18 trường phái Phật Giáo “bảo thủ” theo Kinh Bộ Nikaya hình thành trong khoảng thời gian từ 100 năm đến 200 năm sau Bát-Niết-bàn của Đức Phật, tức là khoảng thời gian giữa hai lần Hội Nghị Kết Tập Kinh Điển lần thứ Hai và lần thứ Ba. Những trường phái này bị gọi là ‘Tiểu Thừa’ (Hinayana), có nghĩa là “Chiếc Xe Nhỏ” hay “trường phái nhược tiểu”, đây là chữ được dùng bởi những người theo trường phái Đại Thừa, có ý khinh khi những trường phái Phật giáo khác và đề cao trường phái của mình.
Một điều chúng ta luôn ghi nhớ rằng, Đức Phật chưa bao giờ dạy cho những học trò của mình bất cứ từ ngữ nào về xe lớn, xe nhỏ hay tiểu thừa, đại thừa gì cả. Chỉ có “Con Đường Bát Thánh Đạo” là diệt trừ sự khổ đau mà thôi. Bởi vì do tính chất tiêu cực của ý nghĩa của cái tên ‘Tiểu Thừa’ (Hinayana), chúng ta nên tránh dùng từ này khi nói về những trường phái Kinh Bộ Nikaya, tức là những trường phái Phật Giáo bảo thủ Kinh Bộ nguyên thủy vào thời cổ xưa đó. Cũng không nên dùng chữ đó (một cách sai lầm) để chỉ về trường phái Trưởng Lão Bộ (Theravada), được gọi là Phật giáo Nguyên Thủy ngày nay, ở các nước Đông Nam Á và phương Tây.
Theo những ghi chép trong cuốn Mahavamsa (Đại Sử Tích Lan), sau lần Kết tập kinh điển lần thứ Hai, các trường phái đã tách ra thành 18 bộ phái như sau:
- (1) Mahasanghika (Đại Chúng Bộ), tách ra khỏi Tăng Đoàn nguyên thủy và tạo ra hai trường phái là:
- (2) Gokulika (Kê Dận Bộ) và
- (3) Ekavyoharika (Nhất Thuyết Bộ).
Từ nhánh phái Gokulika (Kê Dận Bộ), lại sinh ra ba nhánh phái:
- (4) Pannatti (Thi Thiết Bộ),
- (5) Bahulika hay Bahussutiya (Đa Văn Bộ) và
- (6) Cetiya (Chế Đa Sơn Bộ).
Vì vậy bao gồm cả bản thân Mahasanghika (Đại Chúng Bộ) là sáu (06) bộ phái.
Từ trường phái:
- (7) Theravada (Trưởng Lão Bộ), hai nhánh phái được tách ra, đó là:
- (8) Mahimsasaka (Hóa Địa bộ) và
- (9) Vajiputtaka (Độc Tử bộ).
Sau đó, lại từ bộ phái thứ (9) Vajjīputtaka (Độc Tử bộ), lại tạo ra thêm bốn bộ phái khác là:
- (10) Dhammuttariya (Pháp Thượng bộ),
- (11) Bhaddayannika (Hiền Trụ bộ),
- (12) Channagarika (Mật Lâm Sơn bộ) và
- (13) Sammitiya (Chánh Lượng bộ).
Trong khi đó, từ bộ phái thứ (8) là Mahimsasaka (Hóa Địa bộ), lại sinh ra thêm hai nhánh phái khác nữa là:
- (14) Sabbathivada (Nhất Thiết Hữu bộ) và
- (15) Dhammagutika (Pháp Thượng bộ).
Rồi từ nhánh (14) Sabbathivada (Nhất Thiết Hữu bộ), lại sinh ra nhánh phái:
- (16) Kassapiya (Ca-diếp bộ),
Rồi sau đó nhánh phái thứ (16) (Ca-diếp bộ) lại phân chia thành những nhánh phái là:
- (17) Samkantika (Thuyết Chuyển bộ);
Rồi từ nhánh phái thứ (17) này lại sinh thêm nhánh phái:
- (18) Suttavada (Kinh Lượng bộ). (Chú Giải 3).
Theo Tiến sĩ Rhys Davids, bằng chứng ghi chép trong bộ Mahavastu (Đại Sự) của Phật giáo giải thích rằng những kinh điển chính của bộ phái Lokuttaravada (Thuyết Xuất Thế bộ, một tiểu bộ phái bắt nguồn từ trường phái Mahasanghika (Đại Chúng bộ) đầu tiên tách khỏi trường phái Theravada (Trưởng Lão bộ), có rất ít những điều khác biệt về kinh điển so với của trường phái Theravada (Trưởng Lão bộ).
Sự khác nhau nổi bật là về những vấn đề huyền thoại. Thực chất, tất cả những trường phái Phật Giáo nguyên thủy đều đặt quả vị A-la-hán làm mục-tiêu tu hành của một Phật tử đạo hạnh, chứ không phải là quả vị Bồ-tát. Tuy nhiên, những quan niệm về một A-la-hán và một số vấn đề dị biệt về giáo lý của họ, như đã nói trước đây, là ít nhiều khác nhau so với trường phái Trưởng Lão bộ Theravada, điều này đã dẫn đến việc biên soạn quyển Kathavatthu (Những Điểm Dị Biệt) do Ngài Moggaliputta Tissa làm chủ trì tại Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển lần thứ Ba.
Độc giả nên tham khảo quyển Kathavatthu (Những Điểm Dị Biệt) để thấy rõ toàn bộ những bác bỏ đối với những quan điểm dị giáo, không chính thống của nhiều nhánh phái và bộ phái khác nhau.
Trong hầu hết những trường hợp, những sự khác nhau giữa một bộ phái này và một bộ phái khác có thể là do những yếu tố khác nhau về mặt địa lý, chứ không phải là những khác nhau về vấn đề học thuyết hay giáo lý. Những khác biệt đầu tiên trước Cuộc Ly Khai Giáo Phái cho thấy những tu sĩ Phật giáo có xu hướng tách ra thành một nhóm ở miền Tây xung quanh tam giác Kosambī–Mathura–Ujjaini và nhóm miền Đông ở Vesali. Ngay trong trường phái Theravada (Trưởng Lão Bộ), trong những sự kiện xảy ra ở Hội Đồng Kết Tập thứ Hai, cho thấy rằng những tu sĩ ở miền Tây, đặc biệt là những Tỷ-kheo đến từ vùng Kosambī và Avanti chủ trì nhóm trường phái này.
Nhóm đầu tiên tách ra khỏi Trưởng Lão Bộ chính là những người Mahasanghika (Đại Chúng bộ) vẫn còn bám trụ lại ở trong và xung quanh Pataliputta (Hoa Thị Thành) như là trung tâm hoạt động của họ, trong khi đó phái Trưởng Lão Bộ (Theravada) thì trụ lại tại Avanti và bắt đầu phát triển nhanh về xuống phía Maharashtra, Andhra và xuống đến xứ Chola và Tích Lan (Ceylon).
Ngay sau kỳ Kết Tập lần thứ Hai, Mathura đã trở thành trung tâm hoạt động của trường phái Sabbathivada (Nhất Thiết Hữu bộ) và từ đó, ảnh hưởng của họ được lan truyền và phát triển khắp miền Bắc Ấn Độ, đặc biệt là ở Kashmir và Gandhara.
Những người phái Kassapiya (Ca-diếp Bộ) thực chất cũng là một nhóm những Tỷ-kheo thuộc trường phái Trưởng Lão Bộ nguyên thủy, bị tách ra khỏi bởi những người theo Sabbathivada (Nhất Thiết Hữu bộ) và sau một thời gian dài, họ vẫn giữ liên lạc với trung tâm ban đầu của họ ở Sanchi gần Bhopal.
Mở rộng nhiều nhất là bộ phái Sammitiya (Chánh Lượng bộ), họ mở rộng qua tận Avanti và Gujarat và thành lập trung tâm hoạt động ở Sindhu. Còn Lokuttaravada (Thuyết Xuất Thế bộ, một tiểu bộ phái) thì cũng mở rộng chi nhánh ra đến tận vùng Bactria xa xôi.
Hầu hết những bộ phái trong 18 bộ phái theo Kinh Bộ Nikaya đó đều không tồn tại lâu! Một số ít bộ phái thì tăng trưởng và tồn tại trong vài thế kỷ, nổi bất nhất đó là: Trưởng Lão Bộ (Theravada), Nhất Thiết Hữu Bộ (Sabbathivada), Đại Chúng Bộ (Mahasanghika), Chánh Lượng Bộ (Sammitiya), và Thuyết Xuất Thế Bộ (Lokottaravada).
Ngài Huyền Trang (Hsuan Tsang) đã chiêm bái Ấn Độ vào khoảng những năm 629-645 sau CN, đã ước lượng số lượng Tỷ-kheo ở Ấn Độ và những xứ láng giềng khoảng dưới 200 ngàn người, trong số đó khoảng ¾ thuộc 05 trường phái Kinh Bộ Nikaya nói trên và số ¼ còn lại thuộc nhóm trường phái Đại Thừa.
Cuối cùng, phái Đại Thừa đã mở rộng từ nguồn gốc phía Nam về phía Bắc và Đông Ấn Độ, đến những vùng Trung Á và Trung Hoa, lấn lướt hơn những trường phái Kinh Bộ Nikaya nguyên thủy.
Trong 05 trường phái phái Kinh Bộ Nikaya còn lại, như đã nói trên, thì trường phái Theravada (Trưởng Lão bộ) đã được thành lập và phát triển ở Tích-Lan (Sri Lanka) và Miến Điện (Burma), và nhờ đó đã được tồn tại cho đến tận ngày hôm nay, sau khi Phật giáo đã gần như đã bị biến mất khỏi Ấn Độ sau cuộc tàn sát của Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ thứ 12 sau CN.
Trích "Giáo Trình Phật Học" của Chan Khoon San
Lê Kim Kha dịch Việt