6.3. PHẨM GIÁO GIỚI TỲ KHƯU NI

  1. Điều học Điều học về giáo giới
  2. Điều học về (mặt trời) đã lặn
  3. Điều học về chỗ ngụ của tỳ khưu ni
  4. Điều học về vật chất
  5. Điều học về cho y
  6. Điều học về may y
  7. Điều học về việc hẹn trước
  8. Điều học về việc lên thuyền
  9. Điều học về được môi giới
  10. Điều học về ngồi nơi kín đáo

6.3.1. ĐIỀU HỌC VỀ GIÁO GIỚI

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu trưởng lão trong khi giáo giới các tỳ khưu ni có nhận được lợi lộc thuộc về các vật dụng như y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và dược phẩm trị bệnh. Khi ấy, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã bàn bạc điều này: - “Này các đại đức, hiện nay các tỳ khưu trưởng lão trong khi giáo giới các tỳ khưu ni có nhận được lợi lộc thuộc về các vật dụng như y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và dược phẩm trị bệnh. Này các đại đức, vậy chúng ta cũng giáo giới các tỳ khưu ni.”

2. Sau đó, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã đi đến gặp các tỳ khưu ni và đã nói điều này: - “Này các sư tỷ, hãy đi đến gặp chúng tôi. Chúng tôi cũng sẽ giáo giới.” Khi ấy, các tỳ khưu ni ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu nhóm Lục Sư, sau khi đến đã đảnh lễ các tỳ khưu nhóm Lục Sư rồi ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã nói Pháp thoại đến các tỳ khưu ni chỉ chút ít, sau đó trải qua cả ngày với chuyện nhảm nhí rồi đã giải tán (nói rằng): - “Này các sư tỷ, hãy đi đi.”

3. Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu ni ấy đang đứng một bên điều này: - “Này các tỳ khưu ni, chắc hẳn việc giáo giới đã có hiệu quả?” - “Bạch ngài, làm sao sự giáo giới sẽ có hiệu quả khi các ngài đại đức nhóm Lục Sư nói Pháp thoại chỉ chút ít, sau đó trải qua cả ngày với chuyện nhảm nhí rồi giải tán?”

4. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các tỳ khưu ni ấy bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, các tỳ khưu ni ấy đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

5. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi các tỳ khưu nhóm Lục Sư rằng: - “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi nói Pháp thoại cho các tỳ khưu ni chỉ chút ít, sau đó trải qua cả ngày với chuyện nhảm nhí rồi giải tán, có đúng không vậy?”

- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại nói Pháp thoại cho các tỳ khưu ni chỉ chút ít, sau đó trải qua cả ngày với chuyện nhảm nhí rồi giải tán vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị giáo giới tỳ khưu ni. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

6. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị giáo giới tỳ khưu ni. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị giáo giới tỳ khưu ni. Đại đức nào đồng ý với việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị giáo giới tỳ khưu ni xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: ―(như trên)―

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị giáo giới tỳ khưu ni. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị giáo giới tỳ khưu ni xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

7. Sau đó, đức Thế Tôn đã khiển trách các tỳ khưu nhóm Lục Sư bằng nhiều phương thức về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào chưa được chỉ định mà giáo giới tỳ khưu ni thì phạm tội pācittiya.”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

8. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu trưởng lão đã được chỉ định trong khi giáo giới các tỳ khưu ni có nhận được lợi lộc y như thế thuộc về các vật dụng như y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và dược phẩm trị bệnh. Khi ấy, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã bàn bạc điều này: - “Này các đại đức, hiện nay các tỳ khưu trưởng lão đã được chỉ định trong khi giáo giới các tỳ khưu ni có nhận được lợi lộc y như thế thuộc về các vật dụng như y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và dược phẩm trị bệnh. Này các đại đức, vậy chúng ta hãy đi ra khỏi ranh giới, sau khi chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni cho lẫn nhau, chúng ta hãy giáo giới các tỳ khưu ni.”

9. Sau đó, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã đi ra khỏi ranh giới và đã chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni cho lẫn nhau, sau đó đã đi đến gặp các tỳ khưu ni và đã nói điều này: - “Này các sư tỷ, chúng tôi cũng đã được chỉ định. Hãy đi đến gặp chúng tôi. Chúng tôi cũng sẽ giáo giới.” Khi ấy, các tỳ khưu ni ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu nhóm Lục Sư, sau khi đến đã đảnh lễ các tỳ khưu nhóm Lục Sư rồi ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã nói Pháp thoại đến các tỳ khưu ni chỉ chút ít, sau đó trải qua cả ngày với chuyện nhảm nhí rồi đã giải tán (nói rằng): - “Này các sư tỷ, hãy đi đi.”

10. Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu ni ấy đang đứng một bên điều này: - “Này các tỳ khưu ni, chắc hẳn việc giáo giới đã có hiệu quả?” - “Bạch ngài, làm sao sự giáo giới sẽ có hiệu quả khi các ngài đại đức nhóm Lục Sư nói Pháp thoại chỉ chút ít, sau đó trải qua cả ngày với chuyện nhảm nhí rồi giải tán?” Khi ấy, đức Thế Tôn bằng bài Pháp thoại đã chỉ dạy, ―(như trên)― hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

11. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi các tỳ khưu nhóm Lục Sư rằng: - “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi nói Pháp thoại cho các tỳ khưu ni chỉ chút ít, sau đó trải qua cả ngày với chuyện nhảm nhí rồi giải tán, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại nói Pháp thoại cho các tỳ khưu ni chỉ chút ít, sau đó trải qua cả ngày với chuyện nhảm nhí rồi giải tán vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

12. - “Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị giáo giới tỳ khưu ni là vị tỳ khưu hội đủ tám điều kiện: Là vị có giới, sống thu thúc trong sự thu thúc của giới bổn Pātimokkha, là vị đã được thành tựu về hành xứ,[3] thấy được sự sợ hãi trong những tội nhỏ nhặt, là vị thọ trì và thực hành trong các điều học. Là vị nghe nhiều, ghi nhớ điều đã nghe, tích lũy điều đã nghe, các Pháp nào là toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ, các Pháp có hình thức như thế được nghe nhiều, được thuộc nằm lòng, được ôn tập bằng khẩu, được suy xét bằng tâm, được khéo phân tích bằng kiến thức. Cả hai giới bổn Pātimokkha được khéo truyền thừa một cách chi tiết, khéo được chia chẽ, khéo được thực hành, khéo được xác định theo từng điều học theo từng từ ngữ. Là vị có giọng nói rõ ràng, có cách nói lôi cuốn. Được nhiều tỳ khưu ni quý mến và ưa thích. Có năng lực giáo giới các tỳ khưu ni. Trước đây không có vi phạm tội nghiêm trọng đối với người nữ đã xuất gia mặc y ca-sa theo đức Thế Tôn ấy.[4] Là vị được hai mươi năm hoặc hơn hai mươi năm (thâm niên). Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị tỳ khưu hội đủ tám điều kiện này làm vị giáo giới tỳ khưu ni.

13. Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―

Tỳ khưu: ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Chưa được chỉ định nghĩa là chưa được chỉ định bằng hành sự với lời thông báo đến lần thứ tư.

Tỳ khưu ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.

Giáo giới: vị giáo giới với tám Trọng Pháp thì phạm tội pācittiya. Vị giáo giới với pháp khác thì phạm tội dukkaṭa. Vị giáo giới cô ni tu lên bậc trên từ một hội chúng thì phạm tội dukkaṭa.

14. Vị tỳ khưu được chỉ định ấy nên quét dọn chỗ ngụ, chuẩn bị nước uống nước rửa, sắp đặt chỗ ngồi, sau khi giữ lại vị thứ nhì[5] rồi nên ngồi xuống. Các tỳ khưu ni đi đến nơi ấy nên đảnh lễ vị tỳ khưu ấy rồi nên ngồi xuống ở một bên. Vị tỳ khưu được chỉ định ấy nên hỏi rằng: “Này các sư tỷ, các vị đã đến đầy đủ chưa?”[6] Nếu (các tỳ khưu ni) đáp rằng: “Thưa ngài, chúng tôi đã đến đầy đủ,” (nên hỏi rằng): “Này các sư tỷ, tám Trọng Pháp có được thực hành không?” Nếu (các tỳ khưu ni) đáp rằng: “Thưa ngài, có được thực hành,” (nên nói rằng): “Này các sư tỷ, đây là lời giáo giới” rồi nên ban lời giáo giới. Nếu (các tỳ khưu ni) đáp rằng: “Thưa ngài, không được thực hành,” (các tỳ khưu ni) nên được nhắc lại rằng:

15. “Tỳ khưu ni đã tu lên bậc trên được một trăm năm nên thực hành sự đảnh lễ, đứng dậy chào, chắp tay, phận sự thích hợp đến vị tỳ khưu vừa tu lên bậc trên vào ngày hôm ấy. Đây là pháp cần được thực hành tốt đẹp, thực hành nghiêm chỉnh, tôn trọng, cung kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời. Tỳ khưu ni không nên an cư mùa mưa ở trú xứ không có tỳ khưu. Đây cũng là pháp cần được thực hành tốt đẹp, thực hành nghiêm chỉnh, tôn trọng, cung kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời. Tỳ khưu ni vào mỗi nửa tháng nên mong mỏi hai việc từ hội chúng tỳ khưu: việc hỏi ngày Uposatha và việc đi đến (để nghe) giáo giới. Đây cũng là pháp ―(như trên)― Tỳ khưu ni sau khi mãn mùa (an cư) mưa nên hành lễ Pavāraṇā ở cả hai hội chúng dựa trên ba yếu tố: hoặc do thấy, hoặc do nghe, hoặc vì nghi ngờ. Đây cũng là pháp ―(như trên)― Tỳ khưu ni vi phạm giới nghiêm trọng nên thực hành hành phạt mānatta nửa tháng ở cả hai hội chúng. Đây cũng là pháp ―(như trên)― Cô ni tu tập sự đã thực hành điều học về sáu pháp trong hai năm nên tầm cầu sự tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng. Đây cũng là pháp ―(như trên)― Tỳ khưu ni không vì bất cứ nguyên do gì được phép sỉ vả hoặc chửi rủa tỳ khưu. Đây cũng là pháp ―(như trên)― Kể từ hôm nay, việc khuyên bảo của các tỳ khưu ni đến các tỳ khưu bị ngăn cấm, việc khuyên bảo của các tỳ khưu đến các tỳ khưu ni không bị ngăn cấm. Đây cũng là pháp cần được thực hành tốt đẹp, thực hành nghiêm chỉnh, tôn trọng, cung kính, và không được vi phạm cho đến trọn đời.”

16. Nếu (các tỳ khưu ni) đáp rằng: “Thưa ngài, chúng tôi đã đến đầy đủ,” vị nói về pháp khác thì phạm tội dukkaṭa. Nếu (các tỳ khưu ni) đáp rằng: “Thưa ngài, chúng tôi chưa đầy đủ,”[7] vị nói về tám Trọng Pháp thì phạm tội dukkaṭa. Sau khi không ban lời giáo giới, vị nói về pháp khác thì phạm tội dukkaṭa.

17. Hành sự sai Pháp–nhận biết là hành sự sai Pháp, hội chúng tỳ khưu ni chưa đầy đủ–nhận biết là chưa đầy đủ, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya. Hành sự sai Pháp–nhận biết là hành sự sai Pháp, hội chúng tỳ khưu ni chưa đầy đủ–có sự hoài nghi, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya. Hành sự sai Pháp–nhận biết là hành sự sai Pháp, hội chúng tỳ khưu ni chưa đầy đủ–(lầm tưởng) là đầy đủ, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya.

18. Hành sự sai Pháp–có sự hoài nghi, hội chúng tỳ khưu ni chưa đầy đủ–nhận biết là chưa đầy đủ, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya. Hành sự sai Pháp–có sự hoài nghi, hội chúng tỳ khưu ni chưa đầy đủ–có sự hoài nghi, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya. Hành sự sai Pháp–có sự hoài nghi, hội chúng tỳ khưu ni chưa đầy đủ–(lầm tưởng) là đầy đủ, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya.

19. Hành sự sai Pháp–(lầm tưởng) là hành sự đúng Pháp, hội chúng tỳ khưu ni chưa đầy đủ–nhận biết là chưa đầy đủ, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya. Hành sự sai Pháp–(lầm tưởng) là hành sự đúng Pháp, hội chúng tỳ khưu ni chưa đầy đủ–có sự hoài nghi, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya. Hành sự sai Pháp–(lầm tưởng) là hành sự đúng Pháp, hội chúng tỳ khưu ni chưa đầy đủ–(lầm tưởng) là đầy đủ, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya.

20. Hành sự sai Pháp–nhận biết là hành sự sai Pháp, hội chúng tỳ khưu ni đầy đủ–(lầm tưởng) là chưa đầy đủ, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya. Hành sự sai Pháp–nhận biết là hành sự sai Pháp, hội chúng tỳ khưu ni đầy đủ–có sự hoài nghi, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya. Hành sự sai Pháp–nhận biết là hành sự sai Pháp, hội chúng tỳ khưu ni đầy đủ–(nhận biết là đầy đủ, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya.

21. Hành sự sai Pháp–có sự hoài nghi, hội chúng tỳ khưu ni đầy đủ–(lầm tưởng) là chưa đầy đủ, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya. Hành sự sai Pháp–có sự hoài nghi, hội chúng tỳ khưu ni đầy đủ–có sự hoài nghi, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya. Hành sự sai Pháp–có sự hoài nghi, hội chúng tỳ khưu ni đầy đủ–nhận biết là đầy đủ, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya.

22. Hành sự sai Pháp–(lầm tưởng) là hành sự đúng Pháp, hội chúng tỳ khưu ni đầy đủ–(lầm tưởng) là chưa đầy đủ, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya. Hành sự sai Pháp–(lầm tưởng) là hành sự đúng Pháp, hội chúng tỳ khưu ni đầy đủ–có sự hoài nghi, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya. Hành sự sai Pháp–(lầm tưởng) là hành sự đúng Pháp, hội chúng tỳ khưu ni đầy đủ–nhận biết là đầy đủ, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya.

23. Hành sự đúng Pháp–(lầm tưởng) là hành sự sai Pháp, hội chúng tỳ khưu ni chưa đầy đủ–nhận biết là chưa đầy đủ, vị giáo giới thì phạm tội dukkaṭa. Hành sự đúng Pháp–(lầm tưởng) là hành sự sai Pháp, hội chúng tỳ khưu ni chưa đầy đủ–có sự hoài nghi, vị giáo giới ―(như trên)― –(lầm tưởng) là đầy đủ, vị giáo giới thì phạm tội dukkaṭa.

24. Hành sự đúng Pháp–có sự hoài nghi, hội chúng tỳ khưu ni chưa đầy đủ–nhận biết là chưa đầy đủ, vị giáo giới ―(như trên)― có sự hoài nghi, vị giáo giới ―(như trên)― nhận biết là đầy đủ, vị giáo giới thì phạm tội dukkaṭa.

25. Hành sự đúng Pháp–nhận biết là hành sự đúng Pháp, hội chúng tỳ khưu ni chưa đầy đủ–nhận biết là chưa đầy đủ, vị giáo giới ―(như trên)― có sự hoài nghi, vị giáo giới ―(như trên)― (lầm tưởng) là đầy đủ, vị giáo giới thì phạm tội dukkaṭa.

26. Hành sự đúng Pháp–(lầm tưởng) là hành sự sai Pháp, hội chúng tỳ khưu ni đầy đủ–(lầm tưởng) là chưa đầy đủ, vị giáo giới ―(như trên)― có sự hoài nghi, vị giáo giới ―(như trên)― nhận biết là đầy đủ, vị giáo giới thì phạm tội dukkaṭa.

27. Hành sự đúng Pháp–có sự hoài nghi, hội chúng tỳ khưu ni đầy đủ–(lầm tưởng) là chưa đầy đủ, vị giáo giới ―(như trên)― có sự hoài nghi, vị giáo giới ―(như trên)― nhận biết là đầy đủ, vị giáo giới thì phạm tội dukkaṭa.

28. Hành sự đúng Pháp–nhận biết là hành sự đúng Pháp, hội chúng tỳ khưu ni đầy đủ–(lầm tưởng) là chưa đầy đủ, vị giáo giới thì phạm tội dukkaṭa. Hành sự đúng Pháp–nhận biết là hành sự đúng Pháp, hội chúng tỳ khưu ni đầy đủ–có sự hoài nghi, vị giáo giới thì phạm tội dukkaṭa. Hành sự đúng Pháp–nhận biết là hành sự đúng Pháp, hội chúng tỳ khưu ni đầy đủ–nhận biết là đầy đủ, vị giáo giới thì vô tội.

29. Vị đang ban cho phần đọc tụng,[8] vị đang ban cho phần giải thích,[9] vị nhắc lại khi được nói rằng: “Thưa ngài, xin hãy nhắc lại,” vị hỏi câu hỏi, vị giảng giải khi được hỏi câu hỏi, các tỳ khưu ni lắng nghe vị đang nói vì lợi ích của người khác, vị (giáo giới) cho cô ni tu tập sự, (vị giáo giới) cho Sa-di ni, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học về giáo giới là thứ nhất.

--ooOoo--

6.3.2. ĐIỀU HỌC VỀ (MẶT TRỜI) ĐÃ LẶN

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu trưởng lão giáo giới các tỳ khưu ni theo phiên. Vào lúc bấy giờ là phiên của đại đức Cūḷapanthaka giáo giới các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni đã nói như vầy: - “Bây giờ ngày hôm nay sự giáo giới sẽ là không có hiệu quả. Bây giờ ngài đại đức Cūḷapanthaka sẽ nói đi nói lại chính lời cảm hứng ấy.”

2. Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã đi đến gặp đại đức Cūḷapanthaka, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Cūḷapanthaka rồi ngồi xuống ở một bên. Đại đức Cūḷapanthaka đã nói với các tỳ khưu ni ấy đang ngồi một bên điều này:

- “Này các sư tỷ, các vị đã đến đầy đủ chưa?”

- “Thưa ngài, chúng tôi đã đến đầy đủ.”

- “Này các sư tỷ, tám Trọng Pháp có được thực hành không?”

- “Thưa ngài, có được thực hành.”

- “Này các sư tỷ, đây là lời giáo giới.” Sau khi ban lời trên, vị ấy đã đọc đi đọc lại bài cảm hứng này:

Đối với vị hiền trí có tăng thượng tâm, không bị xao lãng, đang rèn luyện trong các đạo lộ trí tuệ, an tịnh, luôn có niệm, các sự sầu muộn không hiện hữu ở vị như thế ấy.”[10]

3. Các tỳ khưu ni đã nói như vầy: - “Không phải chúng tôi đã nói rằng: ‘Bây giờ ngày hôm nay sự giáo giới sẽ là không có hiệu quả. Bây giờ ngài đại đức Cūḷapanthaka sẽ nói đi nói lại chính lời cảm hứng ấy’ hay sao?” Đại đức Cūḷapanthaka đã nghe được lời nói trao đổi này của các tỳ khưu ni ấy. Khi ấy, đại đức Cūḷapanthaka đã bay lên không trung rồi đi kinh hành trong không trung trên bầu trời, rồi đứng lại, rồi ngồi xuống, rồi nằm xuống, rồi biến thành khói, rồi cháy rực lên, rồi biến mất. Vị ấy nói lên chính bài cảm hứng ấy và nhiều Phật ngôn khác.

Các tỳ khưu ni đã nói như vầy: - “Thưa ngài, thật là kỳ diệu! Thưa ngài, thật là phi thường! Quả thật từ trước đến nay, sự giáo giới cho chúng tôi trước đây không được hiệu quả như vầy, như là (sự giáo giới) của ngài đại đức Cūḷapanthaka!”

4. Sau đó, đại đức Cūḷapanthaka đã giáo giới các tỳ khưu ni ấy cho đến khi trời tối hẳn mới giải tán (nói rằng): - “Này các sư tỷ, hãy đi về.” Khi ấy, cửa thành đã đóng nên các tỳ khưu ni ấy đã trú lại bên ngoài thành đến sáng sớm mới đi vào thành phố. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Các tỳ khưu ni này không còn Phạm hạnh; họ đã ở lại với các tỳ khưu trong tu viện bây giờ mới đi vào thành phố.”

5. Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao đại đức Cūḷapanthaka lại giáo giới các tỳ khưu ni khi mặt trời đã lặn?” ―(như trên)― “Này Cūḷapanthaka, nghe nói ngươi giáo giới các tỳ khưu ni khi mặt trời đã lặn, có đúng không vậy?”

- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này Cūḷapanthaka, vì sao ngươi lại giáo giới các tỳ khưu ni khi mặt trời đã lặn vậy? Này Cūḷapanthaka, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Dầu đã được chỉ định, nếu vị tỳ khưu giáo giới tỳ khưu ni khi mặt trời đã lặn thì phạm tội pācittiya.”

6. Đã được chỉ định nghĩa là đã được chỉ định bằng hành sự với lời thông báo đến lần thứ tư.

Khi mặt trời đã lặn: khi mặt trời đã đi xuống ở bên dưới.

Tỳ khưu ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.

Giáo giới: vị giáo giới với tám Trọng Pháp hoặc với pháp khác thì phạm tội pācittiya.

Khi (mặt trời) đã lặn, nhận biết là đã lặn, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya. Khi (mặt trời) đã lặn, có sự hoài nghi, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya. Khi (mặt trời) đã lặn, (lầm tưởng) là chưa lặn, vị giáo giới thì phạm tội pācittiya.

Vị giáo giới cô ni tu lên bậc trên từ một hội chúng thì phạm tội dukkaṭa. Khi (mặt trời) chưa lặn, (lầm tưởng) là đã lặn, phạm tội dukkaṭa. Khi (mặt trời) chưa lặn, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Khi (mặt trời) chưa lặn, nhận biết là chưa lặn thì vô tội.

Vị đang ban cho phần đọc tụng, vị đang ban cho phần giải thích,vị nhắc lại khi được nói rằng: ‘Thưa ngài, xin hãy nhắc lại,’ vị hỏi câu hỏi, vị giảng giải khi được hỏi câu hỏi, các tỳ khưu ni lắng nghe vị đang nói vì lợi ích của người khác, vị (giáo giới) cho cô ni tu tập sự, (vị giáo giới) cho Sa-di ni, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học về (mặt trời) đã lặn là thứ nhì.

--ooOoo--

6.3.3. ĐIỀU HỌC VỀ CHỖ NGỤ CỦA TỲ KHƯU NI

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự giữa dân chúng dòng Sakya, trong thành Kapilavatthu, tu viện Nigrodha. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sau khi đi đến chỗ ngụ của tỳ khưu ni rồi giáo giới cho các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư. Các tỳ khưu ni đã nói với các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư điều này: - “Này các ni sư, hãy đi. Chúng ta sẽ đi việc giáo giới.”

- “Này các ni sư, chúng tôi cũng nên đi vì lý do giáo giới, tuy nhiên các ngài đại đức nhóm Lục Sư đây giáo giới cho chúng tôi ngay tại đây.”

Các tỳ khưu ni phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư không đi việc giáo giới?”

2, Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư sau khi đi đến chỗ ngụ của tỳ khưu ni lại giáo giới cho các tỳ khưu ni?” ―(như trên)―

- “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi sau khi đi đến chỗ ngụ của tỳ khưu ni rồi giáo giới cho các tỳ khưu ni, có đúng không vậy?”

- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi sau khi đi đến chỗ ngụ của tỳ khưu ni lại giáo giới cho các tỳ khưu ni vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào sau khi đi đến chỗ ngụ của tỳ khưu ni rồi giáo giới cho các tỳ khưu ni thì phạm tội pācittiya.”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

3. Vào lúc bấy giờ, bà Mahāpajāpatī Gotamī bị bệnh. Các tỳ khưu trưởng lão đã đi đến thăm bà Mahāpajāpatī Gotamī, sau khi đến đã nói với bà Mahāpajāpatī Gotamī điều này: - “Này Gotamī, sức khoẻ bà có khá không? Mọi việc có được thuận tiện không?”

- “Thưa các ngài, sức khoẻ tôi không khá. Mọi việc không được thuận tiện. Thưa các ngài, xin hãy giảng Pháp.”

- “Này sư tỷ, sau khi đi đến chỗ ngụ của tỳ khưu ni không được phép giảng Pháp cho các tỳ khưu ni.” Rồi trong lúc ngần ngại đã không thuyết giảng.

4. Sau đó, vào buổi sáng đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, đi đến thăm bà Mahāpajāpatī Gotamī, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã nói với bà Mahāpajāpatī Gotamī điều này: - “Này Gotamī, sức khoẻ bà có khá không? Mọi việc có được thuận tiện không?”

- “Bạch ngài, trước đây các tỳ khưu trưởng lão đi đến gặp con thường giảng Pháp cho con, vì thế con được an lạc. Giờ đây, các vị (nghĩ rằng): ‘Đức Thế Tôn đã ngăn cấm,’ trong lúc ngần ngại không thuyết giảng, vì thế con không được an lạc.

5. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho bà Mahāpajāpatī Gotamī bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép sau khi đi đến chỗ ngụ của tỳ khưu ni được giáo giới tỳ khưu ni bị bệnh. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào sau khi đi đến chỗ ngụ của tỳ khưu ni rồi giáo giới cho các tỳ khưu ni thì phạm tội pācittiya, ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là vị tỳ khưu ni bị bệnh. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.”

6. Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―

Tỳ khưu: ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Chỗ ngụ của tỳ khưu ni nghĩa là nơi nào các tỳ khưu ni cư ngụ dầu chỉ một đêm.

Sau khi đi đến: sau khi đi lại nơi ấy.

Tỳ khưu ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.

Giáo giới: vị giáo giới với tám Trọng Pháp thì phạm tội pācittiya.

Ngoại trừ có duyên cớ: trừ ra có duyên cớ.

Vị tỳ khưu ni bị bệnh nghĩa là không thể đi vì việc giáo giới hoặc vì việc cộng trú.

Người nữ đã tu lên bậc trên, nhận biết là đã tu lên bậc trên, vị sau khi đi đến chỗ ngụ của tỳ khưu ni rồi giáo giới thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ. Người nữ đã tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, vị sau khi đi đến chỗ ngụ của tỳ khưu ni rồi giáo giới thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ. Người nữ đã tu lên bậc trên, (lầm tưởng) là chưa tu lên bậc trên, vị sau khi đi đến chỗ ngụ của tỳ khưu ni rồi giáo giới thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ.

Vị giáo giới bằng pháp khác thì phạm tội dukkaṭa. Vị giáo giới cô ni tu lên bậc trên từ một hội chúng thì phạm tội dukkaṭa.

Người nữ chưa tu lên bậc trên, (lầm tưởng) là đã tu lên bậc trên, phạm tội dukkaṭa. Người nữ chưa tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Người nữ chưa tu lên bậc trên, nhận biết là chưa tu lên bậc trên thì vô tội.

Khi có duyên cớ, vị đang ban cho phần đọc tụng, vị đang ban cho phần giải thích, vị nhắc lại khi được nói rằng: ‘Thưa ngài, xin hãy nhắc lại,’ vị hỏi câu hỏi, vị giảng giải khi được hỏi câu hỏi, các tỳ khưu ni lắng nghe vị đang nói vì lợi ích của người khác, vị (giáo giới) cho cô ni tu tập sự, (vị giáo giới) cho Sa-di ni, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học về chỗ ngụ của tỳ khưu ni là thứ ba.

--ooOoo--

6.3.4. ĐIỀU HỌC VỀ VẬT CHẤT

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu trưởng lão trong khi giáo giới các tỳ khưu ni có nhận được lợi lộc thuộc về các vật dụng như y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và dược phẩm trị bệnh. Các tỳ khưu nhóm Lục Sư nói như vầy: - “Các tỳ khưu trưởng lão không vì tôn kính Pháp mà giáo giới các tỳ khưu ni; các tỳ khưu trưởng lão giáo giới các tỳ khưu ni vì nguyên nhân vật chất.

2. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại phát ngôn như vầy: ‘Các tỳ khưu trưởng lão không vì tôn kính Pháp mà giáo giới các tỳ khưu ni; các tỳ khưu trưởng lão giáo giới các tỳ khưu ni vì nguyên nhân vật chất’?” ―(như trên)―

- “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi phát ngôn như vầy: ‘Các tỳ khưu trưởng lão không vì tôn kính Pháp mà giáo giới các tỳ khưu ni; các tỳ khưu trưởng lão giáo giới các tỳ khưu ni vì nguyên nhân vật chất,’ có đúng không vậy?”

- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại phát ngôn như vầy: ‘Các tỳ khưu trưởng lão không vì tôn kính Pháp mà giáo giới các tỳ khưu ni; các tỳ khưu trưởng lão giáo giới các tỳ khưu ni vì nguyên nhân vật chất’? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào nói như vầy: ‘Các tỳ khưu giáo giới cho các tỳ khưu ni vì nguyên nhân vật chất’ thì phạm tội pācittiya.”

3. Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―

Tỳ khưu: ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Vì nguyên nhân vật chất: vì nguyên nhân y phục, vì nguyên nhân vật thực, vì nguyên nhân chỗ trú ngụ, vì nguyên nhân vật dụng là dược phẩm trị bệnh, vì nguyên nhân tôn trọng, vì nguyên nhân cung kính, vì nguyên nhân tôn vinh, vì nguyên nhân đảnh lễ, vì nguyên nhân cúng dường.

Nói như vầy: Vị có ý định làm mất thể diện, có ý định làm mất danh dự, có ý định làm xấu hổ vị đã tu lên bậc trên được hội chúng chỉ định làm vị giáo giới tỳ khưu ni rồi nói như vầy: “Vị giáo giới vì nguyên nhân y phục, vì nguyên nhân vật thực, vì nguyên nhân chỗ trú ngụ, vì nguyên nhân vật dụng là dược phẩm trị bệnh, vì nguyên nhân tôn trọng, vì nguyên nhân cung kính, vì nguyên nhân tôn vinh, vì nguyên nhân đảnh lễ, vì nguyên nhân cúng dường;” vị nói thì phạm tội pācittiya.

Hành sự sai Pháp, nhận biết là hành sự sai Pháp, vị nói như thế thì phạm tội pācittiya. Hành sự sai Pháp, có sự hoài nghi, vị nói như thế thì phạm tội pācittiya. Hành sự sai Pháp, (lầm tưởng) là hành sự đúng Pháp, vị nói như thế thì phạm tội pācittiya.

Vị có ý định làm mất thể diện, có ý định làm mất danh dự, có ý định làm xấu hổ vị đã tu lên bậc trên không được hội chúng chỉ định làm vị giáo giới tỳ khưu ni rồi nói như vầy: ‘Vị giáo giới vì nguyên nhân y phục, ―(như trên)― vì nguyên nhân cúng dường;’ vị nói thì phạm tội dukkaṭa.

Vị có ý định làm mất thể diện, có ý định làm mất danh dự, có ý định làm xấu hổ vị chưa tu lên bậc trên được hội chúng chỉ định hoặc không được chỉ định làm vị giáo giới tỳ khưu ni rồi nói như vầy: ‘Vị giáo giới vì nguyên nhân y phục, vì nguyên nhân vật thực, vì nguyên nhân chỗ trú ngụ, vì nguyên nhân vật dụng là dược phẩm trị bệnh, vì nguyên nhân tôn trọng, vì nguyên nhân cung kính, vì nguyên nhân tôn vinh, vì nguyên nhân đảnh lễ, vì nguyên nhân cúng dường;’ vị nói thì phạm tội dukkaṭa.

Hành sự sai pháp, (lầm tưởng) là hành sự đúng pháp, phạm tội dukkaṭa. Hành sự sai pháp, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Hành sự sai pháp, nhận biết là hành sự sai pháp, phạm tội dukkaṭa.

Vị nói về vị đang giáo giới theo thói thường vì nguyên nhân y phục, vì nguyên nhân vật thực, vì nguyên nhân chỗ trú ngụ, vì nguyên nhân vật dụng là dược phẩm trị bệnh, vì nguyên nhân tôn trọng, vì nguyên nhân cung kính, vì nguyên nhân tôn vinh, vì nguyên nhân đảnh lễ, vì nguyên nhân cúng dường; vị bị điên; vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học về vật chất là thứ tư.

--ooOoo--

6.3.5. ĐIỀU HỌC VỀ CHO Y

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đi khất thực ở con đường nọ trong thành Sāvatthī. Có vị tỳ khưu ni nọ cũng đi khất thực ở con đường ấy. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã nói với vị tỳ khưu ni ấy điều này: - “Này sư tỷ, hãy đi. Vật thực được bố thí ở chỗ kia.” Vị ni ấy cũng đã nói như vầy: - “Thưa ngài, hãy đi. Vật thực được bố thí ở chỗ kia.” Do sự gặp gỡ thường xuyên, họ đã trở nên thân thiết.

2. Vào lúc bấy giờ, y của hội chúng được chia ra. Khi ấy, vị tỳ khưu ni ấy sau khi đi việc giáo giới đã đi đến gặp vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã đảnh lễ vị tỳ khưu ấy rồi đứng ở một bên. Vị tỳ khưu ấy đã nói với vị tỳ khưu ni ấy đang đứng một bên điều này: - “Này sư tỷ, đây là phần chia y của tôi; chị nên nhận lấy.” - “Thưa ngài, xin vâng. Y của tôi đã tàn tệ.” Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã cho y đến vị tỳ khưu ni ấy. Ngay cả y của vị tỳ khưu ấy cũng đã tàn tệ. Các tỳ khưu đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này: - “Này đại đức, bây giờ hãy làm y của đại đức đi.” Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu.

3. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao tỳ khưu lại cho y đến tỳ khưu ni?” ―(như trên)―

- “Này tỳ khưu, nghe nói ngươi cho y đến tỳ khưu ni, có đúng không vậy?”

- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

- “Này tỳ khưu, là nữ thân quyến của ngươi hay không phải là nữ thân quyến?”

- “Bạch Thế Tôn, không phải là nữ thân quyến.”

- “Này kẻ rồ dại, người nam không phải là thân quyến không biết điều gì thích hợp hay không thích hợp, điều gì đúng hay không đúng đối với người nữ không phải là thân quyến. Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại cho y đến tỳ khưu ni không phải là thân quyến vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào cho y đến tỳ khưu ni không phải là thân quyến thì phạm tội pācittiya.”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

4. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu trong lúc ngần ngại không đưa y ra trao đổi với các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các ngài đại đức lại không đưa y ra trao đổi với chúng tôi?” Các tỳ khưu đã nghe được các tỳ khưu ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép đưa ra trao đổi với năm hạng là tỳ khưu, tỳ khưu ni, cô ni tu tập sự, Sa-di, Sa-di ni. Này các tỳ khưu, ta cho phép đưa ra trao đổi với năm hạng này. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào cho y đến tỳ khưu ni không phải là thân quyến thì phạm tội pācittiya ngoại trừ sự trao đổi.”

5. Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―

Tỳ khưu: ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.

(Người nữ) không phải là thân quyến nghĩa là người nữ không có liên hệ họ hàng cho đến bảy thế hệ tổ tiên từ dòng bên mẹ hoặc từ dòng bên cha.

Tỳ khưu ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.

Y nghĩa là bất cứ loại y nào thuộc về sáu loại y (có kích thước) tối thiểu cần phải chú nguyện để dùng chung.

Ngoại trừ sự trao đổi: trừ ra sự trao đổi, vị cho (y) thì phạm tội pācittiya.

Không phải là nữ thân quyến, nhận biết không phải là nữ thân quyến, vị cho y thì phạm tội pācittiya ngoại trừ sự trao đổi. Không phải là nữ thân quyến, có sự hoài nghi, vị cho y thì phạm tội pācittiya ngoại trừ sự trao đổi. Không phải là nữ thân quyến, (lầm) tưởng là nữ thân quyến, vị cho y thì phạm tội pācittiya ngoại trừ sự trao đổi.

Vị cho y đến cô ni tu lên bậc trên ở một hội chúng thì phạm tội dukkaṭa ngoại trừ sự trao đổi. Là nữ thân quyến, (lầm) tưởng không phải là nữ thân quyến, phạm tội dukkaṭa. Là nữ thân quyến, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Là nữ thân quyến, nhận biết là nữ thân quyến thì vô tội.

Với vị (tỳ khưu ni) là nữ thân quyến, sự trao đổi vật lớn bằng vật nhỏ hoặc vật nhỏ bằng vật lớn, vị tỳ khưu ni lấy do sự thân thiết, vị ni lấy trong một thời hạn, vị cho vật dụng khác ngoại trừ y, (cho đến) cô ni tu tập sự, (cho đến) Sa-di ni, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học về cho y là thứ năm.

--ooOoo--

6.3.6. ĐIỀU HỌC VỀ MAY Y

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu Udāyi là rành rẽ làm công việc may y. Có vị tỳ khưu ni nọ đã đi đến gặp đại đức Udāyi, sau khi đến đã nói với đại đức Udāyi điều này: - “Thưa ngài, tốt thay ngài đại đức hãy may y cho tôi.” Sau đó, đại đức Udāyi đã may y cho tỳ khưu ni ấy, sau khi khéo nhuộm, khéo sửa soạn, đã vẽ lên hình ảnh gợi cảm ở giữa,[11] rồi gấp lại, và để riêng.

2. Sau đó, vị tỳ khưu ni ấy đã đi đến gặp đại đức Udāyi, sau khi đến đã nói với đại đức Udāyi điều này: - “Thưa ngài, y ấy đâu rồi?” - “Này sư tỷ, hãy mang đi và để riêng y này còn được gấp như vầy. Khi nào hội chúng tỳ khưu ni đi đến về việc giáo giới, khi ấy hãy khoác y này lên và đi ở phía sau cùng của hội chúng tỳ khưu ni.”

3. Khi ấy, vị tỳ khưu ni ấy đã mang đi và để riêng y ấy còn được gấp như thế. Đến khi hội chúng tỳ khưu ni đi đến nghe giáo giới, khi ấy mới khoác y ấy lên và đi ở phía sau cùng của hội chúng tỳ khưu ni. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Các tỳ khưu ni này thật là quá quắt, trơ trẽn, vô liêm sĩ bởi vì dám vẽ hình ảnh gợi cảm lên trên y?” Các tỳ khưu ni đã nói như vầy: - “Việc làm này là của ai?” - “Là của ngài đại đức Udāyi.” - “Thậm chí đối với những kẻ quá quắt, trơ trẽn, vô liêm sĩ, hình thức như vầy cũng không thể trưng bày. Chả lẽ lại là của ngài đại đức Udāyi?”

4. Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao đại đức Udāyi lại may y cho tỳ khưu ni?” ―(như trên)―

- “Này Udāyi, nghe nói ngươi may y cho tỳ khưu ni, có đúng không vậy?”

- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

- “Này Udāyi, là nữ thân quyến của ngươi hay không phải là nữ thân quyến?”

- “Bạch Thế Tôn, không phải là nữ thân quyến.”

- “Này kẻ rồ dại, người nam không phải là thân quyến không biết điều gì thích hợp hay không thích hợp, điều gì làm hài lòng hay không làm hài lòng người nữ không phải là thân quyến. Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại may y cho tỳ khưu ni không phải là thân quyến vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào may y hoặc bảo may y cho tỳ khưu ni không phải là thân quyến thì phạm tội pācittiya.”

5. Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―

Tỳ khưu: ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.

(Người nữ) không phải là thân quyến nghĩa là người nữ không có sự liên hệ họ hàng cho đến bảy thế hệ tổ tiên từ dòng bên mẹ hoặc từ dòng bên cha.

Tỳ khưu ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.

Y nghĩa là bất cứ loại y nào thuộc về sáu loại y.

May: vị tự mình may thì phạm tội pācittiya theo từng đường kim.

Bảo may: vị ra lệnh người khác thì phạm tội pācittiya. Được ra lệnh một lần, mặc dầu (vị kia) may nhiều lần vị (ra lệnh) phạm (chỉ một) tội pācittiya.

Không phải là nữ thân quyến, nhận biết không phải là nữ thân quyến, vị may y hoặc bảo may y thì phạm tội pācittiya. Không phải là nữ thân quyến, có sự hoài nghi, vị may y hoặc bảo may y thì phạm tội pācittiya. Không phải là nữ thân quyến, (lầm) tưởng là nữ thân quyến, vị may y hoặc bảo may y thì phạm tội pācittiya.

Vị may y hoặc bảo may y cho cô ni tu lên bậc trên ở một hội chúng thì phạm tội dukkaṭa. Là nữ thân quyến, (lầm) tưởng không phải là nữ thân quyến, phạm tội dukkaṭa. Là nữ thân quyến, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Là nữ thân quyến, nhận biết là nữ thân quyến thì vô tội.

Trường hợp vị (tỳ khưu ni) là nữ thân quyến, vị may hoặc bảo may vật dụng khác ngoại trừ y, (trường hợp) cô ni tu tập sự, (trường hợp) Sa-di ni, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học về may y là thứ sáu.

--ooOoo--

6.3.7. ĐIỀU HỌC VỀ VIỆC HẸN TRƯỚC

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư hẹn trước rồi đi chung đường xa với các tỳ khưu ni. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Giống y như chúng ta đi dạo với vợ, các Sa-môn Thích tử này cũng đi dạo với các tỳ khưu ni y như thế.”

2. Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại hẹn trước rồi đi chung đường xa với các tỳ khưu ni?” ―(như trên)―

- “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi hẹn trước rồi đi chung đường xa với các tỳ khưu ni, có đúng không vậy?”

- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại hẹn trước rồi đi chung đường xa với các tỳ khưu ni vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào hẹn trước rồi đi chung đường xa với vị tỳ khưu ni ngay cả (đi) từ làng này sang làng khác[12] thì phạm tội pācittiya.”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

3. Vào lúc bấy giờ, nhiều tỳ khưu và tỳ khưu ni đi đường xa từ thành Sāketa đến thành Sāvatthī. Khi ấy, các tỳ khưu ni ấy sau khi nhìn thấy các tỳ khưu ấy đã nói điều này: - “Chúng tôi sẽ cùng đi với các ngài đại đức.” - “Này các sư tỷ, không được phép hẹn trước rồi đi chung đường xa với vị tỳ khưu ni. Hoặc là các chị hãy đi trước hoặc là chúng tôi sẽ đi trước.” - “Thưa các ngài, các ngài đại đức là những người cao quý. Chính các ngài đại đức hãy đi trước.”

4. Sau đó, các tỳ khưu ni ấy trong khi đi sau ở giữa đường đã bị bọn đạo tặc cướp bóc còn bị làm ô uế nữa. Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã đi đến thành Sāvatthī và đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép trên con đường cần phải đi chung với đoàn xe, được xác định là có sự nguy hiểm, có sự kinh hoàng, sau khi hẹn trước được đi chung đường xa với vị tỳ khưu ni. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào sau khi hẹn trước rồi đi chung đường xa với vị tỳ khưu ni ngay cả (đi) từ làng này sang làng khác thì phạm tội pācittiya, ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: con đường cần phải đi chung với đoàn xe, được xác định là có sự nguy hiểm, có sự kinh hoàng. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.”

5. Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―

Tỳ khưu: ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Tỳ khưu ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.

Với: cùng chung.

Sau khi hẹn trước: Vị hẹn trước rằng: “Này sư tỷ, chúng ta hãy đi. Thưa ngài, chúng ta hãy đi. Thưa ngài, chúng ta hãy đi. Này sư tỷ, chúng ta hãy đi. Hôm nay hoặc hôm qua hoặc ngày mai chúng ta hãy đi” thì phạm tội dukkaṭa.

Ngay cả từ làng này sang làng khác: Ở ngôi làng trong khoảng cách đi được của con gà trống thì phạm tội pācittiya theo mỗi một khoảng giữa của các ngôi làng. Không phải trong làng, ở trong rừng, thì phạm tội pācittiya theo từng khoảng cách nửa do-tuần.[13]

Ngoại trừ có duyên cớ: trừ ra có duyên cớ.

Con đường cần phải đi chung với đoàn xe nghĩa là con đường không có đoàn xe không thể đi được.

Có sự nguy hiểm nghĩa là trên con đường ấy chỗ cắm trại của bọn cướp được thấy, chỗ ăn được thấy, chỗ đứng được thấy, chỗ ngồi được thấy, chỗ nằm được thấy.

Có sự kinh hoàng nghĩa là trên con đường ấy dân chúng bị giết bởi bọn cướp được thấy, bị cướp giật được thấy, bị đánh đập được thấy. Sau khi đi đến chỗ có sự kinh hoàng, khi nhìn thấy không có sự kinh hoàng thì nên giải tán (nói rằng): ‘Này các sư tỷ, hãy đi đi.’

Khi đã hẹn trước, nhận biết là đã hẹn trước, vị đi chung đường xa ngay cả từ làng này sang làng khác thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ. Khi đã hẹn trước, có sự hoài nghi, vị đi chung đường xa ngay cả từ làng này sang làng khác thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ. Khi đã hẹn trước, (lầm) tưởng là không hẹn trước, vị đi chung đường xa ngay cả từ làng này sang làng khác thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có duyên cớ.

Vị tỳ khưu hẹn trước còn vị tỳ khưu ni không hẹn trước, thì phạm tội dukkaṭa. Khi không hẹn trước, (lầm) tưởng là đã hẹn trước, phạm tội dukkaṭa. Khi không hẹn trước, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Khi không hẹn trước, nhận biết là không hẹn trước thì vô tội.

Khi có duyên cớ, các vị sau khi không hẹn trước rồi đi, vị tỳ khưu ni hẹn trước còn vị tỳ khưu không hẹn trước, các vị đi ngoài giờ hẹn ước, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học về việc hẹn trước là thứ bảy.

--ooOoo--

6.3.8. ĐIỀU HỌC VỀ VIỆC LÊN THUYỀN

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sau khi hẹn trước rồi cùng lên một chiếc thuyền với các tỳ khưu ni. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Giống y như chúng ta du ngoạn với vợ trên một chiếc thuyến, các Sa-môn Thích tử này sau khi hẹn trước rồi du ngoạn với các tỳ khưu ni trên một chiếc thuyến y như thế.”

2. Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư sau khi hẹn trước rồi cùng lên một chiếc thuyền với các tỳ khưu ni?” ―(như trên)―

- “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi sau khi hẹn trước rồi cùng lên một chiếc thuyền với các tỳ khưu ni, có đúng không vậy?”

- “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi sau khi hẹn trước rồi cùng lên một chiếc thuyền với các tỳ khưu ni vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào sau khi hẹn trước rồi cùng với vị tỳ khưu ni lên chung một chiếc thuyền đi ngược dòng hoặc đi xuôi dòng thì phạm tội pācittiya.”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

3. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu và tỳ khưu ni đi đường xa từ thành Sāketa đến thành Sāvatthī. Khoảng giữa đường, có con sông cần phải vượt qua. Khi ấy, các tỳ khưu ni ấy đã nói với các tỳ khưu ấy điều này: - “Chúng tôi sẽ vượt qua cùng với các ngài đại đức.” - “Này các sư tỷ, không được phép hẹn trước rồi cùng lên một chiếc thuyền với vị tỳ khưu ni. Hoặc là các vị hãy vượt qua trước hoặc là chúng tôi sẽ vượt qua trước.” - “Thưa các ngài, các ngài đại đức là những người cao quý. Chính các ngài đại đức hãy vượt qua trước.”

4. Sau đó, các tỳ khưu ni ấy trong khi vượt qua sau đã bị bọn đạo tặc cướp giật còn bị làm ô uế nữa. Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã đi đến thành Sāvatthī và đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép khi vượt ngang qua (sông) sau khi hẹn trước được lên chung một chiếc thuyền với vị tỳ khưu ni. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào sau khi hẹn trước rồi cùng với vị tỳ khưu ni lên chung một chiếc thuyền đi ngược dòng hoặc đi xuôi dòng thì phạm tội pācittiya, ngoại trừ vượt ngang qua (sông).”

5. Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―

Tỳ khưu: ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Tỳ khưu ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.

Với: cùng chung.

Sau khi hẹn trước: Vị hẹn trước rằng: “Này sư tỷ, chúng ta hãy lên (thuyền). Thưa ngài, chúng ta hãy lên (thuyền). Thưa ngài, chúng ta hãy lên (thuyền). Này sư tỷ, chúng ta hãy lên (thuyền). Hôm nay hoặc hôm qua hoặc ngày mai chúng ta hãy lên (thuyền)” thì phạm tội dukkaṭa. Khi vị tỳ khưu ni đã lên (thuyền), vị tỳ khưu lên (thuyền) thì phạm tội pācittiya. Khi vị tỳ khưu đã lên (thuyền), vị tỳ khưu ni lên (thuyền) thì phạm tội pācittiya. Hoặc cả hai cùng lên (thuyền) thì phạm tội pācittiya.

Đi ngược dòng: đi lên phía trên.

Đi xuôi dòng: đi xuống phía dưới.

Ngoại trừ vượt ngang qua (sông): trừ ra sự vượt ngang qua (sông).

Ở ngôi làng trong khoảng cách đi được của con gà trống thì phạm tội pācittiya theo mỗi một khoảng giữa của các ngôi làng. Không phải trong làng, ở trong rừng, thì phạm tội pācittiya theo từng khoảng cách nửa do-tuần. Khi đã hẹn trước, nhận biết là đã hẹn trước, vị lên chung một chiếc thuyền đi ngược dòng hoặc đi xuôi dòng thì phạm tội pācittiya, ngoại trừ vượt ngang qua (sông). Khi đã hẹn trước, có sự hoài nghi, vị lên chung một chiếc thuyền đi ngược dòng hoặc đi xuôi dòng thì phạm tội pācittiya, ngoại trừ vượt ngang qua (sông). Khi đã hẹn trước, (lầm) tưởng là không hẹn trước, vị lên chung một chiếc thuyền đi ngược dòng hoặc đi xuôi dòng thì phạm tội pācittiya, ngoại trừ vượt ngang qua (sông).

Vị tỳ khưu hẹn trước còn vị tỳ khưu ni không hẹn trước, thì phạm tội dukkaṭa. Khi không hẹn trước, (lầm) tưởng là đã hẹn trước, phạm tội dukkaṭa. Khi không hẹn trước, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Khi không hẹn trước, nhận biết là không hẹn trước thì vô tội.

Khi vượt ngang qua (sông), các vị không hẹn trước rồi lên (thuyền), vị tỳ khưu ni hẹn trước còn vị tỳ khưu không hẹn trước, các vị lên (thuyền) ngoài giờ hẹn ước, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học về việc lên thuyền là thứ tám.

--ooOoo--

6.3.9. ĐIỀU HỌC VỀ ĐƯỢC MÔI GIỚI

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu ni Thullanandā là vị thường tới lui với gia đình nọ và là vị nhận vật thực thường kỳ. Và các tỳ khưu trưởng lão đã được gia chủ ấy thỉnh mời. Khi ấy vào buổi sáng, tỳ khưu ni Thullanandā đã mặc y, cầm y bát, đi đến gia đình ấy, sau khi đến đã nói với gia chủ ấy điều này:

- “Này gia chủ, việc gì mà nhiều vật thực loại cứng loại mềm này được chuẩn bị vậy?”

- “Thưa ni sư, tôi đã thỉnh mời các vị trưởng lão.”

- “Này gia chủ, các trưởng lão của ngươi là những vị nào vậy?”

- “Ngài Sāriputta, ngài Mahāmoggallāna, ngài Mahākaccāna, ngài Mahākoṭṭhita, ngài Mahākappina, ngài Mahācunda, ngài Anuruddha, ngài Revata, ngài Upāli, ngài Ānanda, ngài Rāhula.”

- “Này gia chủ, việc gì khiến ngươi lại thỉnh mời những hạng thứ yếu trong khi các khổng long đang còn tồn tại?”

- “Thưa ni sư, những vị nào là các khổng long của cô vậy?”

- “Ngài Devadatta, ngài Kokālika, ngài Kaṭamorakatissako con trai của Khaṇḍadevī, ngài Samuddadatto.”

Lúc này lời nói này của tỳ khưu ni Thullanandā đã bị gián đoạn nửa chừng. Rồi các tỳ khưu trưởng lão đã đi vào. - “Này gia chủ, có đúng là các khổng long đã được ngươi thỉnh mời không?” - “Này ni sư, ngay mới đây cô đã gọi các ngài đại đức là những hạng thứ yếu, bây giờ là các khổng long.” Rồi đã kéo ra khỏi nhà và chấm dứt phần bữa ăn thường kỳ.

2. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao Devadatta trong khi biết vật thực được tỳ khưu ni môi giới cho vẫn thọ thực?” ―(như trên)― “Này Devadatta, nghe nói ngươi trong khi biết vật thực được tỳ khưu ni môi giới cho vẫn thọ thực, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi trong khi biết vật thực được tỳ khưu ni môi giới cho vẫn thọ thực vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào trong khi biết thức ăn được tỳ khưu ni môi giới cho vẫn thọ thực thì phạm tội pācittiya.”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

3. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ xuất gia ở thành Rājagaha đã đi đến gia đình thân quyến. Dân chúng (nói rằng): “Lâu lắm ngài đại đức mới đến,” rồi đã làm bữa ăn thịnh soạn. Có vị tỳ khưu ni thường lui tới với gia đình ấy đã nói với những người ấy điều này: - “Này các đạo hữu, hãy dâng thức ăn đến ngài đại đức.” Khi ấy, vị tỳ khưu ấy (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán thọ thực trong khi biết thức ăn được tỳ khưu ni môi giới cho,” trong khi ngần ngại đã không thọ nhận và không thể đi khất thực nên bữa ăn đã bị lỡ. Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã đi đến tu viện và kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, khi có sự chuẩn bị trước bởi gia chủ ta cho phép thọ thực trong khi biết thức ăn được tỳ khưu ni môi giới cho. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào trong khi biết thức ăn được tỳ khưu ni môi giới cho vẫn thọ thực thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có sự chuẩn bị trước bởi gia chủ.”

4. Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―

Tỳ khưu: ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Biết nghĩa là tự mình biết, hoặc các người khác thông báo cho vị ấy, hoặc vị ni ấy thông báo.

Tỳ khưu ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.

Môi giới cho nghĩa là đối với những người trước đây không có ý định dâng cúng, không có ý định tiếp đãi, vị ni ấy môi giới rằng: “Ngài là vị trì tụng, ngài là vị nghe nhiều, ngài là vị trì Kinh, ngài là vị thông Luật, ngài là vị Pháp sư, hãy dâng cúng đến ngài, hãy phục vụ ngài.”

Thức ăn nghĩa là loại vật thực nào đó thuộc về năm loại vật thực.

Ngoại trừ có sự chuẩn bị trước bởi gia chủ: trừ ra có sự chuẩn bị trước bởi gia chủ.

Có sự chuẩn bị bởi gia chủ nghĩa là các thân quyến, hoặc (những người) đã nói lời thỉnh cầu, hoặc (vật thực) đã được chuẩn bị thường kỳ.


5. Ngoại trừ có sự chuẩn bị trước bởi gia chủ, vị (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ ăn,’ rồi thọ lãnh thì phạm tội dukkaṭa. Mỗi một lần nuốt xuống thì phạm tội pācittiya.

Khi được môi giới cho, nhận biết đã được môi giới cho, vị thọ thực thì phạm tội pācittiya ngoại trừ có sự chuẩn bị trước bởi gia chủ. Khi được môi giới cho, có sự hoài nghi, vị thọ thực thì phạm tội dukkaṭa ngoại trừ có sự chuẩn bị trước bởi gia chủ. Khi được môi giới cho, (lầm) tưởng là không được môi giới cho, vị thọ thực thì vô tội ngoại trừ có sự chuẩn bị trước bởi gia chủ.

Được vị ni tu lên bậc trên từ một hội chúng môi giới cho, vị thọ thực thì phạm tội dukkaṭa ngoại trừ có sự chuẩn bị trước bởi gia chủ. Khi không được môi giới cho, (lầm) tưởng là đã được môi giới cho, phạm tội dukkaṭa. Khi không được môi giới cho, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Khi không được môi giới cho, nhận biết là không được môi giới cho thì vô tội.

Khi có sự chuẩn bị trước bởi gia chủ, cô ni tu tập sự môi giới cho, vị Sa-di ni môi giới cho, tất cả (các thức khác) trừ ra năm loại vật thực, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học về được môi giới là thứ chín.

--ooOoo--

6.3.10. ĐIỀU HỌC VỀ NGỒI NƠI KÍN ĐÁO

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, người vợ cũ của đại đức Udāyi đã xuất gia nơi các tỳ khưu ni. Tỳ khưu ni ấy thường xuyên đi đến gặp đại đức Udāyi. Đại đức Udāyi cũng thường xuyên đi đến gặp tỳ khưu ni ấy. Vào lúc bấy giờ, đại đức Udāyi đã cùng với tỳ khưu ni ấy một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo.

Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao đại đức Udāyi lại cùng với tỳ khưu ni một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo?” ―(như trên)― “Này Udāyi, nghe nói ngươi cùng với tỳ khưu ni một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại cùng với tỳ khưu ni một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào cùng với tỳ khưu ni một nam một nữ ngồi ở nơi kín đáo thì phạm tội pācittiya.”

3. Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―

Tỳ khưu: ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Tỳ khưu ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.

Với: cùng chung.

Một nam một nữ: chỉ có vị tỳ khưu và vị tỳ khưu ni.

Kín đáo: nghĩa là kín đáo đối với mắt, kín đáo đối với tai. Kín đáo đối với mắt: nghĩa là không thể nhìn thấy trong khi bị che mắt lại, trong khi nhướng mày, trong khi ngẩng đầu lên. Kín đáo đối với tai: nghĩa là không thể nghe lời nói (với giọng) bình thường.

Ngồi: Khi vị tỳ khưu ni đang ngồi, vị tỳ khưu ngồi gần hoặc nằm gần thì phạm tội pācittiya. Trong khi vị tỳ khưu đang ngồi, vị tỳ khưu ni ngồi gần hoặc nằm gần thì phạm tội pācittiya. Hoặc cả hai đang ngồi hoặc cả hai đang nằm thì phạm tội pācittiya.

Chỗ kín đáo, nhận biết là chỗ kín đáo, vị ngồi xuống một nam một nữ thì phạm tội pācittiya. Chỗ kín đáo, có sự hoài nghi, vị ngồi xuống một nam một nữ thì phạm tội pācittiya. Chỗ kín đáo, (lầm) tưởng là chỗ không kín đáo, vị ngồi xuống một nam một nữ thì phạm tội pācittiya.

Chỗ không kín đáo, (lầm) tưởng là chỗ kín đáo, phạm tội dukkaṭa. Chỗ không kín đáo, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Chỗ không kín đáo, nhận biết là chỗ không kín đáo thì vô tội.

Có bất cứ người nam nào có trí suy xét là người thứ nhì, vị đứng không ngồi, không mong mỏi chỗ kín đáo, đang bận tâm chuyện khác rồi ngồi xuống, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học về ngồi nơi kín đáo là thứ mười.

Phẩm Giáo Giới là thứ ba.

--ooOoo--

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

Vị chưa được chỉ định, (mặt trời) đã lặn, chỗ ngụ của tỳ khưu ni, vì vật chất, với việc cho (y), vị may (y), (hẹn nhau đi) đường xa, (chung) thuyền, vị có thể thọ thực, một nam và một nữ, các điều ấy là mười.

--ooOoo--