- Sự thực hành của vị xét xử
1. Trong khi đi đến hội chúng, vị tỳ khưu theo đuổi sự xung đột nên đi đến hội chúng với tâm nhún nhường, với tâm như là không bị cấu uế, nên khéo léo về chỗ ngồi và khéo léo khi ngồi xuống, nên ngồi xuống ở chỗ ngồi thích hợp không chiếm chỗ của các tỳ khưu trưởng lão, không buộc các tỳ khưu mới tu phải nhường chỗ ngồi, không nên là người nói linh tinh, không nên là người nói chuyện nhảm nhí, hoặc là nên tự mình nói Pháp hoặc là nên thỉnh cầu vị khác (nói Pháp), hoặc là không nên xem thường trạng thái im lặng thánh thiện.
2. Vị được hội chúng thừa nhận, vị xét xử, vị có ý định xét xử không nên hỏi về thầy tế độ, không nên hỏi về thầy dạy học, không nên hỏi về người đệ tử, không nên hỏi về người học trò, không nên hỏi về vị đồng thầy tế độ, không nên hỏi về vị đồng thầy dạy học, không nên hỏi về sự xuất thân, không nên hỏi về tên, không nên hỏi về dòng họ, không nên hỏi về sự truyền thừa, không nên hỏi về trú quán của gia đình, không nên hỏi về nơi sanh ra. Việc ấy là vì lý do gì? - Trường hợp ấy có thể có sự thương hoặc là sự ghét. Khi có sự thương hoặc có sự ghét, thì có thể thiên vị vì ưa thích, có thể thiên vị vì sân hận, có thể thiên vị vì si mê, có thể thiên vị vì sợ hãi.
3. Vị được hội chúng thừa nhận, vị xét xử, vị có ý định xét xử nên xem trọng hội chúng không nên xem trọng cá nhân, nên xem trọng Chánh Pháp không nên xem trọng tài vật, nên liên hệ đến mục đích, không nên thỏa hiệp với đám đông, nên xét xử đúng thời không phải sái thời, nên xét xử với sự thật không phải với sự không thật, nên xét xử với sự mềm mỏng không phải với sự thô lỗ, nên xét xử có liên hệ đến mục đích không phải không liên hệ mục đích, nên xét xử với tâm từ không phải với nội tâm có sân hận, không nên có sự nói thì thầm vào tai, không nên nhìn đảo quanh, mắt không nên nhìn soi mói, không nên nhướng mày, không nên ngửa đầu lên, không nên làm cử động bàn tay, không nên làm hiệu bằng bàn tay.
4. Nên khéo léo về chỗ ngồi, nên khéo léo khi ngồi xuống. Vị đang theo đuổi mục đích nên ngồi xuống ở chỗ ngồi của mình trong khi nhìn (phía trước) khoảng cách của cây cày, và không nên từ chỗ ngồi đứng dậy, không nên bỏ qua xét đoán, không nên theo đuổi đường lối sai trái, không nên nói với sự quấy rối bằng cánh tay, không nên vội vã không hấp tấp, không nên tỏ vẻ nóng giận bằng sự trầm tĩnh trong lời nói, nên có tâm từ với lòng thương tưởng đến lợi ích, có nên có tâm bi chăm chú đến lợi ích, nên tránh nói điều phù phiếm với lời nói có giới hạn, nên là vị trú vào không oan trái không lòng oán giận.
Nên suy xét về bản thân, nên suy xét về người khác, nên suy xét về vị cáo tội, nên suy xét về vị bị buộc tội, nên suy xét về vị cáo tội sai pháp, nên suy xét về vị bị buộc tội sai pháp, nên suy xét về vị cáo tội đúng pháp, nên suy xét về vị bị buộc tội đúng pháp, không bỏ qua điều đã được nói, không gợi lên điều không được nói, nên khéo léo suy xét những chữ và câu được nói ra, sau khi hỏi lại vị kia rồi nên hành xử theo điều đã được biết. Vị uể oải nên được khích lệ, vị sợ hãi nên được trấn tĩnh, vị giận dữ nên được răn đe, vị không trong sạch nên được làm minh bạch với sự thẳng thắn và mềm mỏng, không nên thiên vị vì ưa thích, không nên thiên vị vì sân hận, không nên thiên vị vì si mê, không nên thiên vị vì sợ hãi, nên duy trì sự công chính đối với các pháp và các hạng người. Và như vậy, vị xét xử trong khi xét xử vừa là vị thầy vừa là vị thực hành giáo pháp, là người được thương yêu, được quý mến, được kính trọng, và có uy tín đối với các bậc có sự hiểu biết và các vị đồng Phạm hạnh.
5. Điều học nhằm mục đích là sự khẳng định, ví dụ nhằm mục đích là sự minh họa, ý nghĩa nhằm mục đích là sự giảng giải, câu hỏi nhằm mục đích là sự xác định, việc thỉnh ý nhằm mục đích là sự cáo tội, sự cáo tội nhằm mục đích là làm cho nhớ lại, sự làm cho nhớ lại nhằm mục đích là sự bảo ban, sự bảo ban nhằm mục đích là sự ngăn cản, sự ngăn cản nhằm mục đích là sự phán quyết, sự phán quyết nhằm mục đích là sự điều tra, sự điều tra nhằm mục đích là sự đạt đến việc có bằng cớ hay không có bằng cớ, việc có bằng cớ hay không có bằng cớ nhằm mục đích là sự kiềm chế những nhân vật ác xấu, nhằm mục đích là sự ủng hộ các tỳ khưu hiền thiện, hội chúng nhằm mục đích là sự đồng ý, sự đồng ý nhằm mục đích là sự tán thành, sự tán thành nhằm mục đích là sự không chán nản, các nhân vật được hội chúng thừa nhận là (những vị) có sự kiên trì, không có sự dối trá.
6. Luật nhằm mục đích là sự thu thúc, sự thu thúc nhằm mục đích là sự không vi phạm, không vi phạm nhằm mục đích là sự khoan khoái, sự khoan khoái nhằm mục đích là hỷ, hỷ nhằm mục đích là tịnh, tịnh nhằm mục đích là lạc, lạc nhằm mục đích là định, định nhằm mục đích là sự thấy biết đúng theo bản thể, sự thấy biết đúng theo bản thể nhằm mục đích là sự nhờm gớm, sự nhờm gớm nhằm mục đích là sự ly tham, sự ly tham nhằm mục đích là sự giải thoát, sự giải thoát nhằm mục đích là sự thấy biết của giải thoát, sự thấy biết của giải thoát nhằm mục đích là Niết Bàn không còn chấp thủ. Lời giảng (về Luật) là mục đích của việc này, bàn bạc (về Luật) là mục đích của việc này, sự tuần tự diễn tiến là mục đích của việc này, sự lắng tai nghe là mục đích của việc này, tức là sự giải thoát của tâm do không còn chấp thủ.
1. Hãy suy xét về trách nhiệm và phận sự đã được bậc giác ngộ thiết lập một cách khéo léo, đã được quy định rõ ràng phù hợp theo các điều học, trong khi chớ có làm hủy hoại cảnh giới ngày vị lai.
2. Là người không rành rẽ về sự việc, về sự hư hỏng, về tội vị phạm, về duyên khởi, về sự biểu hiện, vị không biết việc trước rồi việc sau, và cũng thế về việc đã làm hoặc chưa làm.
3. Và cũng là người không rành rẽ về hành sự, về sự tranh tụng, và luôn cả các sự dàn xếp, là vị bị ái nhiễm, xấu xa, và ngu dốt, và thiên vị vì sợ hãi, vì si mê.
4. Và là người không khéo léo về việc thông tin, không rành rẽ về việc dập tắt, đạt được bè phái, không hổ thẹn, có việc làm đen tối, không có tôn trọng, hiển nhiên vị tỳ khưu như thế ấy gọi là ‘không đáng trọng.’
5. Là người rành rẽ về sự việc, về điều hư hỏng, về tội vi phạm, về duyên khởi, về sự biểu hiện, vị thông hiểu việc trước rồi việc sau, và tương tợ về việc đã làm hoặc chưa làm.
6. Và còn là vị rành rẽ về hành sự, và sự tranh tụng, luôn cả các sự dàn xếp, không ái nhiễm, chẳng xấu xa, không mê mờ, không thiên vị vì sợ hãi, vì si mê.
7. Là người khéo léo về việc thông tin, rành rẽ về việc dập tắt, đạt được phe nhóm, biết hổ thẹn, có việc làm trong sáng, có sự tôn kính, hiển nhiên vị tỳ khưu như thế ấy gọi là ‘đáng kính trọng.’”
Dứt Chương Xung Đột (Phần Phụ).
*****
Với tâm nhún nhường nên hỏi, là người với hội chúng có sự kính trọng, điều học nhằm mục đích là sự khẳng định và nhằm nâng đỡ Luật, phần tóm lược ở chương Xung Đột (Phần Phụ) đã được làm thành phần đọc tụng này.
--ooOoo--