Bạch chư đại đức, bốn điều pāṭidesanīya này được đưa ra đọc tụng.

  1. Điều học pāṭidesanīya thứ nhất
  2. Điều học pāṭidesanīya thứ nhì
  3. Điều học pāṭidesanīya thứ ba
  4. Điều học pāṭidesanīya thứ tư

7.1. ĐIỀU HỌC PĀṬIDESANĪYA THỨ NHẤT

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ sau khi đi khất thực ở trong thành Sāvatthī đến lúc đi trở về đã nhìn thấy vị tỳ khưu nọ và đã nói điều này: - “Này ngài đại đức, hãy nhận lãnh vật thực.” - “Này sư tỷ, tốt lắm!” Rồi đã nhận lãnh hết tất cả. Khi thời giờ đã kề cận, vị ni ấy đã không thể đi khất thực nên bữa ăn đã bị lỡ. Sau đó, vào ngày thứ nhì―(như trên)― vào ngày thứ ba, vị tỳ khưu ni ấy sau khi đi khất thực ở trong thành Sāvatthī đến lúc đi trở về đã nhìn thấy vị tỳ khưu ấy và đã nói điều này: - “Này ngài đại đức, hãy nhận lãnh vật thực.” - “Này sư tỷ, tốt lắm!” Rồi đã nhận lãnh hết tất cả. Khi thời giờ đã kề cận, vị ni ấy đã không thể đi khất thực nên bữa ăn đã bị lỡ.

2. Sau đó vào ngày thứ tư, vị tỳ khưu ni ấy run lập cập đi trên đường. Người gia chủ đại phú đang đi xe ngược chiều đã nói với vị tỳ khưu ni ấy điều này: - “Này ni sư, hãy tránh ra.” Vị ni ấy trong lúc bước xuống đã bị té ngã ngay tại chỗ ấy. Người gia chủ đại phú đã xin lỗi vị tỳ khưu ni ấy: - “Thưa ni sư, xin hãy thứ lỗi. Ni sư đã bị tôi làm té ngã.” - “Này gia chủ, không phải ta đã bị ngươi làm té ngã mà chính vì ta đây đuối sức.” - “Thưa ni sư, vì sao ni sư đuối sức?” Khi ấy, vị tỳ khưu ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho người gia chủ đại phú. Người gia chủ đại phú ấy đã đưa vị tỳ khưu ni ấy về nhà, dâng thức ăn, rồi phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các ngài đại đức lại nhận lãnh vật thực từ tay của tỳ khưu ni? Là người nữ có lợi lộc khó khăn!”

3. Các tỳ khưu đã nghe được người gia chủ đại phú phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao tỳ khưu lại nhận lãnh vật thực từ tay của tỳ khưu ni?” ―(như trên)― “Này tỳ khưu, nghe nói ngươi nhận lãnh vật thực từ tay của tỳ khưu ni, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” - “Này tỳ khưu, là nữ thân quyến của ngươi hay không phải là nữ thân quyến?” - “Bạch Thế Tôn, không phải là nữ thân quyến.” - “Này kẻ rồ dại, người nam không phải là thân quyến không biết điều gì thích hợp hay không thích hợp, điều gì đúng hay không đúng đối với người nữ không phải là thân quyến. Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại nhận lãnh vật thực từ tay tỳ khưu ni không phải là thân quyến vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Vị tỳ khưu nào tự tay nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm từ tay tỳ khưu ni không phải là thân quyến đã đi vào xóm nhà, rồi nhai hoặc ăn thì vị tỳ khưu ấy nên thú nhận rằng: ‘Bạch chư đại đức, tôi đã vi phạm tội đáng chê trách, không có lợi ích, cần phải thú nhận; tôi xin thú nhận tội ấy.’”

4. Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―

Tỳ khưu: ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.

(Người nữ) không phải là thân quyến nghĩa là người nữ không có liên hệ họ hàng cho đến bảy thế hệ tổ tiên từ dòng bên mẹ hoặc từ dòng bên cha.

Tỳ khưu ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.

Xóm nhà nghĩa là con đường có xe cộ, ngõ cụt, giao lộ, căn nhà.

Vật thực cứng nghĩa là trừ ra năm loại vật thực, vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày, và vật dùng suốt đời; phần còn lại gọi là vật thực cứng.

Vật thực mềm nghĩa là năm loại vật thực (gồm có) cơm, súp, bánh, cá, thịt. Vị (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ nhai, ta sẽ ăn’ rồi thọ nhận thì phạm tội dukkaṭa. Mỗi một lần nuốt xuống thì phạm tội pāṭidesanīya.

Không phải là nữ thân quyến, nhận biết không phải là nữ thân quyến, vị tự tay nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm từ tay của vị ni đã đi vào xóm nhà rồi nhai hoặc ăn thì phạm tội pāṭidesanīya. Không phải là nữ thân quyến, có sự hoài nghi, vị tự tay nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm từ tay của vị ni đã đi vào xóm nhà rồi nhai hoặc ăn thì phạm tội pāṭidesanīya. Không phải là nữ thân quyến, (lầm) tưởng là nữ thân quyến, vị tự tay nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm từ tay của vị ni đã đi vào xóm nhà rồi nhai hoặc ăn thì phạm tội pāṭidesanīya.

Vị nhận lãnh vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày, vật dùng suốt đời vì mục đích vật thực thì phạm tội dukkaṭa. Mỗi một lần nuốt xuống thì phạm tội dukkaṭa. Vị (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ nhai, ta sẽ ăn’ rồi nhận lãnh từ tay của vị ni tu lên bậc trên từ một hội chúng thì phạm tội dukkaṭa. Mỗi một lần nuốt xuống thì phạm tội dukkaṭa.

Nữ thân quyến, (lầm) tưởng không phải là nữ thân quyến, phạm tội dukkaṭa. Nữ thân quyến, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Nữ thân quyến, nhận biết là nữ thân quyến thì vô tội.

Từ vị (tỳ khưu ni) là nữ thân quyến, (vị ni) bảo (người khác) trao cho chứ không tự trao cho, (vị ni) sau khi để xuống rồi cho, ở trong tu viện, ở chỗ trú ngụ của các tỳ khưu ni, ở chỗ ngủ của các tu sĩ ngoại đạo, khi đi trở về, (vị ni) mang từ làng về rồi cho, (vị ni) cho vật dùng đến hết đêm vật dùng trong bảy ngày vật dùng suốt đời (nói rằng): ‘Hãy thọ dụng khi có duyên cớ,’ từ cô ni tu tập sự, từ Sa-di ni, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học pāṭidesanīya thứ nhất.

--ooOoo--

7. 2. ĐIỀU HỌC PĀṬIDESANĪYA THỨ NHÌ

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu được thỉnh mời đang thọ thực ở các gia đình. Các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư đứng hướng dẫn sự phục vụ đến các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nói rằng): - “Hãy dâng xúp ở đây, hãy dâng cơm ở chỗ này.” Các tỳ khưu nhóm Lục Sư thọ thực theo như ý thích. Các tỳ khưu khác thọ thực không được như ý. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư không ngăn cản các tỳ khưu ni đang hướng dẫn sự phục vụ?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi không ngăn cản các tỳ khưu ni đang hướng dẫn sự phục vụ, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― “Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại không ngăn cản các tỳ khưu ni đang hướng dẫn sự phục vụ vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Trường hợp các tỳ khưu được thỉnh mời thọ thực ở các gia đình. Nếu tại nơi ấy có vị tỳ khưu ni đứng hướng dẫn sự phục vụ (nói rằng): ‘Hãy dâng xúp ở đây, hãy dâng cơm ở chỗ này.’ Vị tỳ khưu ni ấy nên bị từ chối bởi các tỳ khưu ấy (nói rằng): ‘Này sư tỷ, hãy lui ra cho đến khi nào các tỳ khưu thọ thực xong.’ Nếu không một vị tỳ khưu nào lên tiếng để từ chối tỳ khưu ni ấy (nói rằng): ‘Này sư tỷ, hãy lui ra cho đến khi nào các tỳ khưu thọ thực xong’ thì các tỳ khưu ấy nên thú nhận rằng: ‘Bạch chư đại đức, chúng tôi đã vi phạm tội đáng chê trách, không có lợi ích, cần phải thú nhận; chúng tôi xin thú nhận tội ấy.’’’

2. Trường hợp các tỳ khưu được thỉnh mời thọ thực ở các gia đình: Gia đình nghĩa là có bốn loại gia đình: gia đình Sát-đế-lỵ, gia đình Bà-la-môn, gia đình thương buôn, và gia đình hạng cùng đinh.

Được thỉnh mời thọ thực: được thỉnh mời thọ thực loại vật thực nào đó thuộc về năm loại vật thực.

Tỳ khưu ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.

(Vị ni) đang hướng dẫn sự phục vụ nghĩa là (nói rằng): ‘Hãy dâng xúp ở đây, hãy dâng cơm ở chỗ này’ thuận theo tình bạn bè, thuận theo sự đồng quan điểm, thuận theo sự thân thiết, thuận theo sự có chung thầy tế độ, thuận theo sự có chung thầy dạy học; điều này gọi là (vị ni) đang hướng dẫn sự phục vụ.

Bởi các tỳ khưu ấy: bởi các vị tỳ khưu đang thọ thực.

Vị tỳ khưu ni ấy: là vị tỳ khưu ni đang hướng dẫn sự phục vụ. Các tỳ khưu ấy nên từ chối vị tỳ khưu ni ấy (nói rằng): ‘Này sư tỷ, hãy lui ra cho đến khi nào các tỳ khưu thọ thực xong.’ Nếu không một vị tỳ khưu nào từ chối, vị (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ nhai, ta sẽ ăn’ rồi nhận lãnh thì phạm tội dukkaṭa. Mỗi một lần nuốt xuống thì phạm tội pāṭidesanīya.

Người nữ đã tu lên bậc trên, nhận biết là đã tu lên bậc trên, vị không ngăn cản vị ni đang hướng dẫn sự phục vụ thì phạm tội pāṭidesanīya. Người nữ đã tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, vị không ngăn cản vị ni đang hướng dẫn sự phục vụ thì phạm tội pāṭidesanīya. Người nữ đã tu lên bậc trên, (lầm tưởng) là chưa tu lên bậc trên, vị không ngăn cản vị ni đang hướng dẫn sự phục vụ thì phạm tội pāṭidesanīya.

Vị không ngăn cản vị ni tu lên bậc trên từ một hội chúng đang hướng dẫn sự phục vụ thì phạm tội dukkaṭa. Người nữ chưa tu lên bậc trên, (lầm tưởng) là đã tu lên bậc trên, phạm tội dukkaṭa. Người nữ chưa tu lên bậc trên, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Người nữ chưa tu lên bậc trên, nhận biết là chưa tu lên bậc trên thì vô tội.

(Vị tỳ khưu ni) bảo (người khác) dâng chớ không tự dâng bữa ăn của bản thân, (vị ni) tự dâng chớ không bảo dâng bữa ăn của những người khác, (vị ni) bảo dâng vật chưa được dâng, (vị ni) bảo dâng nơi nào chưa được dâng, (vị ni) bảo dâng đồng đều cho tất cả, cô ni tu tập sự hướng dẫn sự phục vụ, vị Sa-di ni hướng dẫn sự phục vụ, trừ ra năm loại vật thực còn tất cả (các thức khác) không phạm tội, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học pāṭidesanīya thứ nhì.

--ooOoo--

7. 3. ĐIỀU HỌC PĀṬIDESANĪYA THỨ BA

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, ở trong thành Sāvatthī có gia đình nọ cả hai (vợ chồng) đều mộ đạo, tăng trưởng về đức tin, và dứt bỏ về của cải. Ở trong gia đình ấy, khi có vật thực cứng hoặc vật thực mềm gì phát sanh trước bữa ăn, họ đều phân phát tất cả vật thực ấy đến các vị tỳ khưu, đôi lúc họ không còn gì (để ăn). Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại thọ lãnh không biết chừng mực? Những người này sau khi bố thí cho các vị này đôi lúc không còn gì (để ăn).” Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

2. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, (trường hợp) gia đình nào tăng trưởng về đức tin và dứt bỏ về của cải, ta cho phép ban cho sự công nhận là bậc hữu học đến gia đình có hiện trạng như thế bằng hành sự với lời thông báo đến lần thứ nhì. Và này các tỳ khưu, nên ban cho như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

3. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Gia đình tên (như vầy) tăng trưởng về đức tin và dứt bỏ về của cải. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ban cho sự công nhận là bậc hữu học đến gia đình tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Gia đình tên (như vầy) tăng trưởng về đức tin và dứt bỏ về của cải. Hội chúng ban cho sự công nhận là bậc hữu học đến gia đình tên (như vầy). Đại đức nào đồng ý với việc ban cho sự công nhận là bậc hữu học đến gia đình tên (như vầy) xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Sự công nhận là bậc hữu học đã được hội chúng ban cho đến gia đình tên (như vầy). Sự việc được hội chúng đồng ý nên im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Trường hợp các gia đình đã được công nhận là bậc hữu học, vị tỳ khưu nào tự tay nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm ở các gia đình đã được công nhận là bậc hữu học theo hình thức như thế, rồi nhai hoặc ăn thì vị tỳ khưu ấy nên thú nhận rằng: ‘Bạch chư đại đức, tôi đã vi phạm tội đáng chê trách, không có lợi ích, cần phải thú nhận; tôi xin thú nhận tội ấy.’”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

4. Vào lúc bấy giờ, ở thành Sāvatthī có lễ hội. Dân chúng thỉnh mời các tỳ khưu rồi dâng vật thực. Gia đình ấy cũng đã thỉnh mời các tỳ khưu. Các tỳ khưu trong lúc ngần ngại không nhận lời (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán tự tay nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm ở các gia đình đã được công nhận là bậc hữu học rồi nhai hoặc ăn.” Những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Có điều gì với cuộc sống của chúng tôi khiến các ngài đại đức không thọ lãnh của chúng tôi?” Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

5. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, với vị đã được thỉnh mời ta cho phép tự tay nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm ở các gia đình đã được công nhận là bậc hữu học rồi nhai hoặc ăn. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Trường hợp các gia đình đã được công nhận là bậc hữu học, vị tỳ khưu nào không được thỉnh mời trước, tự tay nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm ở các gia đình đã được công nhận là bậc hữu học theo hình thức như thế, rồi nhai hoặc ăn thì vị tỳ khưu ấy nên thú nhận rằng: ‘Bạch chư đại đức, tôi đã vi phạm tội đáng chê trách, không có lợi ích, cần phải thú nhận; tôi xin thú nhận tội ấy.’”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

6. Vào lúc bấy giờ, có tỳ khưu nọ là vị thường lui tới với gia đình ấy. Khi ấy vào buổi sáng, vị tỳ khưu ấy đã mặc y cầm y bát đi đến gia đình ấy, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Vào lúc bấy giờ, vị tỳ khưu ấy bị bệnh. Khi ấy, những người ấy đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này: - “Thưa ngài, xin hãy thọ thực.” Khi ấy, vị tỳ khưu ấy (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán vị không được thỉnh mời tự tay nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm ở các gia đình đã được công nhận là bậc hữu học rồi nhai hoặc ăn,” trong lúc ngần ngại đã không thọ lãnh và đã không thể đi khất thực nên bữa ăn đã bị lỡ. Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã đi về tu viện và kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ­ấy, nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, với vị tỳ khưu bị bệnh ta cho phép tự tay nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm ở các gia đình đã được công nhận là bậc hữu học rồi nhai hoặc ăn. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Trường hợp các gia đình đã được công nhận là bậc hữu học, vị tỳ khưu nào không được thỉnh mời trước, không bị bệnh, tự tay nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm ở các gia đình đã được công nhận là bậc hữu học theo hình thức như thế, rồi nhai hoặc ăn thì vị tỳ khưu ấy nên thú nhận rằng: ‘Bạch chư đại đức, tôi đã vi phạm tội đáng chê trách, không có lợi ích, cần phải thú nhận; tôi xin thú nhận tội ấy.’”

8. Trường hợp các gia đình đã được công nhận là bậc hữu học: Gia đình đã được công nhận là bậc hữu học nghĩa là gia đình nào tăng trưởng về đức tin, dứt bỏ về của cải, và sự công nhận là bậc hữu học bằng hành sự với lời thông báo đến lần thứ nhì đã được ban cho gia đình có hiện trạng như thế.

Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―

Tỳ khưu: ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Ở các gia đình đã được công nhận là bậc hữu học theo hình thức như thế: ở các gia đình đã được công nhận là bậc hữu học theo hình thức như vậy.

Không được thỉnh mời nghĩa là không được thỉnh mời vào ngày nay hoặc ngày mai, họ thỉnh mời khi (vị tỳ khưu) đi vào vùng phụ cận của ngôi nhà; việc này gọi là không được thỉnh mời.

Được thỉnh mời nghĩa là được thỉnh mời vào ngày nay hoặc ngày mai, họ thỉnh mời khi (vị tỳ khưu) không đi vào vùng phụ cận của ngôi nhà; việc này gọi là được thỉnh mời.

Không bị bệnh nghĩa là có thể đi khất thực.

Bị bệnh nghĩa là không thể đi khất thực.

Vật thực cứng nghĩa là trừ ra năm loại vật thực, vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày, và vật dùng suốt đời; phần còn lại gọi là vật thực cứng.

Vật thực mềm nghĩa là năm loại vật thực (gồm có) cơm, súp, bánh, cá, thịt. Vị không được thỉnh mời, không bị bệnh (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ nhai, ta sẽ ăn’ rồi thọ nhận thì phạm tội dukkaṭa. Mỗi một lần nuốt xuống thì phạm tội pāṭidesanīya.

Đã được công nhận là bậc hữu học, nhận biết đã được công nhận là bậc hữu học, vị không được thỉnh mời, không bị bệnh, tự tay nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm rồi nhai hoặc ăn thì phạm tội pāṭidesanīya. Đã được công nhận là bậc hữu học, có sự hoài nghi, vị không được thỉnh mời, không bị bệnh, tự tay nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm rồi nhai hoặc ăn thì phạm tội pāṭidesanīya. Đã được công nhận là bậc hữu học, (lầm tưởng) chưa được công nhận là bậc hữu học, vị không được thỉnh mời, không bị bệnh, tự tay nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm rồi nhai hoặc ăn thì phạm tội pāṭidesanīya.

Vị nhận lãnh vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày, vật dùng suốt đời vì mục đích vật thực thì phạm tội dukkaṭa. Mỗi một lần nuốt xuống thì phạm tội dukkaṭa.

Chưa được công nhận là bậc hữu học, (lầm tưởng) đã được công nhận là bậc hữu học, phạm tội dukkaṭa. Chưa được công nhận là bậc hữu học, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Chưa được công nhận là bậc hữu học, nhận biết chưa được công nhận là bậc hữu học thì vô tội.

Vị đã được thỉnh mời, vị bị bệnh, vị thọ thực phần còn lại của vị đã được thỉnh mời hoặc của vị bị bệnh, vật thực đã được sắp đặt tại nơi ấy là của những người (thí chủ) khác, (gia đình ấy) sau khi đem ra khỏi nhà rồi dâng, bữa ăn thường kỳ, bữa ăn theo thẻ, vào mỗi nửa tháng, vào ngày Uposatha, vào ngày đầu của mỗi nửa tháng, (người ấy) dâng vật dùng đến hết đêm vật dùng trong bảy ngày vật dùng suốt đời (nói rằng): ‘Hãy thọ dụng khi có duyên cớ,’ vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học pāṭidesanīya thứ ba.

--ooOoo--

7. 4. ĐIỀU HỌC PĀṬIDESANĪYA THỨ TƯ

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự giữa dân chúng dòng Sakya, trong thành Kapilavatthu, tu viện Nigrodha. Vào lúc bấy giờ, các nô lệ của dòng Sakya nổi loạn. Các người nữ dòng Sakya muốn làm bữa trai phạn ở những chỗ trú ngụ trong rừng. Các nô lệ của dòng Sakya đã nghe được rằng: “Nghe nói các người nữ dòng Sakya có ý định làm bữa trai phạn ở những chỗ trú ngụ trong rừng.” Chúng đã canh giữ các con đường. Các người nữ dòng Sakya đã mang thực phẩm thượng hạng loại cứng loại mềm đi đến chỗ trú ngụ ở trong rừng. Các nô lệ của dòng Sakya đã xuất hiện, cướp bóc, và làm nhục các người nữ dòng Sakya. Những người dòng Sakya đã xuất hiện bắt giữ bọn cướp cùng với các đồ đạc rồi phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các ngài đại đức không thông báo về bọn cướp đang ẩn náu trong tu viện?” Các tỳ khưu đã nghe được những người dòng Sakya phàn nàn, phê phán, chê bai. ―(như trên)― Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

2. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, như thế thì ta sẽ quy định điều học cho các tỳ khưu vì mười điều lợi ích: Nhằm đem lại sự tốt đẹp cho hội chúng, nhằm đem lại sự an lạc cho hội chúng, ―(như trên)― nhằm sự tồn tại của Chánh Pháp, và nhằm sự hỗ trợ Luật. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Trường hợp những chỗ trú ngụ ở trong rừng được xác định là có sự nguy hiểm, có sự kinh hoàng, vị tỳ khưu nào trong khi đang sống ở những chỗ trú ngụ có hình thức như thế, sau khi tự tay nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm chưa được báo tin trước ở trong khuôn viên tu viện, rồi nhai hoặc ăn, thì vị tỳ khưu ấy nên thú nhận rằng: ‘Bạch chư đại đức, tôi đã vi phạm tội đáng chê trách, không có lợi ích, cần phải thú nhận; tôi xin thú nhận tội ấy.’”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

3. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ ở những chỗ trú ngụ trong rừng bị bệnh. Dân chúng mang vật thực cứng vật thực mềm đi đến chỗ trú ngụ trong rừng. Khi ấy, những người ấy đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này: - “Thưa ngài, xin hãy thọ thực.” Khi ấy, vị tỳ khưu ấy (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán sau khi tự tay thọ lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm ở những chỗ trú ngụ trong rừng rồi nhai hoặc ăn,” trong lúc ngần ngại đã không nhận lãnh, và đã không thể đi khất thực nên bữa ăn đã bị lỡ. Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

4. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, với vị tỳ khưu bị bệnh ta cho phép sau khi tự tay thọ lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm ở những chỗ trú ngụ trong rừng rồi nhai hoặc ăn. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“Trường hợp những chỗ trú ngụ ở trong rừng được xác định là có sự nguy hiểm, có sự kinh hoàng, vị tỳ khưu nào trong khi đang sống ở những chỗ trú ngụ có hình thức như thế, sau khi tự tay nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm chưa được báo tin trước ở trong khuôn viên tu viện, không bị bệnh rồi nhai hoặc ăn thì vị tỳ khưu ấy nên thú nhận rằng: ‘Bạch chư đại đức, tôi đã vi phạm tội đáng chê trách, không có lợi ích, cần phải thú nhận; tôi xin thú nhận tội ấy.’”

5. Trường hợp những chỗ trú ngụ ở trong rừng: Ở trong rừng nghĩa là chỗ trú ngụ cách (căn nhà) cuối cùng khoảng cách 500 cây cung.[1]

Có sự nguy hiểm nghĩa là trong tu viện hoặc trong vùng phụ cận tu viện, chỗ cắm trại của bọn cướp được thấy, chỗ ăn được thấy, chỗ đứng được thấy, chỗ ngồi được thấy, chỗ nằm được thấy.

Có sự kinh hoàng nghĩa là trong tu viện hoặc trong vùng phụ cận tu viện, dân chúng bị giết bởi bọn cướp được thấy, bị cướp giật được thấy, bị đánh đập được thấy.

Vị nào: là bất cứ vị nào ―(như trên)―

Tỳ khưu: ―(như trên)― Vị này là ‘vị tỳ khưu’ được đề cập trong ý nghĩa này.

Ở những chỗ trú ngụ có hình thức như thế: ở các chỗ trú ngụ có hình thức như vậy.

Chưa được báo tin nghĩa là đã được báo tin đến năm hạng (người đồng đạo);[2] điều này gọi là chưa được báo tin. Đã được báo tin (ở các nơi khác) ngoại trừ tu viện hoặc vùng phụ cận tu viện; điều này gọi là chưa được báo tin.

6. Đã được báo tin nghĩa là bất cứ người nữ nào hoặc người nam nào đi đến tu viện và vùng phụ cận tu viện rồi thông báo rằng: “Thưa ngài, sẽ mang lại vật thực cứng hoặc vật thực mềm của người tên (như vầy).” Nếu có sự nguy hiểm, nên nói rằng: “Có sự nguy hiểm.” Nếu có sự kinh hoàng, nên nói rằng: “Có sự kinh hoàng.” Nếu (người ấy) nói lại rằng: “Thưa ngài, hãy vậy đi. Sẽ được mang lại” thì nên nói với bọn trộm cướp rằng: “Dân chúng đi đến nơi đây, hãy lui ra.” Khi đã được báo tin liên quan đến cháo, vật phụ thuộc của cháo được mang lại; điều này nghĩa là đã được báo tin. Khi đã được báo tin liên quan đến bữa ăn, vật phụ thuộc của bữa ăn được mang lại; điều này nghĩa là đã được báo tin. Khi đã được báo tin liên quan đến vật thực cứng, vật phụ thuộc của vật thực cứng được mang lại; điều này nghĩa là đã được báo tin. Khi đã được báo tin liên quan đến gia đình, người nào trong gia đình ấy mang lại vật thực cứng hoặc vật thực mềm; điều này nghĩa là đã được báo tin. Khi đã được báo tin liên quan đến ngôi làng, người nào trong ngôi làng ấy mang lại vật thực cứng hoặc vật thực mềm; điều này nghĩa là đã được báo tin. Khi đã được báo tin liên quan đến phường hội, người nào trong phường hội ấy mang lại vật thực cứng hoặc vật thực mềm; điều này nghĩa là đã được báo tin.

7. Vật thực cứng nghĩa là trừ ra năm loại vật thực, vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày, và vật dùng suốt đời; phần còn lại gọi là vật thực cứng.

Vật thực mềm nghĩa là năm loại vật thực (gồm có) cơm, súp, bánh, cá, thịt.

Khuôn viên tu viện nghĩa là bên trong tu viện đối với tu viện đã được rào lại, là vùng phụ cận đối với tu viện không được rào lại.

Không bị bệnh nghĩa là có thể đi khất thực.

Bị bệnh nghĩa là không thể đi khất thực.

(Vật thực) chưa được báo tin, vị không bị bệnh (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ nhai, ta sẽ ăn’ rồi thọ nhận thì phạm tội dukkaṭa. Mỗi một lần nuốt xuống thì phạm tội pāṭidesanīya.

Khi chưa được báo tin, nhận biết là chưa được báo tin, sau khi tự tay nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm ở trong khuôn viên tu viện, vị không bị bệnh nhai hoặc ăn thì phạm tội pāṭidesanīya. Khi chưa được báo tin, có sự hoài nghi, sau khi tự tay nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm ở trong khuôn viên tu viện, vị không bị bệnh nhai hoặc ăn thì phạm tội pāṭidesanīya. Khi chưa được báo tin, (lầm) tưởng là đã được báo tin, sau khi tự tay nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm ở trong khuôn viên tu viện, vị không bị bệnh nhai hoặc ăn thì phạm tội pāṭidesanīya.

Vị nhận lãnh vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày, vật dùng suốt đời vì mục đích vật thực thì phạm tội dukkaṭa. Mỗi một lần nuốt xuống thì phạm tội dukkaṭa.

Khi đã được báo tin, (lầm) tưởng là chưa được báo tin, phạm tội dukkaṭa. Khi đã được báo tin, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Khi đã được báo tin, nhận biết là đã được báo tin thì vô tội.

Khi đã được báo tin, vị bị bệnh, vị thọ thực phần còn lại trong trường hợp đã được báo tin hoặc của vị bị bệnh, vị thọ lãnh ở bên ngoài tu viện rồi thọ thực ở bên trong tu viện, vị thọ thực rễ cây hoặc vỏ cây hoặc lá cây hoặc bông hoa hoặc trái cây sanh trưởng tại nơi ấy, vị thọ dụng vật dùng đến hết đêm vật dùng trong bảy ngày vật dùng suốt đời khi có duyên cớ, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học pāṭidesanīya thứ tư.

--ooOoo--

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

Với vị ni không phải là thân quyến, hướng dẫn sự phục vụ, (gia đình) bậc hữu học, và với vị ở trong rừng, là bốn điều pāṭidesanīya đã được giảng rõ bởi đấng Toàn Giác.

--ooOoo--

Bạch chư đại đức, bốn điều pāṭidesanīya đã được đọc tụng xong. Trong các điều ấy, tôi hỏi các đại đức rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này? Đến lần thứ nhì, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này? Đến lần thứ ba, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này? Các đại đức được thanh tịnh nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.

Dứt các điều Pāṭidesanīya.

--ooOoo--