8.6. Phẩm Tiếng Sột Sột

  1. Điều học thứ nhất
  2. Điều học thứ nhì
  3. Điều học thứ ba
  4. Điều học thứ tư
  5. Điều học thứ năm
  6. Điều học thứ sáu
  7. Điều học thứ bảy
  8. Điều học thứ tám
  9. Điều học thứ chín
  10. Điều học thứ mười

8.6.1.

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Kosambī, ở tu viện Ghosita. Vào lúc bấy giờ, món nước sữa được chuẩn bị cho hội chúng bởi người Bà-la-môn nọ. Các vị tỳ khưu uống sữa làm tiếng kêu sột sột. Có vị tỳ khưu nọ trước kia là kịch sĩ đã nói như vầy: - “Tôi nghĩ rằng toàn thể hội chúng này bị lạnh.” Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao vị tỳ khưu lại làm trò đùa giỡn liên quan đến hội chúng?” ―(như trên)― “Này tỳ khưu, nghe nói ngươi làm trò đùa giỡn liên quan đến hội chúng, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại làm trò đùa giỡn liên quan đến hội chúng vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Sau khi khiển trách, ngài đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, không nên làm trò đùa giỡn liên quan đến đức Phật, hoặc đến Giáo Pháp, hoặc đến Hội Chúng; vị nào làm thì phạm tội dukkaṭa. Sau đó, đức Thế Tôn đã khiển trách vị tỳ khưu ấy bằng nhiều phương thức về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“‘Ta sẽ không thọ thực có làm tiếng sột sột’ là việc học tập nên được thực hành.”

2. Không nên thọ thực có làm tiếng sột sột. Vị nào thọ thực có làm tiếng sột sột do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

3. Không cố ý, ―(như trên)― vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ nhất.

--ooOoo--

8.6.2.

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư thọ thực có sự liếm tay. ―(như trên)―

“‘Ta sẽ không thọ thực có sự liếm tay’ là việc học tập nên được thực hành.”

2. Không nên thọ thực có sự liếm tay. Vị nào thọ thực có sự liếm tay do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

3. Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ nhì.

--ooOoo--

8.6.3.

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư thọ thực có sự nạo vét bình bát.[11] ―(như trên)―

“‘Ta sẽ không thọ thực có sự nạo vét bình bát’ là việc học tập nên được thực hành.”

2. Không nên thọ thực có sự nạo vét bình bát. Vị nào thọ thực có sự nạo vét bình bát do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

3. Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, sau khi gom chung phần ít ỏi còn sót lại vét ra ngoài rồi thọ dụng, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ ba.

--ooOoo--

8.6.4.

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư thọ thực có sự liếm môi. ―(như trên)―

“‘Ta sẽ không thọ thực có sự liếm môi’ là việc học tập nên được thực hành.”

2. Không nên thọ thực có sự liếm môi. Vị nào thọ thực có sự liếm môi do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

3. Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ tư.

--ooOoo--

8.6.5.

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại xứ Bhagga, trong thành Susumāragira, ở rừng Bhesakalā, chỗ vườn nai. Vào lúc bấy giờ, ở tòa lâu đài của Kokanada các vị tỳ khưu thọ lãnh tô nước uống bằng bàn tay có dính thức ăn. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại thọ lãnh tô nước uống bằng bàn tay có dính thức ăn giống như những kẻ tại gia hưởng dục vậy?”

2. Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu lại thọ lãnh tô nước uống bằng bàn tay có dính thức ăn?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi thọ lãnh tô nước uống bằng bàn tay có dính thức ăn, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy lại thọ lãnh tô nước uống bằng bàn tay có dính thức ăn vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“‘Ta sẽ không thọ lãnh tô nước uống bằng bàn tay có dính thức ăn’ là việc học tập nên được thực hành.”

3. Không nên thọ lãnh tô nước uống bằng bàn tay có dính thức ăn. Vị nào thọ lãnh tô nước uống bằng bàn tay có dính thức ăn do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

4. Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, vị thọ lãnh (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ rửa’ hoặc ‘Ta sẽ bảo (người khác) rửa,’ trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ năm.

--ooOoo--

8.6.6.

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại xứ Bhagga, trong thành Susumāragira, ở rừng Bhesakalā, chỗ vườn nai. Vào lúc bấy giờ, ở tòa lâu đài của Kokanada các vị tỳ khưu đổ bỏ nước rửa bình bát có lẫn cơm ở nơi xóm nhà. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại đổ bỏ nước rửa bình bát có lẫn cơm ở nơi xóm nhà giống như những kẻ tại gia hưởng dục vậy?”

2. Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu lại đổ bỏ nước rửa bình bát có lẫn cơm ở nơi xóm nhà?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi đổ bỏ nước rửa bình bát có lẫn cơm ở nơi xóm nhà, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy lại đổ bỏ nước rửa bình bát có lẫn cơm ở nơi xóm nhà vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“‘Ta sẽ không đổ bỏ nước rửa bình bát có lẫn cơm ở nơi xóm nhà’ là việc học tập nên được thực hành.”

3. Không nên đổ bỏ nước rửa bình bát có lẫn cơm ở nơi xóm nhà. Vị nào đổ bỏ nước rửa bình bát có lẫn cơm ở nơi xóm nhà do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

4. Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, sau khi đã vớt ra (các hột cơm) hoặc sau khi làm nhừ nát hoặc (đổ vào) ở đồ chứa hoặc đem ra bên ngoài rồi đổ bỏ, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ sáu.

--ooOoo--

8.6.7.

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư thuyết Pháp đến người có dù ở bàn tay. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại thuyết Pháp đến người có dù ở bàn tay?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi thuyết Pháp đến người có dù ở bàn tay, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại thuyết Pháp đến người có dù ở bàn tay vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“‘Ta sẽ không thuyết Pháp đến người có dù ở bàn tay’ là việc học tập nên được thực hành.”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

2. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ngần ngại thuyết Pháp đến người bị bệnh có dù ở bàn tay rồi không thuyết. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại không thuyết Pháp đến người bị bệnh có dù ở bàn tay?” Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép thuyết Pháp đến người bị bệnh có dù ở bàn tay. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Ta sẽ không thuyết Pháp đến người không bị bệnh có dù ở bàn tay’ là việc học tập nên được thực hành.”

3. Dù nghĩa là có ba loại dù: dù trắng, dù bằng sậy, dù bằng lá được buộc theo vòng tròn, được buộc bằng các thanh cây dẹp.

Pháp nghĩa là được giảng bởi đức Phật, được giảng bởi các vị Thinh Văn, được giảng bởi các vị ẩn sĩ, được giảng bởi chư Thiên có liên quan đến mục đích có liên quan đến Giáo Pháp.

Thuyết: vị thuyết theo câu thì phạm tội dukkaṭa theo mỗi một câu. Vị thuyết theo từ thì phạm tội dukkaṭa theo mỗi một từ.

4. Không nên thuyết Pháp đến người không bị bệnh có dù ở bàn tay. Vị nào thuyết Pháp đến người không bị bệnh có dù ở bàn tay do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

5. Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ bảy.

--ooOoo--

8.6.8.

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư thuyết Pháp đến người có gậy ở bàn tay. ―(như trên)―

“‘Ta sẽ không thuyết Pháp đến người không bị bệnh có gậy ở bàn tay’ là việc học tập nên được thực hành.”

2. Gậy nghĩa là gậy dài bốn cánh tay của người đàn ông bậc trung (khoảng hai mét), dài hơn không phải là gậy, ngắn hơn không phải là gậy.

Không nên thuyết Pháp đến người không bị bệnh có gậy ở bàn tay. Vị nào thuyết Pháp đến người không bị bệnh có gậy ở bàn tay do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

3. Không cố ý, ―(như trên)― vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ tám.

--ooOoo--

8.6.9.

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư thuyết Pháp đến người có dao ở bàn tay. ―(như trên)―

“‘Ta sẽ không thuyết Pháp đến người không bị bệnh có dao ở bàn tay’ là việc học tập nên được thực hành.”

2. Dao nghĩa là vũ khí có lưỡi một bên, có lưỡi hai bên.

Không nên thuyết Pháp đến người không bị bệnh có dao ở bàn tay. Vị nào thuyết Pháp đến người không bị bệnh có dao ở bàn tay do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

3. Không cố ý, ―(như trên)― vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ chín.

--ooOoo--

8.6.10.

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư thuyết Pháp đến người có vũ khí ở bàn tay. ―(như trên)―

“‘Ta sẽ không thuyết Pháp đến người không bị bệnh có vũ khí ở bàn tay’ là việc học tập nên được thực hành.”

2. Vũ khí nghĩa là cây cung, cây nỏ.

Không nên thuyết Pháp đến người không bị bệnh có vũ khí ở bàn tay. Vị nào thuyết Pháp đến người không bị bệnh có vũ khí ở bàn tay do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

3. Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ mười.

Phẩm Tiếng Sột Sột là thứ sáu.

--ooOoo--