1. Việc cáo tội nhằm mục đích gì? Nhớ lại là nguyên nhân của điều gì? Hội chúng nhằm mục đích gì? Hơn nữa, hoạt động của trí óc là nguyên nhân của điều gì?

2. Việc cáo tội nhằm mục đích làm nhớ lại (tội). Nhớ lại (tội) nhằm mục đích kiềm chế. Hội chúng nhằm mục đích phân xử. Hơn nữa, hoạt động của trí óc là cá biệt (từng vị).

3. Nếu ngài là vị xét xử, ngài chớ có nói nhanh quá, chớ có nói thô lỗ, chớ làm nảy sanh cơn giận dữ.

4. Ngài chớ nói một cách gấp gáp, lời nói gây cãi vã không liên hệ đến ý nghĩa về giới bổn, về Luật, về bộ Tập Yếu, về các điều quy định, về bốn pháp dung hòa.

5. Hãy suy xét về trách nhiệm và phận sự đã được bậc giác ngộ thiết lập một cách khéo léo, đã được quy định rõ ràng phù hợp theo các điều học, trong khi chớ có làm hủy hoại cảnh giới ngày vị lai.

6. Người tầm cầu sự lợi ích hãy thực hành đúng thời, có liên quan đến mục đích. Chớ vội vã tin theo lời phát biểu của vị bị buộc tội và của vị cáo tội.

7. Vị cáo tội đã nói ‘phạm tội,’ vị bị buộc tội đã nói ‘không phạm.’ Trong khi bỏ qua cả hai, ngài nên tiến hành phù hợp với điều được nhận biết.

8. Sự hiểu biết được thực hiện ở những người khiêm tốn, ở những kẻ vô liêm sỉ không được biết đến như thế. Kẻ vô liêm sỉ cũng có thể nói nhiều, có thể làm phù hợp với điều đã nói.

9. Hạng người vô liêm sỉ là hạng người thế nào mà đối với hạng người ấy sự hiểu biết không tiến triển. Và tôi hỏi ngài như vậy: Hạng như thế nào được gọi là người vô liêm sỉ?

10. Kẻ cố ý vi phạm tội, kẻ giấu diếm tội vi phạm, và kẻ đi đường sai trái, hạng như thế ấy được gọi là người vô liêm sỉ.

11. Tôi cũng biết sự thật, hạng như thế ấy được gọi là người vô liêm sỉ. Và tôi hỏi ngài điều khác: Hạng như thế nào được gọi là người liêm sỉ?

12. Vị không cố ý phạm tội, không giấu diếm tội vi phạm, kẻ không đi sai đường, hạng như thế ấy được gọi là người liêm sỉ.

13. Tôi cũng biết sự thật, hạng như thế ấy được gọi là người liêm sỉ. Và tôi hỏi ngài điều khác: Vị như thế nào được gọi là vị cáo tội sai pháp?

14. Vị cáo tội không đúng thời, với việc không thật, với lời thô lỗ, không liên hệ mục đích, có nội tâm sân hận, cáo tội thiếu tâm từ, vị như thế ấy được gọi là vị cáo tội sai pháp.

15. Tôi cũng biết sự thật, vị như thế ấy được gọi là vị cáo tội sai pháp. Và tôi hỏi ngài điều khác: Vị như thế nào được gọi là vị cáo tội đúng pháp?

16. Vị cáo tội đúng thời, với việc thật, với lời mềm mỏng, có liên hệ mục đích, có nội tâm không sân hận, cáo tội với tâm từ, vị cáo tội đúng pháp được nói đến như thế.

17. Tôi cũng biết sự thật, vị cáo tội đúng pháp được nói đến như thế. Và tôi hỏi ngài điều khác: Vị như thế nào được gọi là vị cáo tội ngu dốt?

18. Vị không biết trước sau, không rành rẽ sau trước, không biết về phương thức của lối trình bày mạch lạc, không rành rẽ về phương thức của lối trình bày mạch, vị như thế ấy được gọi là vị cáo tội ngu dốt.

19. Tôi cũng biết sự thật, vị như thế ấy được gọi là vị cáo tội ngu dốt. Và tôi hỏi ngài điều khác: Vị như thế nào được gọi là vị cáo tội thông thái?

20. Vị biết việc trước sau, rành rẽ việc sau trước, hiểu biết về phương thức của lối trình bày mạch lạc, rành rẽ về phương thức của lối trình bày mạch, vị như thế ấy được gọi là vị cáo tội thông thái.

21. Tôi cũng biết sự thật, vị như thế ấy được gọi là vị cáo tội thông thái. Và tôi hỏi ngài điều khác: Điều gì được gọi là sự cáo tội?

22. Vị cáo tội về sự hư hỏng về giới, rồi về hạnh kiểm, và về quan điểm, vị cáo tội về cả việc nuôi mạng, với điều ấy được gọi là sự cáo tội.

Dứt Sưu Tập Khác về Các Bài Kệ.

--ooOoo--