Theo bộ “Vinayapitaka Cullavagga” (“Tiểu Phẩm” thuộc Luật Tạng, V, 33)1, Đức Phật đã cố chỉ thị những Tỷ-kheo học tập Giáo Pháp bằng “ngôn ngữ của mình”(saka nirutti), mà luận sư Pali lỗi lạc là Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) đã diễn dịch: đó có nghĩa là ngôn ngữ (hay phương ngữ) của xứ Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) đã được dùng bởi Đức Phật, và Đức Phật đã không cho phép họ chuyển dịch những giáo lý của mình thành những kinh văn qua tiếng Phạn.

Có hai người anh em, cả hai đều là Tỷ-kheo tên là Yamelu và Tekula, khi đến gặp Đức Phật đã than phiền với Đức Phật là có những Tỷ-kheo thuộc những thứ bậc và họ tộc khác nhau đã làm mai một những lời-dạy của Đức Phật bằng cách đi thuyết giảng bằng ngôn ngữ địa phương của họ. Họ còn muốn chuyển những lời dạy của Phật thành những kinh văn bằng tiếng Phạn (chandaso), nhưng Đức Phật đã ra chỉ thị cấm việc làm này. Trải qua 2.400 năm sau đó, chữ ‘saka nirutti’ nói trên đã biểu thị cho ngôn ngữ của xứ Magadhi (Ma-Kiệt-Đà).

Trong nửa sau thế kỷ 19, những học giả phương Tây bắt đầu quan tâm đến Phật Giáo, và khi những học giả Pali uyên bác như Rhys Davids và Oldenberg bắt đầu dịch những kinh văn của Luật Tạng (Vinaya)2 qua tiếng Anh, thì họ có dịch lời chỉ-thị đó của Đức Phật là:

“Này các Tỷ-kheo, ta cho phép các thầy học những lời Phật dạy bằng ngôn ngữ địa phương của mỗi người” (I allow you, O Bhikkhus, to learn the words of the Buddha each in his own dialect’)―có nghĩa đó là: ngôn ngữ riêng, tiếng địa phương, hay phương ngữ riêng của mỗi người.

Hầu hết các học giả khác đã có khuynh hướng đồng tình với cách diễn dịch này, ngoại trừ học giả Geiger thì theo quan điểm của Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) cho rằng câu chỉ-thị của Phật có nghĩa là mọi người phải học giáo pháp bằng phương ngữ mà Đức Phật đang dùng lúc bấy giờ.

Tiến sĩ Rhys Davids, sau khi suy nghiệm lại kỹ càng, cũng tỏ ra bị thuyết phục bởi quan điểm diễn dịch của Ngài Buddhaghosa. Sau này, trong những tác phẩm của mình, ông đã chấp nhận chữ ‘saka nirutti’ có nghĩa là ngôn ngữ riêng của Đức Phật, nhưng ông viết với một sự giải thích rất khéo léo. Trong phần Lời Tựa của quyển Từ Điển Pali-Anh do tiến sĩ T.W. Rhys Davids và William Stede biên soạn và lần đầu xuất bản ở Luân Đôn năm 1921-1925, ông ta đã viết rằng: tiếng Pali trong Tam Tạng Kinh là dựa vào ngôn ngữ bản xứ của người Kosalā (Kiều-tất-la), tức là tiếng mẹ đẻ của Đức Phật. (Phật là người của dòng họ Thích-Ca (Sakya) thuộc nước Thích-Ca với cha mình là vua. Nước Thích-Ca là một nước nhỏ chư hầu của vương quốc Kosalā).

Gần đây, học giả Law3, trong quyển sách của ông có tựa đề là “Lịch Sử Văn Học Pali” đã có ý kiến cho rằng Ngài Buddhaghosa đã thiếu chính xác và không phân biệt được khi Ngài đã cho rằng chữ ‘chandasa’ là đồng nghĩa với tiếng Phạn và ‘saka nirutti’ thì có nghĩa là tiếng địa phương xứ Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) đã được Đức Phật dùng làm phương tiện giảng dạy (vacanamagga). Theo ông Law, ngôn ngữ tiếng Phạn đã được phân chia thành hai dòng, là tiếng Phạn của Vệ-Đà và tiếng Phạn đang dùng thời sau này, và Đức Phật chỉ không cho phép học tập hay đưa những giáo lý của Phật vào tiếng Phạn Vệ-Đà vào thời đó (của tầng lớp Bà-la-môn), chứ không phản đối tiếng Phạn thông dụng khác. Học giả Law đã viết rằng:

“Điều đó vượt qua sự hiểu-biết của chúng ta về cách mà Ngài Buddhaghosa đã đi quá xa và cho rằng, với chữ “saka nirutti”, Đức Phật muốn nói rằng đó là phương tiện giảng dạy duy nhất của Phật, và đó chính là tiếng bản xứ của Magadhi (Ma-Kiệt-Đà). Thật vô lý, sai lầm và quá quyết đoán khi cho rằng Đức Phật ban hành quy định tiếng Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) là hình thức phát ngôn đúng đắn duy nhất khi học tập giáo lý của Đức Phật và rằng những tiếng địa phương khác là những hình thức phát ngôn không đúng đắn.”

(a) Phương Tiện Giảng Dạy Cho Các Tỷ-kheo

Mặc dù ý kiến thể hiện tính mạnh mẽ của mình, nhưng luận cứ của học giả Law cũng không có vẻ luận giải được những tình trạng đương thời lúc đó của hệ thống học thuật thời cổ xưa thời đó. Trở lại thời đó: cái ‘phong tục truyền thống’ thời đó là những người học trò thường mong muốn theo học một người thầy nào đó, đến ở cùng chỗ người thầy để học đạo từ người thầy đó theo phương pháp nói-nghe bằng tiếng bản xứ của người thầy đó.

Cách diễn dịch của Ngài Buddhaghosa (Phật Âm) chắc chắn là phù hợp với tinh thần người Ấn Độ rằng: không thể có dạng ngôn ngữ nào để diễn tả những lời dạy của Phật bằng chính những lời và ngôn ngữ do chính Đức Phật dùng để thuyết giảng. Truyền thống dạy học theo phương pháp nói-nghe và truyền-miệng, là quan trọng và nhấn mạnh để cho những học trò có khả năng học, đọc, tụng lại, và ghi nhớ những giáo lý bằng ngôn ngữ chung - tiếng phổ thông - vì khi dùng ngôn ngữ chung thì tất cả “sai-sót” khi nhắc lại hay tụng đọc sẽ được nhìn thấy bởi nhiều người, và mọi người sẽ đều nghe được bằng một thứ tiếng chung và sẽ cùng bổ sung, sửa sai, hoàn chỉnh.

Điều này đã thực sự xảy ra và được thực hiện tại những kỳ Kết Tập Kinh Điển sau Bát-Niết-bàn của Đức Phật, nhằm bảo đảm những lời-dạy của Đức Phật được bảo tồn và lưu truyền một cách chính xác. Hãy tưởng tượng những kỳ Kết Tập Kinh Điển sẽ hỗn loạn đến mức nào nếu những giáo lý hay lời kinh của Đức Phật được đọc tụng và kết tập tại Hội Đồng Kết Tập bằng nhiều thứ tiếng hay phương ngữ khác nhau! Ai sẽ nghe ai và ai sẽ hiểu ai? Từ những yếu tố mang tính logic hữu lý này, chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Phật đã chỉ thị tất cả những Tỷ-kheo phải học giáo pháp bằng ngôn ngữ chung thời đó, đó là tiếng Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) vào thời Đức Phật, mặc dù tiếng bản xứ của Đức Phật là tiếng Kosalā (Kiều-tất-la), nhưng Phật đã không dùng nó.

Theo nhà sư lỗi lạc Ngài Anagarika Dharmapala4 thì: Đức Thế Tôn muốn dùng ngôn ngữ đó, tức tiếng Magadhi (Ma-Kiệt-Đà), để chuyển tải những thông-điệp và lời-dạy của Phật phải là thứ ngôn-ngữ của đại đa số quần chúng thời đó, chứ không dùng tiếng Phạn vì tiếng Phạn lúc đó đã (và vẫn đang) là ngôn ngữ dành riêng cho giai cấp Bà-la-môn. Ngay cả khi đến thời hiện đại trước khi Ấn Độ được độc lập năm 1947, những đạo sư hay những ông thầy Hindu (Ấn Độ giáo) thuộc tầng lớp thượng lưu vẫn còn không muốn dạy tiếng Phạn ‘cao quý’ đó cho con em của những gia đình đạo Hindu nhưng thuộc tầng lớp thấp hèn hạ tiện ở trong các trường học.

[ Nhân tiện: Điều này cũng đã xảy ra trong cuộc đời của Tiến sĩ B.R. Ambedkar (?-1891-7/12/1956), (người đại diện và lãnh đạo lỗi lạc trong lịch sử Ấn Độ đã khởi xướng và chuyển đạo cho số đông những người thuộc giai cấp hạ-tiện ở Ấn Độ qua đạo Phật), cũng đã từng bị các thầy giáo dạy tiếng Phạn từ chối dạy tiếng Phạn cho ông, vì ông là người Hindu thuộc giai cấp hạ tiện khi còn đi học.]

Vì biết rằng đại đa số dân chúng vào thời mình không thể hiểu được tiếng Phạn, nên Đức Phật đã quyết định dùng tiếng Magadhi (Ma-kiệt-đà) làm phương tiện để giảng dạy giáo pháp. Làm như vậy mới mang lại giáo pháp và những lợi lạc cho số đông quần chúng. Vì vậy, vì lý do rất quan trọng này mà Đức Phật thậm chí có chỉ-thị chính thức như giới-cấm cho các Tỷ-kheo là họ không được chuyển dịch hay truyền dạy những lời của Phật sang tiếng Phạn, nếu ai vi phạm sẽ coi là phạm tội tác-ác (dukkata)!

(b) Saka Nirutti – “Ngôn Ngữ Riêng Của Chúng Ta”

Về sau này, học giả người Ấn Độ là tiến sĩ Mauli Chand Prasad5 đã tham luận với nhiều luận cứ đánh giá lại có ý nghĩa hơn về vấn đề bất đồng trong việc xác định ngôn ngữ được dùng bởi Đức Phật để giảng dạy giáo pháp. Theo học giả này, tiếng Magadhi (Ma-Kiệt-Đà) chính là phương ngữ hay là tiếng bản xứ thông dụng nhất được dùng để giao tiếp vào thời Đức Phật, giống tương tự như trường hợp tiếng Hindu được chọn dùng làm tiếng phổ thông của Ấn Độ ngày nay (hay tiếng Mandarin (Quan Thoại) của Trung Quốc), được đọc là: ‘nij bhasa’ (nghĩa gốc là: ngôn ngữ riêng, ngôn ngữ của riêng mình). Ông ta đã dịch chữ ‘saka nirutti’ là: ‘ngôn ngữ (riêng) của chúng ta’, và dịch lại cái chỉ-thị của Đức Phật là:

“Này các Tỷ-kheo, ta cho phép những lời dạy của Phật được học bằng ngôn ngữ (riêng) của chúng ta.” (*) ─ Có nghĩa là tiếng Ma-kiệt-đà.

Sự diễn dịch này thì giống với diễn dịch và quan điểm của Ngài Buddhaghosa và cùng lúc chứng minh cho quan điểm ngày xưa của Đức Phật (theo kinh sử) trong việc Phật đã không đồng ý với chuyện mà Tỷ-kheo Yamelu và Tỷ-kheo Tekula đã kể, tức không cho phép đưa những lời Phật dạy thành những kinh văn bằng tiếng Phạn. Vì vậy, có thể cho thấy rằng chữ ‘saka nirutti’ và ‘nij bhasa’ cũng mang cùng một nghĩa. Mặc dù trải qua quá nhiều thế hệ và thời gian thật cách xa giữa hai thời đại, cả hai chữ này đều mang một nghĩa là ‘tiếng địa phương’ hay ‘tiếng bản xứ’ được dùng như một ngôn-ngữ phổ thông nhất để giao tiếp vào mỗi thời đại của mỗi chữ.

(*) Ở đây, trong tiếng Việt chữ ‘Riêng’ là riêng của nhóm người, là của ‘chúng ta’, chứ không phải riêng của Đức Phật hay của riêng ai. Tiếng Việt cũng có thể gọi là ‘ngôn ngữ chung của chúng ta’, mặc dù chữ ‘riêng’ và ‘chung’ mang hai nghĩa gốc khác nhau. (ND).

Trích "Giáo Trình Phật Học" của Chan Khoon San
Lê Kim Kha dịch Việt