Tam Tạng Kinh Tipitaka, chứa đựng tất cả những lời dạy của Đức Phật trong suốt 45 năm Phật đi thuyết giảng, quy mô ước lượng cỡ bằng gấp 11 lần Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo. Cũng chính vì quy mô đồ sộ của Tam Tạng Kinh đã khiến cho nhiều học giả nghĩ rằng Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển lần Thứ Nhất chỉ hoàn toàn là hư cấu, do tưởng tượng mà ra, bởi vì một số lượng đồ sộ kinh văn Luật Tạng và Kinh Tạng như vậy không thể nào được ghi nhớ, tụng đọc và trùng tuyên lại như vậy. Thậm chí nhiều học giả còn ngờ vực về năng lực trí-nhớ xuất chúng của Ngài Ānanda khi Ngài có thể đọc tụng lại tất cả những lời Phật dạy trong Kinh Tạng!
Tuy nhiên, những Tỷ-kheo có "trí-nhớ phi thường" như vậy cũng vẫn được tìm thấy trong Tăng Đoàn Phật Giáo ngay trong thời đại chúng ta, để minh chứng rằng cũng có những Tỷ-kheo có trí-nhớ phi thường vào thời kết tập kinh điển tiên thân đó. Trong Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Sáu được tổ chức ở thủ đô Yangon, Miến Điện năm 1956, vị thiền sư đại đức Mingun Sayadaw Ashin Vicittasarabhivamsa đã đọc thuộc tất cả Tam Tạng Kinh Tipitaka bằng trí-nhớ của mình. Ngài có thể trả lời tất cả mọi câu hỏi liên quan đến tất cả chi tiết của Tam Tạng Kinh do vị chủ trì của ban chất vấn của hội nghị tôn giáo này là Ngài Mahasi Sayadaw Ashin Sobhana đặt ra tại Hội Đồng Kết Tập. Ngày nay, Miến Điện còn sản sinh ra nhiều Tipitakadhara sống (Tam Tạng Kinh Sư; (HV) Trì Tam Tạng Sư) là những người đã thuộc lòng và kết tập toàn bộ Tam Tạng Kinh Tipitaka vào trong trí-nhớ của mình!1
Những nghiên cứu mới đây của học giả Salomon2 cho thấy rằng không có chữ viết vào thời Đức Phật. Nhưng chữ viết đầu tiên của Ấn Độ là chữ viết Brahmi (Prakrit) và chữ viết Karosthi xuất hiện sau này vào thời đại vương triều Maurya của vua Asoka. Theo bằng chứng ghi lại của sử gia Hy Lạp, ông Megasthenes (250-290 trước CN) đã ghi rõ là: không hề có chữ viết vào thời kỳ đầu của triều đại Maurya và những nhà khoa học luôn thất bại liên tục trong nỗ lực tìm kiếm bằng chứng về chữ viết tồn tại vào thời tiền Maurya trước Vua Asoka.
Tuy vậy, những bằng chứng đó cũng vẫn chưa đủ kết luận được điều gì. Mặc dù sau đó, chữ viết đã bắt đầu được dùng để ghi chép lại những chỉ thị, lời dạy, nhưng nó không được phổ biến rộng rãi. Nền giáo dục lúc bấy giờ vẫn nhấn mạnh vào tư duy của trí-nhớ, thuộc nhiều và nhớ lâu. Vì thế, một điều rõ ràng là truyền thống truyền miệng đã tiếp tục hình thành là tập quán chính đề truyền thừa Giáo Pháp Phật Giáo. Những nhà sư vẫn bắt buộc phải thuộc nhớ Giáo Pháp ngay cả sau khi chữ viết đã ra đời và họ có khả năng ghi chép lại kinh. Chẳng hạn như cho đến tận ngày hôm nay, những tu sĩ theo Phật Giáo Nguyên Thủy ở Miến Điện vẫn có thể đọc tụng thuộc lòng những kinh điển Phật Giáo.
Mặc dù vào thời đã lâu, các trường phái bộ phái khác đã bắt đầu dùng tiếng Phạn hay pha trộn tiếng Phạn để làm ngôn ngữ truyền thừa, nhưng trường phái Trưởng Lão bộ chính thống (ngày nay được gọi là Phật Giáo Nguyên Thủy) vẫn nghiêm ngặt giữ tiếng Pali suốt từ đó đến nay. Vì thế, những tu sĩ của Trưởng Lão Bộ rất tinh thông trong việc đọc tụng kinh điển bằng tiếng Pali, cùng với khả năng thuộc nhiều nhớ lâu của họ, đây là một kỹ-năng truyền thống được nhấn mạnh và phát triển ở Ấn Độ từ thời cổ xưa đến tận sau này trong giáo dục. Nhiều nhóm tu sĩ khác nhau phụ trách việc thuộc, nhớ, và tụng đọc những phần khác nhau của Tam Tạng Kinh Tipitaka, vì vậy vấn đề sẽ không phải là quá khó khăn khi tất cả họ cùng nhau tụng đọc lại toàn bộ Tam Tạng Kinh Tipitaka bằng cách kết hợp lại khả năng thuộc nhớ của nhiều nhóm.
Trong văn học kinh điển Pali, chúng ta sẽ thấy rất nhiều từ ngữ mô tả về những tu sĩ dựa theo những phần của Tam Tạng Kinh mà những nhóm tu sĩ khác nhau đó “chuyên trì” hay thuộc, nhớ, tụng đọc, chẳng hạn như:
- 1. Suttantika: Bậc Thầy (Pháp Sư) về Kinh Tạng.
- 2. Vinaya-dhara: Bậc Thầy (Pháp Sư) về Luật Tạng.
- 3. Matika-dhara: Bậc Thầy (Pháp Sư) về matika (những đại-cương (toát-yếu, chủ-đề mẹ) của Vi Diệu Pháp Tạng).
- 4. Digha-bhanaka & Majjhima-bhanaka: Bậc Thầy (Pháp Sư) về Trường Kinh Bộ và Trung Kinh Bộ.
Điều này hoàn toàn xác minh được rằng những Tỷ-kheo bậc Trưởng Lão vào những ngày xa xưa đó đã phát triển được một hệ thống truyền thừa tập thể một cách khoa học như vậy cho nên đã có thể gìn giữ nguyên vẹn giáo điển Tam Tạng Kinh trong trí-nhớ của các Ngài. Nhiều bậc Trưởng Lão trong số đó là những A-la-hán, và theo định nghĩa của Phật, là những người “hoàn toàn trong sạch, thanh tịnh” đã không còn dính vào dục-vọng, bất-thiện, và vô-minh (không còn tham, sân, si). Và với tâm thanh tịnh, các Ngài rõ ràng càng có thêm khả năng tập trung để học, tụng, thuộc, và ghi vào trí-nhớ những Lời Dạy của Đức Phật.
Vì vậy, những thời cổ xưa đó các Ngài vẫn có thể bảo đảm rằng những Lời Dạy của Đức Phật được bảo tồn, gìn giữ một cách kiên trung để truyền thừa cho những thế hệ sau đó và cho đến tận hôm nay cho chúng ta.
Trích "Giáo Trình Phật Học" của Chan Khoon San
Lê Kim Kha dịch Việt