Caṇḍakāḷī sống thân cận với nam gia chủ và với cả con trai của nam gia chủ. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao ni sư Caṇḍakāḷī lại sống thân cận với nam gia chủ và với cả con trai của nam gia chủ?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu ni Caṇḍakāḷī sống thân cận với nam gia chủ và với cả con trai của nam gia chủ, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni Caṇḍakāḷī lại sống thân cận với nam gia chủ và với cả con trai của nam gia chủ vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào sống thân cận với nam gia chủ hoặc với con trai của nam gia chủ, vị tỳ khưu ni ấy nên được nói bởi các tỳ khưu ni như sau: ‘Này ni sư, chớ có sống thân cận với nam gia chủ và với cả con trai của nam gia chủ. Này ni sư, hãy tự tách rời ra. Hội chúng khen ngợi sự tách rời này của sư tỷ.’ Và khi được nói như vậy bởi các tỳ khưu ni mà vị tỳ khưu ni ấy vẫn chấp giữ y như thế, vị tỳ khưu ni ấy nên được các tỳ khưu ni nhắc nhở đến lần thứ ba để từ bỏ việc ấy. Nếu được nhắc nhở đến lần thứ ba mà dứt bỏ việc ấy, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không dứt bỏ thì phạm tội pācittiya.”

2. Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Sống thân cận: sống thân cận với (hành động thuộc về) thân và khẩu không đúng đắn.

Nam gia chủ nghĩa là bất cứ người nam nào sống trong căn nhà.

Con trai của nam gia chủ nghĩa là bất cứ những người nào là con trai hoặc anh em trai.

Vị tỳ khưu ni ấy: là vị tỳ khưu ni sống thân cận.

Bởi các tỳ khưu ni: bởi các tỳ khưu ni khác. Các vị ni nào thấy, các vị ni nào nghe, các vị ni ấy nên nói rằng: “Này ni sư, chớ có sống thân cận với nam gia chủ và với cả con trai của nam gia chủ. Này ni sư, hãy tự tách rời ra. Hội chúng khen ngợi sự tách rời này của sư tỷ.” Nên được nói đến lần thứ nhì. Nên được nói đến lần thứ ba. Nếu (vị ni ấy) dứt bỏ, như thế việc này là tốt đẹp; nếu (vị ni ấy) không dứt bỏ thì phạm tội dukkaṭa. Các vị ni sau khi nghe mà không nói thì phạm tội dukkaṭa. Vị tỳ khưu ni ấy nên được kéo đến giữa hội chúng rồi nên được nói rằng: “Này ni sư, chớ có sống thân cận với nam gia chủ và với cả con trai của nam gia chủ. Này ni sư, hãy tự tách rời ra. Hội chúng khen ngợi sự tách rời này của sư tỷ.” Nên được nói đến lần thứ nhì. Nên được nói đến lần thứ ba. Nếu (vị ni ấy) dứt bỏ, như thế việc này là tốt đẹp; nếu (vị ni ấy) không dứt bỏ thì phạm tội dukkaṭa. Vị tỳ khưu ni ấy cần được nhắc nhở. Và này các tỳ khưu, nên được nhắc nhở như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu ni này tên (như vầy) sống thân cận với nam gia chủ và với cả con trai của nam gia chủ. Vị ni ấy không chịu từ bỏ sự việc ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên nhắc nhở tỳ khưu ni tên (như vầy) để dứt bỏ sự việc ấy. Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu ni này tên (như vầy) sống thân cận với nam gia chủ và với cả con trai của nam gia chủ. Vị ni ấy không chịu từ bỏ sự việc ấy. Hội chúng nhắc nhở tỳ khưu ni tên (như vầy) để dứt bỏ sự việc ấy. Đại đức ni nào đồng ý việc nhắc nhở tỳ khưu ni tên (như vầy) để dứt bỏ sự việc ấy xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: ―(như trên)―

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: ―(như trên)―

Tỳ khưu ni tên (như vầy) đã được hội chúng nhắc nhở để dứt bỏ sự việc ấy. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Do lời đề nghị thì phạm tội dukkaṭa. Do hai lời thông báo của hành sự thì phạm các tội dukkaṭa. Khi chấm dứt tuyên ngôn hành sự thì phạm tội pācittiya.

Hành sự đúng pháp, nhận biết là hành sự đúng pháp, vị ni không dứt bỏ thì phạm tội pācittiya. Hành sự đúng pháp, có sự hoài nghi, vị ni không dứt bỏ thì phạm tội pācittiya. Hành sự đúng pháp, (lầm) tưởng là hành sự sai pháp, vị ni không dứt bỏ thì phạm tội pācittiya.

Hành sự sai pháp, (lầm) tưởng là hành sự đúng pháp, phạm tội dukkaṭa. Hành sự sai pháp, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Hành sự sai pháp, nhận biết là hành sự sai pháp, phạm tội dukkaṭa.

Vị ni chưa được nhắc nhở, vị ni dứt bỏ, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ sáu.

--ooOoo--

4.4.7. ĐIỀU HỌC THỨ BẢY

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni đi du hành không cùng với đoàn xe ở trong quốc độ được xác định là có sự nguy hiểm, có sự kinh hoàng. Những kẻ vô lại làm ô uế. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu ni lại đi du hành không cùng với đoàn xe ở trong quốc độ được xác định là có sự nguy hiểm, có sự kinh hoàng?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni đi du hành không cùng với đoàn xe ở trong quốc độ được xác định là có sự nguy hiểm có sự kinh hoàng, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại đi du hành không cùng với đoàn xe ở trong quốc độ được xác định là có sự nguy hiểm có sự kinh hoàng vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào đi du hành không cùng với đoàn xe ở trong quốc độ được xác định là có sự nguy hiểm có sự kinh hoàng thì phạm tội pācittiya.”

2. Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Ở trong quốc độ: vị ni sống trong khu vực chiếm giữ của người nào tức là trong quốc độ của người ấy.

Có sự nguy hiểm nghĩa là ở trên con đường ấy, chỗ cắm trại của bọn cướp được thấy, chỗ ăn được thấy, chỗ đứng được thấy, chỗ ngồi được thấy, chỗ nằm được thấy.

Có sự kinh hoàng nghĩa là ở trên con đường ấy, dân chúng bị giết bởi bọn cướp được thấy, bị cướp giật được thấy, bị đánh đập được thấy.

Không cùng với đoàn xe nghĩa là không có đoàn xe.

Đi du hành: Ở ngôi làng trong khoảng cách đi được của con gà trống thì phạm tội pācittiya theo mỗi một khoảng giữa của các ngôi làng. Không phải trong làng, ở trong rừng, thì phạm tội pācittiya theo từng khoảng cách nửa yojana.

Vị ni đi cùng với đoàn xe, vị ni đi trong vùng an toàn không có sự kinh hoàng, trong những lúc có sự cố, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ bảy.

--ooOoo--

4.4.8. ĐIỀU HỌC THỨ TÁM

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni đi du hành không cùng với đoàn xe ở bên ngoài quốc độ (tại nơi) được xác định là có sự nguy hiểm, có sự kinh hoàng. Những kẻ vô lại làm ô uế. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu ni lại đi du hành không cùng với đoàn xe ở bên ngoài quốc độ (tại nơi) được xác định là có sự nguy hiểm, có sự kinh hoàng?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni đi du hành không cùng với đoàn xe ở bên ngoài quốc độ (tại nơi) được xác định là có sự nguy hiểm có sự kinh hoàng, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại đi du hành không cùng với đoàn xe ở bên ngoài quốc độ (tại nơi) được xác định là có sự nguy hiểm có sự kinh hoàng vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào đi du hành không cùng với đoàn xe ở bên ngoài quốc độ (tại nơi) được xác định là có sự nguy hiểm có sự kinh hoàng thì phạm tội pācittiya.”

2. Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Bên ngoài quốc độ: vị ni sống trong khu vực chiếm giữ của người nào thì trừ ra khu vực ấy, ở trong quốc độ của người khác.

Có sự nguy hiểm nghĩa là ở trên con đường ấy, chỗ cắm trại của bọn cướp được thấy, chỗ ăn được thấy, chỗ đứng được thấy, chỗ ngồi được thấy, chỗ nằm được thấy.

Có sự kinh hoàng nghĩa là ở trên con đường ấy, dân chúng bị giết bởi bọn cướp được thấy, bị cướp giật được thấy, bị đánh đập được thấy.

Không cùng với đoàn xe nghĩa là không có đoàn xe.

Đi du hành: Ở ngôi làng trong khoảng cách đi được của con gà trống thì phạm tội pācittiya theo mỗi một khoảng giữa của các ngôi làng. Không phải trong làng, ở trong rừng, thì phạm tội pācittiya theo từng khoảng cách nửa yojana.

Vị ni đi cùng với đoàn xe, vị ni đi trong vùng an toàn không có sự kinh hoàng, trong những lúc có sự cố, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ tám.

--ooOoo--

4.4.9. ĐIỀU HỌC THỨ CHÍN

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni đi du hành trong mùa (an cư) mưa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các tỳ khưu ni lại đi du hành trong mùa (an cư) mưa? Các vị đang dẫm đạp lên các loại cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống của loài chỉ có một giác quan, và đang gây nên việc giết hại hàng loạt nhiều chúng sanh nhỏ nhoi.”

2. Các tỳ khưu ni đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu ni lại đi du hành trong mùa (an cư) mưa?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni đi du hành trong mùa (an cư) mưa, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại đi du hành trong mùa (an cư) mưa vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni nào đi du hành trong mùa (an cư) mưa thì phạm tội pācittiya.”

3. Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Trong mùa (an cư) mưa: sau khi đã không sống (an cư mùa mưa) ba tháng thời kỳ đầu hoặc ba tháng thời kỳ sau.

Đi du hành: Ở ngôi làng trong khoảng cách đi được của con gà trống thì phạm tội pācittiya theo mỗi một khoảng giữa của các ngôi làng. Không phải trong làng, ở trong rừng, thì phạm tội pācittiya theo từng khoảng cách nửa yojana.

Vị ni đi vì công việc cần làm trong bảy ngày, vị ni đi khi bị quấy rối bởi điều gì đó, trong những lúc có sự cố, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ chín.

--ooOoo--

4.4.10. ĐIỀU HỌC THỨ MƯỜI

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni sống mùa mưa ở ngay tại nơi ấy trong thành Rājagaha, mùa lạnh tại nơi ấy, mùa nóng tại nơi ấy. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Các hướng đi của các tỳ khưu ni bị tắt nghẽn, tăm tối. Các hướng đi không còn được các vị ni này nhận ra nữa.”

2. Các tỳ khưu ni đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, như thế thì ta sẽ quy định điều học cho các tỳ khưu ni vì mười điều lợi ích: Nhằm đem lại sự tốt đẹp cho hội chúng, ―(như trên)― nhằm sự tồn tại của Chánh Pháp, và nhằm sự hỗ trợ Luật. Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu ni khi trải qua mùa (an cư) mưa mà không ra đi du hành cho dầu chỉ năm hoặc sáu do tuần thì phạm tội pācittiya.”

3. Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ―(như trên)―

Tỳ khưu ni: ―(như trên)― vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Khi trải qua mùa (an cư) mưa nghĩa là đã trải qua (mùa an cư mưa) ba tháng thời kỳ đầu hoặc ba tháng thời kỳ sau. Vị ni (nghĩ rằng): “Ta sẽ không ra đi du hành cho dầu chỉ năm hoặc sáu do tuần,” khi vừa buông bỏ trách nhiệm thì phạm tội pācittiya.

Khi có trường hợp nguy hiểm, vị ni tìm kiếm nhưng không có được vị tỳ khưu ni thứ hai, vị ni bị bệnh, vị ni bị điên, ―(như trên)― vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ mười.

Phẩm Nằm Chung là thứ tư.

--ooOoo--

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

Việc nằm (chung), tấm trải, sự quấy rầy, vị ni bị ốm đau, và chỗ ngụ, (sống) thân cận, hai điều về quốc độ, với trong mùa (an cư) mưa, vị ni du hành.”

--ooOoo--