8.4. Phẩm Nghiêm Trang

  1. Điều học thứ nhất
  2. Điều học thứ nhì
  3. Điều học thứ ba
  4. Điều học thứ tư
  5. Điều học thứ năm
  6. Điều học thứ sáu
  7. Điều học thứ bảy
  8. Điều học thứ tám
  9. Điều học thứ chín
  10. Điều học thứ mười

8.4.1.

1. Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư thọ dụng đồ khất thực không nghiêm trang như là không có ý muốn ăn. ―(như trên)―

“‘Ta sẽ thọ dụng đồ khất thực một cách nghiêm trang’ là việc học tập nên được thực hành.”

2. Nên thọ dụng đồ khất thực một cách nghiêm trang. Vị nào thọ dụng đồ khất thực không nghiêm trang như là không có ý muốn ăn do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

3. Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ nhất.

--ooOoo--

8.4.2.

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư nhìn chỗ này chỗ nọ khi thọ dụng đồ khất thực. Ngay cả trong lúc vung vãi lẫn trong lúc làm tràn ra ngoài các vị đều không hay biết. ―(như trên)―

“‘Chú tâm ở bình bát, ta sẽ thọ dụng đồ khất thực’ là việc học tập nên được thực hành.”

2. Nên thọ dụng đồ khất thực với sự chú tâm ở bình bát. Vị nào nhìn chỗ này chỗ nọ khi thọ dụng đồ khất thực do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

3. Không cố ý, ―(như trên)― vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ nhì.

--ooOoo--

8.4.3.

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư lựa chọn chỗ này chỗ kia rồi thọ dụng đồ khất thực. ―(như trên)―

“‘Ta sẽ thọ dụng đồ khất thực theo tuần tự’ là việc học tập nên được thực hành.”

2. Nên thọ dụng đồ khất thực theo tuần tự. Vị nào lựa chọn chỗ này chỗ kia khi thọ dụng đồ khất thực do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

3. Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, vị lựa chọn trong lúc bố thí đến những vị khác, vị lựa chọn trong lúc bỏ sang vật đựng khác, (khi lấy ra) các món đặc biệt, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ ba.

--ooOoo--

8.4.4.

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư, trong lúc thọ dụng đồ khất thực, thọ dụng quá nhiều xúp. ―(như trên)―

“‘Ta sẽ thọ dụng đồ khất thực với lượng xúp tương xứng’ là việc học tập nên được thực hành.”

2. Xúp nghĩa là có hai loại xúp: xúp đậu mugga và xúp đậu māsa là nên được mang đi bằng tay. Nên thọ dụng đồ khất thực với lượng xúp tương xứng. Vị nào thọ dụng quá nhiều xúp do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

3. Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, khi (xúp) có thêm nhiều món khác nhau để tăng hương vị, của các thân quyến, của những người nói lời thỉnh cầu, vì nhu cầu của vị khác, do vật sở hữu của bản thân, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ tư.

--ooOoo--

8.4.5.

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư vun lên thành đống rồi thọ dụng đồ khất thực. ―(như trên)―

“‘Ta sẽ không vun lên thành đống rồi thọ dụng đồ khất thực’ là việc học tập nên được thực hành.”

2. Không nên vun lên thành đống rồi thọ dụng đồ khất thực. Vị nào vun lên thành đống rồi thọ thực do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

3. Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, sau khi gom chung phần ít ỏi còn sót lại làm vun lên rồi thọ dụng, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ năm.

--ooOoo--

8.4.6.

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư dùng cơm che lấp xúp và thức ăn với ý muốn được nhiều hơn. ―(như trên)―

“‘Ta sẽ không dùng cơm che lấp xúp hoặc thức ăn với ý muốn được nhiều hơn’ là việc học tập nên được thực hành.”

2. Không nên dùng cơm che lấp xúp hoặc thức ăn với ý muốn được nhiều hơn. Vị nào dùng cơm che lấp xúp hoặc thức ăn với ý muốn được nhiều hơn do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

3. Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, các thí chủ phủ kín lại rồi bố thí, không có ý muốn được nhiều hơn, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ sáu.

--ooOoo--

8.4.7.

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư yêu cầu xúp và cơm vì nhu cầu của bản thân rồi thọ thực. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại yêu cầu xúp và cơm vì nhu cầu của bản thân rồi thọ thực? Khi được đầy đủ ai mà không vừa ý? Đồ ngon ngọt ai lại không thích thú?”

2. Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, ―(như trên)― các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại yêu cầu xúp và cơm vì nhu cầu của bản thân rồi thọ thực?” ―(như trên)― “Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi yêu cầu xúp và cơm vì nhu cầu của bản thân rồi thọ thực, có đúng không vậy?” - “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ―(như trên)― Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại yêu cầu xúp và cơm vì nhu cầu của bản thân rồi thọ thực vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ―(như trên)― Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“‘Ta sẽ không yêu cầu xúp và cơm vì nhu cầu của bản thân rồi thọ thực’ là việc học tập nên được thực hành.”

Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

3. Vào lúc bấy giờ, có các tỳ khưu bị bệnh. Các tỳ khưu thăm hỏi bệnh tình đã nói với các vị bị bệnh điều này: - “Này các đại đức, sức khoẻ có khá không? Mọi việc có được thuận tiện không?” - “Này các đại đức, trước đây chúng tôi yêu cầu xúp và cơm vì nhu cầu của bản thân rồi thọ thực, nhờ thế chúng tôi được thoải mái. Giờ đây, (nghĩ rằng): ‘Đức Thế Tôn đã cấm đoán,’ trong lúc ngần ngại nên không yêu cầu, vì thế chúng tôi không được thoải mái.” Các vị tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: - “Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu bị bệnh được yêu cầu xúp và cơm vì nhu cầu của bản thân rồi thọ thực. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy:

“‘Khi không bị bệnh, ta sẽ không yêu cầu xúp và cơm vì nhu cầu của bản thân rồi thọ thực’ là việc học tập nên được thực hành.”

4. Vị không bị bệnh không nên yêu cầu xúp và cơm vì nhu cầu của bản thân rồi thọ thực. Vị nào không bị bệnh mà yêu cầu xúp và cơm vì nhu cầu của bản thân rồi thọ thực do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

5. Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, của các thân quyến, của những người nói lời thỉnh cầu, vì nhu cầu của vị khác, do vật sở hữu của bản thân, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ bảy.

--ooOoo--

8.4.8.

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư nhìn vào bình bát của các vị khác với ý định tìm lỗi. ―(như trên)―

“‘Ta sẽ không nhìn vào bình bát của các vị khác với ý định tìm lỗi’ là việc học tập nên được thực hành.”

2. Không nên nhìn vào bình bát của các vị khác với ý định tìm lỗi. Vị nào nhìn vào bình bát của các vị khác với ý định tìm lỗi do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

3. Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ cho’ hoặc ‘Ta sẽ bảo (người khác) cho’ rồi nhìn, vị không có ý định tìm lỗi, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ tám.

--ooOoo--

8.4.9.

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư làm vắt cơm lớn. ―(như trên)―

“‘Ta sẽ không làm vắt cơm quá lớn’ là việc học tập nên được thực hành.”

2. Không nên làm vắt cơm quá lớn. Vị nào làm vắt cơm quá lớn do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

3. Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, các vật thực cứng, các thứ trái cây, các món ăn đặc biệt, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ chín.

--ooOoo--

8.4.10.

1. Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư làm những nắm cơm dài rồi thọ thực. ―(như trên)―

“‘Ta sẽ làm nắm cơm tròn đều’ là việc học tập nên được thực hành.”

2. Nên làm nắm cơm tròn đều. Vị nào làm nắm cơm dài do không có sự tôn trọng thì phạm tội dukkaṭa.

3. Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị bệnh, các vật thực cứng, các thứ trái cây, các món ăn đặc biệt, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.”

Điều học thứ mười.

Phẩm Nghiêm Trang là thứ tư.

--ooOoo--