Theo ghi chép trong bộ sách Mahavamsa1 (Đại Sử Tích Lan), những Tỷ-kheo Vajjī (Bạt-Kỳ) ngày đó đã không chấp nhận phán quyết của Hội Đồng Kết Tập Thứ Hai. Thay vào đó, họ lại tiến hành tổ chức riêng một hội đồng kết tập khác của họ và kêu gọi đến 10.000 Tỷ-kheo tham dự.

Vì con số chúng tăng tham dự rất đông đảo, nên được gọi là Mahasangiti (Đại Hội Đồng Tăng Già), chính cách gọi này là nguồn gốc của tên của trường phái Mahasanghika (Đại Chúng Bộ) sau đó.

Cũng từ sự ly khai lớn này, đã xảy ra sự hình thành của nhiều cuộc ly khai tôn giáo khác thành những phái, nhánh phái nhỏ hơn, và theo dòng thời gian sau đó, 12 nhánh phái đã tách ra từ Theravada (Trưởng Lão Bộ) và 06 nhánh phái ra đời từ Mahasanghika (Đại Chúng Bộ).

(I) Năm Lý Thuyết Của Đại Thiên (Mahadeva)

Theo như quyển giới-luật Pratimoksa bằng tiếng Phạn (Sanskrit) của trường phái Mahasamghika (Đại Chúng Bộ) được phát hiện bởi Ngài Rahula Sankrtyayana ở Tây Tạng vào năm 1934 và đã được dịch qua tiếng Anh bởi Charles S. Prebish2, tất cả những giới-luật trong Luật Tạng, ngoại trừ 75 điều sekhiya để huấn luyện các Sa-di (67 điều sekhiya trong phái Đại Chúng bộ), đều hoàn toàn giống nhau với Luật Tạng của Phật Giáo Nguyên Thủy (Trưởng Lão Bộ). Điều này chứng minh rằng sự ly khai giáo phái không phải là do những điều khác nhau trong Luật Tạng.

Theo trường phái Phật giáo Sammitiya (Chánh Lượng Bộ), sự ly khai giáo phái này xảy ra vài thập niên sau kỳ Kết Tập Kinh Điển Thứ Hai. Người sáng lập phái Mahasanghika (Đại Chúng Bộ) là Bhadra, người cũng được biết đến bằng cái tên Mahadeva, có nghĩa là Đại Thiên. Người này đã đưa ra 05 lý thuyết về A-la-hán.

Theo những thông tin sưu tầm của học giả Watters (coi quyển Dutt3, trang 28), Đại Thiên là con của một thương gia Bà-la-môn ở thành Mathura, đã thụ giới ở tu viện Kukkutarama trong thành Pataliputra (Hoa Thị Thành). Bằng lòng nhiệt tâm cao và những năng lực cá nhân, ông đã nhanh chóng trở thành người đứng đầu của tổ chức, có thể gọi là sư trưởng và ông có vị vua đang trị vì là bạn cũng là người bảo trợ của ông. Với sự giúp đỡ của nhà vua, ông ta có thể loại bỏ những trưởng lão khác với 05 lý thuyết như sau:

  • (1) A-la-hán có thể còn dính dục, khi ngủ còn triệu chứng xuất tinh. (Atthi arahato rago ti).
  • (2) A-la-hán có thể còn chút ít vô minh. (Atthi arahato annānanti).
  • (3) A-la-hán có thể còn ít nhiều nghi ngờ. (Atthi arahato Kankha ti).
  • (4) A-la-hán có thể vẫn còn ít nhiều mặt hạn chế (về năng lực nào đó…) bởi vì họ vẫn cần sự giúp đỡ của người khác. (Atthi arahato paravitarana ti).
  • (5) A-la-hán khi chứng thánh quả có thể bật tiếng hô lên (như là: “aho”).

(II) Sự Bác Bỏ — Tham khảo bộ “Kathavatthu”, Book II4 (Những Điểm Dị Biệt, Quyển II)

Trường phái Trưởng Lão Bộ (Phật Giáo Nguyên Thủy) hoàn toàn bác bỏ lý thuyết thứ nhất (1), bởi vì đã là một A-la-hán thì đã diệt trừ tất cả dục-vọng và vô-minh trong sự liên tục miên mật của Tâm. Cho nên tính dục không thể nào còn khởi lên được khi đang ngủ.

Lý thuyết (2), (3), và (4) của Đại Thiên được Đại Thiên bảo vệ rằng: (1) một A-la-hán không còn sự biết rõ về những điều khác như tên người, gia đình, v.v…, vị đó có thể bị ‘vô minh’ trong những trường hợp đó. (2) Vị đó có thể bị lúng túng, không còn nhạy bén với những điều xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. (3) Vị đó đó có thể bị thua kém về sự hiểu-biết kiểu như vậy so với những người khác.

Trưởng Lão Bộ bác bỏ lý thuyết trên bởi vì những điều đó chỉ là những sự thật thế tục trong đời sống, không dính líu gì đến trí-biết và sự giác-ngộ của một bậc A-la-hán, vì một A-la-hán là một bậc tuyệt đối thoát khỏi vô minh ảo tưởng và nghi ngờ huyễn hoặc.

Về lý thuyết (5), Trưởng Lão Bộ vẫn bảo thủ rằng những cách nói như vậy không liên quan gì đến sự chứng ngộ của Tâm khi đã chuyển qua Thức thánh Đạo.

Rõ ràng là các trưởng lão của Trưởng Lão Bộ nhất quyết không chấp nhận những quan điểm không chính thống (dị giáo) như vậy. Nhưng với sự bảo trợ của nhà vua, bạn của Đại Thiên, Đại Thiên đã triệu tập được Đại Hội Nghị (Mahasangiti), mà theo ghi chép lại, bao gồm cả những A-la-hán và những người không phải A-la-hán tham dự và phê chuẩn những lý thuyết của Đại Thiên, và sau đó họ tách ly hẳn ra khỏi Tăng Đoàn. Điều này đã tạo nên cuộc ly khai giáo phái đầu tiên.

Vì vậy, nếu có ý nghĩ nào cho rằng “toàn là những bậc A-la-hán đã tham dự Đại Hội Nghị Chúng Tăng (Mahasangiti) này”, thì đó là ý nghĩ xa rời thực tế, bởi vì hiển nhiên những bậc A-la-hán đích thực đã không đồng ý với những lập luận dị giáo này rồi.

(III) Nguyên Nhân Ban Đầu Dẫn Đến Cuộc Ly Khai

Một số học giả (xem quyển Dutt (15)) đã đưa ra giả thuyết rằng những Tỷ-kheo Vajjī (Bạt-kỳ) ở thành Vesali (Tỳ-xá-ly), như đã trình bày ở trên, đã muốn có được những sự tự do, sự ‘miễn chấp’ trong việc diễn dịch và thực thi những giới-luật và đã cố gắng đưa vào trong tổ chức và lãnh đạo của Tăng Đoàn một tinh thần dân-chủ vốn đã dần dần mất đi trong Tăng Đoàn (Tăng Đoàn bấy giờ vốn chỉ còn tính bảo thủ chính thống bởi những trưởng lão bảo thủ).

Những quyền lực và những đặc quyền mà những A-la-hán thường thể hiện thì không được cho là đúng đắn và đáng tin bởi những tu sĩ ở thành Vesali (Tỳ-xá-ly), những tu sĩ ở đây muốn có một nguyên tắc dân chủ trong giới trị sự của Tăng Đoàn. Việc cho những A-la-hán là những thành viên đặc quyền của những Hội Đồng Phật Giáo quan trọng và họ có quyền đi đến mọi quyết định đã không làm hài lòng những người xứ Vesali — vốn là tộc người đã nổi tiếng là thấm nhuần tinh thần dân chủ trong dòng máu của họ từ lâu.

Rõ ràng, những lý do các học giả đưa ra đã cho thấy rõ những nỗi buồn thâm niên của những Tỷ-kheo xứ Vesali. Khi xem xét lại những phạm vi của Luật Tạng chi phối trật tự tổ chức của Tăng Đoàn, chúng trông có vẻ là giả mạo và không hợp lẽ, như được bàn luận sau đây:

(1) Theo sự thiết lập Tăng Đoàn, thì Giới-Hạnh và đạo-đức của Tỷ-kheo được quy định bởi và chi phối bởi Giới Luật do chính Đức Phật lập ra. Sau Bát-Niết-bàn của Phật, không thể có một ai hay quyền hạn nào có thể được đưa vào những điều mới như là một sự bổ sung thêm cho Giới Luật cả, bởi Đức Phật đã không hề chỉ định bất cứ ai làm người kế thừa Phật để lãnh đạo Tăng Đoàn. Thay vì vậy, Đức Phật đã dặn dò những Tỷ-kheo phải tôn trọng và tuân theo Giáo Pháp và Giới Luật như là người thầy của mình sau khi Phật đã đi xa. Vì vậy, mỗi thành viên của Tăng Đoàn đều đứng trên tư cách bình đẳng với mọi thành viên khác.

Những trưởng lão lớn tuổi có thể khuyên bảo, tư vấn và hướng dẫn những tu sĩ khác, chứ không phải ra lệnh hay cưỡng chế, bắt họ phải tuân theo chỉ đạo của mình. Mỗi Tỷ-kheo trong Tăng Đoàn chính là nơi nương tựa của chính mình, lấy Giáo Pháp là nơi nương tựa của chính mình. Khi nào có những tranh cãi xảy ra về vấn đề Giáo Pháp và Giới Luật, thì lúc đó sự thống nhất phải đưa ra dựa trên cơ sở Bốn Điều Đối Chứng5 hay còn gọi là Bốn Ấn Chứng. Nếu như vậy, thì cái “vấn đề” về một hệ thống đang mang tính cách phong kiến (chỉ huy) hay thiếu dân chủ sẽ không phát sinh ra.

(2) Điều thứ hai, A-la-hán với phẩm chất đã diệt trừ tận gốc Tham, Sân, Si thì làm gì còn mong muốn hay có dục vọng về quyền lực hay đặc quyền như vậy. Một điều thật dễ thấy là trong Tăng Đoàn, sự tôn trọng được dựa vào tuổi tác thâm niên hơn là dựa vào sự chứng ngộ trong tu hành.

Trong Kinh Đại Bát-Niết-bàn (Mahaparinibbana Sutta), Đức Phật đã nhấn mạnh với tất cả Tỷ-kheo rằng họ “phải nên tôn trọng, quý trọng, tôn kính những Tỷ-kheo lớn tuổi, những trưởng lão tu hành lâu năm, người càng lâu năm hơn và những người đứng đầu Tăng Đoàn, và mặc nhiên họ phải lắng nghe theo lời của những trưởng lão đó.”

(3) Có vẻ như Hội Đồng Kết Tập Thứ Hai đã được tổ chức theo kiểu chỉ thị là những Tỷ-kheo trưởng lão thâm niên nhất được đại diện làm trọng tài để phân xử “10 Điều” của các Tỷ-kheo Bạt-Kỳ.

(4) Còn về lý do của cuộc Ly Khai giáo phái, dường như không phải là do những diễn dịch, tranh cãi, hay bất đồng về Giới Luật (Vinaya). Theo học giả Frauwallner6, người đã thực hiện nghiên cứu về những sự tương-đồng và sự thay đổi dị-biệt giữa những điều luật trong Luật Tạng của 06 bộ phái lúc bấy giờ, đó là: Theravada (Trưởng Lão Bộ), Mahasanghika (Đại Chúng Bộ), Mula-sarvastivada (Da-Du-La Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ), Mahisasaka (Hóa Địa Bộ), Drarmagupta (Pháp Tạng Bộ), và Sarvastivada (Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ), đã kết luận rằng “Chúng ta có thể thấy ngay lập tức rằng những ghi chép về giới-luật là thống nhất (giống) với nhau đến từng chi tiết.”

(5) Vì vậy không còn nghi ngờ gì nữa khi nói rằng: “Chính những lý thuyết của ngài Đại Thiên (Mahadeva) là nguồn gốc nguyên-nhân dẫn tới cuộc Ly Khai của các trường phái.” Bởi vì 05 lý thuyết đó là dựa vào những kiến thức và khái niệm thế gian, chỉ tạo ra ý nghĩa coi thường, thiếu tôn kính đối với những bậc A-la-hán mà thôi. Và những lý thuyết đó chắc chắc không thể nào được chấp nhận bởi những tu sĩ hay Tỷ-kheo trưởng lão chính thống – Và chính điều này đã dẫn đến sự Ly Khai thành những giáo phái như vậy.

(IV) Sự Chuyển Dạng Về Đức Phật & Giáo Pháp Của Phật Bởi Những Người Chủ Trương Đại-Thừa

Trong Tam Tạng Kinh Tipitaka, Đức Phật không được phân biệt với bất kỳ A-la-hán nào, ngoại trừ việc Đức Phật là một người năng lực xuất chúng đã có thể tự mình tìm ra, phát minh ra Chân Lý, trong khi những A-la-hán khác thì giác ngộ Chân Lý nhờ vào sự hướng dẫn của Đức Phật. Trường phái Trưởng Lão Bộ vẫn giữ nguyên quan niệm này, mặc dù sau này họ tôn vinh thêm hình ảnh Đức Phật là một bậc “Toàn Trí”. Những người theo phái Mahasanghika (Đại Chúng Bộ) thì hạ thấp sự chứng ngộ của những bậc A-la-hán và tuyên thuyết rằng cần phải phân biệt một A-la-hán rõ rệt khác biệt với một vị Phật.

Theo như quyển “Những Điểm Dị Biệt” (Kathavatthu), thuộc Vi Diệu Pháp Tạng, thì trường phái Đại Chúng Bộ (Mahasanghika) quan niệm rằng một vị Phật có mặt ở khắp nơi, khắp mọi phương trời. Một chi nhánh phái của Đại Chúng Bộ là phái Andhakas thậm chí còn cho rằng những thói quen, những lời nói hằng ngày của Đức Phật là vượt trên phàm trần, siêu phàm. Những người trong phái của họ thậm chí cũng cho rằng bất kỳ những gì từ ‘con người’ Đức Phật lịch sử (kể cả những chất ô uế, thải tiện ra từ cơ thể của Phật!) cũng cao siêu, siêu phàm hơn của những người khác. Nhưng mặc dù vậy, cho dù những người thuộc những bộ phái kể trên có những quan điểm lệch lạc trệch đường như vậy, nhưng tất cả họ, tất cả những trường phái chính thống và ly khai, tức tất cả những trường phái theo Kinh Bộ Nikaya, đều hướng tới một mục đích giống nhau — Đó là quả vị A-la-hán.

Theo nhà nghiên cứu Warder, phong trào Đại Thừa (Mahayana) được bắt đầu với sự xuất hiện của những Kinh có những nguồn gốc vô danh và đáng nghi vấn vào khoảng đầu kỷ nguyên Công giáo (Công Nguyên hay CN) ở Andhra Pradesh miền Nam Ấn Độ. Kinh Saddharma-pundarika (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tức Kinh Pháp Hoa) giảng rằng sau khi Giác Ngộ, Đức Phật đã quyết định giảng dạy giáo pháp của Phật bằng những hình thức đơn giản cho những người đi tìm Chân Lý nhưng có căn cơ bình thường nhằm giúp họ dễ dàng hiểu và tu học dễ dàng hơn. Những hình thức đơn giản này bao gồm Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, và Lý Duyên Khởi, là những đề tài mà Phật đã đưa ra trong bài thuyết giảng đầu tiên cho 05 anh em bạn tu khổ hạnh ở khu Vườn Nai (Lộc Uyển) ở vùng Banares (Ba-la-nại).

Những người Đại Thừa cho rằng điều này có nghĩa là chỉ có bậc Toàn Trí mới giác ngộ được Chân Lý Tối Thượng, trong khi những hàng học trò hay đệ tử Thanh Văn (Savaka) thì chỉ có thể tu hành và chứng ngộ thông qua việc thực hiện theo những lời chỉ dạy trong những bài thuyết giảng của Đức Phật, họ chỉ giác ngộ được giáo lý Vô Ngã (annata) chứ không không thể giác ngộ được sự không hiện-hữu hay “Tánh Không” hay “Pháp Không” (dhamma-sunnata).

Theo tiến sĩ Rhys Davids7:

“Quả vị A-la-hán rõ ràng đã bị cho là tiểu nhược, và Quả vị Bồ-Tát thì được cho là mục-đích mà mỗi Phật tử đều phải nhắm tới; và toàn bộ học thuyết này, thật là ngược lại với Phật Giáo Nguyên Thủy, lại được cho là do chính từ miệng của Đức Phật Cồ-Đàm nói ra.”

Từ đó, từ cái tư tưởng như vậy, nên đã bắt đầu sự chuyển dạng về Đức Phật và Phật Pháp bằng những lý lẽ và suy lý của những người chủ trương Đại Thừa, sau đó từng bước tiến tới hình thành trường phái Phật Giáo Đại Thừa (Mahayana); từ những giáo lý nguyên thủy như triết lý nói về Nhân Đức, sự Giác Ngộ Tứ Diệu Đế, và sự chứng ngộ Niết-bàn bắt đầu chuyển qua những triết lý siêu nhiên, và sự huyền hoặc của các kinh điển Đại Thừa và học thuyết “Tánh Không” đã được thuyết giảng bằng những ngôn luận dài tập bằng tiếng Phạn mang đầy tính triết lý và siêu hình, vốn là chỉ những sáng tác sau này của những học giả như Ngài Nagarjuna (Long Thọ) và Asvaghosa (Mã Minh). Những triết lý này khó mà hiểu được bởi đại đa số quần chúng, và hơn nữa chúng được viết bằng tiếng Phạn, chỉ có những học giả biết tiếng Phạn mới đọc được.

Sau khi những người Đại Thừa nhận biết rằng những người bình thường khó mà hiểu hết được những học thuyết tiếng Phạn của họ, những đạo sư Đại Thừa đã sáng tác ra những thần tượng Đại Thừa (Mahayana Pantheon) để thu hút số đông quần chúng Phật tử tham gia vào “Chiếc Xe Lớn” của họ.

Theo Tỷ-kheo Bhikkhu Kashyap: Sau một thời gian, trong truyền thống Đại Thừa, những suy xét, nghiên cứu đều được biểu tượng hóa bằng những Bồ-Tát (Bodhisatta) và những vị như ‘Thần Thánh’, điển hình như là: Bồ-Tát Quán Thế Âm (còn gọi là Bồ-Tát Quán Tự Tại (Avalokitesvara), là vị Bồ-Tát của lòng Đại Bi, cứu nạn, cứu khổ), Thần Tara (Nữ Thần Từ Bi), Bồ Tát Văn-Thù-Sư-Lợi (Manjusri, vị Bồ-Tát của trí tuệ và thiền định), và Phật A-Di-Đà [Amitabha, vị Phật ở cõi Tịnh Độ hay Tây Phương Cực Lạc (Sukhavati)].

Trích "Giáo Trình Phật Học" của Chan Khoon San
Lê Kim Kha dịch Việt